Thứ Bảy vừa qua là ngày giỗ Hùng. Tính ra, năm 1972, năm Hùng qua đời, đến nay là 47 năm, gần nửa thế kỷ. Còn 3 năm nữa là đúng nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ, một kiếp người lính đã khuất.
Sau khi Hùng tử trận thì vợ Hùng tái giá – Điều đó dễ hiểu, cũng không ai trách cứ gì đâu. Cô ta còn trẻ, cũng chẳng có con cái chi với chồng, và cũng cần đi tìm tương lại. Phong tục như ngày xưa, người vợ cũng chỉ để tang chồng 3 năm là coi như xong. Huống chi đời bây giờ, xã hội “văn minh, cởi mở” hơn; đâu còn ràng buộc người còn lại như xã hội cổ hủ như ngày xưa.
Vả lại, trước khi qua đời, vợ chồng Hùng không còn sống chung vì lý do nào đó mà tôi không tìm hiểu – đời của Hùng mà – Có một lần tôi nói: “Coi lại thì cũng tội nghiệp cho nhà bác Cơ – tên ba vợ Hùng. Con trai lớn thì tử trận, con gái lớn chồng bỏ. Gia đình gặp nhiều chuyện không vui.” Con trai lớn là anh Đỗ Cơ Danh, khóa 20 Võ Bị, cố đại úy Biệt Động Quân, tử trận ở Rừng Sát, sau khi Chiếu Ánh – tên vợ Hùng lấy chồng chưa được một năm.
Điều đáng buồn là sau khi đến Mỹ một thời gian, anh Tố, một người bạn của Hùng hồi còn học ở Võ Bị, báo cho tôi biết vợ cũ của Hùng cũng đã đến định cư tại thành phố tôi đang ở. Tôi cùng vợ tôi tìm thăm. Được ít lâu, nhân dịp giỗ Hùng, chúng tôi có mời Chiếu Ánh tới dự. Cô ta không tới và lơ là mỗi khi chúng tôi cố giữ mối quan hệ. Nhà tôi ngạc nhiên lắm, mà tôi cũng không hiểu lý do.
Trước khi mất, Hùng có một “em gái hậu phương”. Chi –tên cô ta – cũng có về Huế dự đám tang Hùng, bụng mang bầu. Sau đó, chị Tư tôi đem Chi về nuôi, lo cho Chi đến ngày sinh xong một bé gái. Châu, con gái lớn chị Tư tôi đặt tên bé gái mới sinh là Cathy. Rồi Chi cũng đi lấy chồng. Sau 1975, đời sống khó khăn, mối quan hệ gia tộc cũng phai nhạt dần. Khi tôi đi tù cải tạo về thì coi như anh chị em mỗi người một ngã. Tôi với nhà tôi có đi thăm Chiếu Ánh, Chi nhưng mối quan hệ không thường xuyên và cũng không bền. Đời thật đáng buồn!
Mấy năm tôi ở trong tù, chị Tư tôi lo giỗ cho Hùng. Lo giỗ có nghĩa là nhờ chùa làm một lễ cầu siêu, với chùa làm một mâm cơm chay cúng cho người quá cố. Vậy thôi, khó khăn của cuộc sống không cho phép chị Tư tôi làm hơn được gì.
Mấy năm nay, tôi lo việc kỵ giỗ cho người chết: cha mẹ anh em… cẩn trọng hơn, cũng như tôi lo giỗ cho nhà tôi vậy. Lễ giỗ tổ chức tại nhà, mời thân nhân hay bạn bè tới dự, theo đúng phong tục cổ truyền của người Việt Nam.
Ngày giỗ Hùng vừa rồi nhằm ngày Thứ Bảy. Mấy hôm trước đó, tôi đã dặn con gái lớn lo chuẩn bị cúng quảy cho Hùng. Vậy mà tối Thứ Sáu, lúc 3 gìờ sáng, tỉnh giấc, tôi không ngủ lại được. Thương thân mình cô đơn trong gian nhà vắng thì không, nhưng thương cha, nhớ mẹ, anh chị, thương vợ, thương những người trong gia dình đã quá vãng thì nhiều lắm. Vì là ngày giỗ Hùng nên thương Hùng, nhớ những kỷ niệm anh em với nhau thời thơ ấu, thời niên thiếu, nói sao cho hết.
Nhớ những kỷ niệm với Hùng là nhớ sông Thạch Hãn, sông Thạch Hãn về mùa Hè chớ mùa Đông, gió Bấc lạnh lùng thì có gì vui đâu.
Năm 1972, khi tái chiếm cổ thành Qủng Trị, Hùng tình nguyện đi đầu. Hùng nói với cấp chỉ huy: “Tui tắm sông Thạch Hãn từ lúc ba tuổi, biết từng cục đất, cục đá. Cho tui đi đầu.”
Nói như thế là Hùng nói thật đấy. Sông Thạch Hãn là của Hùng, hay Hùng là của sông Thạch Hãn cũng vậy thôi. Mùa Hè, sông cạn xợt, chúng tôi lội qua bên kia sông – làng ngoại tôi – để vui chơi là việc rất thường, gần như hằng ngày. Đến mùa lũ, nước sông lên cao và chảy xiết, mới hết lội qua sông. Các bãi cát hai bên sông là “sân bóng đá” của bọn Hùng – Hùng và các bạn – từ khi đá chân đất, banh bưởi, cho đến khi lớn lên, có giày và bóng da như người lớn.
Từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, nghĩa là từ thế hệ tôi cho đến bọn Hùng và các lớp sau nữa, không thiếu ai thường ra nằm trên những bãi cỏ bên bờ sông, để nghe hàng dương liễu bên bờ sông réo rắt triền miên những lời kêu gọi đi xa từ dãy Trường Sơn ngóng về hay biển Đông Hải nhắc lại.
Vậy rồi chúng tôi, trai cũng như gái, lần lượt bỏ quê hương mà đi hết. Cái sân ga nhỏ bé của thành phố Quảng Trị thành nơi đưa tiễn những đứa đi tuốt về phương Nam. Có đứa trở về và cũng nhiều đứa không về. Còn như Hùng thì về đấy. Năm 1972, Hùng về cùng Tiểu Đoàn 11 Dù của Hùng, và Hùng hy sinh tại đó, cách cái ga xe lửa, nơi Hùng chia tay cùng bạn bè chưa đầy hai trăm mét.
Bởi Mùa Hè Quảng Trị và tuổi trẻ của anh em chúng tôi, cùng bạn bè nên nhiều khi tôi đau lòng mà nghe “Đưa em vào hạ”:
“Quê hương đau, nắng Hạ cũng buồn,
Nước sông ngăn đôi sơn hà,
Còn gì em? Còn gì đâu?!
Mùa Hạ quan mau!
Đi nữa đi anh!
Chỉ còn quê hương mịt mùng!
Và còn tôi ở đây, mỗi năm làm giỗ cho Hùng và nhớ về Thạch Hãn, dòng sông lịch sử đau thương của Dân Tộc và quê hương thời thơ ấu của chúng tôi./
hoanglonghải
Đã xem 799 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments