Phần 1
(bây giờ trong nước gọi là Văn Học Dân Gian)
Văn chương nước ta có hai phần khác nhau, một phần gọi là Văn Chương Bác Học, gồm những tác phẩm văn chương như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, (tác phẩm tiểu thuyết ?), Hà Thành Chính Khí Ca (tác phẩm lịch sử ?)… do những nhà bác học - có học - như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều… soạn ra.
Bên cạnh đó, tiến hành song song với Văn Chương Bác Học, - có khi xuất hiện trước cả Văn Chương Bác Học - là những “Chuyện Thần Thoại” - như chuyện “Thần núi Tản Viên”, “Chuyện Cổ Tích” - như chuyện Phù Đổng Thiên Vương - Cổ tích lịch sử - Ca dao, Tục ngữ thuộc vào loại “Văn Chương Bình Dân” - là do người Bình Dân - không có học (chữ) hay học hành ít, soạn ra - do nhu cầu đời sống mà phát sinh - hay như bây giờ trong nước gọi là Văn Học Dân Gian, là vì nguồn gốc của nó là từ Dân Gian. Danh từ trước - Bình Dân - là đã có từ xưa, trước 1945, còn danh từ sau - Dân Gian -, được dùng trong vùng Cộng Sản cai trị. Ai đúng, ai sai, xin bàn sau, bây giờ nói chuyện cần hơn.
Thông thường, nội dung Văn Chương Bình Dân được chia làm bốn phần, có dựa chút ít vào thời điểm xuất hiện? Phần trước nhứt là
1/- Truyện Thần Thoại - phần nhiều là hư cấu, huyền hoặc, có tính hữu thần, ma quỉ. Đó là những chuyện như “Một mẹ trăm con” (tức chuyện Lạc Long Quân với bà Âu Cơ - truyện nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam) - Trường Ca Đam-San - truyện thần thoại của người miền núi Việt Nam. Truyện nầy do giáo sư Nguyễn Đổng Chi (NĐC) sưu tầm ra, tứ trước 1945, sau được ông Hoàng Trọng Miên (HTM) đăng lại trong tác phẩm của ông: Văn Chương Bình Dân Việt Nam - cuốn 1: Truyện Thần Thoại (1), cuốn 2: Truyện Cổ Tích.
2/- Truyện Cổ Tích có phần cổ tích lich sử như truyện Thánh Gióng, truyện Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, truyện Tấm Cám, truyện Cây Tre Trăm Mắt…
Thứ 3/- là Ca Dao.
Thứ 4/- là tục ngữ.
Tôi làm nghề dạy Văn Chương Bình Dân cho học sinh lớp Đệ Tam (lớp 10 bây giờ) mười năm. Mỗi năm dạy 3 lớp hay 4 lớp. Như vậy tôi “nhai đi, nhai lại” món ăn văn chương nầy tính ra là bao nhiêu lần? Có ngu lắm, tôi cũng phải nhớ, phải thuộc ít nhiều. Vì vậy, bây giờ, tôi có nói hươu nói vượn gì, xin độc giả biết cho rằng tôi cũng còn nhớ chút ít đấy, mặc dù tôi “bỏ cục phấn, cầm cây súng” từ sau Tết Mậu Thân, nay cũng trên nửa thế kỷ rồi.
Huống chi tôi cũng là người “mê sách”, đọc cũng nhiều, nhớ chút chút, nay nhớ lại viêc đi dạy, cái điều “thắc mắc” hồi ấy, nay vẫn còn, mà không nói thì không được. “Để riêng tây như có chỗ không đành” vậy.
Sách tôi dùng để dạy học trò hồi ấy, thường nhứt là cuốn “Văn Chương Bình Dân” của linh mục Thanh Lãng (Đinh Xuân Nguyên). Tác phẩm nầy là “Luận án tiến sĩ” của ông khi linh mục học bên Tây. Thứ đến là cuốn của ông Hoàng Trọng Miên với một số sách rải rác khác của các tác giả khác Thuần Phong Ngô Văn Phát, Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc.. Sách cổ thì có “Lĩnh nam trích quái”, “Truyên kỳ mạn lục”, “Viêt điện u linh tập”… dùng để nghiên cứu thêm một phần, phần khác là vì Giáo Sư Lê Hữu Mục có dạy ở Văn Khoa (Huế).
Nhìn chung, các tác giả trên, hầu hết, bỏ qua hai phần rất quan trọng trong Văn Chương Bình Dân. Thứ nhứt là phần người dân thường gọi là “Tứ bất tử” và phần ca nhạc trong lãnh vực văn học nói trên. Nay tôi xin nói qua về phần “Tứ bất tử” rồi sẽ nói về phần ca nhạc sau.
Tứ bất tử là gì?
Phần 2
Tồn vong của người Việt
Tinh thần Tứ Bất Tử
Giải thích vài điều
Mới đây trên đài truyền hình Nguoiviet.TV, nhà báo Đinh Quang Anh Thái phỏng vấn Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa, có bàn câu chuyện về bản sắc dân tộc Việt, than phiền rằng chúng ta không có những công trình gì cụ thể để chứng minh văn hóa người Việt Nam khác với văn hóa của Tầu. Người ngoại quốc khi nhìn chung thường thấy văn hóa người Việt cũng na ná như văn hóa Tầu, có gì khác lạ đâu!
Thật ra, về mặt nầy, chúng ta có khác Tầu, có “cái riêng” của dân tộc mình chớ không phải cái gì cũng giống Tầu. Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa đưa ra một thí dụ, như khi phái đoàn vua Quang Trung (giả) đi sứ Tầu, sau khi Tôn Sĩ Nghị vượt cầu phao trên sông Hồng chạy về Bắc mà không dám ngó lui, thì phái đoàn nầy có một đoàn vũ sang múa cho vua nhà Thanh coi, cùng với “điệu hát Nam” của họ. “Điệu hát Nam” chỉ là điều nghe nói, chớ nay không còn dấu tích tích gì trong văn nghệ cổ truyền. Không lý sự trả thù của Gia Long đối với nhà Tây Sơn “triệt để” đến vậy hay sao, hay bởi cha ông chúng ta “lơ là” với cái gì là của ta và quá “nô lệ” vào văn hóa Hán tộc.
Cũng trong buổi nói chuyện đó, nhà báo Đinh Quang Anh Thái kể lại câu chuyện năm 1973, có một đoàn sinh viên Nhật đến thăm Việt Nam. Sinh viên Saigon hồi bấy giờ có thảo luận với Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cụ Mai Thọ Truyền nên trình bày một cái gì đó về văn hóa Việt Nam cho sinh viên Nhật coi. Cuối cùng, họ tìm được một ông trung úy, quê ở Bình Định, biết biểu diễn “trống trận Quang Trung”. Từ chiến trường, ông trung úy được gọi về Saigon, chuẩn bị, tập dượt trở lại, để biểu diễn một màn trống trận đã đóng góp ít nhiều vào chiến thắng của vua Quang Trung vào mùa năm Xuân Kỷ Dậu ấy.
Nói cho công bằng, chín năm dưới chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm, công trình xây dựng của tổng thống không phải ít, về và hai mặt văn lẫn võ, cũng như kinh tế, xã hội… Nhưng sự độc tài hạn chế không ít khả năng của một ông tổng thống xuất thân từ giới quan trường của chế độ quân chủ; cũng như sự ra đi của ông cũng sớm. Sau “ba năm xáo trộn”, sau cái chết của anh em Diệm Nhu, chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa khá “bận bịu” với những cuộc chiến lớn. Cầm quyền chưa bao lâu, tổng thống miền Nam đụng ngay với “trận đánh Tết Mậu Thân”, hai ba năm sau là những cuộc hành quân vượt biên giới, tấn công ngay vào sào huyệt kẻ thù, và “Mùa Hè Đỏ Lửa” cũng chưa đầy hai năm sau cuộc chiến trước. Và 30 tháng Tư…
Dù ngân sách có dồi dào chăng nữa, với tình hình chiến sự thời kỳ ấy, tổng thống Thiệu chưa chắc làm được gì nhiều hơn.
Thật ra, trong sinh hoạt văn học nước ta, từ trước 1945, đã có nhiều tác phẩm bàn về văn hóa Việt của nhiều tác giả danh tiếng như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Toan Ánh…, và sau khi nền Cọng Hòa Miền Nam Thứ Nhất thành lập, miền Nam có những tác phẩm lẻ tẻ bàn về văn hóa, hầu hết là của các giáo sư dạy ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Còn như đòi hỏi có một tác phẩm nghiên cứu rộng lớn, toàn bộ, có “tầm cỡ” như yêu cầu của hai vị nói trên thì quả thật chưa có.
Đối với chế độ Hà Nội hiện nay, chúng ta không khỏi thất vọng, bởi vì, văn hóa, nhìn dưới lăng kính “duy vật biện chứng” và “ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin” thì nó chẳng sáng sủa chút nào, nó mang đầy màu sắc, thiên kiến,định kiến… khiến chúng ta không hy vọng, cái gì đó có thể là cái có giá trị.
Bài tôi viết sau đây, cũng không ngoài việc nêu lên vài ý kiến, sự kiện thờ phụng “Tứ Bất Tử”. Nó vừa có tính cách văn hóa Việt - khác biệt với văn hóa Tầu - vừa có tính cách tôn giáo, một tôn giáo đặc biệt của người Việt Nam, không mang tính chất “ngoại lai” như các tôn giáo khác, đang lan truyền hiện nay trong đa số người Việt, trong nước cũng như hải ngoại.
Viết lại “Tứ Bất Tử”, cũng là làm cho tôi bớt băn khoăn, bởi vì cũng cách đây ít lâu, khi nói chuyện về phong thủy Việt Nam, vùng đất Bắc Hà và Thăng Long trên đài SBTN Boston với ông giám đốc Hà Văn Tải với nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi có nói về các vị thần Việt Nam nầy mà chưa nói hết, tôi chưa nói được cái tinh thần Việt Nam trong các vị “Tứ Bất Tử”./
Từ ngàn xưa, người Việt Nam, nhất là ở phía Bắc, rất cẩn trọng, tôn kính và gìn giữ việc thờ phụng “Tứ Bất Tử”. Chỉ trong những năm Cộng Sản cai trị miền Bắc, với chủ trưởng bài bác, đã phá “phong kiến”, bài trừ mê tín dị đoan, việc thờ phụng nầy không còn được duy trì như trước. Tuy nhiên, sau cái gọi là “cởi trói, đổi mới”, việc thờ phụng thần thánh, trong phạm vi “toàn quốc” hay các làng mạc lại được phục hồi. Việc nầy có tính cách thu hút du khách, thương mãi nhiều hơn là duy trì truyền thống thờ phụng tâm linh của người Việt, làm sai lạc ý nghĩa truyền thống thờ phượng của dân tộc.
Trong viễn tượng đó, việc tìm hiểu ý nghĩa “Tứ Bất Tử” là cần thiết, vì nó phục hồi tinh thần xây dựng và bảo vệ đất nước của tổ tiên người Việt Nam. “Tứ Bất Tử” là những vị thần nào, biểu tượng cho cái gì và tại sao người Việt Nam lại tôn kính thờ phụng như thế.
Bốn vị thần được gọi là “Tứ Bất Tử” gồm có:
1/-Thần núi Tản Viên.
2/-Phù Đổng Thiên Vương.
3/-Chử Đồng Tử và Tiên Dung
4/-Bà Chúa Liễu Hạnh
Thần núi Tản Viên.
Dĩ nhiên, vì là truyện cổ tích nên có nhiều câu chuyện về thần núi Tản Viên, tuy nhiên, theo truyền thống và tín ngưỡng, thần núi Tản Viên là Sơn Tinh. Sơn Tinh chính là nhân vật thắng lợi trong cuộc chiến đấu tranh giành Mỵ Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 18 giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Sau khi Sơn Tinh đem Mỵ Nương lên núi, Thủy Tinh tức giận bèn dâng nước lên đánh Sơn Tinh đến ba lần nhưng phải thua. Việc Thủy Tinh dâng nước lên cao, là có giải thích về những cơn lụt hàng năm của sông Nhĩ Hà. Việc ba lần dâng nước lên cao, khiến Sơn Tinh cũng cho núi lên cao tới ba lần, nên núi Tản Viên, phía trên có hình dáng như cái lọng (tản), và núi có ba đền thờ ở ba bậc khác nhau, có ba đền thờ cao thấp khác nhau, gọi là Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng.
Thần núi Tản Viên là vị thần của Dân Tộc, Tổ Quốc Việt Nam. Đó không chỉ là ý kiến của Nguyễn Trãi mà chính là sự tôn kính của các vua đời sau:
Trưng Nữ Vương (Bà Trưng Trắc) sắc phong thần núi Tản Viên là: “Tản Viên Sơn Quốc Chúa Đại Vương Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293) sắc phong ngài là “Hữu Thánh Hưng Quốc Hiển Ứng Vương”. Vua Tự Đức (1883) phong Ngài là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần.”
Vì là vị thần của Dân Tộc nên thần luôn luôn ở trong lòng dân tộc, sống với dân tộc và hiển linh cùng dân tộc, xây dựng đất nước và chống xâm lược.
Phù Đổng Thiên Vương.
Phù Đổng Thiên Vương chính là cậu bé ở làng Phù Đổng.
Sử chép:
“Đời vua Hùng Vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hùng mạnh lắm, không ai đánh nỗi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đỗng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên thành người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương. Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng giỏi, đánh được giặc, về sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng tám tháng tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng. (trích Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim)
Truyện Phù Đổng Thiên Vương chỉ là một truyền kỳ, trong “Văn Chương Bình Dân” của người Việt Nam, các nhà phê bình văn học như Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đổng Chi… phân loại là “truyện thần thoại”.
Truyện chỉ có tính cách biểu tượng về cá tính, tâm tình và sức manh của người Việt Nam. Dân tộc ta là một “dân tộc nông nghiệp”, tức là sống bằng nghề nông, cày cấy giữa khoảng trời cao đất rộng, bằng phẳng, núi non đồng ruộng đẹp đẽ, mưa thuận gió hòa, tính tình hiền hòa, cần cù và chăm lo đời sống. Tuy vậy, người Việt Nam có tinh thần yêu nước sâu sắc và đậm đà. Người dân trong một nước, một xứ sở ít ưa sự cạnh tranh chém giết lẫn nhau, nhưng khi có họa xâm lăng thì họ hết lòng phò vua giết giặc, giữ gìn bờ cõi. Ở Hội nghị Diên Hồng các bô lão đồng thanh chống giặc Mông Cổ. Tinh thần đó đã làm cho người Việt ba lần đánh bại quân Mông Cổ. Cũng chính thần đó giúp Lê Lợi “mười năm bình định giặc Minh”, và cũng chính tinh thần đó, giúp vua Quang Trung chiêu mộ, gia tăng quân đội một cách mau lẹ, chỉ với hơn mười vạn quân Tây Sơn đánh bại hai mươi chín vạn quân Thanh, một đạo quân đông ba lần hơn.
“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, huống chi người trẻ. Đối với người Việt Nam, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, khi có xâm lăng là toàn dân đánh giặc. Tinh thần chống giặc lớn nhanh như gió bão, ai cũng đánh giặc, ai cũng là “lính”. Quân đội lớn nhanh như Phù Đổng.
Chử Đồng Tử và Tiên Dung
Chuyện kể:
“Vua Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Vào một ngày đẹp trời, nàng cho thuyền dạo chơi dọc sông Hồng, lúc đó Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát.
Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai thị nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Tr ước ng ười con gái có thân thể ngọc ngà, Chử sợ hãi định chạy trốn nhưng Tiên Dung ngẫm thấy là duyên trời định bèn nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”, liền đó nàng truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.
“Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hóa trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến vợ chồng nầy, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử, sau đó Chử và Tiên Dung đi khắp vùng Khoái Châu dùng phép thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ…
Sau kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua rằng vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, vua Hùng sai quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ.
“Cảm động tr ước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và Trung du Bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng.
“Công chúa Hồng Vân
“Hồng Vân công chúa tên thường gọi là Tây Nương, hay Tây Sa (có tài liệu gọi là nàng Nguyễn). Bà sinh ra trong một gia đình nông dân, đức độ, hiền lành tại làng Đông Miên, huyện Chu Diên (tức thôn Đông Kim, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hiện nay).
“Tương truyền một đêm nọ mẹ bà mộng thấy một con chim xanh lớn bay vào màn, rồi hóa thành người con gái đẹp. Tiếp đó, một người đàn bà xuất hiện ngoài màn, tự xưng là Tây Cung Vương Mẫu từ thiên đình giáng xuống, đem con xuống gửi nhà người cõi trần trong 3 kỷ (36 năm). Từ đó bà thụ thai, đến ngày mùng 10/2 âm lịch hạ sinh con gái, đặt tên là Tây Nương. Tây Nương lớn lên có sắc đẹp lạ thường chim sa, cá lặn, hoa tủi, trăng hờn.
Chuyện tình duyên giữa Hồng Vân công chúa và đức thánh Chử Đồng Tử được ghi lại như sau: “Trong một chuyến đi chữa bệnh cho người dân, đức thánh và công chúa Tiên Dung gặp Tây Nương đang cắt lúa bên đường bèn tới hỏi chuyện. Thấy nàng có sắc đẹp lạ thường, hiền lành mà đối đáp trôi chảy, Tiên Dung tỏ ra mến phục và kết nghĩa chị em”. Sau cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp của ba người, Tây Nương đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử.
Cũng năm đó, vua Hùng cha của công chúa Tiên Dung ốm nặng, không ngự y nào chữa khỏi được. Biết Tây Nương giỏi về chữa bệnh, Tiên Dung nhờ nàng vào cung chữa cho vua cha. Sau khi vua Hùng khỏi bệnh định mang vàng bạc, châu báu ra tạ ơn, nhưng nàng không nhận mà trở về chung sống với Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tiếp tục chữa bệnh cứu dân.
“Sau sự kiện Tam vị đồng thăng, vua Hùng đã xa giá đến nơi để xem xét. Khi đó, vua nhìn lên trời thấy có người con gái cưởi hạc trắng bay đến, tự xưng là Tây Cung Vương Nữ, vâng mệnh Chử Đồng Tử - Tiên Dung đến tạ phụ vương và xin thứ tội các con. Vua nhận ra đây chính là người chữa khỏi bệnh cho mình lúc trước. Ngài vô cùng hối hận và xúc động và đã phong cho Tây Nương là “Nội trạch Tây cung Tiên nữ - Hồng Vân công chúa”. Để tỏ lòng nhớ ơn công ơn của ba vị, dân làng trong vùng và nhiều nơi khác đã lập đền thờ. (Theo Wikipedia)
Câu chuyện có nhiều ý nghĩa rất hay:
Người ta có nhiều thứ tự do: Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do đi lại… Nhưng có phải tự do hôn nhân là thứ tự do quan trọng nhất? Việc hôn nhân thường bị ràng buộc, cấm cản… ngay từ trong gia đình, không phải như các thứ tự do khác, do xã hội hay chính quyền.
Công chúa Tiên Dung dùng ngay cái tự do đó, khi bà còn trẻ, tự mình chọn người và kết hôn, không hỏi (tham khảo ý kiến) với cha - không chỉ là cha mà còn là vua - mà tự bà quyết định, và kết hôn ngay nơi gặp Chử Đồng Tử. Sự can đảm như bà là, nói theo thông tục, là “gan trời”. So với “Nữ Thần Tự Do” ở cửa cảng Nữu Ước, bà còn “to gan” hơn nhiều, bởi vì sự quyết định của bà khi tự ý kết hôn với người bà yêu, mà bà cho là do Trời định, là sự quyết định bất chấp: cha mẹ và cả vua.
Thứ hai là tính “bình đẳng” trong hôn nhân, không phân biệt giàu nghèo hay giai tầng xã hội. Chử Đồng Tử vừa nghèo, lại con nhà thuyền chài, so với Công Chúa Tiên Dung, sự cách biệt rất xa.
Khồng về được với gia đình, bà và chồng tự “xây dựng” cho đời sống của hai người, xây dựng cho mình mà cũng cho xã hội: thành lập một cộng đồng thương mãi làm cho xứ sở phát triển, giàu có… với ý thức của “người nước Nam” mà coi như chống lại quan điểm về xã hội, giai cấp của người Tầu ở phương Bắc.
Người Tầu, theo quan điểm xã hội của họ là sĩ, nông, công, thương. Thương đứng hạng chót trong bốn giai tầng xã hội. Trong khi đó, Chử Đồng Tử và Tiên Dung xây dựng xã hội bằng thương mãi la hàng đầu. Sự buôn bán của hai vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung không chỉ quanh quẩn ở địa phương mà còn phát triển xa rộng ra, khỏi xứ sở của mình. Cũng nhờ đó nên Chử Đồng Tử gặp Tiên và mở ra con đường mới để hai vợ chồng lên cõi Tiên.
Dù thành công, Chử Đồng Tử và Tiên Dung không vượt ra ngoài tinh thần kỷ luật quốc gia. Họ không chống lại vua, dù đó là vua cha hay không, khi nhà vua cho quân đến đánh dẹp.
Toàn bộ câu chuyện mang đậm nét về lòng nhân đạo: Giúp đỡ người nghèo và bệnh tật…
Bà Chúa Liễu Hạnh, người Mẹ dân tộc
“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”
Ngày 20 tháng Tám âm lịch hằng năm là ngày giỗ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Người Việt Nam coi ngày đó là ngày “giỗ Cha”. Ngày 3 tháng Ba là ngày “Hội Phủ Dầy” (Giầy) là ngày giỗ “Bà Chúa Liễu Hạnh”, ngày giỗ người Mẹ của dân tộc Việt Nam.
Bà chúa Liễu Hạnh là con gái nhà Trời. Bà xuống trần gian, không phải “làm bể chén ngọc” trên Thiên Đình, bị ông Trời “đày xuống” dân gian mà việc bà xuống làm con gái ở hạ giới Việt Nam là vì Trời thưởng công cho đôi vợ chồng Việt Nam “ăn hiền ở lành”, “tu nhân tích đức”.
Khi xuống trần gian, bà sống như một người Việt Nam bình thường, hiếu hạnh với cha mẹ, chăm sóc chồng con, thương xót đồng loại. Sau khi làm tròn nhiệm vụ người con thảo hiếu, người vợ trung trinh đoan chính, người mẹ thương yêu đùm bọc con, nhân ái với mọi nguời, bà trở về Trời.
Nhưng vì lòng thương con, nhớ chồng, công chúa Liễu Hạnh lại xuống trần, tất cả trước sau là ba lần.
Bà Chúa Liễu Hạnh, được thờ phụng nhiều nơi trên nước Việt Nam, ở phía Nam Định, ở Thanh Hóa, ở Huế, ở Saigon và cả Nam Phần, dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều được coi là “bà mẹ của dân tộc Việt Nam”.
Ở Huế, kể từ năm 1954, sau khi hòa bình tái lập, bà Chúa Liễu Hạnh được thờ ở “Điện Hòn Chén” - Đền Ngọc Trản, ở núi Ngọc Trản. Nguyên đền thờ nầy người Chàm thờ thần nữ PolNagar (thánh Mẫu) Thiên Y ANA, trước khi bà Chúc Liễu Hạnh được thờ ở đây, được gọi là “Thiên Tiên Thánh Giáo”, được đông đảo người Huế tín ngưỡng, nhất là giới bình dân.
Do truyền thuyết, sự tích bà Chúa Liễu Hạnh về sau pha trộn với nhiều yếu tố Phật giáo. Vì là chuyện thần thoại, việc pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng là điều không thể tránh được.
Nhìn chung, việc thờ phụng các vị thần Tứ Bất Tử ngày nay tuy được phục hồi mạnh mẽ hơn trước, nhưng chỉ ở trong dân chúng, bởi lẽ chính quyền ngày nay, ở Việt Nam theo chủ nghĩa duy vật vô thần, có chính sách chèn ép, đàn áp và tiêu diệt tôn giáo, bằng phương cách lâu dài “tre già măng (không) mọc”. Bên cạnh đó, chính quyền dù có giúp đỡ, chiếu cố các ngày lễ cổ truyền ở toàn bộ đất nước hay tại các làng xã, cũng chỉ nhắm vào lãnh vực du lịch, gợi trí tò mò của du khách để mưu tìm lợi nhuận mà thôi. Mục đích nầy mâu thuẫn và trái ngược với tinh thần tôn trọng tín ngưỡng trong dân chúng.
Tôn giáo của người Việt Nam
Thông thường, người ta cho rằng người Việt Nam theo đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão; có khi theo cả ba, như thường gọi là “Tam giáo đồng nguyên”. Từ khi người Tây phương sang nước ta, mấy ông cố đạo rao giảng đạo Thiên Chúa, cũng có người theo; ban đầu thì không bao nhiêu, nhưng từ khi tàu sắt súng đồng, cấu kết với áo chùng đen để Tây cai trị nước ta, nhờ sức mạnh của Tây mà đạo Thiên Chúa phát triển mạnh lên.
Khi ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, với ý đồ làm giảm thiểu tín đồ đạo Phật thì trong lý lịch người dân, chính quyền đặt tên một đạo mới, gọi là đạo thờ ông bà. Sự ấu trĩ nầy của chính quyền Diệm, có dịp sẽ bàn sau.
Trong tam giáo, đạo Khổng (Nho) và nhất là đạo Lão, là đạo của giai tầng trí thức, vì triết lý cao siêu của nó, không phải ai cũng hiểu được. Các triều đại vua chúa, nhất là triều Nguyễn, quảng bá tích cực cho đạo Nho, nhất là Tống Nho, mục đích là để bảo vệ và củng cố ngai vàng. Đạo Phật, mang tính chất “bình Dân” hơn, phổ quát trong dân chúng, khắp thành thị thôn quê. Ở kinh đô Huế xưa, vua quan tín ngưỡng tích cực đạo Phật. Kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Pháp (1946-54), đạo Phật được phục hưng, một là vì hòa bình, hai là vì chính sách kềm kẹp đạo Phật của chính quyền cũng bớt đi. Người ta phân biêt hai tầng lớp Phật tử: Những người chăm đi chùa vào những ngày vọng, ngày sóc, những ngầy đầu hay giữa tháng âm lịch thì gọi là Phật tử thuần thành; những người chỉ đi chùa vào những ngày lễ Phật thì gọi là Phật tử truyền thống. Truyền thống vì cha mẹ tổ tiên họ ngày trước theo Phật thì nay họ cũng đi chùa, như một truyền hống của gia đình.
Tuy nhiên, trong đời sống dân chúng, việc thờ lạy tín ngưỡng, người Việt Nam thờ đa thần, không thờ một mình chúa Giê-Su như trong đạo Thiên Chúa, không chỉ thờ Phật mà còn thờ các vị Thánh. Các vị thánh đó là các vị anh hùng, liệt nữ dân tộc, có công lớn với đất nước, giữ gìn đất nước, chống xâm lăng, như thờ Hai Bà Trưng, Hưng Đạo Đại Vương, các vị thần Tứ Bất Tử. Đó là trong phạm vi toàn quốc. Trong phạm vi làng xã, người dân quê Việt Nam còn thờ Thành Hoàng, có công “lập làng” và các vị có công xây dựng làng, được “sắc phong”.
Trong cách thờ phượng ở các đền đài, việc thờ các vị thánh, còn trọng vọng hơn cả thờ Phật, như tại đền Ngọc Sơn ở Hà Nội chẳng hạn.
Sau đây là một đoạn trích trong cuốn “Brother Enemy” của nhà báo gốc Ấn Độ Nayan Chanda. Ông từng đến Việt Nam làm phóng viên cho tuần báo “Asia - Week” trước và sau tháng Tư/ 1975:
“Trong thời gian thăm viếng Bắc Việt Nam hồi tháng 10/ 1972, học giả Mỹ George Kahin tò mò khám phá ra sự tự do tôn giáo có mức độ. Sau khi quan sát một đám đông người ngoan đạo ở nhà thờ chánh tòa Hà Nội, người tùy tùng Việt Nam của ông hỏi: “Ông có muốn xem vài điểm về tôn giáo của chúng tôi không?”
Kahin nhận lời mời nên được đưa đi xem một ngôi đền giữa hồ Hoàn Kiếm. Tại đền này có ba bàn thờ: Một thờ Phật, một thờ Thủy Thần (a) và giữa thì thờ Đức Trần Hưng Đạo, một vị tướng đánh bại (3 lần - nd) quân Mông cổ hồi thế kỷ thứ 13. Do yêu cầu, Kahin tìm thấy ở Hà Nội có khoảng 6 ngôi đền người Việt Nam dùng để thờ lạy các vị nam nữ anh hùng như Lê Lợi, hai bà Trưng, những người đã chống lại Trung Hoa xâm lược.
(hoànglonghải dịch, tự in nghiêng và gạch ở dưới)
(a)-Thần Tháp Rùa, giúp Lê Lợi đánh quân Minh)
Theo cách nghĩ thông thường thì thờ Phật là chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ; thờ Khổng hay Lão là văn hóa Trung Hoa, thờ chúa Giê Su là văn hóa Trung Đông.
Ban đầu, đọc đoạn trên, tôi thấy “chướng”. Tại sao thờ Đức Thánh Trần ở giữa, - chỗ tôn trông nhứt, mà lại thờ Phật một bên? Suy nghĩ lại lịch sử dân tộc, tôi thấy rằng ông cha chúng ta đã làm đúng. Đó là tinh thần thực tế của người xưa. (1)
Thờ Đức Thánh Trần, thờ Hai Bà Trưng, thờ vua Lê Lợi chính là tôn phò văn hóa Việt, là tinh thần dân tộc Việt, là tinh thần độc lập, tự do, yêu chuộng công lý và hòa bình của người Việt Nam. Tinh thần đó là điều cao quí nhất trong sự tồn vong của dân tộc.
Phần 3
Nước ta có 3 miền. Mỗi miền có một nền văn nghệ (ca hát) khác nhau. Miền Bắc thì có Hát Chèo, Tuồng Chèo, miền Trung có Ca Huế, miền Nam có Hát bội, - sau nầy thành cải lương - Cải lương, theo nghĩa nguyên thủy của Đào Duy Anh trong Hán Việt Tự Điển là “Đổi thành tốt hơn” (réformer, perfectioner).
Tôi phải nói rõ ra rằng sự phân chia nói trên chỉ có tính cách tương đối, phân loại theo sở thích của đa số dân chúng địa phương. Trong viễn tượng đó, ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng. Không như bên Tầu, mỗi vùng có tiếng nói khác nhau. Người vùng nầy nói, người vùng khác không hiểu, thành ra có những thứ tiếng như Phúc Kiến, Quảng Đông. Tiếng Việt dù Trung, Nam, Bắc, phần đông, người dân còn nghe nhau, còn nói, còn hiểu nhau, chỉ hơi khác ở cách phát âm mà thôi. Nhờ đó, người Miền Nam vẫn nghe được và hiểu Hát Chèo, Tuồng Chèo, cũng như một số dân Bắc Kỳ vẫn hiểu và ưa hát Cải Lương: “Nang quân ơi! Nang quân! Xin chàng đừng tuốt gương ra khỏi vỏ (dzỏ - tiếng Nam - ). Để cho thiếp đây, cạn tỏ một đôi nhời (lời).”
Hát chèo thông thường là loại hình sân khấu cổ nhứt của người Việt, đặc biệt ở vùng châu thổ sông Hồng. Nội dung Hát Chèo phản ảnh tinh thần lạc quan, nhân ái, yêu nước, bất khuất, chống xâm lăng… Nhiều tuồng chèo mang tính sử thi. Đó là các tuồng Chèo về những cuộc chống xâm lăng, chống giặc Tàu (Trung Quốc) xâm lược, như các tuồng về các chiến công của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, v.v…
Ca Huế được chia làm 2 loại (điệu), gọi là “điệu Nam” và “điệu Bắc” Điệu Bắc gồm những âm điệu vui tươi, trang trọng. Điệu Nam gồm những điệu buồn, ai oán, nỉ non. Theo ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, trong một bài viết về Ca Huế đăng trên một đặc san Mỹ Việt cách đây hơn 50 năm thì các điệu ca Huế có nguồn gốc từ nhạc Mông Cổ và nhạc Chàm. Do đó, ca Huế vừa có tính cách nhạc của những người chăn nuôi trên những vùng đồng nguyên mênh mông, quạnh vắng của những buổi sớm mai nắng ấm hay trời chiều lạnh lẽo, và tính cách ai oán của dân tộc Chàm trên đà tiêu vong. Về nội dung, Huế là kinh đô, nơi tụ hội của nhiều nền văn hóa khác nhau, nên Ca Huế phần nhiều mang tính cách yếm thế Sắc Không của Phật, Vô Vi của Lão Trang…
Năm 1980, khi tôi còn ở trong trại tù Cộng Sản, tôi thường ca nghêu ngao bài “Kéo neo tàu chạy ra đi…” một bài ca theo điệu Tứ Đại Cảnh mà tôi thường nghe mẹ tôi ca khi tôi chưa đi học. Nhạc sĩ cổ nhạc Nguyễn Uyên, cùng ở tù với tôi, trước kia (1975) là thành phần đánh đàn nguyệt trong ban cổ nhạc Bửu Lộc, phát mỗi thứ sáu vào lúc 2 giờ chiều. Ông Nguyễn Uyên bảo tôi, bài tôi ca là bài do vua Thành Thái soạn ra khi ông bị đi đày sang châu Phi. Nhà vua bị đưa đi đày bằng tàu thủy của Pháp.
Một bài nữa, “Nước non ngàn dặm ra đi…” là bài do vua Tự Đức soạn ra, nói về tình duyên của Huyền Trân Công Chúa trên đường về Chiêm quốc, làm vợ vua Chiêm là Chế Mân.
Tư tưởng Phật Lão trong ca Huế thường làm cho người thường xa xứ như tôi không khỏi buồn khi nhớ tới quê hương. Những năm ở Gò Công, ở tuốt Cái Sắn, Hà Tiên, tôi thường chờ 2 giờ trưa thứ Sáu để nghe ca Huế trên đài phát thanh Saigon mà buồn. Sắc Không của đạo Phật, Vô Vi trong Sở Từ, được ông Ngô Ganh - ông thầy dạy nhạc cho “bọn học trò con nít” Huế - diễn đạt trong những bài Nam Ai, Nam Bằng của ông, không thể không buồn cho thân phận mình, thân phận của con người, của dân tộc. Con thuyền không định hướng là con thuyền trôi bồng bềnh theo dòng nước, khiến Dương Thiệu Tước hay người Huế tự hỏi “Thuyền ơi đưa ta tới đâu, thời “quốc phá gia vong”, còn chi nữa đâu mà “Ai luyến, ai tiếc khúc ca Tần Hoài”. Cái kiếp người phiêu bạt như tôi, có khi đi tuốt ra tận “Quần đảo Hải Tặc”, làm sao không khỏi rơi nước mắt khi nhớ tới quê nhà xa tuốt ngoài kia: “Vùng giới tuyến”. “Đất nước thì bao la mà nơi nào cũng bom đạn”.(Lưu Trọng Lư)
“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”
Câu thơ trong Bạc Tần Hoài làm tôi nhớ tới câu thơ của một anh học trò Huế - Tạ Ký - “Giả nhau dùng tiệc thật say, Tội gì ngâm khúc Hậu Đình mày ơi!”
Có lẽ không ít người còn nhớ thú chơi ca Huế trên sông Huơng - một vài ca kỷ với “ngũ tuyệt’: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam… Khi Đức Kim Thượng không còn ngồi trên ngai vàng, chiên tranh Pháp-Viêt bùng nổ thì thú vui ấy cũng như “chén vàng, chén ngọc chìm dưới đáy sông sâu.” Hai số phận, một dân tộc.
Hát chèo còn tồn tại ở phía Bắc, hát bội ở phương Nam biến thành Cải lương thì ca Huế, ngày nay - tôi nói là ngày nay - trở thành một món hàng rao bán trên sông Hương cho những du khách “vô tri bất mộ”. Họ coi ca Huế như một “trò xiếc âm nhạc” chớ không sao hiểu được triết lý cao siêu thâm diệu của ca Huế. Không lý sự điêu tàn của nhạc Chàm trong ca Huế, lại tái sinh trong cảnh chợ chiều của Huế ngày nay.
Xã hội Viêt Nam ngày xưa thiếu tôn trọng những người làm nghề ca hát. Câu “Xướng ca vô loại” và hành động bỏ trốn vào Xứ Đằng Trong của Đào Duy Từ (1572-1634) chứng minh cho chúng ta thấy điều ấy. Tuy nhiên, ông Đào Tấn (1845-1907) làm quan đời nhà Nguyễn lại được giới nghệ sĩ tôn làm “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Vệt Nam.
Ngày xưa, người Xứ Đằng Trong rất thích tuồng hát bội. Mãi đến đầu thế kỷ 20, dân chúng miền Tây còn “mê” loại nghệ thuật nầy. Ai từng xem “Hát Bội giữa rừng” trong “Hương Rừng Cà Mâu” chắc thấy điều ấy.
Thật ra, hát bội đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ trong việc xây đắp, phát triển và bảo tồn văn hóa làng xã. Trong khi các làng ở phía Bắc đã có nền nếp, thuần phong mỹ tục đâu đó cả, vì những làng nầy hình thành từ cả mấy ngàn năm trước, có thể kể từ thời người Lạc Việt định cư ở đồng bằng sông Hồng, hay ít ra, như các làng miền Trung, làng được thành lập từ thời Huyền Trân Công Chúa là hoàng hậu đất Chiêm, thì các làng phía Nam mới xuất hiện, chỉ với vài trăm năm nay, lề thói chưa có, phong tục tập quán chưa có, “lệ làng” (Phép vua thua lệ làng) chưa có, nhưng nhờ đâu mà dân tình phía Nam, mới di cư tới, dù là những lưu dân, nhưng họ vẫn có - gìn giữ và phát triển - đời sống tinh thần của người Việt Nam, không thua kém chi những làng ở phía ngoài. Có lẽ đó nhờ hát bội góp phần không nhỏ. Trong cuốn “Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn” của Nam Sơn Trần Văn Chi, tác giả có nhận xét như sau: “Hát bội cúng đình tuồng tích được chọn lựa có nội dung thể hiện qua các nhân vật trung hiếu tiết nghĩa nhằm giáo hóa người dân.” (Nam Sơn Trần Văn Chi, Bảo Đại vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn)
Phần 4
Kịch nghệ là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu nhất. Ở đây, trong trường hợp nầy, không chỉ là tuyên truyền mà còn đóng vai trò giáo dục nữa.
Trong thời gian còn cầm cục phấn bảng để dạy học trò, tôi lúng túng không ít vì thiếu tài liệu về “Văn Chương Bình Dân” để tra cứu. Miền Nam bấy giờ chỉ có tác phẩm tầm cỡ là “Văn Chương Bình Dân” cuốn 1 của ông Hoàng Trọng Miên và “Văn Chương Bình Dân”, “tác phẩm tốt nghiệp” của Linh Mục Thanh Lãng. Về ông Hoàng Trọng Miên, chỉ soạn được cuố 1 rồi tắt tị, còn cuốn của linh mục Thanh Lãng thì lại có cái nhìn thiên lệch về vai trò của đạo Phật trong Văn Học Dân Gian. Ở phía Bắc, những nhà lãnh đạo chính trị vì bị trói buộc trong Chủ Nghĩa Vô Sản, nên với nền văn học nầy, họ cho rằng đó là thứ văn chương phong kiến hủ lậu, độc hại nên không đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu, biên tập thành những tác phẩm lớn
Tình trạng văn học dân tộc như vừa nói làm cho tôi có ít nhiều suy nghĩ dù tôi rời bục giảng đã lâu.
Phải nhận rằng, Văn Học Bình Dân có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc, trong một vài trường hợp, vai trò của nó bao trùm lên cả Văn Chương Bác Học. Ý tôi muốn nói tới việc văn chương Bác Học nhiều khi mượn cách nói của văn Chương Bình Dân để diễn đạt tình ý của mình.
Trong viễn tượng đó, tôi hy vọng sẽ có người - sinh viên đại học - ở Hải Ngoai hơn là ở trong nước - , sẽ tìm tòi, nghiên cứu nền Văn Chương nầy để làm luận án tốt nghiệp, một cách đầy đủ và hoàn hảo nhất trong toàn bộ 6 phần của nó. Đó là: 1/- Tôn giáo nguyên thủy của người Việt Nam, 2/- Truyện Thần Thoại, 3/- Truyện Cổ Tích 4/- Ca Dao, 5/- Tục ngữ, 6/- Văn nghệ.
Ngày nay, còn ai coi thường nền “Văn Học Dân Gian” như người xưa mà cho rằng “Nôm na là cha mách qué”?
hoànglonghải
(1)/- Sau khi Cuốn 1 của HTM xuất bản, giới văn học Saigon phê bình nói rằng ông HTM ăn cắp tác phẩm của ông NĐC. Không rõ người phê bình có ác ý gì với ông HTM hay không, nhưng theo tôi nghĩ, thông thường, các tác phẩm thuộc về loại Văn Chương Bình Dân là của chung của mọi người, không là của riêng ai. Giáo sư NĐC chỉ là người sưu tầm. Ông HTM có dùng lại, như bài của ông NĐC hay sửa đổi ít nhiều, cũng là điều thường thấy trong Văn Học Dân Gian.
Đã xem 742 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments