1.
Me tôi xưa đẹp lắm. Sắc đẹp đó một phần vì thời gian qua, một phần vì số cân nặng tăng lên rất nhiều nên đã giảm bớt đi. Qua những lời me tôi kể lại và những kỷ niệm lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi là một trong những người đàn bà đầu tiên vấn tóc trần, rẽ lệch, mặc áo mẩu và mang dù Nhật. Chúng tôi còn giữ được vài chiếc ảnh chụp ba me tôi và hai, ba đứa trong bọn chúng tôi. Mỗi khi xem lại hình ảnh cũ là một dịp để chúng tôi phê bình ba mẹ.
Những lời phê bình khôi hài nhất dĩ nhiên là do những người không có trong ảnh. Lan chẳng hạn:
- Có phải bây giờ me mới béo đâu. Ngày xưa me đã có “khuynh hướng” béo rồi cơ mà.
-
Láo nào! Trước me béo đẹp.
-
Trông đôi mắt me dữ quá. Có ông nào bị mẹ thôi miên đi không?
-
Suỵt!… Ba nghe thấy đấy. Ba có hay ghen không hở me?
Me chúng tôi cười. Đôi mắt sâu to và hàng lông mi cong dưới đôi mày đậm cũng như cười theo.
- Mẹ không được nói dối đấy. Ba ngày xưa ghen lắm phải không?
-
Còn phải nói. Anh còn nhớ mỗi khi đi hội chợ hay đi xem phòng triển lãm nào nếu có ai nhìn me là ba có vẻ bực tức lắm.
Lan giơ một tấm ảnh lúc ba tôi ở Chapa tay cầm một cái ba-toong.
- Các ông sợ ba là phải, Ba cẩm ba-toong cơ mà.
Riêng tôi, tôi biết ba rất hay ghen. Những trận cãi nhau giữa ba và me tôi hồi chúng tôi còn nhỏ tuy có làm chúng tội sợ hãi đôi chút, nhưng chúng tôi lại được lợi. Sau mỗi trận cãi nhau to, sau khi nghe ba tôi gọi mẹ tôi bằng “cô” và me tôi gọi ba tôi bằng “ông” thì me tôi cả quyết xếp quần áo vào va-li và lôi cổ chúng tôi về quê bà ngoại.
Chúng tôi “bắt buộc” phải nghỉ học và sống những ngày đầy thích thú ở trại cho đến khi ba tôi mò xuống xin lỗi me tôi và làm lành. Ông bảo:
- Lâu không có chúng nó để mắng cũng thấy nhớ!
Mẹ tôi cao hơn mức trung bình đối với một người đàn bà Việt, trên một thước sáu mươi. Bà chỉ thấp hơn ba tôi một chút xíu. Đôi vai tròn, khuôn mặt nét đều và đầy đặn của bà trái ngược hẳn với khuôn mặt xương xương toàn những nét gẫy của ba tôi.
Me tôi có nhiều anh trai, nên có lẽ vì thể đã quen thuộc với lối sống bừa bãi nhiều khi kỳ quái của các anh. Nhờ những kinh nghiệm đó bà rất rộng lượng với các con trai không lấy gì làm kiểu mẫu lắm như chúng tôi. Đấy cũng là một tính xấu của bà: Chiều con và rất dễ tha thứ.
Những bạn trai của tôi, của riêng Liên, của Liên nhưng do tôi giới thiệu đến thăm gia đình tôi, nhiều lúc phải ngạc nhiên và bỡ ngỡ vì thấy mẹ tôi trong khi nói chuyện tỏ ra rất thông thạo và hiểu biết về những vấn đề mà các bà mẹ cùng một thế hệ với bà không dám đả động tới: tình yêu hoặc quan niệm sống của phái trẻ và của chính bà.
Bà có thể xen vào câu chuyện:
- Các cô các cậu bây giờ bàn đến yêu đương có vẻ quan trọng lắm. Thời me ấy à…
Liên chớp chớp mắt, đó là một lối điệu đặc biệt của nàng mà Lan gọi là “chớp mắt ngượng ngùng” và kêu lên nho nhỏ:
- Me!
Làm như câu chuyện me tôi sắp kể không nghiêm trang và hợp với một bà mẹ. Lan thì cười có vẻ vui thích và lại còn xúi thêm:
- Yên nào! Chị tưởng chỉ chị mới biết thế nào là mơ mộng ả? Em cam đoan thời trẻ ba cũng tán me mất công lắm, phải không me?
Me tôi cười rất tươi. Me tôi không những cười bằng miệng mà còn cười bằng cả người. Khi bà cười cũng như khi bà ăn ai cũng thích ngắm.
- Me nhớ dạo me đi xem mặt bác Ba gái hộ bác Ba trai.
Lan và Liên kêu lên:
- Đi xem mặt hộ! Thế bác trai không đi à?
-
Không! Khi me về Bác thản nhiên hỏi: “Thế nào? Trông cô ta có được không?”
Me trả lời: “Em cũng chưa biết. Cũng đường được. Cô ấy ngoan”. Bác Ba bảo: “Cô bằng lòng, tôi cũng bằng lòng”.
- Thế me có bằng lòng?
-
Lan dốt quá, nếu me không bằng lòng tại sao lại có bác gái.
Nói đến chuyện dựng vợ gả chồng cho các con me tôi có một ý kiến khá đặc biệt:
- Lan, Liên ưng ai mẹ gả liền. Miễn là cưới đừng tốn (mẹ tôi lúc nào cũng sợ tốn). Còn con trai thì bao giờ cưới vợ cũng được. Cảng muộn càng tốt.
2.
Mẹ tôi là thủ quỹ của gia đình. Không may cho chúng tôi me tôi rất thích tiêu tiền, thích ăn ngon và thích làm người khác ăn ngon. Bọn chúng tôi dĩ nhiên chỉ biết ăn cho khoái miệng. “Sao chúng nó ăn sành thế! Con nhà lính tính nhà quan”. Khả năng thưởng thức món ăn chúng tôi đã cao đến độ ba tôi phải thốt lên câu đó thì đủ hiểu.
Gia đình tôi trong mấy ngày đầu tháng bao giờ cũng tưng bừng nhộn nhịp. Tiếng gà vịt kêu xen lẫn với tiếng dao thớt nghe thật êm tai. Trong bếp lúc nào cũng lúc nhúc những người là người, cả nhà tận lực nặn óc ra để nghĩ xem có món gì ngon cần phải ăn. Điều gì chứ điều đó ai cũng giàu óc tưởng tượng cả. Mặc dầu ba tôi ngăn cản và đe:
- Sao chúng mày không bảo me mời cả phố đến ăn một thể. Có bao nhiêu tiền tiêu cho thật hết. Rồi thì ăn muối.
Nhưng sự đe nẹt của ông không vì thế ngăn cản ông thưởng thức cùng với mọi người những món ăn ngon và rồi ông vẫn phải khen:
- Món tiết canh vịt thì chỉ có me làm ba mới vừa ý. Ngày xưa chú Sáu chỉ ăn những món “chị Năm” làm mới thấy ngon miệng.
Chú Sáu (một nhà văn nổi tiếng), gọi chú như vậy vì chú đứng thứ sáu trong gia đình, là một người sành ăn có tiếng.
Nhưng những âm thanh vui vẻ như tiếng dao thớt và gà vịt đó càng xa dần ngày đầu tháng càng thưa thớt đi và đến khoảng ngày 18, 20 là im hẳn. Chúng tôi bắt đầu chuyển sang một “rê-dim” khác mà chúng tôi đặt cho một cái tên rất thanh tịnh là “re-dim tu tiên”.
Đã quen rồi mà mỗi khi đi học về sau khi quẳng cặp xuống bàn, Lan và Liên lạnh lùng giở báo ra đọc như chưa bao giờ nghe thấy nói đến chữ “bếp” hoặc biết “làm bếp” là gì cả.
Sơn vì đến tuổi lớn nên ồn ào hơn, hắn kêu lên:
- Lại tu tiên rồi. Sáng rau muống với cà chiều thì ăn gì?
Lan không cười tiếp luôn:
- Cà với rau muống.
Thật giản tiện!
Và đến bữa cơm chúng tôi biết trước thế nào cũng được nghe những lời trách móc của ba tôi về sự ăn tiêu hoang phí.
Tuy me tôi tiêu không tính toán nhưng từ bao nhiêu năm nay bà vẫn giữ chức thủ quỹ như thường. Có vài lần ba tôi bực mình tranh cho bằng được việc chi tiêu trong gia đình nhưng chỉ được ít lâu là ông cũng đành phải trao trả trách nhiệm phức tạp và phiền toái lại cho mẹ tôi.
Nói rằng me tôi tiêu không tính toán cũng không hoàn toàn đúng vì quả thật lúc bỏ tiền ra mua một món gì hoặc làm một bữa ăn ngon me tôi không nghĩ đến ngày mai có còn đủ tiền để mua món ăn hay không. Nhưng tiêu rồi me tôi ghi vào sổ cẩn thận lắm.
Me tôi chỉ tính sổ khi nào quỹ đã gần cạn. Cho nên mỗi khi me tôi trịnh trọng mang quyển sổ màu đen, bìa da rất dày ra ngồi ở giường giữa nhà và gọi Liễu:
- Liễu mang bút ra đây me tính sổ.
Thì lúc đó chúng tôi biết là có lẽ còn lâu lắm chúng tôi mới lại được biết hương vị các món ăn trần tục.
Nhiều khi Lan và Liên cũng ngồi quây lấy me tôi và giúp me tôi tính sổ. Trí nhớ của me tôi không lấy gì làm dai lắm và nhất là Lan vì ghét quyển sổ đó nên cứ tìm cách giúp me tôi biên vào sổ những món tiêu tưởng tượng.
- Me này! Me có nhớ hôm me đi chợ về me mua ba con gà hay không?
-
Đâu! Có hai con thôi đấy chứ!
-
Me nhầm rồi! Về sau có một con gà mái béo lắm me mua thêm mà!
-
Ừ nhỉ!
Kết quả là đến cuối tháng tiền chỉ tính ra nhiều hơn tiền thu. Me tôi rất ngạc nhiên và băn khoăn mãi:
- Quái! Hay me biên nhầm cả tiền nợ vào đây. Nhất định không phải thể vì tiền nợ me tính riêng cơ mà.
Ba tôi lại được thể nói:
- Me mày thì số sách làm gì cho mệt. Tiền có bao giờ để nóng túi đâu. Sợ nó thành “rắn” thành “rết” nên phải tiêu ngay.
Từ đó trở đi Lan và Liên khi nói đến “rắn, rết” là muốn nói đến tiền.
Khi nhiều tiền các con xin me tôi rất dễ nhưng khi tiền trở nên hiếm hoi me tôi khó lắm. Biết tâm lý me tôi Lan, Liên rất khôn ngoan và lựa đúng lúc xin. Khi me tôi đang ngồi mơ màng nghĩ đến chuyện gì chẳng hạn thì lúc đó hỏi gì mẹ tôi cũng ừ. Lan sẽ vờ hỏi:
- Me! Chốc me mạng lại cho con cái áo này nhé!
-
Ừ!
-
Me mạng nhanh lên đấy nhé để mai con đi học đấy. Me cho con hai chục nhé!
-
Ừ!
Đó là một phương pháp rất chính đáng vì sau này me tôi có nhớ ra thì Lan đã có đủ lý do để bào chữa.
- Chính me cho con tiền mà me còn mắng gì
Mẹ tôi rất ít khi mắng con cái, nhưng thế không có nghĩa là không bao giờ me tôi mắng ai. Một tháng độ một hai lần vì một chuyện bực mình nào đó me tôi mắng một hai trận một thể. Bất cứ lỗi tại ai không cần biết. Me tôi sẽ lấy người đó làm điểm khởi hành và me tôi mắng lây ra tất cả mọi người trong gia đình. Me tôi lôi hết những lỗi lầm của mọi người từ thuở nào ra nói. Me tôi không thích ngồi một chỗ nên vừa dọn dẹp đồ đạc trong nhà, mẹ tôi đi hết nhà trên xuống nhà dưới và mắng không ngừng trong một hay hai tiếng đồng hồ.
Trong trường hợp đó tốt hơn hết là chúng tôi làm ra vẻ không nghe thấy và coi như me tôi nói những chuyện không liên lạc gì đến ai cả. Vì thế nên xảy ra nhiều chuyện rất buồn cười, chẳng hạn khi me tôi đang nói:
-… Mấy cô con gái thì lười ơi là lười. Ăn xong đi học, về nhà quẳng sách là mỗi đứa lấy truyện, lấy báo …
Sơn đùng đùng chạy đến hỏi:
- Me! Cái quẩn tím dài của con me để đâu?
-
Ở trong tủ ngăn cuối cùng ấy.
Đoạn me tôi lại tiếp tục:
-… báo với sách. Nhớn rồi phải học ăn học làm.
Liên chạy ở dưới bếp lên:
- Me! đậu rán hay kho?
-
Kho! Mà cho tương chứ đừng cho nước mắm.
3.
Tài khâu vá của me tôi thì trong gia đình tôi ai cũng công nhận là đến độ rất tinh vi. Người khâm phục mẹ tôi nhất có lẽ là Sơn, vì hắn nhớn quá nhanh nên quần áo cứ sau vài tháng đã phải nhờ mẹ tôi xuống thêm một gấu hoặc nới dài tay. Không những thể mẹ tôi lại giàu óc tưởng tượng. Chiếc áo gối bị rách một chỗ, me tôi lôi trong thùng ra một miếng lụa đỏ chói trước những cặp mắt đầy ngạc nhiên của Lan và Liên.
- Me vá bằng màu này ấy à?
-
Gọi Du ra đây me bảo.
Sau đó miếng lụa đó đã được cắt theo một hình thể rất Picasso và vá vào áo gối.
Màn che chiếc cửa sổ bị rách, mẹ tôi tháo mấy chiếc xiêm cũ của Tuyết và Liễu và sau đó nhờ tài biến hóa của me tôi chúng tôi đã có một chiếc màn cửa mới màu tím có hoa sẫm rất nhã nhặn.
Lan có một chiếc áo hở cổ mặc trong nhà một nửa nâu sẫm và một nửa vàng nhạt. Đó là do sự phối hợp của hai vạt của hai chiếc áo dài khác màu nhau. Lan và Liên thường khuyên mẹ tôi mở một lớp dạy về khoa “máy cắt lập thể.”
Me tôi thường bị các con chế vì tội: “chiếm nhiều chỗ quá”.
- Me! Hôm nay me đi ciné nhé. Con đã lấy riêng cho me hai vé.
-
Anh lấy ở rạp nào thế?
-
R Đ. thì không được, ghế hẹp quá.
-
Me ngồi lui ra còn ngồi một tí. Giường này người ta làm ra để nhiều người ngồi chứ đâu cho một người.
-
Họa sĩ nào vẽ me thì thật tiện, chỉ cần vẽ một vòng tròn thật to…
-
Và thêm con số 64 vào giữa.
-
Tại sao 64?
-
64 cân mà!
-
Hôm nào lôi me đi Bal đi.
-
Ví dụ me khiêu vũ thì làm thế nào?
-
Me cần gì phải khiêu vũ. Me cứ đứng giữa “pít” là đủ hết chỗ rồi còn ai mà khiêu vũ nổi.
Me tôi chỉ cười.
Tới đây tôi tạm ngưng phần giới thiệu me tôi, vì không lẽ ngoài đời thật me tôi đã “chiếm nhiều chỗ quá” mà ở đây, trên trang giấy này, me tôi cũng chiếm nhiều chỗ quá thì e không tiện.
Tôi sợ me tôi không bằng lòng vì:
- Lại chỉ phí giấy. Viết nhiều tốn tiền mua giấy. Vẫn lại “tổn tiền”, khó mà thay đổi tâm tính được mẹ tôi.
(trong Gia Đình Tôi, tập san Văn xuất bản 12/1967)
- Tên thật Nguyễn Kim Tuấn sinh năm 1932 tại Hà Nội. Cựu sĩ quan QLVNCH. Định cư tại tiểu bang California từ năm 1990. Có chân trong Tự Lực Văn Đoàn.
Duy Lam
Đã xem 248 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments