Thuở ban đầu nó chỉ là vỏ sò, vỏ hến, mảnh đá, lá cây… Khi con người văn minh và tiến bộ hơn thì đúc tiền bằng sắt, kẽm, đồng; cao cấp hơn một bậc nữa thì là tiền bằng bạc, bằng vàng. Đến một giai đoạn phát triển khác nữa thì in tiền bằng giấy, đây cũng là loại hình tiền phổ biến và thông dụng trên toàn thế giới. Thời đại hôm nay thì tiền vượt qua sự tưởng con người, tiền điện tử, tiền ảo, có thể nói Bitcoin là tiêu biểu nhất. Ai mà sở hữu chừng mươi đồng Bitcoin thì đó là cả một gia tài lớn, những ngỡ sắc tức thị không nào ngờ không tức thị sắc. Bitcoin là đồng tiền ảo, chẳng ai biết nó ở đâu, hình dong ra sao, diện mạo thế nào… ấy vậy mà có nó vài đồng thì đời lên hương, trong túi nhét cỡ hai mươi đồng là có thể mạnh miệng nói vung xích chó, nổ hơn tạc đạn tổng kho Long Bình. Bitcoin vốn không mà lại có, bởi vậy mà thiên hạ đua nhau đi đào.
Tiền là vật trung gian, dùng trao đổi ngang giá. Nó giúp con người không phải mang vác vật này để đi đổi vật kia chi cho mệt, cứ quy ra tiền để mà trao đổi hoặc bán mua. Nó là vậ vô tri nhưng có sức mạnh kinh khủng nhất thế gian này. Quyền lực của nó không có ai có thể cưỡng lại được. Nó sai xử tất cả mọi người, không kể là sang – hèn, trí – ngu, nam – nữ, già – trẻ, Tây – ta – Tàu… Chỉ trừ một số rất ít ỏi dám buông nó xuống, không bị nó câu thúc, đó là những bậc tu hành chân chính đúng chánh pháp. Những vị nào tu chơi chơi, tu qua quít thì vẫn bị nó sai xử như thường, vì thế nên vẫn thích nó, mê nó chẳng khác gì người thế tục.
Ngạn ngữ phương tây có câu:” Tiền là chìa khóa, có thể mở được mọi cánh cửa”, duy chỉ có cửa tử thần thì cũng đành bó tay! Ở những xứ lạc hậu, cai trị bởi những chính phủ độc tài và tham nhũng thì đồng tiền nó có sức mạnh vô địch. Nó tác oai tác quái kinh khủng lắm. Nó có thể mua được mọi thứ: Mua quan bán chức, mua ghế, mua trường, mua điểm, mua bằng, mua án, mua sắc, mua đường ( mãi lộ)… Sống chết bởi đồng tiền, muốn án thế nào thì tiền sẽ quyết định án thế ấy! Người xứ ấy đặt ra câu nói ố danh nhưng rất hiện thực, mô tả đúng bản chất xã hội:” Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Trước khi có câu nói này thì vốn cũng đã có câu:” Tiền là tiên là Phật, là sức bật của đời, nụ cười tuổi trẻ, sức khỏe người già, cái đà danh vọng, cái lọng che thân, cái cân công lý…” Đôi khi sự đời trớ trêu, công lý lại là tên một anh hề, hình anh ta mặc độc xà lỏn, dang hai tay làm cán cân công lý và hình ảnh ta được in làm bìa cho quyển sách về pháp luật, không biết vô tình hay thâm mà chơi xỏ thế này?
Cái chân lý ở đời, hễ ai nắm hầu bao thì kẻ ấy có quyền chi phối. Trong phạm vi gia đình, nếu vợ nắm tay hòm chìa khóa thì anh chồng chỉ là bù nhìn, răm rắp theo sự sắp đặt của chị ta, miệng thơn thớt:” Anh chỉ yêu mình em, anh thề hổng có bồ nhí, phòng nhì chi cả!” ( chí ít là cho đến khi anh chưa có qũy đen). Còn giả như ông chồng nắm giữ hầu bao thì cô vợ chỉ là con sen, khép nép dưới bóng tùng quân, “ Em yêu chỉ mỗi mình anh, yêu anh mãi mãi” ( khi mà anh còn chu cấp, cung phung đủ chi tiêu cho em). Ở phương diện xã hội, kẻ có tiền đứng sau lưng giật dây đứa làm luật, Kẻ có tiền chi phối những mối quan hệ trong xã hội theo hướng có lợi nhất cho mình. Trên bình diện quốc tế, quốc gia nào có tiền, chi nhiều thì quốc gia ấy chi phối các mối quan hệ quốc tế khác. Còn về khoa học kỹ thuật cũng thế, nước nào chi nhiều tiền, đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học thì nước ấy sẽ có một nền khoa học kỹ thuật tân tiến, kinh tế sung túc… ( Thế gian này cũng có kẻ chi ít nhưng giỏi ăn cắp các sáng chế khoa học, sản phẩm trí huệ… nên cũng phát triển không kém, thậm chí có phần còn vượt trội và quay lại chi phối, gây áp lực cho chính những nước mà họ vừa ăn cắp sản phẩm trí huệ)
Giới giang hồ và xã hội đen cũng không thể ngoại lệ được. Kẻ nào có tiền, kẻ đó sẽ làm ông trùm, quy tụ đàn em và cả gái ghú. Bởi thế mà năm xưa cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết
“ Thớt có tanh tao ruồi đến đỗ
Gan không mật mỡ kiến bò chi”
Dân gian đôi khi lại hài hước mà hay đáo để
“ Đồng tiền không phấn không hồ
Mà sao khéo điểm khéo tô mặt mày”
Có một khúc tụng ca thật dài, dùng để “ chiêu hồn”, thức tỉnh những vong linh và cả người sống hiện tại. Khúc tụng ca ấy có đoạn về đồng tiền như sau
“ Tiền xài đúng tiền hiền như Phật
Bạc xài bậy bạc ác hơn ma
Chung quy cũng tại người ta
Chứ tiền bạc nó vốn là vô tri”
Người dân có lý lắm khi nói “ Có tiền mua tiên cũng được” Mấy đại gia nhiều tiền lắm của, đôi khi tiền lừa đảo, tiền cướp đoạt, tiền tàn hại môi trường… nhưng mua được hết tiên trên mặt đất ( hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên, chân dài…). Người dân có thể không có học vấn cao, nhưng sự quan sát của họ rất chính xác, không dễ gì che mắt dân được. Họ cũng nắm bắt tâm lý rất giỏi, từ đó mà kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca… đầy ắp những câu ca hay
“ Túi có tiền mặt tươi roi rói
Túi không tiền ma đói xác xơ
Có tiền dậm dật phủ phê
Không tiên khôn cũng vật vờ dở dang”
Tiền có sức mạnh ghê gớm lắm. Ai chưa biết hay chưa tin thì cứ thử đi vay một ít thì biết ngay, vay được rồi nhưng đến hạn không có tiền trả thì càng thấm thía thế nào là thương đau. Ai thường lý thuyết suông hay chót lưỡi đầu môi “ Tiền bạc là vật ngoại thân, là của phù du…” thì cứ thử nai lưng đi làm kiếm chút tiền thì mới biết giá trị của nó. Trời lạnh thấu xương, băng giá phủ đầy, mùa đông mà bốn giờ sáng dậy đi làm thì đồng tiền còn lạnh hơn giá băng, lạnh hơn chúng ta tưởng. Mùa hè nắng như đổ lửa, nông phu nai lưng trên đồng, phu lục lộ lầm lũi trên đường… thì đồng tiền nóng như gió cát sa mạc. Hoặc giả lỡ mà dính líu đến giang hồ xã hội đen mà thiếu nợ thì đồng tiền ấy nhuộm máu chứ chẳng phải chơi!
Tiền với công lý có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ lắm. Chuyện dân gian kể rằng: Ất và Giáp vốn là láng giềng của nhau, nhân vì tranh chấp rẻo đất mà phải kiện lên quan. Ất đút lót cho quan năm quan và quan hứa cho Ất thắng kiện, ngày ra tòa thì quan lại xử Giáp thắng. Ất xòe bàn tay đặt lên bàn nói:” Con có lý mà quan”. Quan án cười gằn, đặt bàn tay của y chồng lên bàn tay Ất:” Nhưng lý của thằng Giáp gấp đôi lý mày”. Chuyện đời nay cũng tiếu lâm nhưng không kém phần thâm thúy. Người ta kháo nhau rằng: Ở xứ nọ, sau khi nội chiến kết thúc, có kẻ làm ông gì đó lớn lắm, gia sản kết xù, đất đai vô số, tiền của không biết bao nhiêu mà kể… ấy thế mà lại lên giọng đạo đức thanh liêm:” Thuyền to sóng lớn ắt họa nhiều,của cải tiền bạc là vật phù du, là bụi trần, càng nhiều thì càng khổ…” Bạn của y nghe thế bèn cười tủm tỉm:” Hay là đồng chí cứ sang hết gia sản cho em đứng tên. Em sẽ gánh hết cái khổ cho”. Y nghe thế vội giãy nảy lên:” Ấy chết! Tôi đâu dám để khổ cho đồng chí, tôi nhất định kiên quyết gánh hết cái khổ cho nhân dân”
Tiền là thế đấy! Khổ lắm, nhưng chẳng ai chịu từ bỏ cái khổ này. Ai cũng muốn “gánh khổ “cho kẻ khác, vì có quá nhiều kẻ muốn “ gánh cái khổ” cho dân nên dân khổ rạc khổ rài. Khổ dài khổ mãi.
Ngày xuân chưa qua, lúc trà dư tửu hậu tùng tam tụ tứ có kẻ vui miệng kể chuyện chơi: Vào một buổi sớm xuân sang, nhân lúc cao hứng, một cô cầm đồng tiền Thông Bảo nguyên niên (hay đại loại chi đó)giơ lên và nói:” Chị đố các em câu này, ai nói được chị nhường cho mối khách sộp tối nay, tại sao đồng tiền có lỗ?” . Các cô tí tởn tranh nhau giải, nào là: Có lỗ để xâu thành chuỗi, đồng tiền có lỗ là tượng trưng trời tròn đất vuông, tiền có lỗ là do phép quan chế ra như thế… câu nào chị cả cũng lắc đầu quầy quậy. Cuối cùng không ai nói được nên chị ta bảo:” Có lỗ mới thành tiền, lấy lỗ làm lãi mà!”. Thiên hạ cười ngặt nghẽo, thực hư thế nào hổng biết, chỉ biết có ai đó mắng yêu:” Đồ nỡm, ngày xuân rảnh háng khéo vẽ bày nhưng vui đáo để”
Cũng chuyện tiền, vì tiền mà ngày xưa đàn bà con gái xứ mình khổ sở vì cái nạn làm dâu. Người may mắn lắm mới gặp được mẹ chồng hiền, Ai xui xẻo gặp phải mẹ chồng giàu mà dữ thì sống dở chết dở, nhất là những bà mẹ chồng cười ngọt nhạt nhưng sắc sảo, đanh đá, bề ngoài tưởng tử tế nhưng bên trong thì cay nghiệt vô cùng
“ Tiếng đồn rằng mẹ anh hiền
Cắn cơm không bể cắn tiền bể tư”
Ấy là chuyện xưa, thời đại hôm nay khác rồi. Đàn bà con gái ngày nay đi làm, có tiền riêng, không còn lệ thuộc chồng hay nhà chồng nữa. Thời đại hôm nay văn minh, khai phóng… nên không còn nạn mẹ chồng nàng dâu mà giờ nàng dâu đặt đâu mẹ chồng ngồi đấy! Dân làm nails dạo này kể chuyện rằng: Cô con dâu bảo lãnh mẹ chồng ở Việt Nam qua Mỹ chơi. Cô ta chở mẹ chồng đi thăm thú cảnh đẹp, shopping đủ các nơi. Bà mẹ chồng bảo:” Mỹ chỉ có thế thôi sao? Chán chết đi được! Nếu chỉ có cảnh đẹp và shopping thì ở Việt Nam bây giờ có cả khối”. Cô con dâu bèn chở mẹ chồng đi strip bar giải trí. Hai mẹ con ngồi xa xa nhìn lên sàn nhảy. Mẹ chồng hấp háy mắt càm ràm:” Tiên sư mấy anh Mỹ, sao lại cứ đeo cà la oách ngắn chẳng quá gang tay? Cô con dâu cười ngằn ngặt:” Mẹ ơi, không phải cà la oách đâu! Đó là cái ấy của đàn ông”. Bà mẹ chồng nửa tin nửa ngờ:” Thế tao sờ thử có được chăng?”. Cô con dâu nói:” Dĩ nhiên là được, nhưng mình phải trả tiền sờ”
Rõ ràng có tiền mua tiên cũng được huống chi là chỉ sờ cái cà la oách ngắn bằng gang tay của mấy anh vũ công strip bar.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 02/2021
Recent Comments