Sergio Ramírez (1942 -) là nhà văn Nicaragua, tốt nghiệp luật khoa từ Đại Học Nacional Autónoma de León. Từ thời sinh viên, ông đã thành lập tạp chí Ventana (‘Cửa Sổ’) và xuất bản cuốn sách đầu tay của mình. Ông giữ chức phó tổng thống (1985-1990) trong chính phủ Nicaragua của tổng thống Daniel Ortega. Ông từng làm giáo sư thỉnh giảng tại một số đại học như University of Maryland, Harvard và Freie Universität Berlin. Ông cộng tác thường xuyên với báo chí ở Hoa Kỳ, Mỹ La-tinh và Tây Ban Nha. Tiểu thuyết Margarita, está linda la mar (1998) đã đem về cho ông giải Alfaguara, một trong những giải thưởng văn chương quốc tế danh giá nhất dành cho thể loại tiểu thuyết viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Năm 2017, ông là nhà văn Nicaragua đầu tiên được vinh dự nhận giải thưởng văn chương cao quý mang tên Miguel de Cervantes do chính tay nhà vua Felipe VI của Tây Ban Nha trao tặng. Truyện Tấm Thiệp (‘La tarjeta’) của Sergio Ramírez xuất hiện lần đầu trong tuyển tập truyện ngắn ấn hành vào năm 1963.
Humberto Solano sinh trưởng ở Làng Chài Lưới. Tuổi thơ của hắn trải qua nơi ven hồ của một vùng chằng chịt cống rãnh, giúp cha mẹ làm ghe thúng. Thời thanh niên, hắn thường la cà ở những quán bi-da hay nhà thổ ở miền sông nước. Khi cha hắn chết đuối trong một cơn nóng giận ở đó, cách bến ghe thuyền khoảng 20 thước tây, Humberto phải bắt đầu kiếm sống để lo toan cho mẹ và đứa em gái tên Chabelita. Mới đầu, hắn làm nghề đánh cá, vì trong làng nghề đó là nghề phổ biến nhất. Về sau, hắn đâm ra chán sông nước, quay sang làm nghề soát vé trên xe buýt thành phố, nhưng rồi cũng bỏ việc, một phần cũng vì mùi xăng nhớt thường khiến hắn chóng mặt và hắn chán luôn cả trạm xe buýt, trong từng giây từng phút.
Khi đã quá tuổi thanh xuân, ngày ngày phải mưu sinh đổ mồ hôi nước mắt, hắn không còn lai vãng tới nhà thổ hay tửu quán trong vùng nữa. Bao nhiêu tiền kiếm được, hắn đưa cả cho mẹ. Ba mẹ con cứ thế nương nhau mà sống. Ít lâu sau, hắn nhận chân canh gác ở một công ty thương mãi ở thủ đô Managua. Hắn rất thích công việc này, vì hắn yêu ánh đèn của những bảng hiệu từ trên cao hắt xuống đất từng con chữ một, và khi dường như tất cả những con chữ đã vương vãi khắp nơi trên lề đường, chùm ánh sáng ngưng lại, tan biến đi, để rồi lại bắt đầu như trước. Hắn cũng yêu những con đường vắng vẻ vì chúng trông thật buồn bã, chỉ nghe thấy tiếng xào xạc từ những người phu quét đường thu dọn rác ở các góc phố. Mỗi lần đã chán chê với sự thinh lặng, hắn lại cất tiếng huýt sáo, và khi đã chán huýt sáo, hắn thường thả bộ từ góc đường này đến góc đường khác, đếm từng bước chân của mình.
Mẹ của Humberto, bà Rosa Solano, là người đã chia cuộc sống của mình ra làm hai phần: phần đầu là ở El Sauce, nơi bà sinh trưởng, còn phần sau là ở xóm chài này, kể từ khi bà thành vợ của José María Larios, mà nay đã quá vãng. Chính ông đã mang bà từ nơi chôn nhau cắt rốn đến vùng này trên một chuyến xe lửa. Từ đó trở đi, cuộc đời của bà là ở bên cái hồ này: căn nhà, người chồng và hai đứa con. Hầu như bữa ăn nào trong gia đình cũng gồm những món lặp đi lặp lại: chuối, cơm và đậu. Trong những mùa bão lụt, hội Hồng Thập Tự cho họ cá mòi hộp để ăn, nhưng cả nhà không ai thích vì mùi tanh của chúng. Khi José María Larios qua đời, bà trở nên trầm uất, như con chim trong đàn đứng run rẩy dưới cơn mưa ven hồ. Cả ngày bà quanh quẩn bên cái bàn ủi quần áo, vì chỉ có công việc này mới giúp bà tiếp tục sống, hay nói đúng hơn bà chỉ còn sống để làm việc đó. Mỗi khi đi làm về, con trai của bà không còn hôn lên trán bà như trước nữa. Và bà cũng chẳng còn để tâm chi đến cái thói quen trưởng giả đó. Nhưng trong thâm tâm bà vẫn rất thương con. Bà đã chẳng thương nó trong hai mươi mấy năm nay là gì.
Bây giờ, Humberto Solano đang sống trong thế giới của văn minh. Hắn thấy thật thân quen với xe cộ đông đúc, những bảng hiệu sáng choang, những cánh cửa tự động, những chiếc máy bỏ tiền vào để nghe nhạc, báo chí, cửa hiệu, xe hốt rác và những điếu thuốc lá hương vị bạc hà. Hắn hoà nhập vào chốn kinh đô ánh sáng với một tình yêu mới mẻ chẳng biết khởi sự bằng cách nào. Hắn cảm thấy hạnh phúc trong cái thế giới gần như hoàn toàn cơ khí hoá này mà hắn cho là đã được tạo ra cho chính hắn. Những quán bi-da, những nhà thổ ngày xưa đã chìm vào quên lãng. Hắn ít khi đến những quán có máy bỏ tiền nghe nhạc vì dù sao chúng cũng đã là một phần cố nhiên trong sự khám phá của hắn về thế giới văn minh này.
Mẹ của Humberto là một người đàn bà chân chất. Hiếm khi bà đi ra khỏi khu xóm. Bà thậm chí chẳng biết phim ảnh là cái gì. Bà không đọc báo, nghe radio hay nghe nhạc. Đối với bà, chẳng có gì quan trọng hơn là công việc, gia đình và có đủ cái ăn. Chabelita được cắp sách đi học chẳng qua là cũng nhờ ở gần một ngôi trường. Vả chăng, nó đã mười hai tuổi nên ít nhất cũng phải học hành để biết đọc dăm ba chữ. Tuy vậy, bà mẹ hết sức xem thường tất cả những gì gọi là văn minh. Đối với bà, cuộc đời là cái hồ nằm ngay trước mắt. Cái hồ mênh mông đó chính là nơi hội tụ của tất cả những cái cống rãnh của nền văn minh bao la và cuồng nhiệt.
Còn đối với Humberto, chốn thành đô là một điều gì không thể tránh khỏi. Hắn yêu chốn này bằng tất cả sự hồn nhiên của mối tình đầu đã gắn bó hắn với biết bao nhiêu là thứ: nhựa đường, tiếng còi xe, những viên cảnh sát ở các ngã tư, những ngọn đèn xanh đèn đỏ… Hắn yêu thành phố vào ban ngày lẫn ban đêm. Càng gần gụi với những con đường tráng nhựa lúc nào cũng như mơn trớn tâm hồn hắn, tình cảm hắn dành cho cái hồ nước và căn nhà xưa càng phai nhoà trong hắn. Công việc kế tiếp của hắn là tài xế xe buýt chạy xuyên đồng quê. Trong các chuyến xe thường nhật của hắn đến thành phố Tipitapa, khi chạy ngang phi trường, nơi có những chiếc phi cơ nằm say ngủ khi chiều xuống, lòng hắn tràn ngập một niềm hạnh phúc. Hắn có cảm tưởng như một ngày nào đó mình cũng có thể cất cánh bay bổng lên cao, để từ không trung nhìn xuống cả thành phố, trong lúc hoàn toàn khoả thân, thấy rõ từng căn nhà, từng con phố.
Khi Humberto đã trở thành một tay lái xe lành nghề, người ta cho hắn làm tài xế cho một vị bộ trưởng. Tới lúc đó, hắn đã quên hết xóm chài, cái hồ nước, cả bà mẹ và đứa em gái. Hắn cưới một cô gái thành thị và không bao giờ trở lại chốn cũ, vì giờ đây hắn đã hoà nhập vào cái thế giới văn minh của riêng hắn. Ngày 30 tháng Năm1, Humberto ghé tiệm sách để mua một tấm thiệp lớn tẩm nước hoa để gởi cho mẹ.
– Để mẹ đừng tưởng rằng mình đã quên mẹ, hắn nghĩ thầm.
Vào giữa trưa, người đưa thư đến tận căn nhà nhỏ bé để giao tấm thiệp. Anh ta đưa nó cho Chabelita.
– Mẹ, có thư mẹ ạ.
Bà mẹ đặt một cái bàn ủi vào lò lửa, không buồn quay lại.
– Ai mà viết thư cho mẹ. Chắc là thư đến nhầm địa chỉ.
Chabelita đến gần mẹ, đọc lại dòng chữ trên phong bì.
– Đúng thật mà mẹ. Tên “Bà Rosa Solano” có ghi rõ ràng đây.
Bà mẹ lấy trong rổ ra một cái áo và vẩy nước lên để sửa soạn ủi.
– Vậy thì con mở ra đi.
Chabelita trịnh trọng mở chiếc phong bì ra.
– Mẹ ngửi xem!
Bà mẹ cầm lấy cái bàn ủi.
– Con đọc cho mẹ nghe. Mẹ đang bận tay.
Chabelita tiến đến gần lò lửa và bắt đầu đọc.
– “ƯỚC MONG NGÀY HÔM NAY NHỮNG QUẢ CHUÔNG HẠNH PHÚC SẼ RUNG LÊN NHIỀU ÂM ĐIỆU ÊM ÁI DÀNH CHO MẸ”. Đó là hàng chữ in sẵn. “Con trai của mẹ, Humberto Solano”, hàng chữ này viết bằng tay, có lấm mực, như tuồng chữ đề ngoài phong bì.
Người đàn bà ủi hết cánh tay áo, riêng chỗ cổ tay bà ủi đi ủi lại đến ba lần. Bà đến gần lò lửa, và tất cả những nếp nhăn của cái áo hiện ra rõ mồn một.
Chabelita lại hít hít tấm thiệp lần nữa và sung sướng thở ra một hơi dài.
Bà mẹ nắm chặt quai bàn ủi. Bà giơ cái áo lên để thấy những chỗ rách, và giọng bà cũng cao lên theo.
– Áo xống kiểu này thì có nước chết đói!
Bà xoay người lại để cời lửa trong lò lên.
– Cả chục cái thiệp như thế cũng không bỏ vào nồi mà nấu được!
Ngoài kia, mặt hồ lung linh như một cái cánh khổng lồ, xanh biếc, tung lả tả từng chùm lông vũ xuống bãi cát. Từ trên cao, xuyên qua tất cả những cống rãnh, nền văn minh phủ chụp xuống cả mặt hồ.
Trần C. Trí chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha
Chú thích
1 Ngày 30 tháng Năm là Ngày Hiền Mẫu ở Nicaragua.
Recent Comments