Claudia Hernández sinh năm 1975, là tác giả của năm tập truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết. Năm 2004, bà nhận giải thưởng của tổ chức Anna Seghers, vinh danh những người đoạt giải về những cổ xuý cho một xã hội công bằng và nhân đạo qua các tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhiều tác phẩm của bà cho thấy những thực tế khốc liệt của cuộc nội chiến ở El Salvador (1979-1992) cùng những hậu quả lâu dài của nó.
Trong câu chuyện dưới đây của nhà văn El Salvador Claudia Hernández, với nhan đề trong nguyên tác là Viva, thế giới của những người làm việc văn phòng có vẻ như bình thường: những mẩu chuyện phiếm hằng ngày, những vụ đuổi việc hay kiện cáo. Duy chỉ có một điều đáng ngại: những người chết vẫn tiếp tục làm việc.
Đặc biệt, khi dịch đến cuối truyện, dịch giả cảm thấy không mấy hài lòng với phần kết, nên đã tự viết một cái kết khác cho mối tình ma này, mà theo chúng tôi rất lôi cuốn, thoả đáng, và ma quái Halloween. Mời bạn đọc theo dõi một truyện ngắn với hai kết thúc, hai lựa chọn, hai hướng đi khác hẳn nhau…
Nếu hiểu chết theo nghĩa thông thường thì cô chưa chết. Chỉ có một phần cơ thể của cô không còn phản ứng đối với những kích thích sinh vật lý, vì phần đó của cô không còn thở cũng như không còn thưởng thức được gì nữa cả. Phần còn lại của cô vẫn sinh hoạt chẳng khác gì với chúng tôi. Hay ít nhất đó cũng là điều ban giám đốc cho chúng tôi biết trong cuộc họp toàn thể nhân viên mà cô không có mặt. Ban giám đốc nói rằng họ không thể cho cô nghỉ việc, vì cô vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ, thậm chí còn làm nhiều hơn bình thường mà không đòi hỏi được trả thêm tiền phụ trội hay tỏ ra bất bình về chuyện gì cả. Ban giám đốc hiểu rằng việc chấp nhận cô trong hiện trạng này quả có phần bất tiện, nhưng họ xin chúng tôi hãy thông cảm bởi vì—trong khi một phần cơ thể của cô đã ngừng hoạt động—dẫu sao cô vẫn là một con người. Họ nêu rõ rằng việc cô càng ngày càng ít nói cười hơn, hay cứ từ từ biến sắc đi, không phải là lý do để cho cô nghỉ việc, như có nhiều người đã từng đề nghị. Họ không thể làm được chuyện đó vì, trên nguyên tắc, cô vẫn giữ nguyên vẹn những năng lực đã giúp cô có được công việc ngày nay, đồng thời luôn duy trì mức độ hiệu quả của những phần hành đã ghi rõ trong bản hợp đồng tuyển dụng.
Cô vẫn tiếp tục mọi việc như lúc ban đầu, duy có điều là một nửa cơ thể của cô đã bốc mùi rất nặng, và cô trở nên nhạy cảm hơn trước nhiều. Không phải vì đụng chuyện gì cô cũng hay khóc lóc, mà vì trước đây—lấy ví dụ—cô chẳng bao giờ phàn nàn về chuyện người này hay người nọ ăn nói với cô ra sao hay nhìn cô như thế nào. Bây giờ, ngược hẳn lại, cô đã chính thức khiếu nại về ba nhân viên có mặt trong cuộc họp vì họ đã phản ứng với cô trong phòng vệ sinh như thể họ thấy ghê tởm về tình trạng của cô, và về hai người khác nữa, vì họ đã ngó lơ chỗ khác khi lỡ chạm mắt vào phần thân thể không còn tự bào chữa được của cô nữa.
Cô không đòi hỏi sự thương hại hay đền bù vật chất gì cả, mà chỉ cần được đối đãi công bằng. Cô bảo cô ghét những người đã khiến cô cảm thấy tủi thân về điều mà cô không phải chịu trách nhiệm, cũng như không phải đó là quyết định của cô. Nhưng nếu chúng tôi cho rằng đó là lỗi của cô thì sao?
Không ai yêu cầu chúng tôi phải giao du với cô vào những lúc riêng tư cả, nhưng trong những hoàn cảnh khách quan như ở văn phòng hay vào giờ làm việc, đúng là chúng tôi phải để ý đến thế giới của cô, tính từ lúc cô bước vào làm việc. Ban giám đốc cũng biết chúng tôi đã phải cố gắng quá sức mình như thế nào, nên họ luôn luôn tỏ ra biết ơn chúng tôi đã hết sức cố gắng tình trạng này, cũng như tình đoàn kết mà chúng tôi đã biểu lộ với cô bạn đồng nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn mà cô đang phải đương đầu.
Qua một trong những người thư ký làm việc với ban giám đốc, tôi biết được rằng các vị lãnh đạo quả đã tính đến chuyện cho cô thôi việc để tránh những phiền hà của tình trạng đó, nhất là đối với những khách hàng quan trọng nhất của công ty. Những người khách hàng này luôn thắc mắc chuyện gì đã xảy ra cho cô. Sau khi được nghe những câu trả lời rất tế nhị của ban giám đốc, họ lại đưa ra một số đề nghị như thuyên chuyển cô sang một công việc khác không phải tiếp xúc với mọi người, hay dành cho cô một chỗ riêng biệt để cô có thể làm việc khuất mắt với những người như họ, cho họ khỏi phải giả vờ không khó chịu đối với những gì họ đang chứng kiến. Họ còn chất vấn tại sao ban giám đốc đã không nghĩ đến những giải pháp như thế từ trước.
Mọi lần thì ban giám đốc đã tuyên bố rằng sự hiện diện của cô là một phần trong chính sách của công ty, đó là không phân biệt thành phần nhân viên tuyển dụng, và mặc dầu điều này nghe có vẻ rất nhân đạo, họ lại không dám nói như vậy. Họ sợ rằng những người giống như cô sẽ đến xin việc và lúc đó họ sẽ không có cách nào từ chối cả. Vì thế mà, nói chung, ban giám đốc vẫn giữ một thái độ im lặng. Nhưng đến lúc đã đủ tự tin, họ báo cho khách hàng biết rằng công ty đã thử nêu ý định cho cô thôi việc và hậu quả là họ đã bị các luật sư cảnh cáo: họ sẽ bị kiện nếu cho cô thôi việc với lý do họ cáo buộc, cũng như nếu họ chuyển cô qua chỗ khác hoặc thay đổi điều kiện làm việc của cô, trừ phi việc thay đổi đó là để cải thiện những điều kiện làm việc đó.
Thời điểm công ty có thể làm những việc như vậy mà không gây nên xì-căng-đan đã qua rồi. Hiện thời, ban giám đốc đang âm thầm kiếm cho ra một người nào có thể làm chứng rằng cô gái đó có những hành vi không đúng đắn, đi quá sớm, về quá trễ, cách cô ngồi trên ghế tại bàn làm việc, cả đến kiểu tóc cô chải, tất cả đều là những mánh khoé để không ai có thể ngờ rằng cô đã không còn thích hợp với công việc của mình nữa. Hơn nữa, người đó phải là người có đủ thẩm quyền để lấy được một bản sao của tờ hợp đồng hay một bằng chứng nào trong đó cô có đề cập đến tình trạng sức khoẻ của mình, được như vậy thì công ty sẽ biết ơn người ấy vô cùng.
Theo một bà thư ký, người ấy không ai khác hơn là tôi. Bà ta hỏi tôi có ý muốn hợp tác trong vấn đề này không. Đổi lại, tôi sẽ được nhận một đặc ân mà bà ta chưa kịp nói thì tôi đã trả lời ngay là bà ta nên nghĩ đến một người nào khác thì hơn: tôi không muốn dính líu đến vụ này. Tôi cũng định nói với bà ta—cho dù chuyện đó cũng không phải là điều ai cũng muốn nghe—rằng tôi không phải là hạng người biết nói dối. Tôi sẽ ăn nói làm sao khi có ai đó thắc mắc làm thế nào tôi lại biết được những điều mà người ta muốn nghe tôi tiết lộ, đơn giản là vì công việc của tôi không liên quan gì đến công việc của cô. Người đó sẽ nghĩ như thế nào về việc tôi chõ mũi vào việc này?
Nhưng tôi không cần phải nói thêm gì cả, vì ngay khi nghe tôi trả lời, bà thư ký bảo tôi đừng lo lắng hay bận tâm gì về chuyện đó cả, rằng bà ta chỉ nói đùa thôi; bà chỉ muốn thử lòng tôi, chỉ muốn biết tôi là hạng người nào, và bà rất vui khi thấy tôi là một người đàng hoàng. Bà không thể giải thích lý do mình muốn biết điều đó, mà chỉ bảo rằng biết được những chuyện như vậy cũng là một điều hay, kỳ dư bà không có ý định gì khác. Bà muốn tôi bỏ qua chuyện này, coi như không có gì xảy ra và cuối cùng, bà mời tôi đi ăn tối.
Hôm sau, tôi thấy bà thư ký đang đứng nói gì đó với một người gần chỗ làm việc của tôi và cũng làm những điệu bộ y như lúc bà ta nói chuyện với tôi hôm trước. Thế là tôi quyết định đến gặp cô đồng nghiệp của mình để báo cho cô biết chuyện gì đang xảy ra trong văn phòng. Tôi nhắc nhở cô nên coi chừng những gì người ta đang âm mưu để hại cô.
Hoá ra cô đã biết chuyện này, nhưng cô vẫn cám ơn tôi đã cho cô biết. Cô thấy tôi khá tử tế, vì hồi giờ cô vẫn ngỡ rằng tôi về bè với mấy ông giám đốc và các thư ký của họ. Cô rất ngạc nhiên vì tôi tỏ ra bênh vực cô, sau khi cô đã xử tệ với tôi khi chúng tôi có lần va chạm với nhau trong công việc. Cô thấy vô cùng áy náy, nên liền lợi dụng giây phút đó—cô sợ nếu không thì sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa—để ngỏ lời xin lỗi tôi.
Tôi bảo cô là tôi chẳng giận hờn gì cô cả, thậm chí cũng không biết cô nhắc đến chuyện gì trong quá khứ nữa. Cô gượng gạo cười với tôi. Thấy tôi thật tình, cô kể cho tôi nhiều tình tiết của một câu chuyện mà tôi không còn nhớ nữa. Không phải là trí nhớ tôi kém, mà là vì ngay lúc đó trông cô bỗng dưng thật khác lạ, đến nỗi tôi thấy bàng hoàng khi nhận ra đó cũng chính là con người đã có lần cự nự mình. Nét mặt cô không còn xinh tươi như trước, cả phần thân thể còn lại chưa thối rữa của cô cũng vậy. Ấy thế mà tự dưng tôi thấy cô thật quyến rũ mới lạ.
Tôi khuyên cô đừng nên nhớ lại những chuyện cũ làm gì nữa. Đây không phải là thời điểm thích hợp. Việc quan trọng chính là vấn đề hiện tại của cô. Có cách nào để tôi giúp cô chăng?
Thật ra, có một cách.
Cô đang cần một chỗ mới để ở. Tốt nhất là cũng quanh quẩn trong vùng này. Cô phải rời chỗ đang ở trong vòng vài tuần nữa. Hàng xóm của cô đã thuyết phục bà chủ nhà để bà không ký hợp đồng mới với cô. Thêm nữa, bà chủ nhà đã cho cô biết bà sẽ không trả lại cho cô tiền đặt cọc: bà phải dùng số tiền này để mướn người tổng vệ sinh chỗ cô ở, sơn phết lại toàn bộ căn phòng, thay mọi thứ trong buồng tắm, để có thể sẵn sàng đón người mới vào thuê. Thế nào chòm xóm lại chẳng thêu dệt chuyện này chuyện nọ về căn chung cư mà cô vừa dọn ra.
Cô cần tôi giúp cô dọn nhà. Cô không có nhiều đồ đạc là mấy, nhưng nửa con người còn lại của cô không thể nào kham nổi việc chất đồ lên xe. Cô có yêu cầu tôi quá đáng không? Tất nhiên là không. Nếu cô muốn, cô cũng có thể dọn về ở với tôi. Căn nhà tôi ở chẳng gì cũng còn dư chỗ cho thêm một người nữa vào ở. Có thể mang hết đồ đạc của cô vào luôn cũng được. Hoặc giả, nếu cô muốn, chỉ lấy đi những gì cần thiết và trút mọi phiền toái cho bà chủ nhà phải thanh toán sao cho hết những của nợ cô để lại.
Tuy nhiên, cô đã từ chối lời mời của tôi, dù tôi đã hứa với cô rằng tôi sẽ không hé môi cho ai trong công ty biết là chúng tôi sống chung với nhau; chúng tôi sẽ không đến sở hay ra về cùng một lúc; và tôi cũng sẽ không bao giờ làm giúp cô bất cứ việc gì mà tình trạng cơ thể của cô không cho phép. Ở công ty này, quan hệ tình cảm giữa đồng nghiệp với nhau là một điều cấm kỵ. Giữa chúng tôi thật sự có gì không cũng chẳng quan trọng, người ta chỉ cần chộp lấy bất cứ bằng chứng gì mà họ nghĩ đang xảy ra giữa hai bên là đủ để họ có cớ cho cô nghỉ việc. Hơn nữa, có vẻ như ngay trong lúc này tôi đang toan tính một việc gì, trong khi cô lại không có thì giờ trong chuyện tình cảm. Tôi tìm cách trấn an cô, bảo rằng tôi chẳng tìm kiếm gì nơi cô cả. Dạo sau này cô có nhìn mình trong gương không nhỉ? Chắc là có.
Tôi cảm thấy xấu hổ về cách cư xử của mình nên quyết định tránh mặt cô, để cô tự giải quyết công việc của mình. Tôi không trả lời những cú điện thoại cô gọi để giúp cô vào ngày cô dọn nhà, hay trả lời những tin nhắn của cô để lại trong máy. Đến sở làm tôi cũng không buồn thắc mắc cô đang ở đâu hay làm gì. Cho đến một hôm, tôi nghe cô đã nghỉ việc vì ai cũng đang xì xào về chuyện đó. Người ta đồn rằng cô đã đạt được một thoả thuận với ban giám đốc, nhưng có lẽ không đúng, cũng như việc ban giám đốc đã tìm ra cách tiễn cô ra đi mà không gây phương hại cho họ: bà thư ký trước đây gạ tôi hợp tác đã nói cho tôi biết như vậy. Cô gái đã xin chuyển qua một xưởng sản xuất để đổi lại việc cô sẽ không kiện công ty. Vậy thì tại sao tôi lại muốn biết cô chuyển đi dâu? Chẳng phải là tôi đã nói rằng chuyện gì xảy ra cho cô cũng không liên quan gì đến tôi sao?
Đúng là chẳng có gì liên quan đến tôi thật. Tôi chỉ muốn biết có phải vì tôi mà cô xin thuyên chuyển hay không thôi. Chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ như vậy. Cô không giải thích rõ ràng cho ai cả, nhưng ban giám đốc đoán rằng vì xưởng ấy nằm gần chỗ cô mới dọn đến. Tôi không biết chuyện kể công của mình và đòi những ân huệ mà ban giám đốc đã hứa hẹn vào thời điểm này có muộn màng lắm không, hay là các chứng cớ đã đầy đủ lắm rồi. Dẫu sao đi nữa, chắc tôi sẽ phải nói chuyện với họ.
Bà thư ký đã bật cười vì thấy mình quá ngây thơ lúc nghe tôi thổ lộ là tôi không muốn hợp tác. Bà còn phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn khác trong thời gian đó. Bà thấy nhẹ nhõm khi hiểu được tôi đúng là hạng người như bà đã nghĩ. Tệ hơn nữa, tôi còn đang muốn được trả công cho một việc mà không ai công nhận là tôi đã làm. Bà sẽ ghi nhớ chuyện này, vì biết đâu trong tương lai sẽ có chuyện tương tự như vậy nữa? Hy vọng là không. Tôi có hình dung được những gì sẽ xảy ra nếu mọi sự tái diễn không? Cũng may là các điều kiện của công việc của cô gái đó đã được thay đổi, và bản hợp đồng mới đòi hỏi, không những một nụ cười nguyên vẹn, mà còn cấm đoán cả việc chết dần chết mòn hay chết một phần thân thể. Chẳng phải như vậy cũng là hay lắm rồi sao?
Phải một thời gian sau bà thư ký mới bằng lòng cho tôi biết mọi chi tiết, nhưng chỉ sau khi đã bắt tôi thề không cho bất cứ ai biết bà là người đã cung cấp những chi tiết đó: cô gái đã xin ban giám đốc đừng tiết lộ bất cứ chuyện gì về cô, và họ đã chấp nhận yêu cầu của cô theo đúng nguyên tắc nghề nghiệp. Bà thư ký không muốn ban giám đốc nghĩ xấu về mình, vì thế, bà xin tôi đừng nói gì với ai về chuyện này, hay cố tìm ra chỗ cô gái ở. Tôi có nên thoả thuận với bà thư ký này không nhỉ?
Lần này bà ta không mời tôi đi ăn tối nữa. Bà bảo vào dịp khác chúng tôi có thể đi uống vài ly rượu với nhau, nhưng tôi sẽ phải trả tiền, cũng như trả giá cho việc đã hơn một lần làm cho bà sợ hãi.
……………………………………………………………………………………………..

Vài năm sau, tôi tình cờ gặp lại cô gái trong một siêu thị gần nơi tôi ở. Suýt nữa tôi đã không nhận ra cô nếu cô không gọi tên tôi, tay bắt mặt mừng, và hỏi tôi có còn làm với lũ lợn già ở công ty ấy không. Phần cơ thể đã chết của cô giờ đây đã hồng hào trở lại, cô đi đứng linh hoạt, mái tóc buông dài, óng ánh. Trông cô thật khác lạ. Người cô toả ra một mùi thơm ngọt ngào.
Lúc đầu, tôi cảm thấy khá bối rối. Mãi một lúc sau tôi mới ấp úng nói là mình rất mừng được gặp lại cô. Tôi xin lỗi cô đã không đến giúp cô dọn nhà ngày hôm ấy. Tôi chưa kịp nghĩ ra một lý do vụng về nào để viện cớ thì cô đã bảo tôi không cần phải cáo lỗi: cả hai chúng tôi đều biết là cô là người thắng cuộc. Cô chỉ muốn hai chúng tôi đều nên quên chuyện đó đi, và dù sao cô cũng cám ơn tôi đã ngỏ ý muốn giúp đỡ trong khi mọi người quay lưng lại với cô. Cô thấy áy náy vì đã hơn một lần đối xử không đẹp với tôi. Cô xin tôi hãy thông cảm cho cô: trong những ngày tháng đó, cô không còn là chính cô nữa. Lần đầu tiên, khi tình trạng đó xảy đến với cô, tất cả chỉ là mới bắt đầu, khiến cô vô cùng sợ hãi và khổ sở.
Còn lần thứ hai thì sao? Cái chết bắt đầu lan sang phần còn lại của cơ thể cô. Điều cô sợ nhất là có người nào trong văn phòng đến gần cô quá có thể khám phá ra chuyện đó. Bây giờ thì cô khác lắm rồi. Cô thấy trong người khoẻ khoắn ra nhiều. Chẳng lẽ tôi không nhận ra điều đó sao?
Cô thay đổi thấy rõ. Cô đã phục hồi lại nét rạng rỡ đến nỗi không ai có thể biết được rằng phần cơ thể kia của cô trước kia đã ngưng thở, đã mềm nhũn ra, và đã bắt đầu xông lên mùi thịt thối rữa.
Thấy cô vui vẻ, tôi hỏi cô làm thế nào được như vậy. Cô kể, bây giờ cô đã ăn được ngủ được nhiều hơn trước, nhưng đáng kể nhất là nhờ cô đã sống với một người đàn bà đã cho cô đến ở lúc cô không nơi nương tựa. Cô rất muốn giới thiệu bà ta với tôi. Đó là một bà lão chỉ tính tiền thuê nhà đối với phần cơ thể còn sống của cô. Bà ta giúp cô tắm rửa và chải chuốt phần cơ thể mà cô cho rằng đã chết. Cô tin rằng bà ta đã giúp cô hồi lực bằng cách rải những bông hoa tươi dưới chân cô, đồng thời thì thào những lời tựa như lời kinh hay bài hát trong suốt nhiều đêm trường, lúc cô đang say ngủ. Cho đến một ngày, phần cơ thể đó bỗng mỉm cười và sống động trở lại tự lúc nào, cô cũng không hề hay biết. Cô chỉ thấy, thoạt tiên, cô có một cảm giác nhồn nhột trong đầu; sau đó, cảm giác ấy dần dần chuyển xuống thân mình qua từng đợt co thắt, rồi cuối cùng gần như biến thành một dòng điện ở đôi chân.
Trước đó, cô đã nghĩ mọi sự đã đến lúc chấm dứt, vì hơi thở quen thuộc của cô đã bắt đầu suy giảm, con mắt còn lại của cô không thấy gì nữa, và bàn tay của phần cơ thể đó cũng không còn cử dộng được. Nhưng không. Cô đang đứng đó, xinh tươi và rạng rỡ. Cô đã rời bỏ công ty để kiếm được một việc khá hơn. Giờ đây, cô vui vẻ đón chờ tất cả những gì sẽ đến với cô. Tôi có muốn thử làm như vậy không?
Thử làm điều gì mới được chứ?
Chẳng phải là bây giờ tôi đã yêu người nào khác, hay đang toan tính lập gia đình với ai, mà chỉ vì cô không còn là người tôi muốn đi bên cạnh cuộc đời nữa. Chẳng phải vì giờ đây cô đã đẹp hẳn ra, mà chính là vì cô còn xinh đẹp cả ở phần trước đây đã chết của cơ thể. Tôi xin cô đừng hiểu lầm tôi; tôi rất mừng khi thấy cô khoẻ ra, nhưng tất cả chỉ có thế. Tôi vẫn tiếp tục làm việc ở công ty mà cô đã lăng mạ, và chỉ xin cô hãy tôn trọng tất cả chúng tôi mà thôi.
_________________________________________________________
Đoạn kết khác của người dịch, tiếp theo đoạn gần cuối truyện của Claudia Hernández
“Thấy cô vui vẻ, tôi hỏi cô làm thế nào được như vậy. Cô kể, bây giờ cô đã ăn được ngủ được nhiều hơn trước, nhưng đáng kể nhất là nhờ cô đã sống với một người đàn bà đã cho cô đến ở lúc cô không nơi nương tựa. Cô rất muốn giới thiệu bà ta với tôi. Đó là một bà lão chỉ tính tiền thuê nhà đối với phần cơ thể còn sống của cô…… “ (Claudia Hernandez)
… Tôi sốt sắng nhận lời cô mời đến chơi ở chỗ mới của cô, đồng thời cũng để được giới thiệu với người đàn bà tốt bụng đã cưu mang cô trong lúc cơ nhỡ. Cô cho tôi địa chỉ và dặn tôi không được cho ai khác biết. Tôi mỉm cười, trịnh trọng hứa với cô, rồi chúng tôi chia tay, ai về nhà nấy.
Mấy ngày liền sau đó, trong khi náo nức chờ đến hôm được gặp lại cô, đầu óc tôi cứ vương vấn hai hình ảnh đối nghịch với nhau về cô một cách đầy ám ảnh. Tôi hình dung ra cô lúc thì với nửa phần cơ thể ma quái, tanh hôi, lúc thì với hình hài nguyên vẹn, thơm tho, xinh đẹp. Hai hình ảnh đó tràn vào cả những giấc mơ của tôi, có lúc làm tôi ngập ngụa trong kinh tởm vì phần cơ thể đang thối rữa của cô, có lúc lại thấy chan hoà hạnh phúc vì mùi hương lạ kỳ từ con người đã lành lặn của cô toả ngát ra. Ban ngày, thần thái, con người tôi bỗng đổi khác, đến nỗi khi tôi đến sở làm, nhiều đồng nghiệp đã phải lo lắng hỏi tôi có bệnh hoạn gì không.
Buổi chiều trước khi đến thăm cô, tôi tưởng chừng như không chờ đợi được thêm giây phút nào nữa. Khi nắng chiều đã phai bên ngoài những vuông cửa kính của toà nhà công ty, tôi vội vã thu xếp giấy tờ trên bàn rồi tất tả đi ra thang máy, xuống tầng hầm, nơi các nhân viên đậu xe. Tôi lái xe qua những ngã tư, qua những ngọn đèn xanh đỏ vàng nhấp nháy, qua những chiếc xe đủ màu đủ sắc, trong lòng phiêu phiêu cứ như là một kẻ mộng du. Ghé vào một tiệm bán hoa ở góc đường, tôi cẩn thận chọn một bó hồng vàng với những bông hoa thật đầy đặn và óng ả. Tôi tưởng tượng đến vẻ thích thú của cô khi nhận bó hoa từ tay tôi. Cô sẽ ngửi nhẹ vào những bông hoa vàng thắm và thì thầm nói: “Cám ơn anh. Hoa đẹp quá!”
Cô ngụ trên tầng thứ năm của một chung cư trong khá tồi tàn. Cái thang máy già nua của toà nhà khi chạy lên kêu ken két nghe đến rợn người. Bước ra khỏi thang máy, tôi đi dọc theo một hành lang cũ kỹ, xông lên mùi ẩm mốc làm tôi thoáng lợm giọng. Đứng trước cánh cửa có ghi số nhà của cô, tôi hồi hộp đưa tay lên nhấn chuông. Cánh cửa gần như được mở ngay sau đó, như thể cô đã đứng bên trong chờ tôi từ lâu. Hôm nay trông cô càng xinh đẹp hơn lúc tôi gặp lại cô ở siêu thị. Cô mặc một bộ đồ lụa màu hồng, vừa mỏng để hé lộ phơn phớt những đường cong bên dưới, nhưng cũng vừa đủ kín đáo để trí tưởng tượng của tôi phải làm việc khá vất vả hơn mới hòng hình dung ra được những gì mình muốn thấy. Cũng như hôm trước, thân thể của cô, bây giờ đã hoàn toàn lành lặn, vẫn toả ra một mùi hương vừa ngọt dịu, vừa lạ lùng, vì tôi chưa bao giờ ngửi được một mùi hương nào như thế trong đời.
Đúng như tôi đã dự đoán, cô hân hoan đón lấy bó hoa hồng, ngửi nhẹ lên một vài bông hoa, và nói bằng một giọng thật êm ái: “Cám ơn anh. Hoa đẹp quá!” Nói đoạn cô quay đi, dẫn lối cho tôi bước vào trong. Khi tôi chỉ mới dợm vài bước, một mùi hôi thối nồng nặc khắp gian phòng thốc mạnh vào mũi tôi làm tôi lao đao suýt ngã. Cô làm như không để ý đến phản ứng của tôi, mỉm cười mời tôi ngồi xuống cái sofa. Tôi loạng choạng làm theo lời cô, buông mình xuống ghế. Cô cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, thong thả nói: “Đây là bà chủ nhà của tôi.” Rồi hướng về một bên, cô giới thiệu: “Bà ơi, anh này là đồng nghiệp cũ của cháu đó!”
Cô vừa nói xong, tôi mới hoàn hồn và chợt giật mình thấy trong chiếc ghế bên tay phải của cô là một bà lão, nãy giờ vẫn ngồi im lìm như một pho tượng. Không, nửa pho tượng thì đúng hơn, bởi vì bà lão gần như chỉ còn lại một nửa hình hài của mình. Phần cơ thể đã tiêu hao đi của bà, phía tay trái, trùng hợp thay, cũng chính là phần cơ thể của cô đã chết đi ngày trước. Tôi chưa kịp nói gì thì bà lão đã mỉm nửa nụ cười với tôi mà không nói gì cả. Tôi tựa vào thành sofa như để khỏi gục xuống. Trong không gian nửa sáng, nửa tối, nồng nặc mùi hôi thối, bà lão ngồi đó, máu ri rỉ chảy ra ở những nơi cơ thể bị hở toang; tôi có thể thấy những sớ thịt còn vắt va vắt vẻo, lủng lẳng ở nhiều nơi. Những gì còn lại ở phần cơ thể đã mất đi của bà chỉ là xương xẩu, hay nói cho rõ hơn, một nửa bộ xương của bà lồ lộ ra vì đã mất gần hết phần da thịt bên ngoài. Khuôn mặt của bà cũng mất nhiều da, trừ phần tóc vẫn bám vào đầu và con mắt vẫn còn láo liên trong cái hốc của nửa cái đầu lâu như đang trừng trừng, nghiêm nghị ngó thẳng vào tôi.
Cô cũng không nói gì nữa. Cô ngồi im, như thể đang dò xét xem tôi đang nghĩ gì. Nhiều phút im lặng nặng nề trôi qua mà tôi tưởng chừng như cả thiên thu. Mãi sau, bà lão mới chậm rãi cất tiếng: “Rất tiếc, nhà chúng tôi không có gì sẵn để mời anh dùng bữa cơm chiều.” Đoạn bà quay đầu về phía cô ngồi, nói tiếp: “Nhưng cháu này, cháu có đói thì cháu có thể cáo lỗi với anh đây để ăn một chút đi, vì từ sáng giờ cháu chưa ăn gì cả. Cháu có thể cắt một ít gan của bà mà ăn cho đỡ đói.”
Tôi rùng mình liên tiếp mấy cái. Nghe bà lão nhắc đến gan, tôi như nhớ ra một điều gì quan trọng. Tôi nhìn kỹ vào lồng ngực bên trái của bà. Sau dãy xương trắng hếu vẫn còn bê bết máu, tôi thấy trái tim của bà lão vẫn còn nguyên vẹn, đang phập phồng theo nhịp thở của bà. Bên dưới, hình như phần lớn các cơ quan nội tạng của bà không còn nữa. Trên gương mặt chỉ còn một phần da thịt nhăn nheo của mình, bà lão nở một nửa nụ cười trông vô cùng quái dị.
Đến lúc này thì tôi không còn trấn tĩnh được nữa. Tôi vùng đứng dậy, lao ra cửa, chạy ào ra ngoài hành lang, cúi đầu nôn thốc tháo xuống nền nhà. Cô cũng vội vã đứng lên và chạy theo sau tôi. Sau cơn nôn oẹ kinh hoàng, tôi ngẩng đầu lên, đưa tay vuốt những giọt mồ hôi đang thi nhau chảy ròng ròng xuống trán, xuống mặt. Hai chúng tôi đứng đó, đối diện nhau trong im lặng tuyệt đối. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ngôn ngữ chỉ là một phương tiện hoàn toàn vô dụng.
Trần C. Trí
Recent Comments