Trung úy Hùng không cao nhưng thuộc hạng người vạm vỡ. Qua bộ đồng phục cảnh sát có độn áo chống đạn bên trong, mắt kẻ phàm tục cũng hiểu thằng chả từng qua nhiều lớp tu luyện kung-fu. Dĩ nhiên, Hùng là người Việt. Ổng nói giọng Nam, mặt khá điển trai, chừng ngoài 30.
Trước khi làm việc, ông tâm sự: Tôi rất nản khi cấp trên giao cho tôi phải hoàn thành vụ nầy. Vì sao nản? Vì tôi không thích đón nhận những tai tiếng xấu xa do người đồng hương gây ra. Tôi từng bắn cụt giò một tên tội phạm và tôi đã dằn vặt nhiều ngày vì thằng con trai ấy là người Việt. Trước, tôi chỉ huy đồn 36 ở phía Đông thành phố, nơi đa phần là dân da màu cư ngụ, sau này họ điều tôi về đây chỉ vì một lý do: Khu vực nầy mỗi lúc một đông người Việt, và như thế chúng ta có thể nói chuyện trực tiếp không cần qua miệng một thông ngôn. Anh hiểu không? Theo kinh nghiệm, tôi cho là khi người ta tâm sự, dẫu vụn vặt, những dốc lòng đó chẳng xa sự thật bao nhiêu, nhất là nó không bị hàng rào khác biệt ngôn ngữ quấy phá. Nói suông sẻ chứ không nói ấp úng bởi mãi tìm từ tiếng Tây tiếng u.
Anh hút thuốc phải không? Thường thì nghiêm cấm bởi phòng hỏi cung này quá chật, không cửa sổ, nói chung là bí, nhưng tôi phá lệ để cho anh tìm được chút thoải mái. Hãy thư giản. Nếu muốn, tôi sẽ xuống cafeteria mua cho anh một ly… Trung úy Hùng sửa lại khẩu súng ngắn, đen đủi dị hình máng ở thắt lưng trước khi ngồi trên một góc bàn. Phòng kê độc chiếc ghế nhựa và chiếc ghế ấy muôn đời không phải là nơi cho vị cảnh sát tọa mông. Hùng ngó xuống thằng thanh niên ngồi cứng nhắc trên ghế. Như bao thằng khác, hắn đặt hai cánh tay trên bàn, ngón xoắn lại với nhau, thảng hoặc cúi mặt tẳn mẳn moi đất đen bám sau móng tay. Một, để cố giữ bình tĩnh. Hai, đang bận suy nghĩ lao lung. Ông bạn dân ho khan, đằng hắng: Tấm ảnh này chụp đã lâu, có ghi ngày tháng. Để xem, vậy là bảy tháng trước. Bảy tháng, dung mạo chẳng thay đổi nhiều ngoại trừ dao kéo của thẩm mỹ viện can dự vào làm cho biến dạng đi. Và đây là ảnh mới nhất, lưu trữ trong cái iphone 4 của cô ấy. Anh nhận diện rồi nói cho tôi biết tên của cô ta.
Một. Tôi là Nguyễn văn Một. Tôi không biết cô này là ai cả. Tấm ảnh cũ thì xem có hơi ngờ ngợ, hơi quen quen, dù không nhớ đã thấy qua một lần ở đâu đó. Anh Hùng, à Trung úy Hùng, Trung úy biết đó, tôi làm việc trong một tiệm disco, phục vụ bán rượu, mỗi tối, nhất là cuối tuần, tôi phải chạm mặt cả ngàn cô gái đủ mọi sắc tộc. Ánh đèn mờ ở quầy rượu không giúp gì cho trí nhớ tôi, ngoại trừ những cô tóc vàng mang vào người một cái gì thật ấn tượng. Trung úy Hùng cắt ngang, đưa tay phủi sạch một vệt dơ bám vào quần. Anh Một hình như là dân vượt biển, phải không? Một làm thinh, kéo tấm ảnh lại gần. Hình này, xem nào… Ồ, không chừng là Thị. Tôi chẳng xác tín được bởi thời gian đi mau quá. Cái gì? Cô gái mang tên Thị à? Dạ phải, Thị, như câu “hu thị thị rớt bị ăn mày” ấy. Tựa một loại trái có mùi rất thơm. Nói tiếp đi, những gì còn nhớ. Dạ, năm ấy, trước khi Hồng-kông bàng giao lại cho Trung quốc, tôi ở trại tị nạn khu vực Cửu-long, lúc ấy, một chủ nhật xấu trời có mưa sa, tôi co ro chứng kiến một hình ảnh lạ, phải nói là kì cục, một đoàn xe sang trọng bóp còi inh ỏi từ ngoài cổng trại có giăng kẽm gai chạy thẳng vào, băng qua khoảng sân đọng vũng bùn lầy và dừng lại có thứ lớp trước một vuông cửa tối đen bẩn thỉu của dãy nhà A-4. Một chú rể bản xứ với sự trợ giúp của đám bạn ồn ào tiếng Quảng-đông đã vào tận hang ổ để rước về một cành hoa lưu lạc made in Duỵt-nàm. Cô dâu là Thị. Cô khoảng 18 tuổi, người Bắc, nghe đâu nằm ở trại tị nạn đã 3 năm mà không được một phái đoàn nào tiếp kiến phỏng vấn. Ở chỗ giặt giũ áo quần tôi nghe cô nói: Đéo mẹ, ngay cả bọn Đan Mạch cũng đéo thích bà. Chúng xem bà như mụ già nằm chai người, ế chảy. Cơ khổ! Lầm to lầm to. Bà ngon hơn chúng mày tưởng… Tôi để ý tới cô ta vì thứ ngôn ngữ nghe thật lạ tai, cô ưa dùng những chữ mà bọn chúng tôi gọi là tiếng Đan Mạch. Đéo, đếch, cái hĩm nhà bà đây nầy, được có mỗi con buồi chứ đâu có cái đếch gì khác… Đại khái là vậy, nói không ngượng miệng. Thứ nữa, Thị sở hữu một thân hình đẹp, phải gọi là rất xếch-xi. Chỉ có thế, tôi ngỡ cô định cư ở Hồng-kông. Trung úy có tin người giống người không? Một sự trùng hợp, nhầm lẫn ngoài ý muốn.
Tôi là Trần văn Hai. Tôi đứng bếp cho một tiệm phở bên Vancouver, nâng cao tay nghề xong tôi “mu” về đây tự mình mở quán. Người trong ảnh này có thời gian đến xin việc, thẻ an sinh xã hội mang tên Tràng An, 27 tuổi. Cô khai, thời còn bên nhà cô nấu phở rất ngon, tôi thử cho cô thi thố tài năng và quả tình cô không man khai. Quán tôi đông khách từ ngày có Tràng An. Cô ta đòi lên lương 20 đồng một giờ, tôi đồng ý. Vì công việc, chúng tôi sớm tối gần gũi nhau và xin thưa thật chúng tôi đã quan hệ với nhau. Vụng trộm chưa được một năm thì vợ tôi phát hiện, giải pháp êm đẹp nhất là cô cuốn gói ra đi với 25 ngàn tiền mặt nằm trong xách tay. Tôi không biết tin tức Tràng An từ dạo đó, hai năm trước. Giờ đây, thỉnh thoảng nhớ vu vơ. Chuyện gì đã xảy tới cho cô ấy. Mất tích, tù tội hay án mạng?
Trung úy Hùng kéo ghế. Tuy làm bằng nhựa, chân ghế cũng phát tiếng nghe ê răng khi bị kéo lê trên nền xi-măng. Ngồi xuống đi. Phạm văn Ba phải không? Dạ. Thằng đeo khoen tai tóc dựng đứng ké né ngồi vào chỗ chỉ định.
Hắn buông thỏng hai tay thu cất dưới bàn. Y phục tuyền màu đen, từ trên xuống dưới, ngoại trừ một đốm màu đỏ tươi dính chặt ở bắp tay. Phạm văn Ba chắc tốn bộn tiền để xâm vào da thịt hình một trái tim rướm máu bởi vô số gai nhọn ràng buột, bức bối. Cái ví da đựng giấy tờ tùy thân của Ba nằm sau túi quần được nối với thắt lưng bằng một sợi dây xích, lủng lẳng, rối rắm và… ngó gai con mắt. Da dẻ Ba xanh tái tựa hồ Ba là truyền nhân của bá tước Dracula, sợ quang minh chính đạo. Hắn không dám ngó mặt Trung úy Hùng như thể ở trán ông quan hai cảnh sát có xâm hình một chiếc thánh giá. Nói tóm, bao bọc quanh thân Phạm văn Ba là thứ gì đó mà phát hiện đầu tiên của mắt nhìn là sự thiếu thiện cảm. Một thằng punk đi lạc chốn, cô đơn cùng cực. Trung úy Hùng ngắm con mồi, hắn đẹp trai quá, sáng láng, có vẻ con nhà giàu học giỏi. Trung úy Hùng, theo thói quen, ngồi lên góc bàn, ra vẻ thị uy. Và nhập đề: Ba biết tiệm cho thuê DVD “4U” chứ? Dạ biết. Khách quen? Dạ, quen biết gì đâu, thường ghé xem có gì mới lạ. Biết tên chủ nhân không? Dạ biết, nghe bà vợ anh ấy gọi là Mình. Tầm bậy. Minh, không có dấu huyền. Minh cũng có thể gọi vợ là mình ơi vậy. Qua đây lâu mau? Dạ, hai mươi năm rồi. Có nghĩa là má ẳm qua hả? Dạ không, dì bế qua, má em mất khi đẻ ra em. Nói tiếng Việt giỏi hé? Dạ, bị dì em siêng dắt tới chùa trau dồi tiếng Diệt. Thôi được, tôi có ghé tiệm anh Minh cách đây hai hôm. Tôi biểu Minh nên hợp tác với cảnh sát và cậu ấy cho tôi xem danh sách của ba người Việt thường đến thuê phim. Tôi gạt hai đối tượng kia ra vì họ đứng tuổi, chả có gì đặt nghi vấn. Phạm văn Ba là kẻ còn lại, tôi ghi được tất cả những phim Ba đã mướn, kể cả ngày tháng. Khiếp, bạn giải trí với mức độ chóng mặt, gần như chỉ cách khoảng đôi ba hôm. Và điều đáng nói là bạn chỉ xem phim bạo động hoặc phim đen 3X. Trong danh mục phim người lớn mà bạn mượn tôi để ý tới phim “Hãy đi sâu vào và làm tôi khóc”. Vì sao? Vì cái poster in hình cô gái đó rất giống với tấm hình này. Tôi nói nãy giờ Ba có hiểu không? Cần xổ ngoại ngữ không? Dạ hiểu. Dạ không cần.
Trung úy Hùng thảy xuống bàn hai tấm ảnh cũ. Một của Thị, một của Tràng An. Có thể tuy hai mà một. Ba biết ai đó không? Dạ biết, dì dắt đi ăn phở để tìm hương vị quê hương nơi xứ lạnh tình nồng và em đã thấy cổ. Em kêu chị, cổ nói đừng gọi thế đéo sướng. Chị khen em đẹp giai, chị ghi cho em số phone rồi nói, nhớ gọi em nhé, anh giai… Rồi sao nữa. Rồi em muốn tìm hiểu. Rồi hai đứa hẹn nhau. Hỏi tên, chị bảo, gọi là Honey đi, cho mùi. Rồi Honey xúi em đi thuê phim để thêm hưng phấn. Khoan, khoan… Trung úy Hùng ngắt lời. Cô ấy tự nguyện hay Ba phải chi trả mỗi lần lên giường. Phải trả tiền chứ chú, à Trung úy. Cô nói lý ra không nên dây tới tiền bạc, đếch lãng mạn, nhưng cô hiện đang thất nghiệp. Cô nấu phở ngon lắm chú, à Trung úy. Thế Ba tốn bao nhiêu? Tùy thuộc vào sự buồn vui của Honey. Khi thì 250, có lúc cô đòi 300. Nói chung là chẳng có giá nhất định, Honey bảo cô không hề là một cô điếm. Mà sao Trung úy hỏi em kỹ thế? Có chuyện gì xẩy ra cho Honey sao? Tiền đâu mà Ba sẵn thế? Ông cậu em hiện là đại gia quy hoạch đất đai ở Việt-nam. Cậu thương em mồ côi mẹ sớm nên gửi cho ngàn đô hằng tháng. Đại gia là gì hả Trung úy? Có phải là Thiếu úy xong tới Trung úy xong tới Đại gia? No. Fuck. Đại là to, gia là nhà. Chỉ biết ngần ấy thôi, ngoài ra tớ bù trất, chả đủ chất xám để thông hiểu. Thôi, Ba về đi, buổi nói chuyện của chúng ta coi như chấm dứt. Thay mặt đồn cảnh sát 42 cám ơn sự hợp tác sốt sắng của Phạm văn Ba.
Trung úy Hùng đứng bấm chuông. Hôm nay ông mặc đồ dân sự, xuềnh xoàng giản dị lè phè. Có vậy mới thấy cái vỏ bọc luôn quan trọng, hèn gì người ta ưa bình phẩm: Cha chả, thằng này diện bộ đồ ăn nói trông thiệt le lói! Cởi bỏ đồ ăn nói ra, Hùng bình thường và tầm thường như vạn thằng đàn ông khác. Chuông gióng hồi thứ ba thì cửa mở, đứa con trai nheo mắt vì ánh sáng bẳn gắt của trưa hè đang dội ngập sân, chôn vùi hình thù chậu hoa lớn trong biển nắng. Mày còn nướng người trên giường sao? Chủ nhật mà anh, sinh hoạt phải thay đổi chớ. Mày đã nghe cuốn băng thu âm chưa? Đã. Vì thế mà trăn trở suốt đêm. Anh thấy sao? Tao thấy mày hên. Chả có đứa nào biết rõ thân phận con bé. Chỉ biết có mỗi việc là nó ưa dây tới chuyện xác thịt. Vụ nó bị xây xát phải nằm bệnh viện thì sao? Tao đã đóng hồ sơ với thứ kết luận: sau khi điều tra, đương sự bị đánh ghen và đương sự chẳng có ý định thưa gửi kiện cáo gì ráo. Nhắm dễ ăn không anh? Tao đã dằn mặt thằng côn đồ kia, bảo nó thăng khỏi thành phố, chớ héo lánh. Bắt chúng nó cũng dễ, chỉ sợ phải dẫn về đồn lập biên bản, như vậy câu chuyện thêm phức tạp, dấu đầu lòi đuôi. Bao lâu nó xuất viện? Tối nay em đến rước nó. Mày cũng tìm cách biến khỏi chốn này đi, cùng nó ém vào thị trấn xa khuất nào đó. Tình hình lắng dịu, tao hú mày về.
Trung úy Hùng đến mở tủ lạnh, khui bia ngữa cổ tu hơi dài. Em để tiền trong cái phong bì dấu dưới đám rau quả ấy. Con bé giao dịch với bọn trồng cỏ hơn hai năm, ký gửi trong sổ tiết kiệm được sáu chục ngàn. Phong bì ấy đựng tiền mặt. Em đếm rồi, cả thảy hơn hai chục xấp.
Hùng đóng cửa tủ lạnh, nhét cái bao thư màu vàng sau lưng quần, gần chỗ khẩu súng ngắn ẩn mình. Mày nhớ những gì tao từng căn dặn chưa? Có việc nan giải gọi tao ở cái cell phone. Tao đề nghị mày lái xe về chốn cũ rồi hẳn lấy vé máy bay sau, cho mặt con bé nhạt bớt vết trầy trụa. Đừng sử dụng phương tiện xe hỏa hoặc xe đò. Tao tạt về sở một chút.
Mở cửa, Hùng đứng ở tam cấp đeo kính rayban vào mắt, vặn vẹo thân hình qua lại. Buổi trưa, hai đầu đường vắng ngắt, êm thắm.
Thủ tục xuất viện rất đơn giản, vả lại, nạn nhân Huỳnh thị Trinh Nữ chỉ ê ẩm ba sườn, chợt da cùi chỏ và hai mũi kim khâu bên trên mày trái. Mắt bớt sưng, đi lại bình thường, bắt đầu buồn miệng: Xong cả rồi anh? Xong tất. Yên ổn từ nay về sau? Ừ, yên hàn vô sự. Mẹ kiếp, thằng ấy có võ anh ạ và phường vũ phu, ra tay tàn độc đau đéo chịu được. May mà mồm em to, em rống lên và dân tình chộn rộn, có thằng Tây con mặt bô giai chạy tới giải hạn, nó xốc ngực em đứng dậy, ma đàm sao rồi, ma đàm có ô-kê không? Ma đàm con bà mày, tao còn xuân thì mày xốc nách tao mày không cảm nhận gì sao?
Thằng đàn em Trung úy Hùng dìu Trinh Nữ tới chỗ đậu xe. Thương em thật lòng không? Hỏi lãng xẹt, không thương cớ sao cùng vào sinh ra tử với cưng? Khi nằm trên giường bệnh, em nghĩ tới anh, cầu mong sao anh là bến đỗ an toàn, sau chót của em. Đếch dám tơ tưởng gì hơn.
Xe gài số, lùi lại, xém đụng phải thằng thanh niên đang khởi động máy nổ chiếc xe gắn máy trông bụi bặm. Hắn mặc tuyền một màu đen, vừa càm ràm vừa bước tới cửa xe. Ủa, Honey, lâu ngày không gặp, em mới mướn được cuốn phim nóng thuộc hàng siêu khủng. Phim ảnh làm đéo gì giờ nầy? Có thấy người ta đang tàn tạ hay không? Honey honey! Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu, hở Trinh Nữ!
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments