Tôi thiếp ngủ một giấc ngắn, mù lòa, không hay biết trời có mưa. Lắc rắc, đôi ba hột, như mèo đái. Tôi giật chuông, chiếc xe buýt chạy dằn xóc một đỗi mới thả tôi xuống, co ro đứng ngáp với mùi hơi đất lấn át mùi dầu xăng.
Đêm khuya, con đường chưa ngơi nghỉ, cựa mình nghe tiếng lá thì thầm với chút loáng ướt của nó dưới bóng điện vàng. Tôi không có đồng hồ. Tôi chỉ biết hôm nay thứ bảy, và cuối tuần thì giờ giấc sinh hoạt có khác đi. Người ta ưa bỏ những nơi quạnh vắng để chạy đuổi về một chốn vốn sẵn đã đủ đầy sự chộn rộn. Tôi ghét chộn rộn, nó luôn xô đẩy tới mình cái choáng váng, làm dâng cao thêm niềm lẻ loi giữa đám đông xa lạ.
Tôi băng qua công viên cỏ ẩm, có người khom mình vào thùng rác luôn tay tạo ra những tiếng động. Một lon nước rỗng nằm trong đó đổi được năm xu và có đáng không để đêm hôm lặn lội đi bươi móc tích tiểu thành đại? Những đồng xu trong túi quần theo bước chân tôi đều đặn cất tiếng. Tiệm tạp hóa nằm cuối đường có lẽ đã đóng cửa. Nếu nó còn mở, tôi chỉ có thể mua được một ổ bánh mì cuối ngày, khô cứng. Ngược chiều với tôi, có bóng đen từ bên kia lề đang băng qua đường. Khoảng cách thu hẹp và có thể tôi là mục tiêu cho hắn hỏi thăm. Túi áo tôi còn mấy điếu thuốc nằm trong bao. Tôi nghĩ là hắn sẽ xin một điếu và tôi không lấy làm phiền hà vì chuyện đó. Tôi đứng dưới một ngọn đèn đường châm thuốc hút, chờ đợi. Tôi ngó thấy những tờ giấy quảng cáo dán nham nhở quanh thân cột điện. Đi New York hai ngày, 149 đồng. Garage sale. Kỳ diệu thay, bạn sẽ sụt mất 5 kí-lô trong vòng một tuần. Bán lại giàn computer còn mới…
Người đàn ông không xin thuốc. Hắn chẳng nói một lời, hắn ngó vào mặt tôi khi chìa ra ở tay tấm hình màu. Tôi thấy khuôn mặt một đứa con gái đọng trong đó, ẩn hiện dưới bề mặt trơn láng. Tôi nhớ những tấm giấy dán nơi trụ điện chẳng có tờ nào in hàng chữ Missing- Disparue. Tôi nghĩ tới những ông thám tử tư lầm lì trong phim ảnh: “Mày có thấy qua con bé này lần nào không?”. Tôi lắc đầu. Gã đàn ông nhún vai, băng qua đường và lẫn mình sau hàng cây nhiều bóng tối.
Điếu thuốc cháy hết bề dài của nó khi tôi bước lên ba bậc cấp. Tôi nhấn chuông, nhìn những xác lá nhẹ hẫng di động dưới sàn gỗ. Cửa mở, khuôn mặt Huy không biểu lộ điều gì khi nhìn tôi. Hắn quay lưng:
“Mày có mua được những thứ tao nhờ không?”
Tôi đóng cửa và ngửi được mùi đồ ăn. Tôi theo Huy lui sau bếp. Hắn chuẩn bị chiên cơm, hành tỏi bắt đầu vàng trên chảo dầu. Tôi moi túi quần, ném cái bao nylon nhỏ xuống bàn. Nó chứa những loại thuốc trụ sinh tôi nhờ người ta mua giùm, chẳng cần toa bác sĩ. Tôi không hỏi thuốc đó nhằm chữa chạy bệnh gì? Cường dương bổ thận hoàn, hay trị đứt nọc nhiễm trùng đường tiểu? Tôi không thắc mắc mà người đưa thuốc cũng chẳng màng ngó tới tôi bằng con mắt thọc mạch. Làm như thời buổi này, thằng đàn ông nào cũng nên uống ba loại thuốc mắc tiền ôn hoàn dịch vật đó!
“Mày đói thì ăn cùng tao một lượt. Uống thuốc trước bữa ăn phải không?”
Tôi nhìn căn bếp, mọi thứ chẳng có gì đổi thay, chỉ hiện diện sự bừa bộn. Ở cửa tủ lạnh vẫn còn dán tấm hình Soan chụp hôm sinh nhật cô ta tròn ba mươi bốn tuổi. Trong đó, một phần thân thể của Huy bị cắt lià, chỉ còn nửa người với cánh tay vắt qua vai Soan; và cái đứa làm phó nhòm thì thật đáng trách, nó bấm máy kiểu gì mà mắt Soan nháng đỏ như lửa nhóm ở bên trong. Một tấm ảnh không đẹp, lý ra Soan phải xé nó ngay hoặc Huy thủ tiêu không thương tiếc.
“Sao, mày chê không ăn à? Trời ạ, đừng tưởng là moa chẳng biết chuyện bếp núc… Đùa dai!”
Tôi mở tủ lạnh, lạnh tanh. Chẳng có thứ gì giải khát ngoại trừ hai chai bia đang run rẫy va thân vào nhau.
“Làm bậy một chai. Đợi lát nữa tao pha cà-phê cho”.
“Cô ta đang ở đâu? Mày biết không?”
Huy nhìn tới cánh cửa tủ lạnh vừa đóng sập lại.
“Làm sao tao biết được? Mà việc gì phải biết?”
Tôi ngồi xuống ghế, ngửa cổ rót bia xuống cuống họng. Bia lạnh và người tôi nóng. Tôi buồn, ở đầu óc, ở cơ thể. Và buồn miệng:
“Mày có dự tính nào không?”
“Dự tính gì?”
Huy cau mày trong khi ăn. Khói từ chén cơm tỏa bay, đọng mờ cặp kính trắng của hắn. Tóc dài rối, râu ria không cạo đen một vệt lọ nồi trên môi. Dường như từ lâu, hắn đã bỏ quên nhiều thứ. Hắn săm soi bao nylon đựng mấy hộp thuốc:
“Tết này tao sẽ về thăm nhà. Có thể gọi đó là một dự tính không?”
Tôi ngó tờ lịch in hình một đầu núi phủ tuyết trắng. Những con số đen đỏ ở đó nhòe đi. Mắt tôi bị yếu nhưng chưa sẵn tiền để đi khám, và sau rốt buộc lòng phải tậu một cái kính lão. Bốn mươi tuổi mà mắt đã sớm đục bụi trần rồi sao? Những con số gian dối nhập nhằng làm tôi mọc lên một dấu hỏi: Vợ chồng nó chia tay nhau đã bao lầu rồi?
Tôi nhìn Huy:
“Mày tính về Việt-nam thật sao?”
“Ủa, ai cấm? Thử xáo trộn cái đời sống tẻ nhạt này xem sao. Cả mày nữa, sao mãi dật dờ… Mày là một thứ attentisme!”
“Ừ, tao theo chủ nghĩa chờ đợi. Tao nằm chờ sung rụng. Rồi trời sẽ nổi gió”.
Tôi nốc bia, Soan đã ba mươi lăm tuổi mà sao hình cô trông tươi trẻ như một kẻ hai mươi. Thật kỳ lạ. Sự buồn phiền thì không thể nào giúp cho con người đi thụt lùi vào quá khứ.
“Mày phải tạm thời hoán đổi cái cảnh sống này đi. Xoay nổi một cái vé máy bay không?”
“Xa quê hương nhớ mạ hiền, về xin tiền sợ bả la!”
Huy cắn một trái ớt hiểm:
“Đùa dai… Cặm cụi cày bừa mà được gì, lâu lâu nên thay đổi không khí”.
“Về lại chốn cũ kinh hoàng tại sao lại gọi là thay đổi không khí?”
“Lắm chuyện! Thì về lấy mẹ một đứa con gái làm vợ cho được việc!”
“Tại sao lại phải mang hạ sách ấy ra?”
“Ủa, chớ không phải bọn nó thảy đều binh có một nước đó thôi à?”
“Ừ, chỉ một đường binh. Tụi nó dương hết cỡ, lừa gạt và dối trá. Giờ này mày về thì có thể mang tiếng là Việt gian”.
“Địt mẹ mấy thằng Việt kiều, làm hư bột hư đường hết trơn!.. Mà không dối gạt thì nói sao cho người ta tin?”
“Ừ, dối gạt. Bên này bên kia không tài nào hiểu nhau, tự thâm tâm mỗi người đã sẵn mang một ngộ nhận về nhau rồi. So ra dương còn hơn thủ!”
Huy đứng lên, ném chén đũa vào bồn.
“Mày biết Soan nói với tao ra sao không? Người như anh khó mà lấy được ai, ngoại trừ là đi lừa gạt họ”.
Giọng Huy bình thản, không tỏ hằn học. Làm như hắn từng lừa gạt và Soan từng là nạn nhân.
“Đùa dai. Cái câu nói cạn xợt kia lý ra đừng thốt ở cửa miệng khi mà cô ấy đã chung đụng với moa những bốn năm… Mày uống cà-phê gì?”
Tôi đặt chai bia xuống bàn, chùi tay ướt vào quần.
“Cà-phê đen”.
“Tao rất nản khi nghe thằng Dương than. Vợ nó bảo: Anh chọn đi, hút thuốc hay ở chung với tôi? Vừa phải thôi, ba cái điều kiện vớ vẩn kiểu đó mà lại đem ra làm khó nhau”.
“Nằm ở địa ngục thì bao giờ cũng thú hơn là lên thiên đàng”.
“Tao không nói về cái khoản đó. Tao muốn nhắm tới chữ hiểu. Mà mày biết gì về địa ngục và thiên đàng? Địa ngục là cảnh mà thằng Dương đang phải đối đầu đó. Tao nói với hắn, nếu vợ mày bỏ, hãy nhớ tự tử bằng thuốc lá, hút cho cháy cái lồng ngực trống lạnh ấy đi. Đâu, có thuốc thì cho tao một điếu”.
Tôi thảy bao thuốc ra giữa bàn. Tôi cố nhớ lại khuôn mặt vợ thằng Dương. Hơi son phấn, hơi tròn trịa, hơi dâm đãng. Mọi thứ đều thường thường bậc trung. Cô ta làm việc ở cơ quan nào nhỉ? Có thể ở bệnh viện trung ương? Có thể ở bộ y tế? Biết đâu được! Gần đèn thì sáng. Mặt mày thằng Dương thì lu câm!
Huy bật lửa, lật sấp ngửa bao thuốc lá.
“La cigarette cause des maladies du coeur”. y, thiếu gì đứa không hút thuốc mà luôn mang một trái tim nghèo nàn, bệnh hoạn!”
“Vậy thằng Dương tính sao?”
“Dĩ nhiên là nó không nghe lời tao xúi dại. Muốn làm quân sư, ít ra cái đứa ấy biết cột chân vợ lại. Không cột kiểu quân tử thì trói bằng cách của kẻ tiểu nhân. Tính tao thì mày biết rồi, chúa ghét hai hạng người trên”.
“Hoá ra thằng Dương là một kẻ tiểu nhân?”
“Cái đó là mày nói. Đôi khi nó ngại làm Việt gian lặn lội về quê nhà thắp đuốc tìm vợ. Kệ, làm tiểu nhân mà tề gia được thì cũng đáng phổng mũi”.
“Cuộc đời thật lạ, biết sống cảnh độc thân là sướng, là thảnh thơi, vậy mà ai cũng đùng đùng quay quắt một hai đòi lấy vợ. Không lấy không xong!”
“Uống cà-phê đi cha. Mày nói nghe như sư sãi trên chùa nói. Đùa dai!”
“Bao lâu thì mày sẽ dọn đi?”
“Tại sao?”
“Một mình mướn chỗ ở rộng thì có phí không? Vả lại nơi này còn lưu giữ nhiều dấu vết của Soan quá”.
“Tại sao mày không dọn tới ở chung với tao?”
Tôi bưng tách cà-phê lên, thơm ngát. Tôi ngó ảnh Soan qua vành men trắng. Tôi nhấm nháp vị đắng. Làm thinh.
Huy kiếm đôi giày, ngồi thắt giây:
“Tối nay mày ngủ lại đây chứ? Bây giờ tao ra cái máy đằng góc đường rút ít nhiều trả lại tiền thuốc cho mày”.
Đi tới cửa, Huy quay đầu lui:
“Có muốn tắm thì vào phòng ngủ mà lấy khăn lông”.
Chút gió lọt vào khi Huy bước ra đường. Ngai ngái mùi đất ẩm. Cánh cửa đóng sập lại và lát sau tôi nghe tiếng máy xe nấc lên. Tôi vào phòng ngủ, nhìn cái giường queen size, quá rộng nếu dành cho một kẻ độc thân, nằm lạnh lẽo giữa phòng. Tôi không rõ giờ này Soan sẽ đặt lưng xuống một mặt nệm có kích thước ra sao? Lớn, nhỏ? Bao lâu rồi? Hai tháng? Cứ cho là vậy đi. Sáu mươi ngày, với thời gian chật hẹp đó, người ta có đủ tài cán không, để xoay xở tìm ra đối tượng mới mà điền vào khoảng trống? Những đồ vật lỉnh kỉnh Soan để lại, Huy tôn trọng không đụng tay tới. Tôi thò tay sờ vào bộ đồ ngủ mỏng manh Soan móc trong tủ đứng. Chất lụa mềm, trơn mát cả xúc giác, đến rợn cảm; ở đó thoảng bay một hương mùi, xa vắng. Cái mùi hương… Làm sao Huy có thể ngủ xuống với nó được? Một thứ hoa lài trắng toát giữa canh khuya, dằn vặt trong gió vị ngọt ngào, đánh thức mọi vật dậy và rồi phủ chụp lên trên bằng mùi thơm quá đỗi u mê. Rất liêu trai.
Đầu óc tôi mụ đi, tôi bỏ ra bếp ngồi xuống lại vị trí cũ, ôm đầu. Tôi nhớ lại hôm sinh nhật Soan, chính tôi là đứa đóng vai phó nhòm. Phải, đích danh thủ phạm này đã đưa máy lên chụp bắt được đốm lửa đọng trong đôi mắt nâu của Soan. Cái đốm lửa kỳ lạ mà chỉ mình tôi có được lối giải thích riêng tư.
Huy mở cửa. Hắn bước vào nhà không phải bằng tiếng động bình thường. Gỗ lót nền đang khua lóc cóc tiếng giày cao gót.
“Cứ tự nhiên đi nhé”. Huy nói, bằng tiếng Pháp.
“Có gì uống không, moa rất khát”.
“Bia. OK? Hãy lui sau này”.
Gót giày vang dội lối đi hẹp, ngắn. Ngập ngừng, rồi thắng đứng.
“Ủa, hoá ra có thêm một nhân mạng nữa?”
Đứa con gái nhìn tôi. Tia mắt không chứa đựng ngỡ ngàng, chẳng bối rối. Cô ta mặc áo thun, bó chặt làm thích thú nhãn quang khi đọc thấy hàng chữ in trước ngực. Chữ nghĩa chẳng được ngay hàng thẳng lối, lồi lõm lên đèo xuống núi: “Where will you be in 2012?” Một dấu hỏi đáng nêu ra. Thiên đường, địa ngục. Mặt trăng, hoả tinh. Đất lạ hay quê mình? Năm hai ngàn mười hai, năm tận thế, em ở chốn mô?
“Tôi là Stéphanie”. Cô đưa tay cho tôi bắt. Bàn tay mềm, nóng. Những móng tay bôi sơn màu lá chuối non, lấm chấm dụ bạc. Những vòng sắt đeo ở cổ tay luôn phát tiếng. Tóc đen mun, cắt lởm chởm. Thợ còn non tay nghề? Không chắc lắm, nhưng thuốc nhuộm kia thì quả là thứ tốt. Đen hơn cả tóc tôi. Stéphanie còn trẻ, đừng nhìn ngực cô, thì cái mặt kia chắc vắt ra sữa. Được không?
“Ông già đó là gì của cô?”
“Ủa, ngồi ở nhà mà sao bồ biết hay dậy? Bị em thiếu nợ ổng, không đi là hổng xong với ông. Ô kê chưa?”
Huy mở chai bia trao vào tay cô ta:
“Đi? Toa đủ tuổi để đi được rồi chứ?”
“Mấy anh nghĩ sao? Vị thành niên? Hừ, bảo đảm không có tai nạn nào xẩy ra đâu”.
“Quên giới thiệu, đây là bạn moa”.
Stéphanie cầm chai bia dựa lưng vào tường, dáng vẻ khiêu khích. “Cái trâm em cài là cái chai em cầm”. Đầu tôi mọc lên câu thơ, kiểu cóc nhái.
“Lý ra anh phải cho tôi hay trước, như thế khỏi phải mất trớn, và đẹp lòng hai bên. Hay ba bên?”
“Không sao đâu. Tôi ngoại cuộc, tôi không can dự cuộc chơi”.
Tôi nói cho đứa con gái khỏi lo ngại. Nó lấy thuốc hút, tỉnh queo, chẳng màng tới lời trần tình.
“Đừng cà chớn mày. Tiền bạc tao trả, chẳng có gì phải tính toan”.
“Tao không thích thú lắm”.
“Chính mày vừa nói là địa ngục vui vẻ hơn thiên đàng đó mà. Mày đã biết mùi vị đàn bà chưa?”
“Soan bỏ đi đã lâu, trong lúc này tao nghĩ mày cần đàn bà hơn tao”.
Đứa con gái nhìn chúng tôi đối đáp. Nó có nụ cười thật đáng yêu, như đứa trẻ nít nhìn tới con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, biết khóc, biết bú, biết đái. Mắt cô ta to, sáng ướt, long lanh; dễ làm mình hoài nghi về hai chữ hồn nhiên.
“Thôi bỏ đi”. Huy nắm tay đứa con gái dắt vào phòng ngủ. “Nó nhác chơi, chỉ mình anh thôi”.
“Cái giường lớn rộng này có liên hệ với bức ảnh người đàn bà dán ngoài cửa tủ lạnh không?”
“Phút giây này đừng nên nói năng. Hãy nghe anh hỏi, em ăn gì mà có đôi mắt đẹp thế?”
“Thật hay xạo? Ăn cà-rốt. Loại nhỏ cỡ này nè”.
Tôi bỏ ra ngồi ngoài bậc thềm với tiếng cười của hai đứa bám đuổi sau lưng. Gió làm xô động hàng cây, những chiếc lá lả thân cuống quít vào nhau nghe như tiếng áo quần cởi ra trong gấp rút. Đêm chôn sâu mọi âm thanh, bóng tối tựa một hình khối có trọng lượng đè xuống con tim mệt thở, bần thần và hoang mang. Đó là đêm rằm mà vành trăng treo kia đã mòn khuyết, là đêm dị thường không hề trùng lập lần thứ hai. Là đêm mà tiếng Soan thì thầm bên tai cùng hơi thở:
“Đừng nói gì cả. Đừng thắc mắc. Mọi chuyện rồi sẽ có cho riêng nó một kết thúc. Hứa đi, sau đêm này chúng ta trở thành người dưng, đường ai nấy đi, không nhìn ngắm, chẳng quay đầu. Hứa đi, hãy giúp đỡ Huy những gì anh ta cần. Đó là một kẻ bệnh hoạn và sức chịu đựng của Soan đã dẫm lên lằn mức cuối. Tại Huy cả. Lý ra đêm nay sẽ là đêm kỷ niệm bốn năm làm vợ chồng… Anh chẳng nên nằm yên như thế, ôm Soan đi và hãy đóng trọn vai Huy lần diễn cuối. Hứa đi, đừng trách Soan, đừng khinh Soan. Hứa đi, yêu thương Soan nhé, chỉ lần này rồi thôi…”
Tôi hứa. Và tôi đã làm hết khả năng tôi có. Tôi hung hãn tới độ đáng hổ thẹn. Tôi dấn sâu vào cõi u minh và ngạ quỉ đứng vỗ tay hai bên bờ vực nhấp nhô đổ mồ hôi sôi nước mắt. Khi Soan mặc lại áo quần, nhìn cái quần lót bé cỏn con của Soan phát sáng nhờ nhợ trong bóng tối, tôi nghĩ mình là một đứa tiểu nhân. Trắng không ưa, chỉ thích nhìn cái đen đúa có ở đằng sau. Soan bỏ đi, không nói năng. Cánh cửa đóng sập lại và hồn tôi mở ra một vực tối hun hút.
“Sao rồi? Coi bộ suy nghĩ đến lao lung!”
Đứa con gái ngồi xuống bên tôi. Đốm lửa đỏ trên môi và thân nhiệt cô mơn man xô qua tôi chút ấm áp.
“Mấy giờ rồi?”
Cô ta hỏi. Khói thuốc tan biến trước cửa miệng.
“Tôi không có đồng hồ”.
Tôi nói, mắt nhìn lên khoảng rộng đen sâu của bầu trời như kiếm tìm ở đó một dấu vết thời gian.
“Khuya rồi”.
“Anh không hứng thú thì thôi, tôi về”.
Đứa con gái đứng lên, lấy tay vò đầu tôi:
“Bai, ngủ ngon”.
“Bai”.
Cô ta bước xuống đường, cúi đầu đếm bước. Có vẻ mệt mỏi, rã rượi. Con đường vắng ngắt.
“Đi một mình có sợ hãi bóng tối không?”
“Có gì đáng sợ? Tôi quen rồi”.
Gót giày gõ nhịp đơn điệu. Tàn lửa bùng sáng khi cô ném mạnh điếu thuốc xuống mặt đường.
“Stéphanie”.
Cô gái dừng bước, ngoảnh mặt lại.
“Chuyện gì nữa đó?”
“Năm hai ngàn mười hai cô ở chốn nào?”
Giọng cười của cô ta như biết xô giạt bóng đêm, trong trẻo. Để lộ hàm răng trắng:
“Nếu không tận thế em vẫn ở đây. Em sẽ chờ anh. Tám chục bạc, có mắc mỏ gì cho cam, phải không anh?”
Ừ, thật là rẻ rúng. Tôi nhủ thầm. Làm quân tử e chẳng mấy khó khăn. Vất qua cửa bốn tờ giấy hai chục, nhưng đổi lại được sự bình yên trong tâm hồn.
Tôi bước xuống đường, băng qua công viên, ra ngồi trên băng ghế gỗ chờ chuyến xe buýt cuối ngày. Tôi là kẻ lỡ đường duy nhất. Tôi huýt gió một điệu nhạc, vấp váp, tắt nghẽn. Hình như đó là bài “Hoa Soan bên thềm cũ”? Người đàn ông lượm lon vác cái bao rác trên vai khua động tới gần.
“Mày người nước nào? Đêm hôm khuya khoắt sao lại vác mạng tới ngồi một mình chốn đây?”.
Hồ Đình Nghiêm
Đã xem 683 lần, 4 lần xem hôm nay.
Recent Comments