Tấm vải đỏ buông mình nằm dán xuống mặt đường. Những con chữ rời ra, vướng víu trôi về lỗ thoát nước. Cây lá vật vã và gió dồn đẩy cơn mưa tạt qua, trắng xóa, chập chùng. Cánh cửa gương nhỏ, chỉ nhìn được một góc phố bên dưới. Cột điện bằng xi-măng, tấm bảng hiệu “Cửa hàng may mặc Ngọc Nữ” loáng ướt và những tấm ny-lông oằn xuống trên lề đường vắng bóng người. Ở xa, khuất lấp những ngọn đèn xanh đỏ mù mờ, mưa xóa bôi dáng đứng thấp cao của dãy nhà gọi là trung tâm thành phố.
Điếu thuốc ngắn ném ra ngoài cửa sổ. Mưa xứ nhiệt đới hầm hập một thứ mùi khác thường. Mùi rêu phong cũ kỹ, mùi mái ngói tường vôi, mùi rác rưới, mùi đầu tôm xương cá… Như ăn một miếng phó-mát chẳng rượu chát, như cởi từ chân đôi vớ ẩm suốt ngày bó chân trong giày. Mưa mới rơi nên mưa xông đầy mùi trinh nguyên, như nước mắm lấy đi từ nước rỉ đầu tiên ở vựa chứa cá.
Hổ tính thắp lửa điếu thuốc mới thì có tiếng động vang lên phía sau lưng. Tiếng gõ cửa, e dè. Cửa mở, người con gái hiện ra giữa một hành lang xông đầy bóng tối.
“Em đi xe ôm, nửa chừng bị mắc mưa nên phải đổi sang xích lô…”
“Vào trong rồi hẳn nói”.
“Ông đạp xích lô chờ em ở dưới… Anh sẵn tiền lẻ không?”
Hổ bước tới giường, thò tay dưới gối và cầm bóp tiền lên. Những tờ giấy nhỏ nhắn in lem nhem như tiền vàng mã cúng đốt cho cô hồn các đẳng. Họ in làm gì những con số lớn lao đến thế? Hai mươi ngàn. Chẳng biết có đủ không? Hổ rút thêm năm ngàn.
“Sẵn xuống dưới mua giúp anh ly cà-phê đá”.
Người con gái cầm tiền bước đi. Cô như bị thấm nước, những bước chân sột soạt và đôi dép nhựa phát tiếng rít rát. Hổ mở ngọn đèn treo giữa phòng. Bóng tròn, vàng đục. Người bắt đèn khéo tính toán, luồng sáng yếu watts vừa đủ để chạy quanh giữa bốn bức tường hẹp. Cửa phòng vẫn mở, hào quang của nó chẳng đủ sức lấn lướt ra cái ô vuông đen đúa đang dựng đứng kia. Không mấy lâu, hành lang vẳng tiếng lạch bạch và khung cửa giống một bức tranh đóng khung người con gái tay cầm ly cà-phê đá. Tóc ướt, áo thấm nước vào hai bờ vai làm thấy rõ sợi dây óng ả của chiếc nịt vú. Người con gái quay lưng đóng chặt cửa. Bùn đất lấm tấm vấy lên sau ống quần.
“Em không biết khẩu vị của anh, bỏ đại hai muỗng đường cát”.
Cô trao ly cà-phê khi nói. Hổ đón lấy và như ngửi thấy thân nhiệt của cô gái tỏa ra. Nó giống một đoạn đường nằm phơi mình giữa nắng lửa và rồi thì mưa cuồng loạn xối xả lên trên. Ừ, mùi hơi đất. Mấy ông bà già lúc nào cũng hù dọa con dại: “Tụi bây coi chừng đó, trời mới mưa hít phải mùi hơi đất thì chỉ có nước đau”.
Cô gái tần ngần đứng ngó quanh căn phòng trong khi Hổ nhăn mặt uống cà-phê. Ly nước ngọt lơ lớ, mặn, chát, chua. Hình như một ly nước đen được gọi là cà-phê thì phải có đủ những yếu tố ấy?
“Họ tính có hơi đắt bởi vì em mua luôn cả cái ly”.
“Em uống không?”
“Em không khát. Cho em điếu thuốc, có được không?”
Cô gái đến bên cái bàn nhỏ kê sát đầu giường. Cô rút một điếu 555, ghé mông ngồi xuống mặt nệm, bật lửa. Cô ngắm nghía cái zippo, đóng mở lắc cắc như một đứa trẻ nghịch ngợm lúc nào cũng buồn tay. Hổ hút chung điếu thuốc với người con gái, nhìn những nốt mụn đỏ mọc cách khoảng trên trán cô. Vầng trán đó có hơi nhăn khi nghe Hổ hỏi:
“Em mấy tuổi rồi nhỉ?”
“Người ta chưa cho anh hay à?”
“Anh đã khuấy quên. Vả lại người ta không chắc đã nói đúng số tuổi của em”.
“Hai mươi tuổi. Cần xem thẻ chứng minh nhân dân không?”
Điếu thuốc tàn lụi chóng vánh. Không có gạt tàn, người con gái ném xuống đất rồi dí dép nhựa lên, đay nghiến.
“Hai mươi. Già hay trẻ?”
Những nốt mụn đỏ và khuôn mặt ngước lên khiêu khích. Mắt người con gái nhìn thẳng, bất cần. Nước mưa làm trôi đi phần nào son phấn, và thứ mỹ phẩm dùng để kẻ mắt hoen ố loang ra thành vũng tròn tối ám. Như một kẻ mới bị đòn ghen, như đêm hôm ở công viên khuất lấp sơ ý vấp chân vào rễ cây và dập đầu xuống ghế đá.
“Biết hút thuốc từ bao giờ?”
“Từ khi biết buồn”.
“Bây giờ thì sao? Buồn hay vui?”
“Vui? Anh làm ơn định nghĩa chữ vui cho em nghe thử”.
“Mất thì giờ. Anh ghét những đứa nhiều chuyện”.
“Em cũng vậy. Việc gì phải gạn hỏi nhau?”
Hổ nhìn sững đứa con gái.
“Hãy tắm rửa đi, rồi ra anh cho cái này”.
“Cho hay tước đoạt?”
Người con gái đứng lên. Tấm nệm có hơi nhún nhẩy. Cô đến bên cửa gương mờ xám vác mặt ngó xuống đường. Có hai người đàn ông mặc áo mưa đang cố gỡ tấm biểu ngữ màu đỏ xuống. Nó đã đứt giây một đầu khi mưa gió thịnh nộ đổ về và những chữ tự do hạnh phúc dán trên đó đã nhã keo trôi phăng về ống cống. Chẳng có gì quan trọng cả, mai mốt người ta sẽ làm tấm băng mới để điền thế. Cái khó hiểu là sao người ta cứ mãi nhai đi nhai lại những chữ sáo mòn đó? Nhọc công! Tự do và hạnh phúc bất quá chỉ là hành động tụt phăng chiếc quần xuống và rồi nằm ngửa ra trên mặt nệm chờ đợi. Dữ dằn táo tợn thô lỗ. Nhẹ nhàng mơn trớn nâng niu. Buồn. Vui. Cái đó đáng quan tâm hơn.
“Thấy cái bảng hiệu Ngọc Nữ không?”
Hổ hỏi.
“Thấy”.
Người con gái trả lời.
“Hồi sáng anh có tạt ngang và mua cho em bộ áo quần”.
Hổ kéo hộc tủ dưới bàn, gói giấy báo cầm ở tay:
“Thử xem có vừa kích không?”
Người con gái quay đầu nhìn. Trong mắt cô hứng đọng ngọn đèn vàng để phân thân làm hai đốm sáng. Ngọn đèn vẫn cố định trên trần, nó phóng lớn cái bóng đen của cô gái và rồi thì bẻ gãy hình thù khi cô bước tới sát giường. Gói giấy được mở ra, bộ đồ bằng vải soie màu rêu thêu những cánh hoa vàng trên ngực áo.
“Em tên Cúc nên anh chọn bộ này cho hợp. Thích không?”
Người con gái sờ soạn chất vải. Cô nhìn đường kim mũi chỉ và cánh hoa thêu cộm trên áo.
“Sao không nói gì cả?”
“Hoa này là hoa cúc hở anh?”
“Đâu biết. Anh làm sao rành mấy thứ bông hoa bằng Cúc được!”
“Em đâu phải tên Cúc. Người ta đặt bừa vậy mà. Đứa thì Hồng, đứa Lan, đứa Phượng, đứa Lài… Họ bảo, động hoa mà, đâu có gì trở ngại cho mấy em, phải không? Ừ, thì Cúc, chả có gì đáng phàn nàn cả. Mấy đứa đùa, nếu phải mang tên Mồng Gà thì chán bỏ mẹ!”
Hổ cười.
“Tắm đi, rồi đợi trời tối mình đi ăn”.
Người con gái ôm bộ áo quần vào lòng, cô nhìn xuống gã thanh niên đang ngã lưng trên mặt nệm. Hắn dùng hai chiếc gối để kê đầu, một cánh tay vắt ngang trán như muốn che bớt ánh sáng hơn là kẻ có nhiều điều nghĩ ngợi.
“Anh có áo mưa không?”
Cánh tay buông xuống nệm, khuôn mặt có râu lún phún với đôi mắt hơi nheo trồi cao khỏi gối:
“Áo mưa?”
“Không phải là anh bảo dắt em đi ăn tối sao?”
“Đi taxi. Anh không có áo mưa”.
Cửa phòng tắm đóng chặt lại. Tiếng móc sắt cài vào nhau và chẳng mấy lâu người con gái hiện ra với bộ áo quần mới thay.
“Trước khi đến đây em đã tắm rửa rồi”.
Hổ nhìn những cụm hoa rung động trước ngực cô gái. Người ta thêu thùa mà sống động ngỡ như thật. Không có gió mà hoa run rẩy. Nhịp tim đập bên trong mà làm xao xuyến lụa là.
“Kỳ lạ thật, sao nó vừa vặn như chính em đi lựa mua”.
Người con gái nói. Cô bước gần tới giường, hai bông hoa nhô ra trước.
“Suốt đời, chưa có ai mua tặng em một món đồ. Chưa có ai đối xử tốt như anh. Em nói thật, anh tin không?”
“Anh hỏi Cúc một câu có được không?”
“Anh hỏi đi. Bao nhiêu câu cũng được, miễn đừng hỏi theo lối của bọn công an”.
“Vậy thì thôi. Công an thì cái gì nó cũng hỏi ráo, đúng không?”
“Đúng. Mà hỏi làm gì? Dạy cho kẻ kia phải đặt điều man khai. Đôi khi biến đổi kẻ thành tâm thành đứa dối gian. Cúc nói mẹ già đau nặng nằm nhà thương mà thiếu tiền thuốc thang thì anh tin không? Anh không tin và Cúc thì vô tình mang tội bất hiếu. Cúc nói Cúc đang đổ bệnh trong người thì anh tin không? Anh sẽ tin và như thế buổi hội ngộ này mất bớt đi phần nào ý nghĩa. Đừng hỏi, cách hay nhất là tôn trọng hợp đồng, người nào lo chu toàn công việc của người đó”.
Người con gái nằm xuống giường, cô dùng ngón chân để kéo tấm chăn mỏng lên đắp tận cổ, hai tay ôm cứng lấy nó. Những cành hoa vàng bị chôn đi.
“Tắt đèn. Công-tắc nằm ở đâu? Anh tắt đèn đi nhé”.
“Tại sao lại phải tắt đèn?”
“Cúc ghét ánh sáng”.
“Nhưng mà anh thích. Và ai cũng vậy cả, họ thích thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
“Nhảm nhí! Nằm đó mà nói chuyện tào lao!”
“Cúc chịu cho kẻ lạ nằm trên bụng mình mà Cúc lại ngại kẻ đó nhìn rõ thân thể mình? Sao kỳ cục vậy?”
“Hai chuyện khác nhau. Ăn thịt chó khác với ngó làm thịt chó”.
Người con gái trải rộng tấm chăn, đắp phủ kín mít. Cô nằm yên, thiếu con dao đặt trên thi thể thì chẳng khác một thây ma chờ tẩm liệm. Khách sạn bình dân nên tấm chăn chẳng được sạch sẽ thơm tho. Tiền mướn rẻ nên tấm nệm chông chênh những cái lò xo nằm sai vị trí.
“Anh còn đợi chờ gì nữa? Tắt đèn rồi làm việc đi thôi… Anh không có áo mưa thật sao?”
“Anh không làm việc. Anh không có áo mưa”.
“Vậy chứ anh thích chơi trò gì bây giờ?”
Người con gái hỏi, ngập ngừng. Cô đợi cơn địa chấn sẽ làm chao đảo chỗ đặt lưng nhưng chiếc giường thủy chung vẫn bất động, như thể thằng đàn ông đang luyện yoga tới mức thượng thừa và bàn tọa của hắn đã nhấc bổng lên khỏi tấm nệm một cách êm thắm. Cúc thò đầu ra khỏi chăn, những sợi tóc rối phủ trước mắt. Hắn vẫn còn nằm một bên. Hắn mở mắt và hắn ngó chăm cái gì đó trên tường vôi ẩm mốc, trống lạnh. Ở dưới đường vọng lên tiếng rao hàng nghe không rõ câu kệ của một đứa bé. Có thể là bánh mì nóng mới ra lò. Có thể là ai ăn hột vịt lộn không? Tiếng rao nhão, đuối hơi. Nước mưa trộn lẫn vào đó, gửi âm thanh đi xa, nghe thảm não.
“Cúc đói bụng chưa? Mình đi ăn”.
“Ừ, có thực mới vực được đạo. Bao giờ cũng vậy, ăn no mới bò cỡi”.
Người con gái vùng dậy khỏi chỗ nằm, cô đi lại cuối phòng, săm soi nhìn ngắm mình trong gương, sờ soạn vuốt ve những cánh hoa thêu. Chiếu đọng trong gương là cái nhân dạng của thằng đàn ông đang đứng nhét áo vào quần.
“Em chưa thấy ai kỳ lạ như anh”.
“Về chuyện gì?”
“Anh không giống như bọn đàn ông khác. Tại em không được đẹp, không hấp dẫn, không bắt mắt, phải không?”
“Người đàn bà trao cho anh một cuốn album nhét tới mười tấm ảnh. Chính anh đã lật giỡ lựa chọn, anh cần vẻ hiền lành nơi khuôn mặt Cúc”.
“Hiền lành mà được gì? Người xem ảnh bao giờ cũng để ý trước tiên tới thân xác nẩy nở, những ngực những mông những đùi…”
“Không có trường hợp ngoại lệ?”
“Những gì ngoại lệ đều làm mình nghi ngờ. Tại sao anh tốt với Cúc vậy?”
Hổ đếm lại tiền ở trong ví trước khi đút nó vào túi quần.
“Bao giờ thì Cúc sẽ lấy chồng?”
“Em chưa bao giờ có ý nghĩ ấy cả. Một con đĩ cũng có quyền lấy chồng hở anh?”
Mặt đứa con gái dửng dưng, như dáng vẻ một con buôn lương thiện khi bước ngang trạm thuế vụ.
“Trước đây Cúc học ngang tới lớp mấy?”
“Lớp Mười… Chuyện học hành nào có liên quan gì? Đôi khi được làm một kẻ vô học mà sướng thân. Những đứa không ăn học thường làm được những chuyện lớn hơn là kẻ có suy nghĩ. Mà thôi, hơi đâu nói tới mấy chuyện xa rời thực tế. Anh tính dắt em đi ăn ở đâu?”
“Quán Hải âu. Cúc biết quán đó không?”
“Là cái máy chém đó. Nó thuộc loại xịn… Có phải vì thế mà anh mua cho em bộ đồ ngó tử tế?”
Trong câu nói của cô gái chen lẫn có tiếng gõ cửa. Nóng nảy, cấp bách. Hổ nhìn xuống đồng hồ đeo tay trong khi bước tới mở cửa.
“Sao rồi? Xong xuôi hết chưa?”
Vừa hỏi, người đàn ông vừa xếp dù lại. Mắt đảo tới mặt nệm và sau cùng dừng lại ngó chăm cô gái.
“Đây là ông anh tôi, tên Long”.
Hổ nói. Cô gái đứng yên. Trong tấm gương, hứng thêm gương mặt gầy đen, trán hói, mắt láo liên.
“Bây giờ tao về chở bà già nhé? Quán Hải âu phải không?”
“Anh thấy ổn không?”
“Tùy thuộc vào mày và cô em này một phần. Tại sao lại không ổn?”
“Hai anh đang ngụy tạo trò chơi gì đây?”
“Em đừng lo ngại, có muốn ăn thịt em cũng chẳng được. Hổ, mày chưa nói cho cô em này nghe à?”
Người đàn ông thấy bao thuốc để trên bàn, ông bước tới châm lửa thở khói.
“Cà-phê của ai đây?”
Ông lắc cái ly qua lại rồi ngửa cổ uống hết nửa ly còn lại.
“Chuyện như thế này, để tôi đã thông tư tưởng cho em hay. Bà già bọn này gần qua đời, bả muốn chính mắt nhìn thấy thằng Hổ cũng có vợ như ai. Em giả đóng vai vợ thằng Hổ một đêm thì có chết ai đâu, phải không? Chỉ vậy thôi, vui vẻ cả làng”.
Ông ta ngồi xuống giường, nhún người đo lường thử độ co giãn của tấm nệm.
“Chỗ này cũng khá tốt. Yên tĩnh mà giá cả phải chăng. Thằng này bạn tao, trước tốt nghiệp cử nhân bây giờ kinh doanh bán buôn lẻ tẻ. Hắn bảo có thứ rượu quý đêm nay sẽ cho tao uống làm thằng thanh niên sức voi. Mới nghe đã chảy nước miếng! Hai người tới quán bằng cách gì?”
“Đi taxi”.
“Ừ, mưa đã ngớt đâu? Mày đừng phung phí nhiều nghe Hổ. Còn phải dắt bà già đi thăm một vòng bà con cô bác nữa đó”.
Người đàn ông đứng lên, kéo tay Hổ bước ra hành lang.
“Con nhỏ ngó cũng đặng lắm, tiếc một cái, chẳng được có thịt có da. Mày làm ăn gì chưa?”
“Chưa”.
“Mày nhớ kềm kẹp nó chứ không bể mánh trước mặt bà già”.
“Tôi thấy mưu kế của anh chẳng được vẹn toàn cho lắm”.
“Chứ đòi hỏi gì nữa?”
“Qua mặt Má kiểu này thì đoản hậu quá!”
“Mày không biết đó thôi, bả đi coi bói ở đâu về nói là dòng họ nhà mình đàn ông con trai thảy đều bỏ đi. Chẳng đứa nào lập nên công trạng đã đành, mà đường vợ con cũng xem như bế tắt luôn. Mày có vợ, mai mốt mang về bên Mỹ sanh con, nghe thế thì bà mừng muốn chết”.
“Tôi không biết. Anh xúi sao tôi làm vậy, có gì anh gánh hết…”
“Ừ, tao gánh. Mày chưa làm gì nó sao? Khù khờ như mày gái nó đoạt tiền khỏe ru. Ngó nó cũng thơm như múi mít!”
Người đàn ông trương cây dù ra, xoay xoay ở tay:
“Mày giả làm chồng nó khi tới quán ăn, tan tiệc rồi mày đưa chìa khóa phòng cho tao để tao làm chồng thiệt của nó. Mẹ kiếp, lâu rồi thằng Long này có biết qua mùi vị đàn bà con gái đâu! Tợp thêm rượu rắn thì như rồng gặp mây, trí óc cơ thể khỏi bị cùn mằn. Để con nhỏ lành lặn ra về không rụng một sợi lông thì cũng phí đi”.
“Này, anh cầm ít tiền mà lận lưng”.
“Đưa đây, lận làm gì mày. Để tao mua ít sâm cho bà già bồi bổ. Cả tao cũng vậy, cho sung cuộc đời”.
Người đàn ông cười tiếng đục, khô. Gương mặt bé choắt, xương xẩu quay đi, mang tiếng cười chôn dần xuống dưới những bậc thang. Hổ vào lại phòng, đóng cửa bằng lưng. Đứa con gái đang ngồi ở giường ngoảnh mặt lại:
“Anh ta bày mưu lập kế gì nữa?”
“Không, anh ấy nói em thơm như một múi mít”.
Hổ bước tới giường đè đứa con gái xuống.
“Chuyện gì vậy?”
“Để em lành lặn vậy anh đây không đành”.
“Không đi nhà hàng nữa sao? Không làm vợ chồng nữa sao?”
“Làm chớ. Anh đang làm đây”.
Tấm nệm phát tiếng kêu, oằn oại. Nửa van xin, nửa thúc hối xúi dục.
“Khoan, để em cởi từ từ kẻo rách mất đồ xịn”.
“Ối, tưởng rách cái gì quan trọng… Cúc, em mất trinh từ bao giờ?”
“Hỏi nhảm. Mất từ khi chào đời lận. Quỷ, làm gì mà cuống cuồng thế. Dục tốc bất đạt”.
Hổ thở nặng nhọc như nông dân kéo cày qua núi. Mưa tự dưng trút nước rầm rộ ngoài trời.
“Này, anh không cần mặc áo mưa sao?”
Hồ Đình Nghiêm
Đã xem 681 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments