“Nếu như hoa biết chiều nay rụng,
Âu cũng vui mà nở sáng nay”.
Tô Thùy Yên
Tôi thuê phòng trọ ở một nơi khuất lấp. Đường vào lắc léo, lối đi quanh co. Ngay cả tôi, những đêm về muộn đã có khi bước nhầm, chân ngao ngán dẫm sai ngõ tối.
Địa hình chẳng thuận lợi đối với bất cứ ai muốn đến gõ cửa, kể cả lão phát thư. Ông ta có máu khôi hài đen: “Cậu quỵt nợ, lường tình, gạt bạn hay sao mà trốn chui trốn nhủi ở chốn sơn cùng thủy tận này?” Tôi luôn cảm tình với những kẻ có óc hài hước, vì vậy, theo lời gạ gẫm, tôi đã bán chiếc xe đạp cho ông ấy với giá rất “văn nghệ”. Bèo? Không đúng. Lấy giá tượng trưng, đủ để trả vài món nợ nhỏ và khao Thuyền Quyên một chầu cơm bụi. Quyên cũng có máu diễu trong người. Cô hỏi tôi: “Sao khi không anh hạ thủ chặt đứt đôi chân mình đi?”
Quán cơm bụi nằm không xa. Và ăn xong chúng tôi quyết định đi bộ về chỗ sơn cùng thủy tận ấy. Thuyền Quyên nắm lấy tay tôi, để tôi ý thức về một tương lai gần đầy hư hao, mất mát. Tay cô ấy mềm mại, kèm gửi theo những xúc cảm khó diễn đạt. Tôi gầm đầu bước, tự ngờ vực chính mình đã chẳng dấy lên một nỗi buồn nào cả, như thể thay vì ăn cơm bụi tôi đã vừa húp xong một chén cháo lú.
Đường vào chỗ trú thân hôi khai nước tiểu. Và vì thế chữ cấm đái được viết đầy tường. Viết cẩu thả, viết nghiêm túc trịnh trọng cũng có. Như truyền đơn, như bích chương, như biểu ngữ. Trời chạng vạng không làm khó đôi mắt, có đứa nào văn nghệ đầy mình, tức cảnh sinh tình ngứa tay viết bậy câu lục bát, than đen trên màu vôi trắng nhờ nhợ: “Ở đây nước đái thơm tho, ngoài kia thịt chó hôi khai xóm nghèo!”. Thuyền Quyên nói: “Nhân vật nào viết nên câu đó đáng được bầu làm tổ trưởng”. Thấy tôi không góp lời, Quyên nhún vai: “Chắc là không. Vai trò tổ trưởng thì chỉ viết được có hai chữ cấm đái thôi. Là đã khá”.
Chúng tôi không bịt mũi, nhưng đồng loạt bước nhanh. Sơn cùng thủy tận hẳn hơn đây, bởi chốn ấy không khí trong lành, chẳng có gì gây ô nhiễm. Hơi bần thần khi tới được cửa, vào nhà tôi mở ngọn đèn neon lên, cài khóa bên trong và hít thở hương mùi từ người Thuyền Quyên. Cô không xức nước hoa, dĩ nhiên, nhưng đó là thứ mùi rất cần thiết cho sự hô hấp. Cô đứng gần và cô không hề biết bản thân mình đang mang lợi ích cho đứa đứng thầm lặng phiá sau. Tắt nắng đã lâu nhưng mái tôn là thứ gì quái qủi biết trung thành thu giữ nhiệt lượng. Ngoại trừ mưa năm canh, bằng không thì đêm trường sẽ còn đó thứ hơi nóng làm mờ người. Rỉ rả phả xuống từ trên cao và mình sẽ trăn trở bên dưới với một manh chiếu ẩm rít, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Những con rệp sẽ bơi trên chiếu. Những con muỗi sẽ vo ve tiếng kêu buồn ngoài mùng. Và những con thằn lằn sẽ chắc lưỡi trên vách suốt đêm thâu.
Không phải đến lần đầu, nên dường như Thuyền Quyên có vẻ quen thuộc với thứ khí hậu khó thương ấy. Cô biết chỗ dấu cái quạt xếp bằng giấy, trương nó ra thành hình bán nguyệt rồi liền tay phe phẩy vào đầu. Đèn không sáng lòa, nhưng xanh xao. Xanh luôn những giọt mồ hôi ứa ra trên mũi Quyên. Tóc mai không phất phơ theo quạt, nó bận dính vào thái dương. Một vầng trán có thoáng hiện vài nếp gấp: “Nhà còn cà phê không?”
Đó là một câu nên hỏi. Tạo ra cái cớ để chúng tôi lãng tránh sự bối rối đang tới. Tôi mở hai cánh cửa tủ. Trong đó chứa lu hủ đựng mấy thứ gia vị cay nồng, các gói mì ăn liền, đường muối linh tinh và sau cùng nhặt ra được gói giấy báo. Bên dưới, bốn cái chân bằng gỗ ngâm trong bốn tô nước lạnh đang run rẩy khi tôi đóng tủ. Thực ra cái “gạt-măng-rê” này chẳng được phồn thịnh no căng để hấp dẫn lũ kiến, gián tràn vào. Đặt bốn tô nước nhằm ngăn ngừa chúng, lí do duy nhất là vì tôi luôn nhớ mẹ tôi. Những bài học bổ ích ngày xưa mẹ đã dạy, tôi chẳng bao giờ thành tâm nghe theo. Tôi bất hiếu tới độ lớn lên, biến thành kẻ khánh kiệt mọi thứ.
Thuyền Quyên dành phần đun nước sôi. Cô thò tay vào túi quần tôi, năm ngón vọc giỡn không lâu đã mang ra ngay cái bật quẹt gaz. Có lẽ với Thuyền Quyên, tôi chẳng thể thu giữ một bí mật nào cả. Có chăng, đó là tình yêu tôi dành cho Quyên nhiều hơn sự tưởng tượng của cô. Tôi muốn hoá thân làm cái chậu nước lớn để Quyên ngâm người vào. Như vậy Quyên sẽ thôi bị phiền nhiễu bởi những thứ vặt vãnh tới quấy phá. Quyên được bảo bọc, an toàn hiểu ở một nghĩa hẹp nhất.
Cái lò bê từ dưới đất lên, thứ lò nhỏ bé mà ta vẫn thường thấy nằm trên bàn nhậu để đun nóng mấy cái lẩu thập cẩm. Quyên bật lửa. Lửa chao đảo vì tay cầm bật quẹt có hơi run. Tôi ngó Quyên, khi gặp vấn nạn tay người ta thường biểu lộ ra vậy. Khóc, cười, ngọn lửa cũng run bần bật tựa thế. Tâm bình lặng thì lửa sẽ đứng yên, cháy sáng. Khó khăn giây lát, Thuyền Quyên hoàn tất thứ công việc xét ra rất đơn giản. Tôi múc bột cà phê vào hai phin lọc. Hai cái nồi ngồi trên hai cái cốc, như chữ dùng ngô nghê của người đến từ phương Bắc. Ngồi đường bệ đợi nước sôi rót xuống để chắt lọc tinh hoa. Tôi và Quyên cũng đang ngồi, nhưng thấp thỏm như trên ghế có lửa bỏng.
“Em đi rửa mặt một lát”.
Quyên nói. Nhà chia làm hai, biên giới là chỗ đặt bếp núc. trước là bàn ghế tủ giường mùng màn giá vẽ, sau là lu nước gáo nhựa thau ngâm áo quần dơ và khoảng vuông xi-măng luôn ẩm thấp. Nước trên lò chưa sôi nhưng nước đằng sau đã reo vui. Quyên đang đái hay đang vốc nước rửa mặt? Lao xao, róc rách, tí tách, lỏn tỏn. Giải thủy hay tạt nước lạnh vào mặt đều có chung một kết quả: Nó làm mình sảng khoái ngay sau đó. Không phải sao? Những tên bị tra tấn đến độ ngất xỉu, muốn lấy cung tiếp ta chỉ cần đổ xuống người nó một xô nước lạnh. Nó sẽ hoàn hồn, nó sẽ tỉnh thức lại ngay.
– Mày làm nghề gì?
– Họa sĩ,
– Đói như mày sao lại có kẻ phải lòng đâm thương yêu?
– Tôi không biết.
– Man khai. Tại sao mày không biết?
– Có ai hiểu được tình yêu là gì không? Xin rộng lòng chỉ bày cho tôi.
– Ngụy biện. Mày câm mồm đi, ông uýnh cho bỏ mẹ bây giờ.
Mẹ tôi khuất núi đã lâu. Mẹ ơi, con chẳng bỏ mẹ cớ sao mẹ đành đoạn bỏ con?
Nước réo sôi giục giã. Tôi tắt lò cùng lúc Thuyền Quyên trở lại với một vạt áo đẫm ướt. Mẹ tôi cũng có chiếc áo tựa thế, khác biệt là bên trong mẹ tôi không mặc áo nịt vú, mẹ mặc áo lót bằng vải phin trắng có may túi và tôi biết đó là nơi mẹ dấu những tờ bạc mới, thơm tho. Mẹ dè xẻn chẳng tiêu pha, chỉ móc ra khi đứa con út đặt điều nan giải để lấy cớ moi tiền. Nếu có tiền, Thuyền Quyên sẽ nhét nó ẩn náu vào sau nịt vú. Và có lẽ những tờ giấy bạc khi đó cũng thơm tho không kém. Áo quần Quyên đang mặc là thứ người ta dùng che thân ở trong nhà, như thể đánh lừa ai đó, rằng tôi chưa hề bước chân ra ngõ, đi đâu xa.
“Cho Quyên mượn tạm một chiếc áo để thay”.
“Đàn ông hay đàn bà?”
“Sao lại có đàn bà vào đây?
Tôi lục soạn ở đầu giường, dưới gối kê đầu là chiếc áo ngày xưa của mẹ tôi. Kỷ vật được gấp làm tư, thẳng nếp và hầu như từ sứa vải úa màu kia vẫn còn tỏa nhẹ một hương mùi. Xa vắng, phảng phất, thầm lặng. Lạ lùng thay, nó như liều thuốc trấn an tôi nhiều ở những đêm đối đầu với mộng dữ.
“ Mặc thử đi, cho anh mường tượng ra hình dáng một người mẹ”.
Thuyền Quyên thay đổi xiêm y, cài lại những hạt nút trong khi tôi phơi chiếc áo ướt của cô lên giá vẽ. Mai này, bên chỗ nằm, tôi lại trăn trở ngủ với chiếc áo từng lưu giữ hương mùi của hai người đàn bà dấu yêu.
“Hơi chật. Đúng không?”
Thuyền Quyên dang hai tay ra cho tôi ngắm.
“Vừa vặn, khít khao. Anh không tưởng được là mẹ mình cũng có da có thịt cỡ đó”.
Tôi dối gian. Chiếc áo có hơi nhỏ so với cơ thể Thuyền Quyên. Dĩ nhiên là đôi vú móp méo cạn kiệt từng nuôi sáu đứa con của một người già làm sao bì với ngực Thuyền Quyên? Để tránh đào sâu sự so sánh, tôi quay lưng pha đường vào cà phê. Cà phê chỉ là một tên gọi. Người ta đã cưỡng hiếp nó tận tình bằng đủ mọi thủ thuật pha phách hỗn tạp. Và người ta hãnh diện vì tính sáng tạo ấy. Cho nên muốn thưởng thức một tách cà phê thơm ngon đúng nghĩa, chỉ còn cách duy nhất: Vượt biên. Đâu cũng đưọc, càng xa càng tốt, ở phương Tây.
“Đậm quá!”
Thuyền Quyên phê bình. “Có làm mình mất ngủ không anh?”
“Người ta chẳng ngủ được vì một nguồn cơn khác. Thứ này thì nhằm nhò gì”.
“Cho em điếu thuốc”.
Tôi ngó Thuyền Quyên.
“Đừng nhìn em kiểu đó. Chỉ phung phá lần sau chót”.
Tôi không nói gì. Tôi đã câm lặng nhiều ngày khi nghe Quyên bảo: Giải pháp tốt đẹp cho hai đứa là sự chia tay. Chúng ta chẳng có lựa chọn nào khác. Anh thấy không? Tôi xé toạt bao thuốc cho Quyên dễ lấy. Tôi đưa ngọn lửa tới gần môi Quyên. Quyên nhìn xuống, nhưng trong đáy mắt thu cất từng đốm sáng lung linh. Đôi mắt kia từng là gương soi để tôi nhìn ra tất cả vẻ muộn phiền bám trên mặt tôi. Khói xanh xám tuôn lãng đãng. Hai đứa cùng hút thuốc và chúng tôi tự làm cho mặt mày của mỗi đứa trở nên nhòe đi. Ở bức vách đối diện có treo tấm ảnh mẹ tôi. Bà trông xuống tôi với đôi mắt chứa đầy sự thất vọng. “Một cái nhìn hơn ngàn lời nói ra”. Ai đã thốt nên thứ phương ngữ thấm thiá kia?
Không có đồng hồ nhưng tôi biết đã muộn, đối với riêng Thuyền Quyên. Tôi muốn nhắc chừng, cảnh tỉnh. Tôi như con gà đang mắc đẻ.
“Sao hôm nay anh mang đầy vẻ lạ thường?”
“Anh tính hỏi Quyên câu ấy. Sao hôm nay khác với những lần trước?”
“Có trận bóng đá cúp châu Âu trực tiếp trên truyền hình. Dĩ nhiên là ai nấy đều háo hức, bận bịu dõi trông. Em đang lợi dụng nó. Em sẽ thong dong chuyện đi đứng”.
Thuyền Quyên sẽ rời tôi, khi trên sân cỏ ở một nơi xa, người trọng tài dong tay thổi dứt một hồi còi lãnh lót. Trận đấu kết thúc. Và tôi ở lại với khoảng trống lớn, thua cuộc. Điều mừng vui duy nhất, là Thuyền Quyên không lấy chồng Đài-loan. Cô tuyệt không rơi vào tay một đại gia có máu mặt. Chừng ấy thôi. Tôi chẳng cần biết gì khác hơn và tôi nghĩ là Quyên đủ sáng suốt khi bỏ tôi để tìm lấy một thằng đàn ông khác làm chồng.
“Khi về nhớ mang bức tranh. Anh chẳng có gì khác làm quà”.
“Có lộ liễu lắm không nếu em mang tranh về. Cái đó người ta gọi là “chưa đánh đã khai”.
Vụng trộm. Tôi đã lỡ khuấy quên. Cái địa chỉ heo hút này không phải thuê nó để làm chốn ẩn nấp sao? Và rồi thì kín đáo hò hẹn. Năm bữa nửa tháng một lần gặp vội.
“Em sẽ gửi thiệp cho anh”.
“Đừng. Chẳng vui thú gì!”
‘Hay là một cái bưu thiếp chụp cảnh Đà-lạt?”
“Quyết định hưởng tuần trăng mật ở đó sao?”
Thay vì trả lời, Thuyền Quyên đến sát chỗ tôi ngồi, vòng tay ôm ấp lấy đầu tôi, ghì chặt vào ngực; có vẻ vỗ về, dỗ dành. Trái tim Thuyền Quyên vọng vào tai tôi những nhịp đập, rung động trong mềm mại. Tôi từng áp tai vào ngực mẹ mình, nhưng đó là khi mẹ đã thực sự ra đi. Tim đứng yên và một cơ thể đang lần hồi lạnh giá. Tôi đã khóc. Tôi thực sự yếu đuối vỏn vẹn chỉ lần đó. Hôm nay tôi như cậu bé con đã trưởng thành, tự dưng cứng rắn một cách kỳ lạ.
“Anh đừng thay đổi chỗ ở. Một ngày kia có khi em sẽ trở lại tìm”.
“Để làm gì?”
“Anh thực sự không muốn nhìn lại mặt em? Hoặc ít ra đó là lúc em an lòng thu nhận bức tranh kia. Em tới đòi nợ. Được không?”
Thuyền Quyên cúi xuống hôn tôi. Chất cà phê thấm đẫm bọc quanh môi mềm Thuyền Quyên thứ hương vị ngọt ngào. Mật ngọt chết ruồi. Còn tôi, tôi muốn chết bằng kiểu ngạt thở. Mắt tôi nhắm nghiền. Liệu có lối chết nào êm ả hơn không? Ngưng thở trong vòng tay tình nhân.
Nụ hôn không kéo dài. Quyên vất trả tôi về với hiện tiền, đòi lại những mộng tưởng. Quyên cởi áo, chậm rãi, chẳng ngượng ngùng. Da thịt phô bày và thịt da bưng bít. Quyên mặc lại chiếc áo đã khô. Chiếc áo may vừa kích nên chi nó làm mất đi cái vun đầy trước đó luôn khiêu khích.
“Em đi”.
Thuyền Quyên nói nhỏ. Cô tính vung phát một cử chỉ gì đó nhưng đôi tay buông xuôi, cúi đầu đi tới cánh cửa. Tôi ôm chiếc áo của mẹ tôi vào lòng, xoắn trong tay, hoảng hốt như tên tư sản mại bản bị kiểm kê lần sau chót. Nghèo rớt mồng tơi!
Chút gió mát lẻn vào. Rất yên lặng. Khi cánh cửa đóng ập lại, tôi có ý nghĩ đó là tấm màn vừa buông ở sân khấu để chấm dứt một vở kịch chẳng mấy hay. Diễn rất tồi.
* * *
Lão phát thư dựng chiếc xe đạp sát vách.
“Hôm nay cậu có thư”.
Ông nói với tôi qua chấn song. Cánh cửa sổ tôi luôn mở để đón gió. Mặt ông khi đó trông như tên tù nhân sắp được thả. Ông ngó vào, có thể ông sẽ mọc dấu hỏi trong đầu: Nó lui cui làm gì trong thế giới tù túng kia?
Tôi bỏ cọ xuống, chùi tay vào miếng giẻ hoen ố màu.
“Có gì uống không?” Nhân viên bưu điện đòi hỏi.
Tôi nheo mắt.
“Không”.
Tôi trả lời. Thấy khát. Với hai chục ngàn bạc cuối cùng, tôi đã mua bao thuốc Con mèo và ly cà phê đá. Uống hồi sáng, giờ này thì trưa, một hai giờ gì rồi. Có thể tôi đang héo người, dật dờ.
“Mỏi chân quá!”
Ông ta than, đồng thời dắt theo xe khi vào nhà, tự-nhiên-như-người-Hà-nội.
Tôi mang cho ông chiếc ghế, chờ được đón nhận lá thư ông sẽ trao. Sở bưu điện thì hẳn là không tài nào biết được cách thức làm việc của nhân viên. Và đã là nhân viên nhà nước thì họ luôn có lối lao động chẳng giống ai. Ông ngó vào tấm tranh tôi vẽ chưa xong trong khi tôi ngờ vực nhìn tới chiếc xe đạp. Tôi biết chiếc xe ấy nhờ những dấu vết đặc thù nhưng tôi không tưởng được là nó đã thay hình đổi dạng đến thế. Tôi quả là đứa chẳng biết giữ gìn, sang tay ông ta nó được o bế chùi rửa đến độ phát quang. Nếu Thuyền Quyên đi thẩm mỹ viện về, gặp ngoài đường, tôi cũng mang nỗi hoài nghi tựa thế. Lạ tới độ chó nuôi trong nhà cũng phải sủa lên, tiếng cảnh tỉnh.
“Này, không phải nói đùa chứ cậu có cái tủ đẹp ra phết. Xịn hết biết!
“Tranh thì sao?’
“Giai cấp tôi thì biết chó gì đến nghệ thuật tranh ảnh mà hỏi. Nhưng thắc mắc thì có đấy, cậu sống sao được với thứ thành quả lao động vô bổ kia?”
Mắt ông không rời mục tiêu. Chiếc tủ ấy là gia tài cuối cùng. Mẹ để lại cho tôi năm sáu món, nhưng tất cả đều lần hồi đội nón ra đi. Chỉ còn nó, đứng thu mình, thầm lặng ở chỗ thiếu ánh sáng, vậy mà cũng bị ông điểm danh. Ông phát thư có đôi mắt thật tinh tường, nếu làm giám khảo chấm điểm cuộc thi hoa hậu, hẳn sẽ không có cô nào khóc thét lên khi nghe tuyên bố kết quả. Một đôi mắt biết lột truồng sự vật, lượng định thật giả chẳng sai trật.
“Nghèo như tôi cũng có thể vay được một hai triệu để ẳm cái tủ ấy”.
Ông nói vào khoảng không. Ông ném một viên đá dò đường. Ông thử phát họa một hình ảnh, vẽ nên một con số.
“Hình như bác vào đây với thứ công chuyện khác?”
“Phải. Cậu có thư. Nhưng đi đâu mà vội. Thủng thẳng, chuyện gì cũng còn có đó”.
Tôi nhìn ông ta. Với tuổi tác kia, tôi có thể gọi ông bằng bố chứ không phải giỡn. Thỉnh thoảng tôi nghe thằng thanh niên nhà hàng xóm cằn nhằn ông già nó: “Địt mẹ bố, bố chơi kiểu đó thật chẳng giống ai!”. Tôi rất mệt. Tôi chẳng có ý kiến. Tôi phó mặc cho ông ta diễn tuồng một mình. Tôi đốt ba cây hương và cúi đầu thành khẩn dưới ảnh mẹ mình. Tôi cắm hương vào cái ly đựng gạo hứng đầy tàn nhang. Nhà buồn quá, lạnh lẽo chẳng có bàn thờ và hoa trái. Cầu dừa đủ xoài. Ai mà dại dột vậy cà? Đã trót xin, thì xin cho được tới bến luôn. Mẹ có linh thiêng, phù hộ để con chơi số ẳm phải lô độc đắc, cho ấm đời!
Ông phát thư vẫn lì lợm ngồi yên trên ghế. Muốn xua đuổi, tôi sủa:
“Bác có tiền sẵn đó không?”
“Hỏi chi vậy? Nhiều nhặng thì phải chạy vạy đi vay”.
“Ít thôi, đủ để chở tôi đi kiếm cái gì uống. Khi đã tỉnh táo, chúng ta mới sáng suốt bàn tính chuyện đại sự”.
“Cũng có lý. Tôi sẵn lòng cho cậu mượn chút tiền. Kiếm quán bia, cậu vừa nhậu vừa xem thư mới đã”.
Tôi đóng cửa. Rất nản, tôi để cho ông già thồ cái xác ngầy ngật của tôi đi.
“Đến chỗ Lan và Điệp nhé. Con mắt mẹ chủ quán bao giờ cũng có đuôi, cái mới ăn tiền. Văm đéo chịu được!”
Ông làm nghề giao thư phát biểu cảm tưởng. Lan và Điệp? Tên một tụ điểm ăn nhậu sao? Chưa hề nghe qua. Nghe chăng là nghe Lan cắt tóc hay Điệp đi tu gì đó. Chuyện tình chảy nước mắt. Họ dựng thành vở cải lương, và cuối cùng, tất cả đều lẩm cẩm, vớ vẫn.
Quán nhậu chưa đông khách, ruồi buồn bay dật dờ trên những mặt gỗ trống lạnh. Thực đơn viết chữ to lên tường, xanh đỏ như bùa chú. Rất nhiều món lạ, dài thậm thượt. Khởi đầu là châu chấu chiên dòn và cuối cùng là rắn hổ mang xào chua ngọt. Tôi kéo ghế ngồi, quây lưng với thứ “sơn hào hải vị” quái đản kia. Tôi muốn dòm con mắt có đuôi và “văm đéo chịu được” nơi mụ chủ quán nhưng không thấy, hiện diện là đứa con gái đang quạt lò than và thằng bé mặc xà lỏn cầm dao răng cưa bặm môi chặt nước đá. Hai đứa coi bộ xung khắc nhau, đứa hỏa đứa thủy; cả hai thi gan ngó lơ chỗ khác mặc tình cho khách kéo ghế rậm rật còn giả bộ ho hen nhắc chừng.
“Cho bác hai chai bia cưng”.
Cuối cùng thì ông phát thư lên tiếng, có vẻ nhượng bộ. Ông ngồi buông rũ tứ chi, chờ đợi trong dáng điệu thoải mái. Thỉnh thoảng ông rung đùi, thỉnh thoảng ông liếc xéo, ngầm thắc mắc về sự vắng mặt của mụ chủ.
“Chúc sức khỏe”.
Tôi nói. Cụng bia với ông già. Có chất xúc tác kì diệu, ông mới linh hoạt moi túi lôi bức thư nhăn nhàu ra. Thư của Thuyền Quyên, khuôn dấu có khắc chữ Đà-lạt. Từ cao nguyên xuống chứ không phải từ miền duyên hải xô giạt vào, vậy mà tờ thư mềm như úng thủy đã lâu, chữ nghĩa đều nhòe nét mực tựa mắt khóc khi tay viết xong. Lòng tôi vô cớ mà thổn thức, cẩn trọng mở rộng lá thư ngấm nhiều mồ hôi của kẻ đưa thư. Người ông ta hôi chua, chưa nói đến mùi dầu Nhị thiên đường luôn chôn dưới chân tóc. Đón nhận một lá thư như vậy người ta khó hình dung ra nội dung. Nếu thư tình, chắc nó phải thơm? Quyên dùng viết mực đỏ, thứ màu mà thuở đầu đời cắp sách đi học thầy cô luôn giáo dục: Mấy em chớ nên đụng tới viết đỏ, nó bất lịch sự khi dùng để viết thư cho ai. Nó chỉ được sử dụng khi chấm bài, cho điểm, phê vào thông tín bạ; hầu như màu đỏ dùng để ngầm cảnh cáo, răn đe…
“Có gì gay cấn không?”
Ông phát thư hỏi sau khi tôi chấm dứt đọc những hàng chữ lên đồi xuống dốc. Có lẽ nó được viết trong một thần thái căng thẳng. Hoặc ngồi trên xe đò dằn xóc? Hoặc hí hoáy trong bóng đêm, hối hả?
“Bác muốn biết không?”
“Buồn thì cứ mặc tình dấu nhẹm. Nếu là tin vui, tôi nghe cũng tốt thôi”.
“Người ta viết thư hỏi tôi nếu đồng ý bán, thì họ mua cái tủ đó với giá hai triệu rưỡi. Rất khẩn cấp. Bác thấy họ viết bằng mực đỏ không? Quan trọng chứ chẳng đùa”.
Ông nhân viên bưu điện đưa mắt dòm tôi. Quan sát hồi lâu như thể xem con tem dán trên phong bì còn sống hay đã chết. Nó trinh nguyên hay đã bị con mộc đè lên trên?
“Người nào vậy? Ra giá như thế không sợ bị hớ sao?”
“Gỗ ấy thuộc loại gỗ qúi hiếm. Lí ra bác phải khuyên tôi đừng nên bán mới phải. Hai triệu rưỡi. Tiền đó mua được cái gì hở trời!”
“Được, Tôi khuyên anh. Nghe lời khuyên không nào? Tại sao lại bán cho người dưng mà ngó lơ chỗ quen biết. Tối nay tôi đến chồng đủ tiền, thuê xe khiêng về ngay”.
Tôi biểu ông già gọi thêm bia, Người tôi trống vắng tựa căn nhà để bảng cho thuê. Mẹ ơi! Cuối cùng thì con chỉ còn giữ được chỉếc áo cũ của mẹ thôi. Giữ riết bên mình cho tới khi chết.
“Kỳ lạ thật!”
Tôi ngó điệu bộ nhấp nhỏm của ông “bạn nhậu”,
“Chuyện gì thế?”
“Tôi nghĩ là đằng sau bức vách kia có kê giường chiếu ngang dọc. Có thể mụ chủ quán đang lu bu để cho khách ôm?”
Tôi cười mũi:
“Thì đã sao? Chết thằng Tây nào đâu?”
“Sao không? Nếu được ngủ với mụ ấy, có chết tôi cũng mãn nguyện”.
“Làm gì ghê gớm thế? Bác để dành tiền, khoảng hai ba trăm đô là cùng, nói với bả một tiếng, cả hai tắm rửa sạch sẽ, leo lên giường… Sau đó, vấn đề còn lại là do ở tài năng bác”.
“Này bạn hiền, cuộc đời đơn giản có bấy nhiêu sao? Tôi từng ỡm ờ bóng gió với mụ ta, biết mụ nói gì không? Thôi đi tiá, tưởng có tiền là ngon hả? Tiá nên về soi gương, biết tự lượng sức mình chớ! Tha cho con đi mà!”
“Nói vậy nghĩa là sao? Đầu gối bác còn xịn quá mà, đạp xe chạy như ma rượt có hề hấn gì đâu?”
“Hổng biết nữa. Đàn bà cũng khó hiểu. Đôi khi họ ưa trai tráng nhỏ nhít mới ngon cơm. Chí ít cũng cỡ cậu. Mẹ nó, già có nhiều cái thiệt thòi!”
Ông tu hết chai bia, dằn mạnh xuống bàn thế tiếng thở dài.
“Để mắt coi chừng chiếc xe một lát. Tôi lui đi đái, giả bộ tham quan một vòng cho biết sự tình”.
Còn một mình, tôi đốt lửa điếu thuốc và giở lá thư ra đọc lại: “Tuần trăng mật tẻ nhạt chậm chạp trôi. Có người buồn giận. Lý do giản dị: Vợ mới cưới của ông ta đang rơi đúng vào chu kì kinh nguyệt. Máu. Màu đỏ buộc phải ngừng tựa như đèn hiệu giao thông. Quyên không biết mình buồn hay nên vui? Hỏi thử anh xem sao. Buồn? Có tháng. Vậy là chúng ta không thể có riêng với nhau một đứa con. Vui? Vậy là chúng ta an tâm chẳng hề dối gạt một ai về xuất xứ một hòn máu. Đà lạt lạnh, có lẽ vì vậy mà cà phê uống được hơn dưới đó. Uống cà phê trong khi hậu ấy, dĩ nhiên làm Quyên nhớ tới anh. Mong sớm tìm gặp lại nhau. Ký tên: Một người vợ ở kiếp sau”.
Tôi ôm đầu hồi tưởng lại. Lần đó, chúng tôi chỉ có cho nhau mười lăm phút. Thuyền Quyên nhắc nhở, theo giọng điệu của người tường thuật bóng đá: Chỉ có mười-lăm-phút-phù-du. Tôi lật úp tấm ảnh mẹ mình không cho chứng kiến và phút giây sau Quyên vật ngã tôi trên giường. Tôi đón nhận một thứ trọng lực từ tốn phủ chụp xuống. Niềm thống khoái vỡ oà ra, có thể làm phát khóc đi được. Suốt cả cuộc đời, chỉ có duy nhất lần đó là tôi hiểu tường tận về chữ hạnh phúc.
Tôi thả điếu thuốc hút dở vào trong chai bia. Tôi nhớ lời ông phát thư: “Ôm mụ ta ngủ một đêm có chết cũng mãn nguyện”. Qủi, sao lại xem cái chết nhẹ tựa lông hồng thế! Nhưng mà nghĩ cho kỹ, lão ấy là người có đầu óc chứ chẳng giỡn chơi. Đang nhậu chim chuột rắn rít bỗng lăn đùng ra, ngộ độc: Chết. Đang đi trên lề đường không dưng chiếc xe tải từ đâu leo lề va vấp vào người, chấn thương sọ não: Chết. Nấu nướng bất cẩn lửa táp chảo dầu lan qua tay bỏng rộp, vào nhà thương băng bó, nhiễm trùng: Chết. Đang say giấc điệp, nhà lầu bê tông dổm sập nguyên ba tầng lầu đè lên đầu mình tứ chi, ngắc ngoải: Chết. Thiên hình vạn trạng, hằng hà sa số những tai ương lãng xẹt. Thân nhân ôm tử thi ngửa mặt kêu gào: “Cao xanh ơi hỡi cao xanh, sao trời lại không có mắt mà ngó xuống?” Bậy thật, trời làm gì có mắt chớ. Sao cứ ỷ y dại khờ thế? Cho nên rốt cuộc thiệt là đẹp ý nếu được chết như nguyện. Thuyền Quyên bỏ đi và tôi chưa biết cách xếp đặt ra một cái chết. Lão phát thư đã tìm được đối tượng, và giờ này thì lão xong xuôi việc đi đái.
“Sao rồi? Bắt gặp con mắt có đuôi không?”
“Mụ ngồi đếm tiền, tính toán sổ chi thu. Mụ than lóng rày buôn bán có phần sa sút ế ẩm”.
“Người ta mở đường cho bác đấy”.
“Tôi biết chứ, mụ đồng ý ngủ nhưng đưa cái giá cao tận mây xanh. Như vậy có khác chi từ chối. Mẹ kiếp, tôi chỉ là kẻ đưa thư thôi mà, nào phải trộm cướp gì cho cam. Một triệu đồng, ai mà chịu đời cho thấu!”
“Thì đừng mua cái tủ nữa, để tiền ấy mà ra sức bồi dưỡng cái mạng già”.
“Thấy chưa, ngay cả cậu cũng nói tôi già. Thế thì còn cơm cháo gì nữa! Bao lâu? Cứ cho là mười phút đi. Chỉ mười phút mà phải cúng cho mụ ta một triệu đồng. Bỏ đi tám. Đành ngồi trên giếng mà khát nước vậy!”
Ông với tay nhặt cổ chai bia lên, đổ xuống cuống họng, ừng ực. Như cố nuốt trôi viên thuốc đắng, tựa dìm chết một ước mơ chẳng lành lặn. Tôi tính nói: tan hàng. Tôi định biểu ông chở tôi về thì nhác trông lên một người đàn bà từ nhà sau bước chân ra. “Văm đéo chịu được!” Câu văn tả người của lão phát thư chẳng sai trật một mảy may. Tôi choáng váng. Hai chai bia không làm tôi say. Tôi bị hớp hồn bởi con mắt có đuôi. Nếu có Thuyền Quyên ở đây hẳn cô phải sửng sốt bởi nhan sắc kia gần là giọt nước thứ hai, hoặc chính Thuyền Quyên là bản sao của người đàn bà kia. Đấy là nói riêng cái khoản diện mạo, vòng một vòng hai vòng ba trên cơ thể Thuyền Quyên chỉ là em út so với mụ chủ quán. Nói mụ thì có vẻ hàm hồ, bà ta đâu khoảng bốn mươi, chừng đó xuân xanh gọi là nàng thì chả có gì phải hổ thẹn. Nàng, chữ ấy rất ăn với bảng hiệu “Lan và Điệp”. Đôi khi phải nên cải lương một tị, vấn đề mới hanh thông!
“Tối nay bác tới chở cái tủ đi, phải không?”
“Cậu nói bao nhiêu? Tôi quên rồi”.
“Hai triệu rưỡi. Tứ mã nan truy!”
“Được thôi. Nhưng bớt chút đỉnh để tôi còn trả công cho thằng kéo xe”.
“Nhất trí”.
“Khấu trừ thêm khoản tiền bia cậu mượn tôi giờ này”.
“Chuyện nhỏ. Đưa tiền tôi đến trả cho người ta”.
Tôi nắm những tờ giấy bạc eo xèo trong tay ẩm. Người đàn bà nhìn tôi từ lúc tôi xô ghế đứng lên cho đến khi mặt đối mặt. Khoảng cách gần, tôi ngửi từ người “nàng” xông lên thứ mùi vị nửa quen nửa lạ. Như nàng là món ăn đặc sản mà đầu bếp tốn rất nhiều gia vị để gia giảm phân lượng. Một cái siêu thuốc bắc mà đàn bà vừa đẻ xong sẽ nhăn mặt uống cho lại sức cũng không thơm bằng. Tôi nuốt nước miếng, gần cả lít bia đã bốc hơi đi đâu làm miệng lưỡi đắng khô.
“Một triệu hả?”
“Cái gì? Anh trả tiền bia cho ông kia luôn phải không?”
“Phải… Tôi còn trẻ so với ông ấy, lại sạch sẽ vệ sinh hơn…”
“Già thì khỏe kiểu già, trẻ thì mệt kiểu trẻ. Một triệu, đó là chưa tính tiền phòng”.
“Bao giờ thì được?”
“Tùy anh. Tôi rảnh từ tám tới mười giờ tối”.
“Gặp ở đâu?”
“Góc đường Công-lý, tôi sẽ dẫn anh tới nhà nghỉ. Vấn đề an toàn, anh hiểu không?”
Tôi ngó nàng. Thuyền Quyên xa tôi đã lâu và đã lâu nỗi nhớ tôi dành cho cô dài thậm thượt. Ông già phát thư thật dại khờ. Một triệu, rẻ như cho; khi ta muốn trả thù niềm nhớ mong. Tôi vỗ nhẹ lên mu bàn tay nàng:
“Chín giờ tối nay, góc Công-lý”. Hừ, công lý! Lẽ phải bao giờ cũng thắng!
Nàng cười. Trời ạ! Ngó xuống mà coi, nàng có vẻ như là chị ruột của Thuyền Quyên.
Ông già phát thư rất mẫn cảm, hoặc trời sinh ông có đôi tai thật bén nhạy, nghe được cả tiếng vo ve của ruồi muỗi bay xa.
“Mẹ kiếp, già cả bao giờ cũng thiệt thòi!”
Ông ta thán khi dắt xe đi. Thấy tội nghiệp, tôi dành phần đèo chở ông nhưng ông nạt.
“Đừng lộn xộn, chớ làm hoanh, lo mà dưỡng sức để tối còn lao động phục vụ”.
Chở một đỗi, ông hạ giọng:
“Vẫn một triệu?”
“Vẫn”.
“Quyết định vất tiền qua cửa sổ à?”
“Vất”.
“Đừng trách tôi nhiều chuyện, ăn xài như cậu thì mai hậu có mà cạp đất”.
“Có quán cà-phê đèn mờ đặt mua tranh tôi vẽ. Hai bức sơn dầu. Bác tin không? Chúng nó trả bằng đô-la của Mẽo mới ác liệt, cầm tiền quê hương nặng đến trẹo tay, thật bất tiện, chúng nó nói vậy. Tháng sau giao hàng, tiền trao cháo múc”.
“Này, cậu có máy thu hình không? Máy quay vidéo?”
“Chi vậy?”
“Trước khi nhập cuộc cậu lột truồng mụ ta ra quây lén, xong bán khúc phim ấy cho tôi, tiết kiệm được chút đỉnh”.
Ông thở nặng nhọc khi gặp phải đoạn đường dốc. Mùi dầu Nhị thiên đường ông xức cho khỏi trúng gió làm tôi chóng mặt. Khi chia tay, tôi nói với ông:
“Có thể tôi sẽ chết đêm nay khi ôm mụ chủ “Lan và Điệp”. Bác thấy như thế có mãn nguyện không?”
“Chứ còn đòi gì nữa? Chắc tôi phải học cách móc ngoặc hoặc tham ô. Mẹ, cuộc đời này u ám quá!”
Tôi ngó theo cái dáng đạp xe trong xiêu vẹo của ông già. Tôi vạch quần, tiểu tiện trên hàng chữ cấm đái bậy. Tôi la trong ngõ vắng: Thuyền Quyên, anh sẽ hiếp dâm em đêm nay. Hiếp tả tơi cho xứng đồng tiền bát gạo!
Mọi vật quạnh quẽ, im thin thít. Cả chó cũng chẳng còn sót một con để đáp lời, sủa cho vui tai. Thật khốn nạn!
Hồ Đình Nghiêm
Một tháng Mười 2009
Đã xem 1,307 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments