Khi đẻ cháu ra, chúng tôi rất cực. Phải bán đi nhiều thứ để có tiền làm đúng theo quy định bất thành văn mà bệnh viện họ đòi hỏi, đề ra. Sản phụ phải vỡ nước ối thai nhi mới được trồi đầu, muốn vượt cạn êm đẹp ta phải chịu khó bôi trơn, bồi dưỡng từ y công y tá cho tới các ông bà bác sĩ sản khoa. Theo trình tự từng công đoạn: đếm tiền, đút túi quần, lê chân đi rửa tay, đeo găng cao su, uể oải bày biện dao kéo bông băng lu hủ. Và nạt nộ. Và bắt bẻ: Khóc à? Vậy thì khi làm tình mấy người có khóc không? Đã ăn chơi thì chớ sợ mưa rơi! Dạng chân ra.

Quấn chăn sơ sài bồng ẵm cháu về giữa gian nhà hầu như toàn bộ trống vắng. Này tủ này bàn này nồi này niêu đã thầm lặng chia tay chẳng luyến lưu, những “đứa” tình nghĩa còn bám trụ là những thứ sức càng gãy cọng thương tật đầy mình bị bạn hàng chê ỏng chê eo “có chó mà mua cho”. Tiền nhà khó như gió vào nhà trống, ôm con mà tự dưng nước mắt trào ra, chảy dài. Chúng tôi thiệt vô hậu đã chẳng tự lượng sức mình, hoàn cảnh thế mà bày vẽ chuyện sinh nở. Lớn lên thành người con có oán hận mẹ cha không?
Nhờ trời, chúng tôi cũng kiếm ra công chuyện mần ăn mà không phải ngữa tay xin ai. Gửi cháu cho bà ngoại tôi đi nhặt rau rửa chén bát cho một quán ăn dù người còn xanh mướt ở thời gian hậu sản. Cha nó thì mượn chiếc xe máy cũ của ông nội để hành nghề chạy xe ôm, bay tóc trán. Nói chung chúng tôi đều sớm tối dãi dầu đụng chạm với tất thảy mọi hạng người trong xã hội. Một nắng hai sương để có được chức danh cầu chứng: Thằng cha Dục xe ôm, con mẹ Giáo đằng quán nhậu Tới Bến. Chòm xóm nói vậy mà công an cũng tường lý lịch để dễ dàng khi muốn nắm bắt sờ vào gáy.
Làm lễ thôi nôi cho cháu, nghe lời ông bà cũng bày đặt sắm chút quà nhựa “xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ cũng ưa” dàn dựng quanh chiếu, chỗ thằng cu đang tập bò. Thiếu gì kềm búa xe hơi búp bê siêu nhân người nhện mà không lượm nhặt, lại với tay quơ cào nắm chặt cây bút chì sáp đen đủi. Nội la lên: Chết cha, thằng cu lớn lên e sẽ là thi sĩ đói rã họng. Ngoại thở dài: Ôi chao, cây kiếm nhựa nằm trong tầm tay sao con không chọn lấy để mai này hùng cứ trấn nhậm một phương. Ở thời đại nào người có vũ lực cũng có thể hét ra lửa cu ạ! Chừng như chưa thỏa ước mơ trừu tượng, người bạc tóc lại chắt lưỡi: Chí ít thì mày lựa chiếc xe hơi để trả hiếu cha mi suốt đời chạy xe ôm hư hỏng bu-di xăng pha nhớt.
Nội nói sai, phải bảo thằng cu mai này là họa sĩ mới đúng, tuy là con nít ranh mà cháu bạ đâu vẽ đấy như dấu tích mèo cào, vẽ say sưa, chảy nước dãi mà nguệch ngoạc, tay liến thoắng miệng không buồn há tộng cơm đút nước dâng. Chẳng rõ giống ai thằng cu trông đẹp giai nhất xóm nếu có cuộc bình bầu tuyển chọn như trong TV họ hay làm. Mấy chị nhí láng giềng cứ ưa lân la sang tới bồng bế nựng nịu hít hun. Có chị thành khẩn nói điều khó tin: Lớn mau cho chị nhờ, chị ở vậy đợi cu. Chị lén lút đưa tay sờ chim, lòng thoáng bức xúc vì ngọn lửa nóng không dưng thắp lên, bỏng rát lòng dạ.
Ở nhà tên Bo bo vì bố mẹ cu hồi tưởng một thời gian khó yêu nhau, khi đến tuổi cắp sách đến trường, chính danh Bo bo là Mỹ. Bố mẹ lại lập luận: Mỹ là tượng trưng về cái đẹp như trên quận 1 có thẩm mỹ viện Hoàn Mỹ. Như trường Mỹ thuật. Đó là chưa nói tới Mỹ quốc, vùng đất mà chúng ta luôn mơ ước được đặt chân.
Mỹ thích vẽ, mang tật ngứa tay. Chó mèo nhà cửa cây cối xe cộ mặt trời vầng nguyệt đều bị cu cậu thâu tóm cho vào khung giấy, bất kể giấy gì, lớn nhỏ nhăn nhàu hay thẳng thớm. Người mẹ không coi đó là chuyện cần xiển dương hổ trợ, im lặng nhưng thực bụng chẳng vui. Buổi tối tan việc, từ quán ăn trở về người hôi mùi củi lửa thịt cá tanh tưởi, mẹ Mỹ ngóng chồng mang chiếc xe bỏng khét lấm bụi tạt ngang. Anh ạ, trưa nay trong quán phục vụ hai cô sinh viên Mỹ thuật vào kéo ghế nghe họ than thở: Căng quá, cứ bắt vẽ chân dung lãnh tụ miết, vẽ giống y trang thì bị phê bình mang tội bôi bác. Thật là bức xúc! Thằng Bo bo mai hậu lậm vào con đường này e thác sớm, cơm không đầy bụng thì tiền bạc đâu mà tậu giấy bút để nguệch ngoạc lôi râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Chỉ là một cảm thán tuỳ tiện. Nhọc mệt, bơ phờ, người chồng nói không ra hơi: Lo bò trắng răng! Sao em đa đoan quá! Bổn phận của ta là nuôi nó lớn khôn, thành người hay hư hỏng là do cái xã hội này tác động tiêm nhiễm vào nó. Sức người có hạn, ta chớ nên đòi hỏi kẻ khác phải thế này thế nọ. Căng thẳng, choáng, là thứ mà không ai muốn rước vào thân.
Lên chín, bố Mỹ bị xe taxi cán. Tài xế nhấn ga dông một mạch và dân quanh hiện trường đứng vòng tay ngó xuống cái thi thể đang nằm yên cho mặt đường hút khô vũng máu loang. Lên mười, mẹ Mỹ bị dính án oan, vào ngồi tù với lời tuyên xử: Âm mưu đầu độc vợ chồng chủ quán hòng soán đoạt 19 triệu đồng, nếu cải tạo tốt thì bóc lịch ba năm vì vợ chồng kia chỉ nằm viện cho người ta súc ruột chút đỉnh, chưa thực sự về ngủ với dế giun. Hoàn cảnh xô Mỹ vào ngõ cụt và trong đám người đi bán vé số, Mỹ là thằng con trai điển trai nhất bọn.
Khi có người giải thích XHCN là viết tắt từ chữ Xuống Hố Cả Nước thì Mỹ không buồn khi nhìn ra phận mình. Vả, một đứa bán vé số tuổi đời chưa trải tựa Mỹ thì hắn ta chẳng có thời gian để tự vấn, cớ sao mình lại trần thân đội nắng mưa đi hang cùng ngõ hẹp mưu sinh như bị trời hành? Trời không hành. Cao xanh có mắt để chiếu cố chịu đèn Mỹ. Hắn bán mười tấm vé số cho một bà cụ vừa thắp nhang trong chùa để ba hôm sau đích thân bà cụ ấy đón đầu hắn. Bà dắt hắn vào một quán nước đãi đằng, mua hết những cọc vé số trên tay hắn bằng một số tiền dòm tới hoa mắt. Thú thật với con, bà vừa trúng số và tiền này là một nửa mà bà muốn hậu tạ chia xớt cùng con. Mỹ ngó chăm vào mặt bà già xa lạ như thể bắt trí nhớ phải khắc ghi và về khuya Mỹ đã phát hoạ ra giấy một chân dung ghim trên chỗ nằm. Có người nhìn thấy, tấm tắc khen: Mày ở chốn bần cùng bưng bít thông tin này mà cũng biết tới Mother Teresa sao? Vẻ khắc khổ của người mẹ vĩ đại ấy được mày tô điểm hào quang ngó sống động. Hữu xạ tự nhiên hương, mày tin tao đi, đôi bàn tay mày sẽ làm nên đại sự, chí ít cũng biến sỏi đá thành cơm.
Bức tường bao vây cung văn hoá thiếu nhi có chỗ rất hôi khai, từ chữ “Cấm đái bậy” đi kèm với những hình vẽ thô tục nhớp nhúa đã gợi hứng cho Mỹ và với tất cả sự cảnh giác khi chùng vụng thao tác, tuần sau nó biến dạng thành một bức tranh liên hoàn làm mát mắt chúng sinh rồ xe điên dại qua về trên con lộ buồn tẻ. Công an khu phố cũng mất một tuần để phá án, họ chụp cổ lôi được thằng cu bán vé số mát giây về đồn viết bản tự khai, bắt đúng người đúng tội. Hôm ấy đi cùng Mỹ có thêm đứa bạn bán bánh mì nóng dòn mới ra lò. Quen với nghiệp vụ, công an hỏi: Nhà mày ở đâu? Thằng bán bánh mì dạo mếu máo: Dạ tui đâu có diễm phúc biết tới chữ nhà, tui thuộc thành phần ăn bờ ở bụi rày đây mai đó. Quay sang Mỹ nạt nộ, thế còn mày thì sao? Dạ tui là bạn láng giềng chòm xóm với nó. Tội chúng mày rất lớn, dám bôi bẩn làm ô nhiễm môi trường. Nhỏ bây lớn mà chóng học đòi cho bằng được thằng Pi-cát-xô, mà bản chất thằng phản động ấy là gì, là cây nấm độc mọc trên thân gỗ mục của chủ nghĩa tư bản. Chúng tao bảo thế chúng mày có hiểu không, để mà thành tâm ăn năn hối cải. Ra sắc lệnh nội trong hai hôm phải tẩy rửa kỳ cọ sao cho bức tường ấy mới sạch để phù hợp với cung văn hoá thiếu nhi. Trước, cơ bản là thế, chuyện tù tội từ từ tính sau. Thằng bán bánh mì chửi: Mả mẹ mày Pi-cát-xô nhí mang hội chứng ngứa tay. Đá đảo chuyện vẽ vời, khi không tao bị dính chấu oan. Vô văn hoá dốt đặc cán mai như tao có phải khoẻ trí hơn không?
Có người đàn ông ăn vận bảnh bao tới đồn lo việc điều chỉnh giấy tờ gì đó, rảnh ngồi hóng chuyện. Ông mời thằng cha trưởng đồn mặt khó đăm đăm một điếu thuốc thơm: Sếp ra lệnh đó à? Nếu đã gán cho nó danh phận Picasso nhí thì đã ngầm tuyên dương nó là thiên tài. Nói sếp bỏ lỗi cho, tất cả những tấm tranh cổ động treo la liệt trong thành phố này đều kém xa bức tranh tường kia, xét về phương diện nghệ thuật. Đã có lắm Tây ba-lô dừng chân tạo dáng cho bạn bè chụp ảnh lưu niệm. Nói sếp chớ bỏ bụng chứ tôi mà có chút đặc quyền thì thay vì đe nẹt làm mất hồn vía thằng đầu xanh vô tội kia, tôi sẽ vận động đề xuất tuyên dương nó, bởi vô tình mà cung văn hoá thiếu nhi có được một tác phẩm đáng đồng tiền bát gạo làm khởi sắc một tuyến đường luôn âm u buồn lặng. Nếu ta phát hiện ra cái đẹp, việc ta cần làm là trân quý bảo vệ nó.
Trường hợp danh hoạ tài không đợi tuổi vo ve thổi đến tai kẻ quyền thế. Mỹ được triệu hồi vô cung điện nguy nga lầu son gác tía có bảo vệ ôm súng ngồi thu lu trong chòi canh. Con tên chi? Tui tên Mỹ. Mỹ này là Mỹ Tho hay mỹ viện? Qua người Mỹ Tho mà vợ qua đang điều hành một thẩm mỹ viện. Nhiều tiếng cười trỗi lên. Mày chớ bảo Mỹ là đế quốc Mỹ mà mất linh nghe con. Mặt mày coi cũng sáng lạng vậy chớ má con đâu? Còn hay đã mất? Má bị tù oan kêu trời không thấu. Cạo trọc đầu như ni cô ngồi ngây dại trong trại giam. Im lặng phủ đè thôi chộn rộn. Rõ là thằng nhỏ này chả có khiếu ăn nói. Chưa khởi động chạy đã gây sự cố ùn tắc. Vậy chớ cháu có muốn đổi đời thôi đi bán vé số lam lũ? Ba người đàn ông thay phiên nói. Mà cũng có thể qua quá trình lao động của cháu, nếu tốt đẹp sẽ giúp cho người mẹ được thu ngắn thời gian cải tạo, chóng đoàn viên.
Mỹ được bố trí cho ở trong căn hộ tập thể của một cơ quan trực thuộc viện bảo tàng hay khảo cổ gì đấy. Được cơm ngày hai bữa và được phát cho chút đỉnh tiền tiêu vặt tuỳ theo buồn vui của lãnh đạo. Bước đầu, người ta giao việc quét vôi lau chùi sơn lại những nơi xét cần làm mới, cánh cổng chẳng hạn, phòng họp chẳng hạn. Việc tiếp theo họ đưa một lô ảnh trầy trụa biểu phóng lớn thật trung thực ra giấy. Đó là di ảnh của những người đã xả thân chết trên đường làm nhiệm vụ, những anh hùng, những chiếc sĩ trên các mặt trận kể cả mặt trận văn hoá tư tưởng. Chị nuôi, người lo việc củi lửa chợ búa nấu nướng trong cơ quan phát hoảng khi nhìn ngó Mỹ thao tác vẽ vời: Em giai của chị tài năng quá, những thằng thợ vẽ dựng bảng hiệu kiếm sống ngoài chợ chắc phải vòng tay trước mặt em mà thưa bẩm “Lạy bác ạ”. Này chị bồi dưỡng riêng cho em củ khoai vừa nấu chín, tối rảnh qua chỗ chị mình nói giăng nói cuội chuyện đời cho nhau nghe.
Nghe người ta gọi là cái Lan, chị ấy sở hữu một vóc vạc lắm thịt, người đẫy đà như được chào đời từ một kho lương thực chẳng khi nào vơi. Chị bảo đàn ông chúng thường một duột như nhau, đểu giả, miệng có thoa mỡ chỉ chuyên việc ngắt hoa, bội bạc. Chị sẽ bảo vệ em hướng dẫn em để mai sau chớ có lầm đường lạc lối. Chị rất muốn có một bức chân dung do chính tay em vẽ. Vẽ mấy kẻ đã khuất chán lắm, không tươi mươi không sống động em có đồng quan điểm không nào? Giờ này ngoài xã hội đảo điên kia lại rộ lên phong trào chụp ảnh nuy tự sướng. Vậy chớ Mỹ của chị có biết nuy là cái chi chi? Là khoả thân là đồi truỵ người không manh áo đấy. Này nghe chị hỏi, hãy thành tâm khai báo, em đã thấy qua cảnh một người con gái trần truồng chưa? Lãnh đạo thường nói, nhỡ phát hiện ra cái đẹp thì ta buộc phải trân quý giữ gìn. Chị rất muốn Mỹ trân quý gìn giữ chị.
Lãnh đạo cũng có lời bàn: Cây kim nằm lâu trong túi cũng có khi trồi đầu ra. Quan hệ bất chính giũa đồng chí Lan với đứa vị thành niên tên Mỹ thì chúng ta chẳng thể vị tình mà khoan nhượng. Chuyên thì có mà hồng thì bù trất, con người đạo đức là thứ mà chúng ta luôn đề cao. Chuyện đồi truỵ phạm sai lầm này cần phải kiểm thảo.
Mỹ bị đuổi, tống khứ về lại đời dân dã bần cùng. Nhờ văn bản luật pháp quy định ở độ tuổi vị thành niên nên đương sự nghe lời rù quến của đứa trưởng thành để ngây thơ ăn mắm ăn muối. Tuy có hoa tay nhưng tay kia lỡ nhúng chàm thì hạ tầng không dung thượng tầng không tha.
Mỹ đi một lèo chẳng màng số phận định đoạt cái Lan, người tròn như hột mít và da thịt thơm như múi mít. Hắn dọ tìm ra nơi giam giữ mẹ hắn, vượt qua gian khó, cắc củm dành dụm được số tiền mua ít thực phẩm mang vào thăm nuôi. Má. Hắn nói, vỏn vẹn được một chữ, nước mắt trào ra. Người đàn bà già nua ốm yếu kia lại là mẹ mình sao? Bao năm cách biệt và khoảng phân ly trùng trùng kia đã tàn phá biết bao điều nằm ngoài dự tưởng mà sách vở gọi “nằm mộng cũng không ngờ”.
Mẹ vào đây tối ngày dằn vặt chỉ một điều, đấy là mẹ không đáng mang cái mỹ từ ấy. Từ lúc sinh ra con cho tới giờ đây, trước sau mẹ là kẻ mang tội với con. Không một người mẹ nào vô trách nhiệm tựa mẹ cả. Muốn nguôi ngoai mẹ chỉ biết vin vào chữ số phận, số phận buộc chúng ta phải làm con dân xứ này. Mỹ hãy bình tâm kể cho mẹ nghe những ngày lớn lên thiếu mặt mẹ bên lưng. Con làm nghề gì để sống qua? Tiền bạc đâu để con mua sắm những thứ này mà bới xách cho mẹ? Mỹ kể, chi ly, không dấu diếm kể cả việc hắn không còn là đứa trai tân, hắn yếu lòng nhắm mắt cho ma đưa lối quỷ dẫn đường về vùng đất mà người ta gọi là hoan lạc. Và chấm dứt bằng một hệ quả…
Trong cái rủi có cái may. Người đàn bà nói. Mẹ mừng cho Mỹ đã thoát ra được cái công việc nọ. Hãy làm một người tự do, một nghề mình tự lựa chọn. Chớ dính dáng tới cái guồng máy kia, hãy đứng bên lề, có vậy con người mình mới thôi bị nhiễm độc, thôi bạo lực, thôi vô cảm, thôi sử dụng ngôn ngữ của loài chim két.
Họ ôm nhau và họ hiểu thiên thu ở thời điểm này mà khoảnh khắc là thời điểm kia. Cán bộ trại giam thông báo đã hết giờ thăm. Người mẹ đưa bàn tay run lên sờ lấy khuôn mặt cậu con trai, thực sự thì hắn đã lớn đã trưởng thành, đã mọc râu tua tủa trên môi dưới cằm và yết hầu thì lộ ra trái cấm quá lớn nuốt cả đời không trôi, giọng bể tiếng và giọng vẫn nghẹn ngào, rất con trẻ: Mẹ, con hứa lần sau lên thăm sẽ kể cho mẹ nghe những chuyện vui hơn.
Cánh cổng đóng lại, kiên cố, khó vượt thoát. Không riêng ở trại giam, con đường độc đạo từ đây xuôi đổ về thành phố cũng mọc ra vô vàn những cánh cổng, chẳng tượng hình nhưng muốn đi qua, anh phải để lại một hư hao một trầy trụa ở đàng sau. Và anh đau đớn để nhận biết rằng, có những con sông suốt đời không tài nào trôi thân ra biển rộng. Sông dật dờ, sông dùng dằng, sông hư hao, sông cạn kiệt cho tới hồi lộ rõ sự xấu xa của rong rêu của củi mục của những vật thể mà loài người ném xuống muốn phi tang.
Hồ Đình Nghiêm
Đã xem 489 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments