Tính tôi thích công bằng. Nói thế chắc quí vị cho rằng tôi nói huề vốn. Ai lại không thích công bằng. Không hẳn như vậy. Vì cái thích của tôi nó cực đoan. Hễ tôi thấy cái gì không công bằng là chịu không nổi, nhất là điều đó do chính tôi làm nữa thì tôi cho như là tội ác, lương tâm cắn rứt mãi không thôi, chừng nào tôi sửa chữa được thì mới yên. Cho nên câu chuyện tôi sắp viết ra hầu quí vị đây, dù rằng tôi có quyền hư cấu chút ít – quyền của người sáng tạo mà, như Thượng đế vậy! Thì tôi cũng muốn hỏi qua ý kiến của quí vị cho có sự công bằng. “Nếu quí vị đang ăn mà có người đến hất đồ ăn của quí vị đi, hơn nữa món ăn đó rất ngon, quí, lâu lắm, khó khăn lắm quí vị mới được thưởng thức, mà lại trong trường hợp quí vị không làm gì được người đó cả, còn sợ hãi hắn nữa, thì quí vị nghĩ sao, và làm gì. Quí vị nào nóng tính chắc sẽ trả lời “quyết ăn thua đủ”. Vị nào trầm tĩnh thì sẽ dùng lời hơn lẽ thiệt để thuyết giảng một bài học “luân lý đạo đức Giáo khoa thư”, cho kẻ mất dạy kia ăn năn hối cải. Xin thưa, cả hai vị đều . . . thua hết. Quí vị trả lời đều sai hết. Như vậy là quí vị không trả lời được, đúng không. Có lẽ quí vị nghĩ rằng tôi muốn làm khó quí vị chăng ? Tôi xin thề trên đầu các con tôi là tôi không hề có ý đó. Tôi chỉ muốn có sự công bằng trong chuyện này thôi. Để sau đây, khi tôi kể hầu quí vị câu chuyện, như tôi đã nói, có hư cấu chút đỉnh thì quí vị mới thấy chỗ khó đoán của nó, quí vị có suy nghĩ nát óc cũng không tìm ra lời đáp. Quí vị thấy rằng, không đoán nỗi là hợp lý, không cho rằng tôi đã làm khó quí vị, tôi không . . . công bằng!
Những năm 80 . . . Rượu làm bằng cồn y tế pha nước lã hay nấu bằng mì lát, rĩ đường, mùi vị rất lợm, nhưng tôi và bạn bè vẫn uống. Uống như một hành vi tự sát. Sáng uống xong ly cà phê bắp rang, khoảng mười giờ là bắt đầu cử rượu, thường là kéo dài tới tận khuya.
Một lần, sau khi đã uống thứ rượu lợm giọng, về nhà trong cơn hưng phấn tôi ngỏ ý muốn gần vợ. Vợ tôi cả ngày ngồi chợ bán rau, ăn uống thiếu thốn, lại cho con bú, sức khỏe suy giảm không ham muốn gì, nhưng thương chồng nên cũng chìu.
“Có tiếng chó sủa trong xóm”. Đang cởi áo, nàng nhìn tôi lo lắng thì thầm.
“Anh có nghe, nhưng chắc không phải phường đội đâu”. Tôi trấn an vợ. “Họ mới xét hộ khẩu đêm hôm kia đây mà”.
. . .
Cộc! Cộc! Cộc! Giọng đàn ông hét to:
“Mở cửa! Mở cửa! Xét hộ khẩu!”
Đang ôm riết tôi, vòng tay vợ tôi lỏng ra, dợm ngồi dậy. Giọng nàng như khóc.
“Em nghi là họ mà . . . Thấy chưa. Đã bảo có tiếng chó sủa . . . không nghe”
Cơn hưng phấn đang lúc cao độ, tôi vẫn ghì lấy vợ.
“Thôi! Thôi! Anh ơi!” Giọng vợ tôi van xin.Tôi vẫn không buông. Nàng lật người sang bên, cố đẩy tôi ra.
“Cộc! Cộc! Cộc! Mở cửa! Xét hộ khẩu!
Tôi tức tối xô vợ ra. Những giọt sống bắn tung tóe lên người nàng.
Mặt vợ tôi xanh xám, lẫy bẫy mặc áo quần.
“ Có người đây! Xin chờ chút xíu” . Tôi vội lên tiếng.
Mặc chiếc quần đùi, mình trần tôi chạy chân không ra mở cửa.
Gả đội trưởng phường đội thảng thốt nhìn vẻ mặt thất thần và đầu tóc bù rối của tôi.
“ Cho xét sổ hộ khẩu”
Tôi run tay trình giấy tạm trú.
“Giấy này đã hết hạn lâu rồi. Anh đừng ngoan cố. Mai lên phường làm việc”.Vừa nói anh ta vừa xếp tờ tạm trú bỏ vào túi áo, quay lưng đi.
“Xin anh làm ơn”. Tôi chạy theo năn nỉ, nhưng cả đám đã ra khỏi nhà.
Vợ tôi ôm mặt khóc.
“Lần này họ quyết tâm đuổi mình đi kinh tế mới rồi đó anh. Không có giấy tạm trú thì làm sao ở thành phố được đây!”
Căn phòng chúng tôi thuê nhỏ chút xíu, ở hai vợ chồng , ba đứa con. Nhưng căn nhà của người vượt biên, nhà nước quản lý, tôi thuê ở tạm mà thôi. Có cô giáo thuộc diện công nhân viên được cấp nhà mà phường không tìm ra. Cô giáo tỏ ra biết điều với ông Phường trưởng, nay quà mai cáp. Ông nhắm tới lui chỉ có gia đình tôi là ngụy quân cải tạo về, thuộc diện đi kinh tế mới có thể xúc được, nên gây áp lực, xét hộ khẩu liên tục.
Tôi nhìn dáng ủ rũ của vợ mà thương. Nhưng trí lại vẩn vơ nghĩ đến lần ân ái dang dở.“Ăn uống thiếu thốn, phải mất nhiều thời gian mới gom được chút giọt sống, vậy mà cũng không đến được nơi cần đến, vun vảy, phí quá!”
Tôi đến bên vợ, ôm ghì đầu nàng sát vào ngực. Nàng khóc nấc lên.
“Thôi em à. Còn nước còn tát. Mai anh lên phường lựa lời năn nỉ họ. Nhờ anh Thành – bạn học làm chánh quyền thành phố – nói giùm một tiếng”.
Vợ tôi choàng tay ôm riết ngang lưng chồng.
“Tội nghiệp mình. Lâu lắm em mới chìu mình. Vậy mà . . . lại bị xét hộ khẩu!”
Câu chuyện nhạt nhẽo! Đúng vậy. Nhưng đến đây thì quí vị có thấy , việc quí vị “ăn thua đủ” hay “giảng Quốc văn giáo khoa thư” cho người phá đám đều vô ích, hay không thể làm được. Nói trắng ra là quí vị không dám làm gì sất. Có phải vậy không. Và quí vị bị thua vì không đoán được là công bằng đấy chứ. Có vị nào còn chịu không nỗi không, muốn làm Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” hay tức ói máu không. Nếu không thì chỉ còn nước vượt biên hay tự tử mà thôi .
Kinh Dương Vương – 3/2004
Đã xem 572 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments