Borey ngồi ở góc nửa tối nửa sáng phía trái quán ba, chiều nay buồn rầu lắm. Trên khuôn mặt anh thoáng một chút man mác buồn qua đôi mắt nâu sẫm và khóe miệng trễ xuống như muốn thổ lộ điều gì. Đôi mắt Borey đăm đăm nhìn ra phía góc tối trên trần nhà rồi như mỏi mệt lại nhìn xuống đất nơi có dãy ghế cao cạnh quầy rượu. Cái nhìn lên hay xuống này thực ra là nhìn vào chứ không phải nhìn ra. Nhìn vào tâm hồn.
Cô gái phục vụ tóc nâu đến gần người đàn ông khoảng năm mươi ấy hỏi đến hai lần, “Anh có muốn thứ gì khác hơn rượu hay không?” Dù ly Scoth đã vơi quá nửa, đôi mắt anh ta vẫn nhìn vào một thế giới khác hơn cái không gian trước mắt với tiếng ồn và mùi rượu lẫn mồ hôi nồng nặc. Cô gái không buồn hỏi tiếp sau khi chờ năm giây, đã bỏ đi.
Borey đặt tay phải lên bàn đụng ly rượu bèn nâng lên uống cạn phần nửa ly cuối. Rượu vào cổ mát lạnh và lúc này anh ngửi thấy mùi thơm của rượu. Borey nhớ lại buổi chiều thứ hai tuần trước đi uống với Trung ở quán này. Trung đi về miền Đông hôm qua. Bóng dáng người bạn cùng làm việc với nhau năm năm và từng chia sẻ vài lần công tác xa chập chờn trong trí Borey. Khuôn mặt đầy đặn và luôn cười nhưng lời nói tuôn ra thường mâu thuẫn với nét mặt, Trung vẫn hay cười lúc có chuyện không vui. Nhớ đến đấy Borey đưa tay lên vuốt hai nếp nhăn sâu hai bên cánh mũi, rồi xuống hai bên khóe miệng và tự hỏi, “Hôm nay mình có giống như Trung mỗi khi có chuyện không vui lại cười hay không?”
Cô gái lại đến gần hỏi, “Anh có cần rượu nữa hay không?” sau khi thấy chiếc ly trước mặt Borey đã cạn và khuôn mặt đã có chút hồi sinh của anh. Borey gật đầu. Cô gái lại tiếp, “Anh có cần em ngồi với anh?” Borey lắc đầu nói, “Anh đang có chuyện buồn, muốn ngồi một mình.” Cô gái nhìn anh lắc đầu không nói gì rồi mang chiếc ly đã cạn về quầy. Chừng hai phút sau cô ta trở lại với ly rượu mới. Đặt ly rượu trên bàn, cô gái nói, “Nửa giờ trước anh buồn nhưng bây giờ anh có vẻ vui, phải không?” Borey nhìn cô gái hỏi lại, “Thật vậy à, anh đang rất buồn. Em thấy khuôn mặt anh vui hay sao?” “Đúng như thế!” Cô gái trả lời và cám ơn vì vừa nhận từ tay Borey tám đồng tiền rượu cùng năm đồng tiền tip. Khi cô quay lưng trở về quầy, Borey lại bảo, “Em có thể đến ngồi với anh.” Cô gái gật đầu.
Connie ngồi uống với Borey một ly coctail rượu hồi. Trái với vẻ vồn vã ban đầu, Borey khá ít nói. Chỉ hỏi tên cô và vài lời chào hỏi lịch sự sau đó cứ một câu hỏi, anh lại quay đi nhìn ra cửa sổ. “Anh đang chờ ai hay sao?” Borey lắc đầu. Nhìn bàn tay không đeo nhẫn của anh, cô hỏi, “Anh mới ly dị?” “Sao em biết?” Connie không trả lời thẳng lại bảo, “Em cũng ly dị nên hiểu phần nào tâm trạng của anh bây giờ.”
Hai người tiếp tục nói chuyện nhát gừng, rồi Connie mang cho Borey ly rượu thứ ba. Lần này cô cũng được tip năm đồng. Uống được hai hớp, Borey đặt tay anh lên tay Connie. Cô rút bàn tay ra khỏi rồi đặt nó trước mặt mình như để kiểm soát. Thấy mặt anh thẫn thờ tự dưng Connie thương hại bèn nói với anh, “Anh có thể tìm bạn gái kia mà, buồn làm gì!” Borey lại lắc đầu không nói gì cả rồi đưa tay lên vuốt mái tóc muối tiêu của mình. Im lặng một lúc, Borey hỏi, “Em ly dị lâu chưa?”, Connie lặng lẽ trả lời, “Bốn năm. Anh thế nào?” “Chỉ mới hôm qua.” Borey trả lời và nhớ đến chiếc nhẫn anh bóp bẹp dí nhét vào chai Jameson tối hôm trước. “Em chia buồn với anh”. Borey lắc đầu:
“Anh buồn nhưng anh chịu đựng được kia mà!” “Anh có con hay không?”
“Không.”
“Anh sống với vợ anh được bao lâu?” “Mười lăm năm.”
“Anh buồn là phải, phải chịu cô đơn trong khi từng có người nằm bên cạnh đến mười lăm năm.”
Borey không nói gì trong khi Connie ngạc nhiên vì với cô sống với nhau trên mười năm là một việc rất kinh khủng, nhưng cô không biết diễn tả cái kinh khủng ấy như thế nào. Nghĩ đến đó cô bỗng nhiên tự nghĩ ngược lại, “Không chừng vì quá lâu nên phải ly dị.” Và rồi sau đó cô lại nghĩ mình không đúng. Connie hỏi:
“Anh hẳn yêu vợ vô cùng?”
“Sao em nghĩ như vậy?”
“Vì hai người không có con mà có thể sống với nhau ngần ấy năm.”
“Không thật như thế.”
Connie không hiểu Borey nghĩ gì khi nói như vậy, nhưng với cô ly dị xong có thể thở dài nhẹ nhõm. Cô đã hưởng thụ được cảm giác ấy. Cô nói, “Anh sẽ quen và sẽ vui với những ngày tự do sắp tới. Hoan hô tự do!” Borey cười nắm lấy tay Connie, “Cám ơn em, anh về đây!”
Borey bước ra cửa đã năm giờ chiều. Anh dừng lại khi thấy Connie vội đến bên đưa cho anh tấm giấy nhỏ bảo, “Số điện thoại, khi nào anh buồn thì gọi cho em.” Borey nhìn theo Connie đang bước về quầy rượu, mái tóc màu hạt dẻ và đôi mông dưới váy của cô đung đưa theo nhịp bước chân. Anh cất tờ giấy vào túi quần rồi lên xe lái về phía bờ biển Redondo. Trong khi lái xe, anh đoán chừng Connie ba mươi hai tuổi.
Nắng chiều tràn lên con đường số 1 dọc theo bờ biển khiến không khí trở nên rực rỡ man dại. Borey nghĩ đến mùa hè và tuổi trẻ xa xôi hui hút của mình. Biển và mùa hè gắn liền với tuổi trẻ. Mandy và anh yêu nhau vào một ngày hè xa xưa. Tháng tám này sẽ đúng mười sáu năm. Anh lẩm bẩm và cho rằng mình sẽ nói với Mandy nếu hai người không ly hôn. Lúc ấy họ sẽ ăn tối dưới hai ngọn nến và sau khi uống hết chai wine hai người sẽ nhảy với nhau điệu samba như ngày mới quen mười tám năm về trước cũng tại bờ biển này.
Borey đậu xe vào bãi. Anh có ý định xuống bờ biển. Ban đầu anh nghĩ mình muốn gợi lại một kỷ niệm, vừa tỏ ý tự quan sát sự cô đơn và tình trạng độc thân có thể tạo một cảm giác mới mẻ gì không. Nhưng bây giờ Borey lại cảm thấy khát nước cũng như một chút váng vất trong đầu. Kế tiếp là cảm giác đói rồi hình dung bữa tối ngồi ăn với Mandy, sau đó hai người cùng lên phòng khách nghe nhạc, xem phim. Buổi tối sẽ kéo dài thêm nếu hai người làm tình với nhau. Đấy là hạnh phúc. Đơn giản và yên ả. Điều này đã xảy ra trong mười lăm năm.
Borey mua chai nước, đứng trên hành lang bãi biển vừa uống vừa nhìn chiều xuống. Chiều rất lạ lẫm. “Thường những buổi chiều giống nhau, nhưng riêng buổi chiều hôm nay sao lạ lẫm!” Có gì đó trong màu nắng chói chang còn sót lại trước khi chìm xuống chân trời, hình như là trách móc và thương tiếc. Tình cảm là thứ mình luôn trân trọng, nhưng không phải vì trân trọng mà nó mãi mãi không thay đổi. Borey trách mình đã để Mandy ra đi. Vì cô ấy muốn. Mười lăm năm có thể là thiên đường nhưng cũng có thể một sớm một chiều thành địa ngục. Rồi anh tự hỏi, “Địa ngục có đến với riêng ta hay không?”
Uống hết chai nước, Borey thấy dễ chịu và lúc này mới cảm thấy gió mát. Gió từ biển xô vào từng đợt nhẹ nhưng thật mát mẻ, làm khô đi những hạt mồ hôi trên trán anh. “Giá chi chúng ta có con.” Điều ấy nhiều lần hai người thường nói với nhau trong năm năm sau cùng. Borey theo những bậc tam cấp bằng đá đi xuống bờ cát. Anh cởi giày ra cầm trên tay, đi chân đất lội vào mép nước. Những con sóng không ngừng vỗ vào bờ và rút đi ra xa. Borey có cảm tưởng nước rút cả những vui vẻ trong lòng anh dìm sâu xuống biển trong khi dưới chân cát cũng muốn chạy theo con sóng làm hụt chân anh. Anh nhìn lại dấu chân gần nhất vừa bị nước tràn lên xóa đi mất.
Borey quay đầu nhìn lên bờ núi đá cao ven bờ biển hình vòng cung. Bầu trời xanh trong vắt. Rất nhiều hoa giấy trắng phủ che phía trên mái những căn nhà ven đường. Chân tường hình cong theo bờ núi và người ta trồng trên ấy nhiều hoa diên vĩ màu xanh biếc trên ấy. Nắng chiều thả ánh sáng lên đá bờ núi lấp lánh hoa trắng, xanh khiến nó trông rực rỡ như một vòng hoa ngày lễ. Dọc con đường uốn cong xe chạy dập dìu. Nhưng sự chuyển động dường như chậm lại. Mọi thứ đều chậm rãi diễn ra trước mắt Borey, anh phân vân nghĩ kỷ niệm là một khúc phim, nó đang diễn ra không chỉ trước mắt mà còn trong tâm hồn.
*
Mandy ngồi trầm ngâm rất lâu trước tấm kính bàn trang điểm. Khuôn mặt cô dàu dàu, không hề có chút nét tươi vui dù hôm nay là ngày sinh nhật của cô. Borey sẽ đón cô đi đến một nhà hàng ven biển mừng sinh nhật. Cô nhớ không rõ khi nào, cô luôn ôn lại những kỷ niệm với Borey mỗi khi ngồi vào bàn trang điểm. Cô lại nhớ thái độ của anh kèm theo cử chỉ có gì đó mất mát dù Mandy không biết mất mát cái gì. Sự yêu thương vẫn còn đó và cần thiết nhưng nếu nó lập đi lập lại mãi có làm cho cô buồn chán hay không? Tình yêu thực sự không hề buồn chán, sự buồn chán xảy ra chỉ vì nó không phải là tình yêu mà chỉ là những cảm nhận lập đi lập lại nhiều lần trên cùng một khung cảnh. Khung cảnh này không khác một sân khấu mà kịch bản chỉ có một nhưng lại được trình diễn nhiều lần. Mandy nghĩ như thế.
Bàn tay của Borey đặt lên tay và thân thể cô. Nụ hôn của anh mỗi chiều và mỗi sáng. Cho tới những năm gần đây Mandy cố nhớ lại nụ hôn của Borey trong kỳ nghỉ hè sau khi anh tốt nghiệp đại học. Nụ hôn ngày xưa là cơn bão tố, còn bây giờ không khác cơn gió đi qua cửa sổ. Có sự khác biệt và cảm giác của cô cảm nhận bàn tay chồng dường như lạnh lẽo hơn. Càng về sau càng lạnh lẽo đến độ cô lo sợ. Tỏ bày với Borey điều đó, anh đưa bàn tay áp lên mặt của mình rồi cười nói, “Em chỉ tưởng tượng, bàn tay anh vẫn ấm áp như trước kia.” Khi nói điều đó Borey ngầm bảo với vợ, “Không có gì thay đổi với hai chúng ta.”
Borey nói với vợ khi cô biểu lộ thường xuyên cảm giác lạ lẫm của mình đối với anh:
“Hay là em nên kiếm công việc gì làm hơn là ngồi suy nghĩ mãi điều không đúng.”
Mandy lắc đầu bảo:
“Anh không hiểu em. Em sẽ tìm một công việc gì đó để làm nhưng là để quên đi nỗi lo sợ một sự thật.”
“Anh không tin những điều em nghĩ về chính anh là sự thật.”
Borey chỉ nói như thế, anh luôn cho mình phán đoán đúng. Là một chuyên viên thiết kế của một công ty đấu thầu cầu đường, Mandy bỏ việc đã gần năm năm, khoảng thời gian trống trải ấy đủ làm cho cô lệch lạc tinh thần. Anh nghĩ điều này xảy ra thường xuyên cho những kẻ không tìm thấy chút gì hứng thú trong công việc nội trợ. Borey khuyên Mandy nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Nhưng thay vì đi bác sĩ, Mandy về nhà mẹ cô mười ngày. Hình như sau khi trở về, Mandy trở thành con người khác. Không hề dễ chịu hơn mà tâm tính thay đổi vì những lời khuyên thực tiễn của mẹ. Borey bấy giờ bảo, “Mẹ em không phải là bác sĩ, những gì bà khuyên em chỉ làm chúng ta rối trí hơn. Em nên thực sự đi đến một bác sĩ tâm lý.” Nói lên điều đó, Borey nghĩ đến bà mẹ vợ đã sống một mình hơn hai mươi lăm năm sau khi ly hôn. Mandy lắc đầu, “Em không có bệnh gì, tinh thần em rất tốt. Em đã lo cho anh đầy đủ mỗi khi anh đi làm về kia mà!” Cô sinh hoạt, chuyện trò, ăn uống với Borey một cách tự nhiên như không có gì xảy ra. Trừ đôi tay của Borey vẫn lạnh lẽo dưới cảm giác của cô.
Một lần mẹ Mandy hỏi cô, “Borey có bạn hay không?” Nàng gật đầu và trả lời mẹ là Borey rất thân với Trung, người bạn Á Châu. “Anh ta có thường đến nhà?” “Thỉnh thoảng.” Mandy nhớ đến Trung, cô nhận thấy người đàn ông này rất lịch sự cũng như vui vẻ trong mọi tình huống. Trung là biểu mẫu của một người Mỹ chính tông nếu không nhìn qua ngoại hình chủng tộc thì có lẽ không ai nghi ngờ anh là một di dân nhập cư. Trung và Borey làm cùng một ban của công ty. Hai người kết thân mau chóng sau vài lần đi uống bia với nhau. Khi Borey mang Trung về nhà lần đầu tiên, Mandy không hề cảm giác gì ngoài sự khâm phục tính khôi hài và trí thông minh của Trung. Trên tai trái của Trung có mang một chiếc khoen bạc, mái tóc đen dài túm lại như chiếc đuôi ngựa phất phơ trên cổ áo trắng khiến Trung có nét trẻ trung hơn tuổi thật. Lần thứ hai đến nhà, Trung mua cho hai vợ chồng Borey một chiếc giá để giày, Trung bảo với Mandy:
“Tôi thấy ông bà giày nhiều nhưng không có cái giá. Có lẽ hai người quá bận, không có thì giờ để đi mua cái này. Hôm qua đi chơi thấy quá rẻ nên tôi mua.”
“Cám ơn anh, anh hiểu chúng tôi cần nó, còn Borey và tôi lại quên đi việc này dù mỗi lần đi làm về đều nhận ra phải đi mua cái giá để giày. Anh để chúng tôi trả lại tiền nhé?”
“Không thành vấn đề đâu. Tôi chỉ xin anh chị cho tôi chai bia là đủ.”
Mandy cười trong khi Borey lấy chai bia đưa cho Trung, hai người ra ngồi ngoài patio vừa uống bia vừa nói chuyện. Khi Trung ra về thì ít nhất họ đã uống sáu chai bia. Mandy lấy làm lạ là tại sao Borey có thể gắn bó với người bạn Á Châu này như thế. Cô thấy suốt những năm sống chung với nhau, Borey không có đến một người bạn đáng gọi là thân thiết. Borey chỉ có những người quen biết hơn là những người bạn. Dù Borey vui vẻ dễ mến nhưng cái dễ mến ấy chỉ có thể làm người ta tin cậy mà không thể gần gũi lâu dài. Những người bạn của Mandy rất thân mật với cô nhưng lại khá e ngại khi gần Borey. Borey có thể nói cười đấy nhưng chỉ một lúc sau anh trở nên trang nghiêm làm họ tự hỏi rằng mình có làm gì phật ý anh ta hay không. Thái độ ấy khiến Borey không có bạn cho đến khi gặp Trung. Trung dường như hiểu sự thiếu sót nơi Borey và anh ta có bổn phận trám vào những lỗ hổng ấy. Mandy nghe hai người kể cho nhau nghe về những nơi có các món ăn ngon rất hợp để uống rượu bia trên thế giới, thỉnh thoảng cô còn nghe Trung dạy cho Borey những câu chào hỏi sức khỏe thông dụng hay những câu tiếng lóng tương đương được dịch ra tiếng Việt Nam từ tiếng Mỹ.
Có lần Mandy hỏi chồng, “Em lấy làm lạ là anh có thể thân Trung đến như thế. Trung là một người Á Châu kia mà!” Nghe vợ nói, Borey lắc đầu nhiều lần, cử chỉ phản đối sự kỳ thị:
“Trung làm cho anh nhớ đến Carey, em của anh. Carey mất năm mười ba tuổi vì bị gấu tấn công lúc gia đình anh còn ở Idaho. Lúc ấy anh mười sáu tuổi, đang tham dự trại hè ở New York.”
“Ồ, em xin lỗi! Em có biết chuyện ấy do mẹ anh kể nhưng không rõ chi tiết. Mà Trung sao lại giống Carey được trong khi Trung là người da vàng?”
“Anh không nói ngoại hình. Anh muốn nói cử chỉ, thái độ của Trung làm anh nhớ đến Carey. Anh rất yêu Carey và Carey cũng thế. Sau kỳ nghỉ hè, anh lén lấy cây shotgun của cha anh đi vào rừng tìm giết con gấu đã cắn gãy chân trái của Carey khiến nó chết vì nhiễm trùng.”
“Thế anh có giết được con gấu hay không?”
“Anh có hạ một con nhưng không biết có phải con gấu ấy hay không vì đàn gấu xám ở Idaho đến cả chục nghìn con. Anh bị cảnh sát tịch thu súng, nhốt vào trại giam ba ngày và suýt ra tòa vì tội vi phạm luật săn bắn nếu lúc ấy anh đủ mười tám tuổi.”
Borey nhớ lại đứa em trai bất hạnh của mình. Dáng đi và một số cử chỉ của Trung giống Carey lắm. Khi Carey vui, nó nhảy lên xuống các bậc tam cấp nhà, hai tay đưa lên trời rồi hạ nhanh xuống biến thành một cú đánh móc của boxing. Trung cũng thế, đã biểu lộ không khác Carey trên bậc tam cấp nhà Borey khiến anh lần đầu tiên nhìn thấy hết sức ngạc nhiên. Trung thật dễ thương, Borey nghĩ như vậy rồi bùi ngùi với những hình ảnh thoáng qua của Carey ngày hai người còn bé.
Trung lâu lâu lại mang một món thức ăn do mẹ nấu những khi bà sang Nam California thăm đến nhà Borey; đặc biệt, Mandy rất thích món thịt tôm nướng trên những thanh mía ăn với salad. Nói chung, Trung đem đến niềm vui cho gia đình Borey – Mandy vốn đã lâu thiếu vắng tiếng cười nói rôm rả. Mandy còn học từ Trung cách làm chả giò của người Việt Nam. Trung biết nấu hầu hết những món ăn chính yếu của người Việt. Anh ta bảo:
“Mẹ tôi nấu ăn giỏi và biến tôi thành kẻ kén ăn. Những năm học đại học tôi thường gọi điện thoại hỏi mẹ về cách thức nấu ăn sau đó tự nấu để thưởng thức. Tôi thích thức ăn Mỹ nhưng không bao giờ quên những món ăn quê hương do mẹ tôi nấu từ bé.”
Trung ba mươi sáu tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Có lần Mandy hỏi việc lấy vợ, Trung hóm hỉnh:
“Tôi thích tự do và quan niệm gia đình là thứ làm tôi mất tự do. Tôi có bạn gái và chắc chắn những cô bạn gái của tôi không bao giờ gợi ý việc đánh mất tự do ấy cho cả tôi và cô ấy.” Rồi Trung còn nói thêm:
“Tình bạn cho tôi ý nghĩa lớn lao hơn tình yêu!” Borey lúc nghe Trung nói thế bèn nói với Mandy:
“Em biết không, Trung quan niệm giống thanh niên ngày nay nhưng ý nghĩa của tự do nào phải không lập gia đình là được tự do đâu. Anh nghĩ, Trung thuần túy cho rằng hôn nhân là thứ ràng buộc mà ràng buộc đi ngược với tự do.” Borey cũng có triết lý của riêng anh ấy, Mandy luôn nghĩ về chồng mình như vậy.
Theo Borey, cuộc sống và cuộc đời gắn bó với nhau. Ở mỗi cuộc sống biểu hiện cho một cuộc đời. Cuộc đời là cả một sinh mệnh hay có thể nói là định mệnh nhưng cuộc sống là cái tồn tại, cái đang diễn ra; thế nên, khi Borey lên đại học anh chỉ nghĩ đến cuộc sống. Tuổi trẻ của anh là những năm tháng chiêm ngưỡng cuộc sống để khám phá ra những gì mình cần cho cuộc sống ấy. Chính mỗi người sẽ không bao giờ cảm thấy mình đủ cho một cuộc đời hay cho một số mệnh nên cần phải có chia sẻ và bù đắp. Kẻ bù đắp và chia sẻ ấy đối với Borey là Mandy, một cuộc đời khác nhưng có thể có chung một dòng sống với anh. Tình yêu là điều hiển nhiên cho từng số phận mà kết quả của tình yêu thường là hôn nhân; và hạnh phúc trong hôn nhân thường là kết quả của tình yêu.
Mandy nhớ Borey đặt tay anh lên tay cô một buổi trưa tại quán ăn trong trường và nói yêu cô. Cử chỉ ấy ngoài việc mang tính bảo vệ, che chở còn có ý nghĩa kêu gọi cô đến chia sẻ buồn vui với anh. Từ đó, Mandy luôn cho rằng mình không thể thiếu vắng một ngày sự ôm ấp vỗ về của đôi bàn tay Borey ngay những năm tháng yêu nhau lúc còn học với nhau trong trường đại học. Đến khi lấy nhau, Mandy lại thấy bàn tay của chồng là điều không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Có lần Mandy tò mò hỏi Borey về cử chỉ ấy của anh có từ khi nào, Borey bảo:
“Lúc năm tuổi anh sợ chuột. Gia đình anh ở Idaho, sống ven một bìa rừng. Có rất nhiều nai, thỏ và chồn chạy sau lưng nhà anh. Anh thích những con vật này nhưng lại sợ chuột vì chuột thường đào hang chạy vào nhà. Cha anh làm việc trong ngành đường sắt thường phải vắng nhà. Buổi tối chuột vào nhà leo lên mái đùa giỡn. Chuột rất to, con mèo Dora không những bất lực mà còn tỏ ra sợ hãi những con chuột này. Đêm anh giật mình vì nghe tiếng chuột nên không ngủ được. Mẹ anh sang phòng ngủ với anh. Bà luôn đặt tay lên tay anh. Khi ấy anh cảm giác chuột chạy vào rừng và ngủ ngon trong bàn tay của mẹ. Từ đó, lớn lên anh có thói quen này và cảm giác được bình yên, tin tưởng vào người mình yêu thương. Vì thế, anh thích đặt tay anh lên tay em. Em có hiểu không?”
“Em hiểu và trân trọng cử chỉ này. Em bao giờ cũng thấy ấm áp trong bàn tay của anh!”
Những khi Borey vắng nhà, Mandy ngồi sau vườn nhìn mây bay qua những ngọn cây palm, cô thấy mùa hè từng năm đi qua sự trống vắng của mình. Cùng lúc ấy, cô chợt nghĩ đến giây phút bàn tay ấm áp của Borey đặt lên tay mình, Mandy không còn thấy sợ hãi sự cô độc thường xuyên nữa. Nhiều lần, Mandy muốn đi làm việc trở lại nhưng không kiếm ra được việc làm cho mình vì không ai thuê. Cô đã nghỉ quá lâu lại không có cơ hội cập nhật chuyên môn nghề nghiệp của mình. Thấy Mandy buồn bã thường xuyên, Borey khuyên:
“Hay em hãy đến trường nếu em thấy buồn chán. Em có thể tìm một lớp học nào đó để tiêu khiển. Đất nước này không khoan thứ buồn chán vì buồn chán lúc nào cũng làm xã hội ù lì.”
“Dạ, ngày mai em sẽ đến trường.”
Mandy nghĩ Borey có lý. Bản thân cô cũng thấy cần thiết phải đi làm việc trở lại, công việc nội trợ đã không giúp cô vui vẻ những năm sau này. Mandy đến một trường đại học cộng đồng ghi danh học lớp căn bản thiết kế thời trang. Học nửa khóa, Mandy thấy mình không chọn đúng chuyên ngành. Thực ra cô không hề kém cỏi việc tiếp thu kiến thức và phác họa thời trang, chỉ là cô không thích thả đầu óc tưởng tượng của mình xa hơn trong việc phác thảo những kiểu mẫu. Mandy có cảm giác mình già và trí óc cằn cỗi. Cô nói với Borey, “Em muốn chúng ta đi du lịch xa. Em nghĩ, may ra chuyến đi sẽ kích thích tinh thần em trở lại.”
Họ đi Costa Rica hai tuần lễ. Suốt thời gian trên bờ biển hay dưới nước hai người lúc nào cũng bên nhau, Mandy vui nhưng vẫn không tìm được cảm giác mà cô tưởng tượng dù Borey lúc nào cũng cố làm cô hài lòng. Nằm trên bờ cát Flamingo Beach, cô nhìn bầu trời xanh như tìm một hi vọng nhưng không có gì ngoài những con hải âu đang lượn trên cao. Borey nằm bên cạnh đang nghe nhạc, uống bia trong khi lim dim đôi mắt. Anh muốn ngủ, muốn quên đi những nhọc mệt của từng ngày làm việc trong tuần. Borey thỉnh thoảng lại thấy Trung như đang cười với anh. Nhớ đến Trung, Borey có cảm giác mình vui và hưng phấn. Nhìn sang Mandy, Borey nghĩ thầm, tại sao cô ấy lại có thể kéo dài mãi tình trạng bấp bênh tinh thần như thế. Đặt tay mình lên tay Mandy, Borey hỏi:
“Em có thấy nhẹ nhàng và yêu đời hơn chút nào không?” “Có chứ cưng! Em rất sung sướng khi chúng ta bên nhau như ngày xưa.”
“Anh chỉ mong em trở lại bình thường như những ngày chúng ta mới cưới nhau. Khi ấy anh không bao giờ thấy trên khuôn mặt em nét âu lo hay buồn bã.”
“Anh hỏi em nhưng anh có tự hỏi anh không? Một vấn đề nào đó nếu xuất hiện trong gia đình thường cả hai vợ chồng đều có trách nhiệm, phải không anh?”
“Đúng là như thế. Anh cũng đã tự suy xét, nhưng hình như từ lâu anh hỏi chính mình nhiều lần mà không có giải đáp nào cả. Không hề có hệ quả nếu không có nguyên nhân.”
“Em cũng hi vọng là mình sai lầm.”
Mandy nói nhưng trong lòng cô cảm thấy không yên ổn vì không thể nói hết cảm tưởng của mình dù tay cô đang nằm gọn trong bàn tay to lớn của Borey. Đêm đó Mandy không cảm thấy hết sự khoái cảm của mình khi làm tình với chồng như trước kia. Cô tự dưng khó chịu với chính bản thân mình nhưng không hiểu tại sao.
*
Borey và Trung đi công tác ở Chicago ba ngày, họ ở tại khách sạn Mariott. Buổi chiều ngày đầu tiên, sau khi ăn tối ở khách sạn hai người rủ nhau đi uống rượu. Tại quán bar Sugar, họ vừa uống Tequila vừa chuyện phiếm. Đến ly thứ ba, Borey hỏi Trung có thích tìm một cô gái nào đó tán gẫu cho vui không. Trung lắc đầu, “Mày thật là lạ,” Borey nói bâng quơ rồi chăm chú nhìn một cô gái tóc vàng đằng xa đang uống rượu một mình. Thấy cô ta nhìn lại, Borey đưa tay lên chào. Trung quay lại nhìn bảo, “Mày đến làm quen với cô ta đi, tao ngồi một mình cũng được.” Borey cầm ly rượu đến chỗ cô gái một lát quay lại chỗ Trung cùng với cô ta. Pat vui vẻ bắt tay Trung và ba người bắt đầu chuyện phiếm. Trung ít nói trong khi Borey và Pat nói cười rôm rã. Pat mặc áo hở cổ, bầu vú to rung rinh mỗi khi cô ta cười. Lúc Pat vào toilet, Trung bảo, “Mày muốn ngủ với Pat thì tao sẽ qua một phòng khác.” Borey lắc đầu, “Tao chỉ nói chuyện cho vui thôi, mày có vẻ không thích Pat?” Trung gật đầu, “Tao không ưa tóc vàng.”
Lúc họ trở về phòng thì đã hơn mười hai giờ đêm, Trung có vẻ say nằm lăn ra giường quên cả cởi giày. Borey giúp bạn rồi lên giường của mình ngủ. Lúc gần sáng Borey thức giấc, anh khám phá Trung đã qua nằm bên cạnh và đang ôm anh ngủ say. Borey cầm tay Trung đang đặt trên bụng mình đặt xuống giường thầm hỏi, “Trung có phải là gay hay không?”
Borey dậy ra bàn pha một ly café đen nóng ngồi uống trong khi Trung vẫn say ngủ. Nhìn nét mặt của Trung nghiêng trên gối, Borey nhớ đến Carey, em trai anh. Vì Trung gợi nhớ đến người em bất hạnh của mình nên Borey rất thân với Trung. Tuy nhiên, từ khi Mandy nhiều lần tra hỏi về tình bạn của anh và Trung khiến anh không khỏi không thắc mắc. Liệu có phải vì Carey mà anh có cảm giác quyến luyến Trung chứ không vì một lý do nào khác? Borey thận trọng với chính mình vì không muốn chủ quan nhưng cho rằng những trạng thái tâm lý rối rắm bất an đang có của Mandy xuất phát từ chính cô mà thôi.
Borey chợt nhớ Frank, người bạn năm hai mươi tuổi với những lần đến nhà Frank ngủ lại cuối tuần sau khi chấm dứt mùa học. Nhà của Frank trên đồi, hướng về phía mặt trời mọc. Từ cổng nhà chạy dài xuống chân đồi là rừng hoa oải hương lavender màu xanh biếc. Xa hơn nữa về phía Nam là vạt rừng phong bạt ngàn. Mùa hè, gió và nắng lấp lánh trên một không gian trải dài như vô tận về phía Đông. Frank thường nói về ngôi nhà mình như “The house of the rising sun”, biểu tượng của gã thanh niên hoang đàng lạc loài trở về từ một quá khứ nặng nề tội lỗi. Ngôi nhà của Frank lúc bấy giờ là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho cảm xúc nghệ thuật đối với những gã thanh niên đang học đại học như Borey. Frank chơi keyboard giỏi còn Borey những năm ấy lại thích hội họa. Bóng của gã thanh niên đổ dài trên nền ruộng hoa oải hương tàn tạ mùa thu là bức tranh duy nhất Borey vẽ. Bức tranh được treo lên tường trong phòng Frank phía sau cây Keyboard. Tại căn phòng ấy, Frank đã trình diễn lần đầu tiên khi chấm dứt niên học với bản blue “Bóng Đổ Dài” mà Frank viết cho mình và Borey lần say rượu hai người cùng trở về nhà năm học thứ hai trường UCSB.
Frank ốm yếu, tóc để dài, ẻo lả như con gái. Tuy giọng nói khản đặc nhưng Frank hát hay, giọng trầm buồn tha thiết. Borey và Frank chia sẻ niềm vui trên những sở thích chung của cả hai, đặc biệt về mặt nghệ thuật. Điều kỳ lạ là cả hai đều học các ngành khoa học kỹ thuật.
Một cuối tuần tại nhà Frank, Borey hỏi, “Mày đã ngủ với Lucil hay chưa?” Lucil là bạn gái của Frank, nó lắc đầu. “Tại sao?” “Tao không thích!” Frank trả lời và Borey không hề ngạc nhiên dù bấy giờ Borey đã ngủ với người bạn gái đầu tiên của mình ngay từ năm đầu đại học. Đêm ấy sau buổi khiêu vũ ở một vũ trường đến mười hai giờ khuya hai người về nhà Frank. Borey say rượu, ngủ trên giường của Frank như trước kia. Đến sáng, Borey giật mình thức giấc sợ hãi vì cảm giác có một bàn tay đang sờ soạng trên thân thể mình. Nhìn sang, Borey sợ hãi hơn nữa khi thấy Frank trần truồng, đôi mắt nhắm nghiền trong khi cố nhoài người ôm lấy Borey và bàn tay bắt đầu thao túng trên hạ thể của anh.
Borey xô Frank ra và hét lên, “Frank, mày ngưng lại ngay, Mày có bệnh hay không đó!” Frank gật đầu, đôi tay vẫn không rời thân thể Borey khiến anh nhảy ngay xuống giường, chạy ra khỏi nhà. Từ hôm đó Borey chấm dứt mối quan hệ bạn bè với Frank. Những năm về sau, Frank công khai cho mọi người biết mình là kẻ đồng tính.
Trung đã thức giấc và đang ở trong buồng tắm. Tiếng nước chảy khiến Borey chợt rùng mình. Anh không hiểu mình đã cư xử thế nào đối với Trung, tuy nhiên anh nghĩ rằng mình cần phải nói những suy nghĩ của mình với Trung. Xong vệ sinh cá nhân buổi sáng, hai người đi ăn sáng và đến nơi làm việc. Thầm quan sát Trung, Borey nhận thấy Trung vẫn bình thường. Không có dấu hiệu khác thường nào minh chứng Trung là một gay chính hiệu. Từ Trung vẫn toát nét nam tính dữ dội qua chiếc khoen tai lẫn mái tóc dài buộc đuôi ngựa. Trung dừng lại trước khi bước vào building sau khi bỡn cợt với cô gái tóc nâu đang trực tại tiền sảnh.
Hai ngày còn lại ở Chicago trôi qua rất nhanh, Borey chưa thấy dịp nào thuận tiện để đề cập đến vấn đề tế nhị ấy với Trung. Buổi tối vẫn là những đối thoại vui vẻ với những shots rượu mạnh cùng các cô gái mới quen tại bar Sugar. Lần thứ hai, Trung cho một cô gái ngồi lên đùi mình trong khi hai tay nghịch trên lưng cô ta. Bàn tay của Trung tỏ ra rất điêu luyện trong việc kích thích phụ nữ. Anh ta dựng đầu ngón tay chạy trên lưng cô gái cho đến vai và cổ, cô ta co người lại như con tôm và Trung phá lên cười. Borey gọi cho hai cô gái thêm đĩa bánh kem ngọt để uống cocktail. Đến khuya, Anita hỏi Trung có muốn cô ta về phòng với anh hay không thì Trung lắc đầu. Borey và Trung về đến khách sạn, họ ngủ một mạch đến sáng hôm sau, khi thức giấc đã tám giờ rưỡi sáng. Borey ngồi trên giường nhìn sang, Trung vẫn nằm trên giường của anh ta và đang đọc báo. Bấy giờ Borey tự nghĩ có thể anh đã lầm lẫn, Trung không có dấu hiệu nào giống Frank cả. Nghĩ vậy, Borey cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về Trung, anh mơ hồ nhìn thấy trở lại bóng dáng của Carey thuở xa xưa. Đêm cuối cùng ở Chicago, Borey nằm chiêm bao thấy con gấu xám đang gặm từng mẫu thịt trên chân Carey và anh đã dùng một chiếc rìu bửa vào đầu con gấu. Borey hét lên giật mình thức giấc. Trung ngồi trên giường Borey và đang ôm đầu anh vào lòng. Bất chợt Borey tưởng như nghe mùi nước hoa đâu đấy. Anh xô Trung ra và ngồi bật dậy, Trung cười bảo:
“Mày hét rất lớn, mày chết đi, chết đi, nhiều lần làm tao sợ hãi. Mày gặp ác mộng phải không? Có gì trong giấc mơ kinh khủng như thế?”
Borey lau mồ hôi bằng chiếc khăn tắm, trả lời:
“Chỉ là con gấu đã giết em tao. Tao dùng rìu tấn công con gấu để cứu Carey.”
Trung không hỏi thêm như đã biết câu chuyện, nhìn Borey có vẻ thương hại rồi đi vào phòng tắm thu dọn đồ đạc chuẩn bị ăn sáng để còn kịp ra phi trường trở về nhà. Suốt năm tiếng đồng hồ trên phi cơ, Borey nghĩ miên man đến mùi hương xa lạ anh nghe như toát ra từ cơ thể của Trung, rồi sau đó lại tự nhủ chỉ là nỗi ám ảnh của chính mình
*
Mandy xuống bếp mang đĩa salad lên rồi dọn ba phần ăn. Hôm nay Trung lại chơi và được mời ăn cơm tối. Borey nói với vợ mời Trung ăn bữa cơm cuối cùng vì tuần tới Trung về Maryland. Trung chuyển về đó làm để tiện chăm sóc mẹ. Mẹ Trung nằm bệnh viện hơn mười ngày vì bệnh Parkinson trở nặng. Bà chỉ có Trung là thân nhân duy nhất. Dù Trung đã báo trước, Borey vẫn cảm thấy hụt hẫng trước tin này. Sự bứt rứt và buồn bã khiến anh không an tâm trong cử chỉ và công việc. Borey nhận ra trạng huống của chính mình nhưng anh vẫn nghĩ rằng tình cảm anh dành cho Trung không khác cậu em trai Carey ngày xưa. Thổ lộ với Mandy, nàng cười lắc đầu bâng quơ:
“Anh cũng lạ lùng, chuyện ấy không quan trọng bằng nếu anh và em, một trong hai người rời bỏ căn nhà nầy.”
“Anh không nghĩ đến chuyện ấy vì nó sẽ không bao giờ xảy ra!”
“Anh quá chủ quan đó nhé! Dẫu sao em cũng mong Trung có thể giúp cho mẹ anh ấy mạnh mẽ hơn.” “Anh cũng vậy.”
Trung vẫn vui vẻ nhảy lên xuống ba bậc tam cấp nhà nhưng theo Borey chỉ là sự khuất lấp nỗi buồn phải ra đi. Dù gì gia đình Borey cũng từng xem Trung là một thành viên xa của họ. Sau bữa ăn, hai người ra hàng hiên uống bia trong khi Mandy dọn dẹp nhà bếp. Lúc Mandy xong việc đến bên họ, điều cô nhìn thấy trước tiên là bàn tay trái của Borey nâng chai bia lên nhưng bàn tay phải đang đặt lên bàn tay trái của Trung trong yên lặng. Mandy tin rằng cả hai đều đang xúc động khi phải chia tay nhau.
Tuần lễ sau, Mandy đề nghị ly dị. Lý do cô đưa ra thật giản dị, sự thiếu ấm nồng của đôi bàn tay Borey quá lâu đã làm căn nhà hai người trở nên hết sức lạnh lẽo. Tình trạng này hoàn toàn không phải là không khí tích cực của hôn nhân. Đó là sự chịu đựng. Không biết đối với Borey như thế nào nhưng với Mandy, cô không chỉ chịu đựng mà sự nghi ngờ đã làm cho cô không an ổn tâm hồn. Cô không đổ lỗi cho Trung, cô chỉ nói ngắn gọn với nhân viên tòa án rằng, “Trước đó thật lâu tôi không còn cảm thấy hạnh phúc. Tôi chịu đựng sự cô đơn rất lâu trước khi Trung làm bạn với Borey. Có thể Trung làm cuộc sống hôn nhân lạnh lẽo thêm nhưng điều quan trọng hơn cả là sự bất an của tôi. Không thể để sự thiệt hại thêm nữa từ sự bất an này.”
*
Chiều hôm nay biển Redondo xanh ngắt. Dưới mắt Borey, màu xanh của biển tương phản với nỗi buồn trong lòng anh. Tuy vậy, ngồi bên cạnh anh Connie đang chăm chú nhìn màu xanh của biển và màu vàng của nắng bằng nỗi hân hoan của kẻ được ra biển buổi chiều cuối tuần với người mà cô ta dành nhiều cảm tình. Sự có mặt của cô vào buổi chiều hôm nay không phải là cuộc hẹn hò trai gái mà đơn giản chỉ là mong muốn chia sẻ một cái gì đó với Borey. Khi Connie thích thú ngồi ngắm buổi chiều trên biển thì Borey cũng nhìn ra biển nhưng anh đang cố nhớ lại những kỷ niệm êm đềm yên vui với Mandy như đang lần một xâu chuỗi. Những sự việc diễn ra mà anh cố nhớ lại tưởng dường như xa xăm lắm. Nó nửa như thật, nửa mơ hồ giả tạo. Thêm vào đó dường như bàng bạc một ngộ nhận nhưng không biết bắt đầu từ đâu và đã diễn ra như thế nào. Chính nó không hề rõ ràng nhưng lại mang đến một kết quả dứt khoát. Ly dị là kết quả dứt khoát ấy. Với Borey, điều ấy không những không thỏa đáng mà còn mang tính bất công. Thế nên, anh băn khoăn trong lòng, nhìn biển xanh trước mắt nhưng không thấy được vẻ đẹp của một buổi hoàng hôn trên biển. Liếc nhìn sang Connie, Borey ngẩm nghĩ, “Có lẽ cô ta mới thực sự vui sướng với những gì diễn ra trước mắt.” Điều này có an ủi cho Borey hay không, anh không biết, nhưng chắc một điều là cô ta đã từng trải qua tâm trạng như anh. Borey chợt hỏi Connie:
“Em đang nhìn gì mà chăm chú như thế?”
“Em đang ngắm biển. Biển thật xanh và thật đẹp.” “Thực thế ư?”
“Đúng, nhưng em hiểu anh không thấy như thế! Anh thấy một màu nào đó nhưng tuyệt đối không phải màu xanh.”
“Sao em chắc chắn như thế?”
“Vì em đã từng trải qua tâm trạng ấy. Chỉ thấy mất mát. Không chỉ ngay tức khắc mà mất dần từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng… Nói chung chỉ thấy mất và mất. Nhưng anh biết không?”
“Biết gì thêm nữa hả em?”
“Anh phải biết điều ấy không có thực. Anh không mất gì cả vì anh chỉ lừa dối chính mình. Biển bao giờ cũng xanh, anh hãy nhìn màu xanh thực của nó kìa!”
Borey quay sang nhìn Connie chăm chú. Lúc này anh thấy rõ màu xanh của biển trong đôi mắt của cô và anh đưa tay đặt lên bàn tay cô rồi cả hai cùng nhìn ra biển. Biển vẫn màu xanh ngắt.
Lê Lạc Giao
6/2015
Đã xem 239 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments