Một buổi tối, từ một tiệm ăn ở đường Lê Lợi đi ra, tôi đã đứng lại với một người bạn ngoại quốc, một lát, trước cái bồn nước của bùng binh Nguyễn Huệ. Hôm đó là một buổi tối thật đẹp trời. Sao dãi lân tinh trên đầu chúng tôi. Từ ngoài bến Bạch Đằng, không khí thoáng mát thênh thang chở tới những con thuyền đầy của gió. Một bầy trẻ nhỏ đứng vây thành một vòng đai đặc kín lấy cái bồn hình tròn, ở giữa là những cây nước chảy ngược chiều, nở tung thành phơi phới một trận mưa hoa. Từ mấy tháng nay, phía sau lưng pho tượng hai người lính thủy quân lục chiến cao ngất cầm súng hướng về mặt tiền tòa nhà Quốc Hội, những người làm công tác vẽ những đường son và kẻ những nét lông mày mỹ lệ cho khuôn mặt thành phố, đã cho nước chảy ngược lên trời ở bùng binh này. Nước nở hoa. Nước khiêu vũ. Và cái hoạt cảnh ngoạn mục tối tối, chiều chiều, đã cuốn hút được cái nhìn mê thích của hàng nghìn em nhỏ. Người lớn nữa. Người lớn cũng thích. Những buổi sáng Chủ Nhật, đi qua khu ngã tư này, tôi đã nhìn thấy những người lính trẻ của chúng ta, những người lính sáng láng, đĩnh ngộ, về từ Quang Trung, về từ Thủ Đức, dắt tay người yêu, ngắm nhìn nước múa. Nhiều đêm mưa, tôi còn thấy, tuy đám người lớn tuổi đã bỏ đi nhưng bầy trẻ nhỏ thì vẫn còn đứng lại. Những mái tóc lên sáu lướt thướt. Những cặp mắt thỏ non mở lớn. Đám nhi đồng thành phố chịu trận mưa rào, đứng đó, nắm chặt tay nhau, nhìn nước ngược chiều, khiêu vũ giữa không gian.

Người bạn ngoại quốc khi nghe tôi thuật lại là chiều chiều, khi nắng Saigon đã nhạt trên nóc những tòa nhà chọc trời, bao giờ cũng có một đám đông thuộc đủ mọi lứa tuổi của chúng ta đến ngắm nhìn cái cảnh tượng nước chảy ngược chiều như vậy, đã lấy làm ngạc nhiên lắm. Thành phố anh có không biết bao nhiêu cảnh tượng ngoạn mục gấp nghìn lần hơn nữa, anh ta nói. Những cây hoa nước này tầm thường, có đẹp nhưng đẹp chẳng bao nhiêu, anh ta nói, thế mà trẻ nhỏ và người lớn ở đây đã lấy làm thích thú lắm sao?
Xong câu hỏi, người bạn khác biệt với tôi một vùng trời sinh trưởng đã bỏ đi, để mình tôi đứng lại. Tôi đứng lại, tôi nhìn, một lần nữa cái hoạt cảnh của nước chảy ngược giữa bùng binh kia sở dĩ chiều nào cũng có hàng trăm người tới ngắm, bởi vì chúng là hình ảnh khao khát, biểu tượng của một chờ đợi. Hoạt cảnh của nước múa là một cảnh tượng thái bình. Và dân tộc chúng ta, từ hai mươi năm nay, đã chỉ nhìn thấy những hoạt cảnh khác. Phải, từ hai mươi năm nay, trẻ nhỏ, người lớn, nhi đồng tóc xanh và phụ lão tóc bạc của chúng ta, đã chỉ được nhìn thấy những hoạt cảnh rùng rợn. Tôi cũng vậy. Quá khứ và hồi tưởng tôi, từ hai mươi năm, trong muôn vàn cảnh tượng, chỉ toàn khắp, chỉ kín trùm những cảnh tượng chiến tranh, mà không hề có ghi lại được, dù là thấp thoáng, dù là khoảnh khắc, một cnahr tượng hòa bình. Tôi đứng nhìn nước múa. Và tôi đã nhớ lại. Hết thảy. Trong một lần. Nhớ lại, trước hết là cái cảnh tượng của Hà Nộ lúc thiên đô. Cây sập sau lưng. Nhà cháy bốn phía. Chiến lũy dựng trên những đường phố. Giao thông hào đào trong những lòng nhà. Trên những con đường mở ra năm cửa ô, những bầy người thất đảm kéo nhau đi, với những ngày tháng núi rừng điêu linh đợi chờ trước mặt. Ra khỏi thành phố, những cảnh tượng hải hùng đồng loạt của chiến thời mưa bão, phơi bầy kín đặc theo từng dấu chân. Những cây cầu đổ gục chết chìm theo những giòng sông là mộ. Những con đường đào. Ụ đất cao ngất. Hầm hố chữ chi. Cầu khỉ chênh vênh vắt qua những vực thẳm choáng váng. Những phiến kính vỡ nức nở, óng ánh nằm trong cỏ hoang ngút ngàn trên những thành phố tiêu thổ tôi đã đi qua. Những bực thềm rêu phong, những vườn hoang và những bờ dậu đổ, những bức tường tàn tật và những thân cây cụt đầu, ở những thị trấn bên đường tôi đã dừng chân lại. Nói đến hai mươi năm, hai mươi năm đau khổ vô chừng, nói làm sao cho hết. Những dấu tích cũ hủy hoại tan nát, lỗ chỗ trên toàn khắp hình hài và tâm thể ba miền đất nước, là bấy nhiêu hoạt cảnh quái đản của một trường kịch tối đen của chúng ta đã nhìn ngắm, như thể suốt hai mươi năm trời, chưa cần nói đến những người chết. Đừng nói vội đến những quan tài, đến những lòng huyệt, cái chiều dầy của những tờ khai tử, cả chiều cao của những tử thi. Hãy chỉ nói đến những xóm làng, những con đường, những thủa vườn, những cây cầu, những vi tường, những sự vật và những tĩnh vật mang tên Việt Nam, những hoạt cảnh phơi bầy trước tròng mắt mê hoảng của chúng ta, hết thảy chỉ là những hoạt cảnh khốc liệt an nát, của một cơn mộng dữ kéo dài chưa dứt.
Anh bạn ngoại quốc, tôi nghĩ anh đã hiểu tại sao, những vòi nước chảy ngược trên bùng binh kia, những vòi nước tầm thường chỉ mới là một chút đỉnh biểu tượng cho một cảnh tượng hội hè và một không khí thanh bình đã những tàn nắng và những đêm sao của Saigon thu hút được một đám đông cả những người lớn cả những trẻ thơ chúng tôi như vậy. Hai mươi năm nay, tên quê hương của lục bát, xứ sở của ca dao, vòm trời của đũa son và của ngôn ngữ năm dấu, tai chúng tôi đã đầy chật những tiếng nổ, mắt chúng tôi đã nghẹn ứ những hình ảnh rợn người. Chúng tôi thèm khát những tiếng động khác, bình yên hơn. Như tiếng chim trên mái nhà một ban mai thức dậy, tiếng suối lăn trong đá, tiếng gió trong cây, tiếng cười trong nắng. Chúng tôi đợi chờ những kình ảnh khác, yên tâm hơn. Như hình ảnh của cỏ non trong vườn, biển trăng ngoài đồng, đứa trẻ trong nôi, và như lời một bài hát mới: “giây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự.” Hòa bình mới có được, thành phố này sẽ hết đi cái cảnh tượng biển người. Thôn dã Việt Nam mất an ninh, hàng triệu người của làng xóm và ruộng đồng đã phải tới đây. Chuông vàng hòa bình mà dóng lên, họ sẽ trở về. Với ngõ. Với hoa. Với đất. Với cỏ. Hai mươi năm nay, người dân quê Bắc Ninh mỗi mùa xuân còn tưởng nhớ một dáng đu bay và người Nam Định tương tư cái hình ảnh cao vút của một cây nêu Nguyên Đán, và người Châu Đốc thì thiếu cái tràn đầy của Cửu Long bát ngát và người của Thừa Thiên đi tới đâu, cũng không xa được bóng nước Ngự Bình. Hòa bình mà có được, tôi cũng sẽ trở về. Nằm dưới mái hiên cũ. Nhìn lên hình cây xưa. Thăm một con thuyền nhỏ, viếng thăm lại những bến bờ thơ ấu. Buổi chiều tôi sẽ ra đứng đó, trên cây cầu gẫy bấy giờ chắc đã được vớt lên cho hai nhịp nối liền qua một giòng sông. Gió chiều từ biển xa thổi vào. Hết bóng những máy bay phản lực gần rú tan nát, không gian thôi tiếng súng chỉ còn êm ả tiếng sáo diều bất tận; và những ngọn cỏ không xém nữa, và những cành cây không khô nữa, sẽ mọc rất xanh thành một cảnh tượng xanh lam. Vì khi đó, sao sẽ sáng hơn trên một nền trời mới. Và đêm thôi giới nghiêm, đêm dài đủ cho những giấc mộng dịu dàng.
Cho tới những giờ phút này, Việt Nam còn đánh trận. Từng người, từng người còn những đường lửa và những ngõ khói đi tới. Giây thép gai vẫn rào quanh đồn phòng ngự. Những nghiêng hết định mệnh vào chiến tranh, mà cái khả năng tâm hồn và đời sống dành cho hòa bình tương lai, khả năng đó xanh ngắt trong ta, vẫn còn là một kho tàng nguyên vẹn. Tôi nghĩ cái kho tàng còn nguyên vẹn này là điều kiện bảo đảm rực rỡ và yên tâm nhất cho hòa nhập rộng lớn của chúng ta vào đời sống khi đời sống có hòa bình. Phía bên kia, không phải như vậy. Chỉ ở phía bên này, chúng ta có được hành lý cho cuộc hành trình ngày mai.
Mai Thảo
Hoạt Cảnh, tùy bút của nhà văn Mai Thảo – lần đầu tiên xuất hiện trên báo Khởi Hành do nhà văn Viên Linh chủ biên ở Sài Gòn trước 1975.
Được báo Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm từ các thư viện của các đại học lớn ở Hoa Kỳ, cho in lại vào số đặc biệt Tạp Chí Khởi Hành và Những Hoài Niệm Số 62-Tháng 12-2014.
Mai Thảo 1927-1998, nhà văn Miền Nam 1955-1975, nổi tiếng viết nhiều tiểu thuyết bằng một lối văn bay bướm riêng. Ông được nhắc tới nhiều nhất với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, do nhà Văn Khoa xuất bản ở Hải Ngoại năm 1989. Nhưng Mai Thảo còn là nhà văn quan trọng ở vai trò sáng lập nhóm Sáng Tạo và điều hành tờ Văn ở trong nước và hải ngoại cho đến năm ông qua đời tại California 1998.
Đã xem 426 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments