Trận mưa đầu mùa nào cũng dấy lên bất chợt, về đêm. Trong tĩnh mịch hoàn toàn. Lúc khuya nghiêng về sáng. Mưa đổ. Giữa chiêm bao chập chờn chưa dứt mộng. Mưa bay. Trên bằn bặt giấc thiếp lãng quên đời. Qua những ga sao và những trạm trời, chuyến xe mưa lăn bánh sầu của một nghìn hạt lệ, chở theo nó những tầng cao và những không gian, thường, bằng đêm, đến với cái bến đất này như vậy. Êm ái mà bàng hoàng. Dịu dàng mà kinh động. Từ một đáy vực, bỗng ào ạt kín trùm lên giấc ngủ ta.
Khởi dấy này, như mọi hiện tượng khởi dấy khác là một giọt sương hoa nửa năm tròn trong quy luật thường hằng của tạo vật. Bởi ngày là của những thể hiện. Trên một bề mặt. Đêm mới là của những báo tin, những đánh thức, thành hình. Từ một chiều sâu. Cấu thành của một giao hợp, bắt đầu nào của đời người cũng thế. Không giữa một trưa vàng. Mà từ một đêm kia. Đóa hải đường thức ngủ và nhành thược dược mơ màng thụy vũ trong cái cõi thơ lạnh và khuya cực điểm ấy của Nguyễn Gia Thiều cũng là cái rùng mình lướt thướt kỳ ảo của một trận mưa đêm. Một trận mưa đêm đánh thức. Làm mới. Cho héo hon kia bỗng sáng lóa mặt trời.
Tĩnh thức trong đêm, bằng đánh thức của mưa, giác quan còn hoài nghi thoạt kỳ thủy là cái gợn gợn mơ hồ của một đụng chạm phảng phất. Như có. Như không. Như mới đó mà. Như vừa biến mất. Giọt thứ nhất, nhấn chỉ nửa vời. Và bỏ lửng. Giọt thứ hai thêm một chút thăm dò. Một giọt phân vân, một giọt lưỡng lự, đã những giọt vàng nghìn triệu mưa theo. Nằm nghiêng tai, nghe những chân mưa hững hững hờ hờ rồi trùng điệp tới, cảm giác kỳ thú nhất là thay vì một im lặng nào trước đó một giây, mưa đã làm thành một im lặng mới. Mênh mông. Thứ im lặng vẫn nghe thấy nơi phía sau của một nhịp động đều. Như tiếng động nào cũng rơi trên một cái nên im lặng. Rồi mưa. Tật lớn. Lấn chen. Cuống quýt. Thành tràn ngập tường. Thành lênh láng mái. Thành rũ rượi lá. Thành lướt thướt đường. Suối chảy trong nhà. Biển đầy quanh gối. Người xem như đã chịu trận là lúc trời xem chừng càng làm dữ hơn lên. Cái nền im lặng mất biến, trôi băng đi. Và lúc đó, mưa rất tươi, mưa rất hồng, đã nhịp trống rừng trong ta dậy dậy.
Mưa sinh động, mưa nhiều bộ mặt. Chỉ những trận mưa nhỏ nhỏ mới buồn. Thứ mưa chưa đỉ làm mờ một ánh mắt. Thứ mưa thiếu tháng, gầy và xanh, không đánh ngã nổi những hạt bùi trên một khung kính. Đó là thứ mưa đàn bà, thứ mưa thở dài, khiến hồn người vì thế phải mưa theo, bằng thả ra giữa lất phất trời, những hạt lệ tâm sự. Bằng đọc lại những tờ thư cũ. Mưa thật lớn, cái trận dạt dào không cúi đầu thương. Mà trán cao, mặt ngửa, ngực bồng, mưa hát. Mưa tới tận cùng sức mưa mưa được, bao giờ cũng là cái trạng thái sảng khoái vạm vỡ không cùng của một tràn ngập hân hoan.
Kỷ niệm tôi có đổ xuống, bay qua, đọng lại, không biết bao nhiêu lần mưa Hà Nội. Những trận mưa vừa, lẫn giữa mùa nước. Những trận mưa phùn, thì thầm không dứt. Những trận mưa chiều, lẩn vào bóng tối. Ra trước điện đường. Đọng trên vành mũ. Những mưa đêm, mọi cửa ngõ hồn đón hết mưa vào một nghìn chân tóc, tới sáng rồi còn cái lưới mưa đan. Mưa Hà Nội của một tuổi còn lãng mạn, rỏ luôn từng giọt trong tách cà phê. Không đậu xuống máu nhà mà đậu trong lòng. Đã có được cái chiều ngang tưởng tượng của một bức mành, còn có được cái đường cong mơ mộng của một đời dương liễu. Mưa nghiêng trên Hàng Đào. Mưa trôi vào Hàng Quạt. Chụp mũ ngọc trên ngọn cỏ đầu ô Quan Chưởng. Đem Hồng Hà lên trắng xóa dốc Long Biên. Nhạt nhòa Hồ Tây, mịt mùng Yên Phụ, mưa Hà Nội bay. Sang từ Gia Lâm, rất ướt át những toa tầu chở hàng, tới từ ga, Hàng Cỏ, rượt theo những đường sắt, mưa Hà Nội đẹp. Đi thành bảy chữ trong thơ Trần Huyền Trân. Rượu rồi nâng cổ áo lên cao. Chở núi rừng về, bằng Huy Cận nhớ bạn. Mưa Hà Nội chuyển lưu theo một nhịp mùa, nhưng thực phẩm anh ăn, mùa nào mưa nấy. Nhưng lớn, nhỏ kiểu nào, thì người Hà Nội cũng không bao giờ quên được những trận mưa xuân. Một giọt kia trên một nhánh thủy tiên mới gọt, một hạt này trên một lộc đào vừa hé cánh. Thành phố là một sàn nhẩy cho mưa tháng giêng khiêu vũ một mình. Múa, uốn và lượn. Một hạt ngọc ném đi, rất tròn, lại thu về thành những đường tơ thẳng vút. Đùa nghịch trong không khí, bay ngược lên cao trời, những cánh bướm và những tà áo uyển chuyển ấy là cái hình dáng rất âm nhạc của mưa xuân Hà Nội. Thứ mưa làm cho một cô gái Hàng Bạc muốn mặc ái nhung. Ra đường. Tho áo nuột nà còn óng ánh thêm một lần kim tuyến.
Trận mưa lớn đêm qua có phải là trận mưa vào mùa đấy không? Có lẽ. Vì tôi đã thức dậy đêm qua với một cảm giác rất mùa. Và bởi vì tiếng mưa tôi nghe, còn nghe thấy rất xa, trên một bến bờ im lặng.
Mai Thảo
Mưa Đêm của nhà văn Mai Thảo – lần đầu tiên xuất hiện trên báo Khởi Hành – do nhà văn Viên Linh chủ biên ở Sài Gòn trước 1975.
Được báo Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm từ các thư viện của các đại học lớn ở Hoa Kỳ, cho in lại vào số đặc biệt Tạp Chí Khởi Hành và Những Hoài Niệm Số 62-Tháng 12-2014.
Mai Thảo 1927-1998, nhà văn Miền Nam 1955-1975, nổi tiếng viết nhiều tiểu thuyết bằng một lối văn bay bướm riêng. Ông được nhắc tới nhiều nhất với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, do nhà Văn Khoa xuất bản ở Hải Ngoại năm 1989. Nhưng Mai Thảo còn là nhà văn quan trọng ở vai trò sáng lập nhóm Sáng Tạo và điều hành tờ Văn ở trong nước và hải ngoại cho đến năm ông qua đời tại California 1998.
Đã xem 862 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments