Ánh đèn tranh tối tranh sáng gợi nhớ lại những xó góc tỏ tình kín khuất của những vũ trường hồi sàn nhẩy còn toàn thịnh, với bầy vũ nữ yêu tinh mang đầy tay những bùa ngải mê ngất lượn lờ giữa những hàng ghế, và thành phố về đêm chưa giới nghiêm. Ở đây, thanh tịnh và trang nghiêm, trầm tư và mơ màng, không có một bóng vũ nữ nào. Cũng không, tuyệt nhiên không, những bàn tay lơi lả lợi dụng bóng tối và kiếm tìm trong bóng tối. Trạng thái đèn lửa chập chờn sáng tối ở đây chừng như chỉ có, vì, và cho một mục đích duy nhất: nhận chìm đi những hình ảnh, cho nổi bật những hình bóng, đánh nhòa những bề mặt rạng rỡ cho phảng phất một chiều sâu buồn rầu, nỗ lực tạo dựng bằng được một thứ không khí chìm đắm bất thường không đối tượng. Đêm tháng tám bên ngoài bát ngát sao. Trong những lùm cây xôn xao, gió múa những thuyền đầy. Hè phố bên kia, dưới một khung ánh sáng hình tròn, một bầy trẻ nhỏ nhảy dây. Và la hét. Và đùa nghịch. Trong này, khác hẳn. Tôi lắng tai nghe, tịnh không thấy nổi lên một tiếng cười nào. Chỉ thiếu những ngọn nến lung linh, và những lời kinh cầu, anh có thể lầm nơi chốn nầy với một giáo đường thu nhỏ. Và thần thánh ở đây chỉ là một số người trẻ tuổi kỳ lạ. Đám người trẻ tuổi này, ngồi chụm đầu thành từng chùm sầu hay từng nhành đau, hay xếp hàng, vai sát vai, suốt dọc hai chiều tường, tới đây tự lúc nào không hay, nhưng hết thảy đã tới, kín đặc trên những hàng ghế, hết thảy đã biến thành những pho tượng. Không một người nào nói thừa. Không ai nhìn ai. Kẻ bên ta một đời xa lạ. Không ai nói với ai một lời nào. Tha nhân là địa ngục. Bằng những mái tóc cúi thấp, bằng những vai gầy nghiêng nghiêng, bằng những tròng mắt lim dim, bằng những cặp chân duỗi dài, mỏi nhọc, rất hư vô và rất bóng hình, đám người trẻ tuổi của thế kỷ hoa hồng này, ngồi đó, im sững và bất động, nhạt nhòa dưới một trận mưa không tiếng và vô hình lướt thướt. Như thế thật lâu. Thật lâu. Rồi cuối đáy căn phòng, một phiến tường đột ngột sáng rực. Trước phiến tường, người trẻ tuổi cuối cùng của bầy người trẻ tuổi thình lình xuất hiện. Cái nhánh cây thanh xuân buồn đau thê thảm này ôm trước ngực một cây đàn lớn. Những ngón tay gầy nhấn buông vài phím. Một phút mặc niệm. Và bài hát tang chế bắt đầu với những lời dẫn nhập kỳ dị.
Tôi lắng tai, cố gắng theo dõi, nhưng chịu không tài nào thấu hiểu được ý nghĩa lẽn dẫn nhập cho ca khúc sắp hát, đang được, cái nhành đau, cái khối sầu cuối đáy phòng kia đọc kính cẩn và run rẩy từng lời như những lời kinh. Cái cõi ngôn ngữ quái đản ấy là những chùm gai không hình thù lãng đãng trôi trên một biển sương mù. Tôi sắp hát cho đời nghe đây, một ca khúc tuổi trẻ, người hát nói. Nhạc chúng ta, đau, sầu và đen. Đi tới một cuối đường kia, ta bắt gặp cuộc tình không bao giờ thấy mặt. Chúng con đã trở về đây, giữa lòng quê hương tan nát, hỡi cha, hỡi mẹ, hỡi anh, hỡi chị, hỡi em, chúng ta đen, chúng ta đau, chúng ta sầu, và mười ngón tay gầy hãy đưa lên, làm mặt trời, che cho kín khắp phiên buồn mười sáu. Đại khái như thế. Vô nghĩa, mê loạn, đồng thiếp và mộng du như thế, lời dẫn nhập kỳ dị. Rồi người hát bắt đầu đánh đàn và hát. Anh ta hát, thật mê đắm, thật sai, thật vở, thật đau đớn và tội tình hát. Những lời dẫn nhập quái gở vô nghĩa mất tích vào bóng tối, những lời hát đứt rời rơi rụng lả tả xuống mặt đàn. Điều kỳ quái nhất là xem chừng chuyện đó cũng chẳng hề gì. Người hát hát cho riêng mình nghe. Những người đến nghe, không nghe người đang hát. Dưới trận mưa không tiếng, vô hình, những khối sầu tuổi trẻ, những “phiên buồn không tên” vẫn ngồi đó, bất động, như từng pho tượng lạnh. Không có can đảm đợi chờ đến bài hát thứ hai, tôi trả tiền, đứng lên và đi ra.
Như những loài nấm dại, như từng hòn hoang đảo, như “những ga sầu vĩ đại của đêm đen,” tôi mượn một danh từ của Chế Lan viên, những quán nhạc, những phòng trà tuổi trẻ, đang mọc lên, ngày một nhiều giữa thành phố chúng ta. Mỗi buổi chiều, khi trời tím lại sau những tòa nhà chọc trời, tiếng súng ngoài xa vọng về, và hỏa châu sáng trên những địa hình ven đô thành phố, hàng nghìn người trẻ tuổi chúng ta đã tới đó, ngủ tiếp giấc ngủ chiều ma quỷ. Xã hội này thù nghịch. Thời đại này bất toàn. Hiện tại này xa lạ và tương lai kia mịt mùng. Đường tuổi trẻ lầy lội. Trời tuổi trẻ mưa bay. Và những người trẻ tuổi của chúng ta đã tới gặp nhau, như những cánh rơi vỗ đập rã rời trong một hầm đá tối thẳm. Họ mới mười bảy thôi. Nhưng đài trán đã nhăn, chân trời đã mỏi, tròng mắt đã tối, hoài nghi đã là. Họ mới mười tám thôi. Nhưng ngón tay đã gầy, khối sầu đã lớn, chủ nhật đã buồn, chăn chiếu đã lạnh. Họ mới hai mươi thôi. Nhưng tóc thôi đựng gió, miệng chẳng nụ cười, hồn không ánh sáng. Và họ tới ngồi đó, trong những quán nhạc kia, những quán nhạc như nơi trú ẩn cuối cùng, nhận những ca khúc sầu thảm lướt thướt làm tiếng nói của mình, chìm đắm, nhạt nhòa, trong một trầm tư không đối tượng.
Cảnh tượng bầy người trẻ tuổi cúi đầu thành những pho tượng lạnh, chìm đắm, bất động, tôi gặp trong một quán nhạc điển hình cho sinh hoạt tuổi trẻ kia còn đuổi theo tôi ra tới ngoài đường. Không khí bệnh hoạn, thiêm thiếp, đen như đêm, xanh như lá ở đó khiến tôi liên tưởng tới cảnh tượng khác, lần vào thăm một người bạn đau nằm trong một bệnh viện. Cũng thế. Trong những căn buồng đánh số, giữa mùng màn trắng toát, những cuộc đời nhọc mỏi lim dim. Không ai nhìn ai. Ngôn ngữ là thừa. Không một ai nói với ai lời nào. “Tha nhân là địa ngục.” Nước biển trên đình màn, từng giọt và từng giọt. Trong trưa nắng đã nghe tiếng chiều tan. Mới sớm mai mà trong vườn đời kia đã rụng nhành hoa đỏ. Bệnh viện ấy và quán nhạc kia đều cùng một thế giới. Các thế giới lặng lờ của những người nằm bệnh. Có khác là ở một nơi, người đau nằm trên giường, ống thuốc cắm trên tay. Và một nơi, những người đau ngồi lặng, yếu đau bằng âm nhạc. Khác nữa, một đằng, người đau thật có bệnh, và một đằng, chỉ là bệnh tưởng đau.
Có phải nói với một lớp người tuổi trẻ của chúng ta rằng những cuộc sống bông hoa phải được trồng cấy dưới mặt trời, rằng nếu một khởi hành chưa tới, khởi hành ấy thiết yếu phải có, và tuổi trẻ nào cũng mang trong nó một kho tàng châu ngọc là cái sức phản chống mãnh liệt, bởi vì tuổi trẻ như thế, nó dũng cảm lên đài khi tiếng cồng kinh dị nổi lên? Tôi nghĩ là phải có. Phải nói. Giã từ những lớp chiếu chăn ẩm lạnh, ra khỏi mọi trạng thái chìm đắm, thoát khỏi một hầm đá tối, thức tỉnh khỏi giấc ngủ buổi chiều ma quỷ, hành động tự cứu và tự thành của một người trẻ tuổi là phải làm sao ở xa những trận mưa cường toan đang đổ xuống đời mình. Thế kỷ này, xã hội này, thời đai này có thể mang những bộ mặt thù nghịch, nhưng nhất định thế giới của một người trẻ tuổi không phải là cái tranh tối tranh sáng chợp chờn, u uất của quán nhạc kia, ở đó không có gì hơn là những lời dẫn nhập quái đản cho một loại ca khúc phản bội lại cái thực chất, cái tâm hồn đích thực của tuổi trẻ. Tôi muốn nghĩ và muốn tin rằng một buổi chiều kia, trong quán nhạc ấy, người nhạc sỹ trẻ tuổi ôm đàn hát khúc hát dành cho cõi chết, sẽ ném cây đàn đau và những lời hát bệnh và đi ra. Cuộc đời ngoài kia không sáng hồng mộng tưởng đâu. Nhưng trong đêm, tuổi trẻ sẽ trang nghiêm đốt lên với nhau một ánh lửa nhận đường. Chính ánh lửa nhận đường ấy là vì sao bản mệnh của anh. Từ vì sao nhận đường này, anh sẽ đi tới, sẽ bắt gặp những trời sao khác.
Mai Thảo
Quán Bệnh của nhà văn Mai Thảo – lần đầu tiên xuất hiện trên báo Khởi Hành do nhà văn Viên Linh chủ biên ở Sài Gòn trước 1975.
Được báo Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm từ các thư viện của các đại học lớn ở Hoa Kỳ, cho in lại vào số đặc biệt Tạp Chí Khởi Hành và Những Hoài Niệm Số 62-Tháng 12-2014.
Mai Thảo 1927-1998, nhà văn Miền Nam 1955-1975, nổi tiếng viết nhiều tiểu thuyết bằng một lối văn bay bướm riêng. Ông được nhắc tới nhiều nhất với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, do nhà Văn Khoa xuất bản ở Hải Ngoại năm 1989. Nhưng Mai Thảo còn là nhà văn quan trọng ở vai trò sáng lập nhóm Sáng Tạo và điều hành tờ Văn ở trong nước và hải ngoại cho đến năm ông qua đời tại California 1998.
Đã xem 442 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments