Buổi sáng ở đây chừng như vừa thức. Lười biếng và muộn màng. Một sự thức tỉnh không tiếng. Một mình. Giữa một rừng sách còn yên lặng ngủ. Trên những giá gỗ thẫm mầu chạy suốt chiều dài những phiến tường mất hút vào những xó góc tối thẳm lấp, khuất sau những hàng cột lớn, những lớp gáy sách mạ vàng đứng thẳng, quay lưng lại với đời, ngủ với từng thế giới ngôn ngữ chìm nhòa, những thế giới đã hình thành và đã chết. Trên những bàn nghiêng như bàn học thuở nào tuổi nhỏ, giấc ngủ của sách nằm gối đầu lên nhau, mang một vẻ gì thư thái và trẻ thơ hơn. Đưa lên tường cao, kinh điển quý đã vào sâu dĩ vãng. Đã đứng cái thế đứng nghiêm lạnh, im sững của bảo tàng. Bày dưới mặt bàn thấp, trước tầm tay người, và phơi dãi tuềnh toang mọi thứ khung bìa rực rỡ, chất sách tươi hơn, tim sách còn đập. Và giấc ngủ trên bàn vì thế mà nhẹ và vui hơn giấc ngủ trên giá, như có từng ngọn gió sáng lua qua, phất phơ bay trên những đài trán lên năm. Sách. Sách đứng. Sách ngồi. Hình ảnh kia của những đỉnh trí thức chụm đầu. Hiện tượng ấy của những vực trí tuệ tản mạn. Sách. Bốn phía. Sách. Chung quanh. Sách trên cao tường và dưới thấp bàn. Những rừng từ chương và những biển suy tưởng. Một nhành hoa lạ bỗng mọc trên một cánh đồng hoang. Dưới gai độc, chợt rất trong sáng thủy tinh một ngọn suối chảy róc rách. Sách đó. Thực phẩm sau cùng. Hoài nghi thứ nhất. Mậu dịch và phổ quát rộng của thao thức và tìm kiếm bốn biển đã một phần tới đây, bầy hàng trước mắt người. Buổi sáng đã hồng. Vòng đời đã quay. Nhịp đời đã múa. Thành phố bên ngoài từ rất sớm đã xôn xao. Nhưng sách trong nầy còn nắm chặt tay nhau, những cây ngọc và những trái đau bia của loài người còn hiền hậu và bằn bặt ngủ.
Buổi sáng hôm nay rộng. Thời gian sáng nay chậm. Tâm trí người sáng nay là một tâm trí dịu dàng buồn. Và tôi đã lạc tới đây, trong một tiệm sách khuất nẻo, bước lững thững giữa những nôi hồng trí tuệ. Tôi đã lật nhẹ một trang kia. Ngó hờ một chữ này. Và nhớ đến một hiện tượng dẫn dắt. Của một cánh tay lớn. Giữa chất xám của óc, chất hồng của tim, một số nhỏ trong cái khối lượng phần thư vĩ đại của những thế kỷ ngôn ngữ truyền tiếp đã dẫn tôi đi vào cái thế giới ở đó đã biểu hiện và cấu thành mọi thứ khả năng tưởng tượng, mơ mộng kỳ diệu và chìm đắm nhất của loài người. Tuổi nhỏ tôi hồng. Sách hồng tôi đọc. Những trang sách xưa ôi những trang vàng. Hồn tôi mới. Sách rót xuống từng bình ngây ngất. Thuyền tôi còn đậu bến. Chính là sách đã rút neo đẩy ra khơi thành những chuyến đi đầu. Sách đưa vào phiêu lưu. Chữ đẩy thuyền thành sóng. Sách vừa là gió đẩy. Sách vừa là triều dâng. Khả năng mơ mộng và tưởng tượng mà tôi cho là cái khả năng đáng có nhất của một đời, nơi tôi, đã nhờ sách mà có. Với sách, tôi đã mơ mộng. Bằng sách tôi đã tưởng tượng. Nghĩ và nhớ lại một thời kỳ niên thiếu của đời mình, mỗi tuổi tôi đến, mỗi tuổi tôi qua, hình như đều có một khung tâm hồn và thể chất đóng khuôn với một cuốn sách đã đọc. Đọc và thấy mình đổi khác. Sách đến với tuổi thơ một đời là những cuốn sách quý nhất. Và cũng nguy hiểm nhất. Chúng cấy chất sinh tử phù vào thật sâu da thịt, khắc những dấu chàm trong óc non, và trong tim mới. Và cái thành của anh, của tôi, phải thế không, đã một phần bằng sách mà thành.
Tập thơ đầu tôi đọc suốt một buổi chiều trên một bờ đê Hưng Yên. Nhớ mãi, nhớ mãi buổi chiều hôm ấy. Sách đưa tôi vào một cảm giác lâng lâng. Lẫn tiếng sóng sông Hồng với tiếng sóng trong hồn. Lẫn cỏ dưới thân với cỏ xanh trong cánh đồng của sách. Lẫn đất với trời. Lẫn hư và thực. Sách sáng chói từng trang và hồn cũng chói lòa một giải. Tôi ngày xưa úp cuốn sách đầu trên lồng ngực, nằm rất lim dim, thả hồn bay lên. Yêu biết chừng nào, nhớ bao giờ quên, những trang vàng thứ nhất. Sách đẹp như chiều trên đầu. Chiều tím thẫm và chiều cao vút. Sách xa như biển. Biển hoang đường những bến bờ tưởng tượng. Tôi nằm trong cỏ. Tôi say như rượu. Tôi nằm với sách. Tôi nhẹ hơn khói. Những trang sách ngày xưa là những động lực chắp cánh. Đọc là một ảo huyền và say đắm… đọc. Bởi vậy mà mỗi chúng ta, khi bắt đầu biết khám phá và yêu mê cái đẹp, đều có như tôi, những tờ rời ngây ngất ấy là những cuốn sách tình nhân, những cuốn sách hành lý, những cuốn sách gối đầu, sau này không còn nhìn thấy đâu bởi cái lẽ giản đơn là đã nhuần nhuyễn đã thấm hòa trong máu.
Rừng sách vây quanh, lớp lớp từng từng. Tôi đứng đây, trong yên tĩnh một tiệm sách chất đống. Giữa những ngọn đỉnh cao vút của tinh hoa trí tuệ nhân loại. Nhưng buổi chiều đã qua, và cầm một cuốn sách trong tay, mà tôi không tìm lại được cái cảm giác thần thánh cũ. Cuộc sống nào ngọt ngào tới đâu, cuối cùng rồi cũng giết chết ở mỗi người, mọi khả năng mơ mộng và tưởng tượng. Buổi chiều tôi không còn nhìn thấy nó tím. Những trang sách nói. Nhưng sách thôi hát. Sông bây giờ đầy chật tiếng động. Sống bây giờ vắng dần những tiếng hát. Đọc, đã hết như người xưa, phải tới chữ trang trọng bằng những hàng bạch lạp. Nghìn cửa ngõ đã mở cho thiếu đi một cửa ngõ hoang đường. Triệu chân trời đã dựng cho mất đi một góc nhỏ mơ mộng. Trên những cái làm nên gấm vóc và châu ngọc thưở nào, đã lả tả những nấm mồ bụi phấn phủ xuống. Những cuốn sách xưa trong tôi hãy ngủ. Hết những hành trình. Thôi những bến bờ. Qua một cảm giác lạnh lùng về sách, tôi ném cuốn sách cầm trên tay xuống mặt bàn cho ngủ tiếp giấc chìm. Và đi ra, nghe chết dần trong hồn cái nhịp đẩy đưa dịu dàng và kỳ diệu ấy của một tiếng sóng ngày xưa.
Mai Thảo
Trong Một Tiệm Sách tùy bút của nhà văn Mai Thảo – lần đầu tiên xuất hiện trên báo Khởi Hành do nhà văn Viên Linh chủ biên ở Sài Gòn trước 1975.
Được báo Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm từ các thư viện của các đại học lớn ở Hoa Kỳ, cho in lại vào số đặc biệt Tạp Chí Khởi Hành và Những Hoài Niệm Số 62-Tháng 12-2014.
Mai Thảo 1927-1998, nhà văn Miền Nam 1955-1975, nổi tiếng viết nhiều tiểu thuyết bằng một lối văn bay bướm riêng. Ông được nhắc tới nhiều nhất với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, do nhà Văn Khoa xuất bản ở Hải Ngoại năm 1989. Nhưng Mai Thảo còn là nhà văn quan trọng ở vai trò sáng lập nhóm Sáng Tạo và điều hành tờ Văn ở trong nước và hải ngoại cho đến năm ông qua đời tại California 1998.
Đã xem 484 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments