Buổi sáng đẹp trời. Tôi mở cửa sổ bên hông nhà nhìn xuống. Căn nhà nằm trên triền dốc. Mặt trời mọc ở phía trước ngôi nhà nên ở cửa sổ chưa có nắng. Ngay bên dưới cửa sổ là những khúc gỗ tròn được xếp ngay ngắn. Những khúc gỗ này to chừng bắp chuối chân đàn ông, dài chừng một thước. Gỗ có màu tím than như những quả cà tím thật to, óng ánh vân ngũ sắc. Những cái vân này giống như hoa văn trên thân rắn. Nhìn một chặp tôi thấy chúng cựa mình rất nhẹ nhàng, uốn éo như rắn lượn.
Tôi nhìn chăm chú hơn thì nhận ra đây là một đống rắn. Lóng lánh ngũ sắc là những cái vảy trên da rắn phản chiếu ánh sáng từ nền trời trong xanh. Đống rắn và một khúc của thân rắn, vừa đầu vừa thân dài chừng một thước. Những con rắn không đuôi, chồng chất lên nhau rất thứ tự. Đầu rắn to bằng thân hình của những con trăn khổng lồ trong đầm lầy. Chúng hé mở cặp mắt nhìn tôi có lẽ vì nghe tiếng tôi mở cửa sổ.
Ngực đập thình thình, tôi đóng sập cửa sổ, chạy vội vàng đi tìm ông nhà tôi. Ông đang đứng ở phòng ngủ, mân mê cái mũ dạ ông mua ở Sài Gòn cùng với bộ com lê khi chuẩn bị sang bên này sống. Trên đầu kệ là cái hàm răng giả, ngâm trong ly, qua làn nước trông hàm răng to lớn hơn, lợi màu hồng tươi, như đang cười với tôi.
Tôi nghe giọng tôi run rẩy: “Ông có thấy đống rắn bên cửa sổ không?” Ông chẳng buồn nhìn tôi. Nhà tôi bị nặng tai đã lâu mỗi lần nói chuyện với ông tôi phải hét thật to. Con tôi mua cho ông cái máy khuếch đại âm thanh nhưng ông không dùng. Dùng làm gì khi ông bảo tôi nói nhiều quá ông không còn muốn nghe tôi nói nữa. Tôi đến gần ông muốn bảo cho ông biết về đống rắn để ông cẩn thận. Ở cửa phòng tôi ngó ra một cái cửa sổ khác. Cửa sổ này nhìn ra rừng cây phía sau nhà. Giời ạ!
Đó không phải là rừng cây mà là rừng rắn. Mỗi thân cây là một thân rắn đứng thẳng vươn lên bầu trời. Mỗi nhánh cây là một thân rắn bé hơn, lá cây là đầu rắn. Chúng ngo ngoe trông giống như những nhánh cây đong đưa theo gió. Lũ rắn này không có màu tím than với vân ngũ sắc như đống rắn bên nhà. Rừng rắn sau nhà có màu trắng bạc và xám với những khoang đen. Những cái đầu rắn lại có màu xanh lá cây rất tươi như những chiếc lá non.
Dưới đất chung quanh những cây rắn, lềnh khênh những bộ da rắn lột đã khô. Có một cái hàng rào bằng bê tông đã bị vỡ một khoảng to. Có thể trước đây nơi đó là cái cổng rào bây giờ trở nên trống hoác. Từ cửa sổ đến hàng rào là một khoảng sân nho nhỏ ngăn cách ngôi nhà với những cây rắn. Kinh khiếp quá. Đến môt lúc nào đó những cây rắn này sẽ vượt qua khoảng sân và vào nhà. Thế còn rễ của nó, có phải là những con rắn không? Nó có thể chui vào nhà từ bên dưới nền nhà không? Tôi cần phải tự vệ. Tôi đi vào nhà bếp tìm một con dao, hay cái kéo, hay cái chày. Nhà chẳng có dao to, hay kéo nhọn, mà chỉ có muỗng nỉa, vài con dao cùn để ăn theo kiểu Tây. Chắc mọi người kháo nhau là tôi hay giấu dao kéo dưới gối, để tự vệ. À, có cái chày để đâm tiêu giã tỏi bằng đá, chỉ bé bằng cái ngón tay. Trông nó giống như đồ chơi bán hàng của trẻ con. Tôi có cảm giác ông nhà tôi đang nhìn theo sau lưng tôi để canh chừng tôi tìm gì. Chán ông lắm. Ban đầu ông giả vờ điếc lâu dần ông trở nên điếc thật.
Con tôi bảo: “Thầy mợ sang đây ở với con để con săn sóc thầy mợ lúc tuổi già. Ở bên này thời tiết rất ôn hòa chung quanh nhiều cây cối chim chóc thanh tịnh. Mợ sang đây tha hồ trồng hoa.” Tôi không muốn rời bỏ quê hương láng giềng nhưng nó năn nỉ mãi. Thằng này có hiếu và đặc biệt thương mẹ hơn thương bố. Nếu tôi biết xứ này là toàn là rắn tôi chẳng thèm sang đây.
Cái chày đá rớt trúng ngón chân tôi đau điếng. Đau thế này thì chẳng phải tôi nằm mơ. Tôi sợ rắn, bình thường thôi, ai mà chẳng sợ rắn chứ. Nhưng không phải vì sợ mà tôi tưởng tượng bậy bạ.
Lúc còn trẻ có một lần tôi đi xem phim Ấn Độ. Mấy con rắn hổ mang bò từ trong giỏ ngóc đầu lên cao phùn mang trông giống như đeo mắt kính uốn éo theo điệu nhạc. Tôi bủn rủn tay chân và ngạt thở khi con rắn trong phim nhìn tôi và nói “Rồi chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp nhau.” Tôi biết rắn có thể vươn thẳng thân lên khá cao nhưng ngờ có cả rừng toàn rắn như xứ này. Rắn huýt sáo nghe như tiếng chim chìm trong lá.
Một lần mẹ tôi dẫn tôi về làng. Lúc ấy tôi chừng tám hay chín tuổi. Tôi đứng cạnh mẹ, nhìn chung quanh. Bên tay phải là cái nhà máy xay lúa. Bên trong máy chạy rầm rầm, bụi bốc mù trời. Mấy chị tre trẻ đội thóc đi vào, đội gạo đi ra. Có chiếc xe thổ mộ chở đầy những bao thóc đang chờ người bốc xuống đưa vào nhà máy. Bên tay trái của tôi là hàng bán ngan của một bà cụ móm mém. Mẹ tôi ngồi sà xuống săm soi cặp ngan mỏ vàng tươi rất đẹp. Mấy con ngan trắng tinh, cặp mắt nhỏ rất thông minh. Nét mặt của chúng trông tươi tỉnh ngây thơ.
Bỗng nhiên mẹ tôi kêu oái. Ngón chân cái của bà có dấu máu rỉ ra. Mọi người nhốn nháo kêu “rắn cắn.” Họ nhảy nhổm, dậm chân, lấy cây đập. Tôi tần ngần ngó theo thấy một con rắn đen, bằng cái đũa cả bò lăn quăn xuống nước. Mẹ tôi ngồi bệt xuống đất, trán vả mồ hôi. Có người đưa cho mẹ tôi ly nước bảo “Bà uống đi. Rắn nước mà không sao đâu. Nếu bà uống nước trước khi con rắn uống nước thì nó sẽ chết trước bà.” Chết thật, con rắn đã trườn xuống nước rồi, bây giờ mẹ tôi có uống nước thì cũng đã muộn lắm rồi. Tôi nhớ con rắn đã quay lại nhìn tôi như muốn nói gì trước khi bò xuống nước.
Tôi lo sợ khi chất độc thấm vào mẹ tôi sẽ ngã lăn ra trên đất sùi bọt mép mà tôi không cứu được. Vết rắn cắn cọ vào cái quai dép màu xanh làm chân mẹ tôi sưng lên và bà đi khập khiễng. Đêm đó tôi không ngủ được. Lần đầu tiên tôi biết mẹ tôi ngáy khi ngủ. Cái tiếng động lạ phát ra từ cổ mẹ tôi nghe khì khọt. Nhiều khi mẹ tôi nín thở làm tôi sợ hãi đặt tay lên mũi thăm chừng thì bà lại phì phò thở tiếp.
Đó là lần đầu tiên tôi có khái niệm về cái chết và biết sợ hãi. Sợ rắn, sợ cái chết, và sợ mất mẹ.
Tôi ở quê một thời gian. Thằng Cu nhà đối diện rủ tôi đi câu. Chung quanh nhà chúng tôi toàn là ao. Sau nhà của nó có một cái cầu tiêu nhỏ xây cất sơ sài. Nó móc những con giun đỏ lòm vào mấy cái lưỡi câu nhỏ. Nó bảo lưỡi câu này dùng để câu cá chốt. Giun đào từ dưới đất chung quanh nhà đâu cũng có. Thằng Cu ra sau nhà đứng cạnh cầu tiêu ném lưỡi câu ra xa, khi nó thấy cái phao nhỏ màu trắng chìm xuống là giật cần câu lên. Lủng lẳng đeo trên cần câu là con cá chốt to bằng hai ngón tay của người lớn. Nó thả câu xuống giật câu lên chẳng mấy chốc cái chậu nhỏ chứa cá đã đầy. Nó hất hàm, “mầy câu đi, tao bưng chậu cá vào nhà cho mẹ tao.” Tôi giẩy nẩy không chịu. “Mầy phải móc con giun vào lưỡi câu thì tao mới câu giúp mầy.”
“Lưỡi câu đâu có ăn ngón tay mầy đâu mà sợ.” Cái thằng ngu. Tôi sợ gì cái lưỡi câu. Cái con giun mới là gớm ghiếc chứ, trông giống như là rắn vậy.
Tôi ném sợi dây nhợ có mắc giun ra xa như thằng Cu đã làm. Nó vừa khuất sau tấm màn che cửa sau thì cái phao chìm. Tôi khoái chí giật mạnh cần câu về phía tôi. Tôi giật hơi quá tay nên sợi dây câu bay thật mạnh. Khi “nó” đụng vào thân người tôi, tôi hét toáng lên và ném cần câu xuống nước. Lủng lẳng trên đầu sợi dây câu là con rắn có khoang đen trắng. Thằng Cu chạy ra vội vã chụp lấy cái cần câu đang bị con rắn kéo đi. Nó mắng tôi: “Đồ nhảm. Cái mặt như thế mà nhát gan. Rắn bông súng đó chớ có gì mà mày hét rùng rợn như ma ám vậy.” Mặt tôi tái mét, người run lập cập, tôi nói: “Nó nhìn tao, nó nói, rồi chúng mình sẽ gặp lại nhau.” Thằng Cu hỏi tôi: “Ai nói?” Tôi trả lời: “Con rắn.” Thằng Cu bảo tôi: “Mày điên rồi!”
Có lần tôi bị rắn chận đường. Trên con đường dẫn đến trường, bên tay trái là con kênh đào, bên phải là cánh đồng sậy cao khỏi đầu tôi. Đến gần bệnh xá thì con đường nhỏ lại vì đất bên dòng kênh bị sạt lở chỉ đủ một người đi. Giữa cái khoảng trống ấy là một đống đen có vằn trắn khá to. Tôi biết ngay đó là con rắn. Không biết đây có phải là con rắn mà tôi đã câu lúc trước hay không nhưng trông to hơn con rắn kia rất nhiều.
Tôi chờ mãi mà con rắn không bỏ đi. Cuối cùng, tôi lượm đá ném nó. Tôi ném hụt mấy lần, cuối cùng có một viên đá trúng con rắn. Nó phóng thẳng dậy, quăng người về hướng tôi. Cổ nó phành ra, le lưỡi phì phì. Tôi quay về nhà, bỏ học. Mẹ tôi hỏi gặn mấy lần tôi kể bà nghe con rắn nói: “Mình lại gặp nhau rồi!” Mẹ tôi nhìn tôi lắc đầu thở dài không nói gì.
Lớn lên tôi về thành phố ở. Những con rắn tìm tôi trong giấc ngủ. Có khi tôi sợ rắn không ngủ được cả hai ba tuần lễ. Đó là lý do tôi hay dấu dao kéo dưới gối.
Ông nhà tôi bảo tôi đi nấu cơm. Lạ nhỉ, ông không bao giờ nghe tôi nói nhưng hễ ông nói là tôi sẵn sàng nghe. Con tôi và vợ nó đã đi làm, chiều mới về. Vợ của nó nói tiếng rắn, cứ mở mồm là nghe hít hít sì sì. Đầu lưỡi nó chẻ đôi. Nó không muốn tôi biết nó nói gì với con tôi. Khi tôi nói với con tôi về rừng rắn ở phía sau nhà, về những thân cây có mặt người và tóc rắn, con tôi lẳng lặng cho tôi uống thuốc. Cho bổ óc và dễ ngủ.
Bây giờ thì tôi sống chung với rắn chứ không còn nằm mơ nữa. Cách đây vài hôm vừa ngủ thức dậy tôi thấy đôi dép tôi mang từ bên nhà sang bỗng biến thành cái đầu rắn màu xanh lá cây rất tươi, có đôi mắt trắng thật to nhìn thấy cả lòng đen. Chỗ tôi xỏ chân vào dép biến thành cái mồm lưỡi đỏ tươi. Tôi đi xuống hầm, một bầy rắn con nhào tới cắn mổ lai quần của tôi. Tôi vừa chạy vừa dậm chân đạp nát những con rắn nhỏ này.
Có một con rắn trong suốt luôn đi theo trông chừng tôi. Vì nó trong suốt nên tôi chỉ nhìn thấy đôi mắt đen có lòng trắng đục của nó. Tôi dọn cơm cho chồng tôi ăn. Đôi đũa ông cầm là một cặp rắn trắng như ngà. Hai cái đầu rắn ngo ngoe trong lòng bàn tay ông làm tôi rợn tóc gáy.
Tôi sợ rắn quá. Tôi không muốn ở nơi chung quanh toàn là rắn nữa. Tôi muốn trở về thành phố cũ dù nơi ấy tôi chẳng còn ai quen. Tôi muốn được nghe tiếng người, nhìn thấy người. Tôi mở cửa trước rón rén đi, hai con rắn xanh lè như hai cọng đậu đũa bò trước mặt tôi. Vừa đi chúng vừa ngoái lại nhìn tôi. Sao những đôi mắt rắn giống nhau như hệt. Khi chúng nhìn tôi một lúc lâu, đôi mắt chúng bỗng trở thành đôi mắt hiếng. Tôi đi mãi và đi mãi. Ở cuối con đường có rặng mây trắng trông giống như chốn quê nhà.
Nguyễn thị Hải Hà
Đã xem 410 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments