Tác giả: Lỗ Tấn
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
Nói cho cùng, lễ Tất Niên của Âm Lịch là điều tất nhiên khi một năm kết thúc. Không cần nhắc đến những chuyện rộn ràng trong làng trong xã, ngay cả bầu trời cũng tuyên bố Tân Niên sắp đến bằng những ánh chớp thỉnh thoảng nhoáng lên giữa vầng mây chiều xám xịt và nặng nề, tiếp theo là hằng loạt tiếng nổ lẹt đẹt từ xa vọng lại, tiếng pháo tiễn đưa ông thần Táo. Tiếng pháo nổ nghe thật dòn tan, nếu pháo đốt gần tiếng nổ nghe to hơn nhiều, và trước khi lỗ tai bạn bớt lùng bùng, mùi thơm của pháo đã ngập tràn trong không khí. Trong một buổi chiều tương tự như buổi chiều hôm nay, tôi trở lại thăm Lỗ trấn. Tôi vẫn xem nơi này là quê hương dù không còn người thân thích ruột rà sống nơi đây. Thuở ấy; có một chuyện xảy ra khiến tôi phải giao căn nhà này cho ông cụ họ Lỗ thuộc thế hệ thứ Tư. Bởi vì ông là người cùng họ và thuộc hàng trưởng thượng nên tôi gọi là Chú Tứ.

Tốt nghiệp Đại học Hoàng gia, và theo phái Tân Nho, xem chừng chú chẳng thay đổi mấy, chỉ hơi già hơn xưa, mặc dù chú chẳng nuôi một bộ râu dài như mọi người dự đoán. Gặp tôi, chú kể những chuyện quen thuộc xảy ra ở đình quán trong làng, và nói luôn tên của những chỗ ấy. Chú bảo trông tôi béo ra, rồi chú lên án các nhà cầm quyền mới. Tôi biết, không phải chú gián tiếp tấn công tôi. Chữ “Mới” chú dùng là để chỉ những nhà cách mạng từ hai mươi năm trước, như Khang Hữu Vi[1] chẳng hạn. Bởi vì, khi chúng tôi tiếp tục trò chuyện vẩn vơ, lời nói của chúng tôi không bao giờ chống đối nhau, và chẳng mấy chốc tôi đã được tin cậy đến độ được cho phép một mình ở trong văn phòng của chú.
Hôm sau tôi thức giấc khá trễ, sau khi ăn trưa, tôi đi thăm bà con và bạn bè. Ngày thứ ba tôi cũng làm y như vậy. Mọi người chẳng thay đổi mấy, chỉ già đi một tị, thế thôi. Nhà nào cũng bận rộn chuẩn bị Lễ Vật Đón Tân Niên.[2] Ở Lỗ trấn đây là buổi lễ quan trọng nhất được tổ chức vào cuối năm. Với tất cả lòng sùng bái, tuyệt đối theo đúng nghi lễ cũng như giờ giấc, dân làng chuẩn bị chào đón các vị thần của Phước Lộc và cầu xin họ ban cho thịnh vượng trong năm mới.
Làm thịt gà và ngỗng; mua heo; các loại thịt được rửa sạch sẽ đến độ tay của đám phụ nữ trở nên đỏ ửng vì ngâm lâu trong nước. Vài phụ nữ đeo vòng xuyến bạc trên tay, ngay cả lúc họ rửa thịt. Vào ngày cuối cùng trong năm, sau khi thịt đã được nấu thành món, đũa được ném cầu may vào các đĩa chứa thức ăn. Đây là một “nghi lễ” để cầu thánh thần cho hưởng thật nhiều phước lộc trong năm mới. Vào canh năm, trước khi hừng đông của ngày đầu năm, tất cả các món ăn sẽ được mang ra, đốt nến, thắp hương; Các vị thần phước lộc sẽ được kính cẩn đón mời từ thượng giới xuống trần thụ hưởng buổi đại yến này. Nghi lễ đón rước các vị thần ban phước lộc này tuyệt đối dành riêng cho nam giới.
Sau khi buổi lễ kết thúc, pháo sẽ được đốt lên. Năm này sang năm khác, gia đình này đến gia đình khác, mọi lễ nghi đều được thực hiện trong cung cách như thế này miễn là họ có tiền để trang trải chi phí. Dĩ nhiên, năm nay cũng không nằm ngoài thông lệ.
Bầu trời càng lúc càng âm u hơn. Vừa xế chiều trời bắt đầu đổ tuyết. Cùng khắp chân trời, hòa quyện vào trong sương mù và không khí bận rộn vội vã, các đóa hoa tuyết to như hoa mơ nhảy múa trong không gian, khiến cho dân Lỗ trấn trở nên bối rối và buổi lễ rơi vào tình trạng bấn loạn.
Khi tôi về đến văn phòng của Chú Tứ, mái ngói đã trắng xóa và căn phòng sáng trưng vì tuyết phản chiếu ánh sáng vào khiến cho màu đỏ của tấm liễn treo trên tường càng trở nên rực rỡ. Tấm liễn chỉ có duy nhất chữ “Thọ” do một người đáng kính trong họ đề bút. Bên cạnh bức liễn là hai câu đối viết trên giấy cuộn, một cuộn bị rơi khỏi tường lỏng lẻo nằm trên cái bàn dài phía dưới tấm liễn. Câu đối còn lại tường có in hàng chữ: “Hiểu thấu đáo nguyên lý của cuộc đời thì tâm hồn trở nên yên tĩnh.” Tôi đến gần lục lọi trong chồng sách kết bằng chỉ đặt trên bàn bên cạnh cửa sổ: một bộ từ điển Khang Hy không trọn bộ, một quyển sách của Khổng Tử “Phản ánh về những thứ trong tầm tay,” và một quyển sách viết về Tứ Thư.[3] Ngay lúc ấy tôi quyết định, ngày mai tôi sẽ rời khỏi nơi đây. Thêm nữa, khi tôi nghĩ đến việc gặp lại chị Xianglin trên phố hôm qua, tôi biết rằng tôi không thể nào ở lại Lỗ trấn với một tâm hồn thanh thản.
Chuyện xảy ra vào buổi chiều, ngay sau khi tôi đến thăm một người bạn ở phía đông của thị trấn. Rời khỏi nhà bạn, tôi nhìn thấy chị Xianglin ở bờ sông. Đôi mắt của chị chăm chăm hướng về tôi. Trông vẻ mặt chị tôi biết chị muốn nói chuyện với tôi.
Trong tất cả mọi người tôi gặp khi về thăm làng, có thể nói rằng không ai thay đổi nhiều như chị: mái tóc lấm tấm sương hồi năm năm về trước bây giờ đã trở nên bạc trắng. Không ai có thể nghĩ là chị chỉ mới hơn bốn mươi. Màu da chị xạm lại cùng với đôi mắt quầng thâm, và càng tệ hơn là vẻ buồn thầm lặng luôn luôn vương vấn trên mặt chị ngày trước cũng biến mất. Mặt chị bây giờ như là tạc từ gỗ. Chỉ có đôi mắt thỉnh thoảng hấp háy khiến người ta nhận ra rằng chị vẫn là một người còn sống. Một tay chị xách cái giỏ tre; trong đó một cái chén bị mẻ – chén trống không. Tay kia chị chống một cây gậy tre, cao hơn chị, và nó đã bắt đầu toác ra ở dưới chân gậy. Thật rõ ràng, chị đã trở thành một mụ ăn mày, đơn giản thế thôi. Tôi đứng yên, chờ cho chị đến gần tôi để xin tiền.
“Cậu trở về thăm làng đấy à,” chị mở đầu.
“Vâng.”
“Cậu đúng là người mà tôi muốn gặp. Cậu đọc nhiều sách. Cậu đã vào đời và chắc hẳn gặp nhiều điều hay ho. Cậu kể cho tôi nghe đi. . .” Đôi mắt chị, mới lúc nãy chẳng có chút sinh khí nào bây giờ bỗng dưng ngời sáng. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chị sẽ bắt đầu câu chuyện như vậy nên đâm ra sững sờ.
“Cậu hãy kể cho tôi nghe…” chị bước thêm vài bước đến gần tôi hơn, hạ thấp giọng như muốn san sẻ một chuyện bí mật, và tiếp tục hỏi gấp rút:
“Có thật là linh hồn tồn tại sau khi người ta chết đi?”
Tôi kinh hoàng vì câu hỏi của chị. Nhìn đôi mắt chị xoáy chặt vào tôi, tôi bỗng lo lắng đến độ người ta có thể nghĩ rằng tôi vừa bị ném một nắm gai nhọn trúng vào lưng áo của tôi. Tôi thắc thỏm còn hơn lúc nhỏ đi học bất thình lình bị thầy giáo hỏi một câu rồi nhìn thẳng vào mặt tôi chờ câu trả lời.
Thật ra tôi chẳng quan tâm việc có linh hồn hay không, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là câu trả lời nào sẽ tốt cho chị nhất, để tôi có thể trả lời chị ngay nơi ấy và lúc ấy? Tôi ngập ngừng, cố kéo dài thêm giây lát để có thì giờ suy nghĩ. Tôi biết người ở xứ quê mùa này, theo lẽ thường, tin là có ma, nhưng lúc này, trông chị có vẻ ngờ hoặc – hay nói đúng hơn có vẻ “hy vọng” – dường như chị hy vọng rằng thật sự có linh hồn, mặt khác, chị lại hy vọng là không có. Tại sao lại làm tăng thêm nỗi khổ của một người đàn bà đã nghèo khổ ở mức cùng cực của cuộc đời? Để giúp chị, có lẽ tốt nhất là nên nói với chị, linh hồn của người ta có thật.
Tôi ngần ngừ và tằng hắng vài tiếng: “Có lẽ có. Có thể có. Theo như tôi thấy –”
“Thế thì phải có cả địa ngục nữa, đúng không?”
“Cái gì cơ? Địa ngục à?” Bị hỏi bất thình lình, không đề phòng, tôi trả lời quanh quẩn né tránh. “Nói cho hợp lý, tôi nghĩ là phải có, nhưng chẳng cần thiết là phải có. Ai mà có thì giờ để nghĩ về mấy chuyện này chứ?”
“Nhưng nếu thật sự có linh hồn, thì những người thân thuộc đã chết sẽ gặp lại nhau chứ, đúng không?”
Ngay lúc ấy, tôi thấy rằng, có lẽ tốt nhất là tôi cứ làm một thằng thất học, bởi vì cho dù tôi có lẩn tránh, cố moi óc để suy nghĩ, tôi vẫn không thể thẳng thắn trả lời ba câu hỏi của người đàn bà quê mùa đơn giản này. Bỗng nhiên tôi trở nên nhút nhát và tìm cách vô hiệu hóa những gì tôi đã nói trước đó. “Chị thấy đó… Nói thật ra, tôi cũng không biết chắc chắn. Sự thật là chính tôi cũng không biết chắc chắn là có linh hồn hay không.” Nhân lúc chị tạm dừng những câu hỏi kiên trì của chị, tôi vội vàng rút lui về nhà Chú Tư.
Trong lòng vẫn áy náy, tôi nghiền ngẫm chuyện này. “Rất có thể câu trả lời của tôi sẽ gây họa cho chị ấy,” tôi nghĩ. “Cũng có thể lắm chứ. Phải chăng vì ai cũng bận bịu chuẩn bị Lễ Vật Đón Tân Niên không chú ý đến chị khiến chị càng cảm thấy cô đơn hơn – hay là có nguyên nhân nào khác sâu xa hơn thế nữa? Chị linh cảm có điều không may sẽ ra cho chị? Nếu có điều gì đó sâu xa hơn mà không ai biết rõ, và điều ấy sẽ gây ra tai nạn đáng tiếc cho chị thì tôi cũng có tội bởi vì những điều tôi đã nói với chị…”
Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy buồn cười cho chính tôi. Chuyện xảy ra, chẳng qua chỉ là chuyện tình cờ và không có gì quan trọng. Tuy thế, tôi cứ phân tích tỉ mỉ thế nọ thế kia. Có đáng ngạc nhiên không, nếu các học giả bạn đồng nghiệp của tôi, kết án tôi là kẻ khùng điên? Thêm nữa, tôi đã cẩn thận nói nước đôi, là “chính tôi cũng không biết chắc chắn” để câu nói của tôi không gây tổn hại gì cả. “Nếu mà có chuyện gì thật sự xảy ra,” tôi nghĩ, “chắc chắn không phải lỗi tại tôi.”
Không biết chắc chắn – thật là một cách biểu lộ tuyệt vời! Những người trẻ tuổi không nản chí, thiếu kinh nghiệm, thường tìm ra kế hoạch hành động để giúp một người bạn không biết quyết định, thậm chí họ còn giúp người ta đi tìm và chọn lựa bác sĩ chữa bệnh cá nhân. Khi mọi việc không xảy ra suôn sẻ, dĩ nhiên, họ chỉ thành công trong việc chuốc lấy kẻ thù.
Ngược lại, nếu như bạn kết luận bất cứ điều gì bạn nói với câu không biết chắc chắn, bạn có thể ung dung cho dù việc gì có xảy ra thế nào đi nữa. Sau cuộc gặp gỡ với chị Xianglin trên đường phố hôm ấy tôi thấy giá trị thực dụng của những câu nói theo công thức, rất là cần thiết. Tôi không hề thấy dễ dàng hòa hợp với bất cứ ai nếu không có những câu nói theo công thức ấy, ngay cả khi nói chuyện với một người ăn xin.
Tuy thế, cơn áy náy của tôi vẫn tiếp tục. Ngay cả sau khi ngủ một giấc dài thật ngon tôi vẫn không thể loại hình ảnh của chị ra khỏi đầu óc tôi. Dường như tôi có linh cảm là tai họa sẽ xảy ra. Bầu không khí trì trệ trong văn phòng của chú Tứ kết hợp với vẻ u ám của bầu trời đầy tuyết càng làm tăng thêm nỗi bồn chồn lo lắng trong tôi. “Tốt hơn hết là ta nên rời chỗ này và trở về thành phố ngày mai,” tôi tự nhủ. “Súp vi cá chỉ tốn một đồng một chén ở Phục Hưng – thức ăn ngon mà giá lại rẻ. Không biết bây giờ giá cả đã tăng chưa? Đám bạn cùng tôi đến Phục Hưng, đã từ lâu tản mác bốn phương, nhưng tôi không thể bỏ lỡ cở hội được thưởng thức món súp vi cá cho dù tôi phải ăn một mình… Tôi chắc chắn phải rời nơi này, chuyện gì thì sẽ tính sau.
Tôi thường khi gặp những điều mà tôi hy vọng chúng sẽ không xảy ra như tôi dự đoán; nhưng bắt đầu và lần lượt hết cái này đến cái khác chúng xảy ra đúng như tôi hằng lo sợ. Bây giờ, tôi bắt đầu lo lắng chuyện của chị Xianglin sẽ xảy ra như vậy. Thật là không sai, những chuyện kỳ dị bắt đầu xảy ra. Vừa sập tối, tôi nghe người ta nói chuyện lào xào ở phía nội thất. Không mấy chốc, cuộc trò chuyện chấm dứt, và tôi chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng của Chú Tứ đi đi lại lại. Rồi chú bắt đầu nói lớn tiếng. “Không một phút sớm hơn, không một phút chậm hơn, lại chọn chính xác vào giờ khắc này trong năm! Các người có thể biết rằng, việc này quả là một quả bom thối mà chúng ta phải giải quyết!”
Thoạt tiên tôi chỉ tò mò chuyện gì đã xảy ra, nhưng sau đó tôi cảm thấy bất an, bởi vì lời nói của Chú Tứ có vẻ như ám chỉ chuyện gì đó liên quan đến tôi, nhưng chẳng có ai chung quanh để tôi có thể hỏi han. Tôi đứng ngồi không yên cho đến lúc trước bữa ăn tối, khi một người giúp việc tạm thời, thuê vào làm trong những ngày lễ chạp, vào phòng tôi để pha trà. Cuối cùng rồi tôi cũng tìm ra cơ hội.
“Ông chủ đang giận ai vậy?”
“Chị Xianglin, chứ còn ai?” Câu trả lời ngắn gọn, thẳng thắn.
“Có chuyện gì với chị Xianglin ?” Tôi hỏi một cách ngại ngùng.
“Chị ấy đi rồi.”[4]
“Đi rồi?” Trái tim tôi co thắt lại như một nhúm chỉ rối và dường như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Mặt tôi có lẽ cũng biến sắc, nhưng từ đầu đến cuối, người giúp việc cúi đầu và lo châm trà, không chú ý đến thái độ của tôi. Bắt buộc mình phải bình tĩnh, tôi hỏi tiếp.
“Chị ấy chết lúc nào?”
“Lúc nào? Tối hôm qua, có thể là sáng hôm nay. Tôi không thể trả lời chắc chắn.”
“Tại sao chị ấy chết gì?
“Lý do gì? Lý do nghèo, còn gì khác hơn chứ?” Anh ta trả lời bằng một giọng đều đều và vô cảm; vẫn không ngẩng đầu lên để nhìn tôi, anh ấy ra khỏi phòng.
Khá ngạc nhiên, tuy vậy, nỗi bồn chồn lo lắng của tôi chỉ xảy ra tạm thời, bởi vì ngay sau khi người giúp việc đi rồi, tôi cảm thấy chuyện gì phải xảy ra, đã đến và chấm dứt. Không cần đến biện pháp không thể trả lời chắc chắn hay áp dụng công thức của người giúp việc phủi bỏ câu chuyện hoàn toàn – Lý do nghèo, còn gì khác hơn chứ? Tôi dần dần lấy lại sự tự chủ và yên tâm. Tuy thế, tôi vẫn đôi khi cảm thấy có chút gì tội lỗi.
Với sự hiện diện nghiêm nghị của Chú Tứ, chúng tôi dùng bữa tối. Tôi muốn tìm hiểu thêm cái chết của chị Xianglin, nhưng tôi biết, mặc dù Chú Tứ biết rằng hồn ma bóng quế chỉ là sự biến thể của hai quyền lực âm dương, chú vẫn rất là dị đoan và sẽ nhất quyết không đề cập hay thảo luận, với bất cứ giá nào, bất cứ vấn đề gì có liên quan đến bệnh tật hay chết chóc khi sắp đến giờ dâng Lễ Vật Đón Tân Niên. Nếu những chủ đề này được mang ra thảo luận, người ta phải có cách nói gián tiếp để tránh đụng chạm đến những điều cấm kỵ. Đáng tiếc, tôi không biết loại ngôn ngữ thích hợp này nên có nhiều lúc tôi muốn hỏi một vài điều nhưng tôi đã làm thinh. Khi tôi nhìn vẻ mặt nghiêm trang của chú, tôi bỗng nghĩ rằng, kể cả tôi nữa, đã “không một phút sớm hơn, không một phút chậm hơn, lại chọn chính xác vào giờ khắc này trong năm” đến nơi này và quấy nhiễu tâm trạng bình an của chú. Ngay cả tôi, cũng là “một quả bom thối.” Tôi quyết định phải làm cho chú yên tâm càng sớm càng tốt, tôi báo với chú là tôi sẽ rời Lỗ trấn sáng hôm sau và trở lại thành phố. Chú lắc đầu cho có lệ tỏ vẻ không đồng ý. Chúng tôi im lặng ăn trong bầu không khí nặng nề.
Ngày mùa đông rất ngắn. Trời có tuyết càng làm ngày ngắn ngủi hơn vì thế khi bữa ăn chấm dứt thì màn đêm đã bao trùm cả thị trấn. Bên cạnh những ngọn đèn thắp trong đêm Giao Thừa, trong từng mỗi ngôi nhà, người ta rộn ràng chuẩn bị cho buổi tiệc ngày hôm sau.
Bên ngoài cửa sổ, của ngần ấy ngôi nhà, chỉ có sự yên lặng hoàn toàn cô độc. Những đóa hoa tuyết to lớn rơi trên một tấm chăn màu trắng đã trải thật dày ngoài sân. Dường như tôi có thể nghe cả tiếng hoa tuyết rơi chạm mặt đất, cái tiếng tuyết rơi này càng làm cho tôi cảm thấy sự im lặng và cô đơn rõ rệt hơn. Ngồi trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu, ý nghĩ của tôi lại trở về với chị Xianglin.
Không còn gì để lại, không có ai để hướng về, chị đã bị xô vào đống rác thải như một món đồ chơi hư cũ người ta đã chán chê không còn muốn nhìn. Tuy vậy, chị Xianglin vẫn cố gắng giữ gìn phong thái của chị ngay cả lúc chị ở giữa bãi rác. Người ta đang sống trong hạnh phúc chắc chắn sẽ nghĩ rằng thật lạ lùng chị ấy chọn tiếp tục lối sống như thế.
Giờ đây, cuối cùng rồi Vô Thường[5] đã cuốn chị đi không để lại dấu vết nào nữa. Tôi không biết linh hồn có thật hay không, nhưng trong thế giới mà chúng ta đang sống, khi một người không còn phương tiện để kiếm sống chết đi rồi; khi một người mà người ta đã chán không còn muốn nhìn thấy không còn ở chung quanh để chướng mắt người, thì không ai có thể bảo rằng chị ấy đã có cuộc sống không tốt đẹp hay chị có cuộc đời thất bại, cho dù đó là lời chị ấy tự nói về mình hay người khác nói về chị. Ngồi im lặng, nghe tiếng hoa tuyết rơi lao xao, nghĩ về những điều đã nghĩ, dần dần và cũng bất ngờ, tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu.
Ngồi đấy, những mảnh nhỏ vụn vặt về cuộc đời của chị Xianglin mà tôi là nhân chứng hay nghe người khác kể lại, từ từ ráp lại với nhau và vẽ thành một bức chân dung về cuộc đời của chị.
@ @ @
Chị ấy không phải là người sinh ra lớn lên ở Lỗ trấn.
Mùa đông năm ấy, người ta quyết định thay đổi mấy bà cô giúp việc ở nhà Chú Tứ. Bà cụ Huê làm trung gian, kiếm được một người giúp việc mới.
Tóc buộc lại phía sau bằng một miếng len trắng, chị ấy mặc áo đen, áo khoác hai lớp tay dài màu xanh đậm, và bên ngoài cùng là cái áo khoác sát cánh màu xanh nhạt. Tuổi chừng hai mươi sáu hay hai mươi bảy, mặc dù hơi xanh xao, đôi má của chị lại ửng hồng. Bà cụ Huê gọi chị là chị Xianglin và bảo rằng chị là người láng giếng của mẹ bà. Chồng vừa qua đời, chị Xianglin đi tìm việc làm. Chú Tứ cau mày tỏ vẻ không chịu và vợ ông hiểu tại sao: ông không muốn thuê góa phụ vào làm việc. Thím nhắc cho chồng biết rắng chị Xianglin trông hình dáng gọn gàng xinh đẹp, tay chân khỏe mạnh, và hơn nữa, chị luôn luôn tránh cái nhìn soi mói, ít nói – rất đúng kiểu người giúp việc chăm chỉ và ngoan ngoãn, biết thân biết phận. Vì thế mặc dù Chú Tứ không đồng ý, vợ của ông vẫn để cho chị vào làm thử.
Trong thời gian thử thách, từ sáng đến tối, chị Xianglin luôn luôn làm việc, chăm chỉ đến độ người ta nghĩ rằng nếu không bận rộn chị sẽ buồn chán lắm. Thêm vào đó chị lại rất khỏe mạnh, không kém một người đàn ông. Sau ba ngày, việc thu nhận chị vào làm được quyết định: chị Xianglin trở thành đầy tớ với giá lương mỗi tháng 500 đồng tiền.
Mọi người đều gọi chị là chị Xianglin. Không ai hỏi tên con gái của chị, nhưng bà Huê là người sống ở làng núi Huê và bà nói rằng chị là láng giềng của mẹ bà, do đó người ta đoán họ của chị cũng là Huê. Chị rất ít nói; khi người ta hỏi thì chị trả lời, nhưng ngay cả lúc trả lời chị cũng không tự nguyện nói về chị nhiều như người ta muốn.
Ở làng Huê, chị có bà mẹ chồng rất khắc nghiệt, và một người em chồng mới mười tuổi, chỉ vừa đủ lớn để đi nhặt củi. Chồng chị mới vừa qua đời vào mùa xuân. Trẻ hơn chị mười tuổi, anh ấy cũng là người nhặt củi để nấu ăn và đốt sưởi. Những chuyện này được kể lại lúc này một chút lúc khác một chút, trong một hay hai tuần đầu tiên. Tất cả những điều người ta biết về chị chỉ có thế.
Ngày tháng trôi nhanh, nhưng chị Xianglin không hề làm việc chậm lại. Chị rất kỹ lưỡng với công việc, làm việc bằng hết sức mình, nhưng không hề xem việc ăn uống là quan trọng. Người ta bắt đầu khen ngợi là nhà Chú Tứ có thuê một người đàn bà làm việc giỏi hơn đàn ông.
Đến cuối năm, một tay chị lau rửa hết bên trong nhà, quét dọn tươm tất ngoài sân, giết thịt ngỗng và gà, làm suốt đêm chuẩn bị lễ vật dâng cúng để nhà họ Lỗ được phước lộc tràn trề trong năm mới. Tân Niên của năm ấy, Chú Tứ đã không cần phải thuê thêm người giúp việc. Mặc dù công việc nặng nhọc, chị Xianglin có vẻ khá hài lòng với cuộc sống của chị. Nơi khóe môi chị bắt đầu loáng thoáng nét cười và mặt chị đầy đặn hơn.
Vừa sau Tân Niên, ngày nọ chị trở về sau khi vo gạo ở bờ sông với vẻ mặt tái mét vì hoảng hốt. Chị kể rằng chị thấy một gã đàn ông đang rình mò theo dõi chị cách một quảng khá xa bên kia bờ sông. Chị lo sợ là gã đang tìm bắt chị. Thím Tứ đâm ra nghi ngờ, nhưng khi thím bắt đầu hỏi cặn kẽ thì chị im bặt. Chú Tứ biết chuyện, nhăn mặt nói: “Ngó bộ không hay. Có lẽ cô ấy là kẻ đang chạy trốn.” Chẳng mấy lâu, sự nghi ngờ của chú trở thành sự thật.
Vài tuần sau, khi mọi người bắt đầu quên câu chuyện đã xảy ra, bà cụ Huê thình lình xuất hiện. Bà dẫn theo một người đàn bà trạc tuổi hơn ba mươi. Đây là, bà nói, mẹ chồng của chị Xianglin.
Mặc dù người đàn bà có vẻ như người sống ở rừng núi, bà ta có thái độ tự nhiên và ăn nói khá bặt thiệp. Sau khi chào hỏi thông thường, bà ta xin lỗi mọi người vì đã vào nhà đột ngột và bảo là muốn đón con dâu về nhà. Bà bảo rằng vì mùa xuân đã bắt đầu, và là mùa bận rộn của nông dân. Bởi vì người trong gia đình bà hoặc là già quá, hoặc là trẻ quá, họ thiếu người làm việc và vì thế rất cần chị Xianglin.
“Bởi vì mẹ chồng của cô ấy muốn cô ấy quay về, chúng ta có thể nói gì chứ?” Chú Tứ góp ý.
Lương của chị Xianglin được cộng lại: một ngàn bảy trăm năm chục đồng tiền. Khi chị bắt đầu làm việc, chị nhờ Thím Tứ giữ tiền cho chị và chưa hề dùng số tiền này. Bây giờ trọn số tiền được giao lại cho mẹ chồng của chị, bà ta cũng gom hết đồ dùng quần áo của chị. Khi bà mẹ chồng bắt đầu cảm ơn mọi người và ra về, lúc ấy trời đã trưa.
Mãi thật lâu sau khi mọi người đã ra đi, thím Tứ mới sực nhớ và kêu lên: “Thúng gạo! Có phải chị Xianglin chuẩn bị nấu ăn?” Thím Tứ có lẽ bắt đầu cảm thấy đói và chợt nhớ đến bữa ăn trưa. Rồi thì thím và Chú Tứ đi tìm thúng gạo. Thím tìm ở nhà bếp trước, rồi sảnh đường, rồi cuối cùng là phòng ngủ của chị Xianglin – không một dấu vết nào cả. Chú Tứ ra ngoài đi tìm, nhưng cũng chẳng thấy nó đâu. Mãi cho đến khi chú ra đến bờ sông, thì nhìn thấy thúng gạo. Nó được đặt ngay ngắn bên bờ sông, cái bắp cải vẫn còn để bên cạnh.
Theo lời kể của những người biết chuyện, một chiếc ghe mui trắng đã cột neo ở bờ sông buổi sáng ngày hôm ấy, mui ghe che kín nên không ai nhìn thấy gì ở bên trong. Cũng chẳng ai để ý đến chiếc ghe lúc ấy. Nhưng sau đó, khi chị Xianglin xuống bờ sông, hai người đàn ông nấp trong ghe nhảy lên bờ lúc chị đang quỳ gối vo gạo trên bờ sông. Một người ôm chặt chị trong tay, còn người kia giúp hắn đẩy chị lên ghe. Chị Xianglin kêu cứu đôi ba lần, nhưng sau đó chị trở nên im bặt. Có lẽ họ đã bịt mồm chị. Không lâu sau đó, hai người đàn bà xuất hiện từ chiếc ghe. Một người là bà cụ Huê. Không ai biết mặt người đàn bà kia. Một vài người dân trong thị trấn cố nhìn trộm vào cửa ghe nhưng bên trong tối quá họ không nhìn thấy rõ ràng. Tuy vậy họ cũng thấy hình dáng chị Xianglin nằm trên sàn ghe, bị trói gô lại.
“Đáng khinh bỉ! Nhưng mà…” Chú Tứ nói.
Thím Tứ phải nấu cơm ngày hôm ấy. Cậu con trai, Ah-niu, nhóm lửa. Sau bữa ăn trưa, bà cụ Huê trở lại.
“Bà thất đáng khinh bỉ!” Chú Tư mắng bà.
“Bà làm cái quái gì thế nhỉ? Thật là bà không biết nhục lại còn bén mảng đến đây.” Thím Tư nói một cách giận dữ khi đang rửa chén. “Chính bà đã mang cô ấy đến đây, rồi cũng chính bà giúp người ta bắt cóc cô ấy! Bao nhiêu chuyện đàm tiếu trong xóm làng khi bà thực hiện âm mưu của bà? Bà muốn cái gì chứ? Khiến cho hàng xóm chế nhạo chúng tôi ư?
“Ây da… ây da. Tôi thật là thấm lắm rồi. Tôi cố gặp bà hôm nay để làm sáng tỏ mọi chuyện. Khi xưa chị Xianglin đến gặp tôi ngỏ ý muốn tìm chỗ ở. Làm sao tôi biết được chuyện chị ấy làm sau lưng bà mẹ chồng của chị ấy chứ? Xin phép bà cho tôi thưa chuyện, thưa ông chủ và bà chủ, tôi thật là hối hận. Tôi lỡ lầm lần này không được cẩn thận như lúc trước. Tôi đã làm sai trái gây phiền toái cho hai người thân chủ tốt nhất của tôi. Tôi thật là may mắn vì hai ông bà luôn luôn là người tốt bụng, luôn luôn thông cảm và tha thứ, chứ không phải người khó tính với những kẻ quê mùa như tôi. Xin ông bà đừng chấp. Tôi sẽ tìm cho ông bà một người giúp việc thật tốt để đền bù…”
“Thế nhưng…” Chú Tư nói.
Và thế là chấm dứt câu chuyện của chị Xianglin. Không lâu, câu chuyện ấy hoàn toàn bị quên lãng.
@ @ @
Chỉ có Thím Tứ là còn nhắc đến tên chị ấy, và đó là bởi vì thím không vừa ý với những người giúp việc sau này. Đa số họ đều lười biếng hoặc là người ăn bòn thâm thủng nhà chủ – và đôi khi họ mang cả hai tật xấu nói trên. Mỗi khi phật ý với những người giúp việc mới, thím thường hay nói một mình: “Không biết cô ấy giờ này ra sao?” Điều mà thím thật sự muốn nói là ước gì chị Xianglin trở lại. Sau rằm tháng Giêng của Tân Niên, thím đành thôi không còn nuôi hy vọng nữa.
Sau rằm tháng Giêng bà cụ Huê đang lúc say ngà ngà xuất hiện ở nhà Chú Tư để chúc mừng năm mới. Bà kể bà về quê thăm gia đình và ở vài ngày với cha mẹ, đó là lý do bà đến chúc mừng trễ. Trong lúc nói chuyện dĩ nhiên tên của chị Xianglin được nhắc đến.
“Chị Xianglin?” bà cụ Huê bắt đầu thổ lộ tâm tình. “Cuộc đời chị ấy đến hồi may mắn trở lại. Trước khi bà mẹ chồng của chị đến bắt chị về, thì bà ta đã gả chị ấy cho đứa con thứ Sáu của gia đình họ Hà ở làng Hà.”
“Ối trời! Mẹ chồng gì mà làm chuyện động trời như vậy?” Thím Tư hỏi một cách sửng sốt.
“Bà chủ ơi, bà nói y hệt như những bà vợ nhà giàu! Ở trên vùng núi đồi đám nhà nghèo như chúng tôi, chuyện như vậy xảy ra hà rầm. Chị Xianglin có người em chồng nhỏ tuổi hơn. Bà cũng biết mà. Cậu ấy cũng cần phải cưới vợ, đúng không? Nếu họ không đem gã bán chị Xianglin thì lấy đâu ra tiền để cưới vợ cho cậu ta. Cái bà mẹ chồng ấy thật là tay đáo để. Rất là toan tính mưu mô. Đó là cách bà ấy đem bán con dâu cho một người sống mãi trong rừng sâu núi cao, chứ nếu bán cho người trong làng thì làm gì được giá cao chứ? Chẳng có mấy cô gái chịu lấy chồng sống trong rừng núi, bởi thế bà bán con dâu với giá tám xâu tiền đồng, còn cô vợ cưới cho con trai chỉ với giá năm xâu tiền. Trả tiền làm đám cưới tiền mai mối, bà ta còn lời được mười xâu. Thật đúng là người biết tính toán. Phải không bà chủ?”
“Thế chị Xianglin đồng ý để người ta gả bán chị ấy sao?”
“Không đồng ý thì làm được gì? Kháng cự ư? Dĩ nhiên cô ấy cũng vùng vẫy chống đối, nhưng người ta cứ trói gô lại như trói heo, cột cô ấy vào kiệu cưới[6] và khiêng cô ấy đến nhà chồng. Trên nguyên tắc, người ta chỉ cần đội cho cô cái mão cô dâu, bắt cả hai làm lễ tơ hồng, rồi nhốt cô dâu vào phòng chú rễ. Thế là xong.”
“Nhưng Chị Xianglin thì lại khác – chị kháng cự mạnh mẽ chưa từng thấy. Người ta nói có thể chị phản ứng như thế là bởi vì chị làm việc trong một gia đình có giáo dục và đạo đức, chứ chị không chỉ là một cô góa phụ tồi tàn bị người ta bắt đi tái giá. Thưa bà chủ, tôi làm nghề mai mối lâu năm, đã từng gặp chuyện như thế này khá nhiều. Khi bị bắt tái giá lần thứ nhì, có người la hét; có người tìm cách tự tử; có người chờ đến nhà người chồng rồi đập phá đến độ người ta không thể làm xong lễ cưới; còn có người đập phá hết mấy cây nến hồng đốt trong lễ cưới.
“Chị Xianglin vượt bực so với những người này. Người ta kể lại là chị vừa kêu khóc vừa nguyền rủa suốt con đường bị đưa đến nhà chồng đến nỗi khi đến nơi chị hoàn toàn bị tắt tiếng. Người ta phải lôi kéo chị ra khỏi kiệu cưới nhưng ngay cả hai người đàn ông khỏe mạnh, cộng thêm ông anh chồng, dùng hết sức mạnh để kềm chế bọn họ vẫn không thể bắt chị bái lạy cho xong lễ cưới. Rồi nhân khi họ sơ ý trong chớp mắt – ôi chà, xin Trời Phật phù hộ chúng con, chị đập mạnh đầu vào cạnh bàn đốt hương làm lủng một lỗ to tướng, máu phụt ra tung tóe. Họ hốt một vốc tro hương, nhét vào cái lỗ thủng rồi lấy vải đỏ băng bó vết thương, nhưng vẫn không thể cầm máu. Mọi người giãn ra (mọi người chồng chất lên nhau trong lúc vật lộn với lễ cưới của chị) ra về sau khi nhốt chị và người chồng chung với nhau trong phòng tân hôn khóa cửa từ bên ngoài; chị vẫn tiếp tục chửi rủa cho xứng đáng với tiết hạnh của chị. Ôi trời ơi, chị thật là, thật là . . .” Bà ta lắc đầu, cúi mặt, và ngừng lại lúc ấy.
“Rồi sao nữa?” Thím Tứ hỏi tiếp.
“Tôi nghe kể là sáng hôm sau chị không thức dậy,” Bà Huê nhướng mày, trả lời.
“Rồi thì sao?”
“Thì chị ấy cũng trờ dậy. Đến cuối năm chị có một đứa con, con trai. Đến Tân Niên năm nay thì nó được hai tuổi[7]. Mấy hôm trước khi tôi ở nhà bố mẹ tôi, có người có việc đi đến thung lũng gia đình họ Hà, nói rằng có gặp hai mẹ con chị Xianglin. Thằng bé con kháu khỉnh và bụ bẫm, bà mẹ cũng đầy đặn khỏe mạnh. Càng tuyệt hơn nữa, là chị ấy không còn bị bà mẹ chồng đàn áp chị nữa. Chị có một ông chồng khỏe mạnh và biết làm ruộng rẫy, căn nhà hoàn toàn là của hai vợ chồng chị. Rồi cũng đến lúc vận may quay trở lại với chị!”
Sau buổi trò chuyện ấy, Thiếm Tứ không bao giờ nhắc đến tên chị nữa.
@ @ @
Nhưng một năm kia, cũng vào mùa thu – có lẽ sau cái năm vận may quay trở lại với chị – mọi người hoàn toàn ngạc nhiên khi nhìn thấy chị một lần nữa đứng dưới sảnh đường chính trong nhà của chú Tứ. Cái giỏ tre của chị, hình dáng giống như củ năng, đặt trên bàn, và tấm chiếu nhỏ cuộn tròn dựng ngoài hiên. Trông chị cũng giống như lần đầu chị đến xin việc: tóc cột phía sau bằng một miếng len trắng; váy đen và cái áo khoác hai lớp tay dài màu xanh đậm; và một cái áo khoác bên ngoài sát cánh màu xanh nhạt. Nhưng đôi má của chị không còn phơn phớt hồng như ngày xưa, cái màu má đã giúp làn da chị bớt phần nhợt nhạt. Chị nhìn chỗ khác; vẻ tinh anh của đôi mắt ngày xưa giờ không còn, ở khóe mắt đọng dấu nước mắt. Cũng giống như lần đầu, cũng là bà Huê dẫn chị đến. Khoác lên người cái vẻ nhân hậu, bà nói liên tu bất tận.
“Thình lình như sét nổ ngang đầu – cái câu nói này thật là quan trọng. Người chồng của chị là một anh chàng trẻ tuổi vạm vỡ. Có ai ngờ một con ngựa tơ như thế mà lại chết vì bệnh thương hàn. Thật ra, anh ta đã khỏi bệnh, nhưng sau đó anh ăn một chén cơm nguội, và bệnh của anh tái phát. Cũng may là anh để lại đứa con và chị Xianglin là người biết làm việc. Nhặt củi, hái trà, nuôi tằm, chẳng có gì khó khăn. Đáng nhẽ ra chị có thể giữ nếp sống như thế. Đâu có ai ngờ rằng khi mùa xuân sắp hết lại có lũ sói vào làng. Thế mà có một con lạc vào làng và bắt tha con của chị đi.
“Giờ đây chị chẳng còn ai ngoài bản thân. Anh chồng của chị đến và lấy lại căn nhà, đuổi chị đi.[8] Bây giờ chị ở trong tình thế khá nan giải. Chị chẳng còn biết làm gì ngoài việc đến đây để cầu xin sự giúp đỡ của người chủ cũ. Điểm tốt là bây giờ chị chẳng còn bị ai ràng buộc cả. Cũng may là bà chủ đang tìm người giúp việc nên tôi quyết định dẫn chị ấy đến đây. Tôi nghĩ rằng vì chị đã quen đường đi nước bước, nên tốt cho bà chủ hơn nếu bà nhận chị làm việc trở lại thay vì mướn người mới . . .”
“Tôi thật là ngu, thật là ngu.” chị Xianglin bắt đầu nói khi chị ngẩng lên nhìn với đôi mắt vô hồn. “Tôi chỉ biết là khi trời có tuyết, thú rừng không có gì để ăn, đôi khi chúng vào làng. Nhưng tôi không ngờ là chúng cũng xuất hiện vào mùa xuân. Tôi dậy sớm, mở cửa, đổ đầy đậu vào một cái rổ, và bảo Ah-mao ra ngoài, ngồi cạnh cửa, và lột vỏ đậu. Nó luôn luôn vâng lời, tôi bảo gì cũng làm theo. Nó ra ngoài và tôi vào bên trong bửa củi vo gạo. Tôi cho gạo vào nồi và chuẩn bị hấp đậu bên trên lớp cơm. ‘Ah-mao!’ Không ai trả lời. Tôi ra ngoài và thấy đậu văng tung tóe trên mặt đất, nhưng Ah-mao biến mất.
“Ah-mao không phải là đứa trẻ chạy sang nhà láng giềng để chơi, nhưng tôi vẫn đi hỏi khắp nơi. Chẳng ai nhìn thấy cháu cả. Thế là tôi bắt đầu lo lắng, van xin mọi người giúp đi tìm cháu khắp nơi. Cho đến khi chiều tối, láng giềng tìm khắp mọi nơi. Cuối cùng họ kêu lên khi nhìn thấy một chiếc giày nhỏ bé của cháu vướng trên một nhánh cây nhỏ trong bụi rặm. Họ nghĩ là cháu chắc chắn là không còn sống vì đã bị sói bắt. Họ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi nhìn thấy cháu nằm trong ổ sói. Bụng của cháu mở banh ra và ruột gan đã bị ăn hết. Bàn tay của cháu vẫn còn nắm chặc cái rổ đậu.” Chị tiếp tục nói nhưng giờ đây chị khóc nức nở nên không nói nguyên câu được nữa.
Thoạt tiên, Thím Tứ ngập ngừng, nhưng sau khi nghe chính chị Xianglin kể lại câu chuyện, đôi mắt thím cũng đỏ hoe. Thím suy nghĩ một hồi rồi bảo chị Xianglin mang mền gối sang dãy phòng của đầy tớ ở. Như thể trút được gánh nặng, bà Huê thở phào nhẹ nhõm. Chị Xianglin nhìn có vẻ dễ chịu hơn lúc chị mới đến. Không đợi ai dẫn đường, chị mang giỏ và chiếu về phòng của chị. Một lần nữa chị Xianglin làm người đầy tớ ở Lỗ trấn.
Gia đình nhà chủ vẫn gọi chị là chị Xianglin như trước đây nhưng tình trạng của chị bây giờ hoàn toàn khác hẳn. Chị mới trở lại làm vài ngày thôi nhưng nhà chủ đã nhận ra chị không còn đi đứng nhanh nhẹn như trước và trí nhớ của chị cũng giảm đi nhiều. Hơn thế nữa, từ ngày này sang ngày khác, không còn dấu vết gì của nụ cười trên khuôn mặt giống như xác chết của chị. Khi nói chuyện với chị, vẻ không hài lòng hiện rõ trong giọng nói của thím Tứ.
Ngay ngày đầu khi chị quay trở lại, chú Tứ đã cau mặt tỏ vẻ không hài lòng, nhưng vì hai vợ chồng ông đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người giúp việc, nên ông không quả quyết ngăn cấm chị trở lại làm việc. Tuy thế ông cảnh cáo riêng với bà vợ: “Những người như chị ấy có vẻ đáng thương hại thật đấy, nhưng mình phải nhớ là họ là người mang ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức của xã hội.[9] Có thể cho phép chị ấy giúp công việc trong nhà, nhưng tuyệt đối đừng để cho chị nhúng tay vào việc chuẩn bị lễ vật đón Tân niên. Bà phải tự tay làm lễ vật; nếu không các thứ lễ vật này sẽ bị nhuốm bẩn và tổ tiên của chúng ta sẽ không nhận lễ vật.”
Trong gia đình chú Tứ, dâng lễ vật cúng tổ tiên là điều quan trọng nhất trong năm, và trước kia chị Xianglin luôn luôn là người bận rộn nhất trong công việc chuẩn bị lễ vật. Năm nay, chị không được giao phó bất cứ công việc nào. Chị tự ý dọn bàn đặt ở giữa phòng, vây tấm vải che kín chân bàn, chị cũng đặt đũa và chung rượu như chị đã từng làm trước kia.
“Chị Xianglin, đừng có đụng vào những thứ ấy! Tôi sẽ tự dọn bàn thờ!” Thím Tứ kêu lên như hoảng hốt. Hoàn toàn không hiểu nguyên cớ chị Xianglin rụt tay lại, rồi đưa tay cầm lấy bộ chân nến.
“Chị Xianglin, đặt bộ chân nến xuống! Tôi sẽ tự lấy chúng.” Lại một lần nữa, giọng nói đầy vẻ hoảng hốt.
Không có việc gì để làm, chị đi vòng vòng quanh phòng một hồi, xong chị đi ra ngoài cửa với một vẻ hoàn toàn bối rối. Chỉ mỗi công việc duy nhất chị được phép làm là ngồi bên cạnh lò và chụm lửa.
Người trong làng vẫn trò chuyện với chị và gọi chị là chị Xianglin, như trước đây họ vẫn gọi, nhưng cách nói và giọng nói của họ thay đổi và nụ cười trên mặt họ cũng trở nên lạnh lẽo. Khi gặp họ, chị chẳng để ý chút nào đến sự thay đổi này. Chị chỉ nhìn một cách xa vắng vào hư không và lặp lại câu chuyện cũ. Câu chuyện mà ngày lẫn đêm không bao giờ bị dập tắt trong trí óc của chị.
“Tôi thật là ngu, thật là ngu. Tôi chỉ biết là khi trời có tuyết, thú rừng không có gì để ăn, đôi khi chúng vào làng. Nhưng tôi không ngờ là chúng cũng xuất hiện vào mùa xuân. Tôi dậy sớm, mở cửa, đổ đầy đậu vào một cái rổ, và bảo Ah-mao ra ngoài, ngồi cạnh cửa, và lột vỏ đậu. Nó luôn luôn vâng lời, tôi bảo gì cũng làm theo. Nó ra ngoài và tôi vào bên trong bửa củi vo gạo. Tôi cho gạo vào nồi và chuẩn bị hấp đậu bên trên lớp cơm. ‘Ah-mao!’ Không ai trả lời. Tôi ra ngoài và thấy đâu văng tung tóe trên mặt đất, nhưng Ah-mao biến mất.
“Ah-mao không phải là đứa trẻ chạy sang nhà láng giềng để chơi, nhưng tôi vẫn đi hỏi khắp nơi. Chẳng ai nhìn thấy cháu cả. Thế là tôi bắt đầu lo lắng, van xin mọi người giúp đi tìm cháu khắp nơi. Cho đến khi chiều tối, láng giềng tìm khắp mọi nơi. Cuối cùng họ kêu lên khi nhìn thấy một chiếc giày nhỏ bé của cháu vướng trên một nhánh cây nhỏ trong bụi rặm. Họ nghĩ là cháu chắc chắn là không còn sống vì đã bị sói bắt. Họ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi nhìn thấy cháu nằm trong ổ sói. Bụng của cháu mở banh ra và ruột gan đã bị ăn hết. Bàn tay của cháu vẫn còn nắm chặc cái rổ đậu.” Vào lúc này nước mắt chảy tuôn trên khuôn mặt chị và giọng nói của chị bị đứt quảng vì tiếng nức nở.
Câu chuyện của chị hoàn toàn có hiệu quả, bởi vì khi chị kể đến đây ngay cả đàn ông cũng tắt nụ cười và bỏ đi chỗ khác trong sự im lặng đầy vẻ xấu hổ, đám phụ nữ cũng không dẹp bỏ ánh nhìn khinh bỉ, dường như họ bỏ qua cho chị, có người cũng chảy nước mắt cùng với chị.
Vài bà cụ chưa hề được nghe chị Xianglin kể chuyện của chị trên đường phố và ngõ hẻm, luôn luôn đuổi theo chị để có dịp nghe chính chị kể lại câu chuyện đau lòng này. Khi chị Xianglin bắt đầu khóc nức nở, thì các cụ cũng để nước mắt tự do rơi khỏi khóe mắt đã ứ đọng từ lâu, thở dài một chút, rồi lảng đi trong lúc hài lòng đánh giá câu chuyện của chị kể một cách vội vàng lúc tán gẫu trên đường.
Chị Xianglin kể đi kể lại câu chuyện thương tâm của chị. Không mấy lâu, cả thị trấn đều thuộc nằm lòng từng chi tiết chuyện này cho đến nỗi ngay cả trong đôi mắt của những cụ bà sùng bái đạo Phật người ta cũng không còn nhìn thấy dấu vết một giọt nước mắt nào. Về sau nữa, người ta có thể lặp lại câu chuyện chính xác đến từng chữ một. Người ta trở nên nhàm chán với câu chuyện của chị và cảm thấy bị nhức đầu mỗi khi có ai nhắc đến nó.
“Tôi thật là ngu, thật là ngu,” chị bắt đầu.
“Đúng rồi, chị chỉ biết là khi trời có tuyết, thú rừng không có gì để ăn, đôi khi chúng vào làng.” Họ ngắt lời chị ngay lập tức và bỏ đi càng nhanh càng tốt.
Sững sờ, chị đứng đó, mồm há hốc, và nhìn đăm đăm vào dáng người hối hả bỏ đi. Và rồi chị cũng bỏ đi như thể chị thấy chẳng ích gì khi kể chuyện ấy. Tuy thế, chẳng kể lý do này nọ, chị vẫn muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện thằng bé Ah-mao của chị. Chị bắt đầu tìm kiếm cơ hội để kể chuyện: bất cứ khi nào người ta nhắc đến chữ cái rổ, hay đậu, hay con của ai đó, chị cố gắng đưa chuyện của chị vào cuộc đối thoại. Mỗi khi chị nhìn thấy một đứa bé hai hay ba tuổi, chị ngừng lại ngắm đứa bé và nói, “Ồ, nếu như cháu Ah-mao của chúng tôi còn sống, cháu cũng lớn chừng ấy . . .” Đứa bé, đáp lại, thường trở nên sợ hãi vì ánh mắt của chị, nắm quần áo của bà mẹ và kéo mẹ đi. Lúc ấy chị Xianglin lại bị bỏ đứng một mình, rồi cảm thấy ngượng ngập nên chị cũng bỏ đi.
Chẳng mấy lâu, ai cũng nhận ra cái tật của chị, và hễ lúc nào có đứa bé nào ở gần, họ sẽ nhìn chị mỉm một nụ cười không hẳn là nụ cười và hỏi chị, “Chị Xianglin, nếu mà bé Ah-mao của chị còn sống, có lẽ cháu cũng lớn cỡ này phải không?” Bấy giờ, mọi người đã nhai và thưởng thức mùi vị đau khổ của chị, lâu đến nỗi nó trở nên nát nhừ thành bã, vô vị, và họ sẵn sàng phun nó ra. Chị có lẽ không tự nhận biết điều này, nhưng chị cảm thấy có cái gì đó lạnh lẽo và sắc nhọn trong nụ cười của họ và biết rằng có kể cũng chẳng ích gì. Chị chỉ thoáng nhìn họ và không đáp lại lời nào.
Lỗ trấn luôn luôn đón mừng Tân Niên, và năm nay cũng như thường lệ. Mọi việc trở nên rộn rã sau ngày thứ 20 tháng Chạp Âm lịch. Nhưng năm nay, ngay cả khi người ta thu nhận vào một anh giúp việc tạm thời, công việc ở nhà chú Tứ vẫn còn ối đọng rất nhiều và không đủ thời gian để hoàn tất. Vì thế Liêu Mẫu được thu vào để giúp việc. Bà là người sùng đạo Phật, ăn chay trường, vì thế bà không chịu sát sinh, từ chối làm thịt gà và ngỗng. Bà chỉ chịu giúp công việc rửa đũa bát và dụng cụ để nấu lễ vật. Và vào lúc bận rộn nhất trong năm, chị Xianglin không được phép làm bất cứ công việc gì ngoại trừ chụm lửa, chị cảm thấy mình như vô công rỗi nghề.
Một ngày, khi chị ngồi bên cạnh lò nấu nướng, nhìn Liêu Mẫu làm việc, trời bắt đầu đổ tuyết lơ thơ. Dường như chị đang tự trò chuyện, chị thở dài và nói: “Tôi thật là ngu, thật là ngu . . .”
“Chị cứ lặp lại mỗi chuyện ấy, chị Xianglin,” Liêu Mẫu nói, nhìn chị một cách thiếu kiên nhẫn. “Thôi, để tôi nói thế này. Có phải vào buổi đám cưới lần thứ nhì chị đã đập đầu và bị cái sẹo trên đầu thế kia?”
“Ờ, ờ . . .” Chị Xianglin có vẻ mù mờ.
“Để tôi hỏi chị thêm câu nữa. Bởi vì chị đã kháng cự gây huyên náo như thế, sao cuối cùng chị lại chịu thua?”
“Ai? Tôi?”
“Vâng. Chị chứ còn ai? Tôi nghĩ tận cùng trong thâm tâm chị, chị cũng muốn thế, nếu không thì –”
“Khoan đã, bà không biết anh ấy khỏe đến chừng nào.”
“Tôi chẳng tin một lời nào của chị cả. Tôi không thể tin rằng một người đàn bả khỏe mạnh như chị lại không thể đẩy lùi một gã đàn ông nếu chị thật sự muốn thế. Tự trong lòng chị, chị thật sự cũng muốn chịu thua, sau đó chị lại đổ thừa vì anh ta khỏe quá.”
“Tôi . . . muốn được xem chính bà cố gắng đẩy lùi anh ấy.” Chị Xianglin vừa nói vừa mỉm cười.
Liêu Mẫu cười phá lên, khiến cái khóe miệng của bà ta giật tít ra phía sau làm cho các nếp nhăn trên mặt bà xếp gần sát lại với nhau, khiến cho da mặt của bà càng nhăn nheo hơn, giống như vỏ của hạt óc chó. Đôi mắt nhỏ đầy nếp nhăn của bà ban đầu liếc nhìn sau đó nhìn trân trối cái sẹo khiến chị Xianglin trở nên ngượng nghịu, tắt nụ cười, quay đi, và nhìn xuống mặt tuyết.
“Chị Xianglin, chị bị thua thiệt ngày hôm ấy,” Liêu Mẫu hăng hái nói. “Nếu như hôm ấy chị chống cự mạnh mẽ hơn, hay đập đầu cho đến văng óc ra ngoài, cuộc đời chị có lẽ êm ả hơn. Còn bây giờ? Tuy chỉ sống với người đàn ông thứ nhì chưa đầy hai năm, chị coi như là đã phạm một tội lỗi rất lớn. Nghĩ xem, về sau khi chị qua đời và phải về âm ti, hồn ma của hai người đàn ông sẽ đánh nhau để tranh giành chị. Chị sẽ phải chọn người nào? Diêm Vương chỉ cho chị một chọn lựa – cưa chị làm hai và mỗi người chồng một mảnh. Tôi thấy, chị phải. . . Nhưng mà thôi. Chị phải làm cái gì đó để tránh chuyện ấy xảy ra. Tại sao chị không đến chùa, cúng tiền để làm một cái bệ cửa. Cái bệ cửa ấy tượng trưng cho thân thể của chị. Hằng ngàn bước chân dẫm ngay lên bệ cửa và hằng chục ngàn bước chân khác bước qua khỏi bệ cửa. Đó là cách chị cứu chuộc tất cả tội lỗi và chị sẽ không bị đau đớn khi chị từ giã cõi đời.
Ngay lúc ấy, chị Xianglin chẳng nói chẳng rằng, nhưng trong lòng chị rất phiền muộn, bởi vì sáng ngày hôm sau, mắt chị đầy quầng thâm chứng tỏ một đêm không ngủ. Sau khi ăn sáng, chị đi đến chùa ở phía Tây của làng và hỏi xin chùa cho phép chị cúng dường một cái bệ cửa. Thoạt tiên vị sư trụ trì một mực từ chối. Chỉ đến khi chị trở nên bức xúc dữ dội, suýt khóc òa lên ngài mới miễn cưỡng nhận lời. Giá tiền được đặt ra là mười hai sợi dây tiền mặt trị giá một ngàn đồng mỗi sợi dây[10].
Mọi người từ lâu đã trở nên nhàm chán với câu chuyện Ah-mao, nên không còn ai chịu trò chuyện lâu với chị. Nhưng giờ đây, khi cuộc chuyện trò của chị với Liêu Mẫu được kể lại với nhiều người, người ta lại bắt đầu chú ý đến chị. Một lần nữa, người ta chận chị ở giữa đường để trò chuyện. Bây giờ già hơn, nhiều nếp nhăn trên mặt người ta xuất hiện thêm, người ta dồn tất cả sự chú ý vào vết sẹo.
“Chị Xianglin, tại sao cuối cùng chị lại chịu thua?” Một người sẽ hỏi.
“Thật là đáng xấu hổ chị đã phải đập đầu mà không được hoàn thành ý nguyện,” một người khác nói thêm vào trong khi nhìn chằm chặp vào vết sẹo.
Nhận ra trong cách họ mỉm cười và trong giọng nói của họ chị biết họ đang chế nhạo chị; vì thế chị chỉ nhìn họ trừng trừng mà chẳng nói lời nào. Về sau chị cũng hiểu ra nên dù có người gọi tên chị trên đường phố chị chẳng buồn quay đầu nhìn lại.
Mang vết sẹo, bây giờ nó bị xem là chứng tích của nhục nhã, kín môi và lặng lẽ từ sáng đến tối, chị Xianglin làm công việc lặt vặt, quét nhà, nhặt rau, và vo gạo. Mãi cho đến gần cuối năm, chị nhận từ Thím Tứ tất cả lương làm việc mà chị đã để dành từ trước đến nay và đem đổi thành mười hai đồng đô la Mễ Tây Cơ. Chị xin phép được đi sang phía tây vùng biên của thị trấn và chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ăn, chị đã quay trở lại. Trông chị thoải mái, vui vẻ và trong đôi mắt của chị có một vẻ tinh anh mới lạ. Chị kể với Thím Tứ là chị vừa hiến tặng chùa Địa Tạng một cái bậc cửa một cách hào hứng.
Đến ngày Đông chí cũng là lúc phải chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên, chị trở nên đặc biệt hăng hái. Thấy Thím Tứ đã sắp xếp lễ vật, chị bảo Ah-niu giúp chị khiêng cái bàn ra để giữa sảnh đường. Rồi với một vẻ hoàn toàn tự tin, chị đi lấy bộ chung rượu và đũa.
“Chị Xianglin, để yên các món đồ ấy!” Thím Tứ hét lên một cách hoảng hốt.
Chị Xianglin rụt nhanh tay lại như thể tay chị đụng vào lửa bốc cháy. Gương mặt chị trở nên tối sầm lại. Chị cũng không đi lấy bộ chân nến. Chị chỉ đứng đó, hoàn toàn mất định hướng. Chỉ khi Chú Tứ đến và bảo chị tránh ra chỗ khác chị mới bỏ đi. Sự thay đổi trong chị lần thứ ba thật là bao la vô hạn. Ngày hôm sau mắt chị càng thâm quầng đậm hơn và chị càng thẫn thờ như mất hồn hơn bao giờ. Hơn thế nữa, chị bỗng trở nên rụt rè nhút nhát: chị sợ ban đêm, chị sợ bóng ma; chị sợ loài người, ngay cả ông bà chủ của chị. Trong tất cả những công việc chị làm, chị rụt rè rón rén như con chuột bị bắt ra khỏi tổ vào lúc ban ngày. Thường xuyên chị chỉ ngồi bất động và vô hồn như một tượng gỗ. Chưa đầy nửa năm, tóc chị trở nên bạc trắng, trí nhớ của chị phai tàn nhanh chóng, đến mức chị quên cả việc vo gạo.
Nhiều khi, có chị Xianglin ở trong phòng, Thím Tứ nói, như thể cảnh cáo: “Không biết cái gì đã thu mất hồn chị Xianglin? Nếu đừng nhận chị làm trở lại khi bà Huê đưa chị đến thì tốt hơn.”
Nhưng những lời cảnh cáo ấy không có hiệu quả. Chị vẫn y như cũ và thật là hiển nhiên một cách đau lòng là chị sẽ không bao giờ trở lại tỉnh táo và nhanh nhẹn như chị Xianglin của ngày xưa. Lúc ấy họ toan tính cho chị thôi việc, trả chị lại cho bà Huê, nhưng lúc tôi còn ở Lỗ trấn thì việc ấy cũng chỉ là bàn tính suông thôi. Bây giờ nghĩ lại, rõ ràng là sau đó họ cho chị thôi việc. Nhưng chị trở thành kẻ ăn mày ngay sau khi chị rời nhà chú Tứ hay chị trở về nhà bà Huê trước rồi mới đi ăn xin? Thật khó mà biết được.
@ @ @
Giật mình thức giấc vì tiếng pháo nổ rất gần, tôi tập trung đôi mắt vào vầng ánh sáng màu vàng to bằng đầu người – vầng sáng của cái đèn dầu. Tôi nghe tiếng nổ nhanh và chát chúa bốp-bốp bốp-bốp-bốp của nguyên tràng pháo bị đốt. Tân Niên! Và tôi nhận ra lúc ấy khoảng chừng canh năm. Trong cơn say ngủ tôi mù mờ nhận ra rằng tiếng nổ ở phía xa nhỏ hơn và là âm thanh liên tục của nhiều loại tiếng nổ chung quanh tôi. Những âm thanh này hòa quyện vào nhau tạo thành một bầu trời dày đặc những đám mây âm thanh. Hoa tuyết rơi thành một lớp dày, tuyết ôm chầm Lỗ trấn trong vòng tay của tuyết. Bao bọc trong vòng tay âm thanh dễ chịu này, tôi cũng thấy tràn đầy trong tôi một nỗi bình yên và không còn quan tâm đến những chuyện cay đắng của cuộc đời. Tất cả những quan tâm hay lo lắng tràn ngập trong tôi từ sáng đến tối của ngày hôm qua hoàn toàn bị cuốn trôi đi trong bầu không khí hạnh phúc của năm mới. Tôi chẳng còn để ý đến chuyện gì khác ngoại trừ các vị thần linh của trời và đất đang hưởng thụ lễ vật dâng cho các ngài và tất cả hương đèn được thắp lên để cúng kiến các ngài. Các ngài đang say sưa hoan lạc lảo đảo bay về trời và chuẩn bị rải như mưa xuống dân của Lỗ trấn toàn thể phước lộc tràn trề vô biên vô hạn.
[1] Kang Youwei (1858-1927) là một trong những nhà cải cách vào đầu thế kỷ 20. Ông chủ trương tân tiến hóa Trung quốc trong khi vẫn giữ chính quyền của hoàng gia. Vào lúc câu chuyện trên đây được viết ra (vào thời gian 1919 cho đến 1924), những người cùng thời cùng tuổi với người kể chuyện xem Khang Hữu Vi là lỗi thời và phản cách mạng.
[2] Đây là lễ đặc biệt Zhufu (thờ cúng thần Phước Lộc) ở vùng Shaoxing (Thiệu Hưng) quê của Lỗ Tấn. Tương truyền khi đời Tống bị Mông Cổ chiếm ngôi, người Hán rất sợ hãi nhà cầm quyền mới nên làm lễ cúng vào đêm Giao Thừa cầu xin vua Tống và các chiến sĩ đã hy sinh, bảo vệ họ.
[3] Cuốn tự điển được biên soạn vào thời Hoàng đế Khang Hy (1661-1722) vì vậy mang tên Khang Hy. Phản ánh về những thứ trong tầm tay (Jinsilu) là một tuyển tập bao gồm bốn tác giả Tân Nho Giáo của Bắc Tống (960-1126); quyển tự điển này được Wing-tsit Chan dịch sang tiếng Anh (New York: Columbia University Press. 1967). A Lining to the Garment of the “Four Books” thuộc vào triều đại nhà Thanh (1644-1911) bao gồm các bài thuyết giảng về quyển Tứ Thư của Tân Nho Giáo: Luận Ngữ của Khổng Tử, Mạnh Tử, Đại học, và Thuyết Trung Dung.
[4] Dùng chữ đi vì ngày Tân Niên người ta kỵ nói đến chữ chết
[5] Wuchang (Vũ Xương) cái tên có nghĩa là vô thường, là tên của một vị thần, mặc dù tính tình vui vẻ hay khôi hài lại mang hình ảnh của tử thần. Dân địa phương ở Shaoxing nói rằng: “Khi bạn thấy Vũ Xương đến, bạn không còn sống lâu” (Wuchang didao, xingminh nantao) Có lẽ đọc là “Vô thường dĩ đáo, sinh mệnh nan tao”? Lỗ Tấn đã ghi lại một chút ký ức và đính kèm vài nét phác họa về bản thân. Điều này đã bao gồm trong Zhaohua xishi (Dawn Blossoms Plucked at Dusk). Bản dịch đã xuất hiện trong Selected Works of Lu Xun (4 vols.), vol.I, pp. 377-386. Dịch giả Yang Hsien-yi và Gladys Yang. Peking: Foreign Languages Press, 1956-1960.
[6] Chỉ là một cái ghế đặt trên mấy cây cọc dài do bốn người khiêng.
[7] Tính theo tuổi ta.
[8] Chị Xianglin sẽ không bị đuổi đi nếu như đứa con trai nối dòng họ chồng còn sống.
[9] Ông Tứ là người theo quan niệm cổ truyền, là góa phụ là điềm xấu, góa phụ mà tái giá lại càng mất giá trị đạo đức.
[10] Người dịch không biết rõ cách sử dụng tiền tệ thời của tác giả Lỗ Tấn như thế nào. Qua phim ảnh thấy thời ấy tiền được tính theo bằng dây. Các đồng tiền (có lẽ bằng kim loại đồng) được xỏ xâu kết lại thành một sợi như dây chuyền. Tùy theo giá trị của mỗi đồng tiền và bao nhiêu đồng tiền trong một xâu mà tính thành giá của một xâu tiền.
Nguyễn Thị Hải Hà
Recent Comments