Ngày Hoàng ra khỏi trại tập trung, sau gần bảy năm ở tù, anh vẫn còn thảng thốt. Anh không hiểu có phải tên mình được viên cán bộ trại đọc lên hay không? hay có sự nhầm lẫn. Đã bao lần, mỗi lần có đợt ra trại là các ‘’cải tạo viên’’ được huy động lên hội trường dự họp. Sau ba năm kể từ ngày vào trại, biết bao lần có đợt thả tù, mà mỗi lần chỉ thả năm bảy người tượng trưng, điểm diện lại trong số đó toàn là những người có chức vụ tương đối nhẹ hay có gia đình là ‘’thân nhân cách mạng’’. Thời gian qua đi, hầu như nhiều khi anh quên bẵng đi thời gian anh đã ở trại cải tạo là bao nhiêu, những năm tháng lần lượt đi qua, ba năm, năm năm, sáu năm, rồi bảy năm… cho đến hôm nay, tên anh được đọc lên giữa phòng hội trường rộng thênh thang, có cả hàng ngàn các ‘’cải tạo viên‘’ tham dự, anh như được nhất bỗng người lên vậy.
Ga La Hai buổi tối tháng năm trời mát, đoàn tù được thả khoảng hai chục người, lê thê lếch thếch đi bộ từ trại cải tạo Xuân Phước đến đây. Đây là ga xe lửa độc nhất gần trại tập trung, để người cải tạo về với gia đinh, ra Trung hoặc vào Nam. Hoàng ngẫn ngơ không biết mình phải về đâu, khi chẳng còn ai là thân nhân, mẹ, chị, vợ, con, đều thất lạc từ ba bốn năm nay, anh không có một tin tức nào. Anh là ’’con bà phước’’ trong tù ròng rả suốt mấy năm. Bo bo, khoai mì, rau quả, ếch, nhái, cào cào, chấu chấu, chuột, rắn, cóc… là thực phẩm nuôi anh suốt mấy năm ròng, mà thực ra, khoai mì là chính, còn những thứ kia thì năm khi mười hoạ mới có, những lúc quá đói đành phải ‘’cải thiện linh tinh’’, mới có chút chất thịt tươi nuôi dưởng cơ thể. Cơ thể anh từ từ tuột xuống còn bốn chục kí lô, nhìn lại mình, anh nhiêu khi nghĩ chính mình là nạn nhân của nạn đói năm bốn lăm ở miền bắc,
Đoàn tù được thả khoảng hai chục người, đứng ngồi lổn nhổn ở sân ga La Hai đợi chuyến xe lửa nửa khuya để về Nam, trông ai cũng gầy rộc, mặt mày hốc hác như những con cá hố khô, nhưng lòng ai cũng háo hức, bảy năm xa cách đời thường với biết bao nhiêu những đổi thay, cái nhà tù khổng lồ này là nổi oan khiên của cả một dân tộc.
Hoàng không ngủ được, anh được người ở ga nói cho biết là hai giờ sáng mới có chuyến tàu thống nhất chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn, trong suy nghĩ, Hoàng tính sẽ vào Sài Gòn tìm vợ con, nếu không được thì cứ ở đó đi làm thuê, làm mướn ở đâu đó, rồi tìm cách vượt biên. Tứ cố vô thân như anh ở đâu chẳng được, dù sao vào Nam vẫn là một nơi dể thở hơn là về mấy vùng quê miền Trung khô cằn sỏi đá. Hoàng quyết định nhãy tàu thống nhất đêm nay, anh được biết ga La Hai là một ga nhỏ, tàu thống nhất sẽ không đậu lại, nhưng người trưởng ga hứa là sẽ nói với trưởng tàu khi đi qua đây sẽ cho tàu chạy chậm lại, và đám tù được thả sẽ nhãy lên. Đó là cách nói đạo đức, chứ thật ra, trưởng ga đã ăn chia với những người buôn chuyến, nên mới nói với trưởng tàu chạy chậm lại thôi.
Gần đến hai giờ sáng thì kẻng nhà ga được đánh lên, những người gát ghi đã thức dậy và cầm đèn ra sân ga làm việc, đó là những đèn báo hiệu an toàn cho đoàn tàu chạy qua. Hoàng cũng thu xếp đồ đạc để bắt đầu cho chuyến nhãy tàu xuôi nam, đồ đạt anh là hai cái bao cát, trong đựng một bộ đồ tù, một cái mền rách, mấy cái lược mà anh hì hục mài giũa trong những ngày tháng dài đằng đẳng ở trong tù, anh nghĩ sẽ đem về cho Nguyệt, vợ anh, hay mấy đứa con gái của anh, ba đứa con gái ngày anh đi bốn năm tuổi, bây giờ đã mười một mười hai, bây giờ thì anh thất lạc mất, nhưng chắc là các con anh đã lớn, tóc đủ dài, có thể chải lược anh làm.
Khoảng mười phút sau thì tiếng hú của đoàn tàu từ xa đã nghe rỏ, trong đêm khuya mọi tiếng động đều nghe rỏ mòn một. Tiếng tàu lửa vẫn là tiếng tàu lửa ngày cũ, vẫn như tiếng thở nặng nhọc của một con vật khổng lồ, xình xịch, xình xịch, cộng thêm tiếng còi tàu hú lên từng hồi, làm cho cảnh nhà ga càng thêm tấp nập, đám người buôn chuyến, bán hàng rong cũng thức dây, ai cũng bắt đầu cho công việc của mình, khu nhà ga náo nhiệt hẳn lên.
Hoàng cầm cái bao cát đựng đồ đạc sát trong tay, những người buôn chuyến cũng là dân nhãy tàu, họ cho biết là tàu qua ga nầy không ngừng lại nhưng chạy rất chậm, cửa lên tàu sẽ không mở, chỉ các cửa sổ được kéo xuống, nếu thấy của sổ nào mở, cứ bu vào đó và đu thân vào trong, được vào trong là ổn, sẽ nằm, ngồi ở bất cứ xó xỉnh nào đó, kể cả khu cầu tiêu cũng được. Đã bảy năm, có lúc Hoàng được chia làm ở đội rau xanh, phải lấy phân từ các hố xí lộ thiên, phân tươi rói, dòi bọ bò lổn nhổn, đem phân hoà với nước tưới rau, nhiều khi anh đang tưới rau, dòi bò lên đầy người, anh chỉ có việc là phủi nó đi, còn thân thể anh thì về phòng chỉ tắm với nước tro, cho bớt chút mùi tanh lợm mà thôi, không có một chút xà phòng để rửa tay cho đở hôi thối, cho nên trong thân thể anh, lúc nào cũng toát ra mùi phân.
Bây giờ, được thả về, anh nghĩ ‘’địa ngục nào cũng như địa ngục nào, có gì đâu mà ngại.’’ Chiếc tàu lửa như con trăn khổng lồ xuất hiện, hơi thở khò khè, nặng nhọc, tiếng hú liên hồi. Đèn nhà ga bật sáng lên, những người gát ghi cầm đèn bão huơ huơ liên tục, con tàu chậm chạp tiến vào ga, những người nhãy tàu dàn ra hai bên, chia đều cho từng bên, khi con tàu vượt qua trước mặt anh, Hoàng nhìn thấy một cánh cửa sổ mở, anh vội đu người lên, cố gắng lắm anh mới chui lọt được vào trong, anh thả tay ra lăn quay trên sàn tàu. Hoàng định thần lại và nhận biết, thì ra đây là một toa tàu chở hàng hoá, dân buôn chuyến lợi dụng toa nầy để chất hàng thêm, đêm đã quá khuya nên ai cũng ngủ, toa tàu tối mù mù, những người đàn bà nằm ngủ trên những bao hàng hoá, anh tìm một khe hở dưới sàn, và nằm xuống, khoảng trống bằng phẳng nên cũng êm lưng, anh nằm với sự mệt mỏi rã rời và ngủ thiếp đi.
Khi Hoàng tỉnh dậy thì trời cũng bắt dầu sáng bên ngoài, ánh nắng le lói chiếu vào toa tàu đầy ắp hàng. Những bao, bị, chất đầy trên toa một cách vô trật tự, anh tự nhủ thầm, thế thì cũng được, ở toa nầy khỏi phải lẫn tránh các kiểm soát viên, Hoàng chợt chú ý đến một người đang nằm sát bên anh và đang ngủ mê, một người đàn bà, cũng nằm trên các bao chứa hàng, che mặt bằng một cái nón lá. Hoàng loay hoay vì thế nằm không bằng phẳng, dù vẫn còn rất mệt nhưng Hoàng không ngủ được nữa, hầu như sự xúc động trước sự được trở về sau bảy năm tù, đã làm anh choáng ngợp, háo hức. Anh nghĩ, trở về Sài Gòn là một sự phiêu lưu vô cùng, vì anh không có ai là thân nhân ở đó, nhưng anh nghe đâu phong phanh vợ và các con anh đã rời vùng quê để vào Sài Gòn làm ăn, nên anh phải đi tìm, bảy năm mòn mỏi xa các con khiến anh nhớ chúng nó vô cùng, những ngày rời xa con như là rời xa thân thể của anh vậy.
Anh ngồi dậy, tàu lắc và dằn mạnh vì đang đi qua một triền biển, anh trườn người lên mở cánh cửa sổ, gió mát thổi ào vào mát rười rượi, bên ngoài là một vùng biển xanh ngắt, hình như vùng biển Ninh Chữ hay Đại Lãnh gì đây, đã quá lâu không tiếp xúc với đời sống bên ngoài, trong tâm anh chỉ còn lại mớ ký ức nhạt nhoà, nhưng biển thì muôn đời vẫn đẹp.
Người đàn bà cũng cựa mình trở dậy, nàng ngồi lên và nói trông không:
– ‘’Mệt quá nên ngủ thiếp đi.’’ Rồi nàng quay qua anh:
– ‘’ Mấy giờ rồi anh?’’
Hoàng đáp:
– ‘’ Tôi mới ở trại cải tạo được thả ra, không có đồng hồ nên không biết mấy giờ, chị à’’.
Người đàn bà nhìn anh chặp lâu rồi lên tiếng:
– ‘’Tôi tưởng anh là bảo vệ toa tàu chứ, à, mà nhìn ra anh ốm nhom, rách rưới thế kia thì đúng là cải tạo về, anh đi cải tạo mấy năm vậy?
– ‘’ Thì từ năm bảy lăm đến giờ, gần bảy năm‘’.
Người đàn bà xít xoa, rồi kể lễ:
– ‘’Lâu quá ha, tôi cũng có chồng đi cải tạo, ngày trước ảnh là phi công, hai năm sau là ảnh chết trong tù vì bị kiết lỵ, không có thuốc thang chạy chữa, tôi có lên thăm mộ ở Long Khánh một lần, sau cực khổ quá nên không đi được nữa.’’
Hoàng tò mò hỏi người đàn bà:
– ‘’Chị làm gì ở đây?’’
Người đàn bà cười cười rồi nói:
– ‘’Tôi có làm gì đâu, tôi đi buôn chuyến, đói quá thì đầu gối phải bò, cực khổ lắm anh ơi, chồng đi ở tù rồi chết, tôi phải bương chải kiếm sống chứ biết làm sao?’’
Hoàng nhìn kỹ người đàn bà, cái nhan sắc vẫn còn phảng phất trong đối mắt lớn u buồn, hàm răng trắng đều và chiếc mủi dọc dừa cao, Sự tàn phá của thời gian và sự khổ cực đã làm cho người đàn bà một thời xinh đẹp cũng trở nên tàn phai.
Hoàng thật sự cảm động khi nghĩ đến những người đàn bà phải bôn ba trên vạn dặm đường để kiếm miếng ăn, và vợ chàng cũng vậy, có phải thế không?
Người đàn bà tiếp:
– ‘’Tôi ở Sài Gòn mà phải mò ra tận miền Trung nầy để mua hàng, mua gạo, dầu, thuốc lá, đem về Sài Gòn bỏ mối, kiếm lời ba cọc, ba đồng, may mà không bị thuế vụ, công an kinh tế bắt thì còn lời chút đỉnh, còn xui mà bị bắt thì cụt vốn.’’
Rồi nàng hỏi lại:
– ‘’Anh về Sài Gòn thế gia đình anh ở quận nào ?’’
– ‘’Không biết nữa, gia đình tôi đâu có ở Sài Gòn, ngày tôi đi cải tạo thì cũng là ngày tôi biệt tin tức vợ con, nghe nói vợ con tôi phiêu dạt vào đâu Sài Gòn làm ăn nên tôi vào trong nầy kiếm thử, tôi đi đại, chứ về ngoài Trung cực lắm, lại bị chính quyền kiểm soát gắt gao nữa.’’
– ‘’Anh thiệt là liều, ở đâu cũng vậy anh ơi, ở đâu cũng phải có hộ khẩu mới sống được, ở Sài Gòn cũng có công an khu vực, nó đi kiểm tra hằng ngày hằng đêm.’’
Anh thất vọng thực tình khi nghe người đàn bà nói vậy, nhưng anh đã đi vào thì không thể quay ra, một liều ba bảy cũng liều.
– ‘’Thôi tôi cũng đi đại, nếu sống không được ở Sài Gòn thì tôi mò xuống miệt Long Khành xin đi làm rẫy thuê kiếm ăn, chứ nay thì không thể về quê được.’’
Có tiếng xì xào ở ngoài cửa toa rồi tiếng người kiểm soát viên đi lại phía Hoàng, hỏi lớn:
– ‘’Anh kia, anh cho xem vé đi tàu.’’
Hoàng vò đầu:
– ‘’Tôi vừa mới ở trại cải tạo được thả ra, tôi không đủ tiền mua vé, xin anh thông cảm.’’
Người kiểm soát viên mặt đanh lại:
– ‘’Không có vé, đi lậu thì xuống tàu mau, không thông cảm gì hết, anh đi ra ngoài nầy, đến ga Nha Trang là anh xuống.’’.
Người kiểm soát viến áp tải anh ra khỏi toa tàu, khi tàu hú còi vào ga Nha Trang thì chạy chậm lại, người kiểm soát viên đẩy anh xuống làm anh té nhủi xuống mặt đường.
Nhưng dù thế nào, thì Hoàng cũng về được đến Sài Gòn, anh còn được mấy chục ngàn của trại phát cho anh để đi tàu, anh dằn túi và ăn dè sẻn, tối anh ngủ ở các mái hiên của những căn nhà rộng ngoài đường lớn, ngày ngày anh đến những nhà quen để hỏi thăm tin tức vợ con, nhưng chẳng có ai biết tin tức gì, anh nghĩ đến một người bạn hồi còn trong tù đã cùng kham cộng khổ với anh, thằng Chức. Rất may là anh đã gặp được thằng Chức, nó đang hành nghề đạp xích lô.
Thằng Chức vồn vã:
– ‘’Mầy đi đạp xích lô đi, nghề nầy cực nhưng mà có ăn, tau đạp buổi chiều mầy đạp buổi sáng, ngày mầy trả tau 10 đồng tiền xe thôi, khỏi đặt cọc.’’
Thế là Hoàng cám ơn bạn đã giúp cho anh có một nghề để kiếm sống.
*
Hai tháng sau Hoàng mới thông thuộc hết những con đường ở Sài Gòn, từ những con đường một chiều, những con đường dốc của cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, cầu chữ U, đến những con đường quanh co ở khu Bàn Cờ, Vườn Chuối. Công việc làm ‘’dân biểu‘’ nầy cũng vô cùng khổ nhọc, nhưng dù sao cũng đền bù lại là anh kiếm được miếng ăn. Khi chạy xe được thuần thục, anh đề nghị với Chức là cho anh giử xe luôn suốt đêm, sáng ra anh mới đem xe trả cho bạn. Thực ra, anh cũng có lý do để giữ xe suốt đêm là anh sẽ ngủ luôn trên xe, sẽ tấp vào một bến nào đó và leo lên xe ngủ, khỏi phải đi lang thang kiếm chỗ ngủ ở các mái hiên mà càng ngày mấy đám bụi đời, mấy đám vô gia cư đến cư ngụ càng ngày càng nhiều. Còn tắm rửa, giặt giũ thì anh đến những chỗ phòng vệ sinh công cộng như trước khu Việt Nam Quốc Tự, hay nhà vệ sinh ở Chợ Thái Bình, anh vô đó, tắm, giặt, vệ sinh riết rồi thành quen. Cuộc sống anh hẳn nhiên là một kẻ lang bạt kỳ hồ, vô gia cư, trên chính quê hương mình, anh không biết tìm đâu ra vợ con anh, nghe phong phanh đâu vợ con anh đã theo một người đàn ông, chủ tàu, vượt biên sang Mỹ.
Một buổi sáng, anh đang đứng đợi khách ở bến xe Chợ Lớn thì có một người đàn xa ngoắc xe anh, anh đạp xe lại, người đàn bà cùng một đống hàng để dưới đất.
Người đàn bà nói:
– ‘’Anh chở tôi và số hàng nầy về chợ Bàn Cờ bao nhiêu?’’
Anh nói giá:
– ‘’Xin chị cho 5 ngàn.’’
Người đàn bà kỳ kèo:
– ‘’Bốn ngàn đi,’’
Anh chịu chở, khi chuyển mớ hàng lên xe và người đàn bà đã ngồi yên vị thì anh mới chợt nhớ ra là người đàn bà nầy đã gặp đâu rồi, a, thì là nguời đàn bà đi buôn chuyến trên chuyến tàu thống nhất mà anh đã gặp tình cờ hôm được ra trại tập trung, nhãy tàu về Sài Gòn, chắc là người đàn bà không nhớ anh vì hai người chỉ gặp nhau có mấy phút. Anh lên tiếng hỏi:
– ‘’Tôi thấy chị quen quen, có phải là chị, tôi đã gặp trên chuyến tàu lửa thống nhất cách đây ba tháng.’’
Người đàn bà quay lại nhìn kỹ anh rồi nói:
– ‘’À anh, tôi cũng nhớ ra rồi, thế là từ hôm anh bị tụi kiểm soát viên đuổi xuống khỏi tàu anh về đây đạp xích lô à?’’
Hoàng bắt đầu kể lại hoàn cảnh của anh, đã từng ngủ lang thang ở các mái hiên, rồi đi đạp xích lô như bây giờ. Người đàn bà chợt nãy ra ý kiến:
– ‘’Tôi bây giờ không đi buôn chuyến nữa, đi mấy lần bị bọn thuế vụ bắt hàng hết vốn, tôi về xoay qua buôn bán ở chợ Vườn Chuối, sáng lên Chợ Lớn bổ hàng đem về bán cũng kiếm đắp đổi qua ngày, hay là anh chở mối cho tôi đi, cứ mỗi sáng độ khoảng 6 giờ, anh ghé đến đón tôi, đợi khoảng 8 giờ như bây giờ anh quay xe lại chở tôi về, tôi trả tiền tháng cho.’’
Hoàng đồng ý và từ đó anh là tay xích lô chở mối tháng cho Thu.
*
Thu cư ngụ trong một căn nhà nhỏ, cùng người cha và 2 đứa em nhỏ, mẹ nàng đã mất sau một cơn bạo bịnh không có thuốc chữa sau ngày giải phóng. ‘’Giải phóng!” ôi, ‘’giải phóng miền nam‘’ mà dân miền nam càng ngày càng đói, ăn toàn bo bo hay cơm độn khoai lang, khoai mì, còn thuốc men chửa trị những bịnh thường chỉ dùng bằng thuốc nam, được gọi bằng một danh từ đẹp đẻ là thuốc ‘’dân tộc’’. ‘’Thuốc dân tộc’’ được trồng tràn lan trong những khu vườn của những căn biệt thự, biệt thự được nuôi gà, nuôi heo. Mẹ nàng chết khi người bác sĩ nói một câu lạnh nhạt ‘’hết thuốc chữa!”. Hết thuốc chữa đây là nghĩ theo nghĩa đen hoàn toàn, là ở bịnh viện Sài Gòn không còn một viên thuốc nào để chữa bịnh. Sau ngày mẹ chết, nàng phải bôn ba, chạy vạy buôn bán nuôi thân và nuôi người cha già, ông nguyên là một thượng sĩ cảnh sát, đi học tâp ba ngày rồi về sống với con, ông bán một tủ thuốc lá ngoài đầu hẻm để phụ mua gạo và uống cà phê, thế thôi, thời buổi nhiểu nhương có ai ngồi không được đâu. Hai đứa em trai còn đi học, chẳng lẽ tụi nó đang học lại bảo chúng bỏ ngang.
Hoàng làm quen với gia đình Thu bằng những buổi sáng đưa rước nàng đi bổ hàng, sau đó anh đến nhà Thu sửa lại cho nàng cái cánh cửa bị hư, sửa lại mái nhà bị dột nước hay mua cho ông già bao thuốc thơm, tình cảm dần dần biến thành tình gia đình ruột thịt. Mối tình nhẹ nhàng đến như mối tình của chàng Ngâu, chị Ngát trong truyện của Thạch Lam, mối tình của cô cựu nữ sinh Gia Long và anh chàng cựu Sinh Viên trường Đại Học Chính Trị Đà Lạt cũng chỉ thể hiện trên những cuốc xích lô, mối tình đã biến thể qua màu sắc của chế độ nông dân chuyên chế, không có màu sắc của aó lính quân trường ngày nghỉ phép đẹp đôi cùng cô nữ sinh áo dài trắng lượn lờ bát phố rồi vào quán uống ’’ly chanh đường, uống môi em ngọt’’. Mối tình bây giờ là chàng đạp xích lô rạc cả đôi chân nàng thì chạy chợ kiếm từng xu bạc cắc, đúng như mối tình nghèo ‘’nhớ thuở nào anh cày thuê em bán rong‘’ .
Cái mơ mộng chỉ còn trong trí tưởng, trong tinh thần, những buổi tối hai người rãnh rỗi một tí cùng ngồi lại nói cho nhau những lời tình tự, nàng cũng còn giọng để ca cho chàng nghe bài ‘’bao giờ biết tương tư‘’ hay ’’trên ngọn tình sầu’’ còn chàng thì đọc cho nàng nghe bài ‘’hôm nay em buồn như con chó ốm‘’ cũng thi vị lắm chứ.
Rồi một hôm ông già thông báo với Thu một tin quan trọng, là ông đã bắt được mối với người em ở Rạch Giá, người em đang tổ chức một chuyến vượt biên bằng ghe đánh cá, ông năn nĩ xin hai chỗ nhưng người em chỉ chấp nhận cho đi có một, và ông quyết định cho Thu đi, ‘’đi để cứu gia đình’’. Ông nói thế.
‘’Vượt biên!’’ chuyện hệ trong một đời người, có hai con đường diễn ra trước mắt, là sống hoặc chết. Sống, may mà qua được bến bờ tự do thì sẽ cứu cả gia đình, còn không thì sẽ làm mồi cho cá biển hay nộp thân cho bọn hải tặc, còn nữa, không đi thoát thì sẽ bị tù tội, cho nên quyết định cuối cùng là Thu phải đi, còn Hoàng ở lại, có gì sẽ thay thế săn sóc ông già, hai người chỉ là hai người yêu nhau thôi, chưa là vợ chồng, nên tất cả cũng còn trong giới hạn.
Một buổi sáng, Thu ôm cái bao lác như đi chợ thường ngày, chàng quần xà lỏn, áo cánh, đạp xe xích lô chở nàng đi, bình thường như bao lần chở nàng đi lấy hàng ở Chợ Lớn, nhưng lần nầy chàng không dừng lại ở Chợ Lớn mà chay thẳng lên bến xe miền Tây, bịn rịn ở bến xe miền Tây đâu 30 phút rồi nàng đi. Thu lên xe, nước mắt lưng tròng, anh xích lô chạy mối và nàng buôn chuyến ôm hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật, làm ai nấy cũng nhìn, nhưng biết đâu rằng đó là lần đi có thể là vĩnh biệt của cả hai người, có thể là lâu lắm, mười năm, hai mươi năm mới gặp lại nhau, trong cơn luân lạc của đời người mọi chuyện xãy ra có ai mà lườn trước được.
*
Bảy năm sau Thu trở lại Việt Nam dắt theo đứa con trai sáu tuổi, là giọt máu của Hoàng, trong những lần ’’yêu nhau’’ trước cuộc ra đi. Ra đón nàng ở phi trường Tân Sơn Nhất chỉ có Hoàng và hai đứa em, ông già đã mất sau ngày nàng đi 3 năm. Tội nghiệp cho người cha suốt đời hy sinh cho con đến khi nhắm mắt lìa đời, cũng còn vọng tưởng đến đứa con gái duy nhất. Lần nầy Thu về, đầu tiên là đem đứa con của hai người về cho Hoàng biết mặt, làm mộ cho ông già và người chồng cũ, cũng như lo một số tài chánh cho Hoàng làm đơn xin xuất cảnh theo diện HO.
Trần Yên Hoà.
Đã xem 1,129 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments