Không biết ai đặt ra cái tên “Cơm Chỉ” đầu tiên? Nó gợi hình quá! những gia đình ít người, bà nội trợ phải đi làm, ngại nấu nướng; người độc thân không biết nấu ăn, chỉ việc đến đó, đứng ngắm nghía một lúc, rồi “chỉ.”
Vài đồng bạc là có một bữa ăn ba món. Nhà cửa không sực nức mùi thức ăn; nồi, bát không phải rửa. Tiện lắm!
Những món ăn nấu sẵn cho khách hàng “chỉ” thì hàng quán nào cũng giống nhau. Cá kho, những miếng cá này có lẽ ở siêu thị còn ế lại trong ngày, đem bán rẻ cho deli nên bao giờ cũng được ướp thật nhiều bột gia vị, miếng cá trông đẹp đẽ, nhưng ăn vào săn lưỡi vì bột ngọt; Canh khổ qua, có người gọi là canh “khổ quá” vì nó đã đắng, mà hầm nhừ quá bạc thếch cả mầu xanh; Canh chua cá bông lau thì nước ngọt như chè vì cho đường quá tay: Thịt kho, kho đi kho lại miếng thịt co mình trông buồn hiu hắt; Mấy món chay như đậu hũ kho, măng xào, thì chắc chắn có rất nhiều bột ngọt, ăn xong tha hồ khát nước, mà không thể than “Đời cha ăn mặn!”
Ở Seattle này có chỗ nào bán “Cơm Chỉ” Thành đều biết hết, không những anh biết chỗ bán, người bán, mà anh còn thuộc mặt cả người đến “chỉ.” Vì mỗi chiều đi mua thức ăn, trong khi đứng đợi, mấy người mua hàng có dịp hỏi thăm nhau.
Anh biết ông Tâm, một người mới sang Mỹ 5 năm, không vợ, có một cô
con gái, hay đến tiệm Seattle Deli, ông Khoa li dị, không biết nấu cũng đi chỉ ở quán ăn trong chợ Việt Hoa, bà Vượng chuyên môn chỉ những món chay ở Saigon Deli. Gặp nhau mãi thành ra thân. Bây giờ họ có một nhóm bạn thành lập một cái hội gọi là: “Hội Cơm Chỉ,” mỗi cuối tuần họ đi “chỉ” thức ăn rồi đem đến tụ họp ở chỗ Thành, tán gẫu với nhau.
Hội Cơm Chỉ lên đến bẩy người, hai bà, năm ông: Thành vừa làm công việc phát hành báo Seattle Times vừa viết lách cho một tờ tuần báo tiếng Việt địa phương, anh cũng là một H.O độc thân, chưa lập gia đình lần nào, có năm, ba mối tình, nhưng chắc là số không vợ nên đã qua tuổi 50, mà chẳng mối tình nào tụ cả. Ông Tâm cũng H.O, góa vợ, có cô con gái mới vào đại học; Ông Khoa, kỹ sư Boeing, ông vượt biên năm 85, tám năm sau bảo lãnh vợ con sang, bà vợ nghe được trong lúc ở đảo ông có lấy một cô rất trẻ và có một đứa con nên đã ôm con mình sang tiểu bang khác ở, hai năm sau làm giấy li dị; Ông Chương sang Mỹ năm 90, làm tài xế xe vận tải, suốt tháng không có nhà, vợ bỏ đi lấy chồng khác; Ông Thịnh vì cứ thích về Việt Nam du hí nên bà vợ dọn sang Texas ở với người con trai duy nhất của hai người, ông thành độc thân tại chỗ, mà được tự do ông lại không dám về Việt Nam nữa; Cô Nga gần 50, trẻ nhất trong hội, có nhan sắc nhưng bị bệnh tâm thần, tiểu sử hơi lơ mơ vì cô nói mỗi lần một khác, cô khoe nấu ăn ngon nhưng bây giờ phải diet nên ăn cơm chỉ cho khỏi phải ăn nhiều; Bà Vượng góa chồng, các con đều có gia đình, trước thì ở chung một nhà, sau vì công việc cứ dọn đi xa dần, bây giờ mỗi con ở một tiểu bang, chúng rủ bà đi nhưng bà không đi. Bà bảo “Ở đâu quen đó, có theo chúng nó thì cả ngày chỉ có việc trông cháu thôi. Tôi ở một mình, muốn đi chùa, đi thăm bạn lúc nào cũng được, chỉ cần leo lên xe bus.”
Cư xá Thành ở có nhà khách chung cho cả khu, nhà khách khá rộng, có 5 cái bàn dài, có tủ lạnh, có bếp, lò vi ba để hâm nóng thức ăn, nên Họại Cơm Chỉ đến họp mặt rất thoải mái. Thỉnh thoảng cuối tuần có người trong cư xá nhận chỗ trước để tổ chức sinh nhật, hay tiệc ra trường cho người nhà thì Hội Cơm Chỉ lại kéo đến nhà bà Vượng, vì cả năm ông hội viên đều ở thuê trong những chung cư, cô Nga ở housing của nhà nước, chỉ bà là có một căn nhà nhỏ, cũ kỹ của các con để lại, ngay ở đường Rainier, phía nam Seattle, là khu của những người có lợi thức thấp ở. Đến nhà bà Vượng một vài cái cuối tuần rồi thành đến luôn, vì không khí ở đó ấm cúng hơn ở cái nhà khách của chung cư. Hội viên toàn là độc thân nên thường có mặt đầy đủ, kẻ đến trước người đến sau lúc nào cũng được, miễn là vào cuối tuần. Họ mua trà, cà phê, thậm chí cả thuốc lá để sẵn đó. Hội họp vào Thứ Bẩy, nhưng có khi Chủ Nhật không có chỗ nào đi, họại viên cũng ghé qua. Cái phòng gia đình của nhà bà Vượng ngẫu nhiên trở thành một quán cà phê bỏ túi, bà Vượng thành một bà chủ quán dễ tính, bà còn cho mỗi người một cái chìa khóa. Bà sống thanh bạch chẳng có cái gì đáng cho ai bỏ túi, hay thuê xe dọn đi, ai muốn đến lúc nào thì đến, đi lúc nào thì đi, họ tự đun nước, pha trà hay pha cà phê cho chính mình, có ăn uống thì bát đĩa giấy, muỗng nhựa. Ăn xong mọi người tự thu dọn, tự đổ rác. Có khi chỉ có một hay hai người đến, có khi hộại viên còn rủ thêm bạn không độc thân ghé qua không hẹn trước, vì họ mang theo cơm chỉ nên đâu có sợ chuyện thiếu thức ăn đãi khách. Có tuần bà Vượng phải tiếp khách tấp nập, có tuần bà ngồi buồn so như quán vắng người, khi bà đi chùa, hội viên Cơm Chỉ tự tiếp nhau. Cô Nga là người trẻ nhất, lại là phụ nữ độc thân nên được các ông biệt đãi, họ không để cô phải dọn dẹp, mời cô những món ngon nhất ở bữa tiệc “Cơm Chỉ,” pha trà, pha cà phê cho cô, ông Tâm đề nghị đưa đón nhưng cô không nhận lời. Tính khí cô bất thường, khi vui vẻ tha hồ các ông nói chuyện tiếu lâm, cô chỉ đỏ mặt giả bộ không hiểu, khi cô khó chịu thì ai vừa nói một câu cô không thích, cô đùng đùng như bão nổi, bỏ đi, có khi đang cười nói tự nhiên ôm mặt khóc. Ban đầu mọi người còn hốt hoảng, bỡ ngỡ, sau thành quen. Họ chỉ yên lặng đợi cho cô qua cơn xúc động không biết từ đâu tới.
Một lần Thành lấy ngày nghỉ đi Houston thăm bà dì một tháng mới trở về, hôm đó là cuối tuần của July 04 , chắc hội viên có bạn rủ đi chơi chỗ khác, nên khi Thành mang hộp cơm đến nhà bà Vượng anh chỉ thấy một mình cô Nga ngồi đó đang hút thuốc. Nga vốn là một người tròn trĩnh, hôm đó trông Nga gầy sút hẳn đi, cái áo mùa hè Nga mặc chắc mới lấy ra ở một góc tủ, hai vạt áo trước bụng góc còn quăn lên, cả cái áo nhầu nhĩ, tóc không chải, mặt son phấn nguệch ngoạc trông Nga như người mới ốm dậy.
Thấy Thành bước vào, hai mắt Nga sáng lên một chút lại xập ngay xuống, Thành kéo ghế ngồi cạnh Nga hỏi:
– Hội viên Cơm Chỉ đi đâu hết rồi?
Nga không trả lời hỏi lại Thành:
– Anh có viết được cái gì mới không?
– Thì vẫn viết Bình Luận, Tin Tức.
Nga nói, cô vừa làm một bài Thơ, muốn đem đến đọc cho hội Cơm Chỉ nghe, mà lại để quên ở nhà, cô vừa nói vừa rít thuốc liên tục, khói thuốc phà vào mặt Thành, anh phải đứng dậy mở hết mấy cánh cửa phòng. Hội Cơm Chỉ thành lập được sáu tháng rồi, mà những điều mọi người biết về Nga vẫn rất mù mờ, như cô không hề cho ai số điện thoại, địa chỉ rõ ràng; chắp nhặt những điều Nga nói sáu tháng nay thì hình như Nga đã có một đời chồng trước ở quê nhà, nhưng anh chồng bất lực nên hai người chia tay, cách đây hai năm cô lấy một thi sĩ làm thơ theo trường phái tân hình thức, được bốn tháng thì bỏ nhau vì thơ tân hình thức không đứng cạnh thơ cổ điển của cô được, nó bị dị ứng nhau, không thuốc chữa. Nhưng hộại viên Cơm Chỉ, Tâm, nói có người biết cô từ trại Mã Lai kể lại cho anh hay: Thì hình như cô là nạn nhân hải tặc, sinh một đứa con gái ở bên đảo, cho làm con nuôi vì sợ qua Mỹ không lập gia đình được, có lẽ bây giờ hối hận, thương con, cô ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, tính khí bất thường trở thành người bị tâm thần.
Thành pha cho mình mộỳt ấm trà, mời cô một chén, cô từ chối nói là từ sáng đến giờ cô đã uống ba ly cà phê đen rồi. Bà Vượng hôm đó đi chùa, quán cà phê chỉ có hai người khách duy nhất. Thành nhìn chung quanh buồng, tờ Seattle Times tuần trước để lại trên bàn Thành biết là của Khoa, cái tẩu thuốc bỏ quên ở trên kệ lò sưởi là của Thịnh, mấy tờ báo Việt cho không ở chợ đem về vứt ngay ở trước cửa buồng ngủ là của bà chủ nhà. Thành không thấy Nga đem theo hộp cơm chỉ, dưới chân cô cái sắc tay đen vứt lăn lóc, anh kéo cái ghế thấp ngồi đối diện với cô, Nga đang nửa nằm, nửa ngồi trên sô pha bỗng ngồi ngay lại hỏi Thành:
– Tôi có tin được anh không?
Thành cười, hỏi lại:
– Còn tùy, mà về chuyện gì kia chứ?
– Tôi muốn kể cho anh một câu chuyện, anh có thể viết vào mục Tin Tức được.
Thành tò mò hỏi:
– Tin mới hay tin cũ?
Nga gằn giọng:
– Chuyện của tôi, làm sao mà cũ được, mới xẩy ra trong lúc anh đi khỏi Seattle.
Thành nghe trong giọng nói của Nga có một cái gì khác lạ, anh có linh cảm không phải là một câu chuyện vui, anh nói chậm rãi:
– Thì Nga cứ kể đi.
– Tôi vừa giết cái thằng hiếp tôi ở Mã Lai, tôi bỏ thuốc độc vào hộp cơm chỉ của nó, nó chết rồi, ngày hôm qua.
Rồi Nga ôm mặt khóc rưng rức, vừa khóc vừa nói một hơi.
– Nó không phải là hải tặc Thái, nó là thằng Việt Nam, nó thấy tôi đi một mình, nó rình tôi lâu rồi. Tối đó cả trại mất điện nó mò vào lều của tôi, bịt giẻ vào miệng tôi, tôi chống lại bằng cách cào rách mặt nó, nhưng tôi vẫn bị nó làm nhục, tôi nhận được mặt nó, nhưng nó không biết là tôi nhận được, vì sáng hôm sau nó phải băng mặt, vết thương do tôi cào rách mặt nó rất sâu, để lại một vết xẹo vĩnh viễn trên mặt nó. Tôi tìm theo dõi nó mấy năm nay rồi, bây giờ mới giết được.
Thành ngồi lặng đi nghe Nga kể, anh biết là cô đang xúc động, cơn bệnh tâm thần tái phát, anh chẳng biết có nên tin câu chuyện cô vừa giết người hôm qua không, vì giết người thì vào tù rồi, chứ đâu còn ngồi ở đây? Nếu chuyện giết người do cô tưởng tượng ra thì chuyện hải tặằc Thái thành người Việt trong trại chắc cũng do sản phẩm mới của tượng tượng. Anh rót cho cô một ly nước lọc. Cô uống nước xong rồi không khóc nữa, nằm lại xuống sô pha. Cũng may, bà Vượng về kịp, Thành chào hỏi dăm câu, uống thêm một chén trà cho trôi xuống bụng câu chuyện của người đàn bà tâm thần, rồi ra về.
Hội Cơm Chỉ kéo dài được gần một năm thì từ từ tan, trước tiên ông Thịnh
dọn về Texas ở với vợ con, rồi ông Tâm cũng kiếm được một bà làm lại cuộc đời, cô Nga chắc bắt đầu nấu cơm ở nhà, ít khi thấy cô ở những quán cơm chỉ, ông Khoa, ông Chương cũng biến đâu không ai thấy, Thành dọn xuống San Jose với một người bạn, anh để câu chuyện hoang tưởng của Nga tan theo Hội Cơm Chỉ.
Hai năm sau Thành trở lại Seattle chơi, ghé đến thăm bà Vượng, bà Vượng vẫn ở chỗ cũ. Bà mừng rỡ khi mở cửa ra thấy Thành, bà nói rối rít, kể lung tung chuyện nọ sang chuyện kia, bà rủ Thành.
– Tôi sắp đi thăm chồng cô Nga đây, ông ta bị ung thư, được cho về nhà rồi. Anh có đi với tôi không?
Thành ngạc nhiên hỏi:
– Cô Nga lấy chồng à? Mà lấy ai, mình có quen không?
Bà Vượng cười.
– Lấy ông Khoa chứ lấy ai? Mà cái cô Nga này lạ lắm, mãi thì không sao, biết tin ông Khoa bị ung thư phổi mới lăn vào đòi lấy, bây giờ lăn vào hầu. Anh cứ gặp đi thì biết, không những cô ấy đẹp hẳn ra, mà bệnh tâm thần biến mất.
Thành đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác. Ông Khoa bị vợ bỏ có đến gần 20 năm rồi, không lấy ai, bây giờ bị ung thư lại bằng lòng lấy một bà tâm thần, lạ thật! Anh tò mò muốn nhìn tận mặt hai người này ở chung với nhau ra sao?
Nga không ở nhà housing của chính phủ nữa mà dọn vào ở trong căn chung cư của ông Khoa. Nga mở cửa đón bà Vượng không ngờ có cả Thành, cô khựng người lại một chút nhưng lại lấy được ngay lại cái lịch lãm của bà chủ nhà, mời khách vào. Căn nhà nhỏ nhưng ngăn nắp sạch sẽ, trang trí giản dị, Nga rót hai chén trà mời khách, hạ giọng nói:
– Anh Khoa vừa thức giấc, nhưng hãy còn nằm trên giường để em vào xem anh ấy dậy hẳn chưa? Rồi anh chị hãy vào thăm, tối qua anh ấy ho quá!
Thành kín đáo nhìn Nga, thấy bà Vượng nói đúng, Nga đẹp hẳn ra, hai con mắt long lanh, khuôn mặt sáng trưng, mất hết cái vẻ thất thần, buồn bã của hai năm trước, nghe trong giọng nói của Nga có cái thanh âm âu yếm của người vợ săn sóc chồng. Nhìn cái lưng Nga đi vào buồng trong, tự nhiên Thành thấy tiêng tiếc như vừa đánh mất một cái gì rất quý.
Truớc mặt Thành là Khoa, người đàn ông đã ngoài 60 mươi, da mặt xanh mướt, hai má hóp lại, tóc trắng xám, đang nằm trên giường nhưng được kê đầu trên hai cái gối cao. So với Khoa của Hội Cơm Chỉ hai năm trước thì khó hình dung ra được là một người. Thành kéo ghé ngồi xuống trò chuyện với Khoa, anh tránh không hỏi đến bệnh tật, không hỏi đến cuộc tình của Nga và Khoa, anh chỉ nhắc lại những kỷ niệm vui của Hội Cơm Chỉ, nhắc đến những người đã vắng mặt. Khoa cũng vui khi gặp lại Thành, tuy mệt mỏi nhưng anh mỉm cười luôn miệng, anh nhắc Nga làm cơm đãi khách, nhưng Thành nhất định từ chối, nói là đã nhận lời ăn với một người bạn, trong lòng anh không muốn Nga bận thêm việc, hầu một mình Khoa chắc cũng vất vả lắm rồi. Nói vài câu chuyện anh xin về trước, bà Vượng ở lại.
Thành đến sát giường cúi xuống bắt tay Khoa, trong ánh sáng của ngọn đèn ngủ chiếu vào khuôn mặt xanh xao của người bệnh, bất chợt Thành nhìn thấy một vệt xẹo nhỏ dài, khá xâu chạy từ cuối chân mày xuống bên má trái của Khoa. Anh hấp tấạp bước ra khỏi của buồng ngủ, nghe lồng ngực nặng như có một tấn đá đè lên, anh không biết làm thế nào xô xuống.
Thành lái xe đi trong buổi chiều mùa Đông, cái bảng điện báo thời gian và thời tiết bên đường cho anh biết là đang ở 30 độF, không chừng khuya nay lạnh thêm chút nữa sẽ có tuyết, nhưng sao anh không thấy lạnh, anh quên cả mở máy sưởi trong xe, cái tấn đá vô hình vẫn đè trên ngực anh:
“Nga đã hoàn toàn khỏi bệnh tâm thần chưa, hay là bệnh của cô trở nên trầm trọng hơn?
Cái vết xẹo trên mặt ông Khoa rõ thế mà sao bấy lâu nay anh vô ý nên không thấy?
Câu chuyện hai năm trước cô kể cho anh nghe về người đàn ông Việt Nam ở trong trại làm nhục cô có thật hay chỉ là tưởng tượng?
Khi cô thấy ông Khoa có vết sẹo ở trên mặt, cô nghĩ ngay ra một câu chuyện để ôm lấy trong đầu, rồi lại lao vào lấy một ông Khoa sắp chết, biến câu chuyện thành sự thật?
Hay vết sẹo trên mặt ông Khoa do chính cô gây ra là sự thật nhất?”
Ước gì tất cả chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một người bị bệnh tâm thần, Nga chưa hề là nạn nhân của ai cả, cô chỉ là nạn nhân của một cuộc đào thoát ra khỏi quê hương mình cũng đủ đau thương lắm rồi.
TRẦN MỘNG TÚ
(Viết cho 30 tháng Tư)
Đã xem 532 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments