Khi tôi học lớp bốn không hiểu sao chỉ riêng lớp tôi lại được chuyến đến một điểm trường nhỏ chỉ có vỏn vẹn một lớp học, lại còn là được thuê lại của nhà dân mở tạm. Trong khi các lớp tiểu học khác lại được học ở trường mà vẫn hay được gọi nôm na là “trường chính” thì lại ở cách đó không xa, chỉ độ trăm bước đi bộ. Điểm trường của chúng tôi nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, cũng có mảnh sân nhỏ đủ để chúng tôi vui chơi và một lớp học dài, được chia thành nửa dùng để học, nửa còn lại thì bỏ trống, nghe đâu được cải tạo từ nhà kho cũ của dân được thuê tạm mà thành. Tuy thế nhưng năm học đó của chúng tôi lại luôn vui vẻ, có lẽ vì là những đứa trẻ vô lo nên mọi buồn vui dễ dàng xóa nhòa theo thời gian hết. Giáo viên duy nhất khi ấy của chúng tôi là cô Dương. Chúng tôi vẫn hay nghe phụ huynh nói cô có biệt danh là “ thành phố buồn” vì bề ngoài của cô có gì đó rất trầm lắng : mái tóc dài luôn được thả buông che hết cả bờ lưng, giọng nói khá êm đềm và có phần chậm rãi. Dáng người cô cũng khá cao và ốm khiến cho bước đi của cô có phần trở nên lặng lẽ và từ từ hơn nữa. Cô chỉ dạy tôi có một năm ngắn ngủi và cũng vì khi ấy hãy còn quá nhỏ nên kì thực kí ức của tôi về cô không còn nhiều nhưng mỗi mảnh quá khứ đều như để lại trong tôi từng cơn dư chấn nhẹ.
Tôi còn nhớ bên cạnh trường tôi có một cô bán nước, khi ấy muốn ra ngoài mua nước chúng tôi không được ra từ cổng chính vì nó luôn khóa mà phải đi tạm qua nhà dân. Nhưng khi ấy lối ra là phải băng qua cả một cái chuồng heo to thế là chúng tôi thấm sợ. Những ngày đầu không đứa nào dám ra ngoài nhưng cũng vì thế mà trong suốt buổi học nhiều đứa đều khát nước, chúng tôi khi ấy nào có bình nhỏ bình to đựng nước như lứa học sinh chuẩn bị đầy đủ bây giờ. Để ý một thời gian, cứ đến giờ ra chơi cô lại bảo với chúng tôi:
- Em nào muốn ra ngoài mua nước thì nói cô, cô dẫn đi, với đừng có tự đi một mình người ta bắt cóc đấy.
Cô dọa cho vui nhưng sau đó cứ ra chơi là cô lại nắm tay từng đứa đi ra rồi đứng chờ lũ
Nhóc ham ăn quà vặt mua đồ xong tất rồi mới vô. Cô còn tự nấu ở nhà một ấm nước sau đó bỏ vào thùng ngày nào cũng đều đặn cột sau chiếc xe đạp cọc cạch cô vẫn hay dùng đến trường để chở đến cho cả lớp uống, vì cô biết đâu phải bạn nào cũng có tiền để mua nước uống. Khi ấy đồng tiền chưa trở nên mất giá như bây giờ, bạn nhỏ nào có năm ngàn trong túi đã là “ giàu” lắm rồi. Tôi còn nhớ chúng tôi có một món quà vặt rất thích đó là “ đá đông lạnh bỏ vào bì bán”, mua khi ấy chỉ từ hai trăm đồng đến năm trăm đồng. Mua được là cứ ngồi mút lấy mút để, nó chẳng có vị gì hết nhưng chúng tôi khi ấy lại luôn xem chúng như những que kem, vì lớp tôi phần lớn là con của những người lao động nghèo. Thế là vào những ngày cuối tuần, sau khi tan lớp học, cô vẫn hay tự bỏ tiền túi của mình mua kem cho chúng tôi ăn, nhắn nhủ là thưởng vì mấy đứa ngoan, chăm nghe giảng.
Cô luôn dịu dàng với chúng tôi và phương châm dạy bảo của cô khi chúng tôi mắc lỗi sai là chỉ ra điểm sai chứ không phải mắng chúng tôi. Vì cô luôn cho rằng giúp nhân ra điểm sai để không tái phạm thì vẫn hơn là nạt nộ chỉ làm chúng tôi sợ. Tôi nhớ có một lần mẹ bạn Phước ghé đón bạn tan học sau khi đi chợ về, trên xe còn treo đầy những trứng, lúc vô tình nghịch tôi ngã vào xe, xe đổ vỡ luôn cả trứng, thế là còn chưa kịp đứng dậy đã bị bác mắng như tát nước vào mặt. Cô khi ấy đang thu dọn giáo án chuẩn bị về, việc đầu tiên khi thấy tôi không phải là giúp bác mắng tôi mà là đỡ tôi đứng dậy, phủi sạch quần áo tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Em ngã có đau không?
Khi ấy vừa sợ vừa đau, khóe mắt tôi chỉ chực tìm lí do trào ra nước mắt. Cô nhẹ nhàng
Xin lỗi bác và giúp tôi nhận ra tính không cẩn thận của mình, sau đó mẹ tôi cũng đến và bác khi ấy nhìn thấy tôi hối lỗi cũng mềm lòng bỏ qua cho tôi. Bài học đó trở nên sâu sắc với một đứa trẻ học lớp ba, khi ấy tôi nhận ra nếu mình thành tâm hối hận thì lỗi lầm luôn sẽ được tha thứ mà nhất là đừng bao giờ vì tính ẩu tả của mình làm mọi người phải xin lỗi thay mình.
Tôi luôn để ý cô luôn đến lớp rất sớm và hỏi kĩ từng học sinh đã ăn sáng chưa sau đó cô mới ăn, như để chia sẻ phần của mình nếu có bạn nào quên ăn mà đến lớp. Và khi chiều về cũng về rất trễ, chắc mẩm phải có phụ huynh đến đón bạn cuối cùng. Tôi hay tự nghĩ người nhà không đợi cô sao mà cô dành thời gian ở trường nhiều đến thế cho đến khi tôi cùng mẹ đến thăm cô nhân ngày Nhà giáo. Căn nhà của cô nhỏ xíu lọt thỏm ở cuối một con hẻm sát núi, căn nhà chỉ có mỗi cô. Nghe hàng xóm bảo cô đã hơn bốn mươi mà vẫn chưa chồng, dường như tôi hiểu được lí do vì sao học sinh chúng tôi là tất cả đối với cô… Khi ấy mỗi ngày nhà giáo phụ huỵnh hay mua cân đường hoặc lít dầu làm quà biếu thầy cô nhưng khi tôi và mẹ đến thì cô từ chối thẳng bảo toàn dân lao động nghèo không có tiền, để đó nuôi các cháu học… Hôm sau đi học tôi cũng nghe các bạn đến thăm cô bảo cô từ chối hết quà cáp, đến thăm cô là cô vui rồi.
Năm học ấy của chúng tôi cũng trôi qua lặng lẽ như nhịp sống của cô vậy nhưng chính vì như thế nên chúng tôi cũng cảm thấy cuộc sống vốn bình lặng với chúng tôi không như những gian khó sau này trên đường đời. Sau năm ấy chúng tôi được chuyển lên “ trường chính” học rồi cứ thế tháng năm cứ trôi qua. Bây giờ khi thời gian kéo vội tôi đi, ở ngưỡng ba mươi tôi mới quay về thăm “trường cũ”. Trường đã được trả lại cho dân từ rất lâu, dù mảnh sân và lớp học ấy vẫn còn bóng dáng quen thuộc đâu đây. Cô cũng đã về hưu từ chục năm về trước và đã chuyển nhà đi nơi khác sinh sống, tôi hoàn toàn không cách nào liên lạc. Chỉ là thi thoảng nhớ về một kí ức cũ, nhớ về cô như những mảng màu trong cuộc sống không thể nào quên.
Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Đã xem 1,516 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments