Ông Jojo Marengo HS Lương Trường Thọ
1*. Mở bài
Họa sĩ Lương Trường Thọ là người Việt Nam đầu tiên, người Á châu duy nhất được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ Thuật Thế Giới (World Art Foundation –WAF) tuyển chọn và xếp vào hạng Master Art.
Hội Mỹ thuật Thế Giới (WAF) gồm 400 họa sĩ và điêu khắc gia của 53 quốc gia trên thế giới, được sáng lập bởi ông Jojo Marengo.
Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ được WAF chọn tham gia triển lãm tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới.
Một điều rất đáng mừng và hảnh diện, đó là vào ngày 23-7-2009, tại Hoa Kỳ, tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (World Art Foundation-WAF) đã công bố tuyển chọn thành viên mới là một họa sĩ người Việt Nam, Lương Trường Thọ. Đó là một vinh dự lớn không những đối với người Việt Nam mà còn đối với cả giới cầm cọ Đông Nam Á, bởi vì từ trước đến nay chưa có một họa sĩ Châu Á nào có mặt trong WAF cả.
2*. Tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF)
Tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF) do ông Jojo Marengo sáng lập vào ngày 31-10-2008 tại Orange County, California. Thành viên của tổ chức nầy gồm những họa sĩ, điêu khắc gia chuyên nghiệp trên thế giới.
Ông Jojo Marengo tuyên bố: “Là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, thành viên của WAF, chúng tôi tập họp dưới một ngọn cờ để tạo thành một một ngành công nghiệp nghệ thuật thống nhất. (As the professional artists and members of WAF, we congregate under one banner to form a unified art industry)
Gia đình Marengo làm chủ 21 tạp chí nghệ thuật dưới cái tên là Umbrella Publishing.
Được chọn làm thành viên của WAF, họa sĩ phải hội đủ nhưng tiêu chuẩn nghệ thuật rất cao, qua sự duyệt xét gắt gao, mà những ai thành danh thật sự, mới được tuyển chọn.
3*. Chủ Tịch World Art Foundation nêu nhận xét về họa sĩ Lương Trường Thọ.
Trong tạp chí “Las Vegas The Best”, số ra April 2010, ông Jojo Marengo, Chủ Tịch World Art Foundation, có bài viết về họa sĩ Lương Trường Thọ với trích đoạn như sau:
“Trong môi trường mỹ thuật có một họa sĩ Việt Nam tên Lương Trường Thọ, với hơn 40 năm cầm cọ, đã sáng tác hàng ngàn tranh tượng đủ mọi thể loại, đặc biệt là hội họa. Những gì họa sĩ thể hiện là những ghi dấu khắc họa đời sống hiện thực và tâm linh không ngừng thay đổi của sự vật, bằng bút pháp lạ lùng. Phẩm chất riêng của người họa sĩ nầy chính là năng lực cảm thụ và chia sẻ được những biểu hiện sâu sắc về vẻ đẹp của thế giới quanh ta, thông qua màu sắc của hội hoạ.
Tác phẩm của ông giúp ta cảm nhận những hồi ức, niềm vui nỗi buồn, hay gợi lên những xúc động bất chợt về một sự kiện, sự vật, thời gian, ăn sâu trong nỗi nhớ bâng khuâng, như một bài thơ hay một bản nhạc…trải qua nhiều giai đoạn cầm cọ thăng trầm, ông vẫn sáng tác không mệt mõi, và tác phẩm mới luôn luôn hiện hữu mang chất mới lạ, không lập lại…
Khi không vẽ, điều này hơi ít, họa sĩ Lương Trường Thọ thường xử dụng thời gian để nghiên cứu tác phẩm của các bậc danh họa, và các họa sĩ đương đại, những niềm hứng khởi vẫn là những hiện hữu chung quanh, trong đó có gia đình và bạn bè, một chỗ dựa vững chắc là người bạn đời và các con. Chính họ đem đến sự ủng hộ tuyệt đối cho sự nghiệp của ông. Với tình yêu nghệ thuật vốn có, cùng tình cảm mà ông nhận được từ gia đình, và những người bạn thân, ta có thể hiểu tại sao ông sáng tạo không mệt mỏi và buồn nản…
Tóm lại, chúng ta có thể nhận ra rằng họa sĩ Lương Trường Thọ được biết đến, và được nhớ mãi về nét độc đáo, một hoạ sĩ đã dũng cảm vượt ra những hàng rào ràng buộc của qui ước để sáng tạo những tác phẩm đẹp cho đời”. (Jojo Marengo)
Họa sĩ Thọ và hiền thê * Tạp chí WAF giới thiệu họa sĩ Lương Trường Thọ
4*. Họa sĩ Lương Trường Thọ tham gia triển lãm quốc tế
4.1. Tham gia các cuộc triễn lãm quốc tế như:
Thailand &Singapore (1973-1974). Hamburg, Germany. (2001). Iowa USA. (2004). Seoul, Korea. (2006). California, USA (2006). Three Artists, VN (2007). California, USA (2008). All America Tour, Santa Fe, New Mexico, USA. (2009). International Artists of 31 countries: Las Vegas, USA (2010) . BOWERS Art Museum: Santa Ana, CA, USA (2011)
4.2. Các giải thưởng:
– Ngôi sao vàng BID, Madrid, Tây Ban Nha
– Huy chương vàng mỹ thuật gỗ, Hội Mỹ Thuật VN.
Những tác phẩm đoạt giải:
Vòng tay âu yếm (Hustler) sơn dầu 122×92 cm.
Mộng Điệp (Deep Enchanted Dream) sơn dầu 120×100 cm
5*. Chương trình triển lãm hành trình nước Mỹ (All America Tour)
Tác phẩm của họa sĩ Lương Trường Thọ là đại diện duy nhất của khu vực Á châu, và tác phẩm của 30 thành viên Mỹ Thuật Thế Giới, do WAF tuyển chọn, đã được trưng bày lần lượt tại 10 thành phố lớn Hoa Kỳ: Los Angeles, Laguna Beach, La Jolla (Cali), Santa Fe (New Mexico) Scottsdale, Sedonia (Arizona), Chicago (Illinois), Cleveland (Ohio), Pittsburg (Pensylvania) và New York.
Mục đích cuộc triễn lãm là giới thiệu những tác phẩm nổi bật của các thành viên WAF đến khán giả, tại các đô thị nghệ thuật của Hoa Kỳ. Đồng thời, tác phẩm của họ cũng sẽ được trưng bày tại các Gallery uy tín ở Hoa Kỳ.
Khẩu hiệu của WAF là: “Chúng ta là những người có sứ mệnh xây dựng một xứ sở toàn cầu” (We are people with a mission building a global nation). Có ý nghĩa là sắc màu của nghệ thuật không còn biên giới của quốc gia nữa.
Từ các nơi trên thế giới, các nghệ sĩ của WAF đến gặp gỡ nhau, trao đổi, chia xẻ kiến thức, nâng cao kỹ năng, những kinh nghiệm nghề nghiệp và cả cơ hội đưa tác phẩm ra thị trường.
Từ trái sang: Nữ ký giả báo Santa Fe, hoạ sĩ Lương Trường Thọ, Chủ tịch đồng thời là nhà sáng lập WAF Jojo Marengo và giám đốc điều hành WAF Antoin Marengo bên bức tranh Mộng điệp tại cuộc triển lãm “Hành trình nước Mỹ.”
6*. Họa sĩ Lương Trường Thọ là thành viên của những tổ chức nghệ thuật Việt Nam và thế giới.
Lương Trường Thọ sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định. Nguyên là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến/Việt Nam Cộng Hòa.
Vẽ tranh từ năm 1966 đến nay. Là hội viên của các tổ chức nghệ thuật sau đây:
– Hội Mỹ Thuật Sài Gòn
– Mekong Art
– Exotic Art Club Hamburg, Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 2001
– Hội viên World Art Foundation. Là hội viên người Việt Nam đầu tiên và người châu Á duy nhất từ năm 2009.
– Hội viên California Art Club, một hội được thành lập năm 1909.
– Thành viên của Họa sĩ Việt Nam Hải Ngoại
– Thành viên của nhóm Họa Sĩ Nam Cali.
7*. Vượt ra mọi rào cản của quy ước về trường phái.
7.1. Các trường phái trong hội họa được ghi nhận như sau
1. Trường phái Ấn tượng – Impressionism (1874-1886)
2. Trường phái Hậu ấn tượng – Post Impressionism (1886-1910)
3. Trường phái Dã thú – Fauvism (1905-1909)
4. Trường phái Biểu hiện – Expressionism (1906-1919)
5. Trường phái Lập thể – Cubism (1909-1926)
6. Trường phái Tương lai – Futurism (1909-1918)
7. Trường phái Dada – Dadaism (1916-1922)
8. Trường phái Siêu thực – Surrealism (1924-1938)
9. Trường phái Ấn tượng trừu tượng – Abstract Impressionism (Những năm 1940)
Còn nhiều trường phái khác nữa…
7.2. Vượt ra mọi rào cản quy ước về trường phái.
Ông Jojo Marengo viết: “Tóm lại, chúng ta có thể nhận ra rằng họa sĩ Lương Trường Thọ được biết đến và được nhớ mãi về nét độc đáo, một hoạ sĩ đã dũng cảm vượt ra những hàng rào ràng buộc của qui ước để sáng tạo những tác phẩm đẹp cho đời”. (Jojo Marengo)
Ông Jojo Marengo nhấn mạnh, người họa sĩ nầy đã dũng cảm vượt ra những hàng rào ràng buộc của quy ước để sáng tạo nét đặc biệt của anh.
Họa sĩ Trương Đình Uyên viết: “Nhìn chung, phòng triển lãm mừng 50 năm hội họa Lương Trường Thọ, có phần nghiêng nhiều về trường phái Dã Thú (Fauvism) với những tảng màu nóng, tươi, nhưng tôi cũng thấy khá nhiều những bức tranh khác của ông có nhiều hình tượng, nên chúng ta có thể nói, họa sĩ Lương Trường Thọ không nhất thiết phải theo đuổi duy nhất một trường phái nào, mà ông để cảm hứng dẫn dắt tới những khuynh hướng hay xu hướng nghệ thuật ứng hợp với những rung động của ông trong giây phút xúc động trước khung vải”.
Có thể nói, cảm xúc dẫn dắt tới khuynh hướng của trường phái, hay là có thể nói, ông đã can đảm vượt qua mọi rào cản trong khuôn khổ của quy ước về trường phái.
8*. Những lời tâm sự của họa sĩ Lương Trường Thọ
8.1. Sáng tạo không ngừng
Người họa sĩ bậc thầy là Nguyễn Gia Trí, đã để lại những lời nhắn nhũ cho các thế hệ họa sĩ đàn em như sau: “Bức tranh là một phương tiện để người họa sĩ nâng mình lên, vẽ xong thì bỏ nó, đi tìm lối khác. Nếu người họa sĩ chỉ biết dừng lại ở một tác phẩm mà không tìm cách nâng mình lên, khám phá ra cái mới thì tranh không còn sống động nữa”.
Sáng tạo là khám phá ra cái mới, mà thế giới mới vô cùng bao la cho nên cây cọ không bao giờ ngừng nghỉ cả.
Họa sĩ Thọ cho biết: “Hội họa là người bạn đồng hành trong cõi riêng đầy màu sắc, và tâm linh của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó”.
Người nghệ sĩ phải biết đam mê nghệ thuật thì tác phẩm sẽ luôn sống động, hấp dẫn. Trái lại nếu đi theo cái cũ thì sanh ra nhàm chán. Dứt khoát là phải tránh tình trạng rập khuôn.
8.2. Những lời tâm sự của họa sĩ Lương Trường Thọ
“Tranh của tôi là một thế giới riêng của sự hồi nhớ, của những suy tưởng và cả những cảm nhận rất gần, mang tính cách tân qua một tâm hồn Việt. Nón lá, áo dài, bóng dáng sương khói của người thiếu nữ, biển cả, núi sông đều trong trẻo, an lành, mang một chút bí ẩn…
Về cái đẹp, theo tôi thì phải là cái làm người ta thích thú, cảm thụ được, mang đến cảm xúc mới mẻ và gần gũi với ta. Đó chính là cái hồn, là sự hòa trộn của màu sắc và rung động nghệ thuật.
Hội họa là người bạn đồng hành trong cõi riêng đầy màu sắc và tâm linh của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó. Tôi thích sự thơ ngây, hồn nhiên, thích khám phá những bí ẩn trong tâm hồn và sự vật chung quanh trên tấm vải màu trắng bằng những hòa sắc của riêng mình”.
9*. Tranh khỏa thân
9.1. Tranh khỏa thân của họa sĩ Lương Trường Thọ
Mặc dù không có trường phái khỏa thân, nhưng có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh khỏa thân. Họa sĩ Lương Trường Thọ cũng có một số tranh khỏa thân, nhưng không phải khỏa thân hiện thực, mà là khỏa thân trừu tượng. Bóng dáng người phụ nữ chìm trong những đường nét và mảng màu « hỗn độn », phải nhìn cho kỹ mới thấy người phụ nữ khỏa thân.
Bức tranh Mộng Điệp được đánh giá cao trong triển lãm ở 10 thành phố Hoa Kỳ.
Ngoài ra, còn có những tranh khỏa thân như : Tắm Nắng, Biển Tím, Khỏa Thân, Bản Năng Người Mẹ…
Tắm Nắng Mộng Điệp Biển Tím
Khỏa thân Bản năng người mẹ
9.2. Con gái khỏa thân cho cha vẽ gây tranh luận ồn ào khắp nơi.
Trong cuộc triển lãm Mùa Xuân năm 2009 tại Bắc Kinh, một tập tranh gồm 30 tranh sơn dầu khỏa thân, mang tên « Nữ Thần Rừng Núi Phương Đông » của họa sĩ người Tàu tên Lý Tráng Bình.
Triển lãm tranh khỏa thân là việc bình thường, nhưng bỗng nhiên gây ồn ào trong dư luận. Đó là việc con gái khỏa thân cho cha vẽ.
Tờ Trùng Khánh đưa tin, « Nghệ thuật phải giúp tâm hồn con người tốt đẹp hơn, nhưng sự kiện nầy làm cho chúng ta cảm thấy nhức nhối, khó chịu. Xét về mặt luân lý thì việc nầy không chính đáng. Dư luận xã hội cần phải lên án mạnh mẽ ».
Tờ Straits Times của Singapore đã đăng bài tựa đề : « Cuộc cách mạng về tình dục hay cùng quẫn. Vốn là một họa sĩ tỉnh lẻ chẳng ai biết tới, đó là một hành vi bịnh hoạn được khoác lên cái vỏ sáng tạo nghệ thuật để tìm sự nổi tiếng ».
Trang Art.com cho rằng việc con gái đã trưởng thành cởi hết quần áo trước mặt cha ruột để làm mẫu, thì thực là sự bại hoại, không thể chấp nhận được. Hành vi của Lý Tráng Bình là sự xúc phạm nghệ thuật, chớ không phải sáng tạo. Như vậy thì còn gọi gì là thuần phong mỹ tục.
Biện bạch của họa sĩ Lý Tráng Bình. Tôi có ý định dùng con gái tôi làm mẫu để sáng tác bộ tranh Nữ Thần Rừng Núi Phương Đông, được vợ tôi tán thành và ủng hộ.
Ngoài việc phê phán gay gắt, nhiều tạp chí khiêu dâm, trong và ngoài nước đăng hình con gái tôi, đã gây sức ép tâm lý rất lớn. Con gái tôi bị dồn vào chỗ gần như tuyệt vọng. Con gái tôi, Lý Tần, ngại ra đường, ngại gặp bạn bè, và thậm chí không dám đi thăm bà con ruột thịt. Suốt ngày đóng cửa trong phòng và khóc.
Lý Tráng Bình không lùi bước.
“Tôi không vì sự phê phán mà chùn bước. Sắp tới đây tôi sáng tạo một số đề tài về con gái như tập tranh có tựa đề Cô Gái Rồng Xanh và Hoa Tiên Nữ. Chúng tôi không quan tâm đến những màu mắt kiếng, mà người khác đeo nó, để nhìn vào chúng tôi.” Nói như vậy là cãi bướng, vì nghệ thuật phải phục vụ cho nhân sinh. Vẽ ra hình để cho người xem, thưởng thức. Nếu không ai thèm xem, không ai thưởng thức thì bức tranh kể như bỏ đi. Lý Tần đã suy sụp tinh thần rồi, đâu còn nét nét sinh động của “Hoa Tiên Nữ”
Phản ứng của Lý Tần.
Lý Tần ngậm ngùi nói: “Tưởng rằng cống hiến cho nghệ thuật nào ngờ bị lên án và phê phán gay gắt. Giờ đây tôi không còn mặt mũi nào nhìn mọi người. Ra đường cứ nơm nớp, thấp thỏm lo sợ, và cảm thấy mình luôn luôn bị rình rập để chụp ảnh, quay phim làm đề tài cho những chuyện xấu xa. Chỉ cần thấy ống kiếng của phóng viên là tôi sợ bắn người, như điện giật”.
Mẹ của Lý Tần đã từng vận động con gái khỏa thân cho cha vẽ. Bà nói: “Con gái tôi rất đẹp, tôi cảm thấy ganh tỵ với nó. Tôi cho rằng đây là một cách hay để nó lưu giữ lại những thời khắc đẹp của tuổi xuân thì. Tôi rất buồn vì tôi đã không có một cơ hội như nó khi tôi còn trẻ”.
Người mẫu và người vẽ không có một liên hệ nào đến tính sáng tạo nghệ thuật cả. Trong một lớp học của trường mỹ thuật, chỉ có một người mẫu, nhưng hình vẽ của sinh viên khác nhau. Người mẫu được xem như “một vật chết”, nhưng việc sử dụng những nét cọ và việc pha màu sắc đã tạo ra sự sống, linh động của hình mẫu.
10*. Hai họa sĩ và tranh nổi tiếng
Nói về hội họa thì không thể thiếu hai họa sĩ nổi tiếng thế giới, là họa sĩ Pablo Picasso với trường phái Lập thể, và họa sĩ Leonardo da Vinci với bức tranh Mona Lisa.
10.1. Họa sĩ Pablo Picasso và trường phái Lập thể
Trường phái Lập thể (Cubism) được xem là đã tạo ra cuộc cách mạng hội họa đầu thế kỷ 20. Người họa sĩ tiêu biểu là Pablo Picasso (25-10-1881 – 8-4-1973) họa sĩ vừa là nhà điêu khắc người Tây Ban Nha
Tranh khỏa thân của Pablo Picasso
Picasso và tranh người tình
1). 2).
Nude, green leaves and bust Les Femmes d’Alger
1). Bức họa sơn dầu « Nude, green leaves and bust » của danh họa Pablo Picasso.
giá hiện tại của bức họa là 106.5 triệu USD.
2). Les Femmes d’Alger
Tác giả: Pablo Picasso. Bức tranh sơn dầu vẽ năm 1955 giá cuối cùng trong phiên đấu giá ngày 12/5/2015 là 179,365,000 USD.
Tranh Lập thể cũng thuộc về loại Trừu tượng, một danh hài cũng là họa sĩ biếm họa người Mỹ, tên Al Capp cho biết: « Abstract art is a product of the untalented, sold by the unprincipled to the utterly bewildered » (Hội họa trừu tượng là sản phẩm của kẻ bất tài, được bán bởi kẻ bất lương cho kẻ hoàn toàn rối trí)
Hai bức tranh trừu tượng
Number 5, Jackson Pollock. (140 triệu USD) * “Black Square,” 1915 của Kazimir Malevich
11*. Họa sĩ Leonardo da Vinci và bức tranh Mona Lisa
11.1. Họa sĩ Leonardo da Vinci
Leonardo di ser Piero da Vinci sinh ngày 15-4-1452, mất ngày 2-5-1919. Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẩu, được xem như một thiên tài toàn năng của nước Ý.
Năm 1476, ông cùng 3 người đàn ông khác bị buộc tội quan hệ tình dục với một người đàn ông làm người mẫu, 17 tuổi, tên Jacopo Saltarelli, một người mãi dâm nam nổi tiếng lúc bấy giờ.
Hai họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci và Pablo Picasso đều mắc bệnh khó đọc, khó viết.
11.2. Bức tranh Mona Lisa
Mona Lisa (La Joconde)
1). Tổng quát về bức tranh
Mona Lisa còn được gọi là La Gioconda hay La Joconde, là một bức chân dung thế kỷ 16, được họa sĩ Leonardo da Vinci, người Ý, vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ, tại Florence (Ý)
Tác phẩm nầy thuộc quyền sở hữu của chánh phủ Pháp, hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng Louvre, Paris.
Đó là chân dung của bà Lisa Gherardini, vợ của ông Francesco del Giocondi, một người buôn tơ lụa giàu có ở nước Ý. Bức tranh nổi tiếng, được biết đến trên thế giới.
2). Lịch sử của bức tranh
Họa sĩ Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa từ năm 1503. Đang vẽ nửa chừng, ông ngừng vẽ và bỏ nó qua một bên suốt 4 năm.
Năm 1516, ông rời nước Ý và mang nó theo qua Pháp. Ông tiếp tục vẽ và hoàn thành nó năm 1519, trước khi qua đời cùng năm. Sau khi ông mất, vua François mua bức tranh 4,000 đồng écu từ tay người phụ tá của họa sĩ, tên Salai.
Thời gian sau, bức tranh về tay của vua Louis XIV, và được treo ở cung điện Versailles. Sau cuộc cách mạng Pháp (1789) nó được đưa tới Viện bảo tàng Louvre. Kế đến, vua Napoleon I chuyển nó tới phòng ngủ của cung điện Tuileries. Sau đó, lại quay về Louvre.
Trong chiến tranh Pháp-Đức (1870-1871) bức tranh được cất giấu ở nơi bí mật nào đó.
Mãi tới đầu thế kỷ 19, Mona Lisa bắt đầu nổi tiếng khi các họa sĩ thuộc trường phái Biểu Tượng (Expressionism) ca ngợi và gắn nói với những ý tưởng của họ về sự bí ẩn của phụ nữ.
3). Bí ẩn về nụ cười và đôi mắt của Mona Lisa
Bức tranh Mona Lisa tạo cảm hứng cho những nhà phân tích, từ nghệ thuật đến khoa học, từ phân tích quang học đến tâm lý học, xoay quanh nụ cười của Mona Lisa.
Nhìn riêng đôi mắt, người ta thấy ánh lên nhiều ý vui, lạc quan, yêu đời, nhưng nhìn xuống khóe miệng, đôi môi, người ta thấy nàng nghiêm nghị kỳ lạ. Trong cái miệng đó, lại thấy sự hồi hộp, lo lắng trong cái nhếch mép cười. Đó là ý kiến của những nhà phê bình, trái lại những người bình thường thì không thấy được những thể hiện về cảm giác đã nêu của bức tranh.
Bộ mặt Mona Lisa vừa cười vừa nghiêm nghị đã trở thành đề tài bàn cãi trong rất nhiều cuộc bút chiến hơn 500 năm nay.
4). Bị trộm và làm hư hại
Ngày 21-8-1911, bức tranh bị trộm, sự việc càng gây thêm danh tiếng cho nó. Bức tranh trong Viện bảo tàng Louvre bỗng nhiên biến mất. Viện bảo tàng đóng cửa một tuần lễ để điều tra.
Một nhân viên của Viện bảo tàng tên Vincenzo Beruggia, một người gốc Ý, đã đột nhập vào phòng tranh, trốn trong phòng, lấy cắp bức tranh, giấu trong áo khoát, sau đó trà trộn theo khách ra về trước khi Viện bảo tàng đóng cửa.
Peruggia cho rằng bức tranh phải được treo trong viện bảo tàng của nước Ý mới phải. Sau khi giữ bức tranh 2 năm trong nhà, Peruggia đem bán cho một giám đốc trưng bày tranh, thì bị bắt.
Năm 1913, Mona Lisa lại trở về Louvre của Pháp.
Người Ý cho rằng Peruggia là người yêu nước, nên chỉ bị bỏ tù 8 tháng thôi.
Trong Thế Chiến II, bức tranh được cất giấu ở nơi an toàn. Năm 1956, phần dưới bức tranh bị hư hại nghiêm trọng, khi một kẻ phá hoại tạc acid vào nó. Ngày 30-12-1956, một người Bolivia tên Ugo Unga Villegas ném một hòn đá vào bức tranh. Tranh bị mất màu gần khuỷu tay trái, sau đó được sửa lại.
Tháng 4 năm 1974, một phụ nữ tàn tật người Nhật đã ném nước sơn đỏ vào tranh, trong khi nó được trưng bày tại Viện bảo tàng Tokyo.
Ngày 2-8-2009, một phụ nữ quẩn trí, bực tức vì không được cho nhập tịch Pháp, nên đã ném một chiếc cốc bằng đất nung làm vở mặt kính, nhưng không có hại gì tới bức tranh.
Năm 1962, Tổng thống Kennedy và phu nhân muốn mượn tranh Mona Lisa. Sau 6 tháng thương lượng mệt mõi, cuối cùng, ngày 14-12-1962, Mona Lisa đã đến nước Mỹ trong những biện pháp bảo vệ vô cùng nghiêm nhặt.
5). Tìm thấy hình thú vật trong bức tranh.
Nghệ sĩ Piccirillo Ron, 37 tuổi, cho biết anh đã thấy hình con khỉ, con sư tử và con trâu ở những phần tối của bức tranh.
Con khỉ (Góc trái trên) sư tử (Góc phải trên) Trâu (Góc phải dưới)
12*. Triển lãm tranh kỷ niệm 50 năm chặng đường nghệ thuật của họa sĩ Lương Trường Thọ.
Họa sĩ Lương Trường Thọ đã tổ chức triển lãm tranh, kỷ niệm 50 năm chặng đường nghệ thuật của anh. Khai mạc vào lúc 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật 14-5-2017 tại thành phố Westminster, California. Cuộc triển lãm được đánh giá là thành công rực rỡ. Đã thu hút được đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè và khách thưởng ngoạn hội họa.
Trước cuộc triển lãm, các trang báo mạng như Việt Báo Online, báo Tổ Quốc, Dân Làm Báo và Nam Úc Tuần Báo, đã có bài giới thiệu cuộc triển lãm qua bài viết của Trúc Giang Minnesota. Sau triển lãm các phương tiện truyền thông đều nêu nhận xét thành công, thông qua Youtube của hai tác giả Dân Huỳnh và Hoàng Vy. Đồng thời các đài truyền hình TV 57-6, TV 57.8, TV 57.2 cũng ca ngợi thành công của cuộc triển lãm.
Nội dung của sự thành công bao gồm giá trị của những bức tranh, đồng thời tư cách và phẩm chất của họa sĩ Lương Trường Thọ, được ca ngợi là người có tài nhưng rất khiêm nhường, dễ mến. Thành công là ở chỗ đó.
Anh chị Thọ với văn nghệ sĩ * Với thân hữu của Quân Y HQ/VNCH
Văn nghệ sĩ, bạn bè và quan khách mến mộ họa sĩ Lương Trường Thọ, cũng như yêu hội họa, đã đến tham dự cuộc triển lãm rất đông đảo. Khách người Mỹ cũng đến xem tranh của người họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nầy, nên người điều khiển chương trình nói hai thứ tiếng, Việt, Anh.
Về phía văn nghệ sĩ, những tên tuổi nổi danh đã hiện diện như nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Lê Tam Anh, điêu khắc gia Dương Văn Hùng, ký giả Dân Huỳnh của báo Người Việt và Kỳ Phát của báo Trẻ Magazine. Nhiếp ảnh gia Tăng Hưng, từ Canada đến tham dự, và chụp hình rất chuyên nghiệp.
Thành phần họa sĩ tham dự gồm có, các họa sĩ: Đặng Ngọc Sinh, Nguyễn Văn Bảy, Mạc Chánh Hòa, Trương Đình Uyên và người bạn đời là nữ họa sĩ Ái Lan…
Ngoài nhóm văn nghệ sĩ ra, còn có nhóm thân hữu trong « Gia đình Quân Y Hải Quân VNCH ». Với sự hiện diện của ông bà Dược sĩ Nguyễn Tất Tiên, ông bà DS Phạm Xuân Dũng, ông bà Bác sĩ Bùi Hữu Phước. Nhiệt tình nhất, là cựu Thiếu tá Quân Y Hải Quân Nguyễn Văn Sáu, Quản lý Bịnh viện Hải Quân. Anh Sáu vừa bình phục sau một cuộc giải phẩu lớn, không ngại đường xa, đã láy xe từ Bắc Cali về Nam Cali để dự triển lãm của họa sĩ Thọ.
Quý bà trong gia đình Quân Y Hải Quân VNCH
Khách « tham quan » muốn đích thân ngắm những bức họa nổi tiếng đã từng tham dự những cuộc triển lãm quốc tế.
Giá trị nghệ thuật của những bức tranh, của tài năng sáng tạo, và tư cách đáng mến của họa sĩ Lương Trường Thọ, đã tạo nên sự thành công rực rỡ của cuộc triển lãm.
13*. Kết luận
Trên trang mạng Hai Bờ Giấy.net, tác giả Văn Hùng Đốc ghi lại như sau: « Là người Việt Nam đầu tiên và người Á Châu duy nhất được Hội Đồng Nghệ Thuật Thế Giới (WAF=World Art Foundation » xếp vào hạng Master Art ».
Ông Jojo Marengo, Chủ Tịch World Art Foundation, đã viết: « Tóm lại, chúng ta có thể nhận ra rằng, họa sĩ Lương Trường Thọ được biết đến, và được nhớ mãi, về nét độc đáo, một hoạ sĩ đã dũng cảm vượt ra những hàng rào ràng buộc của qui ước để sáng tạo những tác phẩm đẹp cho đời”. (Jojo Marengo)
Trúc Giang MN
Minnesota ngày 27-3-2022
XX
XX
Là một người đam mê sắc màu, Lương Trường Thọ biết cầm cọ suốt một chiều dài thời gian trên 50 năm. Có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao, qua những cuộc triển lãm quốc tế từ Thái Lan, Singapore, Hamburg (Đức), Mỹ, Seoul (Hàn Quốc).
Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ cũng góp mặt khá nhiều trong những gallery (phòng trưng bày tranh), những bộ sưu tập khắp nơi trên thế giới như Đức, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Họa sĩ Lương Trường Thọ đã xác định được vị thế và khả năng của mình trong thế giới sắc màu, vượt không gian và đường cọ xuyên biên giới của tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF), mà người sáng lập WAF là ông Jojo Marengo và con trai ông là Antoine Marengo làm giám đốc điều hành.
Đã xem 473 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments