Đạm Hạnh gửi thân vào chùa đã hơn mười mùa lũ lụt. Thập niên quét lá ngoài sân, lau chùi vệ sinh ở chánh điện, rót nước dâng hương và canh giữ thùng phước sương nghiêm ngặt, nói chung là làm việc lặt vặt, linh tinh, nhàn nhã. Đêm về, lui hậu liêu gõ mõ tụng kinh qua loa rồi lăn đùng ra chiếu ngủ say. Mười năm trời vô tư vô số tội chưa thông ngộ ra một điều gì cả, lòng hoài nghi và không hiểu cớ sao kinh sách lại có câu “Ta không vào địa ngục thì ai vào?” Thiên đường, địa ngục, ngoài kia bá tánh vẫn kêu trời. Hai cảnh giới đối cực kia sao mãi nhập nhằng, kẻ nói này người nói nọ. Ông nói “đất nước này đáng sống nhất hành tinh”. Bà la “địa ngục đấy, chết đi mày”!
Ngang trang lứa với Đạm Hạnh có ba chú tiểu khác. Ba chú này tiếng là xuất gia nhưng lòng luôn mang sự ganh tị, về cách chia việc bất công, không đồng đều của sư trụ trì. Bao việc khó đều chỉ định ba đứa ta đổ mồ hôi ra, riêng “thằng” Đạm Hạnh dường như được ưu đãi, nuông chìu, bảo ban giao toàn cả việc nhẹ. Ăn cũng nhiều, ngủ cũng nhiều mà hắn coi mòi “chây lười lao động”. Chùa chưa từng bày cảnh phê bình kiểm thảo, mang thói hư tật xấu của hắn để phản ảnh lên trên thì sợ sư thầy quát “ác khẩu, ngậm máu phun người, khẩu nghiệp”. Ba chú đồng lòng đi tới kết luận: Kệ mẹ nó!
Thế nhưng, một ngày kia sư trụ trì Thích Thương Thiện đã gọi Đạm Hạnh tới giao việc, mà không chừng là việc khó. Ba chú tiểu thấy thế, đang gánh nước, đang nhặt rau, đang chổng mông thổi lửa bèn dừng công việc, ngửa mặt lên vuông trời đầy bụi ô nhiễm mà cất giọng thống khoái: Có vậy chứ, sai nó “xuống núi” một lần cho biết thế nào là lễ độ.
Đạm Hạnh rót nước trà sen đặc sản Huế dâng lên sư thầy, xong lui ngồi xếp bằng trên vuông gối nhỏ đợi nghe chỉ thị:
– Nhìn con, tâm ta xao động đâm nhớ tới một người. Mô Phật!
Nhập đề mông lung, sai lạc xong mới vào tới thân bài. Bàn tay thôi lần tràng hạt, mắt đảo quanh không gian vắng lặng chẳng bóng người:
– Con xuống phố thị tìm người trao hai lá thư. Ta có ghi tên ở ngoài và có đánh số 1, 2. Tìm số một trước, xong đâu đó rồi mới lần tới số hai. Đời vô thường, sự vật đổi thay, nhưng trời sinh mình có lỗ miệng để hỏi han, rồi con sẽ hoàn thành trọng trách ta giao phó. Trong chùa này, chỉ có mình con là ta còn tin cậy thôi. Thư đây, thu cất chỗ kín đáo, coi chừng bị đánh rơi. Mình là người tu hành, ra đường con đừng mang dép, cứ thế mà chân cứng đá mềm. Đi sớm về sớm.
Đạm Hạnh bước qua cổng chùa để hoà nhập vào chốn bụi trần. Thiện tai! Người đâu mà đông quá thể? Dương gian này người chết sao chóng đầu thai. Cứ một chôn xuống đất thì hai, ba lại mở mắt khóc oe oe trong “xưởng đẻ”. Thiện tai! Luật bù trừ coi bộ mất linh nghiệm ở cõi đời này. Đạm Hạnh ngang qua một quán nhậu thịt chó, khói mờ dồn ra mùi thơm nghe quặn ruột. Có đứa ngồi rung đùi trên ghế quen ăn tục nói phét: Ngó vậy đó chớ đừng khi dễ nha, nó đâu có đi khất thực hồi nào, bây giờ chúng toàn ở trong mát mà ăn bát vàng, hổng chừng mà tay thu trong áo nâu sòng lại đang nắm cái di động siêu mỏng chớ đâu xài thứ điện thoại cùi bắp như bọn mình.
Tìm đúng ông số 1, Đạm Hạnh trao ra lá thư. Vợ ông ấy dòm chừng chú em gia đình Phật tử, ngửi ra chuyện không hay. Thư ai vậy anh? Có chuyện gì không anh? Thì đó, lần trước bà đi xin bùa xin xăm xin sao giải hạn lung tung beng thứ, giờ bị người ta đòi nợ. Chú em có mang theo túi xách gì không? Trời ơi, tám chục triệu đâu phải nhỏ chú em. Ôm giữ vén khéo không thì an nguy tới tánh mạng, nó phóng xe tới giựt rồi kéo lê chú em cho đến lúc tìm về cực lạc luôn đó. Ngán hăm? Đạm Hạnh chắp tay: Xin cám ơn từ tâm ạ. Xin bái biệt ạ! Bà nữ thí chủ từng quỳ lạy cho mòn gối ở chùa la lên: Ủa, ngài trụ trì không viết sẵn cái biên nhận hả? Vậy mai này lỡ có gì… Ông số một vịn vai bà vợ: Em khéo lo, người ta tu hành ăn chay niệm Phật, người ta sếp sòng một ngôi chùa đình đám khách thập phương lai vãng, chẳng có lý gì lại… Đã nhớ mặt tui chưa? Tui nhớ mặt chú rồi đó. Về thưa bẩm thầy là mọi thứ đều ô kê. Coi chừng xe đụng.
Đạm Hạnh lại tiếp tục cuộc hành hương tìm về chủ nhân phong thư số 2. Hỏi người này người nọ, ai cũng nói “xa mút chỉ cà tha” đó cưng. Đành phải leo lên xe ôm. Ông già ốm dơ xương hỏi: Về chùa nào? Trong chu vi ba chục cây số vuông chùa chi tui cũng rành đường đi nước bước để lèo lái tới, chùa nào khuất xa thì tui hổng thồ chú đâu nha. Đạm Hạnh nói: Đi với Phật mặc áo cà sa, nhưng chẳng lẽ tui mặc áo lam là chỉ vô chùa thôi sao? Bác xe ôm cười hề hề: Tóc chú cạo láng bóng như thế thì chẳng lẽ tìm tới tiệm hớt tóc thư giãn nó lo cho từ a tới z. Mẹ, nói mới nhớ, nghèo khó luôn bó cái khôn, bó luôn cả cái sướng. Hổng chừng mò ra Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất nước mà đăng ký cái hộ khẩu. Chú người tu hành vậy có tin tới chuyện luân hồi? Kiếp sau tui sẽ làm đờn bà ba vòng đủ tiêu chuẩn, chỉ có thế mới thôi ca bài “đời là bể khổ”.
Chừng cháy rụi một cây nhang, xe đã tấp vô “mái tranh nghèo không người sửa sang” khu vườn thiếu đủ thứ. Bác xe ôm nói: Tui đâu có rành chuyện chặt chém, hô giá đó vì tui là người tử tế, mặc dù tui biết bây giờ người của chùa ai nấy đều giàu sụ.
Người đón nhận lá thư số hai là phụ nữ. Bà mở lá thư ra đọc, khuôn mặt luôn thay đổi. Cảm xúc biểu lộ qua cau mày, nhíu vầng trán, mũi nở to. Bà đọc như kiểu người ta đang niệm kinh, lớn tiếng khi đến đoạn: Em tạm cầm lấy tám chục triệu này nhằm trả công em đã không lên chùa làm tình làm tội. Lần tới anh sẽ biểu thằng cu Đạm mang thêm, dùng tiền đô của Mỹ cho gọn nhẹ. Nước mắt bà chảy ra, bà ấp lá thư vào ngực, mắt ngó không nháy tới “con chim xanh” vừa trao thư, vừa làm cánh nhạn là đà, tung cánh chim về nhìn sơ qua tổ ấm. Con. Bà chỉ thốt được một tiếng, cổ nghẹn nói chẳng ra lời. Đạm Hạnh nhìn người đàn bà bất hạnh, linh cảm có điềm bất lành. Con muốn ở với má hay tiếp tục lui lại chùa với ổng? Má là má ruột của con đây Đạm à. Trước, má cũng đi tu, ni cô này bị ác tăng cưỡng hiếp nên sức mọn cô thế đành hoàn tục tìm nơi vắng để sửa mình. Má sanh ra con, nuôi tới ba năm chịu đời không thấu liền cho con uống thuốc ngủ, viết lá thư nhét trong túi áo, đêm hôm thanh vắng mang con đặt trước cổng chùa, ơn đền oán trả…
Đạm Hạnh ném gói tiền xuống đất, quay đầu ù té chạy như bị ma đuổi. Chú không nhẫm thầm A di đà Phật mà chú nghiến răng trèo trẹo: Địt mẹ, tao về cạy thùng phước sương, tao vơ vét sạch tiền mấy đứa nhẹ dạ cúng dường cho vào ba lô, tao đi giang hồ xuyên Việt trả thù đời. Tao ăn cắp cái đồng hồ giá trăm cây vàng của “ông già dê”, tao trộm luôn cái di động iPone X của ổng. Đừng trách tui nha, hoà thượng Thích Thương Thiện.
Ngôi chùa bề thế đó rồi. Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa vàng liềm vàng treo một hàng phất phơ cùng gió chướng. Mẹ rượt, hổng biết tía tôi lên chức trụ trì thì cần bao nhiêu tuổi đảng? Ma giáo thật!
Hồ Đình Nghiêm
Halloween, 2019
Recent Comments