Thiếu nữ quàng khăn
Đinh Trường Chinh
Nhà mình không nuôi chó, mình thì không giỏi đánh hơi, nhưng trưa đó, do linh tính, qua cửa sổ, mình đứng ngó, ngoài hàng rào, hình như có ai lấp ló. Trời lặng gió, sao mấy nụ hoa dâm bụt đỏ lại lay động? A, một o con gái, thậm thụt dậm cẳng kiểu tiến thoái lưỡng nan. Nắng chan chan, dâm bụt hắt màu đỏ lên mặt o, đôi mắt to, có vẻ đang lo. Mình tròng áo sơ-mi vô một nửa người đang khoả thân. Gọn bân, xong bước ra sân.
– Xin lỗi anh, có anh Cu nơi không?
– Cu chi? Nhà tui có năm cu lận. Cu Phúc, cu Lộc, cu Thọ, cu Thành, cu Đạt.
– Chết cha! Em nghe nói anh Cu không có anh em chi cả, ở với mạ cùng hai người chị thôi. Có lý mô em đi lộn nhà.
– Mà tìm ra anh cu thì răng nữa? Có chuyện chi phải tìm ra cu?
– Em đưa thư cho anh Cu.
– Thư chi? Ai gửi?
– Của chị em gửi.
Mình nghĩ không ra. Nhà tới năm mống đực rựa, ba ông anh mình dại gì chỉ dùng lẻ loi một chữ cu, vô tội vạ, chẳng danh chính ngôn thuận. Mình thì chưa có bồ, thằng em kế cũng rứa, khờ câm. Cu mô hè?
– Cho tui liếc sơ qua cái bì thư có được không? Biết mô vì rứa mà lá thư đến tay người nhận?
O con gái bặm môi, khi nở ra hình trái tim thì bắn tới một điều kiện, coi bằng mắt chớ đụng bàn tay. Chân o mang dép, mấy ngón bám đầy cát, đứng gần o tự nhiên thấy mát.
– Trời, cái o ni! Người ta tên Cư mà cứ hô là Cu. Tui quen anh Cư, đưa thư đây tui chuyển giúp cho.
– Không được, chị em dặn lui dặn tới là phải trao tận tay, không may thất lạc thì chị em sẽ la “đồ thày lay”.
– Nhà anh Cư ở bên kia kìa, cũng số 13 nhưng có thòng thêm chữ B sau đít. Rứa o tên chi?
Người con gái quay lưng, chẳng thèm ư hử một tiếng. Không chửi “dai như đỉa, bu như sam”. Cũng không cám ơn anh. Đi là đi, sợ về trễ, chị nóng ruột, chị ngầy ngà.
Thế rồi cũng vào một buổi trưa, nhưng giờ đây mọi thứ đã úp ngửa. Màu hoa dâm bụt an lành khoe sắc bên hàng giậu đã thôi còn sắc đỏ đơn côi. Bây chừ thì đỏ toàn tập, đỏ nóng lan tận chân trời, những vị khách không mời cũng kêu giời. Giời, thật là phồn vinh giả tạo! Tớ vừa mút xong cây cà-lem, ngon miệng quá, mua cây khác, dấu sau lưng nhằm chiêu đãi bộ đội gái, em tới, mời em, dơ que. Lếu láo thật, lừa phỉnh thật, ác ôn thật. Nó ăn không chừa một thứ gì! Mình theo bà con “chạy giặc” vào Đà Nẵng từ độ trời đất nổi cơn gió bụi, cắm dùi mà chẳng màng chuyện lộn lui. Chỗ ni coi bộ thích hợp hơn chỗ tê? Hàm hồ mà nói rứa chứ ai biết rõ chuyện ngày mai. Ngao ngán tận mang tai. Làm trai mà chẳng đáng thân trai, tối nay thắp nhang trên bàn thờ Phật cũng không rõ ngày mai còn đứng nguyên trạng để thỉnh cầu bình an.
Trưa nắng, gió từ sông Hàn gửi lên chút mát nhưng miệng thấy khát. Ngang cổ viện Chàm thấy dáng ai quen, ngờ vực, tưởng sẽ khó nhìn lại bộ mặt làm đày làm láo, hỏi tên mà chẳng thèm bật mí. Mình tấp xe đạp vô sát lề, dóng tiếng: Cho hỏi có anh Cu nơi không? Ô kìa, tưởng chọc phá “rắn mắt” cho vui, ai ngờ trong khuôn viên cổ viện Chàm anh Cư đang nắm tay một hường nhan thơ thẩn rối bước chân tình tứ, mặc xác tới số phận lẻ bóng đứng canh me bên ngoài. O quay đầu, đôi mắt to như trước “giải phóng”. Đôi mắt câm nín, nhưng nếu cần thông dịch sẽ hiểu nghĩa “anh đi mô rứa? anh cũng chạy tuốt vô đây?”. Dưới sông Hàn ghe thuyền xớn xác chạy qua chạy lại xẻ sóng chừng như sẵn sàng, như toan tính, như chực cơ hội vượt biển. Hết chỗ chơi, sao anh Cư dắt người yêu vô “tham quan” cổ viện Chàm? Vô thành tâm khấn nguyện xin được an toàn vượt biên đường bộ, qua Cam rồi qua Thái? Ông Bút Tre phán: “Hôm nay ghé viện bảo tàng, cũng là công tác cách màng giao cho”.
Anh Cư đi ra, mặt mừng mà tay không bắt, vì đang lu bu chẳng muốn rời ra ngọc thể: Mi cũng vô trong ni đăng ký hộ khẩu à? Mình giả giọng Quảng: Thấy loạ hay reng? Phải tự hồ dù có đúa cơm rách ố. Không ai cười, riêng mình o che miệng. Mình quan sát chùng vụng, hai chị em có nhiều điểm giống nhau, có khác chăng là hai giọt nước có giọt to giọt nhỏ. Ý mình là ngực cô chị có hơi bị “bành trướng” trong lúc cô em nhỏ thó như quen sống với bọn bóc lột. Mình hạc xương mai, dáng gầy đến liễu cũng hờn tủi. Múp có cái đẹp phô trương của sự đầy đủ, thân mỏng cũng phất phơ một vẻ đẹp riêng tư, dễ đánh động lòng thương cảm.
Anh Cư nói bóng nói gió về một cuộc đi “dã ngoại” tay ba. Mình hiểu rằng o nớ, phận làm em trước làm chim xanh trao thư cho cu, khi dành thắng lợi vẻ vang chàng cu liền trở mặt, coi o như kỳ đà cản mũi, gây trở ngại, sinh khó ăn khó nói với tình nhân. Cho nên khi nghe mình đề nghị chở o đi loanh quanh trên chiếc xe đạp cà tàng, cả anh cả chị đều “hồ hởi” ra mặt. Mày tha nó đi giùm cái. Tao biết mày (từ thuở nằm nôi) dại khờ đến uy tín, hoa dâm bụt cũng không dám đưa tay ra ngắt (em nhớ cho mùa cũ đã chết rồi). Đừng nói là đôi uyên ương, ngay cả con bồ câu nhỏ bé cũng cảm thấy nản việc lò dò đi theo họ làm chứng nhân bất đắc dĩ. Hẹn về một thời khắc, một nơi chốn để trình diện, chớ làm bồ câu rụng một cọng lông.
Mình nhớ như in về nạm tiền nằm trong túi quần. Quên sao được bởi vừa bán đi chiếc áo ấm ở trong chợ Mới. Mình thồ “em” qua đường Lê Đình Dương, hỏi người chưa biết tên có cảm thấy đói, hàng quán kia có món bánh khoái bánh xèo thơm ngon đến quặn ruột. Bài bản mình đang thuộc, bụng no mới được cứu chuộc, em một duột thương anh? O ăn nhỏ nhẹ, dùng một mái tóc buông để che bớt bán diện. O hỏi, thỏ thẻ: Bộ anh tính ở đây luôn hay răng? Mình thưa: Chưa biết, nhưng ra lại chốn xưa thì nghe yên dạ hơn Chim xa rừng thương cây nhớ cội. O trao cho mình trái ớt hiểm: Răng anh không đọc tiếp câu sau. Mình cắn miếng ớt: Quên rồi. O cúi mặt: Người xa người tội lắm ai ơi, nếu em nhớ không lầm. Nếu ra Huế, anh vẫn ở địa chỉ cũ? Ừ, chơ biết đi mô. Số nhà 13 như một định mệnh bày trò, tui vẫn nhớ dáng o thập thò. Khi o quay bước tui phải nhảy lò cò lộn vô. O cười thành tiếng, đừng chọc em, nuốt không trôi mô. Rứa còn o? Em sẽ đi xa, nhưng phương trời nào thì chưa tính. Nếu duyên lành, rồi đây em sẽ gặp lại anh.
Phút ban đầu là câu hỏi về một kẻ tên Cu. Số phận là thứ mình rất ngu, khù khờ kiểu chẳng biết mô tê về cách mạng mùa Thu. Người theo kách mệnh thường đi vào khu. Trở ra xúi dân lành phải khóc bù lu bù loa. Tơi tả bao cánh hoa, đến cả mình cũng từng la ui chu choa, khổ chi khổ như bị muối xát gừng thoa. Đang xấc bấc xang bang thì nghe tin anh Cư mang cả chị cả em thầm lặng lên ghe bên Hải Châu quận Ba dông một lèo ra biển xuôi chèo mát mái. Nhạc cách mạng vẫn sa sả, ra rả phát đi trên mấy cái loa chôn đầy phố phường: Từ thành phố này người đã ra đi… Người xuống tàu bọn thực dân rửa chén bát, còn o, cầu trời cho o được tàu Mỹ vớt giữa cuộc hải hành.
Đôi ba tháng sau, mình nhận được thư o. Tuồng chữ học trò mềm mại, đều tăm tắp của một người chịu khó nắn nót khi biểu tỏ những gì mình muốn trình bày: “ … Em viết cầu may vì không mấy tin anh đã rời xa Đà Nẵng. Hú hoạ, có còn hơn không. Em đang ở trại tị nạn, chừng tháng sau thì lên đường sang Mỹ”, nơi mà người ta sẵn lòng vất bỏ hết mọi thứ, kể cả mạng sống hòng được đặt chân lên. Ở trong trại, em buồn lắm. Tự nhiên em luôn nghĩ về anh. Nếu nhận được thư này, anh nhớ hồi âm cho em ngay. Anh vẫn làm con chim cu lẻ bạn? Kể chuyện bên nhà cho em nghe, càng dài càng tốt. Em, Huỳnh Thị Phượng Vỹ. Tái bút: Em hỏi anh Cư và biết được tên anh để ghi ngoài phong bì. Không có ai kỳ cục như bọn mình, anh Thành có nghĩ vậy không? Thư sau em sẽ gửi kèm theo tấm ảnh để anh xem cô bé ngày nọ đã đổi thay đến chừng nào?”
Thư đi tin lại. Mình cố kềm giữ để không bày tỏ hết tâm trạng riêng mang, sợ Phượng Vỹ ngộ nhận và sợ nhà nước kiểm duyệt nội dung gây bất lợi chẳng đáng có. Tuy chẳng thở than, nhưng khi qua tới Mỹ, o nớ đã gửi về cho mình 100 đô la. Ô là la, đang ở dưới sáu tầng địa ngục khi khổng khi không được tha lên tầng trệt. O viết thiệt cảm động: Anh có đi ăn bánh khoái thì hãy tưởng tượng ra em đang ngồi bên cạnh… Có tấm ảnh màu Phượng Vỹ đứng cười dưới hai hàng cây phượng tím. Ôi, thứ màu tím biền biệt hơn cả đồi sim tím của Hữu Loan. Tôi về không gặp nàng, nàng ở tận bên kia thế giới. Nàng ngày mà tôi đêm, nàng hy vọng mà tôi tuyệt vọng, nàng sướng mà tôi khổ.
Lại có phong thư xanh khác: Mưa lũ phong ba lụt lội khiến mộ phần ba mạ em bị sụt lở. Tụi em gửi về cho anh chút tiền, nhờ anh thuê người tu sửa giúp, xin lòng nhé anh. Vật đổi sao dời nhưng em vẫn ghi ra nơi chốn, đặc điểm cho anh dễ nhìn nhận. Tấm bia có khắc tên em nằm dưới những người đồng phụng lập. Để khỏi gây trở ngại tụi em sẽ gửi tiền về làm bốn đợt. Một ngày kia, không xa, em tìm cách về nắm tay anh cùng đi thăm mộ phần. Thương nhớ anh.
Mình bắt xe ôm đi ra ngoại ô, tìm về nơi hoang lạnh. Mình có mang theo bốn bao ny-lông đựng hoa quả lễ vật. Mình thắp nhang cúi đầu dưới một bầu trời nặng đục nhiều mây xám. Lòng bồi hồi, chẳng nhớ mình đã khấn nguyện điều gì, thổn thức. Tối đó trong giấc ngủ muộn, mình thấy Phượng Vỹ nằm đè xuống thân mình một trọng lực rất đỗi êm ái: Chồng ơi, hãy yêu em đi.
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments