Ở đâu đó trong Nam, thầy Hoặc được mời ra phụ trách giảng dạy môn thẩm mỹ học cùng lịch sử mỹ thuật. Dáng cao gầy, tóc để dài, thầy hút pipe, khói thuốc số 79 thơm ngọt cứ vấn vương mãi trì hoãn, không tan loãng vội. Ít ra thì tiên khởi, đó là nét khác lạ có nơi người thầy, chút phong cách lôi cuốn mang theo ra vùng địa đầu giới tuyến. Ngày đầu thầy “thõng tay vào lớp”: Công việc của tôi là truyền đạt lại những gì tôi thu thập, kiến thức, sự hiểu biết; nhưng phút gặp gỡ ban sơ này, tôi muốn đón nghe các anh chị kể chuyện, bất kể chuyện gì. Mưa nắng, biến động, lề thói, văn hoá ẩm thực, thành kiến, dị đoan… Tôi ở xa, chỉ mường tượng ra một chân dung mang nhiều tính thêu dệt. Và thú thật là tôi thấy thành phố của các anh chị rất đẹp, nhưng tôi chẳng mấy thích nét đẹp ấy. Cái tôi, hoặc sự cảm nhận đầy chủ quan là điều nên tránh. Tôi nhại một câu nói nhiều người ca tụng, đại khái rằng tình yêu là khi hai kẻ cùng nhìn về một hướng. Tôi không thích thứ định nghĩa này. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi, thế nào là thẩm mỹ học?
Môn thầy Hoặc đảm trách thọ chừng ba tháng. Chưa đủ dài để thầy trò cùng nhìn về một hướng thì lá chắn mong manh án ở phương Bắc bị vỡ, tạo sự chấn động lây lan. Mọi người tự động tìm cách bỏ chạy, Nam tiến. Tụ điểm hồi sinh là hòn ngọc viễn đông. Hãy nên tin là thế, là chiếc phao cuối cùng, là thành luỹ sau chót. Chưa bao giờ, một cách quyết liệt, Sài Gòn đang hoá thân thành vùng đất hứa. Tơi tả, hao hụt, mất mát, phong ba gió bụi… khi đặt chân tới, ba hồn chín vía chưa kịp trở lui đã nhìn nhận ra ngay cái không khí mà người dân thành đô đang hít thở. Nhởn nhơ, vô ngại, an bình, sầm uất. Đau thương là gì? Bỏ đi Tám. Chia ly là chi? Sức mấy mà buồn!
Long gặp Thân ở quán nước vỉa hè. Con đường rộng, thoáng mát. Hai hàng cây già tuổi độ lượng che chắn bóng nắng bằng thứ cành lá luôn reo vui ở tầng không. Cà phê rẻ rề, nhạt hương vị nhưng trong thời điểm này không một ai uống cà phê để nhấm nháp thụ hưởng cái ngon miệng sảng khoái do chất nước đen thần diệu ấy mang lại. Cái sự uống chẳng còn là một động từ đúng nghĩa. Đi, chạy, đứng, ngồi, gọi, uống tuồng như xẩy ra trong vô thức. Cần một chỗ thuận tiện, hy vọng nơi đó sẽ gặp mặt những người bạn lỡ thất tán. Thân trước, Mão sau, rồi chợt nhìn thấy bóng ai cưỡi xe Honda vừa phóng ngang qua y như thằng Dần. Vô tình, một quán nước mọc tạm bợ giữa chốn lạ nước lạ cái đã trở thành “phòng thông tin”. Dồn dập bao nguồn cơn kẻ ở người mất, ai kẹt lại bên kia đèo ai ngồi xà-lan kéo xuống tuốt Vũng Tàu. Và rồi Mão cho hay hắn có gặp mặt thầy Hoặc ở đường Trần Quốc Toản, thầy chở một người con gái ngồi yên sau. Chỉ giới thiệu vắn tắc: Là con gái tôi. Xong phần nhập đề, Mão bắt đầu tả: Thầy Hoặc có hơi xuống sắc, y phục cẩu thả, còn người con gái thì cắt tóc ngắn, da trắng, đôi mắt to ngơ ngác đầy ngờ vực. Và Mão buông dấu chấm: Con gái thầy mang một vẻ đẹp hiển lộng!
Trong phim ảnh, ngành cảnh sát có ban chuyên lo về trọng án vẫn thường hiện diện một tay hoạ sĩ thuộc loại thần sầu, gã sẽ phác hoạ ra chân dung tên sát thủ theo lời thuật lại của nhân chứng và thường thì bức ảnh quỷ khóc ấy chính xác tới mức không thể tin được. Hậu quả: Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát. Râu ông nọ cắm cằm bà kia chưa hề xẩy ra, sự hàm oan khi bắt nhầm đối tượng chẳng diễn tới. Không tuyệt đối y bon, chỉ cần hao hao tới tám chục phần trăm thì hồ sơ vụ án giết người cấp độ một sẽ đóng lại, cơm nhà tù sẽ nhô thêm một khẩu phần.
Tuy chưa được khoác thân danh hiệu là hoạ sĩ, nhưng do ở sự khéo tay, do nhập tâm một nhân ảnh, hắn vẽ xuống giấy khuôn mặt người con gái không tên tuổi. Mão vẽ tới cả chục bức cho tới hồi, theo hắn là “ngon lành”, ghi chú: Gái rượu của thầy Hoặc. Sài Gòn không nhỏ nhưng tao tin thế nào cũng có lúc gặp lại người trong tranh, trao gửi món quà mọn giữa một không gian đầy chật cả biến động bất an.
Ai đã đặt tên Nhà Thờ Ba Chuông? Trưa ấy da trời trám nặng màu chì, ba chuông đứng yên không phát tiếng “gọi hồn ai”, mặc cho tiếng súng nổ cách khoảng từ nhỏ tới lớn từ xa đến gần. Lý ra đường đạn réo nên cày xới trong rừng rậm mới hợp lẽ, tha hồ. Nhưng hôm nay đã đổi khác, tên lửa vụt bay thênh thang giữa một phố phường đầy chật ảnh Phật tượng Chúa. Thần linh câm tiếng mà con cháu của các ngài cũng đang cắn răng với lòng dạ hoang mang. Muôn đời người ta không thích tìm về nước Chúa, lên cõi niết bàn bằng con đường ác đức bất nhân tựa thế. Nhất điểm hồng cắm trước ngực nhưng sau lưng nó trổ ra một miệng chén ngập đầy máu. Thi thể đổ gục xuống, té sấp, chúi nhủi thì rõ là sự đoạn lìa kia chẳng nên gọi là ra đi trong thanh thản được.
Long chạy xe vô con hẻm, hồn ai nấy giữ nên không ai rộng lòng ngó ngàng tới một cô gái bị thương ở chân đang dựa lưng vào cánh cửa đóng kín ghẻ lạnh. Người con gái cắt tóc ngắn và nếu nét vẽ của Mão đạt tới mức thượng thừa thì đích thị cô ấy là con của thầy Hoặc. Người ta bảo súng đạn vô tình, chẳng ai nói tới một sự tình cờ do hữu duyên sắp đặt diễn ra trong cảnh hỗn mang. Long dựng xe, Long quỳ xuống, Long bắn ra một hòn cuội nhỏ: Có phải cô là con của thầy Hoặc? Tôi là học trò của thầy từ Huế vừa chạy vô đây. Cô chỉ đường tôi sẽ chở cô tới nơi cô muốn. Gật đầu, đưa cánh tay vòng qua cổ Long, tin cẩn. Có cái chuông thứ tư trong hồn Long vừa đổ tiếng kinh cong. Khéo léo, chậm rãi, nhẹ nhàng, Long dìu được người ấy lên yên xe. Hãy chịu khó ôm cứng lấy thân tôi. Vì khách lạ tôi chẳng rành địa hình chốn đây, mình có nên tìm tới một nhà thương? Không, nhờ anh chở tôi về nhà rồi hẵn tính.
Dạ thưa thầy. Tôi chưa thể nhớ ra tên cậu. Dạ, tên Long. Cảm ơn lòng tốt của Long. May mà đạn không đi qua xương chân, băng bó, cầm máu, uống trụ sinh chống sốt ngừa nhiễm trùng rồi Quyên sẽ khỏi. Long vào đây tạm trú ở đâu? Chẳng rõ tình hình sẽ ra sao, nếu êm thì ghé nhà chúng tôi dùng tạm một bữa cơm. Dạ cảm ơn thầy. Long nhìn xuống chiếc áo lấm lem máu từ bàn tay Quyên bấu víu. Máu của Quyên thẫm màu khi ngấm rút vào sứa vải, vằn vện tựa hình dạng một đoá hoa thôi lành lặn.
Cảm ơn Mão đã vẽ lại chính xác dung mạo Quyên theo trí nhớ, ít ra thì nhờ vào hội hoạ, nó giúp phần làm đẹp, cứu chuộc cuộc sống nhiều đổ vỡ. Dù tình huống diễn ra ở một hoàn cảnh tối tăm, sắc đẹp của một người nữ tựa một cái phao, chẳng giúp người này thì người kia vẫn có nơi bám lấy.
Thân, Dần, Mão và Long trước sau đều lục tục trở ra lại chốn cũ để ghi danh theo học tiếp. Giờ đây trong chương trình, người ta gạt bỏ gần hết các môn, thôi còn Cơ thể học, thôi Thẩm mỹ học, thôi sinh ngữ Anh hoặc Pháp, thôi còn môn Viễn cận, thôi môn Trang trí, thôi Thuỷ mặc, thôi Văn chương, thôi Triết, hết thời kỳ Phục hưng… Chỉ mê muội trau dồi môn chính trị, vẽ tranh cổ động, chân dung lãnh tụ và kẽ chữ vào các khẩu hiệu ngập màu đỏ đe doạ, tàn phá hết cảnh quang hữu tình. Những ai mơ làm hoạ sĩ đều chẳng còn đất đứng để lôi thôi đơm đặt viễn mộng. Bạn sẽ tốt nghiệp và bạn được bổ đi làm cán bộ nhà nước ở một phòng thông tin văn hoá quận huyện nào đó với danh phận là mũi xung kích trên mặt trận văn hoá (theo bài học chính trị hằng rao giảng: trong ba mặt trận, mặt trận văn hoá tư tưởng là quan trọng nhất).
Đói, rét, thiếu thốn; không riêng ở vật chất. Ngay cả khi sống thở bạn nhìn nhận rõ tâm hồn càng lúc càng sa sút, xơ cứng, héo úa. Ngay cả chính bạn, bạn cũng không đối xử tử tế, cứ mặc xác. Bạn chẳng định ra được ngày mai, tương lai là cái quái quỉ chi rất đỗi trừu tượng. Bạn sạch vốn, không còn tin vào một giá trị nào cả, duy một ước ao: Được thoát ra khỏi ao tù nước đọng.
Ước ao đó là một thứ rất mực xa xỉ, một cái bóng mơ ảo treo trên đầu bạn, thường trực đong đưa, khó chụp bắt. Bạn sống với một tờ kinh cuối: Hy vọng. Không ai thọ được mà thiếu đi niềm trông mong. Trông mong vào điều gì? Đừng cật vấn thế, hãy để yên cho tôi tự mường tượng lấy…
Và rồi một hôm bầu trời sùi sụt mưa dầm làm hoen thêm dung mạo xấu xa của Huế già cỗi, xương xóc hiểm hóc chó ăn đá gà ăn muối; có lá thư phương xa gửi về cho Long theo địa chỉ trường. Khi được gọi tên để nhận lấy, nhìn phong bì, Long biết đã có người kiểm duyệt, xem qua nội dung. Bắt buộc nó phải “lành mạnh”, không úp mở, rêu rao với dụng tâm nói xấu chế độ.
Thành phố HCM ngày… tháng…
Anh Long,
Không biết anh còn nhớ tới em? Nhưng Quyên chẳng thể nào quên anh. Thư này thông báo chỉ hai chuyện, thứ nhất ba em vừa mất vì bệnh phổi, thứ hai là tụi em đã dọn về sống bên Phú Nhuận. Để mưu sinh em có mở quán bán cà phê trước mặt nhà, tạm sống được với cái tên “cà phê cô Quyên thọt”. Nhìn chân mình, luôn là một nhắc nhở, nếu trưa hôm đó không gặp anh, chẳng biết con Quyên sẽ ra sao? Mang ơn anh là chuyện tất nhiên đồng thời Quyên cũng cảm ơn vết thương, nhờ nó mà Quyên an phận với đời độc thân. Bây giờ sống có lứa đôi thêm cực thân, phải không anh?
Hy vọng thư này đến được tay anh. Rồi anh Long sẽ làm cán bộ công nhân viên nhà nước. Trước khi chính thức giã từ đời sinh viên đi nhận nhiệm sở, Quyên mong sẽ được đón tiếp anh một lần ngay tại hàng quán này, để nhìn lại nhau, một lần thôi cũng đủ. Anh Long nhớ giữ gìn sức khoẻ.
Thương,
Một đứa tật nguyền, Quyên.
Cuối niên học, trong chuyến “đi thực tế” lấy tư liệu để làm bài thi ra trường, Long bỏ trốn, leo tàu Thống Nhất mất hơn ngày đường để khối sắt già nua sật sừ chui vào ga Bình Triệu. Hãy tin đi, mày đã từng trải qua dâu bể, vậy thì lần thứ hai vào thành phố nay đã đổi tên không lý gì mày sẽ phải quỵ ngã. Long hỏi thăm lối về Phú Nhuận, tự cho là đúng với lối suy luận, rằng một đứa cắm cúi vẽ tranh cổ động sẽ thấp kém thua một thằng người pha cà phê rồi mang ra cho khách vừa gọi. Dự tính những gì sẽ thổ lộ cùng Quyên, 5 năm đầy chật hoang mang theo nghiệp vẽ sẽ trôi sông đổ biển chẳng tiếc thương nếu được kề cận bên Quyên, gọi Quyên là bà chủ.
Anh vào muộn trễ quá. Em đã bàn giao mọi thứ cho cậu em trai.
Cái túi xách bèo nhèo lỏng lơ máng trên vai Long nghe nặng, xiêu thân. Lâu lắm, khuôn mặt ấy dẫu tiều tuỵ vẫn chưa hề mòn hao trong trí Long. Và âm vực giọng Sài Gòn kia thì muôn năm tải đủ chất dễ thương đến lạ. Vẫn tóc ngắn, như thể nó từ chối cái việc tăng trưởng theo năm tháng vốn gây lắm hao mòn, lật giở vội hòng cướp đoạt niềm vui, rơi rụng đi những thứ ta cần nương nhờ bám víu, mỗi khi một ít. Ngắn của ngày xưa khác cái ngắn hôm nay, ngắn bây giờ mang đủ sự quyết liệt của chống cự, phản kháng; hoặc không thì đó là sự trân tráo, ù lì đầy thách thức trước những băng hoại.
Quyên tính đi đâu? Em sửa soạn đi thăm mộ ba. Anh có nhận được hai bức thư em gửi không? Chỉ nhận một bức thôi, viết ngắn, trong đó dòng chữ: Quyên muốn gặp mặt anh dù chỉ một lần… Anh chở Quyên ra nghĩa trang đi, Quyên sẽ chỉ đường.
Trong hành lý của đứa quyết định đi giang hồ có chứa một tập giấy croquis, chen lấn với những ký hoạ phong cảnh vẫn có đôi ba bức vẽ chân dung sầu muộn của người con gái “trắng da ngắn tóc”. Sẽ xé rời ra, trao vào tay Quyên thế cho một món quà của đứa từ chốn lạ vừa nhập cư. Nhưng phút giây này chưa nhìn ra được khe hở thuận tiện, thích hợp để gửi trao. Mất đi một tờ giấy cứng, không chắc điều này làm cho hành trang mãi cưu mang sẽ vơi nhẹ.
Long nắm ở hai bàn tay ba cây nhang. Trước mặt là nhân ảnh của người thầy dạy môn Thẩm mỹ học ngày xưa. Hơn cả nhất tự vi sư bán tự vi sư, thành kính xẩy ra vì thầy đã qua đời, và thầy để lại cho nghĩa trang này một cô con gái hiếu thảo, vuông tròn với tha nhân, đứng run thân bên tha nhân. Tấm ảnh nhận vào tấm bia so chẳng mấy khác ngày đầu thầy bước chân ra xứ Thần kinh. Quyên nói, sau đổi đời ai đâu còn lòng dạ để nở nụ cười trước ống kính. Nụ cười có khi phải trả giá đắt, phỏng tay. Và đã có ai khóc trong lúc chụp bóng chưa? Người mình mang một khuyết điểm, chẳng dám đấm ngực kêu oan, cứ vùi chôn những đớn đau phẫn hận.
Long quay sang, chạm phải khuôn mặt vừa chợt đanh lại. Gió không làm cho tóc ngắn phải bay, rối mắt. Ở thành phố, Quyên khác; ra nghĩa địa thì Quyên đó đã đổi thay, dựng trồng một nhân dáng hư hao đến khó hiểu, trầy trụa trong lạnh lùng.
Quyên ít khi buồn chân tạt vào đây, ra thăm mộ là bởi Quyên có điều muốn thưa trình với ba, lần sau chót. Một người bị chôn dưới ba tấc đất có nghe được lời mình nói không anh? Thôi thì sẵn có anh Long ở đây, Quyên cũng xin trút ra tâm sự, một thứ “sự thật mất lòng”. Quyên sẽ… sẽ đi lấy chồng cho rảnh nợ!
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng”. Rồi sao nữa? Chim qua sông rộng có sổ lồng bay xa? Nhang tàn rất nhanh mà bia đá thì bao giờ cũng lạnh. Người ta tắt thở vì bạo bệnh, vì đói rét, vì xe đụng, vì vào đồn bót, vì cả vạn lý do cắc cớ. Cũng có lắm trường hợp người ta nhắm mắt khi “nghe tin em đi lấy chồng”. Có vậy mới sanh ra cụm chữ “giết người không gươm đao”. Nghe người ấy sang ngang, thông thường, đứa bình thường sẽ thốt xin chúc mừng. Lại có hạng người không được bình thường gục đầu ngó xuống mặt đất đang mất đi trọng lực, hổ ngươi chẳng dám ngóc đầu nhìn mây bay chở theo bao ảo ảnh phù vân. Huế vào Sài Gòn, vạn dặm ấy quy ra khoảng cách xa ngái tới mấy ngàn cây số? Nó có miên man dài bằng chỗ đứng giữa Long và Quyên giờ đây? Chéo áo lụa là kia không chắc duỗi thẳng cánh tay ra là nắm được. Trong lá thư hồi âm cho Quyên dạo nọ, Long có viết ra hàng chữ đằm thắm: Chiếc áo ngày nào thấm rút máu úa nhàu tôi vẫn còn giữ, không giặt; bởi gột rửa sạch máu của Quyên đi thì khác gì chúng ta ngại gánh thương đau cho nhau…
Nhân danh một người từng là chủ quán cà phê có đồng vào đồng ra. Nhân danh dân địa phương, thổ địa này xin được mời khách lãng tử tìm đến một quán ăn. Nhớ ngày xưa ba có mời anh Long ghé nhà ăn chung một bữa cơm nhưng sau đó chẳng thấy anh lại. Chung quy Quyên vẫn còn mang nợ anh, chưa có cơ hội đền đáp… Anh Long đu tàu vào à? Chắc vẫn để bụng đói, chưa chêm cơm hàng cháo chợ ?
Xe chạy lòng vòng, bởi Quyên muốn tìm ra một quán vắng. Chốn đông thực khách khiến ta an tâm khi hoà lẩn vào, nhưng lắm lúc ta cũng cần nương nhờ vào khoảng trống, khi đó ta chẳng phân tâm khi thốt ra những lời tình tự. Vắng lặng sẽ giúp ta chắt lọc được, gạn đục khơi trong những ý nghĩ trốn kín trong đầu. Anh Long thích ăn món gì? Quyên dùng thức nào thì cứ thế mà nhân đôi, anh tin vào miệng lưỡi của Quyên.
Miệng lưỡi? Nói gì nghe ghê thế? Chuyện là như vầy, trong bóng tối anh ta ngầm giúp “cà phê cô Quyên thọt” sống còn bằng cách làm êm những vấn nạn mà công an khu phố luôn sách nhiễu, gần đây anh ấy mới bước ra ánh sáng với lời cầu hôn: Tuỳ ở Quyên, ngoại hình anh chẳng được như người ta, anh bị hỏng một mắt, chẳng biết cái không lành lặn ấy có làm Quyên khó xử… Anh Long à, Quyên cũng là đứa tật nguyền và Quyên vẫn luôn coi trọng những gì gọi là thành ý. Tuy không đặt nặng sự tính toán nhưng dù gì gia đình anh ấy có cơ sở làm ăn, của dành của để. Nhiều người đã chúc mừng cho vận số của Quyên…
Quyên vói tay trên mặt bàn, năm ngón bấu víu lấy bàn tay thừa thải của Long. Chưa chính thức long lân quy phụng châu về hiệp phố làm dâu nhà người, ngón tay Quyên đã có chiếc nhẫn vàng tròng vào, thế một thề non hẹn biển. Phải nên mừng cho Quyên thôi. Muốn trách cứ tha nhân, trước tiên hãy tự săm soi lấy mặt mày. Giai cấp vô sản muôn đời không có được quyền ăn nói, chúng chỉ giỏi việc đi phá phách. Và ơn trời, Long chẳng rơi vào thứ hạng của bọn vô học kia. Bỉ cực thì ai mà không từng bị chiếu tướng. Tốt đã qua sông, mã quỵ ngã, pháo cụt nòng, xe bị vây và sĩ tượng đã rơi rụng, thành quách trống lạnh. Nhưng trao một lời chúc thật lòng gửi tới Quyên? Xao xác quá, buồn tủi quá cho lần “hạ thủ bất hoàn”.
Anh Long có thương yêu Quyên? Đến giờ này sao Quyên còn hỏi câu đó? Em nhờ anh giúp trình bày một cái thiệp cưới có được không? Nếu anh thuận lòng, em lại cậy nhờ sang việc khác. Tất cả đều nằm trong khả năng anh có… Em sẽ đi mua sắm vật liệu, dụng cụ đủ thứ… Về nhà, đóng cửa phòng lại… em muốn có một bức tranh nude được ký tên anh… Một kỷ niệm… Một món quà cưới đặc biệt anh trao riêng cho em…
Vì mừng vui lây lan, quán cà phê đóng cửa ba hôm theo ngày trọng đại. Chủ quán, người em trai Quyên cho hay: Bên đàng trai muốn làm rình rang ở quê theo ý của ba má chú rể, heo hút qua sông qua phà cách trở các thứ. Long tự xét “không đủ tư cách”đứng về hàng ngũ nhà gái, hơn nữa phải để tâm vào chuyện sống chết: Kiếm việc làm. Gì cũng được, thợ mộc thợ nề. Tóm gọn là thợ đụng. Lang thang quận này sang quận nọ, về quận Ba trời xui đất khiến được một phòng vẽ thâu nhận, lương lậu thấp hèn nhưng chủ cho ăn cơm trưa tại chỗ.
Lóng rày không hiểu sao có lắm người chết, tang gia dẫu có bối rối cực kỳ họ cũng không nỡ quên một bức chân dung kẻ vắn số, vẽ hối để mang về đặt trên bàn thờ. Nói ác đức bất nhơn, lùa miếng cơm trắng này vào bụng là một phần vin nhờ vô những gia cảnh đang đối mặt với buồn đau. Họ trao một tấm ảnh nhỏ biểu phóng lớn. Ảnh đen trắng, phai nhạt nước thuốc cũng như thời gian can dự làm trầy trụa khá nhiều. Ngon ăn mà, nghề của chàng mà, đúng không? Một anh thợ vẽ đã nói với Long như vậy. Đúng gì. Sai hoàn toàn cha nội ơi. Long khum tay: Có gì xin sư phụ chỉ dạy thêm. Hãy coi tui như học trò trường mầm non, ngó xuống cho em nhờ.
Trước đây, trường ốc dạy bạn phải có một thủ pháp riêng, chia mảng sáng tối và cách đánh bóng càng phung phá càng bạo liệt càng tốt. Chớ gò bó, tỉ mỉ tỉa lông tóc từng sợi như kiểu vẽ truyền thần, o ép cứng ngắt. Chúng ta lên án việc đó, tạm đặt tên là “tranh bờ hồ”, năm đồng bảy trự, không giá trị. Phải xem trọng sự sáng tạo, anh đâu phải là cái máy ảnh để sao chép thật hoàn hảo đối tượng, sự vật kia. Phe thắng cuộc vào tới, chính họ đã làm sống lại thứ tranh bờ hồ. Vẽ lãnh tụ phải gia công vào sự tỉa tót, đi chệch ra thì bị đánh phủ đầu ngay: Bôi bác lãnh tụ. Sao trông đói cơm như thời ở hang Pắc Bó thế nhỉ? Gôm tẩy đi nhé, vẽ lại đi nhớ, vẽ ngày không đủ tranh thủ vẽ đêm nhé.
Vì miếng cơm manh áo, vì đời sống khiến Long phải mang thân lưu lạc tứ cố vô thân ăn nhờ ở đậu, nên Long mụ mị thần hồn chẳng quan ngại tới thời gian đang trôi, mặc sức. Long là cái cối đá xay gạo, nặng nề từng vòng tròn đồng tâm trong khi tháng ngày là chiếc xe khách đã hỏng thắng luôn hung hãn lao thân trên cao tốc, vùn vụt. Vẽ chân dung dùng để thờ phụng thường không sướng vì đa số Long phải nhìn xuống những nhân ảnh già cỗi, chẳng mấy khi được đón nhận tấm ảnh mà chủ nhân là một người con gái đẹp, tươi trẻ. Nếu có ắt hẳn đã lọt vào tay vị sư phụ ngồi bàn bên. Hắn ta cũng xem đó là nguồn cơn để gửi những mơ mộng quàng xiên vào đường nét khi vờn bóng. Đêm hôm bắt gặp một hồn ma trinh nữ e dễ chịu hơn khi đối đầu với con ma nhăn nheo gầy còm run rẩy già chát thều thào?
Vào một buổi trưa, vị sư phụ, ông đàn anh, người đồng chí chính quy chủ lực nói với du kích Long: Việc tao đã chu toàn, tao có thưa với ổng rồi, tao đi có chút công chuyện mất chừng hai ba giờ, có gì mày liệu coi ngó giùm nghen. Sao hồi nào tới giờ tao hổng thấy mày có việc gì bên ngoài để đi giải quyết hết vậy? Đạo đức gương mẫu yêu nghề cũng vừa phải thôi cha nội! Nói xong liền thò tay xuống bàn nhón cho được một điếu thuốc của Long, để đầu trần miệng phun khói đội nắng bước ra đường lúc nào cũng chộn rộn kẻ qua người lại.
Từ cõi ta bà chẳng bình an kia có người mặc trang phục màu đen tìm tới phòng vẽ, mang bước chân thấp cao đi vô. Bàn tay lục soạn vào túi xách để cầm lên tấm ảnh: Tôi cần phóng lớn nó ra kích cỡ 15×30 phân nội trong hai ngày thì tốn mất bao nhiêu tiền? Long cất đầu lên, tìm về giọng nói quen thuộc vừa âm vang trong thính giác. Cách cái tủ gỗ phân chia giữa khách với thợ vẽ tự dưng dựng trồng người thiếu phụ mang gương mặt mệt mỏi đứng đó. Ăn trái nhãn lồng có vừa miệng không mà chim quyên xem chừng mỏi cánh. Long đứng lên, tì bụng vào thành gỗ chắn lối, nhìn ra ngay một giọt nước mắt vừa lăn đổ xuống từ dung mạo người vận đồ đen. Sao kỳ cục vậy nè trời? Anh Long. Phải Long không?
Long ngó xuống bức ảnh, tránh nhìn tia săm soi của người vừa mang tới công ăn việc làm cho Long. Bức ảnh đóng khung khuôn mặt một người đàn ông hơi xanh xao, đặc biệt ông ấy chỉ có một mắt… Đã mất, chết cách đây ba bữa rồi anh Long à. Thút thít. Sụt sùi. Ấm ức. Bờ vai run. Một chéo áo kéo lên để chặm nước mắt, màu phấn hoen. Nếu có mặt “sư phụ” e Long dễ thở hơn. Long chẳng thích vẽ những thứ liên hệ tới đổ vỡ. Hai mắt dễ vẽ hơn là chỉ một con. Có đúng vậy không? Trông nó bất toàn chẳng cân xứng. Với một mắt, liệu anh ta có nhìn thấy hết nét đẹp mà Quyên sở hữu không? Và người đẹp nọ đã phát hiện ra điểm nào đáng yêu trên gương mặt mang dấu vết dị hình ấy.
Bốn hôm nữa sẽ động quan, mang đi chôn. Chắc anh cũng chả cần phải có mặt chia buồn? Ngay hôm đám cưới anh cũng đâu màng, tới chung vui. Một thiếu phụ, một goá bụa, thời gian họ chịu tang chồng kéo dài tới bao lâu, anh biết không? Sao đời sống cứ bắt Quyên phải chịu qua nhiều thử thách vậy? Ước ao là mai này được ở gần bên anh, thứ mộng tưởng đó có dễ thành tựu? Sao anh Long mãi câm lặng? Ngay từ đầu, ngay hôm Quyên bị thương tích, Quyên vẫn… Long chồm người sang vật cản, ôm lấy Quyên rồi khoá môi Quyên lại. Môi Quyên mềm, ấm. Thơm, ngọt, tuyệt chẳng ám mùi khói nhang. Tiệm vẽ chân dung kẻ xấu số chẳng có ai. Người có chồng mới chết không phản ứng, mềm thân đón nhận một trao gửi tưởng chẳng bao giờ còn cơ hội. Thì đã sao? Đừng lắm chuyện. Sợ là sợ người sống chứ ai lại đi sợ ma. Đền bồi cho kẻ sống sót chứ biết trao gì cho kẻ đã tắt thở?
Giọt nước mắt đã bốc hơi. Sao anh đối xử với Quyên như thế? Bởi phút giây này anh chẳng biết nói gì cả. Anh hôn Quyên vì không muốn nghe những phân trần. Anh chẳng thể vin vào bất cứ lý do nào để trách móc Quyên cả. Tin là Quyên xử sự đúng. Chừng nào mồ yên mả đẹp thì hãy tìm tới anh, đừng lý gì tới lề thói ép uổng chịu tang các thứ. Anh nói điều không phải thì xin em bỏ quá, anh muốn làm người chồng thứ hai của Quyên. Chết cũng sướng. Lần này thì Quyên chủ động hôn anh.
Từ thời điểm Quyên bị lạc đạn trong một thành phố đang hấp hối, cho đến nay hầu như chúng sinh đều mang phận là loài thú tật nguyền. Long nhìn tấm ảnh kẻ khiếm diện: Anh nên tha thứ cho chúng tôi khi tụi nó đang tìm nhặt lại chút hạnh phúc rớt rơi, người mà tôi chưa tiện biết tên, tôi hứa sẽ vẽ mặt mày anh ngó sao cho có hồn, có chút nghệ thuật. Anh cứ an tâm về miền đất lạnh.
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments