Tới Paris, tôi mướn khách sạn nhỏ ở quân 13. Nhỏ và xấu, ở mặt tiền cũng như nội thất. Đường vắt thân qua trước cửa bé hẹp nhưng bờ lề thì thênh thang. Bộ hành rộng cẳng, ngược lại xe cộ di chuyển mất thong dong. Một chuyến buýt chạy ngang cũng đủ khiến dòng chảy phải gián đoạn. Muốn đến các tiệm ăn Việt nằm quây quần gần đó, tôi thơ thẩn vượt qua biết bao hàng quán cà phê có đặt bàn ghế ngoài hàng hiên, thứ rào cản khó cưỡng chống. Một ngày tôi uống khoảng sáu cốc cà phê đậm đặc, tách nhỏ xíu. Hỏi một cậu phục vụ áo quần chỉnh chu đỏm dáng có quấn cái tạp dề trắng tinh: Làm phiền mang lại một cái gạt tàn thuốc. Không có, tại sao lại dùng nó? Ông đang ngồi ngoài đường kia mà! Khu phố này chúng sinh đốt thuốc liên tục, tôi chẳng thấy phân chó như người ta đồn thổi nhưng mẩu thuốc cụt thì vô số, lăn lóc dưới chân.
Tôi yêu Paris qua những thước phim được xem thời trẻ tuổi. Những bậc cấp từ phố cao bước quành xuống đường tối. Mưa nhỏ hạt bay nghiêng qua bóng điện vàng đục, áo bành tô lật cổ lên, kẹp ổ bánh mì ốm dài ở nách và một tay dùng tờ nhật báo để che mưa trên đầu. Điếu thuốc vẫn ngậm ở môi, lối đi lát gạch bóng loáng. Anh ta sẽ về tới chỗ trú thân có rất nhiều người hàng xóm nhiễu sự trong một chung cư chứa không dưới 16 căn hộ. Anh ta sẽ vò đầu tóc ướt, rối tung lên. Sẽ đặt một tờ giấy trắng vào bàn máy đánh chữ, vặn trục quay và như kẻ mộng du, những ngón tay gầy sẽ gõ liên tục vào những mẫu tự bằng nhựa đen. Lóc cóc, lóc cóc. Gạt cần, xuống hàng, chữ tiếp tục cắn giấy, thẳng hàng nhưng lem nhem. Cái gạt tàn đầy ứ ở góc bàn, đôi mắt nheo lại vì khói thuốc và mưa vẫn bay ngoài ô cửa kính. Mưa như dự phần, tác động vào “một thứ nghề kỳ cục”.
Tôi vẫn nghĩ, nếu đoạn phim đó chuyển sang couleur thì sẽ hỏng. Bởi đêm Paris ướt lạnh, ổ bánh mì chẳng làm đầy bữa ăn, tờ nhật báo rũ liệt và nhất là cách làm việc lẻ loi của anh nhà văn kia, mọi thứ phải nên diễn ra ở giới hạn của trắng, đen. Một vẻ đẹp ám trong cô quạnh, màu sắc chớ nên chen vào, dự phần. Và đen trắng, hình như nó thích hợp cho việc chuyển tải một khung thời gian thuộc về quá khứ? Tháng Tư Bảy Lăm trôi trong trí nhớ chỉ hiện lên một gam màu xám xịt, bất biến.
Tôi đi trong lòng Ba Lê mà sống với những điều từng thấy trên màn ảnh rộng. Tôi mãi lạc đường và chẳng mỏi mệt với những liên tưởng. Ở kinh thành ánh sáng, các tiệm bán thuốc tây (farmacie de garde) vẫn trương ra dấu + màu xanh lục dưới mái hiên và họ vẫn còn kê lên kệ những lọ thuốc đỏ hoặc thuốc tím, thứ mà ngày xưa, xưa thật xa, mạ tôi vẫn dùng để sơ cứu, sát trùng vết thương cho thằng con vụng dại, hậu đậu, không chịu ngồi yên một chỗ. Cho đến lúc mạ đổ bệnh, đầu óc có thể bị “thằng thực dân” đầu độc, bà chỉ uống thuốc do các viện bào chế ở Pháp sản xuất. Cùng một dược liệu, một công thức, chứa hỗn hợp một thành phần giống nhau, chỉ khác tên gọi, nhưng made in USA là bà bảo không “mát tay” bằng thằng Tây đâu. Đã gọi thuốc tây thì phải chính danh là của Tây, không on đơ troa gì cả! Mạ tôi mất đã lâu, (“Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas”. Hàng chữ đầu tiên trong cuốn L’Étranger nổi tiếng của Albert Camus- 1942). Mạ tôi nào tiên liệu ra có ngày thằng con dơ dáng dại hình đầy lầm lỗi ấy lại tơ lơ mơ đi giữa chốn nằm mộng cũng chẳng ngờ. “Paris có gì lạ không con?”. Dạ, giờ này quy tụ đầy kè dân tứ xứ, những bà mẹ ngồi lề đường biểu ba bốn đứa con thơ chạy theo kẻ nhàn du để ngửa tay xin tiền. Đi ngoạn cảnh trên những cây cầu nối liền hai bờ sông Seine, dòm trời ngó đất một lát thì phát hiện cái ví sau túi quần không cánh mà bay. Vào métro ngán nhất cảnh một anh chàng ôm guitar đứng hát ngay trước mặt mình mặt trân tráo. Hình như dân Đông Âu? Chúng có trăm phương nghìn kế để moi tiền khách lạ. Paris thực sự đang bất ổn. Không khủng bố kiểu ấy thì một sớm mai nào nghe bom nổ đâu đó, ở ngay nội thành. Mais oui… Merde… Putain… Bordel là ngôn ngữ phổ quát trên đầu môi chót lưỡi của dân Tây.
Điều bất ngờ là khi đi bên dòng sông Seine tôi nhìn thấy một dọc dài các quầy bán sách cũ. Sách chất đống cùng đủ mọi thể loại tạp chí, chẳng biết cơ man nào là giấy trắng mực đen luân lưu qua bao thế kỷ. Và giấy giờ này đã úa vàng, vàng như nắng chiều đâm vào dòng sông thấp mực nước. Nếu muốn thiêu đốt “văn hoá phẩm phản động”, với chừng đó sách e Paris phải chịu cảnh hoả hoạn lớn. Kinh thành ánh sáng do bởi thần lửa reo vui. Thật quàng xiên! Đã mang tiếng thực dân chúng đâu có ngu dốt chơi trò man rợ kiểu xem trí thức là cục phân. Sách, dù là sách phơi nắng mưa, nó vẫn giữ riêng cho lòng giấy những hương hoa thầm lặng. Tôi la cà, tôi sà vào, tôi vọc tay, tôi muốn sờ mó bao chứng tích hao tâm tổn trí của người xưa truyền lại. Tôi dụi mắt khi đồng tử vừa bắt chụp một vuông màu đỏ nhỏ nhắn. Cầm lên săm soi để xác tín hư thực: “Pháp Việt Tiểu Từ Điển. Khai Anh và Thanh Nghị biên soạn. Thời Thế xuất bản ở Sài Gòn, tháng 10 năm 1958”. Dày 800 trang, bìa cứng, ghi giá 2 Euro. Một cụ người Việt nào đã mang đi cho? Một chàng lính Lê Dương nào khi rời An Nam đã chêm thêm kỷ niệm vào hành trang khi giã biệt? Tôi trao 5 Euro vào tay người bán sách để nhặt mua thêm cuốn “La Porte Étroite” của Andre Gide. So với cuốn tự điển thì sách này chắc phải già tuổi hơn. Tranh mộc bản của Morin-Jean, nhà Le Livre De Demain, Paris xuất bản không ghi năm tháng. Giấy vàng, kích thước không đồng dạng, nham nhở chẳng cắt xén, được khâu chỉ. Toàn bộ có vẻ thủ công, có vẻ lưu tâm khi muốn hoàn thiện ra tác phẩm. Nó đẹp một cách sửng sốt!
Tôi đã lời to, vì vậy chẳng muốn đi đâu thêm. Đang ở quận 5, trạm métro Saint-Michel trụ đằng kia, phố xá nằm lười ra, uể oải như một đào hát vừa chùi đi mặt phấn. Tôi đọc thấy ở đâu đó lời nhắn nhủ: Bạn đến Paris mùa hè? Bạn không nhìn ra chúng tôi đâu. Một thành phố mở rộng cửa trong hoang vắng. Bạn đi nghỉ hè? Ừ, thì bọn tớ cũng vậy thôi. Về vùng thôn quê, hoặc tìm tới một bãi biển. Ai cũng vậy, chúng ta cần thay đổi một quang cảnh, một khoảng không khí trong lành. một lìa xa chốn phồn hoa đô hội chật bụi trần. Đi một ngày đàng có gặp chút vàng son?
Trong đường hầm trạm métro Porte d’Ivry có treo tấm bích chương phóng lớn gương mặt thiếu nữ sầu muộn đặc thù của hoạ sĩ Ameleo Modigliani. Ngày mai, chắc tôi sẽ tìm về khu Montmartre. Tôi đã từng xem phim thuật lại quãng đời đầy bi kịch của chàng ta, về một cuộc tình đam mê nghiệt ngã. Và Montmartre là nơi lưu lại nhiều dấu vết của bao tài danh trong nghệ thuật tạo hình. Trên lối sortie tôi nhìn ra một dung nhan ngời sáng, gió luồn vào địa đạo làm mái tóc dài đen gửi lui cho tôi những lượn sóng bồi hồi. Nếu Quỳnh trẻ lại hai mươi tuổi thì người đó sẽ đứng khựng lại khi nghe tôi cất tiếng, trong mê sảng: Quỳnh ơi! Tôi gia tăng nhịp chân gấp gáp. Mình thực sự đã già yếu? Không đâu, tim đập vội thế kia hoàn toàn do sự xúc động vừa gõ nhịp vui. Tôi bám sát sau lưng người ấy, gần đến nỗi tôi ngửi được hương thơm loại tinh dầu cô thoa vào da thịt. Cánh tay trần vung vẫy, hàng lông măng theo đó chừng như dựng đứng lên. Tôi với Quỳnh từng đứng trú mưa giông sau khi cùng nắm tay kéo chạy được một thôi từ rạp chiếu bóng vừa hết xuất. Riêng lần đó tôi nhìn thấy cánh tay nhiều lông măng của Quỳnh, như thể chúng là bầy con được sinh sôi nẩy nở từ mẹ ẩn trốn trong nách, nơi luôn chôn một phần đầu óc mê muội của tôi, dấm dúi, không tàn phai.
Đợi đèn xanh để băng qua đường, ánh mắt cả hai cùng hội tụ một đặt để. Một ánh mắt nghi ngại gặp phải một tia nhìn săm soi. Tôi sửa giọng. Bình thường tôi không to tiếng nhưng âm thanh ở đó dồn đẩy tới lùng bùng.Tôi hỏi cái này nghĩ là vô duyên, bà Trần Thị Bảo Quỳnh là chi của cô? Tôi chẳng dằn lòng được vì cô quá giống Bảo Quỳnh, như hai giọt nước. Tôi là bạn cũ của người mang tên Quỳnh. Cô người Việt, phải không? Phân bua dài lời, dài như qui định sự chuyển màu có trên cột trụ chỉ bảo điều an toàn cho bộ hành lưu thông. Tôi sẽ cặp kè, sẽ đâu vai, sẽ lì lợm cho tới hồi nào nghe được một đáp trả. Chỉ mới nửa đường, chưa sang tới lề bên kia nhưng đôi chân “nạn nhân” chừng trì hoãn. Hình như bác ở chốn xa vừa tới? Cô hỏi. Đúng thế, cách một phi trình dài hơn sáu tiếng của hãng hàng không Air Canada. Sao cháu biết? Bởi ở đây mẹ cháu không có bạn cũ. Nhà cháu có xa đây không? Ở cùng mẹ hay sao? Mẹ mất đã bốn năm. Đã gọi là bạn mà cớ sao bác chẳng biết điều đó? Tôi đứng bên lề, thở dốc. Hai con bồ câu đi ngu ngơ, chúng cũng giống nhau như hai giọt nước. Và chúng không sợ tôi một mảy may. Quỳnh! Tôi than thầm. Nếu bác muốn thắp cho mẹ cháu một cây nhang thì phải làm sao? Hơi bất ngờ, cháu chưa tính ra. Hơn nữa điều đó thật bất tiện, cháu thú thật. Bác ngụ ở đâu? Tôi đưa cho cô gái tấm giấy có in tên khách sạn, số điện thoại và địa chỉ. Ô, cũng gần đây thôi. Giờ thì cháu phải đi chợ… Cho tôi đi cùng, tôi muốn mua một vài thứ đồ Việt để ăn dè ăn xẻn. Cháu tên gì nhỉ? Cháu tên Hương.
Tôi theo Hương, đi như một tội phạm bị nhân viên công lực dẫn dắt. Hương bước vào cửa chợ có treo bảng Tang Frères chữ đỏ. Chợ chẳng khác mấy siêu thị ở bên xứ tôi ngụ và xem chừng hàng hoá giá đắt hơn. Tôi mua bánh da lợn, hai cái bánh bao, lon sữa đậu nành rồi ra ngoài bậc cấp đứng hút thuốc. Có lần Quỳnh đi nghỉ hè trong Sài Gòn, khi trở về Quỳnh mua làm quà cho tôi 5 bao thuốc ngoại quốc khác nhãn hiệu. Dạo đó khói thuốc thơm, chẳng rõ sao giờ ngửi thấy hôi. Độc hại, nhưng tôi vẫn hút. Hút như thắp lên một hoài niệm, loãng bay cùng những êm đẹp cũ, phôi pha. Tôi nhớ thơ của Samuel Beckett, bản tiếng Pháp:
Je voudrais que mon amour meure
qu’il pleuve sur le cimetière
et les ruelles où je vais
pleuvant celle qui crut m’aimer.
Tôi muốn tình tôi chết
mưa rơi trên nghĩa trang
và trên đường tôi từng
vừa đi vừa khóc
tưởng rằng người yêu tôi.
Hương đi ra với hai bao ny-lông trĩu nặng. Có cần bác vác hộ một đoạn không? Khỏi ạ. Cháu có bạn mang xe đến đón. Việc bác muốn nhìn di ảnh của mẹ thì sao? Trong chợ cháu đã nghĩ qua. Hôm nay mới thứ năm. Có gì cháu sẽ ghé đằng khách sạn, thứ bảy, buổi trưa.
Thứ năm. Bầu trời Paris không mưa. Tôi nhìn giọt nước thứ hai tan vào lòng xe vừa thắng bên đường. Hai hôm nữa hình như trời vẫn nắng, nhưng tôi sẽ ngó ra giọt nước thứ nhất. Nghĩa địa hay nhà chùa? Hay khung ảnh nằm trên bàn thờ tại gia? Je ne sais pas. Đến một thành phố, tình cờ bắt được một đầu dây, và cái giếng ước dưới kia đã khô cạn nước.
Quỳnh ơi, chúng ta đã chịu sống đằng sau một khung cửa hẹp. Thoát thân ra được, đối mặt với bầu trời hẹp té hơn. Hẹn em ở thứ bảy, nhé. Chủ nhật thì anh đã rời đi, chim bay mỏi về với xứ tuyết.
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments