Thục Uyên có cảm giác như buổi chiều xuống chậm hơn. Mới hơn 5 giờ Uyên đã thấy đói, và nàng lười biếng lót dạ bằng bữa ăn nhanh. Hôm nay là ngày cuối cùng nàng còn làm việc ở khách sạn này. Đứa con gái của chủ nhân vừa ra trường và họ muốn nó thay chỗ của nàng. Tập sự dần cho việc kinh doanh của họ. Một khách sạn tư nhân. Điều họ muốn là điều hẳn nhiên. Ai cũng làm như thế cả. Nàng nhớ lại lần đầu tiên đến xin việc ở khách sạn, nàng đã bị nó cuốn hút. Nằm kín đáo khuất sau một con đường riêng biệt thuộc diện tích của nó. Kiến trúc hoàn toàn hợp với phong cách chủ nhân. Sang trọng, giản dị và kín đáo. Nó giá trị với tầm vóc riêng tây của mình.
Phải mất một thời gian, Thục Uyên mới biết nàng được làm việc với một trong những khách sạn nhỏ luôn đông khách nước ngoài. Có tiếng tăm nhất nhì ở thành phố lớn xô bồ khách sạn này. Chủ nhân là một cặp vợ chồng đứng tuổi. Cư xử đúng mực. Không dễ dãi đến mức để người giúp việc buông tuồng. Cũng như không khó khăn lắm để tạo nên sự e dè, ngần ngại ở nhân viên thuộc quyền khi bày tỏ quan điểm của mình trong công việc. Đó là một phong cách sống mà theo nhận định của cha nàng, nó đã được đánh đổi nhiều trong thăng trầm của cuộc sống mới có được. Một vốn sống từng trải chắc chắn, trước khi cho phép mình có địa vị trong một đám đông. Dù số đám đông đó khiêm tốn, giới hạn trong một khách sạn.
Công việc của Thục Uyên không đến nỗi quá vất vả. Tiếp tân và làm các thủ tục đòi hỏi ở một khách sạn cho khách khi đến du lịch hay làm ăn ở đất nước này. Nhưng nó ràng buộc thời gian của nàng từ sáng cho đến khi về nhà đã gần non nửa đêm. Một chút vốn liếng sinh ngữ kha khá. Một chút nhan sắc khả ái. Đủ để gây dễ chịu và không có sự bực mình ở nơi khách khi giao tiếp. Và hôm nay nàng hoàn toàn rãnh rỗi. Nhìn thời gian cháy nhẹ nhàng cho đến lúc mười giờ đêm. Ngày cuối cùng còn lại ở khách sạn này.
Những khúc phim của quá khứ luôn quay lại trong hồi ức của Thục Uyên lúc nhàn rỗi. Khi bắt gặp lại khung cảnh một đoạn đời cũ. Ban đầu nàng cho đó là một điều ám ảnh. Nhưng cái rung động đã không còn gây đau đớn. Không còn nỗi ngậm ngùi. Dù đôi lúc tưởng chừng như mới hôm qua, hôm kia. Nhưng thực ra chỉ là điều tự nhiên. Tháng năm xưa cũ kéo dài. Có các điều người ta không quên, nhưng không bắt buộc phải hành hạ nỗi nhớ.
Dang dở đại học khi vừa qua tuổi hai mươi mốt. Đó là những ngày tháng tan nát của Thục Uyên. Trả giá cho sự lầm lạc nhẹ dạ của mình. Thịnh – người tình đầu tiên học trên nàng ba năm. Mùa hoa bướm thực sự nở rộng trong tháng ngày đó, khi nàng và Thịnh yêu nhau. Một đoạn đời tuổi trẻ với tình yêu tang thương của riêng nàng. Thời gian đó, lúc nào cũng không là đủ. Nó hối hả, tràn lấp dục vọng trong đôi mắt nồng nàn của Thịnh. Và nàng dâng hiến trọn vẹn tất cả sức lực, cũng như niềm tin mãnh liệt vào gã thanh niên mà nàng luôn nghĩ, sẽ là người chồng tương lai của mình. Không dè chừng. Không thắc mắc xa vời. Nàng mang nỗi lạc quan thuần túy của tính cách cùng với cái kiến thức giáo dục hời hợt của một xã hội sau chiến tranh. Thịnh không làm các điều phải làm khi biết nàng mang thai. Những chiều hẹn hò bắt đầu thất thường. Những lý do mong manh, đến độ buồn cười khi trễ hẹn. Bắt đầu thời kỳ cho một gian dối. Cũng là bắt đầu nhú mầm hình thành sự sống chờ ngày ra đời. Đời sống, tuổi trẻ, tình yêu, không còn đều đặn sôi nổi như giai đoạn Thịnh chưa chiếm được thân xác nàng. Nơi góc phố, quán cà phê. Những chiều biển động, tình yêu nằm lỳ trong hoan lạc. Trong căn phòng sực nức mùi hương rẻ tiền của một khách sạn nào đó, ở thành phố biển. Tất cả hồi ức quay lại, không một hứa hẹn nào đã được Thịnh chứng tỏ. Mà chỉ thể hiện cái không phải là tình yêu. Dối trá tàn nhẫn.
Thục Uyên lớn lên với cái êm ả của một tỉnh lỵ cách thành phố dăm chục cây số. Quê mẹ nàng. Khi nàng bắt đầu lớn khôn, đôi lúc nàng hỏi mẹ – tại sao cha nàng bỏ thành phố về ở cái tỉnh lỵ buồn hiu này. Mẹ nàng đã cười – nó buồn hiu nhưng nó không bất trắc lớn. Nàng lại hỏi cha, ông chỉ trả lời một cách dứt khoát – tại ba không thích nữa. Con đừng hỏi một cái gì, điều gì mà phạm vi quyết định lại thuộc về một người khác . Dù cho đó là của ba hay mẹ con đi nữa. Con còn quá nhỏ để hiểu được điều này. Thục Uyên hỏi chỉ vì nàng thắc mắc. Nàng bằng lòng vì được câu trả lời giản dị nơi cha. Rồi thôi, rồi thực sự đi vào quên lãng với cái tuổi trẻ đang hăm hở tới của nàng. Uyên vào đại học một cách dễ dàng. Sự dễ dàng ở đây được hiểu như một sự thoải mái. Nàng vô tư đi học. Bình thản luyện thi với sự thông minh vừa phải. Không một áp lực về viễn tưởng rủi ro, thiếu điểm để không đậu hay dư điểm để không rớt. Nó luôn luôn nằm ở mức trung hòa suốt một thời trung học. Đều đều, không xuất sắc cũng không đồng nghĩa là để cha mẹ hay thầy cô phàn nàn. Cho đến lúc Thục Uyên rời xa gia đình lên thành phố tiếp tục bậc đại học. Rồi gặp Thịnh. Và ở đây, trong môi trường náo nhiệt, chen chúc của một đô thị lớn. Có những điều thực sự đã bắt đầu xâm lấn tính cách của nàng lúc nào không hay. Rồi khi sự nấn ná, dần dà của Thịnh. Thậm chí việc gặp Thịnh, nhắc lại đôi điều Thịnh nói. Vô hình chung trở thành một khó chịu cáu gắt, nạt nộ rồi đuối lý để bình thản ù lỳ. Ai cũng có một nơi chốn để về. Thục Uyên không còn điều đó. Cái thai đã quá lớn, hình thành trong tâm tưởng của nàng nỗi ám ảnh mơ hồ về nhân quả nên Thục Uyên đã gọi mẹ. Và chút hy vọng cuối cùng về một ngày nào đó ở Thịnh, thật sự tắt lạnh khi nhìn thấy giọt nước mắt tủi nhục của mẹ nàng. Muốn tự vẫn khi trông thấy nỗi im lặng chịu đựng, đè nặng lên trên thân xác u uất của cha. Không một lời trách cứ. Không một lời phản bác lại tình yêu nàng dành cho Thịnh. Mẹ nàng lặng lẽ lên thành phố sống cùng với nàng trong thời gian ấy. Bà luôn mỉm cười khi nghe đôi lúc nàng bào chữa đôi điều về Thịnh. Về bao lý do né tránh của Thịnh trước sự việc đã rồi. Cái mỉm cười khinh bạc của mẹ nàng làm Thịnh sợ. Cái sợ hãi hèn mọn bởi gan ruột mình đã bị nhìn thấy tận tường. Nó mang dáng dấp sự khinh bỉ, miệt thị. Của không cần thiết để phải cầu cạnh. Của một đẳng cấp cao nhìn một giống loài dưới luôn mức hạ đẳng. Bởi cái nhìn đó không cần biểu hiện bằng đôi mắt, mà nó toát ra trong dáng dấp, trong nụ cười, sự im lặng. Ở một điều kiện nghi ngờ đã hoàn toàn biến thành sự thật với cái trần trụi của chứng cớ. Là cái thai thiếu sự hợp pháp lễ nghĩa của nó. Đó không phải cách làm dáng bất cần. Mà là dứt bỏ không khoan nhượng. Nàng hiểu rõ mẹ hơn ai hết. Sự im lặng tuyệt đối trong hai lần Thịnh đến và phân trần. Bà không hề nói với Thịnh lời nào. Nụ cười là một vỏ bọc. Và vỏ bọc đó không phải là để bao che cho Thịnh. Mà cho con gái bà. Đứa con rứt ruột đẻ ra. Che lấp cái khủng hoảng, cái bất trắc có thể xảy ra trong đầu óc người thiếu nữ vẫn còn chút hy vọng ở tình yêu mê muội của nó. Bình tĩnh và nhẫn nại chờ ngày nàng sinh nở. Bé Luyện – con trai nàng chào đời không có mặt cha của nó. Thục Uyên nhớ mãi một ngày trước khi rời bệnh viện. Tất cả bạn bè đều đến thăm, đều được nàng gởi gắm báo tin cho Thịnh. Buổi trưa nàng dõi mắt, nhìn xa vắng hàng cây bệnh viện. Lòng thật sự lạnh giá khi nghĩ về mối tình đầu đời con gái. Nó tang thương, yểu mệnh trước lòng trân trọng mộc mạc, tin cậy vô bờ của nàng. Xếp mớ tã lót cho con, nước mắt nàng ràn rụa chảy. Cái nấc nghẹn không cần che giấu với bao sản phụ xung quanh. Bởi Thục Uyên hiểu ra một điều, nàng bắt đầu đảm nhiệm một thiên chức như bao người – là làm mẹ – và phải một mình. Đồng thời với sự hiện diện của ý thức đó, cũng là sự bắt đầu đổ vỡ tính cách không còn thiếu nữ. Không còn cái lãng mạn hồn nhiên nơi giảng đường cùng sách vở. Với Thịnh, miên viễn hình bóng đã không còn xao động. Đối với nàng, tình yêu nó lớn thì cái chết của nó không thể nhỏ được. Chính cái chết đó đã dẫn dắt nàng cũng dễ dàng cư xử, như lúc sống đã dẫn dắt nàng dễ dãi hiến dâng. Đó là ngày cha Thịnh tìm đến. Mới có bốn năm, và cuộc nói chuyện với cha Thịnh vẫn còn hằn rõ như in trong đầu óc nàng.
– Cháu… Con có khỏe không Uyên?
Nàng không trả lời ngay cũng như không mời chào. Ông ta lúng túng ngồi xuống.
– Thứ nhất tôi không phải là con bác. Tôi khỏe, đủ để tiếp chuyện cho đến khi bác ra về.
– Dù sao cũng đã lỡ rồi.
Nàng đã ngắt lời cha Thịnh một cách hỗn láo.
– Và tôi đã có con. Đứa con đó là của tôi. Không phải là con của con bác. Do đó tôi thấy không cần phải bận lòng ở bác nữa.
– Con phải hiểu là Thịnh nó không hề nói với bác về tình trạng của con với nó… Bác không biết.
– Một lần nữa, tôi không phải là con của bác. Bác không biết nhưng vợ bác biết. Giữa gạch nối của biết và không biết luôn luôn là một tai họa. Và tôi là người gánh chịu tai họa đó.
Thục Uyên nhớ lại trong thời gian ấy, có một lần đến dùng cơm ở nhà cha mẹ Thịnh, sự nôn mửa không đè nén được vào giữa bữa, đã khiến nàng bỏ dở ra sau nhà. Khi vốc nước cuối cùng lau rửa khuôn mặt nàng ngưng lại. Qua gương kính nàng nhận ra mẹ Thịnh đã đứng sau lưng mình tự bao giờ. Với kinh nghiệm của người đàn bà, bà hỏi nàng, trong lúc đôi mắt ngước nhìn lên trần nhà. Bằng một câu vừa ở thể xác định vừa nghi vấn.
– Cháu đã có thai với thằng Thịnh phải không?
Thục Uyên nhớ hoài hình ảnh của mẹ Thịnh lúc đó. Nó đã trở lại bao lần trong ngày tháng khủng hoảng của nàng. Đôi mắt bà di chuyển và dừng lại trên khuôn mặt nàng. Thục Uyên đã trả lời với sự rộn ràng hồn nhiên lẫn mừng rỡ, và chờ một điều gì đó ở bà. Nhưng không, mẹ Thịnh im lặng quay đi lên trên. Thục Uyên không thể tưởng tượng được cái suy nghĩ của mình lúc đó khi hồi tưởng lại. Cái hụt hẫng vẫn không đáng kể gì so với niềm tin tuyệt đối nơi tình yêu nàng đã dành cho Thịnh.
Hình ảnh cha Thịnh bối rối đứng lên. Có lẽ ông nghĩ rằng ông đã bắt đầu lố bịch. Cũng từ đó Thục Uyên phát hiện ra mình đã có, đã ảnh hưởng đến tính cách của cha nàng tự lúc nào không biết.
– Bác về. Tôi vẫn phải khỏe mạnh để nuôi con của tôi. Không phải là con của con bác. Tôi phải lập lại rõ điều này. Và tôi không cần lưu tâm mọi ngộ nhận về điều tôi nói. Bác hãy đem về mọi thứ. Tôi sẽ không còn ở đây nữa. Ở một nơi khác trong thành phố này. Cũng vẫn một nhà thuê mướn đâu đó. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tôi phải tiếp đón những người không còn quen thuộc.
Nàng đứng dậy nhấc giỏ quà đưa tận tay ông. Cha Thịnh hiểu rõ mọi chuyện thật sự đã là một chấm dứt. Một cắt đứt với một nhát quyết liệt. Ông ra về với cái điều riêng chưa kịp nói cùng bao điều vợ ông hẳn đã căn dặn. Cũng như khi khép cánh cửa quay vào, Thục Uyên nhìn thấy mẹ nàng đã lên ngồi ở salon tự lúc nào. Nàng cảm nhận được từng cái rung nhẹ ở đôi vai. Bà chia sẻ cái tan nát cuối cùng của đứa con đầu đời của bà. Bà nói bà nhớ nhà và muốn về tỉnh lỵ. Nhớ đến ba đứa em nàng. Hẳn tụi nó sẽ than phiền về những bữa ăn vụng về do cha nàng vất vả dọn.
Hai năm sau, bạn bè cho nàng biết Thịnh đã lấy vợ. Nàng dửng dưng nhận tin. Và thời gian đã là một cái gì đó hoàn toàn thành điều lãnh đạm.
Chiếc du lịch màu đen chầm chậm rồi ngừng hẳn. Thục Uyên nhìn đồng hồ. Luôn luôn đúng giờ. Vợ chồng họ đến chào nàng . Người quản lý bước nhanh ra mở cửa. Nàng liếc mắt, kiểm tra lại mỗi thứ cùng những lời dặn dò được viết trên mảnh giấy. Đứa con gái họ là người tiếp nhận công việc của nàng ngày mai, nhưng bắt đầu từ bây giờ.
Nàng rời bàn khi vợ chồng họ bước vào – cô con gái của họ đã tập quen việc trước đó, bước đến bên nàng.
– Chị Uyên giúp em xong hết rồi chứ?
– Yên chí. Cả những điều nhỏ nhặt nhất đã được chị nhớ đến đâu ghi lại trên giấy cho Phương. Nhớ ngày mai hẳn thay hoa cho chị.
– Thục Uyên vào đây!
Vợ chồng họ gọi. Người đàn ông lịch sự nói đùa rằng ông phải ghé tạt đến đây chào nàng. Mất dăm phút công việc của công ty không làm cho ông giàu thêm được nữa. Ông nhắc lại đề nghị của một khách sạn ông quen, sẵn sàng nhận nàng vào làm. Nàng cám ơn ông về điều đó. Người đàn bà khoát tay và nói rằng – Sỡ dĩ nàng từ chối chỉ giản dị một điều. Cách kinh doanh khách sạn của vợ chồng anh Thuật không giống như cách kinh doanh của chúng ta. Nhưng bà thật lòng mà nói, bà tin ở phong cách mạnh mẽ của Thục Uyên. Và bà nghĩ trực giác vẫn không đánh lừa bà cách đây mấy năm, khi chọn nàng trong số người đến xin việc. Một phong bì trọn tháng lương. Một phong bì biếu tặng nơi hai vợ chồng bà kèm theo. Không quên hộp đồ chơi lớn gởi cho con nàng, cùng lời thăm hỏi sức khỏe cha mẹ nàng. Riêng về Uyên, họ rất lấy làm tiếc và chúc nàng luôn may mắn. Nàng đủ lịch sự để nói, họ không phải bận tâm về điều đó. Nếu nàng ở địa vị họ, nàng cũng không thể làm khác hơn.
Đêm đã bắt đầu vắng khi nàng dẫn xe ra khỏi cổng khách sạn. Thục Uyên không vui không buồn. Nhưng nàng cảm thấy bình an và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nàng chợt nhớ tới ngày trở về từ bệnh viện, đánh dấu thiên chức bắt đầu làm mẹ. Cha nàng đã đáp chuyến xe cuối ở tỉnh lỵ lên gặp nàng, đến nơi cũng vào giờ này. Đêm đó, ông đã kể cho nàng nghe về câu chuyện có thật được dựng thành phim của một nhân vật nữ. Tựa phim là “Mạc Tư Khoa không tin vào nước mắt”. Rồi khi kết thúc cha nàng nói rằng – Mạc Tư Khoa hay Sài Gòn, hay bất cứ một đô thị lớn phồn hoa nào mà con phải sống, thì nước mắt vẫn không phải là niềm tin đủ để cho con đi tròn cuộc sống.
Thục Uyên quay nhìn cái quen thuộc của cổng khách sạn. Nàng giơ tay chào người bảo vệ. Đêm nay nàng sẽ lay gọi con dậy. Thức cùng cái vui thích của đứa con ở món đồ chơi. Nghe người ca sĩ cha nàng yêu thích, nhã những lời thủ thỉ của một bài hát – phúc âm buồn.
Nguyễn Hữu Khánh
Recent Comments