Như thường lệ, chuyến tàu Vĩnh Phước chở hành khách chạy từ Rạch Sõi về miệt thứ vừa rời bến trưa nay. Mỗi lần tàu xịt khói chuẩn bị rời bến là lũ trẻ con trên bờ vừa chạy vừa la: “Tàu chạy! Tàu chạy!”. Những cơn gió tháng Sáu mang hơi mát thổi vào boong tàu, thổi tung mái tóc cô Ba ngồi phía trên mui.
Cô Ba là con thứ hai của ông bà Sáu Vĩnh Ký, gồm sáu người con. Năm 1948, ông Sáu Vĩnh Ký ra Rạch Giá cưới một phụ nữ Việt (người Tiều gọi là An-nàm-nán), ở gần chùa Láng Cát. Thím Minh, vợ ông Sáu, tánh tình hiền lành, chất phác, quanh năm tần tảo nuôi con. Trong sáu người con, ba trai, ba gái, ngoài tùa hia Cuôn là anh hai, cô Ba là trưởng nữ trong gia đình. Cô tên Muổi Tiên nhưng người làm trong nhà vốn quí mến cô, thường thân mật gọi cô là cô Ba.
Cô Ba có nước da đen giòn của người miền biển, mái tóc mượt mà rẽ ngôi, thả dài ngang lưng, miệng lúc nào cũng cười tươi tắn. Cô Ba giống mẹ, có tài quán xuyến từ trong ra ngoài. Hồi nhỏ cổ đã có năng khiếu về nữ công gia chánh. Từ thêu thùa, may vá đến nấu nướng đều giỏi giang. Tổ chức tiệc tùng hay đám cưới đám hỏi nào mà thấy cô lăng xăng trong bếp là ai nấy thảy đều an tâm. Nhớ trước cái Tết năm nào, nhà trường ra thông cáo về chương trình ủy lạo “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” nhằm nâng cao tinh thần các anh chiến sĩ ngày đêm xông pha ngoài mặt trận, đã khuyến khích các cô nữ sinh gia công thêu những chiếc khăn tay, khăn quàng cổ, đan áo len làm quà tặng gởi ra chiến trường. Cái khăn “mùi-xoa” trắng, mịn màn, thơm phức; khăn xếp góc có “rô-đê” hình chữ I, và thêu hình bông mai vàng khéo ơi là khéo được nhà trường chấm giải nhất. Lúc đọc tên mới biết là của cô Ba (chớ còn ai).
Ông Sáu Vĩnh Ký, người Triều Châu, là một thương gia giàu có nức tiếng ở chợ Thứ Ba. Ngoài lẫm lúa, quanh năm chứa đầy kho, (bao lúa chỉ xanh trăm ký chất từ nền xi-măng lên tới trần nhà), ông còn làm chủ ba chiếc ghe chài, một chiếc xe chuyên chở hàng hóa từ Rạch Giá lên Sài Gòn và một dẫy nhà lầu ba căn đồ sộ.
Vẻ dịu dàng của một cô gái quê miền biển Rạch Giá như cô Ba trông giống hệt như một nhánh bông trang đỏ dưới nắng mai. Mới có mười tám, hai mươi mà nhiều gia đình đánh tiếng tới xin dạm ngỏ đều bị thím Tám, má cô Ba từ chối khéo.
Hàng tháng vào những ngày cuối tuần, một mình cô cắp nón lá xuống tàu ra chợ Rạch Giá bổ thêm hàng hóa, thực phẩm về bán lại. Cô Ba có khiếu buôn bán mát tay, tánh nết lại cởi mở, nhiệt tình và đôn hậu, nên hàng của cô từ gạo, muối, nước mắm đến quần áo lúc nào cũng bán chạy như tôm tươi.
Biến cố tháng Tư 1975, cùng số phận với những nhà tư sản ở Thứ Ba, tất cả cơ ngơi của ông Chín Vĩnh Ký đều bị Việt Cộng tịch thu. Căn nhà lầu ba căn biến thành trụ sở Phường Đội và chỗ ở của cán bộ Cộng Sản ngoài Bắc vô. Riêng kho lúa, Việt Cộng phải mang xe Molotova tới chở suốt gần hai tháng trời mới vét sạch kho. Dân Thứ Ba đứng dòm mà tiết đứt ruột.
Từ đó gia đình ông Chín dời về Bờ Xáng, kinh Thứ Hai. Cô Ba phải nghỉ học, ngày ngày lội ra Thứ Ba buôn bán trong nhà lồng chợ, chiều lại lội về. Hàng tháng cô vẫn lui tới giữa Rạch Giá và Thứ Ba mua thêm hàng hóa về buôn bán phụ giúp gia đình.
***
Từ lúc tàu rời bến chạy được nửa đường, đám thanh niên trạc tuổi cô Ba, ở cùng xóm, trước kia học cùng trường, ngồi chung băng ghế với cô cứ cười đùa, giỡn hớt như tinh. Thỉnh thoảng đi chợ về chung tàu với tụi nó cô Ba thấy vui vui trong bụng. Hồi trưa này, lúc lui cui leo lên mui tàu tìm chỗ ngồi, đã nghe:
– A! chế Khiếm! (giọng thằng Lục Lăng)
– Ủa? Cô Ba đi bổ hàng dìa đó hén. (giọng thằng Tèo, con bà Hai Nhọn)
– Chế khoẻ hôn? (giọng nhỏ nhẹ của con Hón chớ ai)
Cô Ba nhìn quanh thấy có cả đám thằng Xùi Khểnh, thằng Khều Ngón (tại nó có 11 ngón), chị Út Thôi, thằng Bụng, chị em con Cà Sịng, Cà Em… Cô Ba ngạc nhiên hỏi mới biết tụi nó đi làm công tác lao động Phường.
Huyên thiên một hồi, chợt từng dưới có tiếng thùng đàn lụp cụp va chạm vào lườn tàu. Cô Ba có vẻ ngạc nhiên ngoái cổ nhìn thằng Kẹ ngồi ở cuối băng có ý dò hỏi. Thằng Kẹ hiểu ý vội thòng đầu xuống dòm thì thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi, cụt cả hai chân gần tới háng, đang ngồi nghiêng ngả ở đầu mũi tàu, cố ôm cây đàn cũ rích như muốn tuột khỏi tay. Thì ra là anh thương phế binh quá giang về miệt thứ kiếm cơm qua ngày. Ai chớ tụi thằng Lục Lăng dòm một cái biết ngay là “tàn dư” của chế độ cũ. Tội nghiệp, không biết ai đã nghĩ ra cách cột anh ta ngồi dính chặt trên một cái võ bánh xe lam cắt mỏng để mỗi lần di chuyển thân thể anh không bị chạm xuống mặt đường làm rách thịt da.
Vốn ma lanh nhưng rất tốt bụng, thằng Lục Lăng chỏ mỏ xuống la: “Anh ơi! Hát một bài nghe đi anh!”. “Phải phải. Hát nghe chơi, anh”, thằng Thắm hùa theo. Vậy là cả đám trên mui chồm xuống nhao nhao ờ hát đi anh, hát có thưởng nè.
Gương mặt đen đúa, khắc khổ, phong sương, đầy vẻ chịu đựng của anh thương phế binh bỗng giản ra. Anh ngước lên mui với ánh mắt biết ơn rồi cúi xuống nhỏ nhẹ cảm tạ bà con cô bác ngồi chung từng với anh cũng “đồng thanh tương ứng”. Tay so dây đàn dạo vài trường canh, miệng tằng hắng mấy cái anh bắt đầu cất tiếng hát. Anh hát một hơi ba bản liền. Cứ dứt một bài là bà con vỗ tay la “bis, bis”, yêu cầu hát tiếp.
– Tiếp theo là bài “Con Đường Tình Ta Đi” đi anh.
Lập tức bà chị sồn sồn ngồi băng ghế đối diện chẫu mỏ phản đối ngay:
– Bậy nà! Người ta làm gì có… chưn mà đòi con đường tình ta đi với ta đứng. Ông anh mần một bổn “Một Chăm Phần Chăm” nghe nghen!
Chỗ kia: “Bà chị mới là tầm bậy đa! Hổng hạp không khí…”
Cứ vậy cả tàu ồn như ong vỡ tổ. Chợt ở cuối đít tàu, sau cánh cửa, chỗ nghỉ lưng cho khách có tiếng trẻ con khóc nhề nhệ, rồi tiếng người đàn bà dỗ con (chắc là má thằng nhỏ) cùng lúc có tiếng chửi thề giọng Bắc văng ra.
Mặc kệ. Buổi văn nghệ bỏ túi “khi không mà có” đang ra chiều sôi nổi mà. Cứ vậy anh càng ca, thằng nhỏ càng khóc nhè đến nỗi “tiếng chửi thề giọng Bắc” lúc nảy mở xịch cánh cửa ló cổ ra nạt: “Yêu cầu anh kia ngưng hát để con tôi ngủ!”. Té ra là một tên Công an áo vàng. Nhưng bà con cô bác trên tàu đang hứng đâu có chịu thôi. Nhất là đám thanh niên ngồi trên mui chỉa mỏ xuống ồn ào phản đối đòi anh thương phế binh cứ hát tụi tui trả tiền.
Bị kẹt giữa “hai lằn đạn” khiến cho cái thân thể không còn toàn vẹn của anh trở nên gượng gịu, khó xử đâm ra sượng trân. Đã vậy làm gì có bản nhạc nào vui đâu mà bà con yêu cầu “ca lên cho dzui”. Rốt cuộc bản nào cất lên cũng buồn thê thiết làm cái giọng lê thê như muốn kéo cuộc đời bất hạnh của anh cứ dài ra, dài ra, bay theo gió, và bị tại… không có chân nên anh đành để cho nó rơi xuống nước, chìm lĩm.
Rồi tới bài “Đập Vỡ Cây Đàn” anh gân cổ hát: “Đập vỡ cây đàn. Giận người đập vỡ cây đàn. Người ơi người ơi. Tình ơi tình ơi. Đập vỡ cây đàn. Giận đời bạc trắng như vôi. Giận người điên đảo quên lời…”
Nhưng qua phiên khúc hai: “Đập vỡ cây đàn. Giận người con gái yêu nàng. Buồn ơi buồn ơi. Làm sao để nguôi”, tới câu giận đời trở như bàn tay… là sanh chuyện.
Tiếng khóc nhề nhệ của thằng nhỏ, má nó dỗ cách nào cũng không chịu nín khiến tên Công an nổi điên gầm lên tung cửa phóng ra nhào tới chụp cây đàn quát tháo vào mặt anh thương phế binh:
– Im! Im ngay! Mầy có im ngay không thì bảo! Mầy mà rống lên một tiếng nữa là tao đập vỡ cây đàn của mầy ra ngay!
Đất nước mà cai trị bằng bạo lực kiểu này thì rõ ràng là điềm báo một tương lai không xáng lạn rồi; dân ngu vẫn ngu, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Đúng lúc tàu vừa cặp bến Thứ Ba là tên Công an nhảy lên bờ kêu đồng bọn đang xớ rớ gần đó xuống tàu bắt anh thương phế binh và cây đàn đem đi nhốt. Đúng là bọn tiểu nhơn thất đức, bà con đứng bó tay nhìn theo la ơi ới .
***
Chị Thương Hoài, chủ tiệm Nail đắc khách ở tỉnh Rạch Giá, rót nước trà mời tôi. Chị kể tiếp:
Chị biết hông. Sau này nghe nói ngay tối hôm đó, cái hôm Công an bắt anh thương phế binh đó, tụi thằng Lục Lăng, thằng Xùi Khểnh, thằng Lém, với con Cà Liên đâu có chịu để anh thương phế binh bị nhốt oan mạng vậy; cả bốn đứa bàn kỹ kế hoạch đâu đó xong mới mò tới trụ sở Công an làm bộ dụ anh cảnh vệ qua quán bà Tư Thìa bên kia đường nhậu vài xị cho vui. (Năm 1977, cái gọi là trụ sở Công an thiệt ra chỉ là nhà của dân bị tịch thu làm trụ sở tạm thời mà thôi. Thành ra việc bắt bớ với canh gác còn lõng lẻo lắm).
Thằng Lục Lăng ra vẻ sành điệu chìa điếu thuốc Tam Đảo cho anh cảnh vệ, chăm lửa nói:
– Nè anh! Mấy ông Công an hồi chiều bắt nhốt người đang nhậu nhẹt ì xèo dưới quán chệt Ky kìa. Mấy ổng bắt anh ở lại canh chừng thằng cha cụt giò, bộ anh hổng tức sao!
Nói khích xong nó day qua đám bạn, dõng dạt:
– Nè, hai thằng mầy dắt ảnh qua bển nhậu trước đi. Để tao ở lại canh chừng cho. Mà thằng cha thương phế binh cụt cha nó hai giò lấy chưn đâu mà trốn. Hì hì! Lo gì. Qua bển nhậu cho đã đi anh.
Miệng nói tay nó lẹ làng kéo anh cảnh vệ đứng dậy khẽ đẩy đi. Chỉ chờ có vậy, thằng Lục Lăng làm bộ đứng trước cửa trụ sở Ủy ban láo liêng canh chừng không tới 2 phút là nó vọt vô nhà hì hục khiêng anh thương phế binh ra cửa sau xuống xuồng đuôi tôm có con Cà Liên chờ sẵn, nhắm hướng Tắc Cậu dông tuốt.
Lúc chị Thương Hoài kể chuyện, gương mặt cứ tươi ra, nhất là đến đoạn cứu thoát anh thương phế binh, mắt chị ngời lên rạng rỡ. Nhưng chị cẩn thận kề tai tôi nói nhỏ: “Tụi Việt Cộng ác ôn thiệt!”.
Thật ra, Thương Hoài tên thật là Cà Moi, cô gái Miên, trước 1975 giúp việc cho ông bà Chín Vĩnh Ký. Sau ngày mất nước, đổi đời Cà Moi được trời cho phất lên. Tuy giàu có nhưng tánh tình chị vẫn còn giữ được bản chất thiệt thà, hiền lành cố hữu của người Miên xưa ở ruộng rẫy quê nghèo. Tôi gặp lại Cà Moi cũng là một tình cờ. Số là một hôm tôi từ Sài Gòn về Rạch Giá ăn đám cưới cô bạn học ngày xưa, sẵn đường ghé vô tiệm nail làm móng tay móng chân thì đụng ngay chị chủ tiệm Cà Moi. Chính Cà Moi nhận ra tôi trước, reo lên: “A! Chị Tiêu! Chị Tiêu phải hôn? Chèn ơi! Lâu nay chị đi đâu mất đất dzậy?”. Tiệm nail khá sang trọng, khoảng 10 ghế, có cả một góc để tiếp khách. Cà Moi đon đả mời tôi ngồi rồi mau miệng nhắc lại chuyện xưa tôi mới nhớ. Lúc này Cà Moi không còn là “con ở” nữa. Chị tròn trịa, tóc uốn quăn, nhuộm vàng, ăn mặc rất “ấn tượng”. Nếu Cà Moi không nói tôi cũng không thể nào nhận ra cô nàng. 30 năm cách biệt rồi chớ ít ỏi gì đâu.
Lúc tôi hỏi chuyện gia đình ông bà Chín Vĩnh Ký, Cà Moi đang toét miệng cười chợt nghiêm mặt, chớp chớp mắt như nhớ lại thuở xa xưa, giọng chị bỗng trở nên trìu mến:
– Chị Tiêu nè. Ông bà Chín là người nhơn đức, chị là bạn học của cô Ba chắc chị biết rõ mà. Chị biết hôn. Lúc gia đình ông bà Chín bị đánh tư sản dọn về Bờ Xáng em không đi theo được mà đứt ruột đứt gan. Ở nhà ông bà cả chục năm trời lúc cả nhà dọn đi ai mà hổng buồn hả chị. Về lại nhà má em cả tuần lễ em vẫn còn khóc sưng cả mắt. Uống nước đi chị! Gương mặt Cà Moi lại tươi lên.
Hớp hớp trà tôi hỏi gia đình chú Chín bây giờ ở đâu? Thấy Cà Moi lắc đầu tôi tưởng chỉ không biết, ai dè rành rọt nói họ ở xa lắm, ở Gia Nã Đại lận. Giọng Cà Moi trở nên sôi nổi:
– Em nghe phông phanh đâu đầu thập niên 80 nguyên gia đình ông bà đã âm thầm vượt biên an toàn tới bến bờ tự do. Không như hầu hết những gia đình khác, cha mẹ ở một nơi, con cái sống một nẻo, nghe nói ngày nay hai ông bà và con cái họ cùng sống chung một thành phố nào đó bên cái xứ Gia Nã Đại giàu mạnh mà lạnh tét xì dầu. Ối! Cái xứ gì mà nghe nói mùa đông đứng ngoài đường đái chưa xong nước đái đã đông thành tuyết uốn cong vòng thấy ngộ hết sức nghen.
Nghe oang oang cái giọng hết sức tự nhiên của Cà Moi làm tôi kín đáo đảo mắt lượn quanh mà ngượng muốn chết.
Cũng nghe nói – Cà Moi tiếp – sáu người con của ông bà người nào cũng ăn nên làm ra, đều đã lập gia đình, nhà cao cửa rộng, xe hơi năm ba chiếc, mới keng, rồi sanh con đẻ cái nuôi dạy nên người. Nghe mà mừng cho họ, xưa nay những người nhơn đức được trời thương là vậy, có gì lạ đâu nà. Riêng cô Ba hình như đã bước vào tuổi 60. Ở cái “lục thập nhàn”, thân hình có vẻ đẫy đà, tóc tuy có bạc lưa thưa, sợi rụng ít nhiều mà sao trông cổ vẫn còn mặn mà hết sức. (Chị Cà Moi, trước là người giúp việc cho ông bà Chín Hiến, khoe hình cô Ba ở Canada gởi về bà con chòm xóm mới biết). Cô Ba xưa nay vẫn vậy. Vẫn nói cười cởi mở, vẫn mần ăn buôn bán nuôi mỗi thằng con sắp thành ông kỹ sư này ông kỹ sư nọ; còn đức ông chồng của cô Ba nghe nói đã nghỉ hưu mấy năm rồi, hình như mắc cái bệnh đãng trí gì đó. Nghe thiên hạ xì xầm “Thằng cha cựu sĩ quan này ở Việt Nam sức mấy mà với tới cô Ba! Mà đụng tới sĩ quan sĩ quyết vào thời buổi chiến tranh là thím Mười trề môi: “Lấy sĩ quan chỉ mau thành góa phụ chớ sướng ích gì”.
Vậy đó, chạy lạc ra xứ người cái gì cũng đổi khác hết trơn. Có điều, hổng cần biết “thằng chả” là ai mà quơ nhằm cô Ba là tốt số quá chừng rồi! Chị Cà Moi ngồi bắt chí cho đứa con gái, lắc đầu chép miệng nói:
– Ổng hên thiệt à nghen. Chắc kiếp trước có tu.
Phan Ni Tấn
Recent Comments