1*. Mở bài
Trung tướng Bùi Quốc Huy* Năm Cam Phạm Sỹ Chiến
Hồi 5 giờ 45 phút sáng ngày 3-6-2004, Năm Cam và 4 tử tội bị xử bắn ở trường bắn Thủ Đức. Vụ án Năm Cam làm rúng động đảng CSVN vì có những Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng nhận hối lộ, bao che, và bảo kê cho băng đảng gây tội ác nầy.
Ở Việt Nam, sau ngày 30-4-1975, có nhiều băng đảng “xã hội đen” hoành hành ở nhiều nơi, với nhiều tổ chức tội phạm có tới hàng trăm tên côn đồ.
Với vũ khí phổ biến là mã tấu, đao, kiếm, chúng gây những vụ đập phá, cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích, trong những vụ đi đòi nợ thuê, hoặc đâm thuê chém mướn, trong những vụ ân oán cá nhân . Chúng gieo rắc kinh hoàng trong dân chúng.
Băng đảng xã hội đen hoạt động được, là nhờ có những người quyền thế chống lưng, cụ thể nhất là công an bảo kê trùm xã hội đen Năm Cam. Năm Cam được hai cơ quan chấp pháp cao nhất Sài Gòn là Giám đốc Sở Công An, và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Cùng với một hệ thống công an từ khu vực, phường, quận và cả báo chí, nhận hối lộ để bao che, cho nên tổ chức tội phạm nầy tự do tung hoành sách nhiễu dân chúng.
Phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam lớn nhất lịch sử ngành tố tụng, gồm có 155 bị cáo, 238 người có quyền lợi và nghĩa vụ được triệu tập ra toà, 21 cán bộ trong đó có hai Ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, 80 luật sư biện hộ, hai thông dịch viên và báo chí trong và ngoài nước.
Vụ án thật sự làm chấn động đảng Cộng Sản Việt Nam vì lúc đó Phan Văn Khải làm thủ tướng và Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính Trị, làm bí thư thành ủy Sài Gòn.
Đó là thời kỳ Việt Nam chưa hội nhập vào thế giới tư bản. Người dân ăn trộn với bo bo và các thứ khoai. Cán bộ đảng viên được mô tả qua những hình ảnh như sau:
Đầu đường đại tá vá xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường thiếu tá bán kem
Về hưu đại úy thổi kèn đám ma
Thượng úy thì đi buôn gà
Trung úy về nhà lại bám đít trâu
Hỏi rằng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam
2*. Vài nét về Năm Cam
Năm Cam Phan Thị Trúc
Trương Văn Cam sinh ngày 22-4-1947 tại Saigòn. Năm 15 tuổi, làm chân gác sòng bạc cho anh rể là Nguyễn Văn Sy (Bảy Sy) ở khu vực Cầu Muối, quận 1 Sàigòn, thuộc địa bàn bảo kê của Trần Đại (Đại Cathay)
Tháng 12 năm 1962, Bảy Sy đâm chết Nguyễn Văn Lót về vụ cạnh tranh sòng bạc, Năm Cam đứng ra nhận tội cho anh rể, bị án tù 3 năm vì vị thành niên.
Sau 1975 Năm Cam bán đồ cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 Saigòn, sau đó theo Tám Khánh, một chủ sòng, tổ chức đánh bạc trong giờ nghỉ trưa của cơ quan hành chánh, thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ. Con bạc quen được lựa chọn. Năm Cam mưu sinh bằng những việc phi pháp.
Năm 1994, Năm Cam bị tập trung cải tạo nhưng được ân xá ngay năm sau đó, là nhờ Trần Mai Hạnh, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN, Giám đốc Thông Tấn Xã VN, và Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, nhận hối lộ của gia đình Năm Cam.
Vợ 1. Phan Thị Trúc, sinh năm 1946. Có 5 con với Năm Cam.
Vợ 2. Trương Thị Lành, 1946, có 3 con.
Năm Cam bị xử bắn ngày 3-6-2004, 57 tuổi.
3*. Vụ giết Dung “Hà”
Dung Hà và người tình * Dung “Hà” Hải “Bánh”
3.1. Vài nét về Dung “Hà”
Dung Hà tên thật là Vũ Thị Hoàng Dung sinh năm 1965 tại thành phố Hải Phòng trong một gia đình có 6 anh chị em, Dung là con út. Cư ngụ tại số 23 phố Trạng Trình. Người mẹ tên Hà nên được ghép là Dung “Hà”. Là con gái mà để tóc tém, mặc quần áo đàn ông mang dép bộ đội. Tánh tình ngang tàng, lì lợm, ngỗ ngược, bỏ học lêu lỏng trộm cắp vặt.
Từ năm 1986 đến năm 1998, Dung Hà bị tù giam 4 lần, là trùm du đảng nổi tiếng ở Hải Phòng. Nữ quái này được mô tả là có khuynh hướng tình dục đa hệ, xăng pha nhớt, có nhiều người tình cả nam lẫn nữ.
Mánh khóe để trở thành nữ quái là Dung dựa vào những người tình trùm xã hội đen để ngoi lên địa vị bà trùm. Trước tiên là người tình của đại ca Hùng “chim chích” vì anh nầy xâm đầy mình những hình hoa mỹ. Người tình thứ hai là trùm Hùng “cốm”. Lợi dụng địa vị của những tay anh chị, Dung Hà ngồi một chỗ mà sai bảo các đàn em hành động. Hai người tình, người bị tù, người chết vì HIV/AIDS nên Dung Hà trở thành nữ quái.
Thời kỳ đó, “Bắc Dung Hà, Nam Năm Cam” nổi bật trong giới giang hồ, xã hội đen.
Trong đám đệ tử có một cô gái mà Dung Hà đặc biệt yêu chìu tên là H.T.H, da trắng, tóc dài tha thướt, chân dài đúng là một mỹ nhân. Cô nầy con nhà tử tế, có nhan sắc nhưng thích đua đòi và chơi trội, nên chập với Dung Hà. Cô H. có chồng con và đang định cư ở nước ngoài.
Dung “Hà” ghép tên mẹ, nên đàn em không ai dám gọi Dung “Hà” cả, mà một là “chị Dung”, hai là “chị Dung” đầy vẻ tôn kính. Sinh hoạt của Dung Hà là tổ chức cờ bạc.
Tháng 10 năm 1998, Dung “Hà” di cư vào Sài Gòn “làm ăn” và được ông trùm Năm Cam nâng đỡ, cho mở sòng bạc tại số 17 Bùi Thị Xuân, quận 1. Dung Hà đã chỉ thị cho đàn em thực hiện những hành động quậy phá trên địa bàn Saigòn, với ý đồ gây thanh thế, tạo áp lực buộc Năm Cam phải chia lợi nhuận trong việc bảo kê các sòng bài , nhà hàng, vũ trường…
Ngày 1-10-2000 Hải Bánh sai hai đàn em là Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường bắn chết Dung Hà ngay trước nhà ở Sài Gòn.
3.2. Cuộc đụng độ đưa đến cái chết của Dung “Hà”
1). Hải Bánh
Hải Bánh và Dung Hà Nguyễn Tuấn Hải, thường gọi là Hải “Bánh”.
Hải Bánh tên thật là Nguyễn Tuấn Hải, sinh ngày 7-11-1967, cha là Nguyễn Văn Bánh, nên thường được gọi là Hải Bánh.
Năm 1982 bỏ học lớp 8, bước thẳng vào con đường phạm tội, tổ chức ăn cắp, móc túi.
Ngày 12-5-1985 Hải Bánh bị tòa kết án 42 tháng tù giam. Trước đó bị 24 tháng tù vì tội trộm cắp.
Năm 1987 ra tù, Hải Bánh trở thành một tên bảo kê vằn vện kiêm đại lý thuốc lắc cho dân chơi ở nhiều nhà hàng vũ trường thủ đô.
Có tiền, có quyền, Hải Bánh bắt đầu thu nạp nhiều tay giang hồ có tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng.
Những cuộc đụng độ, thư hùng đẩm máu trên đường phố, đã nhanh chóng đưa tên tuổi Hải Bánh nổi bật trong giới giang hồ đất Bắc.
Hai năm sau, bị lỗ nặng trong việc cá độ bóng đá, xù nợ của giang hồ Hải Phòng-Quảng Ninh hơn một tỷ đồng, bị đám anh chị đất Cảng tầm nã ráo riết, cương quyết không cho hắn còn đất dung thân.
Hải Bánh phải đến nhờ Dung Hà ra tay nghĩa hiệp bao che. Sau đó, hắn phiêu bạt vào Nam, đến đầu quân Năm Cam, xin làm thủ hạ để có nơi nương tựa.
Năm Cam cho tiền mở tiệm uốn tóc Vân’s, ở số 21 Thủ Khoa Huân Quận 1, và giao nhiệm vụ giữ an ninh, bảo vệ vũ trường Phi Thuyền số 34 Tôn Đức Thắng Q.1, lương mỗi tháng 10 triệu đồng.
Tiệm uốn tóc Vân’s khai trương không bao lâu thì Dung Hà xuất hiện gây náo loạn không ngừng.
2). Xung đột bắt đầu
Số là vào tháng 10 năm 1998, Dung Hà cũng bị bố ráp không còn đất sống ở Hải Phòng nên phải chạy vào Sài Gòn đến xin Năm Cam giúp đỡ.
Năm Cam nhận Dung Hà làm em kết nghĩa, cho tiền để mở quán bar ở số 17 Ngô Tùng Châu, quận 1, rồi ủng hộ 30 triệu đồng để mở sòng bài.
Thấy chỉ sau một tháng hoạt động, sòng bài thu lời hơn 70 triệu đồng nên Năm Cam chóng mặt, để bảo vệ các sòng của mình, ông trùm ra lịnh cho Dung Hà dẹp ngay sòng bài, vì tiền vô như nước nên không dễ gì Dung Hà nghe theo. Thế là mâu thuẩn bắt đầu.
Dung Hà cho đàn em đến Long Bình, Biên Hòa, phá tan sòng bài của Năm Cam do Ba Mậu quản lý.
Dung Hà cho rằng Hải Bánh có bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa về việc đã bao che cho hắn ở Hải Phòng trước kia, bằng cách nhượng lại toàn bộ tiền lời hàng tháng của tiệm uốn tóc Vân’s.
Sau đó lấn thêm một bước nữa, Dung Hà buộc phải bán tiệm uốn tóc để y thị lấy tiền nuôi đám đàn em đã ùn ùn từ Hải Phòng kéo nhau vào Sài Gòn.
Hải Bánh không chấp thuận.
Cho rằng đàn em vô ơn, phản phúc nên Dung Hà bắt đầu quậy phá. Đám đàn em xách một sô phân trộn mắm tôm và đồ dơ bẩn tạt vào tiệm uốn tóc Vân’s.
Đã nhiều lần Dung Hà sai đàn em đến vũ trường Phi Thuyền quậy, đập phá đồ đạc, đuổi khách khiến cho sếp an ninh Hải Bánh khóc ròng, năn nỉ nhưng vẫn không được buông tha.
Ngày 29-9-2000, Dung Hà dẫn 15 tên đàn em đến vũ trường Phi Thuyền tổ chức sinh nhật mà cái bánh gồm những con chuột sống trộn lẫn với phân người và mắm tôm. Bánh vỡ. Những con chuột dơ bẩn chạy tung tóe khiến cho dân chơi phải chạy tán loạn.
Sau vụ ấu đả một đàn em bị bảo vệ vũ trường bắt giữ, Dung Hà chẳng những đòi thả đàn em mà còn đòi cho góp phần hùn một triệu đồng nhưng phần chia lời phải bằng với phần hùn cao nhất. Nếu không đáp ứng, sẽ quậy tiếp.
3). Lịnh của Năm Cam kết thúc cuộc đời Dung Hà
Không chịu đựng được nữa, Năm Cam ra chỉ thị cho Hải Bánh:
“Chú gặp Dung Hà, nói với nó, đó là chỗ làm ăn của anh em. Nếu điều đình không được thì chú biết phải làm gì rồi. Anh không muốn thấy mặt của nó trên đời nầy nữa. Nếu có dính dáng đến luật pháp thì anh Năm lo cho.”
Ngày 1-10-2000, theo lịnh của Hải Bánh, Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Xuân Trường im lặng lên đường, mang theo khẩu ru lô với 6 viên đạn, thực hiện cuộc ám sát. Trong lúc Dung Hà đang ngồi uống nước trước quán bar số 17 đường Bùi Thị Xuân thì Nguyễn Việt Hưng tiến lại, và dùng khẩu rulô kê sát vào đầu, nã một phát. Dung Hà gục chết tại chỗ vào lúc 23 giờ cùng ngày.
4). Một đám tang kỳ quái chưa từng có ở VN.
“Thi thể Dung “Hà” đã được tắm gội, khâm liệm, cúng tế bằng những nghi thức trang trọng và ngay lập tức được đưa vào quan tài kẽm chở về Hải Phòng trong chuyến bay sớm nhất. Giang hồ đất cảng đã tiễn đưa “người chị” đoản mệnh, về chín suối bằng một đám tang kỳ quái chưa từng có ở VN.
Từ mờ sáng, trên các tuyến đường lớn và đại lộ huyết mạch, từ khu trung tâm thành phố (bến xe Tam Bạc, gần phố Trạng Trình, nhà Dung “Hà”) dẫn ra nghĩa trang Ninh Hải, nằm ở ngoại ô, đã xuất hiện hàng dãy dài những thanh thiếu niên nam khôi ngô tuấn tú, mặc đồng phục comlê đen, kính đen, cài dải tang trên áo đứng nghiêm, dọc hai bên để dẹp đường, cấm tất cả các loại xe chen vào.
Tiếng trống, phách, thanh la vang lên não nuột, nhưng rất ồn ào từ phố Trạng Trình. Đi đầu đám tang là những cô bé, cậu bé, mặc đồ trắng, cầm cờ, hoa, câu đối đi chậm rãi, ngay ngắn thẳng hàng. Phía sau họ là một cái kiệu gỗ, mang ảnh người chết, bình hương, và một số đồ cúng tế. Kiệu được những người đàn ông lực lưỡng cáng trên vai.
Vòng xung quanh kiệu là rất đông nhà sư, thầy cúng, ông đồng bà cốt, vừa đọc kinh, lần hạt, nhảy múa và hát. Phía sau là những đoàn người mặc tang phục đen, mà chủ yếu là đàn ông, với rất nhiều vòng hoa lớn. Hai bên đường là hai hàng xe hơi màu đen toàn loại, sang trọng rì rì lăn bánh theo bước chân người.
Một chiếc quan tài phủ hoa rực rỡ được công kênh bằng những cánh tay, nổi lên cao vút một cách rất thăng bằng. Đám tang, từng lúc càng thêm đông, người đưa ma kéo dài hàng cây số. Các loại xe lớn nhỏ đều phải dừng lại dưới sự chỉ huy của những thanh niên mặc đồ đen. Người dân đổ kín hai bên phố, và theo chân quan tài đi nhiều tiếng đồng hồ ra tới nghĩa trang. Sinh thời Dung Hà có mối quan hệ mật thiết với người trong phố Trạng Trình, như tham gia những cuộc quan, hôn, tang tế, quà tặng, thăm hỏi…nên thu được cảm tình của những gia đình trong khu phố.
Tất cả những tên du đãng ở Hải Phòng lúc đó, dù trong đời chưa một lần được “chị” biết đến, thậm chí chưa được nhìn thấy “chị” cũng tự nhận mình là em, là cháu của Dung “Hà”, mà khóc lóc thảm thiết đưa tang.
Đám tang qui mô, long trọng, và kỳ lạ chưa từng thấy ở thành phố này, do một đại ca đầy danh tiếng ở Hải Phòng cũng đang lập nghiệp ở Sài Gòn là Minh “sứt”, đứng ra tổ chức. (Minh “sứt” nguyên là công an Hải Phòng, sau bị đưa ra khỏi ngành, vì buôn ma túy.”
Trong vụ án nầy, Năm Cam bị khởi tố có liên can đến cái chết của Dung Hà, nhưng nhờ hối lộ viên chức điều tra, cho nên thoát nạn.
Dung Hà Minh Sứt
3.3. Vụ tạt axít Lê Ngọc Lâm
Tiệm thịt cầy của Lâm 9 ngón Lâm “chín ngón” thời trai trẻ
Lê Ngọc Lâm (Lâm 9 ngón) sinh năm 1945 tại Hà Tây, có nhiều tiền án về trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, giết người…
Lâm 9 ngón là đàn em của Đại Cathay.
Sau 30-4-1975, Lâm bị tập trung cải tạo đến 1988. Lâm là tay anh chị được giới giang hồ tôn làm Đại ca. Năm Cam muốn thu phục Lâm 9 ngón, nên giúp đở tiền bạc, hùn vốn mở tiệm bán đồ điện tử tại chợ trời ở số 49 đường Huỳnh Thúc Kháng.
Khi đã làm ăn phát đạt Lâm ra vẻ không còn nể phục, và nói nhiều điều để hạ uy tín của Năm Cam trong giới giang hồ: “Năm Cam là kẻ cờ bạc, tù tội có gì mà phải dựa hơi tôn sùng…” do vậy Năm Cam cho tạt axít để cảnh cáo. Nguyễn Văn Thọ (Thọ “đại úy”) đi mua axít và tiến hành.
Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 14-7-1999, Lâm 9 ngón đang ăn ở quán phở Lài trong cư xá Bắc Hải (cư xá Chí Hoà), Phường 15 quận 10, Saigòn, thì có 1 thanh niên ngồi sau xe gắn máy bê 1 ca axít đến tạt vào đầu và mặt của Lâm. Nhờ cấp cứu kịp thời nên Lâm không chết mà chỉ bị phỏng 75%.
Sau ngày bị tạt axít Lâm trở lại sống với người vợ cũ cùng với mấy người con riêng của vợ. Mở quán bán thịt cầy ở số 297 đường 3 tháng 2 thuộc phường 10, để vợ quản lý. Lâm lui về ở ẩn tại trại nuôi heo ở huyện Nhà Bè với hai người làm công giúp việc. Lâm ít khi ra khỏi phòng. Đến ngày cuối tháng 10 năm 2006, Lâm 9 ngón tự tử vì không chịu nổi những cơn đau do những vết thương cũ hoành hành. Hoả táng ở lò thiêu Bình Hưng Hoà.
3.4. Vụ án giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng
Kết quả điều tra cho biết thủ phạm chính là Nguyễn Hữu Thịnh cùng với cha là Nguyễn Văn Thọ, (Thọ “đại úy”) và Phạm Văn Minh (Minh bưu) trong vụ án giết cảnh sát Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng.
Ông trùm Năm Cam phải tốn 100,000 đô la đưa hối lộ để công an mớm cung, khủng bố buộc Bùi Anh Việt (Bảy Việt) nhận tội thay cho đồng bọn.
Nguyễn Hữu Thịnh Thọ “Đại úy” Phạm Văn Minh
1). Nội dung vụ việc
Đêm 26-1-2000, trung sĩ cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn và người bạn Hồ Phước Hưng, cùng 7 người bạn khác đến nhậu ở quán Cấm Chỉ, đường Hải Triều Quận 1, Sài Gòn.
Đang vui vẻ, một chiếc Spacy lao tới, rọi đèn vào mặt Sơn khiêu khích. Sơn phản ứng: “Sao bất lịch sự quá vậy?” Hai thanh niên nhảy xuống xe, xông tới ấu đả. Hai tên bị đánh đau bỏ đi, để lại lời hăm dọa: “Mầy có ngon thì ngồi lại đây bọn tao sẽ trở lại tức khắc”.
Một người bạn cho nhóm Phan Lê Sơn biết: “Ông coi chừng, thằng vừa nói nó là cháu của Năm Cam đó”.
Tự ái, Sơn và 4 người bạn ngồi lại chờ.
Nguyễn Hữu Thịnh là một trong hai thanh niên đi xe gắn máy, gọi điện thoại cho Bùi Anh Việt (Bảy Việt), cho biết là đã bị đánh. Nguyễn Văn Thọ (Thọ “đại úy” là cha của Nguyễn Hữu Thịnh, nghe con bị đánh, liền nổi xung thiên. Phạm Văn Minh (Minh Bưu) có mặt tại đó, nổi máu giang hồ, hô hào việc đi trị tội kẻ nào dám “phạm thượng” như thế.
Bảy Việt phóng xe đi trước, tìm không thấy Thịnh nên bỏ về quán bar Hoàng Hôn của Kim Anh.
Thọ “đại úy” cùng đàn em đến quán Cấm Chỉ, gặp Thịnh hỏi: “Thằng nào đánh mầy?”. Thịnh vừa chỉ tay vừa rút dao Thái Lan bản lớn đâm một nhát vào bụng dưới của Hồ Phước Hưng. Bị đâm bất ngờ chí tử, Hưng chạy được vài bước ra ngoài, rồi đổ gục xuống gốc cây trước cửa quán.
Trong lúc đó, Phan Lê Sơn ra sức chống cự và né tránh những cú phang ghế và vỏ chai của đàn em Thọ “đại úy”. Thịnh nhào tới đâm Sơn một nhát. Trong lúc rối loạn Phan Lê Sơn tìm cách thoát thân, nhưng vấp phải cái ghế và té nhào. Minh Bưu dùng dao chém tới tấp vào trung sĩ Sơn. Thịnh cũng xông vào đâm Sơn một nhát dưới bụng trái. Sơn ngã gục.
2). Kế hoạch đổ tội cho Bùi Anh Việt
Bùi Anh Việt Dương Ngọc Hiệp “phò mã)
Mục đích của kế hoạch là giúp phương tiện cho Bảy Việt trốn ra nước ngoài, để tất cả tội lỗi đều đổ lên đầu cho người tại đào đang ở nước ngoài.
Dương Ngọc Hiệp (Hiệp phò mã) rể Năm Cam, loan tin thất thiệt với Bảy Việt, là Sở Công An đang truy nã hắn rất gắt gao, đồng thời thuyết phục hắn bỏ trốn. Hiệp đưa cho Bảy Việt 100 đô của vợ Năm Cam, là Phan Thị Trúc. Hiệp cũng bảo Thọ đại úy đưa ra 20,000 đô cho Bảy Việt, nhưng Hiệp chỉ giao có 1,000 đô, phần còn lại hắn ẳm trọn.
Bảy Việt sau đó được đưa sang Campuchia để đi Canada, nhưng bị lính biên phòng Thái Lan chận lại, nên phải trở vể đất Miên. Đi Canada không được, Năm Cam có ý định thủ tiêu Bảy Việt trên đất khách, Campuchia, nhưng chưa thực hiện.
3). Thay đổi kịch bản để công an lập thành tích và Năm Cam được thưởng
Khi Năm Cam mang 100,000 đô la đến Sở Công An thành phố Sài Gòn để chạy án, thì được các “chiến hữu” (công asn) ở đó cho rằng, cần phải thay đổi kịch bản để vụ án giết người nầy được toàn vẹn hơn, để Sở Công An lập được thành tích, và Năm Cam được khen thưởng, mà mục đích vẫn đạt được như ý muốn. Đó là đưa Bảy Việt về đầu thú, rồi dùng thủ thuật ép cung, buộc y phải nhận hết tội lỗi.
Trước đó Năm Cam có kế hoạch thủ tiêu Bảy Việt, nhưng do kịch bản thay đổi, nên hắn ra sức dỗ ngọt để tên nầy ra đầu thú, Năm Cam cho Bảy Việt biết, mọi việc rồi cũng qua thôi, thời đại nầy đồng tiền vẫn trên hết, có tiền mua tiên cũng được, huống gì bọn công an tham nhũng.
Bảy Việt an lòng về nước đầu thú. Vụ án quan trọng nầy do thượng tá Phó Trưởng Phòng Điều Tra, Nguyễn Mạnh Trung, đích thân phụ trách. Ông ta dằn mặt Bảy Việt: “Mầy hết thời rồi mới đi khai cho con cháu Năm Cam. Biết Năm Cam là ai không?”
Bằng thủ thuật nghiệp vụ, các cán bộ điều tra đã lập được bản kết luận đúng theo kịch bản đã đề ra, đó là Bảy Việt là hung thủ chánh của vụ giết chết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng.
Kết thúc điều tra, Năm Cam được xem như người có công, vì đã khuyên bảo được hung thủ ra đầu thú. Sở Công An đạt thành tích trong vụ phá án. Đại tá Phó Giám Đốc Sở CA Sài Gòn là Võ Văn Năng, mời Năm Cam lên khen ngợi.
Nhưng cũng may cho Bảy Việt, vì Ban Chuyên Án nầy do Trung tướng Bùi Quốc Huy phụ trách, đã bị bãi bỏ để lập Ban Chuyên Án mới, mang bí số Z5-01 do thiếu tướng Nguyễn Việt Thành chỉ huy, theo đó thủ phạm chính là Nguyễn Hữu Thịnh, cùng với cha là Nguyễn Văn Thọ (Thọ đại úy) và Phạm Văn Minh như đã nêu trên.
4). Những tình tiết mới trong vụ án giết Phan Lê Sơn
Những tình tiết mới trong vụ án cho thấy Phan Lê Sơn bị giết vì Sơn không tiếp tay với tội phạm của băng đảng xã hội đen Năm Cam, mà chủ mưu chính là đồng chí thủ trưởng của Sơn, thượng tá Dương Minh Ngọc, trưởng Phòng Cảnh Sát Điều Tra.
a). Theo tin từ Bộ Công An, thì con trai của Năm Cam là Trương Hiền Bảo, đã nhiều lần mua chuộc Sơn nhưng không được.
b). Phan Lê Sơn được phân công theo dõi nhóm Trương Hiền Bảo, đã phát hiện hoạt động tội phạm của nhóm nầy, có liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá quốc tế, băng đảng xã hội đen. Vì không mua chuộc được Sơn nên quyết định thủ tiêu người trung sĩ nầy.
c). Phan Lê Sơn từng bắt một đường dây buôn lậu vàng, từ miền Tây lên Sài Gòn, nhưng sau đó Phó trưởng phòng Nguyễn Mạnh Trung trả tự do cho họ, sau khi nhận hối lộ 350 triệu đồng.
e). Hai ngày trước vụ giết người, thượng tá Dương Minh Ngọc, Trưởng phòng đã tước súng và đình chỉ công tác của Phan Lê Sơn.
f). Trong vụ án, một thành viên của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố, đã có công văn yêu cầu Sở Công An khởi tố Nguyễn Văn Thọ (Thọ đại úy) với tội danh giết người, nhưng bị bỏ qua. Sau đó Sở Công An chỉ khởi tố Thọ về tội gây rối trật tự, nhưng không biết ai đã mách bảo, để Thọ kịp thời bỏ trốn.
Kết thúc vụ án giết Phan Lê Sơn, Năm Cam là kẻ chủ mưu trong việc tổ chức đưa thủ phạm là Bùi Anh Việt trốn qua Campuchia, để sang Canada, vì thế bị ghép tội “ép buộc người khác trốn ra nước ngoài”, đồng thời che giấu tội phạm là Thọ đại úy, vì Nam Cam trực tiếp đưa số tiền 20,000 đô la cho con rể là Dương Ngọc Hiệp (Hiệp phò mã) để lo hối lộ.
5). Nói thêm về Thọ “đại úy”
Thọ “đại úy” Vợ Lê Thị Điệu Võ Thị Tuyết Mai
Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1958 con của Bảy Sy và Trương Thị Sẩm, bà Sẩm là chị ruột của Trương Văn Cam, Thọ gọi Năm Cam bằng cậu.
Nguyễn Văn Thọ có vành tai giảo nên trẻ con trong xóm gọi hắn là “Thọ giảo”. Trong tuồng cải lương mang tên “Tìm lại Cuộc Đời” có nhân vật phản diện, độc ác là Đại úy Gian Thành Giảo, khi liên hệ đến hai người, Thọ Giảo và Đại úy Giảo, hai người giống nhau ở chữ giảo, nên gọi tắt là “Thọ đại úy”
Thọ là cánh tay đắc lực nhất của Năm Cam trong việc quản ký, điều hành hoạt động tội phạm trên địa bàn Sài Gòn. Thọ là nhân vật chủ chốt đã dẫn hơn mười đàn em mang dao và mã tấu đến tấn công giết chết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng.
Thọ là đối tượng nguy hiểm và xảo quyệt nên đầu tháng 4 năm 2002, Phòng Cảnh Sát Hình Sự lập ban truy nã đặc biệt đối với Thọ.
Những nơi ở các địa phương có quan hệ với Thọ như: Hố Nai 3, Đông Hòa, Trung Hòa, Tây Hòa huyện Trảng Bom, Phước An, Long Thành, được lục soát kỹ lưỡng nhưng Thọ vẫn biệt vô âm tín.
Ngày 1-8-2004 lực lượng trinh sát phát hiện Thọ có mối liên lạc với người tình cũ tên Võ Thị Tuyết Mai (sinh 1960) cự ngụ ở Khánh Hội, Phường 3, quận 4. Sài Gòn.
Chính Tuyết Mai là người thường xuyên tiếp tế tiền bạc cho Thọ.
Rạng ngày 15-8-2004, trinh sát được tin Tuyết Mai sẽ đi thăm Thọ nên bám sát.
Tuyết Mai lái xe Honda Dream đi một mình trên xa lộ Biên Hoà, đến xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Tuyết Mai ngừng lại trước quán cà phê Mai Linh. Chừng năm phút sau, một người đàn ông xuất hiện, trao đổi vài câu rồi leo lên xe cho Mai chở đi hướng về phía rừng cao su.
Xác định kẻ vừa xuất hiện chính là Thọ “đại úy”, các trinh sát PC 14, trên 8 chiếc xe gắn máy, lao tới chụp cổ đối tượng. Đọc lịnh bắt. Thế là Thọ bị bắt sau ba năm lẫn trốn. Tịch thu hai điện thoại di động, một con dao và 5 triệu đồng. Tuyết Mai cũng bị bắt vì hành vi che giấu tội phạm.
Tòa phúc thẩm y án tử hình của Nguyễn Văn Thọ và án lịnh được thi hành vào ngày 24-4-2005 tại trường bắn Long Bình. Sân bắn số 8 của trường Bộ Binh Thủ Đức.
Nguyễn Văn Thọ là cha của Nguyễn Hữu Thịnh, Thịnh bị xử bắn cùng với Năm Cam ngày 3-6-2004.
4*. Năm Cam tổ chức sòng bài và đánh bạc
Từ năm 1999 đến năm 2001, Năm Cam với Nguyễn Văn Tốt, Thọ “đại úy”, Nguyễn Thành Thảo, Nguyễn Văn Nhã mở cả chục sòng bài tại nhiều nơi khác nhau ở Saigòn.
Ngoài các sòng xóc dĩa, Năm Cam còn giao cho đàn em là Triệu Tô Hà, Lương Cẩm Huy, Trần Quốc Dân, Vương Tử (Xây) tổ chức các sòng Xập Xám.
Thỉnh thoảng Năm Cam cũng đánh bạc, mỗi chếnh từ 15 đến 30 triệu đồng.
Trong bản cung khai ngày 19-3-2002, Năm Cam thú nhận tất cả những sòng bạc là do y trực tiếp tổ chức và giao cho Nguyễn Văn Nhã quản lý.
Mỗi tuần lễ Nhã giao nạp số tiền qui định là 412 triệu đồng, bao gồm các khoản như bảo kê, lấy xâu, tiền lời làm cái, tiền đóng vào quỹ hối lộ và giao tế, ăn nhậu…
Ngoài ra, Năm Cam còn tổ chức đá gà tại các quận Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 7 và 8.
Hợp tác cá độ bóng đá với Nguyễn Văn Thành (Mười Lù)
5*. Hành vi lo hối lộ
Năm Cam “mua” công an, từ CA khu vực, phường, quận, đến CA thành phố. Lo hối lộ cho cảnh sát hình sự, nhà báo, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đến thành viên nội các chính phủ và các Ủy Viên Trung Ương đảng CSVN.
Cụ thể như những quan chức sau đây:
1). Trung tướng Bùi Quốc Huy, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, thứ trưởng Bộ Công An.
Trung tướng Bùi Quốc Huy
2). Trần Mai Hạnh, Ủy Viên Trung Ương đảng, Giám Đốc Thông Tấn Xã VN.
Trần Mai Hạnh
3). Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện Trưởng Viện KSND Tối Cao
Phạm Sĩ Chiến
4). Thượng tá Dương Minh Ngọc, Trưởng phòng Cảnh Sát Hình Sự, Sở CA TP/SG
Thượng tá Dương Minh Ngọc
5). Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung, Phó trưởng phòng Cảnh Sát Điều Tra, Sở CA/TP/SG
6). Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh
7). Lê Thanh Đạo, Viện trưởng Viện KSND Tối Cao
8). Triệu Quốc Kế, Cục trưởng Cục Điều tra Bộ CA
9). Cao Duy Phước.
6*. Những tướng lãnh và cán bộ cao cấp Việt Cộng nhận hối lộ của Năm Cam.
6.1. Trần Mai Hạnh
Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, Giám đốc Thông Tấn Xã VN, chủ tịch Hội Nhà Báo VN. Hạnh đã nhận tiền của Trần Văn Thuyết để chạy án cho Năm Cam, bị tập trung cải tạo năm 1994.
Do Trần Văn Thuyết bị bắt tại khách sạn Empress ở Đà Lạt, nên mới lòi ra vụ Trần Mai Hạnh nhận hối lộ của gia đình Năm Cam.
Trần Mai Hạnh nhận tiền của gia đình Năm Cam 4 lần với số tiền là 7,000 đôla và một cái đồng hồ Rolex trị giá 5,000 đôla. Đồng thời “mượn” tiền của con rể Năm Cam là Hiệp “Phò Mã” 20 cây vàng và 10,000 đô la để xây nhà mới. Trần Văn Thuyết còn lắp cho Hạnh một dàn máy nghe nhạc, gồm 1 tivi màu 21 in, 1 dàn máy hát dĩa CD, một đầu Video, 1 ampli và 2 cái loa thùng Nhật Bản.
Để đáp trả, Trần Mai Hạnh cho đăng 2 bài báo khiếu nại trên tờ Nhà Báo và Công Luận, và gởi 2 công văn đến Viện KSND Tối Cao “hỏi” về việc khiếu nại của gia đình Năm Cam. Đồng thời, cho đăng nội dung văn thư mật của Bộ CA, liên quan đến mục đích chạy án cho Năm Cam.
6.2. Trung tướng Bùi Quốc Huy
Bùi Quốc Huy (Năm Huy) sinh ngày 23-12-1945 tại Đồng Tháp. Trung tướng An Ninh, Thứ trưởng Bộ Công An, Ủy Viên Trung Ương đảng.
Năm 1995 Hồ Việt Sử hướng dẫn Năm Cam đến thăm nhiều lần tại nhà riêng của Bùi Quốc Huy, số 7 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vợ của Bùi Quốc Huy đứng tên thầu bãi giữ xe của nhà hàng Năm Cam, thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi tháng.
Hồ Việt Sử là “đối tượng” hình sự, bị tù nhiều lần về tội buôn lậu, cờ bạc, môi giới hối lộ, cá độ chuyên nghiệp, thế mà gia đình Bùi Quốc Huy quan hệ thân thiết lâu dài.
Năm 1995, sau khi Năm Cam bị tập trung cải tạo, Sử lại đưa Hiệp Phò Mã và Long “Đầu đinh” tới nhà Năm Huy ở Hà Nội để “đưa đơn kêu oan”.
Năm 1996, Năm Huy, thông qua Hồ Việt Sử, nhờ mua 3 xe ôtô, một Toyota Camry 4 chỗ ngồi, một Toyota 15 chỗ ngồi và một xe tãi. Nhờ mua giùm mà chỉ trả có 10,000 đôla. Năm 1997, vợ của Năm Huy và con gái cùng với vợ của Sử cùng đi du lịch và chữa bịnh ở Singapore.
Năm 1998, Năm Huy nhận của Hồ Việt Sử 22,000 đôla để vợ đi Trung Quốc chữa bịnh.
Hồ Việt Sử đưa con trai của Năm Huy là Bùi Minh Tuấn, học chưa hết cấp 3, không có nghề nghiệp, vào làm Phó giám đốc kinh doanh công ty Song Tiến của Sử. Mức lương là 3,962,160 đồng mỗi tháng.
Tháng 10 năm 1997, Năm Cam được tha về sớm và lúc đó, Bùi quốc Huy giữ chức Giám đốc Sở CA Thành Phố Saigòn (Từ tháng 4 năm 1996 đến tháng 7 năm 2001)
Bộ CA có công điện mật giao cho Sở CA TP/SG tiếp tục theo dõi và quản lý chặt chẽ Năm Cam, nhưng Năm Huy không tích cực thi hành. Trái lại buông lỏng khiến cho Năm Cam càng lộng hành, coi thường luật pháp gây ra những tác hại nói trên.
6.3. Thượng tá Dương Minh Ngọc nhận hối lộ bao che cho Năm Cam
Tháng 5 năm 1993, thượng tá Dương Minh Ngọc giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự của Sở Công An Sài Gòn, nhận của Năm Cam 100 triệu đồng để bao che cho các sòng bài của Năm Cam ở quận 8, tiếp theo là những bữa tiệc ăn nhậu liên miên tại các nhà hàng sang trọng.
Để hợp tác lâu dài, Năm Cam dành cho Ngọc 3 phần hùng mà không bỏ tiền ra, mỗi phần 100 triệu tại ba nhà hàng: Cánh Buồm, đường Pasteur Q.1, Ra Khơi, tại số 5 công trường Mê Linh Q.1 và nhà hàng Thanh Vy, số 146 Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận.
Phần hùng không góp tiền vào nhưng được hưởng lời hàng tháng so với “số vốn”.
Để đáp trả, ngoài việc bao che cho các sòng bạc, thông báo trước Năm Cam mỗi khi có cuộc bố ráp, thượng tá Ngọc còn thả những đàn em của Năm Cam bị sa lưới.
7*. Chuyên án Z5-01
Băng đảng Năm Cam lộng hành coi thường luật pháp, đàn em của Năm Cam có nhóm đi đòi nợ thuê, công khai đập phá tài sản và hành hung con nợ, gây xôn xao trong dư luận.
Bộ Công An đánh giá băng đảng nầy cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, chính trị và xã hội của chế độ do đảng lãnh đạo. Năm 1999 đã lập chuyên án điều tra Năm Cam, nhưng không có hiệu quả bởi vì người lãnh đạo chuyên án là tay tham nhũng gộc, đã trực tiếp ăn tiền của Năm Cam, đó là Bùi Quốc Huy, Giám đốc Sở Công An Sài Gòn.
Tháng 5 năm 2001, Bộ Công An thành lập một chuyên án mới, gọi là “Chuyên Án Năm Cam và đồng bọn” với bí số là Z5.01, do thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, phó cục trưởng cục Cảnh Sát Nhân Dân chỉ huy.
Tháng 10 năm 2002, cuộc điều tra kết thúc, hồ sơ được chuyển qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân để đưa ra xét xử. Đây là vụ án rất phức tạp vì nó ăn rể chằng chịt tới các lãnh đạo nhà nước. Năm Cam lộng hành trong lúc Nguyễn Minh Triết, Ủy Viên Bộ Chính Trị, giữ chức Bí thư thành Ủy Saigòn.
Một vụ án kỷ lục về số bị can, số tội danh, và tính nguy hiểm nữa.
Trước khi bị bắt, Năm Cam thấy động qua những vụ điều tra chung quanh hắn, nên đã sang Hoa Kỳ lập cơ sở và ở tại nhà một nữ ca sĩ, với ý định là chuyển tài sản và trốn sang Mỹ nhưng vì vợ ghen, nên kế hoạch không thành.
Ngày 11-10-2002, cơ quan cảnh sát điều tra đọc lịnh khởi tố bị can và tiến hành khám xét đồng loạt nhà riêng của Bùi Quốc Huy ở Saigòn, nhà Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến ở Hà Nội. Ba bị can bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ngày 12-12-2001 Năm Cam bị bắt giam.
Lúc 13 giờ, tại nhà của vợ bé, khi nghe gọi tên đúng tên, Năm Cam đã ra tươi cười bắt tay viên cảnh sát hình sự, vì tưởng là người quen. Đến khi nghe đọc lịnh bắt mới hiểu ra sự việc và ngoan ngoãn cho tay vào còng số 8.
Việc bắt Năm Cam là một kế hoạch được chuẩn bị tỉ mỉ, vì Năm Cam có cả một hệ thống “radar sống”, có tai mắt của cả những viên chức cao cấp trong Tổng cục. Lực lượng cảnh sát cơ động còn chuẩn bị “kềm công lực” để cắt khóa sắt, đề phòng đàn em đóng cửa chống cự, các phương tiện đột nhập từ trên lầu cao, thuốc nổ mạnh để phá cửa.
8*. Quá trình xét xử
Ngày 25-2-2003, tại Saigòn, phiên toà xét xử “Năm Cam và đồng bọn” khai mạc. Có 155 bị cáo với 24 tội danh khác nhau, gồm những tội như: vụ án giết Dung Hà, tạt axít Lê Ngọc Lâm, những vụ tổ chức cờ bạc ở quận 3, quận 5 và quận 8, những vụ đưa hối lộ và nhận hối lộ, cưỡng đạt tài sản, cho vay nặng lãi, vụ giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng…
238 người có quyền lợi và nghĩa vụ trong vụ án Năm Cam, được lệnh triệu tập có mặt tại toà. 39 người bị hại. 3 thông dịch viên. Hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước tham dự.
Có 107 bị can bị tạm giữ, 48 bị can tại ngoại. Có 21 người là cán bộ. 80 luật sư biện hộ.
Thời gian xét xử từ 25-2-2003 đến 5-6-2003.
Kết quả qua 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm.
8.1. 6 bản án tử hình cho 5 bị can:
Trương Văn Cam, 2 án tử hình.
Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thinh, Phạm Văn Minh và Châu Phát Lai Em.
Từ trái qua: Nguyễn Việt Hưng, Hồ Thanh Tùng, Trương Văn Cam, Châu Phát Lai Em và Nguyễn Xuân Trường
8.2. 4 án chung thân:
Nguyễn Xuân Trường, Hồ Thanh Tùng, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến.
8.3. 6 án 20 năm tù:
Phan Thị Trúc (Vợ Năm Cam) Dương Ngọc Hiệp (Rể Năm Cam) và những người khác.
Trúc “mẫu hậu” ở trại giam Xuân Lộc, chết trong trại giam ngày 17/8/2012 đã cho phép người thân đem xác bà Trúc về an táng
Phan Thị Trúc là người đàn bà đã từng “hét ra lửa” có nhiều quyền lực trong việc toan tính và quản lý băng đảng, nên được đàn em gọi là “Trúc mẫu hậu”.
Năm 1995 khi Năm Cam bị bắt, bà đưa số tiền 75,000 đô la , 20 triệu đồng và một đồng hồ Rolex trị giá 5,000 đô la rồi cùng với con rể là Hiệp “phò mã” ra Hà Nội trao cho Trần Văn Thuyết (Thuyết buôn vua) đi lo hối hộ.
Trúc “mẫu hậu” bị 20 năm tù về tội cho vay cắt cổ, hối lộ và che giấu tội phạm. Bị chết trong trại tù Xuân Lộc ngày 17-8-2012. Xác được đem về chùa nơi mà người con của bà là ni cô Diệu Quang đang quy y cửa Phật.
8.4. Án tù cho các bị cáo là cán bộ, công an, nhà báo:
– Nguyễn Mạnh Trung, 5 năm tù
– Nguyễn Thập Nhất, 4 năm tù.
– Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, 6 năm tù.
– Trần Mai Hạnh, UV/TW Đảng, Giám đốc TTX/VN, 9 năm tù.
– Trung tuớng Bùi Quốc Huy, 4 năm tù và được ân xá chưa đầy 2 năm. Được thả trong dịp 3-2 năm 2005.
– Thượng tá Dương Minh Ngọc, 3 năm tù.
– Võ Quang Thúy, 7 năm tù.
– Ký giả Nguyễn Hoàng Linh, 12 năm tù.
8.5. Năm tử tù được đưa xuống nhà giam Tiền Giang
Sau khi toà tuyên án tử hình, 5 tử tù được đưa xuống nhà giam Tiền Giang (Mỹ Tho), cách Sài Gòn 72 Km. Dư luận thắc mắc tại sao nhà nước lại không giam tử tù vào khám Chí Hòa như thường lệ, mà phải chuyển xuống Mỹ Tho. Lý do dễ hiểu là cả chính quyền Sài Gòn đều đã có ít nhiều ăn tiền của Năm Cam, nên không còn được trung ương tin cậy nữa.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, công tác chuẩn bị pháp trường được tiến hành chu đáo, hàng loạt thao tác kỹ thuật được hoàn tất một ngày trước khi đưa tội nhân ra trường bắn. Hàng trăm cảnh sát được bố trí trên đường từ khám Chí Hòa đến trường bắn Long Bình. Giờ xử bắn được thực hiện trước giờ quy định.
Năm Cam* Châu Phát Lai Em * Nguyễn Hữu Thịnh
Ng.Việt Hưng * Phạm Văn Minh
Lúc 5:30 sáng ngày 3-6-2004, Năm Cam và 4 tử tội đã bị xử bắn tại trường bắn Thủ Đức
Các tử tội Châu Phát Lai Em, Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh và Năm Cam được chôn tại trường bắn sau khi bị xử bắn.
Tại Tiền Giang, lúc 0 giờ ngày 3-6-2004, 5 tử tội mỗi người được đưa lên một xe “đặc chủng”. Họ không được thông báo trước nên xem như việc chuyển trại bình thường. Chỉ có ông trùm Năm Cam thì lặng lẽ hơn ngày thường.
Lúc 2 giờ sáng, các tử tù được đưa vào khám Chí Hoà, Saigòn.
3 giờ 30 sáng, họ được đưa vào hội trường để lăn tay, làm các thủ tục cuối cùng, nghe đọc lịnh xử bắn và cho viết thơ trăn trối gởi thân nhân.
4 giờ 30 sáng ngày 3-6-2004, họ được đưa lên xe hướng về Thủ Đức. Có xe moto dẫn đường, và xe cảnh sát hộ tống. Tại các ngã tư và giao lộ, mà đoàn xe đi qua, đều có cảnh sát giao thông chực sẵn, bảo vệ an toàn phòng ngừa việc cướp tử tội.
Đến nơi 5 tử tội bước đi không nổi, phải có người xóc nách dìu đi. Khi nhận thấy 5 cây cột có ghi tên mình thì Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Hữu Thịnh rung lên cầm cập và quỵ xuống.
5:45 sáng, đội hành quyết đã hoàn tất việc xử bắn. Việc xử bắn sớm hơn thời gian quy định là lúc 6 giờ sáng cũng vì mục đích bảo vệ an toàn.
9*. Xác bốn tử tội được trộm với giá 255 triệu đồng
9.1. Trộm xác
Do thỏa thuận giữa tổ chức trộm xác với thân nhân các tử tội, xác Năm Cam và Nguyễn Hữu Thịnh được đưa ra khỏi pháp trường với giá 140 triệu. Xác Châu Phát Lai Em được đưa về nghĩa trang Gò Dưa với giá 60 triệu. Xác Phạm Văn Minh giá 55 triệu. Tổng cộng 255 triệu đồng.
Ngày 5-6-2004, hai xe tang chở hai quan tài Năm Cam và Nguyễn Hữu Thịnh di chuyển hơn 30km về phía đồi 61 huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai. Mục đích là diễn hành qua những nơi mà trước kia Năm Cam đã từng tổ chức các sòng bạc, và trường đá gà, cũng là dịp cho Thọ “đại úy” đang lẫn trốn trong khu vực, có dịp tiễn đưa cậu ruột là Năm Cam và con là Nguyễn Hữu Thịnh. Sau đó hoả táng tại lò thiêu Biên Hoà.
9.2. Công an bảo kê việc trộm xác tử tù
Một người trong nhóm trộm xác tiết lộ: “Cũng phải tốn nhiều chi phí cho công an, phường đội để được làm ngơ. Mấy ổng cho phép thì tụi tôi mới dám làm chớ. Bởi vậy khi ăn đâu phải một mình chúng tôi ăn, mà cả mấy ổng nữa. Tụi tôi chẳng khác nào người làm công, chỉ được vài trăm, một triệu mà thôi”.
Nghị định số 82/2011/NĐ-CP quy định việc thi hành án tử hình bằng cách chích thuốc độc có hiệu lực kề từ ngày 1-11-2011, vì thế trường bắn Long Bình dẹp bỏ.
Mộ ở trường bắn * Mộ cũ của Năm Cam chìm trong cỏ dại
10*. Kết luận
Qua vụ án Năm Cam, báo chí nhà nước phát động tuyên truyền cho rằng Năm Cam là phần tử xấu do Mỹ Ngụy để lại, đồng thời cho thấy chủ trương quyết tâm chống tham nhũng của đảng và nhà nước.
Sau khi kết thúc vụ án, thiếu tướng Nguyễn Việt Thành được thăng quân hàm trung tướng và chuyển sang làm Phó Chánh Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng. Thành tích của tướng Thành là đã tài tình và khôn khéo vượt qua được những khu vực đã được khoanh vùng, tránh làm mất uy tín thêm cho đảng. Một nhiệm vụ khó khăn trước tình thế mà Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính Trị, làm Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn .
Trúc Giang MN
Recent Comments