– Cái cuộc di tản kinh hồn năm bảy lăm ấy mà!…
– …
– Là một chuyên viên của nhà máy điện, tôi cũng theo dòng người và xe cộ hỗn loạn trên con lộ tìm cách xuôi về phương nam hay chạy ra phía biển. Đạn pháo của Bắc quân cứ bắn bừa vào người di tản hay vào phía trước. Cũng không thể chạy lùi lại được vì đoàn người phía sau cứ đùn tới. Người là người với đủ mọi thứ vận chuyển, gồng gánh hành lý, trẻ con, gia súc, tượng Chúa,… Lạy trời, tôi cầu mong có một cái thùng, thùng giấy cạt tông cũng được, để chui vào rồi đóng nắp lại. Để có cảm giác an toàn, để mình không còn tham dự với cái thực tại chung quanh…
– …
– Tôi không nhớ bao nhiêu ngày đã trôi qua rồi. Một chiếc giày đã rách, hai bàn chân bị vết phồng, đau nhức. Quá mỏi mệt, đói và khát, tôi tạt vào căn nhà tường nằm bên vệ đường một ngõ rẽ. Cửa không gài. Bước vào mới hay là mình đang đứng trong một ngôi trường tiểu học hai căn. Lớp chỉ còn vài cái bàn học ngã đổ ngổn ngang, tường nóc loang lổ vết đạn, ánh nắng chiếu từng bệt xuống nền nhà. Tôi buông người tựa lưng vào tường phía sau bục gỗ. Vẫn còn y nguyên cảm giác mệt, khát và đói lã. Nhưng tạm thời thoát khỏi phần nào mọi âm thanh đặc thù hay thứ mùi của xe cộ cháy khét trộn lẩn mùi xác người dọc theo đường.
Chẳng bao lâu tôi nghe có tiếng động. Một cô gái đang bước vào. Cô mặc quần đen, áo bà ba trắng. Tay cô cầm một túi ni lông nhỏ, tất cả hành trang của cô chỉ có thế. Cô đừng giữa lớp, quan sát khung cảnh chung quanh rồi ngồi xuóng dựa vào tường. Từ ngoài cửa thêm một nhóm phụ nữ tay xách nách mang bước vào. Không khí tiêu điều trong lớp học như sống động hẳn lên…
– …
– Mọi người đột nhiên im lặng khi một người lính xuất hiện trên ngưỡng cửa. Người lính đầu trần, râu tóc để dài, quân phục xốc xếch, áo bỏ ngoài quần. Trên tay người lính khẩu M16 chĩa mũi lên trần nhà. Thật ra anh cũng là người tỵ nạn như chúng tôi,nhưng trong hoàn cảnh sự sống chết gần như không còn ranh giới, khẩu súng trên tay anh là thứ quyền lực tuyệt đối. Cô gái vẫn còn ngồi dựa tường nhìn về phía người lính. Toán phụ nữ kéo nhau chạy sang lớp học phía sau. Người lính bước đến, tự tin, bàn tay trái nâng mặt cô gái lên, “cô em đẹp lắm, đợi anh làm xong một chuyện sẽ đến thăm cô em”. Sau câu nói, người lính quay lưng lại bước ra lớp học phía sau. Có thể anh ta đã nhìn thấy mớ thực phẩm hoặc nữ trang trên người của toán phụ nữ. Tôi nghe tiếng lạy lục van xin từ phía sau đưa tới….
– …
– Tôi còn đang bàng hoàng thì cô gái đã bò thật nhanh đến nép vào người tôi. Một vệt nắng rơi đúng trên gương mặt cô gái, một gương mặt tuy đã bị sạm nắng nhưng xinh xắn. Rõ ràng là cô gái đang sợ người lính. Tôi nghĩ rằng sự sợ hãi đã đeo đuổi theo cô nhiều ngày bởi vì cô cũng trải qua hoàn cảnh tuơng tự như tôi. Bây giờ cơn sợ chắc lại càng gia tăng. Tuy nhiên mắt cô vẫn rực sáng, nét nhìn bướng bỉnh. Tôi có cảm giác đôi mắt đó đang thách thức định mệnh, sẵn sàng đối phó với bất cứ hiểm nguy nào xảy ra…
– …
– Cô gái vô tình đưa tôi vào hoàn cảnh thật khó xử. Nếu người lính hay bất cứ kẻ nào khác đến xâm phạm cô thì làm sao tôi có đủ khả năng để che chở, bảo vệ cô. Tôi lo liệu cho bản thân tôi còn chưa xong. Nhưng nếu tôi không làm gì hết thì tôi có cảm thấy lòng mình yên ổn hay không? Trong đầu tôi đang có những nghĩ lông bông, nhưng tôi vẫn không thể nào dời cái nhìn của mình khỏi đôi mắt cô. Đôi mắt đẹp rực sáng, bướng bỉnh đang thu hút tôi, tôi thấy rõ một nốt ruồi nằm chếch phía dưới mắt bên phải. Bao nhiêu phút đã trôi qua? Tôi chợt nhận ra mình đang cúi xuống hôn lên đôi mắt đó và sau đó lên đôi môi cô gái. Tất cả những động tác đó xảy ra tuy khá nhanh, nhưng rõ ràng tôi vẫn từ tốn, không hấp tấp.
Sau đó chính tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao bỗng dưng tôi hôn một cô gái lạ dễ dàng trong một hoàn cảnh như thế này. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô gái không có phản ứng chống cự mà có vẻ còn đón nhận nụ hôn của tôi. Nhìn vào mặt cô gái, tôi chợt nhận ra rằng chính cô còn ngạc nhiên nhiều hơn cả tôi về phản ứng của cô. Chúng tôi cứ nhìn nhau như thế. Tôi chưa biết phải nói gì thì cô gái ôm ghì lấy tôi, nói qua hơi thở, “anh ôm em đi, anh hôn em đi trước khi người lính trở lại”. Trước cử chỉ dâng hiến của cô gái, tôi ôm cô vào lòng, ngã người nằm dưới nền nhà, gối đầu lên túi đeo lưng của tôi. Tôi quên hết cảm giác đói mệt, quên mất thứ mùi từ thân thể tôi bốc ra sau mấy ngày không tắm gội, quên cả hoàn cảnh hiểm nghèo chung quanh. Tôi ôm cô gái vào lòng, nghe lồng ngực cô đang chuyển động theo nhịp thở nhanh. Một cảm giác thư thả, bình an dâng lên. Nằm dưới nền nhà khuất sau bục gỗ, tôi cũng không biết người lính và toán phụ nữ bỏ đi từ lúc nào, qua cửa trước hay cửa sau của trường học…
– …
***
Chưa bao giờ ông Thao uống và nói nhiều như vậy. Một mình ông đã cưa gần hai chai rượu đỏ Vino Nobile trong suốt buổi ăn trưa. Sau đó chúng tôi ngồi ngoài vườn nhâm nhi tách cà phê dưới giàn hoa lonicera. Bà Thao đang nằm nghỉ trưa trong nhà. Ông Thao ngồi kể câu chuyện trên, giọng đều đều, thỉnh thoảng dừng lại, trầm ngâm. Hình như ông không cần phải cố gắng diễn tả hay cố gắng bắt nhịp lại cái cảm giác về những hình ảnh, mùi vị, âm thanh đặc thù năm xưa. Tôi nhận ra tất cả vẫn nằm ẩn kính, nguyên vẹn, sống động trong tâm tưởng ông. Chỉ có điều lần này ông đã để tâm tưởng ông bộc phát nhiều hơn.
Buổi trưa tháng sáu nắng ấm dịu. Ánh nắng xuyên qua kẽ hở của cành lá chiếu xuống mặt bàn và nền đá. Tôi liên tưởng đến những vệt nắng trong chuyện kể của ông Thao. Bà Thao mang ra cho chúng tôi bình trà và hai chén chè hạt sen. Lúc bà hơi cúi người để đặt chiếc mâm xuống bàn, một vệt nắng rơi đúng trên gương mặt bà. Gương mặt người đàn bà có tuổi vẫn không có một nếp nhăn. Ánh nắng soi rõ đôi mắt sáng, nét nhìn bướng bỉnh với nốt ruồi nằm chếch phía dưới mắt bên phải.
Nguyễn Hoàn Nguyên
Recent Comments