Bún mắm cô Ba ngon nhức nách, đặc biệt cuối tuần có cháo lòng húp nhức răng. Quán Cây Khế chẳng mấy đông khách, bị con cô Ba đường đột bồng bột nông nỗi dại ngỗ bỏ má đi theo trai. Cô Ba tâm sự với đôi mắt như đang xắt hành, ươn ướt lộ ruột để ngoài da.
Cô làm như thực khách tới quán chỉ để nghía con Tưng. Sáo sổ lồng sang sông thì tình hình eo xèo đâm ế chảy bởi thanh niên trai tráng chẳng thiết vãng lai. Để mần chi, khi lưỡng mục không ngó ra mục tiêu đặng ký gửi một tia nhìn man dại. Ai kia có si tình thì chỉ hát được mỗi điệu “Lý quạ kêu”. Sáo bay mà quạ theo đó cũng tìm cách thăng. Nghe xao xác dật dờ quãng lặng.
Cô Ba không mắng đứa con hư sớm nhấm nháp mùi vị của hoan lạc đèo bồng chuyện chăn gối mà cứ than van cho bọn phàm phu tục tử “thực bất tri kỳ vị”. Cô Ba cũng dấu nhẹm tình trạng sức khoẻ khi đứa phụ bếp tài cán nọ trở chứng xé rào, giao bao công chuyện cho mình má nó tả xung hữu đột. Khách ăn thì nhức nách nhức răng, còn chủ quán đêm trường có nghe ra nhức mình nhức mẩy? Ơn trời là Cây Khế cũng biết đóng cửa vào ngày thứ hai hằng tuần, lao động quá thì ngay cả máy móc cũng sẽ lột dên đứt cu-roa cháy bu-gi tắt quạt huống hồ phận chân yếu tay mềm mình hạc xương mai!
Ông Tư làm nhân viên cho tiệm tạp hoá Vạn Thắng chung khu vực vẫn thuỷ chung kéo ghế, trừ thứ Hai, vẫn tâm đắc một mực thực phẩm ấy lành. Ai chứ cô Ba thì tui tin tưởng, tui ngó vô ngực thấy cổ đeo cái tượng Phật bằng ngọc to đùng. Lâu ngày chầy tháng ngọc lên nước láng bóng, người tâm hiền như cô Ba nên ngọc cũng cho là hợp tạng để xởi lởi khoe da. Ai đó nói ngọc đẹp cũng do người mang, tui biết vật trang sức tuy vô tri giác nhưng có khi nó thui chột ở kẻ này lại phát quang khi vào tay người khác. Rất đều tay chuyện củi lửa hay cái miệng tui đã hợp vị với tài nêm nếm của cô Ba. Món cơm tấm bì ngó đơn sơ vậy chứ cả tuần quên ăn, nói tội trời, đâm ra nhớ thương.
Cô Ba được tiếng hiền vì cho ông Tư ăn uống ghi sổ vô tư. Được cái, người đàn ông trên năm chục tuổi đầu kia chưa hề chạy làng, ngó trước trông sau rồi dõng dạc: Trên bước đường tha phương vô định vị mà tình cờ kỳ ngộ người đồng hương thì phải nên xem trời đãi kẻ khù khờ. Cứ giáp vòng hai tuần, đến thứ năm ra ngân hàng đổi tấm ngân phiếu là tui ba chân bốn cẳng tới Cây Khế thanh thoả những ân tình có với cô Ba. Tui với cô Ba liên hệ như kiểu cá với nước vậy. Cá mà không có nước, cá chết. Nước mà không có cá… Nước mà không có cá…
Tóc ông Tư đã sâu sia nhiều sợi bạc. Thời gian ngoài chuyện làm con người già cỗi đi, nó còn tác hại sâu đậm vào trí óc cây sậy biết suy tư. Ông Tư cà lăm cà cặp không biết tìm ra mệnh đề nối tiếp. Hoặc giả sợ mình vô duyên. Nước mà không có cá thì… có sao đâu! Trăng vành vạnh sáng chỉ mỗi đêm rằm, đôi lúc bầu trời cao rộng thẳm đen thắp lẻ loi một vài vì sao mờ nhạt cũng nên hiểu là lẽ thường hằng của tạo hoá. Mọi thứ đều có chu kỳ để vận hành đi quanh.
Quán Cây Khế là hình ảnh một bể nước cảnh giam đủ đầy bộ sậu: Máy lọc róc rách nổi bong bóng, rong đong đưa, giả sơn, sạn sỏi, hang động trầm mình mà chỉ gặp duy vấn nạn: Thiếu cá. Do đâu? Công tâm mà nói, do cái quán Fung Hinh án lối ngay đầu đường. Bề thế, hoành tráng, long hổ sum vầy, nhe nanh lộ móng, điệu võ dương oai, khách khứa rậm rật sáng chiều. Sáng thì dim sum mà chiều thì sơn hào hải vị tam thập lục thức bốc mùi xào xẹt. Bồi bàn đồng phục thắt nơ cột bím, gái trai tươi mươi đon đả chào mời vô ra nhanh lẹ tợ biết lăng ba vi bộ.
Nghe cô Ba chép miệng chắt lưỡi, ngồi trên ghế ông Tư nhấp nhổm phát lời bình luận: Ngó dậy mà hổng phải dậy. Hoặc ngó lùng tùng xèn như rứa đó mà tiền đồ là cả một tuột dốc đứt thắng không thể kềm hãm. Nói cô Ba nghe, trước hết là cái cây sồi hình thù kỳ dị án trước quán mà chính quyền sở tại bảo vệ môi trường không cho ai di dời chặt đốn. Thứ hai, cánh cửa sơn màu đỏ loét phản cảm. Thứ ba, nội thất trưng bày quá nhiều gương soi. Chỉ ba điều ấy thôi cũng đủ phạm tới những huý kị ở trong lãnh vực phong thuỷ. Fung Hinh sẽ điêu đứng và Cây Khế sẽ mọc lắm trái vàng. Cô Ba tin tui hông?
Cô Ba mang ra cho ông Tư bình trà nóng, ngồi xuống ghế đối diện sơ hở cho Phật ngọc lung lay thoát khỏi khu vực bị cưỡng chế, lộ hàng dễ thắt tim ông Tư. Dậy hén? Ngộ quá ta, hơn ai cả người Tàu họ rành phong thuỷ hơn người mình sao họ chẳng hay chuyện chí tử nọ? Mà nói nào ngay người đồng hương ai cũng ngôn kiểu anh Tư thì tui mới có sức ngậm đắng nuốt cay để đi tiếp cuộc trầm luân này. Con Tưng đã chọn ra ngày lành và mai hậu bên đàng trai quyết dùng địa điểm cái dằm nằm trong con mắt ấy mà tổ chức hôn lễ rình rang. Lão chủ quán Fung Hinh vin vô tình lân bang láng giềng kỳ cựu nên có tính toán sổ sách gia giảm chút phí tổn bớt năm mươi phần trăm gọi là chúc mừng lứa đôi răng long đầu bạc. Chao ôi, mình lớn tuổi chậm lụt khù khờ chẳng tính được chuyện tựa bọn trẻ ngày nay. Sách hoạch, thậm tinh ranh, thậm mưu lược. Nói bỏ lỗi, chúng mà ra yêu sách, chúng mà đặt đâu là cha mẹ phải ngồi đó, cấp kỳ cấp lệnh. Yên vị, chớ nhúc nhích, không vị tình thái sơn suối nguồn gì ráo, buộc phải nghe theo nghiêm lệnh. Bắt trao đô phải hao tiền, cho mua xế khủng mới thôi ghiền ô tô! Nuôi con cho rạc rài thần trí hao mòn thể lực mà lớn lên con ho một tràng thời cha mẹ phải run theo. Qua tới đây cha mẹ phải bỏ quên roi vọt ở cố quận, đi mình ên thúc thủ mà trả món nợ đời. Đêm nằm tứ bề yên vắng, nghe gió vật vã vườn lạ mà tự dưng mắt cay tim lạnh co thắt dồn nén bao chuyện tủi thân.
Cô Ba nói đi mình ên thì ông Tư phải tin, vì suốt tháng năm dài thọc mạch dòm chừng ổng chưa hề ngó ra một nhân dạng đờn ông nào chàng ràng chấu rấu quanh thân cô Ba chủ tiệm. Gà mái nuôi con đằng đẵng nhưng con gà trống đạp mái thuở xưa đã cứng cựa bỏ đi đâu biền biệt chẳng vọng gửi về tiếng gáy mê sảng. Bình minh không hiện mọc vậy cô Ba có thực bụng tơ tưởng một đánh thức đầu ngày? Eo ôi, phận công nhân viên quèn lương ba đồng ba cọc không thể giúp ông Tư tròng đôi hia bảy dặm tự tin vượt biên tới những bến bờ trần tục. Ông đã vỡ mộng lắm phen, đã bị tình phụ muối xát gừng thoa lắm bận… nhưng tình ngay, có khi buồn chân ngang qua cửa hàng La Vie En Rose chuyên bán nội y đờn bà, ông vẫn tưởng tới một thứ định mệnh nằm dấu mặt sau ngổn ngang gò đống kia. Thế mới là màu hồng chứ. Đóng đô thường trực vào quán Cây Khế, người ơi, không phải đó là nuôi dưỡng sắc son niềm hy vọng ư?
Họ, cô Ba và ông Tư thường trò chuyện ngắn dài những thứ vô thưởng vô phạt lúc quán vắng. Cái ấy chưa thể gọi là tâm sự để dốc lòng sẻ chia đồng cam cộng khổ. Ngồi bên nhau, cảm nhận vu vơ thứ thời tiết sáng nắng chiều mưa và tối tuyết đổ câm nín chẳng phải là phương thuốc làm nguôi ngoai một nỗi niềm chưa tiện nói ra? Nhà trống lạnh thì gia chủ có thể bày biện thêm vật thể cho vui mắt. Treo lên vách bức hình tự sướng, đổ nước đầy bình để cắm vào đấy đôi ba cành hoa nụ hé ướt át ngậm giọt sương trong. Ngồi bên người nữ tợ cô Ba, ông Tư mường tượng là được buông xuôi thân xác, thả lỏng tứ chi để chăm mắt đọc từng hàng chữ đầu Ngô mình Sở có trên cuốn sách mà cô Ba không ngại giở lật. Đa phần là những trang đánh số mù mờ với nội dung chẳng mấy vui. Mà thực lòng, khi nghe ông Tư vạch áo chuyện mình, hẳn cô Ba cũng vấp phải điều gì thoạt nghe không ổn thoả. Phận di dân thường hiếm muộn niềm vui. Hoặc cái hạnh phúc họ muốn tích luỹ thảy đều bèo bọt. Ra ngồi bờ bãi hoang vu nghe sóng mãi gào ở xa, vốc một nắm cát thì chúng dần vơi hao hụt trong kẽ tay. Nhẹ đi, rơi mãi, luôn cạn kiệt.
Cô Ba than, con Tưng nó hại tui dàng trời. Khi khổng khi không bỏ quán làm tui hoa mắt tối lửa tắt đèn không biết đường mà rờ. Định bụng dìa Việt-nam một chuyến mà đành bù trất chết một cửa tử. Quán không ai trông coi, chẳng lẽ đóng cửa cả tháng nhìn đời hiu quạnh? Về bển làm gì? Đi thăm thú những ai? Hẳn anh Tư sẽ hồ nghi cật vấn. Số là con em tui ở dưới quê điện qua cho hay nhà nước sẽ san bằng mảnh đất nơi có mộ phần tía má tui an nghỉ. Họ chỉnh trang nâng cấp làm văn phòng du lịch, tụ điểm đưa đón chỉ bày cho khách đi tham quan thắng cảnh với di tích đổ vỡ hào hùng thời chiến tranh. Tui rảnh thì ngồi nói chuyện cùng anh, nhà nước mà quỡn thì họ bày ra khối chuyện để thêm rách việc. Phá cái này dẹp cái kia, chỉ thị thu mua thức này ra quyết định bán buôn hàng khác. Họ lu bu kiểu của riêng họ mà dân ngu khu đen không hiểu được. Ở chốn này mần ăn không khấm khá e do bởi chốn kia mồ mả gia tộc bị động chăng?
Cô Ba sa sầm nét mặt khi nói xong. Một chút thất thần, một chút hụt hơi, một chút ngây dại, tựa diện mạo của kẻ vừa bị móc túi, chới với cái mạng không đang sứt mẻ trầy trụa.
Con Tưng nó có vẻ đẹp tươi sáng của đứa con gái vừa đủ lông đủ cánh, nghĩa là sắc đẹp kia vừa hồn nhiên, vừa tự tin, vừa mơn mởn lụa là sung mãn. Một sự dấn thân rộn ràng đầy sức sống ít chạm trán nỗi buồn. Má nó thì khác, thứ hoa chỉ nở trong bóng tối, mang sầu muộn tới, dằn vặt để tượng hình ra một điều gì kề cận với mong manh. Khi về già người ta buộc phải sầu héo, và tàn phai không hẳn là điều nhằm trút bỏ hết những vàng son cũ. Phún xuất thạch đã trào dâng tự lòng núi lửa, nhưng nó sẽ để lại trên hoang mạc một chu vi màu mỡ ăn sâu vào đất. Ông Tư ước ao được làm nông dân chí thú việc cày bừa khai khẩn dẫu loay hoay trong tay lắm thứ phương tiện thô sơ ông đang sở hữu. Một lòng thành, chỉ có vậy thôi. Và lòng thành phải đi đôi với cam chịu những hy sinh tổn thất.
Không nói tới chuyện tiền trao cháo múc, khi xong việc đằng tiệm tạp hoá ông Tư tấp về quán Cây Khế, gắp thức ăn nóng sốt cô Ba vừa dọn ra, nhai, thưởng thức, ngó cô Ba mồ hôi mồ kê ướt áo xống, nuốt xuống và lòng ông ăm ắp chộn rộn hình ảnh người chồng đang được vợ hiền săn sóc hỏi han chu đáo, thiệt mát cả ruột gan, ngậm mà nghe. Sướng rêm mé đìu hiu. Con Tưng khiếm diện thường trực là điều kiện thuận lợi. Một kẻ thứ ba, sự hiện hữu của nó thường làm người trong cuộc rối trí, chao đảo lung lạc những trận đồ.
Khi có khách vào, ông Tư đã lắm phen tự động cầm tấm thực đơn lại mở rộng nụ cười chào mời, cơm dâng nước rót. Ngồi không cũng chướng, mấy lúc mà có dịp đi “xã giao” làm bộ làm tịch tợ người của Cây Khế, chua ngọt khoan nói tới, chưa đả động việc leo trèo hái bức. Cô Ba chỉ can ngăn cho có lệ, cho phải phép thế thôi chứ bản thân cô đâu phải hạng người có ba đầu sáu tay mà mần từ a tới z. Sao tới bến đặng? Cô oải và hơn ai cả ông Tư đã chứng nghiệm bộn lần cái hoạt cảnh một con vụ có tứ chi đầu bù tóc rối. Người ta mệt ngất ngư con tàu đi mà mình làm đứa vô cảm thì có đáng trách không? Càm ràm với háy, nguýt, giận cá chém thớt thì tình hình mất vui, môi hở thì răng sẽ lạnh, điều ấy ắt sẽ tới.
Thằng Sáu đảm nhận chức vụ rửa chén, quét dọn vệ sinh kiêm luôn job của Thiên lôi sai đâu uýnh đó, thấy ông Tư lăng xăng làm việc thiện nguyện, ngứa cổ đưa ra lời bàn, vọng từ chốn lầy lội xó xỉnh khuất tất: Không ấy chú bỏ mẹ chỗ làm kia đi, trôi về đây sum vầy có ngày mà đạt đạo. Chốn ni âm thịnh mà dương suy, phải có chú vô ra mới cân bằng được hoàn cảnh. Đôi khi riêng mình tui con chim đa đa lẻ bạn cứ bị nạt nộ rầy rà nghĩ mà tủi thân cho phận đờn ông thất cơ lỡ vận.
Ông Tư ném nguyên chồng chén bát đũa muỗng vào bồn nước đục lờ nghe thằng Sáu ca cải lương mùi, miễn cưỡng phải đằng hắng giọng, lên cung bậc giao duyên: Thôi đi mày ơi, chớ vẽ đường cho hươu chạy mà hư bột hư đường, tao hổng có kinh nghiệm gì ráo, ngộ nhỡ ưa gồng mình cũng sợ người ta chê bai. Tìm người phụ việc thì chí ít cũng ngon cơm sức lực như mày vậy, trọng tuổi như tao chỉ tổ làm họ thêm vướng tay vướng chân chứ được ích gì. Thằng Sáu cười, nghe như dê kêu, he he he: Chú nhiêu tuổi mà sớm nhụt chí? Ông bác tui hơn sáu bó mà còn chơi bảnh, dã về nước cưới con vợ có ba mí xuân xanh, đêm bảy ngày ba vào ra không kể. Lại khe khe khe, cười mà như bị mắc xương cá vào cần cổ.
Ông Tư lộn ra, ngó cô Ba đứng nơi quầy thu ngân. Tóc búi lên, cột một cục trên đầu nhỉnh hơn trái chanh, nhường cái cổ trắng cho ông Tư đặt mắt vô. Lưa thưa ở đó vài sợi lông măng in tuồng đang dựng đứng. Ông Tư thủ thỉ: E đi dìa quê một thời gian thay đổi không khí chẳng chừng là phương án tốt. Chớ nên bội bạc, phải quan hoài tới chuyện mồ mả ông bà cha mẹ đang bị người ta đào xới. Nhắm đi được không? Khoảng nửa tháng mươi ngày thôi. Thử kêu con Tưng một tiếng, có gì tui xin phép đặng tháp tùng theo chim trời mỏi cánh. Mấy chục năm rồi tui cũng chưa ngó lại mặt ngang mặt dọc cố hương. Đường xa vạn dặm có người đồng hành cho đỡ cực thân.
Cô Ba nhìn sâu vào mặt đối tượng, mắt long lanh. Cái khăn vắt vai bị cô lôi xuống vày vò trong đôi bàn tay. Cô chùi dầu mỡ thịt thà hành ngò mắm muối tỏi ớt và cũng muốn chùi trơn một cảm xúc vừa vướng mắc. Khi hoang mang thường người ta có những động thái thừa thải đến vậy, biểu tỏ sự khó xử. Vày vò cũng là cách thức nhằm gỡ rối những ý tưởng dùng dằng tiến thối lưỡng nan. Chùi tới chùi lui, trải ra xếp lại, như khăn ấy có ai vừa trao vào tay ở một sân ga diễn đầy cảnh đưa tiễn, người lên tàu lìa ra, kẻ ở lại đứng lóng cóng dậm chân nghe hao hụt lùa tới khi tiếng còi hú lên riết róng, nẫu ruột.
Trong vô thanh, giữa câm nín, mơ hồ một dự tưởng lần hồi được tượng hình, ngày mỗi nhích gần tới hiện thực. Giác quan của ông Tư đánh hơi ra bản hợp đồng tròn trịa mà cô Ba sẽ vui vẻ tác thành. Không chắc ông sẽ về quê nếu hay tin mồ mả bố mẹ đẻ bị cày xới, ông sẵn lòng đưa ra cả vạn lý do để thoái thác; nhưng giờ đây, một mãnh lực nào ập tới hối thúc, mụ mị mong chóng hoàn thiện cuộc lữ kia. Đường Tăng cùng Trư Bát Giới đi thỉnh kinh e cũng nghe ra sự khinh khoái lớn bằng ngần ấy thôi.
Và cô Ba gọi điện thoại cho con Tưng. Gọi khó khăn, ba chừng bảy đỗi bữa nhiếp bữa kia để bây chừ nó mới lộ hình. Tưng đến, như trăm khi, tựa vũ bão ập vào quán với những tiếng động đặc biệt mà Tưng tự khuấy động. Áo xống chễnh mảng ưa khoe da thịt và người ngợm thì luôn thịnh vượng hương thơm, reo rắc thứ mùi khó phân giải làm dật dờ mọi vật, làm át và giết ngay lập tức mùi mắm mùi lòng mùi dồi mùi cật mùi tim gan phèo phổi heo gà bò. Sự có mặt của đứa con gái mười tám tuổi điện nước thừa mứa như làm bừng tỉnh những bóng đèn vàng ưa chiếu sắc ủ dột, khung cảnh trong quán bỗng sáng hẳn lên.
Tưng vọt vào bếp, động nồi động niêu để nấu riêng cho mình món hải sản cầu kỳ chẳng có niêm yết trong thực đơn. Khuôn mặt đỏ au khi mang tô xe lửa ra bàn ăn. Tóc nhuộm nâu chen cài với vàng, cắt tuỳ tiện sợi ngắn sợi dài. Ngực vun đầy núp sau chiếc áo thun có nhiều lỗ thủng. Thằng Sáu lui cui sau bếp mà không lé mắt cũng uổng! Vừa ăn Tưng vừa liếm môi, cau mày nhọn mỏ: Má đi, con không có ý kiến. Con có thể kêu đôi ba đứa bạn tới phụ, trông coi hàng quán bán buôn thế má dăm bữa nửa tháng… Nhưng kẹt một nỗi, con đang lánh mặt người ta. Con xù, con bỏ. Vất hết, thèm vô! Mẹ rượt, nôm na là con không lấy thằng mắc dịch đó nữa. Khốn kiếp, ba thằng Tàu thảy chơi không được. Má biết nó nói với con ra sao không? Địt mẹ em tưởng em ngon hả, chỉ là người Việt thôi mà, ưa làm tàng hả? Rồi thằng a Pạt đằng quán Fung Hinh đổ thêm dầu: Cái quán Cây Khế của má nị chết tới nơi chứ béo bổ gì mà lên mặt. Đâu có “hủ xực” như đồ ăn Tàu. Má mà đóng cửa quán thì chúng ngộ nhận thêm khinh khi. Má nghe con nói không? Về bển mà được nước nôi gì trong lúc này. Người ta tìm cách chạy ra má lại kiếm cớ lộn vô, muốn từ chết tới bị thương hả?
Ông Tư ngồi rùn vai, thu nhỏ người lại. Vậy là hết. Chắc chẳng ra ngô khoai cơm cháo gì nữa. Nói trước bước không rời, tắt thở chuyến song hành cùng nhau đi về miền quá khứ xa xôi. Ta lại phải nhắm mắt cày bừa như số phận đã định. Tiệm tạp hoá đằng ấy cũng có phần hùn của người Trung quốc, hàng hoá đa phần đều dán nhãn Made in China, từ cây tăm tre xỉa răng cho chí những máy móc kềnh càng rắc rối. Áo nịt ngực cho phụ nữ có thể làm ung thư vú, giày da dành cho phái nam có thể gây tác hại lỡ móng sưng chân. Gối kê đầu có thể tạo biến chứng mất ngủ rụng tóc. Đồ chơi dành cho con nít thì baby đụng vào cơ thể không chịu tăng trưởng. Thiên hình vạn trạng các thứ nhuốm độc tố trên từng cây số, ông Tư chẳng tường, chỉ nghe báo đài cảnh giác vậy thôi. Ngực con Tưng “xịn” thế kia, bềnh bồng như hai hòn đảo mà để rơi vào tay thằng Tàu mân mê sờ soạn, nghĩ cũng phí. Xem ra con Tưng thuộc diện thức thời. Nó ăn nói bổ bã vậy chứ thực bụng thuộc tuýp ưa tắm ao nhà, chả ham thích của lạ, biết phân biệt chánh tà.
Ông Tư tợp hết chén nước trà đắng sau khi nghe cô Ba khẻ khàng bên tai: Xin lỗi anh Tư nghen, anh giỏi chân dìa cho má con tui đóng cửa nói chuyện riêng tư đại sự. Nhờ trời sau này tình hình yên vui thuận lợi nhứt định tui gọi anh Tư tới bàn tiếp việc thăm quê cho bỏ những ngày cơ cực.
Ông Tư nghĩ mình bị đuổi khéo, tuân thủ bỏ ra ngoài đường thấy lạt miệng nhạt mồm. Ông ngó xuôi dòm ngược chẳng biết đang muốn mong một điều gì. Thằng Sáu mang hai bao rác lớn đi vất dáo dác đến gần: Bặp điếu thuốc cho thơm râu, tía. Dù buộc kín, đồ cặn bã hầm bà lằng nằm trong bao cũng xông mùi chua lét khiến xây xẩm. Ừ, chơi một điếu cho lai tỉnh thần hồn. Mẹ, cái xứ này mênh mông buồn tới độ tìm không ra chỗ để đi! Thằng Sau nhổ nước miếng: Trời, nói chi như không vậy tía. Sợ hổng đủ sở hụi thôi, chứ đất này chán khối mục cám dỗ. Muốn yêu tinh có yêu tinh, muốn ma nữ có ngay ma nữ. Thích chay có chay, ham mặn có mặn. Hang ổ đồi truỵ mọc đầy như nấm sau mưa. Bị tía chí thú đi mần việc, tan tầm lại tới quán này ngồi đồng nên bù trất chuyện rậm rật bên ngoài cảnh giới.
Ông Tư quăng điếu thuốc. Thôi mày, lúc nào cũng ưa ca cẩm lung tung, để tao về ngủ cho yên thân phận già. Ông quay lưng, chất nỗi sầu trong dáng đi cắm cúi. Ông tới đứng bên tấm bảng hiệu mà chốc lát nữa xe buýt sẽ dừng đổ để tha ông về, thả ngay trước phòng trọ quanh năm yên hàn quạnh quẽ, một mực lặng như tờ. Phố lên đèn, bóng lá cây phong đen đúa vờn trên thân ông. Tự dưng ông Tư nhớ ra câu ca dao coi mòi hợp tạng:
“Lên non đốn củi đụng chỗ đốn rồi,
Xuống sông lấy nước gặp chỗ cát bồi khe khô!”.
Hừ, bún mắm với cháo lòng. Nhức đầu với nhức xương. Quê hương và cây khế, từ nay xin vĩnh biệt, người ơi!
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments