Ảnh: Huỳnh Tâm
Cuối năm, cơ quan phát quà cho nhân viên. Tôi giữ lại những bao thuốc lá, mấy thứ nhu yếu phẩm khác tôi mang ra chợ bán.
Buổi trưa âm u. Bao giờ cũng vậy, vào thời điểm giao mùa, huyện lỵ này thường mang thứ sắc diện sẵn lòng chôn sống niềm vui chợt le lói. Tôi nghĩ tới đứa con gái vóc vạc nhỏ thó giỏi luồn lách giữa những lối đi lầy lội có trong chợ. Có gì chú cứ trao hết cho con, con thề chẳng ăn lời của chú một tơ hào, láo chết.
Tôi lấy xe đạp ra khỏi cổng cơ quan. Cái băng-rôn đỏ có dán hàng chữ “Vui Xuân không quên nhiệm vụ” căng ngớ ngẩn cùng gió tái tê hồi sáng còn nguyên vẹn, giờ thì chữ nhiệm vụ đã đánh rơi hai dấu nặng. Chẳng biết trong bao lâu thì biến mất hẳn chữ Xuân? Thời tiết kỳ cục, mãi ui ui thế này thì cũng khó hồ hởi phấn khởi.
Tôi đứng thập thò trước chợ không lâu thì con bé hiện tới. Lạ một điều là nó luôn phát hiện, nhìn nhận ra tôi trước; trong khi tôi còn hoài nghi về cái tác hại của một sự đổi thay. Hôm nay con bé đã gần là một thiếu nữ mất rồi, ngó chưa quen mắt. Mặt nó hồng, mắt đen long lanh dưới vành nón quai lụa tím. Và ngực nữa chi, nẩy nở cựa mình sau hai ba lần áo ấm. Chỉ có tôi, soi gương không tìm thấy lạ lẫm, có nghĩa là tụt hậu. Còn chung quanh thảy điều đổi khác. Thấy tôi ngó chăm, nó cũng nhột. Có lẽ vì nhột, chữ dùng đã thôi còn chú với con. Có chi bán không, tui mua cho. Hết thề thốt, hết láo chết. Tôi đưa cái bao bố chứa toàn bộ những thứ tống khứ vào tay nó mà chẳng nói năng. Tôi chẳng biết thời giá, tôi không tự lượng định được một con số. Cái mà tôi biết duy nhất, nó không dã tâm trốn chạy, vất con bỏ chợ. Tôi từng bị người ta lừa phỉnh nhiều phen ê chề, nhưng riêng với cô bé này tôi linh cảm cô là một người tử tế. Tôi định bụng sẽ hỏi tên cô, người mà sẵn lòng mang tiền về cho tôi một cách nhanh lẹ, êm thắm.
Tôi đốt thắp một điếu thuốc. Tôi nhớ ra từ sáng tới trưa chưa có gì bỏ bụng. Tôi cố mường tượng ra cái hoạt cảnh sum vầy của gia đình mỗi khi Tết tới. Đã ba năm tôi chẳng về nhà ăn Tết, có đầm ấm không khi căn nhà đó càng lúc càng rộng thêm ra bởi phải chia tay những đồ vật. Chúng đội nón ra đi, thắt lòng kẻ ở lại, nhưng sau những đêm thức trắng, đó là giải pháp cuối cùng nhằm cầm cự, nuôi dưỡng một trông mong: ngày mai trời lại sáng. Tôi đi phương xa lao động cũng chỉ mong cho ba mẹ tôi đỡ cực lòng khi san sẻ từng hột cơm. Nghe đâu họ đã chia hơn phân nửa diện tích căn nhà để cho người ta thuê mở cửa hàng bán sửa radio và ti vi.
Trời lạnh nhưng đứa con gái tuôn mồ hôi, da mặt đỏ và môi khô khi trở lại. Tôi hỏi tên. Thường. Cô gái nói và đồng ý để tôi thồ đi kiếm cái gì lót lòng. Thường chỉ đường tới một quán ăn bình dân, giá mềm nhưng mặn mòi. Cô nói. Tui đang cần tiền tiêu Tết, hồi nãy tui tính ngoắt xe ôm dông một lèo nhưng không đành lòng. Sao chú ngác ngơ dại khờ đến thế! Tôi ngó xuống cánh tay Thường vừa đưa ra ôm eo: Thường sẽ dại khờ nếu làm vậy, bởi lần sau tôi biết nhờ ai bán giùm mình chiếc xe này. Thật à? Ở chốn này tôi chỉ biết có mỗi mình Thường để giao dịch nhờ vả, Thường tin không? Tin. Cái mặt lạ hoắc không phải là người địa phương. Giọng lại lơ lớ thế kia.
Nhà tôi ở xa và tôi chẳng tính về thăm. Tôi trả lời Thường khi nghe cô hỏi dự tính ăn Tết của tôi, làm gì, ở đâu, đình đám không, vui nhộn không. Tôi đùa: Tôi không vui xuân và tôi chả có nhiệm vụ gì sất. Thường nói cô sẽ vắng mặt đôi ba hôm, cô về làng và phụ giúp gia đình chặt mai mang lên chợ bán, như thông lệ hàng năm. Trời đất kiểu này thì đúng ý ba tui, chứ nắng nôi quá thì hoa mai chóng nở trước thời hạn quy định, xôi hỏng bỏng không.
Chúng tôi gọi món ăn giống nhau vì thực ra chẳng có gì để lựa chọn. Bà bán hàng phân bua, tại sớm quá mà, chộn rộn củi lửa phải giấc ba giờ chiều cho tới chín giờ tối. Thực khách chẳng ai nói gì, họ kiên nhẫn ngồi trên những cái ghế nhựa thấp chờ đến phiên đón lấy dĩa cơm thập cẩm. Đa số đều gầy yếu, đen đúa, dáng vẻ chịu đựng và đa số họ hành nghề điều khiến xe ôm. Tôi dự tính sẽ cố hết sức tằn tiện, dành dụm tiền để sắm một chiếc xe gắn máy đừng cũ quá, nhưng ba năm nước chảy qua cầu đã dìm ước muốn ấy sặc nước, chẳng trồi đầu lên được. Thời bây giờ, xe đạp hình như bị thu nhỏ vai trò. Bố chở con đi hóng gió, tình nhân chở nhau thong thả đạp xe về nơi quạnh vắng. Và tôi sẽ chở Thường, mang cô về lại chợ, nơi không có đất sống cho thành phần thật thà. Tôi không thích làm công nhân viên cán bộ nhà nước, tôi thích được chạy xe ôm. Tôi biết chắc một điều, rồi Thường sẽ không còn hồn nhiên đáng yêu như hôm nay. Nhân danh một kẻ đang lao động cho phòng thông tin văn hoá để nói thế. Và có lẽ, bước sang năm mới, đó là cột mốc nhằm đánh dấu một đổi thay. Xuân nay hơn hẳn xuân xưa. Người ta từng lập ngôn thế.
Thường xuống xe, cúi đầu đi vào chợ. Được hơn thước, Thường trở lui: Chú biết Hiệp Phố không? Tôi nghe tên nhưng chưa thấy mặt. Nếu đạp xe thì mất khoảng một tiếng, nằm phía Tây Nam. Tôi ngó Thường, chiếc áo ấm màu nâu tối của cô có lỗ thủng một bên vai, phai màu những nếp gấp quanh ống tay. Tôi chờ Thường nói tiếp nhưng một bạn hàng đã nhanh tay lôi cô vào chợ. Có lần tôi đã buồn miệng khi nhận ra vẻ nghi ngại có trên mặt một trong những cô gái ấy: Hãy nói tôi là đứa đầu đường xó chợ chứ đừng bao giờ nghĩ tôi là thành phần công an thuế vụ. Oan cho tôi lắm!
Tôi đạp xe, bớt thấy lạnh vì vừa được xơi cơm bụi. Đôi lúc, tôi nhận ra cái thằng người nhỏ nhen trong tôi, nó yếu đuối mãi bị miếng ăn ám ảnh. Tôi nói với Thường sẽ bán đi chiếc xe này là vì tôi nghĩ tại sao mình không có quyền bước chân vào một cửa hàng đặc sản một ngày đẹp trời nào đó. Cái nhà hàng mà lúc nào cũng treo đằng sau cửa gương hình chụp những con cua bể hoành tráng, những con tôm hùm siêu khủng, những miếng heo quay da chín nâu mượt mà. Tất thảy những bức ảnh siêu hình ấy dễ mang lại một sự xúi dục, nếu anh không mang tật khiếm thị, có ngày anh sẽ yếu lòng cầm dao đi gây án.
Tôi khoá xe cẩn thận ngay sát thềm, bình thường Quý đặt để ở đấy một cái bàn nhỏ và bình thường đó là chỗ tôi thích ngồi. Hôm nay lạnh, điền thế một vũng nước không thể bốc hơi cùng đôi ba chiếc lá rụng rơi. Quý làm chủ tiệm bán cà phê, hắn nói cũng đắp đổi đủ sống và hoàn toàn đó là thành ngữ của bọn láo khoét miệng có bôi mỡ. Tôi biết nó giàu ngất và tôi chẳng ngạc nhiên về bất kỳ điều gì. Khi giàu có, khẩu khí của bọn đó rất khác lạ. Bạn tin không, về tất cả những nội dung người ta bỏ công viết trịnh trọng trên những biểu ngữ giăng mắc cửi phố phường.
Quý giở lật cuốn vở thu dưới quầy, hắn tẳn mẳn chia ngôi thứ con nợ theo mẫu tự từ A tới Z. Người Việt mà cũng có đứa tên Zời, cái mới lạ! Anh Zui chị Zẻ, nghe kinh! Làm việc khoa học, minh bạch đâu ra đó nên Quý lật trang có ghi tên tôi thậm mau lẹ, chuẩn xác. Dò theo ngón trỏ Quý kéo xuống tận hàng cuối, tôi moi túi đếm tiền thanh thoả. Tôi đùa, lão Diêm vương phải nên học ông khi muốn lập cuốn sổ nợ đời. Ông đã tha cho con chưa? Quý làm bộ tịch kẻ quyền hành: Chưa, làm phép tính trừ đâu ra đó hẳn còn thiếu mười lăm ngàn. Điệu này là nợ vướng tới sang năm.
Quý pha cà phê cho tôi. Tôi đã uống cái chất nước đắng ấy cả vạn ly ở quán “Khoảnh Khắc” này. Tôi đã thức cả ngàn lẻ một đêm sau đó. Tôi đã viết xong năm cái truyện ngắn. Và sáu tháng qua, những tờ báo từ tỉnh lớn tới tỉnh nhỏ đều câm như thóc, họ chẳng buồn thông tin phản hồi về số phận phiêu giạt những đứa con tôi muốn ăn nhờ ở đậu. Họ đã vứt bỏ nó vì nó chứa vấn đề, có lẽ vậy, lợn cợn thứ gì đấy nuốt không trôi. Và sau cùng, tôi chẳng thể có chút tiền nhuận bút nhằm cải thiện những ngày sắp hết năm cho thêm phần tươm tất. Tôi rất buồn, dĩ nhiên. Khi buồn, bạn rất dễ ghi sổ nợ và bạn đốt thuốc tựa khói bay trên đầu toa tàu hoả. Những người có quê xa đã đăng ký vé tàu, nghe đâu giờ này thì cháy vé. Mấy ngón tay tôi vàng khói thuốc và lòng tôi cháy bỏng hình dáng gầy mòn mẹ ngóng sau vuông cửa tối. Tôi chẳng tha thứ khi một thằng con về nhà mà không mua nổi cho mẹ nó một gói trà, một hộp mứt. Nhẫn tâm quá, vô hậu quá, khốn nạn quá.
Thời con gái, mẹ tôi thích đọc cuốn “Châu về hiệp phố”. Hình như truyện phóng tác, thể loại trinh thám. Hiệp Phố, qua sự chỉ bày của người dân, tôi tìm tới chẳng mấy khó. Tôi tin là sẽ nhìn thấy bóng Thường lẫn khuất, trốn tìm như một câu nói lưng chừng, chưa đi hết đường, tối nghĩa. Nhà cửa ở đây chẳng y như tên gọi, mọc cách khoảng, rời rạc. Đa số là nhà vườn, cũ kỹ, vắng tẻ. Màu xanh của lá như biết đóng khung ranh giới của từng đơn vị gia cư. Thu cất riêng niềm bí mật sau màu lục sẫm trầm mặc.
Tôi thắng đứng xe bên một hàng dậu thưa, trong sân có sợi giây giăng ngang và vui mắt khi ngó thấy có chiếc áo ấm màu nâu phơi trên giây. Chiếc áo sờn cũ, xộc xệch, mang vẻ độc đáo vì dường như nó đơn lẻ, có một không hai. Chủ nhân bước ra, đưa tay thăm dò xem nó đã thực sự khô ráo chưa và chủ nhân như nhìn thấy ma, hét lên tiếng lớn.
Tôi ngó cách Thường che đậy vụng về sự lúng túng. Khuôn mặt chợt đỏ lên ấy dễ khiến người ta mang ý nghĩ rằng đó là một nữ sinh. Do đâu mà chú dừng xe ngay đây vậy? Do trời xui đất khiến, do ngoài chợ tự nhiên thiếu mất một người. Ngày mai mới ra chợ… chú đợi ở đây chút xíu.
Trời không nắng, thời gian như đứng yên vì độ sáng tối mãi chẳng đổi thay. Im vắng. Tôi đứng bên ngoài hàng rào và vùng đất bên trong, khi Thường xuất hiện, cô vực dậy toàn bộ sự chuyển động, âm thanh, sự tỉnh thức. Hãy vượt biên, hãy bước chân ra, chúng ta đi uống nước. Không, bữa nay, thực sự thì bây giờ đang tối lửa tắc đèn. Ba đang chuẩn bị hạ từng cành mai để sáng sớm chở ra chợ bán. Nè, cho chú một nhánh nhỏ, chúc mừng năm mới.
Toàn là nụ, chỉ mới nở hai bông mai. Màu vàng của hoa, dù khiêm nhường vẫn lay lắt một đốm sáng dưới mắt kẻ nhận quà. Rất tiếc là chẳng mời chú vào nhà vì ai cũng lu bu. Chú về đi, mai gặp nhau ở chợ.
Tôi về. Tại sao Thường tặng một cành mai gầy, bé mọn? Tôi biết làm gì với nó. Sẽ mang tới quán thằng Quý, chưng trên quầy và mày nhớ gạch bỏ số nợ tao còn thiếu?
Nghe có tiếng khóc trẻ thơ, từ đâu đó, sau cánh cửa đóng im bặt len lỏi gửi ra một giọng hò ru em: “Chàng ràng chi lắm bướm ơi. Đậu mô thì đậu một nơi cho thành”. Giọng rã rượi. Buồn. Nhiều tâm sự. Tại sao lại trách cứ về nỗi hoài nghi nó mang? Hay chỉ nóng lòng mong cho bướm kia sớm tìm ra một bến đỗ?
Tôi cầm nhành mai đứng giữa độc đạo, sương mờ vây quanh, trên đầu mây tụ một màu xám bẩn và giọng hò chì chiết dằn vặt suốt lối đi, rõ mòn một.
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments