Không tựa – Dương Đình Sang (1950-2005)
Thiên Thai Tự vì đục núi mà tạo thành nên chùa cổ thường lưu trữ bóng tối, lại ở bên triền cao sát vực thẳm do vậy mây luôn chờn vờn cùng sương khói, âm u khí lạnh nấn ná suốt ngày. Vô hình trung, chùa mang một bộ mặt kì bí, nhốt chặt niềm u uẩn riêng tây; thỉnh thoảng chuông chậm rãi gióng tiếng trầm đục, âm thanh tựa hồ xé toạt sương mù để gửi xuống triền vực những phản hồi kinh cong gần như ngân nga không gián đoạn. Sách cổ có thuật chuyện, những sinh vật gần gũi sớm tối nghe kinh tự khắc cũng được khai nhãn đôi phần. Tiếng chuông vang dội nghe thảng thốt dường ấy mà muôn loài sống quanh núi quạnh chẳng hề la quang quác thất thanh, vẫn an nhiên lưu trú vô ngôn bất động.
Muốn lên Thiên Thai Tự, cuộc lữ nọ phải đổ mồ hôi nhọc công bước qua Vạn Cốc, kẻ chẳng muốn viếng chùa chân dẫm ngang Vạn Cốc thì y như rằng bao sức lực thảy đều tiêu tán, lòng những muốn quay đầu xuống núi quan ngại hiểm nghèo giăng mắc nơi thổ ngơi tuyệt không lưu dấu chân người. Có thể do địa hình, chùa chẳng mặn kẻ vãng lai. Ai là người ưa tìm tới hẳn nhân vật ấy có sẵn căn cơ, duyên phận hoặc mang nặng lòng thành. Đúng chăng? Phàm xét việc đời chớ nên chủ quan vội kết luận. Bá tánh thì hiền dữ hắc bạch khó lường. Đứa ưa cầu thị Phật đâu hẳn một hai võ đoán rằng đứa ấy có tâm lành như hòn đất!
Đã bắt đầu vào tiết lập xuân, chim chóc phơi nắng giũ lông vui miệng tụ đàn hót tiếng thanh cao trên bạt ngàn lau sậy và cây cành xanh lá. Đúng ngọ bữa ấy, độc đạo uốn lượn suối khe có bóng người cắm cúi đi nhanh, hơi thở điều hòa chẳng nghe đập vội. Đội nón rộng vành, y phục gọn nhẹ không nách mang hành trang mà chỉ một tay nắm kiếm. Người y chả có gì đặc biệt duy thanh trường kiếm nọ trông cổ quái chẳng phải thứ bình thường. Tự thân, nó như biết tiết ra chút gai lạnh, lây lan rồi phủ chụp vào thân kẻ vận hắc y khiến cảnh sắc vốn cô quạnh bỗng xao xác luồng hàn khí, trông khó chịu như điềm báo một nhiệt náo sẽ diễn. Y bước tới đâu chim im tiếng hót tới đó, rồi chim đồng loạt đập cánh chao bay. Một vài chiếc lá rơi rụng, một vài tia nắng loang loáng đâm xuống thân y. Tịch lặng. Có thể nói, nếu y không xuất hiện, mùa xuân sẽ cựa mình với tất cả sự hân hoan của bướm của chim của hoa, của những thảo mộc sửa soạn đâm chồi mang sinh khí về cho ngoại cảnh ven chùa.
Kẻ mặc hắc y cuối cùng đã tới đích. Tự cổ chí kim, cửa chùa bao giờ cũng rộng mở. Có cánh cửa gỗ dầy nặng nhưng hình như người làm ra nó, gắn ngay cổng cốt cho hợp lẽ, đủ bộ sậu chứ không phải nhiệm vụ của cửa là phải đóng kín, cài then. Chẳng ai buồn mó tay vào, bằng chứng là nó đứng yên cả trăm năm để thân sắp tàn tạ, sụp đổ vì mục rữa. Chùa không treo bảng, chỉ dựng ngoài cổng hòn giả sơn có người dụng công khắc vào hai câu thơ, nét bay lượn tợ rồng giỡn trăng: “Cổ tự thu mai hoàng diệp lý, tiên triều tăng lão bạch vân trung”.*
Kẻ trung niên đơn độc vác mặt lên đọc rồi nhếch môi. Không cười, cũng chẳng định thốt ra lời bình phẩm. Y dợm bước chân qua ngạch cửa nhưng kịp ngừng lại bởi thoáng chốc đuôi mắt y thu nhận một vệt nhòe của luồng sáng rung động vừa tụ lại giữa sân. Ba bốn tấm áo cà sa mang gió phần phật tới, ngưng đọng. Nếu thí chủ thành ý bước vào chùa xin vui lòng để lại hung khí ngoài khuôn viên. Họ đồng loạt gióng tiếng. Ấy là nội quy, là điều ai cũng phải chấp hành. Trước khi máy môi, trong khi nói và khi đã dứt lời họ thảy chắp một tay trước ngực, tay kia buông xuôi mà lần xâu tràng hạt, mắt lim dim. Người khách không mời lưỡng lự đứng giữa biên giới vô hình, sau lưng y là chốn ta bà, trước mặt y là hằng cửu một vuông đất của sự diệt. Diệt sắc, diệt tửu, diệt sát, diệt dục, diệt bản ngã, diệt vọng động tham sân si. Được, ta không đặt chân vào nơi lắm giáo điều phiền não, ta sẽ đứng ngay ngạch cửa. Một vị sư tách ba người kia, xê dịch tới nửa bước, quan sát kẻ vận hắc y. Nón rộng vành thu che hết diện mạo nhưng tuồng như sát khí ẩn hiện thấp thoáng đâu đây.
Không vào cũng chẳng quay lưng, thực ra thí chủ đường đột tới chùa với dụng ý gì?
Ta muốn hỏi Không Tánh đại sư đôi câu, chỉ vậy thôi, có được chăng?
Vậy thì việc trước tiên hãy tuân thủ nội quy, sau đó hẳn rộng cẳng mà vào diện kiến.
Nực cười, phàm kẻ đi lại trên giang hồ như ta, hắn cũng phải nghe theo thứ quy cũ mệnh hệ, ấy là thà lấy mạng ta chứ đừng mong ta buông rời vũ khí. Ta và thanh kiếm này cũng tợ như hình với bóng, bất khả phân ly. Thấu hiểu chăng?
Nhập gia tùy tục, lẽ ấy người trên giang hồ cùng am tường thông hiểu. Xem chừng đứng ngay cửa Phật mà thí chủ còn mang nặng sân si, buổi tao ngộ này ngó chừng mất vui ngay tự ban sơ.
Đúng vậy, các ngươi ăn chay sớm tối kinh kệ mà lòng hoài cố chấp. Nếu khó gặp Không Tánh đại sư dường ấy vậy thì làm phiền các vị hãy kíp gọi Tiểu Cự ra cho ta nhìn mặt.
Mô Phật, e thí chủ đã bước nhầm địa chỉ rồi, người trú thân trong chùa thảy đều chặt đứt liên hệ với ngoại giới, dĩ nhiên tuyệt không có ai là Tiểu Cự. Chúng tôi mỗi người đều có pháp danh.
Thấy chưa, ta muốn gặp Không Tánh là vì vậy, các ngươi toàn cả bọn điếc mù.
A di đà Phật. Chữ cuối vừa dứt, giữa sân liền trồng ngay hình dáng một cao tăng. Âm thanh coi bộ chậm chân hơn ảnh hình, hoặc cước bộ của Không Tánh đại sư hẳn đạt tới điều huyền nhiệm, thoắt biến thoắt hiện tựa hư ảnh. Râu tóc trắng xóa, áo khoác thân bạc màu cát bụi, thời gian rõ đã can dự, phủ khổ hạnh vào thân phương trượng coi ngó chùa chiền. Hơn trăm tuổi, như một cổ thụ, nhưng cây già tuổi nọ vẫn an nhiên tỏa bóng râm che mát một vuông sân, ông xuất hiện và hóa giải ngay sự căng thẳng lưu dấu trên thần sắc bốn đứa đệ tử. Cả bốn chắp tay cúi đầu lui đứng sau lưng đại sư. Bần tăng pháp danh là Không Tánh, chẳng hay thí chủ có điều nan giải muốn diện kiến lão tăng? La Hán tứ trụ này nói không sai, vũ khí chỉ dụng tới hồi nào gặp vấn nạn cuối chân tường không cách gì phân giải, nếu mang điều thiện ra tra vấn thì đi tay không là phải đạo. Ta sẽ đả thông những mờ ám có trong tâm thí chủ hồi nào chúng ta giũ sạch được những vướng mắc.
Thế nào là vướng mắc?
Tiên khởi hãy tạm rời xa hung khí, bần tăng quyết đảm bảo sự an toàn khi thí chủ đứng được trong chu vi chùa. Đã là đất lành thì muôn đời đao kiếm chính là thứ gây vướng mắc. Phương chi thanh Mậu Thân cổ kiếm có trong tay thí chủ vốn đã uống máu quá nhiều, vây quanh thân thí chủ trùng trùng những hồn oan ẩn hiện.
Đại sư sử dụng thứ vũ khí gì?
Mô Phật, bần tăng chỉ chuyên chú truyền đạt điều hay lẽ phải cho đệ tử, như vậy có thể gọi miệng lưỡi bần tăng là vũ khí chăng?
Nếu ta động thủ e miệng lưỡi của ông sẽ tắt tiếng, như vậy có hoài phí một đời tu tâm dưỡng tánh không? Cách hay nhất ông chỉ gọi Tiểu Cự ra, ta hứa sẽ rời chùa xuống núi ngay.
Nếu bần tăng chết dưới thanh Mậu Thân cổ kiếm ấy, thí chủ có an lòng đoạn tuyệt mọi thứ?
Không, sự an lòng chỉ đến khi Tiểu Cự chết dưới tay ta, ngoài ra ta chẳng màng gì sất.
Năm xưa thí chủ đã bức hại toàn gia Tiểu Cự, kẻ bất hạnh ấy chẳng nuôi thù hận mà quay đầu nương thân cửa Phật sớm tối đọc kinh, thí chủ đang làm việc quá lố chăng, vượt quá giới hạn chăng?
Nó trì chú đọc kinh hay nó gia công trau dồi võ nghệ, đạt hỏa hầu thì hoàn tục xuống chốn giang hồ mà tìm ta rửa hận? Binh pháp nói, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Ta lặn lội đường xa, truy tầm lý lịch tung tích nó cũng chỉ đơn giản là nhổ cho sạch hậu họa đấy thôi. Ông chớ nên dung dưỡng bao che nó.
Nếu một mai thí chủ bị ai đó đánh cho gãy thanh kiếm kia, thương tích đầy mình lên được chốn đây, bần tăng cũng sẽ làm nhiệm vụ ngăn cản kẻ thù cho thí chủ.
Sức vóc ông bao lăm mà lo chuyện bao đồng? Liệu ông nhắm cản ngăn được thế lực hiểm nghèo ập vào tự bên ngoài không mà lộng ngôn?
Từ phía độc đạo, chui trong rừng ra, có vị sư gánh hai bó củi lớn về. Xao động thứ lời qua tiếng lại trước chùa không làm thuyên giảm cước bộ, người ấy ngó ra đại sư đứng cùng những nhân mạng lố nhố tuồng đang cốt hóa giải một sự việc căng thẳng.
Ha, thiệt là trời chẳng phụ lòng ta. Trung niên hắc y cười rộ tràng lớn. Xem, dù đầu trọc, dù mặc áo cà sa, dù đội lốt này nọ ngươi cũng không thể đậy đằng thân phận. Thật là chạy trời không khỏi nắng. Tiểu Cự, hôm nay là ngày cuối cùng của ngươi, các vị nên ghi lịch để mai sau mà làm buổi giỗ nó cho mồ yên mả đẹp.
Hai bó củi rời khỏi đòn gánh, nỗi nhọc mệt bỏ đi và tức thì sự hoang mang trám chỗ vào khuôn mặt đỏ chuyển đổi sang tái. Hoa mắt, nháng lên một cái, trước mặt kẻ gánh củi đã lừng lững bóng hoàng y đại sư độ lượng bao che. Nhiệm Từ, từ khi con vất bỏ mọi thứ để tâm thân an lạc gửi mình vào Thiên Thai tự, thầy có nói lời đoan quyết, rằng ta còn thở phút giây nào thì giây phút đó vẫn canh thức cho sự an nguy của con. Thí chủ đây đã ngôn: chạy trời không khỏi nắng, thì Không Tánh này e phải khiêng cưỡng hóa thân làm một lọng dù thôi. Xét cho tận thì căn phần lão tăng ví như mái chùa nhằm che nắng mưa cho đệ tử từ lâu, có mệnh hệ gì cho bản thân, bần tăng quyết không từ nan. Thí chủ hãy động thủ đi, âu cũng là dịp để lão tăng thay mặt bá tánh mà trừ khử một tai ương, hôm nay thanh Mậu Thân cổ kiếm phải đoạn gãy.
Không, xin thầy hãy để Nhiệm Từ gánh vác tai họa. Căn nguyên của họa vận đều vì đệ tử mà hình thành. Ba mươi sáu bài quyền La hán thầy truyền đạt, để tử không tin là dễ bị khuất phục. Thầy đã tuổi hạc, lại nữa vắng thầy thì Thiên Thai tự sẽ chẳng còn linh hồn.
Con nên nhớ Mậu Thân cổ kiếm bao gồm 68 chiêu thức, hiểm ác khó lường…
Nhưng thưa thầy, chúng ta luôn thủ đắc một điều, ấy là quang minh chính trực sẽ khắc chế ma muội tà đạo. Oán thù mình ưa cởi mà họ thích buộc thì nên giải quyết một lần cho thỏa. Tay con nếu như lỡ vấy máu thì xin các vị chứng giám giùm, ấy là chuyện nằm ngoài dự tưởng. Cuộc đời này đôi lúc không có khói mà vẫn có lửa, ấy là bi kịch của chúng sinh.
Đừng dài lời, trăn trối thì nên kiệm lời. Dài dòng phỏng có ích gì? Từ khi ta hoạt động nội thành, ta lên xanh, ta về lại chốn phồn hoa, thảy những kẻ ác ôn chết dưới tay ta đều chẳng kịp thốt ra nửa lời, hôm nay chỉ có ngươi là cá biệt.
Ánh bạc của lưỡi kiếm lấp ló thoát ra khỏi vỏ bọc rồi bay lượn chập chờn nhiều ánh sao buốt giá. Sao này tới sao kia giăng bủa phủ chụp tới Nhiệm Từ, hung hiểm liền lạc chẳng gián đoạn ngắt rời. Không Tánh đại sư không nén kinh ngạc: Ô hay, võ công ấy nguồn gốc dường như đến từ nước lạ phương bắc, chiêu thức hư thực rõ là bàng môn tả đạo. Cây tre dùng làm đòn gánh trong tay Nhiệm Từ mỗi lúc một thu ngắn dần, ấy là do bởi kiếm bén tìm cách nhập nội quyết chấm dứt sớm trò giao tranh. Khi chẳng còn gì trong tay, buộc lòng Nhiệm Từ phải vận công sử dụng La hán quyền. Bài quyền nọ bình thường vốn dũng mãnh uy lực kinh khiếp, và chính điều ấy cũng là khuyết điểm mà nó vấp phải khi mang ra đối chọi với kiếm pháp thuần cương. Xưa nay võ thuật vẫn lấy khẩu quyết dùng nhu hóa giải cương, nhẹ nương theo cương mà tìm ra khe hở để định đoạt. Không Tánh đại sư chợt ngộ, không vào cuộc sớm thì tính mạng đứa đệ tử kia sẽ mành treo chuông, xé vạt áo cà sa mà làm vũ khí để liên thủ dương đông kích tây phân tán kiếm thuật gây hoảng loạn cho đối phương. Bần tăng không thể khoanh tay đứng nhìn thảm họa, giúp một tay cũng chỉ để dẹp yên phong ba, quyết không đả thương thí chủ. Không Tánh đại sư nói, trong lúc này mang tới cho đối phương sự phân tâm cũng nên hiểu là một chiêu thức. Bần tăng nhắc cho thí chủ hay, ấy là uy dũng mà thí chủ có được thảy nương nhờ vào đoàn vào đảng vào thế lực tập thể, tách khỏi guồng máy hung bạo kia thí chủ còn trơ lại dáng điệu một con cọp giấy. Trong ba chiêu, thí chủ sẽ chứng nghiệm lời bần tăng nói chẳng mang cường điệu ngoa ngôn.
Kiếm pháp của hắc y trung niên bắt đầu rối loạn, điểm nhược của y nằm ở chỗ nóng lòng. Y muốn giết người càng sớm càng tốt, phạm vào câu kệ “dục tốc bất đạt”. Mà đối phương lại là hạng người dùng hòa bình để đón đỡ, tâm không sanh phẫn hận và lỡ chết đi thì cũng an lòng cho duyên phận trời định để xuôi tay chẳng cưỡng chống. Lời bình “vô chiêu thắng hữu chiêu” trong muôn một cũng có lẽ phải của nó. Xưa nay tay không mà đối chọi với hung khí bén nhọn, chế ngự được tà đạo hẳn vẫn còn diễn ra thường hằng. Chẳng phải có tấc sắt trong tay thì anh sẽ biến thành cường hào ác bá gieo rắc máu lửa cho phía chân yếu tay mềm. Từ bi bao giờ cũng là hào quang mầu nhiệm, chuyện ấy chẳng cần trú thân vào Thiên Thai tự mới ngộ ra.
Keng. Âm thanh vang dội, chỉ một tiếng, để sau vọng động là cả một thin thít nín khe. Hiện trường im sững trong sát na tưởng bằn bặt hằng cửu. Do một thủ thuật tựa có học qua nghề xiếc, Không Tánh đại sư đã dùng vuông áo cà sa cuốn chặt được thanh Mậu Thân cổ kiếm, bức rời khỏi tay sát thủ và phóng nó tới phía hòn giả sơn, cắm ngập thanh kiếm vào tảng đá bất hoại. Mọi người như ngưng thở, chỉ có đuôi kiếm mãi rung trên câu thơ mang nặng chất thiền.
A di đà Phật. Những người khoác đạo bào đều chắp tay theo Không Tánh đại sư. Thí chủ có thể xuống núi, mai sau nếu có điều phân giải bần tăng vẫn nguyên vẹn chốn này hoan hỉ đợi chờ. Điều mà lão vẫn hằng mong ấy là oán thù nên cởi không nên buộc, đã hơn ba mươi năm, sao bang phái của thí chủ vẫn manh động một sự trù dập kẻ hiền lương. Nhiệm Từ, con có thể thay ta đưa tiễn thí chủ này một đoạn đường chăng?
Nhiệm Từ cúi đầu nghe theo. Trung niên hắc y cười lên tràng dài, tiếng cười bộc lộ cả một chuỗi phẫn uất. Bang phái ta có đề ra phương lược: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Lẽ nào cả ba điều ta bù trất ôm hư không mà quay gót. Kiếm sĩ mà mất kiếm khác gì nhà chùa mà thiếu Phật. Lòng ta giờ đây ngập tràn sân si phẫn hận. Không Tánh, ông nhớ cho, việc ông làm hôm nay đã chẳng hóa giải được gì mà còn gây thêm nỗi đau cho kẻ khác.
Với một động tác cực nhanh, bất ngờ ngoài dự kiến, hắc y độc hành đã rút được từ bó củi một que cành nhọn hoắc và vận sức đâm xuyên suốt vào dáng đứng mặc niệm của Nhiệm Từ. Tay vẫn chắp trước ngực dẫu ngực nọ đang ứa máu ra, loang vũng. Người Nhiệm Từ đổ xuống, mềm như lau sậy. Thưa thầy, xin thứ tha đệ tử là kẻ vụng tu. Lời nói cuối không thể dài hơn nhưng cái máy môi kia đã làm ứa ra những giọt lệ trên khuôn mặt nhăn nheo của Không Tánh đại sư. Nước mắt một khi đã đổ hẳn nó phải kèm gửi theo vạn điều: đớn đau, hối hận, khổ lụy, tắc trách… hoặc một cảm thông vượt trên cả cái hiểu đời thường.
La Hán tứ trụ suốt tháng năm dài tu thân trong Thiên Thai tự chưa bao giờ có cơ duyên nhìn ra thấu suốt nỗi lòng của vị thầy khả kính, mà nước mắt ràn rụa này là tấm kính soi rọi phản chiếu lòng từ tâm vô bờ của Không Tánh đại sư. Họ hiểu tuy thầy đứng đó cũng là thầy đang dần đi vào cõi chết. Khóc là động thái duy nhất muốn chia sẻ một hư hao. Không nói, bốn người họ tạo lập ra một trận đồ vây kẻ tà đạo vào giữa. La Hán quyền trước là tập cho thân thể cường tráng, sau là vào rừng hái lá nhặt củi nhỡ gặp mãnh thú cũng biết tự giữ mình. Nhưng khi đối mặt với vấn nạn bi thương cùng cực, bài quyền kia có thể mang lại sự chết chóc. Ơn đền oán trả, chuyện ấy người tu hành sẽ thực thi bằng cách khác, không cứ phải mạng đền mạng. Họ trói gô lấy gã trung niên hung ác và họ đợi chờ Không Tánh đại sư tỉnh thức bước ra khỏi bể trầm luân.
Kẻ giữ phần việc đánh chuông đã đến giờ không xao lãng nhiệm vụ. Tiếng chuông muôn đời vẫn thế, ngân dài ra ta bà thế giới nhiễu sự. Nhưng trưa hôm nay sao chuông gióng hồi nghe nặng lòng tâm sự. Chuông đồng vô tri vô giác sao biết truyền đi những thắt ruột quặn lòng? Than ôi! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ là vì vậy!
Không Tánh đại sư ngửa mặt lên than: Nghiệp chướng! Nghiệp chướng!
Hồ Đình Nghiêm
*thơ của Nguyễn Du: “Vọng Thiên Thai Tự”.
Dịch thoát: Chùa cổ lá vàng thu phủ kín, triều xưa mây trắng sãi già rồi.
Recent Comments