Rét mướt Hà Nội chẳng giống cái lạnh chốn đây. Xứ nầy, tuy vào xuân, cây chưa có được lá, thân khẳng khiu, mốc thếch chẳng cựa mình. Đất trời bạc nhược, co quắp thứ nỗi niềm khó nói nên lời, như tuyết rơi chẳng cần tin dự báo, như mưa đổ tình cờ trong đêm và sáng mai mặt nhựa đường tự dưng đóng băng.
Rét Hà Nội là thứ gì rất đỗi đằm thắm, rét ngọt. Nó đến từ tốn, xâm chiếm dần và nó lân la ở bên ta dài lâu. Ông bà thường bảo: Lạnh từ trong người lạnh ra! Nếu mấy cụ sang đây, chạm phải cái hung hãn của gió tuyết tê cứng, có thể họ lại lập ngôn: Giời ạ! Lạnh từ ngoài lạnh vô thấu xương. Lời phát biểu ấy chả có gì kì cả, diễn tiến của mọi vấn đề bao giờ cũng từ ngoài tác động vào bên trong. Tâm phẫn hận mới sinh ra tội ác. Con gà đẻ ra trứng hay trứng nở thành con gà? Thậm rắc rối!
Hút thuốc nhớ? Một cách tìm kiếm hơi ấm? Vâng, xin bác nhá. Hàng Buồm, hàng Hành, phố bà Triệu, gần Bưu điện, sát bờ hồ… những quán cà phê đục khói thuốc, đồng điệu và hài hòa với thứ khí hậu ẩm lạnh đến mù sương bên ngoài. Cây cơm nguội, cây bàng đứng cúi đầu, và tất cả trôi đi như một đám mây. Mới đó mà gần hai năm. Hai năm, còn mới quá. Tấm gương chưa thể tróc lớp tráng thủy đàng sau, mù mờ chợt vẹt chẳng lai vãng; và tấm kính vẫn rạng ngời soi rọi mỗi một hồi ức. Quê cũ luôn hiện về trong những cơn mộng sắp tàn canh. Thức giấc, có khi nó ập tới vào đầu ngày bằng tiếng chuông điện thoại réo không mong đợi.
– A lô…
– Mầy đấy hở. Mấy giờ rồi? Khiếp! mầy vẫn còn ngủ cơ à? Công ăn việc học thế nào?
– Bố à? Bố mẹ có khỏe không?
– Tao vẫn thế, cương cường. Chỉ có mẹ mầy. Mẹ mầy…
– Sao cơ ạ?
– Bên đấy mầy có hay tin gì không?
– Tin gì hả bố? Đại gia tậu xe Roll Royd hay lại biểu tình dành chủ quyền hai đảo Hoàng Sa Trường Sa?
– Mẹ mầy. Việc ấy đếch có liên quan tới mầy. Mầy như người mù… Ừ, mà không khéo được mù lại có khi hơn. Lại điếc nữa cơ, thế mới đỡ khổ tâm!
– Bên ấy đang còn ba ngày tết, chắc bố lại vừa tợp rượu xong?
– Tết với chả nhất. Hôm nào mà tao không xơi một cốc rượu chứ? Ông nhà thơ gì đấy, ông bảo rằng khi yếu lòng ông vịn câu thơ mà đứng dậy. Còn bố mầy, chỉ có rượu mới vực tao lên thôi con ạ!
Bố. Một nghệ sĩ nhân dân. Có khi bị khai trừ ra khỏi đảng vì tội mạo danh. Lợi dụng hôm đồng chí trưởng phòng bận đi công tác ở Liên-xô, bố sáng tác một vở kịch kí tên người vắng mặt. Chuyện bị lộ, họp kiểm điểm, bố tự biện hộ: Những thành quả lao động trí tuệ của tôi đều bị lãnh đạo phê phán không duyệt kí, nhưng khi để tên người có vai vế vào, vở kịch ấy được trình diễn và được trên đánh giá cao là thế nào? Chế độ ta rất ưu việt, ai cũng sáng mắt sáng lòng nhận ra, nhưng qua vụ việc này… oan cho tôi quá.
Bố. Người đàn ông có thể làm bất cứ điều gì với châm ngôn nhét chật trí não: Hy sinh đời bố củng cố đời con. Bố gặp mẹ ở trong một hội nghị họp liên ngành. Hai người yêu nhau và được sự đồng thuận của tổ chức, của cơ quan, của đảng và nhà nước xếp đặt. Họ đăng kí kết hôn, nghe theo chủ trương, họ chỉ có quyền sinh sản ra hai đứa con. Một trai một gái. Giai được gửi gấm đút lót cho xuất ngoại đi Canada theo diện du học sinh. Gái, theo gương bố, vẫn còn ở Hà Nội đeo đuổi ngành cao đẳng kịch nghệ. Em giống bố, ở đầu óc ưa liều lĩnh và ở thể hình, một vóc vạc lớn cao, sớm nẩy nở. Tựu trung, em có khuôn mặt khả ái, dễ thiện cảm. Tự thân, em là thứ gì có sức hút tựa một thỏi nam châm. Và theo cách nói của bố: Nó là hủ mắm qúy của tao luôn treo đầu giàn. Treo đầu giàn hay treo đầu giường? Ối, thì cũng cùng một nghĩa như nhau.
– Bố đang ở đâu thế?
– Tao ở bưu điện, mỗi bận dùng dây nói gọi đi xa tao đều ra đây.
– Có tốn tiền không hở bố?
– Vài đô thôi. Mầy chớ nói chuyện mắc mỏ cần kiệm với bố mầy! Mầy ít khi nối mạng vào lưới lắm nhỉ?
– Bên nầy thời giờ eo hẹp lắm bố ạ. Ngày chưa đi đêm đã tới rồi. Trời chóng tối, đèn đuốc phải thắp cháy thường trực.
– Mẹ mầy! Ăn nói cứ linh tinh chả ra đầu ra đũa. Phải tranh thủ mà ôm cái máy vi tính vào người. Thời buổi bùng nổ thông tin đại chúng, mầy mang tiếng du học nước văn minh mà xem ra lạc hậu hơn cả bố mầy.
– Cái Lan ra sao hả bố? Chừng nào em tốt nghiệp?
– Con em mầy… Con Lan… Hừ, nó tốt nghiệp rồi. Không thành nhân cũng thành danh. Mẹ kiếp! Khốn nạn đến thế thì thôi!
– Bố say rồi sao? Bố mang cả rượu vào bưu điện uống cơ à?
– Ai bảo mầy thế? Nếu được say tao đã không nói ra những điều tỉnh táo dường ấy! Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại. Mầy hiểu bố mầy nói gì không?
– Từ đầu tới giờ con thật chẳng hiểu bố muốn nói gì. Như vậy thì có phí uổng tiền điện thoại viễn liên không? Bên nầy con vẫn thường, bên kia bố mẹ và em Lan vẫn khỏe, thế là được, là tốt, là điều mà chúng ta cần biết về nhau. Đấy là lượng thông tin cần nối kết.
– Tao bảo mầy nên nối mạng vào nét chỉ là cái nhập đề. Mầy phải nắm bắt rồi bố mới đi dần tới thân bài và kết luận. Mầy mở máy vi tính, nối mạng, đi truy cập hang cùng ngõ tận rồi mầy sẽ chứng kiến cảnh đau lòng. Con em mầy là diễn viên, là siêu sao diễn cảnh nóng vượt chỉ tiêu. Cuộc đời bố từng trải qua nhiều hoạn nạn, từng chạm mặt tử thần, nhưng chưa khi nào đối đầu với vấn nạn tựa hôm nay. Bố mẹ chẳng dám vác mặt ra đường, đi đâu cũng gầm đầu mà đếm bước. Bạc phước đến thế sao hở giời! Oan gia tự thuở nào giờ nầy bắt tôi phải giả!
– Bố nghe miệng xấu thế gian đồn thổi hay chính mắt bố chứng giám?
– Ban đầu thì nghe ong ve ruồi muỗi xì xào nhặng tai, chịu đời không thấu bố phải thân hành lén lút ra tụ điểm cà phê nét đêm khuya lướt mạng nối vào phim đen. Mầy không tài nào hình dung ra được cái tâm cảm của bố lúc đó đâu, con giai ạ. Đất trời sụp đổ là câu văn mang đầy tính hiện thực.
– Bố căng mắt ra xem cảnh em Lan làm tình? Kỳ cục thế!
– Giời ạ! Hoàn cảnh thôi con ạ. Vạn bất đắc dĩ thôi. Trăm nghe không bằng chính mắt mình thấy. Nó rướn thân, nó trăn trở, nó dạng chân, nó rên rỉ, nó thụ hưởng, nó thống khoái… Và cái quan trọng nhất, đấy là Lan nó biết máy thu hình đang hoạt động, chỉnh sửa ở vị trí xét thấy đặt ở đâu là thích hợp nhất. Người ta có thể tha thứ nếu họ hiểu nhân vật chính trong phim là nạn nhân cho một âm mưu tồi bại nào đó. Đằng nầy không, nó trân tráo hướng mặt tới ống kính, vuốt tóc vuốt tai, bẹo hình bẹo dạng…ngó điên tiết cả lên. Ngó tủi hổ ưa uống thuốc trừ sâu mà chết mẹ nó đi cho được việc!
– Thế em nó hiện giờ ở đâu?
– Khi bố ra bưu điện gọi thăm mầy thì nó có đứa bạn đến rũ đi ăn bún ốc uống cà phê. Nghe mẹ mầy báo cáo thế. Mời anh vào quán ca ra, ô kê em đã mở ra sẵn sàng!
– Có nghĩa là Lan vẫn bình an?
– Đầu óc nó thế nào thì tao chẳng rõ, còn ngoại hình nó vẫn thế, chẳng trầy vi tróc vẩy, vẫn diện đồ hiệu, vẫn ngẫng mặt thách thức dư luận. Tuồng như nó luôn chối bỏ cái luận điệu của nhà Phật: Đời là bể khổ!
– Thế thì nó có gây thù chuốc oán với ai không? Sao có đứa nhẫn tâm đem trình làng cái thước phim đốn mạt ấy? Tiếng gì lao xao trong điện thoại thế hở bố?
– Ồ, có con mẹ đi móc túi bị bà con phát hiện. Đấy, chúng nó gọi công an vào rồi đấy. Mẹ kiếp, bọn bất lương thì bao giờ cũng nhiều, như ruồi nhặng. Mầy có sẵn giấy bút đấy không? Ghi xuống cái địa chỉ và số điện thoại nầy. Cất kỹ, chớ đánh rơi.
– Gì mà quan trọng thế!
– Khẩn trương lên. Chuyện còn dài, nói điện thoại kiểu nầy không chừng bố mầy hết cả tiền mua rượu. Nầy, lâu nay mầy có gặp túng thiếu không? Thành thật khai báo để bố chi viện cho. Bây giờ ngẫm lại, cả nhà chỉ có mình mầy là bố mẹ đặt để niềm hy vọng. Thi thoảng cũng nên đi giải quyết cái khoản ấy, đừng để ẩn ức sinh lý, không tốt. Gì chứ đè bọn mắt xanh tóc vàng xuống trả thù dân tộc thì tao hoan nghênh. Đế quốc thực dân thì chả có ai ưa chúng cả. A-lô… Sao mầy câm như thóc thế?
– Con thực sự bị sốc bố ạ. Choáng! Bố mẹ phải trông chừng nó, kẻo có khi yếu lòng em mụ mị đi làm chuyện dại dột. Mẹ phải đầu tư thời gian để chăm cái Lan.
– Mầy bảo nó đi làm chuyện dại dột là thế nào? Nó chủ động cởi áo quần ngủ với trai là khôn ba năm chắc?
– Vụ việc đã lỡ xẩy ra, cái cần làm là chúng ta phải tỉnh trí để đối phó với thực trạng.
– Mẹ mầy bảo may mà không có thằng Dũng ở đây…
– Có mặt con thì sao?
– Bà ấy sợ mày xách dao đi chém thằng khốn nạn ấy.
– Thế bố có biết gã ấy không? Quan hệ giữa nó và em Lan… A lô… Bố…
– Tao mới nhác trông thấy ai như con Lan vừa đi ngang. Bố dừng nhé, có gì bố sẽ gọi sau. Để bố theo dõi xem Lan nó đi những đâu.
Quán phở ấy luôn đông khách. Mở cửa mười giờ, mười một giờ đã chẳng còn ghế trống. Góc quán treo cái T.V màn hình lớn, mỏng lét như tấm tranh và ca sĩ hải ngoại diêm dúa khoe đồi núi phì nhiêu luân phiên hiện hình gào thét trên đó.
– Mẹ nó, cái lão ấy thì vẫn thế, luôn có lối nói xem thường người nghe, lếu láo!
– Được cái nó chả chửi chế độ. Chủ trương thế nên bên nhà có lắm người mua đĩa của chúng nó.
– Mấy giờ thì thằng ấy lại?
– Xem… Nó đến kia kià. Vào đây, vào ngồi đây. Rét nhỉ?
– Vâng, đường nhiều gió lắm anh ạ. Cóng cả tay!
– Tớ giới thiệu nhé, anh Ẩn, đây là Dũng, dân Hà Nội chính hiệu đấy.
– Sao lại đi kèm chữ chính hiệu vào?
– Ậy, không phải nãy giờ chúng ta nói tới băng đĩa ca nhạc thu hình lậu sao? Có giả thì phải có thật chứ? Phải có vàng mới có thau.
– Không lẫn lộn. Sao, chúng ta cùng gọi phở nhé? Và xin phép hai anh cho Dũng được mời bữa nay.
– Cậu giả tiền à? Tớ không khách sáo. Vậy cậu cần gì ở tớ nào?
– Nhờ anh Ẩn sang hộ đoạn phim ấy vào DVD, được không ạ?
– Dễ như ăn ớt. Nói cậu đừng phật lòng, tớ xem đi xem lại đoạn phim ấy mãi. Con bé rất xinh và tớ áng chừng kẻ chịu chơi chí ít phải mất cả ngàn đô chứ không vừa.
– Mà này, tại sao người ta luôn gọi vợ là cơm nguội trong khi cái khoản kia thì là phở? Sao không là mì ăn liền?
– Phở mới hấp dẫn chứ. Mì gói, dù mì con tôm mì cao cấp thảy nghe ngán bỏ mẹ! Rẻ tiền nữa chứ. Chỉ dùng để cứu trợ nạn nhân bão lụt!
– Nó có tải lên hai ba phiên bản khác nhau, cậu muốn tớ lưu lại cái 5 phút hay cái 9 phút? Cái 9 phút thì HD hình ảnh trong vắt rõ mồm một. Tớ mới tìm thấy cái site ấy, có cả “Một đêm với Paris”.
– Đã mất công làm thì đè cái dài nhất mà chơi, hỏi han chi cho nhọc công thế!
– Nhất trí vậy đi.
– Hôm nay Thu đi đâu chả thấy mặt nhỉ?
– Con bé làm ca hai, từ bốn tới mười giờ tối.
– Nó người Hải Dương hay sao ấy nhẩy?
– Hải Phòng đấy ông ạ. Đất cảng và thành phố hoa phượng quê tôi ý. Tuồng như nó có cảm tình với cậu, phải không Dũng?
– Nói sao cơ ạ?
– Anh Dũng nom hiền lành đến thế thì thôi. Là du học sinh chắc tiền đồ sáng lạng?
– Cơ khổ! Bé cái nhầm. Anh Dũng có hiền lành không? Chứ anh thâu vào đĩa cái phim đồi trụy ấy để làm gì nào?
– Xin mấy bác tha cho, nhà cháu có nỗi khổ tâm riêng!
Người con gái bắt đầu thoát y. Dũng đóng máy, đoạn phim ghi hình Lan, đứa em gái rên tiếng cuối rồi tắt ngúm. Coi trăm lần, tuy khó chịu vì tình máu mủ, nhưng dẫu sao thước phim nọ cũng gieo vào người Dũng sự đảo lộn khí huyết. Dũng cần có bạn cùng chia sẻ và Thu đang trần truồng nằm dạng chân trong chăn. Anh Dũng à, em đang khó chịu đây. Khẩn trương lên anh, bốn giờ em còn phải lao động đi bưng phở cho chúng xơi. Vô tình, Thu đã có những động thái giống hệt Lan diễn trong phim, điều này làm Dũng nhập cuộc chẳng cần một hối thúc bên tai. Em phải nói lên một điều gì đi chứ? Nói yêu anh sao? Bắt thề thốt sao? Không, la lên, biểu lộ sự hưng phấn, tục tĩu càng tốt. Bắt Thu la, vậy trước khi gào, anh có nên nói một lời dịu dàng cho Thu mát ruột không? Mẹ kiếp, lúc nầy mà dịu dàng cái nỗi gì nữa. Lý ra Thu phải bắt anh đối xử cực tàn bạo mới hợp nhẽ. Giời ạ, cho em nguyên vẹn hình hài để còn kiếm cơm. Thằng chủ quán ấy sang đây rồi mà vẫn còn đè đầu đè cổ phục vụ viên trả lương rẻ mạt. Lao động chả vinh quang một ly ông cụ nào sất!
Như chiều dài đoạn phim ngắn, Dũng cũng đầu hàng cùng thời điểm. Bận sau anh mua camera về thu hình chúng mình để kỷ niệm Thu nhỉ? Thu ôm mớ áo quần vào phòng tắm, cô nói mà chẳng quay đầu: Để làm cái đếch gì? Để tống tình tống tiền nhau sao? Tiểu nhân thì cũng chừng mực nào đấy thôi!
Ngồi trên đống mền gối nhàu nát, Dũng thấy cái xách đeo vai của Thu móc ở lưng ghế. Chẳng cưỡng được tò mò cậu mở rộng miệng thò tay lục soạn. Thỏi son bôi môi, cây viết, cuốn sổ nhỏ ghi khoảng chục số điện thoại, miếng bông vệ sinh phòng hờ kinh nguyệt không điều hòa và… một con dao bấm của Thái Lan.
– Xấu nết thế, sao lại đi kiểm tra lùng sục đồ dùng cá nhân của phụ nữ?
– Sao em nghèo thế? Chả có xu đen dính túi. Em cầm tạm hai chục bạc lỡ có gì mà chi trả. Anh quan tâm tới sao Thu lại bảo anh xấu nết?
– Có hai chục thôi à? Mất mặt thế, tôi nhận làm gì cho mang tiếng moi tiền của giai.
– Anh hỏi thật này. Đi làm mà sao lại dấu theo cả hung khí trong ấy?
– Đi buýt mí lị metro về tới nhà có khi mười một mười hai giờ đêm, phải biết sắm đồ phòng thân chứ. Nó bén lắm anh ạ, như lưỡi lam ấy. Bổ cam bổ ổi cú một, ngọt như miá lùi. Thằng nào quờ quạng gà mờ nói không giữ lời thì mình thiến cái vật gia bảo lắm chuyện ấy chẳng gớm tay.
– Eo ôi, nói nghe kinh!
– Tin không? Ở quán phở bọn chúng thách và con nầy đã ăn cả thịt bò sống đấy. Có sao đâu! Thôi, đi làm đã nhớ.
– Sao không ghi số điện thoại của anh vào cuốn sổ ấy?
– Chi vậy? Ghi vào đầu chẳng được sao? Nên nhớ, những con số dễ xao lãng mới ghi nó ra giấy. Anh có đổi số phone thì phải thông báo, ok?
– Chừng nào Thu gọi cho anh?
– Mai, mốt, có thể, tùy thuộc vào sức khỏe và lòng ham muốn. Người ta đồn con nhỏ trong phim kia là em ruột anh à?
– Bậy nào. Anh đâu vô phúc đến thế.
Chuông réo hồi lâu, hối thúc dài miên man mới có người rảnh tay nhấc ống nói.
– Bố à. Đang bận chuyện gì thế?
– Tao đang tháo gỡ tấm màn ra. Từ dạo mày đi bố dùng căn phòng mày ở cho con bé dưới quê lên trọ học mướn thuê. Giờ thì nó cũng dọn sang căn hộ khác rồi, nó không muốn chung đụng với những tai tiếng thị phi. Mẹ nó chứ!
– Con đã thử gọi số mà bố cho hôm trước ấy, ông ta bảo rằng bố mày là thằng dở hơi, ở chỗ xa xôi ông ta đâu có nắm vững địa bàn, nhất là Hà Nội giờ này đã thay đổi ngần ấy.
– Có nghĩa là lão từ chối? Lão rửa tay gát kiếm hay lão mặc cả điều gì?
– Lão bảo đường tắc bố chẳng ưa đi lại khổ công đi đường vòng, cẩn tắc vô ưu mà làm cái đếch gì!
– Láo xược! Thế nó còn nói gì thêm?
– Bảo rằng bố đi ăn bún chả gần chợ Đồng Xuân ấy, hỏi ông Tám, trình bày cụ thể thì người đó sẽ giúp cho. Dân anh chị đầu gấu dưới trướng ông Tám chủ trương không giết người, mức độ tàn phế thì toàn quyền do bố định đoạt, giá cả linh hoạt di động theo bao nhiêu phần trăm thương tật. Giá cao nhất là năm triệu để bố dễ nắm bắt. Cơ bản là thế.
– Nếu ngộ nhỡ như thằng sát thủ kia bị công an hỏi thăm sức khỏe, nó có vui miệng khai rõ đầu dây mối nhợ không?
– Không. Họ như mafia vậy bố, chỉ liên hệ với đứa chỉ huy trực tiếp thôi. Chúng ra tay mà ít khi thắc mắc nguồn cội.
– Được vậy tao cũng an tâm. Tao đã gọi người rồi, tấm phản gỗ qúy mày vẫn nằm ấy họ trả hai triệu rưỡi. Mẹ mày tiếc của còn tao thì ưa bán phức cho thông thoáng nhà cửa. Hai triệu rưỡi, ngần ấy đồng cũng thanh thỏa được khối việc con giai ạ!
– Thế giờ nầy bố liệu sao?
– Lâu nay tao chẳng làm gì ra trò trống. Người cứ manh động một ý đồ cần giải quyết cho xong, như cái dằm nằm trong mắt, cần phải nhổ đi. Để cho con em mầy biết rằng bố thương nó vô hạn, vì thương yêu bố phải cho thằng ấy nếm mùi khổ đau. Dám phá đời con tao hả thằng khốn, ông cho mầy ngồi xe lăn suốt cả cõi trần.
Dường như quá đỗi bức xúc, chẳng còn nghe ra tiếng nói của người đàn ông 62 tuổi, vọng trong ống nghe của điện thoại là tiếng thở nhọc mệt và âm điệu xa gần bài hát “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”.
Hồ Đình Nghiêm
Recent Comments