Thông thường, xã hội nào cũng có hai giai cấp: giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. “Giai cấp thống trị xã hội” (GCTTXH) thời Quân Chủ là giới Sĩ phu. Sĩ phu là giới có học, có khả năng giúp vua trị nước. Nguồn gốc các triều Lý, Lê, Trần, Nguyễn… là từ giai cấp thống trị nầy.
Khi Thực Dân xâm lăng và cai trị nước ta, giới Sĩ phu bị sụp đổ hoàn toàn hay một phần. Nó có nghĩa rằng, một số đông không chịu ra làm quan với Tây, cáo quan xin về làm người dân thường. Một số, cũng không ít, ở lại trong giới quan trường, hợp tác với Tây. Người ta có thể lấy trường hợp Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường để làm ví dụ.
Nói như thế, có nghĩa rằng, sau khi Tây cai trị dân ta, một giai cấp thống trị xã hội mới hình thành. Giai cấp nầy từ đâu ra?
Trước hết, vì Tây là ngoại nhân, trở ngại đầu tiên trong việc cai trị là ngôn ngữ. Họ cần thông ngôn để làm trung gian, đạt được sự thông hiểu giữa kẻ xâm lăng và người bị xâm lăng, nên người thông ngôn đóng vai trò ấy.
Không ai có thể phủ nhận việc người Pháp xâm lăng có sự tiếp tay của các ông cha cố, trước hết là các cha cố người Tây Dương, có khi sử gọi họ là “Những tên thực dân mặc áo thầy tu”, tiếp sau đó là giới tu sĩ Thiên Chúa Giáo La Mã người Việt. Hai thế lực nầy – Thực dân và Giáo hội – cấu kết với nhau và cùng có lợi. Thực dân thì có lợi ích của Thực dân, cha cố thì có lợi ích củ đạo Thiên Chúa La Mã. Dĩ nhiên, lợi ích của giới tăng lữ là việc thiết lập và bành trướng đạo Thiên Chúa La Mã ở Việt Nam.
Từ ý nghĩa đó, việc đào tạo thông ngôn, và việc đào tạo các linh mục, có tính cách liên minh, giữa Thực Dân Pháp và Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã. Linh mục hay giáo dân có học, làm việc cho Tây hay nói hẳn ra làm tay sai cho Tây, kết hợp với thành phần sĩ phu trung thành với quyền lợi và địa vị của mình hơn là “trung quân”, như ở trong Nam thì có Tôn Thọ Tường, Đỗ Hữu Phương, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, ở kinh đô Huế thì có Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, ở Bắc thì có Hoàng Cao Khải, tạo thành một giai cấp mới, nói rõ ra là “Giai cấp (mới) thống trị xã hội Việt Nam” thời kỳ đó.
Dĩ nhiên, thành phần mới trong giai cấp nầy, phần nhiều do Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Thực Dân Pháp đào tạo, số đông là người theo đạo Thiên Chúa La Mã, chiếm một tỷ lệ cao hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 6% dân chúng Việt Nam là con chiên của đạo Chúa Giê-Su.
Những người tham gia chính quyền mới, thời Tây còn cai trị, thời kỳ Bảo Đại còn là Quốc Trưởng hay thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa, phần đông là từ giai cấp thống trị xã hội nầy.
Vì vậy, người ta thấy:
a)-Các cấp chỉ huy trong quân đội, từ cai đội lên tới quản (thượng sĩ) trong quân đội Pháp thời Pháp thuộc hay từ hạ sĩ quan lên tới tướng lãnh trong Quân Đội Miền Nam sau nầy…
b)-Viên chức cai trị, từ làng xã (địa phương) tới cấp chính phủ (trung ương)…
c)-Các ngành chuyên môn như giáo dục, y tế, giao thông thương mại…
Người theo đạo Thiên Chúa La Mã chiếm một số đông trong ba thành phần a, b, c nói trên. Họ có học, có khả năng. Học và khả năng ấy, do chế độ mới đào tạo cho họ, xử dụng họ và cho họ quyền lợi.
Nhiều người cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm không thiên vị đạo Thiên Chúa vì ngay những người thân cận với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu như các ông Võ Văn Hải, Quách Tòng Đức, Phạm Thư Đường… không phải là tín đồ đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên, tình trạng ấy không phản ảnh được việc chính quyền Ngô Đình Diệm không thiên lệch trong vấn đề tôn giáo ở ngoài xã hội.
Thành phần của môt chính phủ bao giờ cũng phải có sự cân bằng trong nhiều màu sắc: tôn giáo và địa phương. Tôn giáo thì chính yếu vẫn là Phật giáo, Thiên Chúa Giáo; địa phương thì phải có màu sắc Trung-Nam-Bắc để khỏi bị giằng kéo, lôi cuốn, phê phán là thiên vị.
Trong các giới a, b, c như vừa trình bày ở trên, người theo đạo Thiên Chúa có đa số. Bởi vì chính quyền là con đẻ của giai cấp thống trị xã hội, nên chính quyền đó là Của Ai, Vì Ai, phục vụ Cho Ai thì đó là vấn đề.
Trong một xã hội thiếu dân chủ thì chính quyền không phải là của toàn dân mà chính là của giai cấp đẻ ra nó. Trong ý nghĩa đó, chính quyền ấy không phải vì toàn dân mà chính là vì giai cấp mà từ đó nó sinh ra.
Chính vì sự bất cân xứng đó, sự xung đột chính trị, có khi dẫn tới quân sự trong các chế độ cai trị Việt Nam không Cộng Sản, là mâu thuẫn không sao giải quyết được. Mâu thuẫn có tính căn bản giữa một bên là số đông dân chúng, một bên là chính quyền của giai cấp thống trị xã hội không đại diện cho số đông dân chúng.
Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, một chính phủ lâm thời của “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” được thành lập, sự mâu thuẫn giữa chính phủ lâm thời có khuynh hướng toàn dân và giai cấp thống trị xã hội thời bấy giờ nảy sinh. Phản ứng của giai cấp thống trị xã hội là cuộc chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964, mà ngưòi ta coi đó như là sự hồi sinh của chế độ Diệm. Dĩ nhiên, tình trạng mâu thuẫn như thế dẫn đến ba năm xáo trộn thời “hậu Ngô Triều”.
Đây không phải là việc tranh giành quyền lực giữa các phe đảo chánh, chống đảo chánh, giữa chính phủ thân hay không thân Phật giáo, mà chính là sự mâu thuẫn giữa giai cấp bị trị, mà số đông là tín đồ đạo Phật, và giai cấp thống trị xã hội mà số đông là tín đồ đạo Thiên Chúa La Mã.
Năm 1965, khi chính phủ dân sự bị lật đổ (mỹ từ là từ chức), trao quyền cai trị đất nước cho “Hội Đồng Quân Lực” thì giới bị trị trong xã hội miền Nam thời bấy giờ, mà số đông là tín đồ Phật Giáo, tự thấy mình đứng trước một nguy cơ là mất đi cái ưu thế đã giành được phần nào sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ.
Giới Phật giáo đồ thấy gì?
Một là, “Người da trắng” vẫn còn đó, có nghĩa là lời phát biểu của giám mục Phạm Ngọc Chi ở nhà thờ Phú Cam khi người Pháp rút khỏi miền Nam còn ám ảnh họ: “Bao giờ người da trắng còn hiện diện trên đất nước nầy là họ còn cần đến chúng ta.”
Lời phát biểu ấy, diễn đạt một cách rõ ràng là: Dù người Pháp có cuốn gói ra đi thì vẫn còn người Mỹ ở đây, họ đến thay thế người Pháp. Người Mỹ cũng là người da trắng nên họ cũng cần đến người theo đạo Thiên Chúa La Mã ở đất nước nầy.
Người ta có thể không bàn đến tính chất phản động và bán nước cho ngoại bang trong câu nói của giám mục Phạm Ngọc Chi, nhưng rõ ràng qua câu nói nầy, người Mỹ sẽ đứng sau lưng đạo Thiên Chúa La Mã khi họ có mặt ở đây.
Hai là: Trong viễn tượng đó, khi chính phủ dân sự Phan Huy Quát trao quyền lại cho Quân Đội, thì cái thế yếu của Phật giáo đã thấy rõ. Một chính phủ dân sự, của một đảng chính trị – bác sĩ Phan Huy Quát thuộc đảng Đại Việt – làm cho tín đồ Phật giáo cảm thấy “nhẹ nhàng” hơn với một chính phủ Quân Nhân, do “Hội Đồng Quân Lực” đẻ ra.
Có cái gì làm cho người ta có thể tin tưởng hay không ở hàng tướng lãnh?
Trước hết, một viễn ảnh quân sự bao giờ cũng nặng nề hơn, làm cho người dân lo lắng hơn trước một viễn ảnh dân sự. Ví dụ: Ngay khi mới chiếm xong miền Nam, Cộng Sản thành lập ngay ở mỗi địa phương một chính quyền Quân Sự, tên gọi là “Ủy Ban Quân Quản”. Trên nguyên tắc, một “Ủy Ban Quân Quản” bao giờ cũng rộng quyền hơn một “Ủy Ban Nhân Dân” hay “Hội Đồng Nhân Dân”. Họ có thể xử dụng biện pháp mạnh, xử bắn những người chống đối bằng một tòa án quân sự với không nhiều thủ tục như một tòa án dân sự.
Trong ý nghĩa đó, khi quyền cai trị miền Nam được giao lại cho “Hội Đồng Quân Lực”, người theo đạo Phật thấy rõ tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, “Hội Đồng Quân Lực” có quân đội, có nghĩa là “phương tiên bạo lực” nằm trong tay họ, và làm sao biết các tướng tư lệnh, – cấp Sư Đoàn hay Quân Đoàn, hay tướng lãnh ở Trung Ương sẽ nghĩ gì, làm gì khi một biến cố chính trị xảy ra. Sau lưng các tướng lãnh là người Mỹ, là “người da trắng” như giám mục Phạm Ngọc Chi đã mô tả, biết người Mỹ sẽ nghĩ gì, làm gì với đa số dân chúng miền Nam. Người Mỹ, dù cai trị miền Nam bằng “Chế độ Thực dân mới” cũng không nắm được hay điều khiển được khối đa số Phật Giáo đồ.
Để thoát ra khỏi những “vòng vây” nầy, trước tiên, điều đòi hỏi hợp lý và hợp pháp nhất là không để “Quân nhân cầm quyền”.
Để rõ hơn, xin trở lại với “Bản ghi nhận tình báo CIA”, in ở trang 83 của sách nầy. Lưu ý đề mục:
-“Ngày 19 tháng 3 năm 1966, Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dận sự.
Dĩ nhiên là không thể “chống đối chính phủ”. Nói như thế là để khỏi bị chính phủ đàn áp. Nhưng điều hợp lý và có lợi cho Phật Giáo đồ là “bầu cử” và “thành lập chính phủ dân sự”. Thực ra hai sự việc nầy đi đôi với nhau. Không lẽ có bầu cử mà Quân Đội vẫn còn nắm chính quyền?
Bầu cử thì có lợi cho Phật Giáo đồ bởi vì họ số đông.
Như vậy, nếu có bầu cử tự do, chính quyền trong tương lai là “chính quyền của số đông, của toàn dân, của giai cấp bị thống trị”. Nó không còn là chính quyền của giai cấp thống trị xã hội nữa.
Sự việc trở thành là: Chính quyền của ai?
Nếu là chính quyền của giai cấp bị thống trị, của số đông, không phải là của, – như đã có một trăm năm nay -, là của “giai cấp thống trị xã hội” thì ngay người Mỹ cũng bất lợi: Không điều khiển được chính quyền miền Nam.
Chỉ chừng đó thôi, người ta đã thấy ngay âm mưu của người Mỹ trong việc thực hiện “Chủ nghĩa Thực Dân mới” rồi. Nó có nghĩa rằng người Mỹ sẽ cho:
a)-một mặt, cứ thực thi bầu cử, là nguyên tắc căn bản của chế độ tự do, dân chủ.
b)-mặt khác, chia rẽ để làm suy yếu thế lực của khối dân chúng đa số. Do đó, người ta thấy Phật Giáo đồ bị chia rẽ thành ba phe: Phe miền Trung (Chùa Ấn Quang), Phe miền Bắc (Chùa Vĩnh Nghiêm). Hai phe nầy tranh quyền nhau để nắm Phật Giáo, tranh nhau và đánh nhau khi giành giật Việt Nam Quốc Tự. Phe Phật giáo miền Nam, vô can, lui về Chùa Xá Lợi ở đường Bà Huyện Thanh Quan.
Cùng lúc đó, “Hội Đồng Quân Lực”, qua Nguyễn Cao Kỳ, tuyên bố sẽ tiếp tục nắm quyền thêm một năm nữa, có nghĩa là sẽ hoãn bầu cử.
Trước cung cách cai trị miền Nam như thế của người Mỹ, phe Phật Giáo miền Trung lui về Huế tiếp tục đấu tranh, cố đòi cho được bầu cử, phải có chính phủ dân sự.
Để giải quyết xung đột, – sợ kéo dài không có lợi cho vị thế người Mỹ ở miền Nam -, người Mỹ cung cấp phương tiện để “Hội Đồng Quân Lực” đem lực lượng quân sự và bán quân sự ra miền Trung đàn áp cuộc tranh đấu của Phật Giáo đồ, mặc dù trước đó, chính “Hội Đồng Quân Lực” tuyên bố không dùng biện pháp quân sự với các cuộc tranh đấu của Phật Giáo.
Kết quả rõ ràng là Phật Giáo bị chia rẽ, suy yếu.
Bầu cử được tổ chức, Hiến Pháp được ban hành, chế độ Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa được hình thành, quân nhân phải giải ngũ để được tham gia guồng máy cai trị phân quyền theo đúng định chế dân chủ.
Tuy nhiên. Đây chỉ là một chính quyền dân chủ nửa vời, nghĩa là không dân chủ hoàn toàn, vị thế người Mỹ vẫn còn vững ở miền Nam Việt Nam. Sau nầy, người Mỹ có thua Cộng Sản là thua ở “trên đường phố Mỹ chứ không thua ở chiến trường Việt Nam”.
Nền Dân chủ nửa vời ở Miền Nam Việt Nam chính là điều mà Hòa Thượng Trí Quang viết trong “Tự Truyện”: Muốn họa hổ mà thành họa cẩu.
Nhìn chung, chính Phật Giáo đồ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa, một chế độ mà các linh mục Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định, Nguyễn Kim Bính cố đánh sập cho được bằng mỹ từ “Chống Tham Nhũng” mà thực chất chỉ là “Bôi đen chế độ”, giúp Cộng Sản sớm thành công ở miền Nam Việt Nam.
“Giai cấp thống trị xã hội” hình thành từ khi Tây đặt tròng nô lệ lên dầu dân tộc Việt Nam đã bị Cộng Sản triệt tiêu sau ngày 30 tháng Tư/ 1975 vì một điều là trong chế độ Cộng Sản, giai cấp thống trị xã hội là “giai cấp vô sản” và chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa triệt để, không có cái gì là của “chế độ cũ” được tồn tại.
Hiện giờ, chế độ Cộng Sản Việt Nam đang suy yếu dần. Thế nào rồi cũng sụp đổ không phải trong một sớm một chiều. Đó là điều mọi người yêu nước đều mong muốn, đều phải tham gia việc đấu tranh cho một nước Việt Nam Tự Do.
Khi Cộng Sản đã sụp đổ, người Việt Nam mong muốn điều gì?
Dĩ nhiên, là một chế độ Tự Do, Dân Chủ thật sự. Thật sự, có nghĩa là một chế độ không có bầu cử gian lận, không có Tự Do giả hiệu, Dân Chủ giả hiệu, như đã từng có ở miền Bắc cũng như miền Nam VN trước đây hay hiện bây giờ.
Trong viễn tượng đó, nước Việt Nam phải có Hiến Pháp Dân Chủ, phải có một chính quyền Của Dân, Do Dân và Vì Dân.
Tuy nhiên, những phần tử vong quốc, vọng ngoại, cuồng tín, đặt quyền lợi tôn giáo trên quyền lợi Tổ Quốc, Dân Tộc, như ở một số phần tử trong giai cấp thống trị xã hội trước 1975, đang mong muốn hồi sinh: Một chế độ của Thực dân không có Thực dân, một chế độ phục vụ cho “Người da trắng” mà không có “Người da trắng”, một chế độ Ngô Đình Diệm mà không có Diệm. Có nghĩa là một chế độ của thiểu số cai trị đa số như đã từng có trong lịch sử.
Liệu giai cấp thống trị xã hội trước 1975 có thể tái sinh?
“Ba năm xáo trộn” thời “hậu Ngô Triều” sẽ tái diễn nhưng khốc liệt hơn?
Hay một cuộc “Thập Tự Chinh Việt Nam” sẽ xảy ra sau khi chế độ Cộng Sản VN không còn.
hoànglonghải
Bản ghi nhận tình báo CIA (trích):
(Directorate of Intelligence)
…
– Ngày 17-3-1966…
– Ngày 19-3-1966, Tháng 3 năm 1966
Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.
– Ngày 5-4-1966, tướng Nguyễn Cao Kỳ đem theo hàng ngàn binh sĩ ra Đà Nẵng bằng cầu không vận Mỹ, nhưng bị binh lính địa phương ngăn chặn, không cho ra khỏi sân bay.
Recent Comments