Cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc trên lý thuyết đã chấm dứt gần nửa thế kỷ vậy mà những hậu quả của nó cứ kéo dài râm ran, những chia rẽ cứ âm ỉ mãi không ngừng. Vì sao? Vì những gì ẩn sau cuộc chiến ấy vẫn chưa được làm sáng tỏ?. Vì lịch sử của thời kỳ đó chỉ là những mảnh vụn rời rạc khiến cho bất cứ ai đã trải qua thời kỳ này đều không thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh khả dĩ là chấp nhận được?. Vì lịch sử chỉ được diễn giải quá chủ quan, theo ý của một phe nhóm nào đó?
Nói một cách khác khi những kiến thức căn bản về lịch sử được trưng ra nó vẫn gây những nghi vấn. Do đó bổn phận của người VN ngày hôm nay không phải để cho ai đó viết sử hộ mình mà chính chúng ta mỗi người góp một tay, một làn gió thành cơn gió rồi bão quét sạch những luận điệu tuyên truyền như màn sương mù ma mị…
Theo tôi bây giờ tự do có thể chưa có ở một chế độ một đất nước nhưng chả lẽ chúng ta cứ chờ đợi sao?. Thế giới mạng là một không gian tương đối tự do. Vậy cứ nói đi. Tôi nói. Nếu thấy tôi sai thì phản biện lại không sao,chửi tôi thậm tệ cũng được không vấn đề gì! Nếu tôi thấy điều phản biện thuyết phục thì tôi sẽ cúi đầu chấp nhận. Tôi cũng không buộc ai phải tin tôi, nghe tôi, nhưng tôi có quyền nói, thế thôi!
Bây giờ ta bắt đầu vào vấn đề chính. Sau năm 75 tôi là một học sinh trung học phổ thông, vẫn còn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới cho nên những gì xảy ra ở miền nam lúc bấy giờ chưa tác động đến chính bản thân tôi nhiều. Lo lắng đau buồn là những trụ cột trong gia đình. Tôi vẫn ngày hai bữa cắp sách đến trường. Bố tôi là công chức chế độ cũ nhưng ông đã nghỉ hưu mấy năm trước đó nên không đi học tập mặc dù tháng nào cũng phải lên phường khai báo lại lý lịch ba đời của mình. Những ngày thường bố mẹ tôi phải đi làm rẫy ở xa nhà hàng năm sáu cây số rồi chiều tối lật đật về nhà để lo cho đàn con còn đi học.
Vì bố mẹ đi làm rẫy cả ngày, tôi bỗng thấy mình được “tự do” hứng thì vào lớp còn không, cứ đi lang thang với một vài đứa bạn mà bố mẹ cũng thế, đi học tập cải tạo hay đi rẫy hay đi kinh tế mới…Thế rồi một hôm khi lững thững vào lớp, bạn lớp trưởng là con cán bộ miền Bắc, tiến đến cảnh báo tôi rằng thầy chủ nhiệm nhắc nhở đi học đúng giờ sắp đến học kỳ một rồi! Nếu điểm học kỳ thấp thầy sẽ đến nhà gặp phụ huynh. Tôi nghĩ thầm: “Xin mời tới nhà, phụ huynh nào có thì giờ ở nhà kia chứ!”
Thầy phụ trách tiết học hôm đó là giáo viên dạy văn vừa đập tay lên bảng vừa nhắc nhở liên tục: “Các em chú ý, đề cương nhân sinh quan, thế giới quan cộng sản, các em ghi lại trong vở cho rõ ràng từng ý một, đây là là nội dung trên ty giáo dục gởi xuống đó….” Thầy cứ thế thao thao bất tuyệt có lẽ thầy tôi lúc đó cũng đang háo hức thi đua dạy tốt. Thỉnh thoảng ném tia nhìn nghiêm khắc về phía tôi. Tôi bỗng chột dạ, ngồi thẳng người và lắng nghe. Tối hôm ấy tôi mò mẫm mở những trang sách và bắt đầu đọc. Tôi không thể học hết những gì trong sách, đang chán nản định đi ngủ bỗng nhớ tới cái đề cương ghi trong vở, những gì ông thầy giảng khi sáng. Tôi chợt phát hiện ông thầy tôi cũng không có quyền lực gì để ra đề thi, vậy thì cái đề cương mà ông thầy nhắc nhở lúc chiều cũng có thể là những gì có trong đề thi cũng nên?. Lãnh hội, viết đúng tất cả ý, có điểm. Không đầy đủ ý thì bớt điểm. Ý là chính, văn phong là phụ. Tôi liên hệ ý trong đề cương và vài bài thơ trong sách giáo khoa. Khoảng một tiếng là xong. Tôi ngủ khò.
Chiều hôm sau học sinh toàn thành phố thi học kỳ môn văn (chứ không riêng gì lớp tôi ) đều nhận được đề thi từ ty giáo dục đưa xuống như sau: “Thanh niên là phải biết ước mơ và hành động và phải biến ước mơ thành hiện thực. Anh,chị hãy giải thích câu nói trên và hãy dùng thơ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để minh họa”.
Tôi thấy các bạn lớp tôi xôn xao hoảng hốt. Thật ra ở mức tuổi như tôi lúc đó thì học sinh miền Bắc cũng còn mơ hồ về cái ý thức hệ cộng sản chứ nói gì học sinh miền nam. Thường thì nghĩ sao viết vậy nắn nót trau chuốt câu chữ, nghĩ rằng ê a học thuộc lòng thơ Tố Hữu trong sách giáo khoa để minh họa khi viết là xong. Tuổi đó ít nghĩ gì sâu xa hơn. Tôi vạch ra trên giấy đề cương của thầy hôm trước và bắt đầu viết. Cho đến bây giờ tôi cũng không còn nhớ rõ chi tiết mình viết nhưng cảm giác lúc đó là rất say sưa….đại khái tôi mô tả chú bộ đội vừa oai hùng vừa giản dị, vì lý tưởng cộng sản nên đã hy sinh tất cả, rời xa gia đình làng quê yêu dấu, khí thế hừng hực cùng đoàn quân dấn thân xẻ dọc Truòng Sơn đi cứu nước. Anh ra đi tuổi xuân phới phới hiến dâng đời mình cho lý tưởng, bom rơi đạn nổ nào có sá gì, miền nam một nửa thương yêu đang bị chia cắt, đang mong mỏi sớm có ngày thống nhất đất nước, yêu nước bao nhiêu thì căm thù bấy nhiêu. Ba lô vác lên vai miệt mài đi không nghỉ:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gío đèo. “ (Tố Hữu)
Trong lúc đang hăng máu mô tả anh bộ đội tôi chợt nhớ ra một bài thơ của ông Huy Cận mà tôi đọc được đâu đó, nó thu hút tôi vì lời thơ là lạ mà tên nhà thơ quen quen như thời trước 75 có thơ phổ nhạc. Thế là tôi thêm vào bài văn những câu thơ mà lúc đó bạn bè cùng lứa của tôi chưa học tới. Tôi giải thích trước cách mạng, xã hội bất công bế tắc không lối thoát thế rồi khi kháng chiến chống Pháp thành công bác Hồ đã tìm ra được con đường cứu nước, tìm thấy được chủ nghĩa Mác Lê, bắt tay xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ….trong bối cảnh ấy nhà thơ Huy Cận lòng hân hoan phấn chấn ngỡ như thấy điều kỳ diệu từ lâu đau đáu mong chờ như đang hiện ra trước mắt:
“Mặt cúi mặt nghiêng mặt ngoảnh sau,
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến sẽ bây giờ mặt vẫn chau
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn tản khói sương “
Thế rồi vài ngày sau đó khi phát bài ông thầy báo là bài luận của tôi đạt điểm cao nhất lớp và ông khen tôi đã dùng một bài thơ rất hay của Huy Cận để thêm một ý rất tốt cho bài, đó là khi tiền tuyến đang rộn ràng ra trận thì hậu phương cũng nô nức hứng khởi xây dựng Xã hội xã hội chủ nghĩa.
Ngày hôm đó sau buổi học tôi cùng bạn thân đi chơi lang thang. Khi về đến nhà, tôi thấy mấy đứa em đang hì hục nhóm bếp, tôi ngạc nhiên hỏi:=“ ủa chứ chưa có cơm sao?”. Không đứa nào mở miệng, mặt đứa nào cũng len lét như kẻ phạm tội. Chưa kịp hiểu điều gì tôi bỗng nghe tiếng mẹ tôi mắng từ phòng trên vọng xuống. “Tụi bây làm gì mà trưa không đưa mớ khoai lang sắp khô vào nhà. Trước khi đi rẫy đã nhắc đi nhắc lại là khoai sắp khô nhớ mang vào dùm kẻo chiều mưa…”
Tôi vội đi lên bước vào phòng. Mẹ tôi ngồi ở ghế, mặt đỏ bừng ánh mắt muốn toé lửa, cơn bực tức vẫn chưa hạ nhìn thấy mặt tôi tiếp tục chửi té tát. “Bây giò là mấy giờ mới vác mặt về?. “
Tôi nói =“Con đi học chứ đi đâu nữa!.”
Mẹ tôi gằn giọng “Tụi bây không biết thương cha thương mẹ thời buổi khó khăn đi xa hàng mấy cây số trồng được mớ khoai, gánh gẫy lưng, đã xong đâu về tới nhà xắt miếng rồi phơi vậy mà tụi bây nỡ nào để cho khoai ướt sũng như vậy trời ơi là trời! Thời buổi gạo châu củi quế, ba giờ sáng dậy cầm sổ gạo sắp hàng chen chúc chực chờ tới lượt mình thì hết gạo. Bây giò có mớ khoai ăn độn thì bọn bây để cho mưa ướt ráo trọi. Đi rẫy về thở không ra hơi con cái trố mắt hỏi sao không có gạo nấu cơm? Có giỏi đi hỏi cái ông nhà nước chứ đừng có hỏi tôi! “
Tôi đáp trả: “Vậy bây giờ má có muốn tụi con đi học không?”
Mẹ tôi gào lên: “Á…à mấy người dọa tôi đó à?. Học được thì học còn không thì vào làm rẫy. Bộ tưởng học ra làm cái ông cái bà gì chắc, xin lỗi à coi chừng xin cái chân quét rác cũng không đến lượt tụi bây đâu! Trời ơi sao tôi vô phúc khổ sở thế này, mong ngóng tin tức hai thằng con tôi, đứa đi học tập đứa mất tích thì cứ biền biệt còn lại toàn thứ ăn tàn phá hại ở nhà. “
Vừa nói mẹ tôi vừa lau nước mắt sụt sùi.
Nghe tới đây tôi tự ái tủi thân đi trở ra bếp thấy đứa em đang pha bột mì để đổ bánh xèo, nó thì thào:” Mình đố vài cái thôi với tép khô còn lại để mai đi đổi bánh mì.”
Đứa khác lại ngăn “Không được đâu, má nói đổi bột mì lấy bánh mì hao lắm, một tuần chỉ được đổi một lần thôi!”
Đang rì rầm với nhau thì mẹ tôi xuất hiện đứng chống nạnh chỉ vào chai dầu phộng cảnh báo: “Cái chai dầu này phải ăn cho được hai tuần, tụi bây làm sao đó thì làm không phải như ngày xưa mà đổ ào ào đâu, thời buổi này không thắt lưng buộc bụng thì có mà đói nhăn răng. Bây giờ tôi phải bắt chước cái ông nhà nước này kiểm soát mấy người từng li từng tí, đổ bánh xèo bằng bột mì thì tôi xin mấy người dùng cái chảo đen thui lui này dùm cái đi, dùng củi chứ không phải dùng than đâu bây giờ cứ xài như ngày xưa thì có mà đi ăn mày cả lũ!”
Cái “ngày xưa “ mẹ tôi nói là trước 75. Mẹ tôi chỉ là một người nội trợ không có bằng cấp chỉ đọc được chữ mà thôi! Mẹ tôi dùng cái từ “ cái ông nhà nước “ nghe ra cũng rất chân chất ngô nghê vậy mà những lời mẹ mắng thấm thía, nó đã làm cho tâm hồn tôi bị khuấy động.
Tối hôm ấy tôi ngủ không được. Tôi nghĩ đến khuôn mặt đầy mồ hôi và nước mắt của mẹ. Tôi nghĩ đến hai anh của tôi. Tôi băn khoăn không biết giờ hai anh ở đâu ra sao? Một điều mà lâu nay đôi khi có nghĩ thoáng qua nhưng không nặng lòng lắm. Tuy là anh em nhưng tôi cách xa các anh mười ba mười bốn tuổi, tôi còn thơ bé thì các anh đã đi miệt mài ít khi thấy mặt. Có thể sự trống vắng hình bóng các anh trong gia đình lâu dần thành thói quen khiến tôi không thấy sự khác nhau lắm giữa thời chiến và thời bình mặc dù vẫn mong hai anh về, vẫn đợi chờ . Tôi bỗng nhớ lại, nuối tiếc cái “ngày xưa”, lúc ấy mẹ tôi thường mua tích trữ rất nhiều thức ăn cất giữ trong phòng kho sát bếp. Những chum, vại đầy gạo có rải một lớp tro và than phòng bị ẩm mốc. Những tĩn nước mắm nhìn xinh xinh hay hay. Sữa đặc cũng mua mỗi lần cả thùng mấy chục lon, dầu đậu nành trong những lon sắt màu vàng nhạt có hình trái đậu nành, dầu thơm trong đẹp bóng bẩy. Mỗi lần chiên mẹ tôi khui ra đổ ồng ộc vào chảo, chiên thoải mái còn bây giờ có cái chai chưa được nửa lít, màu nâu đục, hôi rình vậy mà dè sẻn từng giọt. Nói đúc bánh xèo cho sang chứ thay bột gạo bằng bột mì, chả có gì ngoài chút tép khô làm nhân, đến dầu tráng cái chảo cho khỏi dính, chưa đụng tới đã bị cảnh báo dọa dẫm rồi! Làm như quý lắm vậy! Ôi sao khổ thế!
Cái buổi chiều kỳ lạ với thật nhiều cảm xúc trái ngược khó quên in hằn trong tâm khảm. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình lúc ấy giống như người đang bị ngáo đá leo lên ngồi vắt vẻo trên mái nhà cao, bị “ phê” thuốc rồi mẹ tôi kéo chân xuống mặt đất tỉnh lại. Đầu tôi đáng lẽ đóng khung dính chặt vào cái đề cương rằng phải có trách nhiệm bảo vệ tính tư tưởng trong chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác Lê nâng cao vai trò của Đảng và lãnh tụ, thì não tôi ngọ nguậy với muôn vàn câu hỏi “ Vậy cái xã hội mà mình đang sống là Xã hội chủ nghĩa đây sao? Lên đường từ hồi chưa thống nhất ông Huy Cận ổng vui đến như vậy thì tại sao nó lại ra đến nông nỗi này?. Cái gì làm cho ổng vui đến nỗi nhìn “gà hoá cuốc” như vậy? Cái “ngày xưa êm đềm đầy nuối tiếc ấy lẽ nào lại gợi lên sự căm thù đến nỗi chú bộ đội quyết tâm muốn “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”, luôn bất khuất kiên cường dưới mưa bom bão đạn, hy sinh cả tuổi trẻ xương máu?. Chú bộ đội, các nhà thơ cách mạng có tỉnh táo không? hay cũng như mình khi làm bài thi văn?. Có cái gì khiến cho bị say, bị nghiện lao vào cuộc chiến như một vận động viên dùng chất kích thích, miệt mài chiến đấu cốt sao giành huy chương. Cha tôi, các anh tôi là kẻ thù sao?. Tôi bắt đầu tìm hiểu.
Từ đó, tôi không thụ động, nhận lấy kiến thức dưới mái trường XHCN, không dễ dàng chấp nhận như lúc ban đầu, tôi bắt đầu thắc mắc nghi vấn muốn truy cho đến tận cùng gốc rễ.
Thời gian trôi, hai anh tôi vẫn biền biệt, tôi cảm nhận nhiều đau khổ của những người xung quanh, có con đi lính ở cả hai miền nam Bắc chết mất xác, người bỏ mạng trên đường vượt biên…Đôi khi tôi nghĩ nếu nỗi đau khổ nước mắt của dân Việt trong suốt cuộc chiến cũng như sau đó mà có thể hiện hình đong đếm được thì nó phải cao như núi, chảy như sông. Có thể nhờ trải qua hơn mười năm sống dưới thời VNCH nên tôi như một người có sức đề kháng, khi bị nhiễm bệnh đã gượng lại được vì có “chủng ngừa” trước, còn thế hệ các em các con các cháu sau này thì sao đây?.
Do đó ngày hôm nay tôi xin đưa ra bàn luận một vài vấn đề, hy vọng chúng ta mỗi người một chút giúp các thế hệ sau hiểu hơn lịch sử nước nhà, có một cái nhìn trọn vẹn hơn về những gì đã xảy ra từ năm 45 đến nay.
Tôi nghĩ Việt Nam tuy vào đầu thế kỷ 20 là một nước thuộc địa của Pháp nhưng vẫn có một triều đại vua Nguyễn đáng được trân trọng sừng sững kia mà. Vua Gia Long cũng chính là người thu phục được giang sơn thu cả nam lẫn bắc về một mối. Năm 1945 vua Bảo Đại có thể lúc đó chỉ ngồi cho có vì nhưng ông vẫn là biểu tượng mà người dân hướng về cũng như nữ hoàng Anh hay vua Thái Lan. Khó có thể chấp nhận ai đó tự nhiên xuất hiện tự xưng là lãnh tụ một Đảng phái và buộc phải trao quyền. Các quan trong triều cũng không phải là những người vô dụng không biết gì để rồi phải thay một thể chế khác chớp nhoáng kiểu như soán ngôi lật đổ. Phàm đời có thịnh có suy. Khi đất nước lâm vào cơn bỉ cực thì những người dân VIỆT phải giữ cho được đạo lý cương thường phải biết hỗ trợ nhau chứ không phải lợi dụng “đục nước béo cò” làm loạn, cùng nhau vượt qua những sóng gió để đất nước có thể sinh tồn phát triển lành mạnh. Theo tôi tình hình thế giới lúc đó đang trải qua một tiến trình rất tự nhiên và bắt buộc là phải tiếp tục diễn ra. Đó là phong trào phi thuộc địa hoá. Nước Mỹ là nước đi đầu trong phong trào phi thuộc địa hóa.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc các nước Châu Âu suy yếu về chính trị kinh tế, không đủ sức để chống lại những cuộc nổi dậy ở các thuộc địa xa xôi nơi phải chịu sự cai trị của họ. Thêm vào đó họ phải đối đầu với hai thế lực siêu cường mới nổi đó là Liên Xô và Hoa Kỳ. Cả hai đều chống lại chủ nghĩa thực dân. Nhưng hai thế lực này sau đó cũng là một thứ chủ nghĩa thực dân kiểu mới chứ có hay ho gì hơn thực dân đời cũ đâu!.
Hàn Quốc được tự trị năm 1945, Anh rời Ấn Độ năm 1947, rời Ai Cập năm 1948, Hy Lạp năm 1958 và rút khỏi Châu Phi thập niên 50 và 60 và Hồng Kông năm 1997. Pháp rút lui khỏi Việt Nam năm 1954 và Bắc Phi năm 1962. Bồ đào Nha cũng thế, rời Châu phi thập niên 70 và Ma cao thuộc về Trung Quốc năm 1999.
Có những nước quá trình phi thuộc địa diễn ra chầm chậm nhưng êm đẹp họ giành độc lập không tốn xương máu, bảo vệ được độc lập của mình. Không cần xâu xé thanh toán Đảng phái, thanh trừng lẫn nhau, không cần kháng chiến trường kỳ. Trước đó ngay cả Phát Xít Nhật họ vẫn tính toán kỹ khi đưa Bảo Đại làm vua không phải vì họ không biết vị vua này chỉ ngồi làm vì nhưng họ vẫn chọn vì họ hiểu ông vẫn là biểu tượng chung của dân tộc VN lúc bấy giờ. Phía trên ông là cả một nền văn hoá ngàn năm sừng sững. Lật đổ ông, truất phế ông là gián tiếp xúc phạm tới dân tộc VN. Vị vua này là cái gạch nối giữa hiện tại và tương lai giúp cho dân Việt quy về một mối trước khi chuyển dần qua một thể chế khác. Cái gì liên quan đến văn hoá truyền thống của dân tộc Việt không thể phút chốc mà giật lấy cướp lấy được! Giống như Thái Lan, Anh Quốc, Nhật Bản gì thì gì vua và Nữ Hoàng vẫn là biểu tượng văn hoá dân tộc. Không còn quyền hành nhưng vẫn là điểm mọi người hướng về đó. Quá trình giành độc lập của VN thật bi đát vì người thuyền trưởng của VN lúc bấy giờ là bác Hồ đã cùng với một số những nhà yêu nước cực đoan núp dưới chiêu bài dân tộc chủ nghĩa đã bẻ lái hướng mũi thuyền về phía Liên Xô và Trung Quốc khiến con thuyền VN tưởng đã tiến đến bến bờ hạnh phúc độc lập tự do lại trôi giạt quay cuồng trong một vùng giông bão khác khủng khiếp hơn nhiều. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Khi ông Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1954, ông nghĩ gì đây?. Ông tưởng dân tộc VN còn là một dân tộc đi khai hoang ở miền biên viễn xa xôi rộng lớn mênh mang như bên Hoa Kỳ đã cách xa lúc ông đọc Tuyên Ngôn Độc Lập hàng mấy thế kỷ?. Ông tưởng lịch sử trẻ trung của Hoa Kỳ có thể áp dụng cho việc mau mau giành độc lập cho VN, ông tưởng mình có thể thống trị toàn cõi VN lúc đó còn ngổn ngang trăm mối ?. Ông tưởng ông đại diện cho đại đa số quần chúng, có quyền đoạn tuyệt chối bỏ sạch sành sanh quá khứ như người Mỹ đã làm trong ngày tuyên bố độc lập bằng cách kéo đổ tượng vua George xuống rồi đun nóng tan chảy để đúc súng sao?. Từ khi đi khai hoang chinh phục các vùng đất mới đến khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, quá trình đấu tranh kéo dài hơn trăm năm chứ đâu phải ngày một ngày hai mà thành?
Dân tộc Việt Nam năm 1945 đã có một nền văn hoá dày dạn, đã từng trải. Những hình tượng cao bồi miền viễn Tây Hoa Kỳ đối với người VN có lạ gì đâu? Tây tiến cũng giống nam tiến khai hoang lập đất của VN thôi! Hôm nay điều tôi nói không phải là văn hoá phương Tây mà là văn hoá phương đông nói chung và văn hoá Việt nói riêng.
Nhưng cũng cần sơ qua một chút về lịch sử Hoa Kỳ nơi có những lời trong bản tuyên ngôn độc lập na ná như của ông Hồ đọc năm 1945: “We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable rights, that among these are life, liberty, and the pursuit of happiness.” = The Declaration of Independence, July 4, 1776.
Tạm dịch: “Chúng ta hãy giữ chặt những sự thật hiển nhiên này, rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng con người ta được tạo hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm; rằng trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 4 tháng 7 năm 1776
Ai ở miền nam trước 75 hẳn không xa lạ với bài hát sau:
Y avait un homme qui s’appelait Davy
Il était né dans le Tennessee.
Si courageux quand il était petit
Il tua un ours du premier coup de fusil
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais peur
Có một người tên là Davy
Sinh ra ở Tennessee
Tuổi nhỏ đã thật can truòng
Giết gấu chỉ một phát súng
Davy Davy Crockett
Một người không biết sợ là chi?
À quatorze ans il s’était perdu
Dans un désert vaste et inconnu
Pendant dix jours il marcha vers le Sud
Sans rien manger qu’un p’tit peu d’herbe crue
Davy, Davy Crockett,
L’homme qui n’a jamais faim
Khi mười bốn anh ta đi lạc
Trong sa mạc hoang vắng mênh mông
Mười ngày ròng lầm lũi hướng nam
Chẳng gì lót dạ dù chút cỏ nhai
Davy Davy Crockett
Người mà cơn đói luôn chào thua
Pendant la guerre contre les indiens
Il combattit tout seul contre vingt
Ayant une flèche plantée dans une main
Il l’arracha avec son autre main
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais mal
Trong cuộc chiến với người da đỏ
Anh, một mình đấu với hai mươi
Một mũi tên phập cắm bàn tay
Tay kia chả ngại bứt ra liền
Davy, Davy Crockett
Người mà đau đớn thấm gì đâu.
Dans la forêt au cœur de l’hiver
Quand il chassait les loups et les cerfs
Le torse nu et les bras découverts
Il s’en allait riant des courants d’air
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais froid
Trong rừng sâu ngay giữa mùa đông
Khi đang săn bầy sói và nai
Ngực phong phanh với đôi tay trần
Tiếng cười anh cợt vang trong gió
Davy, Davy Crockett
Người mà buốt giá có hề chi.
Quand les Peaux-Rouges demandèrent la paix
Davy serra la main qu’ils tendaient
Avec les chefs il fuma le calumet
Mais sans rien boire, pas même un verre de lait
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais soif
Khi người da đỏ muốn hoà bình
Họ chìa tay, anh siết chặt
Cùng thủ lĩnh hút chung một tẩu
không uống gì, ngay cả sữa ly
Davy Davy Crockett
Người mà cơn khát luôn vượt qua.
On l’présenta pour les élections
Et ses discours remuaient l’opinion
Il était là dans toutes les réunions
La tête froide malgré son émotion
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais chaud
Được đề bạt, nhiều lần tranh cử
Bài diễn văn lay động lòng người
Hoà hợp nơi đâu anh ở đó,
Bình tĩnh vững vàng, dầu bao xao động
Davy Davy Crockett
Người mà cơn nóng tan thật nhanh hay (người mà quá khích chôn thật sâu.)
C’était un homme qui s’appelait Davy
Tout le monde ici se souvient de lui
Face au danger, à la peur, à la nuit
Face au devoir, à la mort, à la vie.
Davy, Davy Crockett
L’homme qui n’a jamais fuit. (qui n’a jamais fuit)
Đó chính là người có tên Davy
Mọi người nơi đây luôn nhắc nhớ
Đương đầu nguy khốn, hãi hùng, bóng đêm,
Thực thi nghĩa vụ, tử sinh lẽ thường,
Davy Davy Crockett
Người không né tránh, không hề lui.
Tôi tạm chuyển ngữ , quý vị có thể dịch sát nghĩa theo cảm nhận riêng.
Đây là cái mẫu anh hùng rừng xanh (king of the wild frontier) của Hoa Kỳ, còn có một từ rất quen đó là cao bồi: “Go west young man and grow up with the country “- Horace Greely, 1851 tạm dịch: = “Tây tiến nào thanh niên ơi và lớn lên cùng đất nước “.
Phần đầu phong cách anh cao bồi Mỹ giông giống các thanh niên xung phong của cộng sản, các chú bộ đội : “đi lên thanh niên làm theo lời Bác…”
Thế nhưng, hú hồn, cao bồi Mỹ đã kịp dừng lại!. Sau khi mải miết đi chinh phục, anh ta kịp nhận ra một điều còn quý hơn là sự chiến thắng, nên thay vì một sống hai chết, thì anh ta nhận ra sống là hoà.
Cao bồi Mỹ thoát khỏi thời kỳ hoàng dã, nhìn thấy ánh sáng văn minh. Bài hát về David Crockett có một bài bằng tiếng Anh hơi giống với bản tiếng Pháp nhưng tôi chọn bài tiếng Pháp vì nhân vật có thật ngoài đời này là gốc Pháp. Vả lại bản tiếng Pháp đầy đủ ý hơn.
Do vậy, cái số phận của xứ sở cờ hoa bỗng trở nên khác biệt chả giống gì với số phận VN suốt từ năm 54 đến nay, mặc dù hai bản tuyên ngôn độc lập cứ như là “anh em sinh đôi”.
Cao bồi Mỹ chả đoái hoài gì đến cái học thuyết của Các Mác, lúc đó cũng chưa có Lê Nin để “sáng suốt” lập ra Quốc Tế Cộng Sản, chưa có cách mạng tháng Mười Nga nên cao bồi Hoa Kỳ không bị nhiễm comunivid-vi rút cộng sản ( communist virus)
Chiều dài lịch sử của Hoa Kỳ ngắn so với lịch sử VN. Nói một cách khác quá khứ của họ chưa nhiều để mà hối tiếc quay nhìn, nhưng không có nghĩa là nông nổi bồng bột. “Cha nó lú có chú nó khôn”, suy cho cùng, văn hoá của người dân Hoa Kỳ phần lớn mang bản sắc châu Âu, nhìn vậy chứ người Mỹ cũng có nguồn cội, có ông cha chứ đâu phải từ dưới đất chui lên.
Bởi vậy, đâu dừng tại bản tuyên ngôn độc lập, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đấu tranh để có hiến pháp và đạo luật nhân quyền. Jame Madison góp công soạn thảo đạo luật vê các quyền con người. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do cá nhân và kiềm chế quyền lực bằng một hệ thống tam quyền phân lập. Thomas Jefferson cũng ủng hộ các nguyên tắc cơ bản giống như nước Pháp Tự Do -Bình đẳng (hay Công bằng ) – Bác ái. Vì quyền bình đẳng của người dân, vẫn phải tranh đấu mãi mãi không ngừng. Tranh đấu để văn minh hơn, tranh đấu để không lùi về hoang dã.
Đó là những mấu chốt khiến Hoa Kỳ và một số các nước Âu châu khác nhận ra ngay chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê là một miền đất không có bóng dáng con người, nó chỉ là cái bánh vẽ không hiện thực được trong đời sống. Hoặc nói cách khác nó chỉ là lý thuyết, trên thực tế nó quá bạo lực, phương cách giải quyết của nó là sử dụng giáo mác lưỡi lê và máu như chính biểu tượng của lá cờ đỏ búa liềm. Khi áp dụng vào VN nó đã tạo ra bao đau khổ kinh hoàng. Nó làm cho con người mất đi nhân tính. Xem nhẹ tình đồng bào, tình dân tộc, tình gia đình nó hướng con người tới chỗ sát phạt tiêu diệt để tồn tại. Khi người ta hô vang “ Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên những ai cơ khổ bần hàn…” thì ôi thôi những cuộc đấu tố diễn ra như thể còn ở thời sơ khai. Nó làm cho Tết Mậu thân ở Huế chìm trong máu. Nó làm cho trái tim người ta bỗng nhiên chai đá rạch ròi, tự hiến thân tự lao vào cuộc như con thiêu thân, mù quáng không còn nhận ra ai thân ai sơ, nạn nhân có ai khác ngoài chính người Việt Nam:
Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho anh , và phần để em yêu…(Tố Hữu)
Hoặc
Bữa trước mẹ cho con xem ảnh ông
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng….
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười. (Tố Hữu)
Sau 75 khi đất nước hết chiến tranh lại là những trại cải tạo đầy đọa tinh thần thể xác người tù, những làn sóng người đổ ra biển…
Bởi vì học thuyết Mác Lê là cái thuyết duy vật, cho rằng chỉ có vật chất là thực tại mà thôi tinh thần chỉ là cái tác dụng của vật chất.
Cũng là học thuyết nhưng lại tệ hơn rất nhiều so với Darwin về thuyết tiến hoá, là thuyết dựa trên lẽ sinh tồn mạnh được yếu thua và cũng từng bị phản đối. Ngày nay, ngay cả thú vật người ta cũng không thể để cho tự đấu tranh sống hay chết. Khi con thú ấy được đưa vào sách đỏ có nghĩa nó phải được bảo vệ. Cũng không thể vì cái lợi của cặp ngà, cặp sừng, bộ da, bộ lông, túi mật của con vật mà được phép giết nó. Đó là về mặt tinh thần người ta cho như thế.
Môi trường bị phá hủy thì rồi nhân nào quả nấy, giờ thì bão lụt sụt lở, một ngày động đất cho vài bận, mưa vài hôm là san bằng cả một ngôi làng, đường xá thủ đô mà lội bì bỏm như miền sông nước…để xem còn ngạo nghễ thách thức : “thằng Trời đứng sang một bên để cho nông hội đứng lên thay Trời” nữa không? Thuyết tiến hoá là lý luận chỉ rõ con đường tiến hoá và nguyên nhân tiến hoá của vạn vật. Nó không được phép tác động trực tiếp vào cuộc sống chi phối tinh thần con người. Nó được áp dụng có chọn lọc cẩn thận. Sau này nó gián tiếp giúp nhiều trong việc phát triển về y học sinh học, nhưng ngay cả khi chứng minh được ưu điểm, chỉ cần mon men vượt làn ranh mong manh để nhân bản vô tính ở loài người liền bị cho là vô đạo đức. Có cái gì đó vượt ra khỏi quy luật tự nhiên này? Cái gì đó? Đó là cái gì? Đó là luật pháp!
Chủ nghĩa cộng sản khi xét về mặt lý thuyết nó khô khan lạnh lùng và sẽ phi lý khi chúng ta xét về mặt nhân bản. Chúng ta sống ngày hôm nay mục đích là đấu tranh mang lại công bằng cho con người một cách tương đối nào đó. Chúng ta đâu còn ở rừng xanh nơi con khỉ đầu đàn khẳng định nới rộng vùng hoạt động của nó bằng cách tiêu diệt đuổi những con khỉ đực khác để chỉ còn nó độc chiếm độc hữu, có lẽ vậy người VN ta còn gọi giống khỉ này là “khỉ độc”?.
Độc tài cũng có nghĩa tương tự như thế. Nó sẽ sinh ra cái cơ chế không phải cho dân mà cho quyền lợi của một nhóm người như một băng đảng, sống theo lẽ sinh tồn tiêu diệt nhau để tồn tại. Luật lúc đó là luật rừng dã man, bất chấp, khiến cho người nào không may lọt vào lần mò theo lối quỷ ma rồi trở thành đồng phạm, thủ phạm. Cơ chế ấy sống nhập nhằng bằng thuế của dân, bằng tiền rót vào của các nước giàu, bằng tài nguyên của đất nước, tham nhũng đủ mọi phương cách, rồi cho con cháu người thân ra nước ngoài sinh sống làm ăn phù phép rửa tiền cho sạch thành của mình, phung phí xa hoa, dân è cổ trả. Ví dụ những vùng xa xôi hẻo lánh dân phải tự làm đường bắc cầu mà đi, nhưng ở thành phố lại có hiện tượng đào đường lên, làm đường lại, vệ đường làm được vài bữa là nứt gãy, không thấy ai bị phạt, làm lại, vì có làm mới có “ăn”. Đất nông nghiệp phân lô bán nền khi bị điều tra thì cấp trên vờ vịt đe nẹt xuống, phía dưới vội nhét tiền trám mõm cấp trên, inh ỏi một hồi rồi chìm xuồng. Đất chỗ nào cao giá, giả vờ quy hoạch làm công viên đuổi dân ra vùng ven, vài bữa quy hoạch lại mở đường phân lô bán nền, ưu tiên cho con ông cháu cha, thế là xong, khỏe re!
Quyền lực của độc tài là vô hạn. Nếu cơ chế này mạnh nó sẽ vượt biên, sẽ xâm chiếm sẽ lan rộng. Một đất nước đẹp đẽ bỗng tan hoang bởi vì cá nhân nào đó không muốn nó tồn tại.
Khác với những nước có tam quyền phân lập, nơi mà những quyền căn bản về con người được bảo vệ khẳng định, những tư tưởng được trao đổi tự do, những phương tiện truyền thông độc lập hoạt đông hữu hiệu không bị áp đặt, những Đảng phái đấu tranh dò xét tìm cho ra yếu điểm của nhau đó là phương cách tốt nhất để loại bỏ bọn sâu mọt trong chính quyền. Guồng máy ấy có khả năng chặn đứng mọi sự chụp mũ vu khống! Nó dễ dàng vạch mặt những thế lực muốn trù dập người vô tội. Nó khiến cho ai đó thấy tiền sờ sờ trước mắt nhưng không phải của mình mà của toàn dân thì không dám lấy, không thể lấy…Nếu có bầu cử gian lận những cơ chế như thế sẽ có cách điều tra, thu thập dữ liệu liên quan và sẽ tổ chức những buổi điều trần. Một nền dân chủ đúng nghĩa nó không ngại bất cứ người nổi tiếng nào kể cả tổng thống, thủ tướng, vua chúa, giáo hoàng, giáo chủ ….đã phạm tội sẽ không thể “thoát hiểm”. Mục đích tránh không cho bất cứ Đảng nào, thế lực nào hoặc cá nhân nào được quyền thao túng đứng trên luật pháp. Không phải chế độ tự do dân chủ không có khuyết điểm. Khuyết điểm đầy, thế nhưng nó có cơ hội để loại bỏ dần những điều xấu xa. Tam quyền phân lập có khả năng đưa ra ánh sáng công khai trước dư luận một vụ việc, một hiện tượng cung cấp thông tin nhiều nhất có thể, phân tích mổ xẻ đi đến tận cùng, hầu tìm ra giải pháp chưa phải tốt nhất thì cũng khả dĩ chấp nhận được! Guồng máy ấy không ngây thơ để tôn vinh ai mãi mãi, nếu khám phá ra thần tượng có tội thì ngay lập tức tống vào tù chứ ở đó mà tung hô, che đậy lấp liếm.
Văn minh và hoang dã. Ranh giới rất mong manh.
Khi đã bước ra ánh sáng văn minh có nghĩa là không có những mảnh đất mênh mang bất tận tưởng như không có đường biên. Giờ nó đã có những điểm, những lằn ranh ngang dọc, nó cho người ta biết khi nào thì dừng. Một thành phố hiện đại văn minh thì luật giao thông phải được áp dụng. Đèn đỏ không được vượt! Sống trong thế giới hôm nay chúng ta không thể đứng một mình mà bắt buộc phải trở thành một điểm trong cái khung trật tự, chúng ta phải tôn trọng. Tại thời điểm 1954 nước chúng ta là một nước chia cắt thành hai thể chế khác nhau. Đường ranh ấy chính là vĩ tuyến 17. Chúng ta không thể thoát khỏi cái trật tự phân chia của hai cực ý thức hệ. Miền Bắc nặng một lạng nằm ở dĩa cân A, miền Nam nặng một lạng nằm ở đĩa cân B. Nếu cứ cố tình bốc một lạng của đĩa B qua đĩa A và rồi cứ thế bốc tiếp….cán cân chênh lệch. Chả ai xâm lược mình, chỉ vì mình không biết người biết ta. Đừng dùng từ yêu nước yêu dân tộc ở đây. Người Đức người Triều Tiên chả lẽ lòng yêu nước kém VN chúng ta sao?. Nam Hàn và Tây Đức bán nước ư? Không có đâu! Họ biết đâu là điểm dừng. Họ tuân thủ, không vượt đèn đỏ!
Nước Mỹ đất họ mênh mông ở không hết, chiếm đất VN làm cái gì? Phải có lý do. Đó là xung đột ý thức hệ. Sở dĩ nước VN nhất là miền Bắc không tan nát vì Hoa Kỳ là một nước dân chủ, họ mà “hoang dã” Nixon còn tại vị thì tiêu đời! Có những áp lực khác ngăn chặn lại. Có những tổ chức chuyên nghiên cứu chiến lược chiến thuật quốc phòng tham mưu vấn kế để tránh lùi về hoang dã. Nếu là một thế chế độc tài như Putin ngày nay VN nát bấy luôn. Cũng như Putin còn tồn tại vì chính Nato không hoang dã như ông ta. Có những điều nền văn minh không bao giờ làm, họ luôn ở thế phòng thủ, để cho kẻ tham vọng thực hiện ý đồ và sau đó sẽ phải nhìn chính dân tộc mình lùi lại hàng thế kỷ.
Nixon rạch ròi lắm! Đôi lúc cũng phải vậy, đi với ma mặc áo giấy không bao giờ đi với ma mà mặc áo cà sa như Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Tại sao thời VNCH lại không dứt khoát rạch ròi được?
Có lẽ vì chúng ta ở miền nam còn ít nhiều giữ lại văn hoá truyền thống. Rất tiếc là chiến tranh loạn lạc, chúng ta không có một giây phút nào bình an để nhìn nhận nghiền ngẫm văn hoá nước nhà. Văn hoá VN tự nó có tính nhân bản. Nhân bản thuộc tinh thần nó cần vật chất để hiện rõ điều hòa đi sâu vào đời sống. Nó cần một khung pháp lý.
Một trong những nét đó có cái gọi là Tả nhậm. Là cái khuy áo bên trái Ngày xưa người Tàu gọi y phục của người dị tộc là tả nhậm. Các sắc dân phía Nam sông Dương Tử – trong số đó có Lạc Việt, là nguồn gốc người VN ngày hôm nay– xưa mặc áo cài qua trái và thường theo mẫu hệ, nhưng bị Tàu đồng hóa buộc cài qua phải như họ…”
Thường người ta nói tả văn hữu võ, không phải ngẫu nhiên mà tả trước hữu. Tay trái yếu hơn tay phải nhưng thiếu tay trái là không được. Tả thuộc văn. Hữu thuộc võ.
Văn là tay trái, chỉ người trí thức không vũ khí, những người làm văn hoá giáo dục nghệ thuật văn chương, báo chí, những người làm trong khoa học nghiên cứu, còn trong quân đội là những người không ra trận trực tiếp mà tham mưu tư vấn vạch ra chiến lược sách lược.
Tả nhậm trong khí dũng , không được hiểu như hoàn toàn dùng sức mạnh theo kiểu võ biền. Phải biết thương quân sĩ không được lợi dụng họ. Có nên đánh trận này không?. Tại sao không đánh?. Nếu đàm phán đấu tranh bất bạo động có thành công không?. Mục tiêu của sự tấn công là ai? Có phải chính dân tộc mình không?. Mục tiêu tấn công lẽ nào lại là một rạp hát, một quán ba, một buổi trình diễn ca nhạc phần đông là dân thường chỉ lèo tèo một vài tên lính hay sĩ quan đi lẫn vào đó để giải trí, họ hoàn toàn không ở trong tư thế đối đầu sẵn sàng ra trận, lẽ nào lại là những người dân đang sum họp trong ngày lễ truyền thống linh thiêng, đang đón mừng một mùa xuân mới?.
Khi đã đặt bút ký hiệp ước là phải thi hành không được vi phạm.
Ký hiệp ước rồi không thi hành là bất tín, pháo kích vào những nơi có đông dân mục đích gây kinh hoàng là bất nhân và hèn.
Cái nét văn hoá này cũng làm cho quân dân miền nam rất khó xử. Ví dụ như trong gia đình chẳng hạn anh em đánh nhau cha mẹ quát :“ khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, lớn lên một chút anh em lấn đất nhau thưa với cha mẹ, cha mẹ lại vỗ về “thôi mà lọt sàng xuống nia đi đâu mà mất, anh em cả thôi mà!”. Vài năm sau, lập gia đình sinh con, dùng bạo lực làm chết vợ con! Chuyện to rồi không còn trong phạm vi gia đình nữa. Vi phạm nhân quyền là cái chắc.
Từ gia đình nhìn ra ngoài xã hội cũng y vậy! Khi miền Bắc tấn công miền nam, người miền nam cầm súng rất e dè, thường chỉ chiến đấu ngoài tiền tuyến, còn Việt cộng tràn lan mọi nơi cũng không dám mạnh tay. Bởi vậy mới có câu “ Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Thái độ của ngừơi miền nam không dứt khoát không truy đến tận cùng. Đến người giúp việc trong nhà mà trong giỏ đầy truyền đơn, bà chủ nhà bắt quả tang chỉ nói một câu “ mày thu xếp mau ra khỏi đây tao không thuê mày nữa đâu! “. Trời đất, kiểu này không thua VC mới lạ! VC còn len lỏi vào cả quốc hội. Có những vùng khi nói đến không biết ai là bạn ai là thù, vùng xôi đậu. Thâm tâm người lính VNCH không mấy khi có ý định vượt tuyến, Bắc tiến, họ không có hứng làm điều đó. Tôi từng nghe một câu chuyện mà không biết phải cười hay khóc. Có một anh lính VNCH ở tiền tuyến tức nơi đánh nhau sáp lá cà, từng đối diện với VC. Anh ta lẽ dĩ nhiên thuộc lòng sinh hoạt của VC, những thời khắc VC đánh phá pháo kích, bắn tỉa trong ngày. Một hôm anh ta tâm sự với cấp trên, thắc mắc không biết tại sao cả một vùng bắn phá dầy đặc nhưng có một phía luôn yên tĩnh, không bao giờ tiếng pháo tiếng súng từ đó phát đi nên anh ta nghĩ đó là nơi có nhà thương dã chiến của VC. Anh ta bàn với cấp trên không nên động đến vì đó là nơi các thương binh của địch nghỉ dưỡng. Cũng nhân văn đấy chứ nhỉ!. Chỉ tầm vài ngày sau khi anh tâm sự, anh nghe một vụ nổ lớn kinh hoàng ở vùng đó. Hoá ra cấp trên của anh đã cho tấn công ngay cái vùng yên tĩnh anh đề cập. Thật bất ngờ nơi đó chính là kho đạn của địch, ngụy trang là nhà thương. Cấp trên quả là sáng suốt đánh trúng huyệt. Tay trái tay phải hoạt động nhịp nhàng!
Khi trong nước xảy ra nội chiến thật khó để quyết liệt quyết đoán được. Nhưng người miền nam nên học tập những nhà lãnh đạo Đức.
Đó là vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Nước người ta mà dám vào bắt cóc người mang về như chốn không người.Nhà báo Lê Trung Khoa ở Berlin, người theo dõi chặt chẽ vụ bắt cóc ông Thanh trong 5 năm qua đã tường thuật với VOA như sau
“Nhà nước Đức là một nhà nước pháp quyền, họ luôn thể hiện rằng họ rất nghiêm minh trong vụ việc nghiêm trọng này – bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức do mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ, tổ chức và đưa người ra khỏi Đức…làm rạn nứt quan hệ song phương giữa Berlin và Hà Nội.”
“Cho đến giờ Việt Nam vẫn không thừa nhận việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Ba điều mà Việt Nam chưa làm mà Bộ trưởng Ngoại giao Đức yêu cầu là: trả lại nguyên trạng – tức là đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, xin lỗi nước Đức, và hứa không tái phạm.
Luật là luật, phải xử thật nghiêm dù đó là người Việt Nam không biết có tội hay không, chưa cần bàn đến, nhưng cái hành động của một chính phủ lén lút bắt cóc người ngay trên đất nước Đức thì quả là coi thường đất nước người ta quá rồi! Khủng bố,nhiễu loạn miền nam, quen thói, giờ tưởng Đức cũng như thế sao?. Trong nước áp dụng luật rừng nên tha hồ lừa lọc, láo lếu, lắt léo, luồn lách, lật lọng, lấp liếm, ra khỏi nước cứ tiếp tục luơn lẹo liều lĩnh tưởng lọt lưới ai dè sa lưới, lúc đó sẽ thấm thía và hiểu ra câu “lưới trời lưới đất” của ông cha, nó chả có gì “mê tín dị đoan”, nó chính là luật pháp đấy. Cứ bất nhân đi rồi cũng có ngày!
Không thật lòng muốn đàm phán thương lượng với các nhà lãnh đạo miền nam, tấn công như kẻ thù truyền kiếp đưa đến sự rút lui hoảng loạn, dân quân miền nam chết oan trên đường di tản rất nhiều, thân phận con người sao quá rẻ rúng!
Khi cưỡng chiếm miền nam lại tiếp tục đày đọa dân. Nhiều người đi học tập cải tạo mãi mãi không về, rồi bao nhiêu người chết trên biển.
Vậy thì những động thái vừa nêu trên có phải đã vi phạm nhân quyền không? Đừng biện hộ là chiến tranh! Chiến tranh đã chấm dứt. Ngay cả là người nước ngoài cũng không được đối xử như vậy huống chi cùng là người trong một nước? .
Mục đích của những cuộc kháng chiến trường kỳ những chiến thắng “lừng lẫy” năm châu hy sinh biết bao xương máu phung phí sức trẻ, đưa đến cảnh cốt nhục tương tàn là cái gì? Một thể chế như ngày hôm nay ư?. Đừng so sánh với những chiến công của ông cha xưa. Không có chiến thắng nào giống chiến thắng nào cả. Khi đánh giá chiến công của một vị lãnh tụ, vị tướng người ta không thể nói rằng vì có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người theo mà người đó đáng được tôn vinh. Có những điều không thể theo đám đông. Vì có thể đám đông kia là bầy cừu non chỉ biết kêu be…be…theo con đầu đàn. Phải coi mục đích của cuộc chiến thật sự là gì? Kết quả sau cuộc chiến là gì?. Cái cách để đi đến chiến thắng là như thế nào?.
Trước khi bàn tiếp xin trích ra đây những câu nói của vị tướng Mỹ cùng thời với ông Giáp như sau:= Gen. William Westmoreland, commander in chief of the U.S. army in Vietnam from 1964 until 1968, and the chief adversary of Giap in the Vietnam War, declared, “The qualities that make a great military leader, is the ability to make decisions, moral strength, the ability to concentrate and the intelligence that unifies all those qualities. Giap possesses them all.” Westmoreland also said his victories were rooted in an appalling disregard for the lives of the soldiers under his command. “Any American commander who took the same vast losses as General Giap would not have lasted three weeks,” he said. (1)
Tạm dịch tướng William Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam từ năm 1964 đến 1968, từng là đối thủ của tướng Giáp đã phát biểu: =“ Những phẩm chất tạo nên một nhà lãnh đạo quân sự lớn đó là khả năng quyết đoán, sự kiên cường, khả năng tập trung và sự thông minh để rồi các đặc tính ấy hòa trộn vào nhau. Giáp sở hữu trọn những điều đó.”
Wesmoreland cũng nói những chiến công của ông ấy, bắt nguồn từ việc thí mạng đến là khủng khiếp quân sĩ dưới quyền mình. Không một vị chỉ huy Hoa Kỳ nào gây tổn thất quân số lớn lao như vậy mà có thể yên vị được trong ba tuần”:
Ông Westmoreland ơi, tại sao ông lại bày tỏ những ý mâu thuẫn đến vậy?. Cái vế sau của ông nói về ông Giáp làm cho những gì ông khen tướng Giáp ở vế đầu như một sự giễu cợt?. Ông nói vậy có khác gì ông nói văn hóa nước ông quý trọng con người còn nước tôi thì không? Ông nói vậy tức ông đề cao tính nhân văn trong quân lực Mỹ và cho rằng một vị tướng mà để mất quân quá nhiều thì không xứng đáng tại vị?. Trong bất cứ lãnh vực nào, không cứ gì trong quân đội, khi bị mất chức thì có nghĩa tích cực hay tiêu cực?. Xin nhớ cho, ông Giáp là tướng của VC chứ không phải là tướng của toàn cõi VN. Ông Giáp không chiến đấu vì dân tộc, ông ấy làm nhiệm vụ quốc tế, ông ấy chiến đấu cho lý tưởng của phe cộng sản cho một xã hội xã hội chủ nghĩa!
Ông đâu có cảm nhận những gì người miền nam chịu khi cuộc chiến kết thúc? Vì không hiểu rõ không nhìn ra đâu là Việt Nam đâu là Việt Cộng nên mới phải rút lui?. Người VN khác VC, văn hóa truyền thống VN khác văn hóa của Việt Cộng. Người VN cũng biết xót đau xương máu của cha anh chứ nào phải chỉ người Mỹ các ông đâu?. Quân sĩ là con người chứ không phải con cờ để mà thí mạng hiến thân. Cách đánh giá vị tướng trong văn hóa nước tôi rất nghiệt ngã, nó buộc phải kiêm toàn cả văn lẫn võ, cả tài lẫn đức. Tinh thần này luôn phải đi đôi phối hợp nhuần nhuyễn, chữ dũng lúc đó không được hiểu là liều lĩnh bất chấp, đi đến bạo động quá khích xem thường sinh mạng con người.
Huống chi chúng tôi cả nam lẫn bắc cùng dòng máu. Đâu thể tàn bạo bất chấp được! Đó là điều cấm kỵ trong văn hoá VN. Nếu không nói là một tội lớn lưu lại trong lịch sử của nước nhà! Dù cho có xây lăng tẩm, tượng đài cũng không thoát khỏi sự phê phán của lịch sử đâu! Ngày nay thế giới mạng phát triển mạnh mẽ cho nên “Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Văn hóa VN không đơn giản là cách chức cho về vườn như bên xứ cờ hoa của ông đâu! Nhà thơ Nguyễn Du khi nói về chiến tranh đã than:=“Ngẫm từ dấy việc binh đao, đống xương Vô Định đã cao bằng đầu”.
Vậy mà cuộc chiến hai mươi năm ở VN cao bằng núi chứ bằng đầu đã là may. Mất mát đau thương đâu phải chỉ trong cuộc chiến mà còn kéo dài sau cuộc chiến. Ông Giáp đã làm gì cho người miền Nam chúng tôi?. Ông biết người Việt như tôi sẽ tặng tướng Giáp gì không?. Đó là câu:“ Nhất tướng công “thành” vạn cốt khô”, một ông tướng làm nên công mà vạn bộ xương phải khô. Chữ “ thành” đau đớn thay lại trong nháy nháy!.
Văn hoá VN đích thực không hiếu chiến, không háo thắng, không bao giờ tung hô những người như Nã Phá Luân hay Thành Cát Tư Hãn dù cho ngựa của họ có tung vó xa thế chứ xa hơn nữa, cũng chả màng. Người VN quan niệm rằng chữ “NHÂN” phải đi đầu. Mà đã bất tín bất nghĩa thì đồng nghĩa với bất nhân. Đã bất nhân thì không cần phải bắt học sinh chứng minh vị anh hùng, vị tướng, lãnh tụ nào đó là đại nhân,đại trí, đại dũng. Vô ích! phí cả thời giờ. Loại bỏ điều này ra khỏi nền giáo dục ngay!
Văn hoá nước tôi nó lạ lùng, nó vừa vô lý vừa có lý. Nó tôn trọng tay trái hơn phải. Âm trước dương. Nó nói rằng :“Ba đồng một mớ đàn ông bắt bỏ vào lồng cho kiến nó tha, ba trăm một mụ đàn bà mua về để trải chiếu hoa cho ngồi”.
Nó đánh đố, cứ như trò đùa. Ngay chính người VN cũng khó hiểu đến long cả óc chứ nói gì đến người nước ngoài.? Nó lấy cái nhu chế cương. Nó quay sang trái hỏi quan văn (tả phù) trước khi quay sang phải để cho quan võ giơ kiếm lên. (Hữu bật). Nó tôn vinh những cuộc đàm phán thương thảo bất bạo động để có hòa bình. Nó không tôn vinh những loại quân thần lợi dụng lòng yêu nước xương máu của dân tộc để làm mồi vinh thân. Nó khiến người dân miền nam nhẫn nhục đón nhận thất bại để ngộ ra rằng phải chịu thua trước khi thắng, và nó cũng khiến cho người cộng sản miền Bắc ngỡ ngàng hụt hẫng… Ngay khi đoàn quân cộng sản bước vào Sài Gòn thì cũng là điềm báo trước số phận chủ nghĩa cộng sản đang giãy chết. Một thời gian sau toàn khối liên bang Xô viết và Đông Âu sụp đổ không cần một phát súng nào!
Tưởng đang đi đến đỉnh cao chiến thắng thì cũng là lúc thấy mình thất bại, tưởng đã thua, buông súng lại là lúc thấy những điều ta từng chiến đấu thật xứng đáng. Tưởng đã chinh phục được, lại bị chinh phục ngược lại. Tưởng thắng mà thua, không đánh nữa lại thắng. Không nơi đâu trên thế giới “chiến tranh lạnh” lại “nóng” như ở VN và hiện nguyên hình như một vở kịch với đầy hỉ nộ ái ố. VN chính là nơi cho ra kết quả sớm nhất về xung đột ý thức hệ, VN chính là con “chuột bạch” là vật thí nghiệm của hai thế lực này.
Bà Dương Thu Hương một nhà văn miền Bắc cũng là một người trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn đã trả lời phóng viên Đinh Quang Anh Thái như sau: = “Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí.
Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ.”
Bà này hay thật, não vẫn còn tốt quá không bị tổn thương chút nào!
Để kết thúc tôi xin có đôi dòng như sau:
Mặt hướng về đông,
Lưng hướng tây,
Quay sang phương bắc,
Hỡi tướng quân!
Chiến công đổi lấy
Bao xương máu?
Giải phóng gì đây?
Chỉ đọa đầy!
Quay lại đằng nam
Thầm nuối tiếc,
Tương tàn đã đủ
Súng đành buông,
Rồi đây lịch sử
dần soi xét,
Miền nam bất chiến,
tự nhiên thành.
Thời gian cuối tháng 7 sang tháng 8, người cộng sản thường có ngày lễ thương binh liệt sĩ, dạo này còn cầu siêu nữa chứ! Tôi thì nghĩ đến những người lính VNCH, tôi chả có gì ngoài bài viết này thầm cám ơn họ đã cho tôi một tuổi thơ đủ đầy, để tôi có đủ sức “đề kháng” khi lớn lên sau chiến tranh. Hình minh họa của tôi là một bãi cát ở duyên hải miền trung, được xem là nơi vùi xương cốt của rất nhiều lính VNCH đã hy sinh trên đường rút lui năm 75. Thấy cát vậy chứ lúp xúp phía dưới toàn mộ không à!
Viết xong ngày 28 tháng 7 năm 2022
Nguồn trích dẫn
(1) Facts and details
Praise and Critcism of Gen. Vo Nyguyen Giap’s and His Legacy Today.
Recent Comments