Nhà chị và nhà tôi cách nhau chỉ có giậu mồng tơi và chúng tôi cũng là những người hàng xóm thân thiết đến mức đôi khi chỉ cần một trong hai nhà đi chợ, có gì ngon thì đã chia một ít cho nhà kia, khi thì cái tôm, khi thì con cá, đủ để thành bữa. Ở quê khi ấy đất bạt ngàn trồng rau, đến khi cải trổ cắt để nhà một ít, một ít bán chợ , chị cũng vẫn hay để dành phần tôi. Cũng như nhà tôi xanh ngắt những luống mồng tơi, vẫn hay thường đem qua chia bớt cho nhà chị. Hàng xóm thân nhau cũng bởi cái tình. Tuy tôi nhỏ hơn chị dễ hơn chục tuổi nhưng chúng tôi rất thân thiết. Tôi còn nhớ khi tôi lên tám thì chị đi lấy chồng, con gái ở quê thường lấy chồng sớm, yên phận một gia đình. Vì ba mẹ chị mất sớm nên chị và anh quyết định dọn về nhà cũ ở, cũng là nhà gần tôi như trước giờ, khi ấy chị vừa thấy tôi đã vội reo lên:
- Bé Trân thấy không? Chị đi rồi cũng quay về với bé, chị em mình lại tiếp tục ở bên nhau rồi.
Ngày đó, tôi vẫn còn thấy trong veo tràn đầy trong mắt chị, dường như khi chị đi lấy
chồng sự hồn nhiên vẫn không hề đánh mất, tôi vẫn hay nghe chị kể về anh bằng tất cả tình thương yêu. Anh ở xóm trên, cũng mồ côi như chị, hai người thế mà lại quen nhau, anh đi cộ, còn chị thì bán buôn ngoài chợ, cứ thế sinh nhai đắp đổi qua ngày. Cuộc sống cứ yên ấm như bao đôi vợ chồng mới cưới và cũng bình dân như bao nhà trong cái xóm nghèo của chúng tôi. Tôi vẫn tưởng cuộc sống của chị vốn sẽ yên bình như thế và sự trong veo mà tôi đã thấy bao năm sẽ không bao giờ bị mất đi cho đến khi tôi trưởng thành. Dù ở sát nhà nhau nhưng khi tôi dần lớn lên, vì cấp ba học nội trú ở trường làng nên mỗi tuần tôi chỉ gặp chị được ít nhất ngày cuối tuần khi tôi về thăm nhà. Chị của những năm sau dường như rất khác, sau khi sinh bé ít năm, gia đình nhỏ bắt đầu trở nên bộn bề hơn bởi cơm áo gạo tiền. Thi thoảng, tôi định sang thăm lại nhìn thấy hình ảnh gầy gò của chị dường như đang rạp người trên chiếc sạp nhỏ mà tính toán chi tiêu. Lại có khi nửa đêm tôi nghe tiếng bé khóc giữa đêm rồi sau đó nín bặt và tiếng à ơi của chị vang lên trong đêm nghe có phần nỉ non tha thiết.
Nhưng dường như chưa bao giờ chị quên tôi, hầu như tuần nào chị cũng sang nhà tìm tôi nếu không thấy tôi ghé thăm chị. Dù mỗi tuần tôi đều về một lần nhưng chị cứ như mẹ tôi lúc nào cũng hỏi;
- Em ăn uống trên đó có đủ không? Chị có mang quả bầu, kí túc cho nấu đúng không? Mai trước khi đi sang chị, chị dúi cho ít cá khô, chị khô bữa giờ rồi, giờ săn lại ăn đưa cơm lắm.
Do nhà tôi khó, ba tôi đi biển biền biệt, nhà lại lắm anh em nên chị biết tôi lúc nào
cũng thiếu thốn, cứ non tháng mỗi khi tôi đi có khi chị lại dúi cho năm ba chục, có khi lại một trăm, dặn tôi ráng ăn đủ bữa. Tôi từ chối vì nhà trường lo rất tốt, tôi lại đóng đủ tiền cơm tháng rồi nhưng chị cứ nhất quyết:
- Em không ăn thì để đó dành xài, sau này học mà thành tài rồi xây nhà biệt thự thiệt to đón chị vô ở, nghen.
Có bận một hai tháng liền thi cuối kỳ tôi ở lì trường học không về nhà được, khi rảnh
Rồi nghe bác bảo vệ bảo có người ghé thăm, ra trước cổng đã thấy chiếc xe đap cũ kĩ của chị chất đầy những rau và cả miếng thịt nhỏ cùng dăm con cá. Chị bảo mẹ gửi cho tôi, bà yếu rồi không đi được, chị và bà thấy tôi không về lại lo nên chị cuốc xe lên đây. Tôi chợt nhìn nắng trời chói chang, nhẩm tính quãng đường chị đạp xe dễ hơn hai tiếng và mồ hôi in hằn trên áo chị…
Khi tôi vào đại học, tôi đậu một trường trên phố và bắt đầu những ngày tháng xa quê, xa nhà, xa cả chị. Có khi năm tôi mới về được một lần. Chỉ năm đầu tôi đi khi về tôi đã thấy chị rất khác. Anh bắt đầu biền biệt những chuyến đi, nghe nói anh bắt đầu nghe theo người đi buôn trên phố, bao nhiêu đồ trong nhà bán dần hết khi anh bắt đầu nghe lời người ta đổ vốn vào nhưng vẫn chưa thấy thành tựu. Căn nhà vốn yên bình của chị bắt đầu bằng những tiếng cãi vã của hai người:
- Nhà không còn gì để anh bán đâu. Anh coi để lại gì cho con chứ tôi cũng không còn tiền mà mua sữa nữa.
- Đi buôn một vốn bốn lời sao nhanh được, cô không chịu đổ vốn thì lấy gì mà có lộc.
Đôi khi những tiếng chửi bới trở nên nặng nề hơn và kéo theo sau là tiếng khóc của bé
và cả tiếng của chị. Tôi nghe mẹ nói anh nghe lời người mà không biết lỗ bao nhiêu lần rồi, cả căn nhà của hai người cũng đã đem cầm đi vay ngân hàng rồi. Tôi còn nhớ khi bắt gặp chị bên kia hàng rào, hinh ảnh chị bế đứa con nhìn anh hất tung cổng bỏ lên phố tiếp, nước mắt lưng tròng. Ánh mắt chị bắt gặp ánh mắt tôi, dường như vừa xấu hổ, vừa đau xót, chị đi thẳng vào nhà không nói gì. Mùa hè năm đó, tôi đã không qua nhà chị và cũng trọn năm đó tôi đã không gặp được chị lần nào nữa. Hai năm sau đó tôi vì học và cũng vì dịch bệnh mà không về lại quê được, cho đến khi tốt nghiệp tôi mới trở lại thăm quê. Đón tôi khi ấy tại nhà, có cả chị. Chị khoác lên mình một mảng màu rất khác so với những gì tôi còn nhớ, người phụ nữ dường như trở nên gầy hơn và có gì đó khắc khổ trên gương mặt. Làn da chị trở nên đen nhẻm, mái tóc búi cao như không được chăm chút, duy chỉ có nụ cười hiền vẫn không thay đổi.
- Cô tú tài của chị về rồi.
Khi chị nói câu đó không hiểu sao tôi lại òa khóc, ánh mắt của chị trở nên đen láy, sâu
hoắm nhưng tối tăm. Khi tôi sang chơi nhà chị, căn nhà nhỏ không che nổi sự trống trải, dường như mọi thứ có giá trị trong nhà đã bán đi hết cả rồi. Để che giấu không khí buồn bã ngập tràn trong mắt tôi buột miệng:
- Cháu của em đâu rồi, kêu nó lên đây em bế nào.
Chị có vẻ ngượng ngùng và khó mở lời nhìn tôi:
- Anh và chị ly hôn rồi, cháu theo ba lên phố.
Mọi thứ như đổ sầm trước mắt tôi, quay cuồng đến độ tôi không thể đứng vững. Anh
chị ly hôn năm trước, khi anh lên phố làm rồi quen với một người phụ nữ giàu có… Sau đó anh bắt đầu về nhà gây gổ với chị và cũng cám cảnh cái nghèo. Anh về giành quyền nuôi con và lúc nay chị như đứng giữa tình thương con và thương cho thân phận mình, chị biết mình không có điều kiện và cũng muốn con mình có môi trường tốt để phát triển nên… Chị giấu tôi và cũng nhờ mẹ không cho tôi biết vì muốn tôi trên phố chuyên tâm học hành. Khi chị nói ra điều đó chị cười xòa, mọi việc theo chị là đã qua đi, giờ chị sẽ cố gắng vì mình, vì con mà sống tiếp, khi đã có điều kiện kinh tế tốt hơn chị sẽ bàn với anh đón con trở về hoặc chia quyền nuôi dưỡng. Tôi không biết chỉ trong vài năm ngắn ngủi tôi đi đã có nhiều điều xảy ra như vậy, cuộc sống chẳng buông tha cho ai bất kì điều gì cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Đôi mắt trong veo của tôi, đôi mắt tôi đã luôn thấy đẹp và ngắm nhìn, nay đã trở nên thăm thẳm, sâu hút được che giấu bởi nụ cười gượng trên môi…
Lê Hứa Huyền Trân
Recent Comments