Trúc Giang MN thân tặng quý độc giả Quán Văn
1*. Lạm phát làm dân đói
Ngày 24-5-2011, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, lạm phát trong tháng năm là 19.87%. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định rằng, với mức lạm phát phi mã như thế nầy, thì số người nghèo sẽ tăng lên, bởi vì, mức thu nhập cố định không chạy theo kịp giá cả tăng nhanh mỗi ngày, nhất là lương thực, thực phẩm. Ăn uống thiếu thốn, không đủ dinh dưỡng mà lao động nặng nhọc thì không tránh khỏi bịnh. Chi phi y tế tăng, thuốc men cũng tăng cao, làm cho người nghèo mà sinh bịnh thì chỉ có nước xuống mồ sớm.
Thực phẩm đồng loạt tăng lên trên toàn quốc, với mức từ 20 đến 40%, thậm chí, nhiều mặt hàng tươi sống tăng từ 70 đến 80%.
Ông John Hendra, Điều phối viên LHQ ở VN, cho biết, VN là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, đứng hạng nhì sau Venezuela, Nam Mỹ, và trên Angola, châu Phi.
Lạm phát làm gia tăng số lượng nghèo đói ở VN. Thật vậy, Thanh Hoá hiện có 241,558 nhân khẩu đang bị đói. Chính quyền trung ương phải cấp 17,000 tấn gạo cứu đói cho 10 tỉnh miền Bắc và miền Trung là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hoá, Nghệ An, Gia Lai, Kontum, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái. Riêng Thanh Hoá, báo chí nói, một phần tư triệu người nầy năm nào cũng đói, chớ không chỉ riêng năm nay.
Ngày 27-5-2011, tờ Thời báo Kinh tế VN, trích lời của ông Ngô Trường Thi, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Xã hội, thì cả nước hiện nay có 3,044,566 hộ gia đình nghèo và 1,612,181 hộ cận nghèo.
Các chuyên viên cho rằng cách xếp loại như trên không thực tế. vì nó luôn luôn hàm chứa yếu tố chính trị, vì CSVN muốn nêu cao thành tích phát triển của VN. Cụ thể là cách trung ương không xa, tại Thanh Hóa, một phần tư triệu người đã thiếu đói, phải xử dụng hoa màu độn, để giải quyết nhu cầu thiếu ăn hàng ngày. Đó chỉ mới có một tỉnh mà thôi.
Việc xếp loại số lượng cận nghèo cũng không chính xác. trong những hộ thuộc diện nầy, chỉ có một người đau ốm phải nằm bịnh viện, thì đương nhiên bị rơi vào cái hố nghèo đói.
Tiêu chuẩn nghèo mới được điều chỉnh lại là, 400,000 VNĐ/tháng ở nông thôn, 500,000 VNĐ/tháng ở thành thị, thì thuộc diện nghèo. Trước nạn lạm phát phi mã (20% trở lên), đồng tiền bị mất giá, thì một số lượng người VN bị rơi vào cái hố nghèo.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói, lạm phát VN đã đến mức đáng lo ngại, vì đang làm khốn đốn doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các biện pháp chống lạm phát của nhà nước.
Đảng CSVN luôn luôn muốn phô trương tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng để làm gì mà đẩy hàng triệu người VN vào cảnh nghèo đói.
Một người dân nêu nhận xét, sự tăng trưởng kinh tế VN giống như anh chàng bán máu mình để làm giàu vậy. Sự giàu có là giả tạo, máu mỗi ngày một thiếu là hiện thực. Hãy hỏi 70% nông dân VN, xem cuộc sống của họ như thế nào thì rõ.
Không có giặc nào đáng sợ bằng giặc đói. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa giai cấp tư bản đỏ và người dân lao động quá cách biệt, kẻ ăn không hết, người lần không ra.
Nghèo đói là mầm móng của bạo loạn, cho nên vừa qua, cảnh sát cơ động và các lực lượng an ninh đã dùng xe thiếp giáp diễn tập chống nổi dậy ở Thanh Hoá, mục đích đe dọa, trấn áp người dân đang bị đói.
Thật ra, nghĩ cho cùng, thì không cần phải phô trương lực lượng như thế đối với những người mà bao tử trống rỗng, cơn đói đang hành, tay chân run rẩy, đuổi ruồi không bay, thì có gì đáng phải lo sợ đâu?
Suy ra, bỏ đói tập thể là một tuyệt chiêu chống nổi dậy và bạo loạn đối với bất cứ cuộc cách mạng hoa lài, hoa mai và cả hoa sen nữa. Hồi sau 75, đảng đã dùng chính sách “Sổ gạo” để siết chặt bao tử nhân dân, xem ra có hiệu quả thật.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, những người xử dụng tiền đồng của VN thì mới bị tác động của lạm phát, như thế, các đại gia tư bản đỏ, chỉ xài đô la thì chả có ảnh hưởng gì cả, có nghĩa là, đối với cán bộ đảng viên cao cấp, thì VN dường như không có lạm phát, đừng có đồn đoán lung tung để cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyền truyền làm mất uy tín của đảng.
2*. Lạm phát là gì?
Một cách đơn giản, lạm phát là đồng tiền mất giá trị làm cho giá hàng hoá tăng lên cao. Lạm phát được đo lường bằng sự gia tăng giá cả của hàng hoá và dịch vụ, xảy ra trong một thời gian nhất định. Tùy theo mức độ, có 4 cấp lạm phát từ thấp đến cao.
Thiểm phát. Lạm phát thấp. Lạm phát phi mã (20% trở lên). Siêu lạm phát. (từ 50% trở lên đến 3 chữ số (Digit), tức là từ 100 trở lên.)
Siêu lạm phát ở Đức năm 1923. Sau thế chiến I.
Tháng 1 năm 1922. Một tờ báo giá 0.3 đồng mark.
Tháng 1 năm 1923. Tờ báo đó giá 70,000,000 đồng mark (70 triệu)
Ở Việt Nam
Tháng 4 năm 2011. Một ổ bánh mì giá 10,000 $VN
Tháng 5 năm 2011. Ổ bánh mì đó giá 20,000$VN.
Như vậy, riêng về bánh mì thì thấy, đồng tiền mất giá 50%.
Tháng 4. 10,000$ mua được 1 ổ bánh mì.
Tháng 5. 10,000$ chỉ mua được phân nửa ổ bánh mì.
Một người bán lẻ tâm sự, trước kia tôi bán cho 20 khách thì thu được một triệu, bây giờ chỉ bán cho 6 khách, cũng thu một triệu, nhưng không thấy lời ở đâu cả, vì mọi thứ đều quá đắt. Có một người mỉa mai rằng, VN ngày nay là một quốc gia giàu nhất thế giới, vì ai ai cũng là triệu phú cả, người ăn mày cầm tiền triệu trong tay là chuyện bình thường.
Bài thơ phản ảnh sự mất giá của đồng tiền với ý mỉa mai chua chát.
Tha hồ cầm bạc cầm tiền
Bán con gà nhép, cầm tiền triệu chơi.
Cân ngô cứ khoảng trăm nghìn,
Người nghèo gánh bạc kìn kìn, nợ vay
Thế là sướng nhé, sướng thay
Cần chi sản xuất, ngồi say đếm tiền.
Con người dở dở điên điên
Làm kinh tế dỏm, xài tiền tỷ luôn.
Mong cho lạm phát luôn luôn
Dân nghèo đếm bạc, lấy buồn làm vui.
3*. Một số chữ viết tắt và định nghĩa
3.1. Phá giá tiền tệ
Là làm giảm giá trị đồng nội tệ so với đồng ngoại tệ, mà hai chính phủ cam kết để duy trì tỷ giá hối đoái.
3.2. Tỷ giá hối đoái
Là so sánh về mặt giá cả giữa 2 đồng tiền của 2 nước. Có thể nói, giá của đồng tiền nầy được tính ra bằng giá của đồng tiền khác. Ví dụ,
1USD=21,750VNĐ
3.3. Kinh tế vĩ mô (Macroeconomic)
Vĩ là to lớn. Vĩ đại.
Kinh tế vĩ mô hay kinh tế tầm lớn, nghiên cứu về đặc điểm, cấu trúc và hành vi kinh tế của một quốc gia, như tổng sản lượng nội địa (GDP), tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số giá cả, nói chung là có tính tổng quát, bao trùm lên cả nền kinh tế của một nước. Nghiên cứu và giải thích về thu nhập quốc gia, sản lượng, tiêu dùng, thất nghiệp, tiết kiệm, đầu tư, buôn bán quốc tế (mâu dịch quốc tế), tài chánh quốc tế và lạm phát.
Khi nói về lạm phát, người ta thường nhắc đến kinh tế vĩ mô.
3.4. Kinh tế vi mô (Microeconomic)
Vi là nhỏ. Vi khuẩn, vi trùng.
Kinh tế vi mô hay kinh tế tầm nhỏ, nghiên cứu về hành vi kinh tế của cá nhân, gồm người tiêu dùng, nhà sản xuất theo một cách riêng biệt, “đặc thù”. Kinh tế vi mô nghiên cứu về hành vi của người sản xuất, các yếu tố sản xuất: lao động, vốn, tài nguyên.
3.5. Định nghĩa GDP
GDP=Gross Domestic Product. Là Tổng sản phẩm nội địa.
GDP là giá trị tính bằng tiền của tất cả hàng hóa và dịch vụ của một nước, trong thời gian thường là một năm. GDP thường dùng để so sánh xếp hạng và đánh giá mức tăng trưởng của một nền kinh tế.
Một vài con số GDP làm thí dụ.
GDP năm 2009, tính bằng triệu USD.
Việt Nam 88,200 triệu USD
Thái Lan 268,581 triệu USD
Nhật Bản 4,992,864 triệu USD
Trung Quốc 5,434,903 triệu USD * Năm 2009 vượt qua Nhật.
Campuchia 11,892 triệu USD
Lào 5,585 triệu USD
3.6. GDP “bình quân” đầu người (GDP per capita)
GDP trung bình đầu người, bằng GDP quốc gia chia cho tổng số dân.
3.7. Ngân hàng ADB (The Asian Development Bank)
Là Ngân hàng Phát triển châu Á. Thành lập năm 1966, trụ sở tại Manila, Phi Luật Tân. Là một tổ chức của LHQ gồm 67 thành viên của vùng châu Á Thái Bình Dương. Mục đích cho vay và hỗ trợ kỹ thuật giúp các nước châu Á xoá đói giảm nghèo.
3.8. Tập đoàn tài chánh HSBC
HSBC=The Hongkong and Shanghai Banking Corporation. Công ty mẹ của HSBC là HSBC Holdings plc, là một tập đoàn tài chánh lớn nhất thế giới về trị giá vốn hoá thị trường. Tập san Forbes xếp tập đoàn mẹ HSBC Holdings plc vào hàng thứ ba trên thế giới.
Công ty con là The Hongkong and Shanghai Banking Corporation đóng ở Hồng Kông. Cái tên của tập đoàn được lấy từ tên của thành viên sáng lập và góp vốn nhiều nhất, là Hồng Kông và Shanghai (Thượng Hải-TQ). Tài sản 1,884 tỷ USD (2007).
Ngân hàng HSBC mở văn phòng ở Sàigòn năm 1870, tính đến nay 141 năm. Hiện có văn phòng ở Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ. Là một ngân hàng nước ngoài lớn nhất VN, góp phần đầu tư và vào các sinh hoạt tài chánh của VN.
3.9. CPI là gì?
CPI=Consumer Price Index. Là chỉ số tiêu dùng.
Là tỷ lệ thay đổi giá cả gia tăng của hàng hoá so với 2 thời gian, trước và sau. Tỷ lệ phần trăm nầy cho thấy tốc độ lạm phát nhanh hay chậm. Chỉ số tiêu dùng CPI trong tháng 4 năm 2011 là 17.51%. Cao nhất từ tháng 12 năm 2008 đến nay.
4*. Nguyên nhân tạo ra lạm phát
Lạm phát là đồng tiền mất giá trị, giá hàng hóa tăng vọt lên cao. Nguyên nhân làm cho đồng tiền mất giá trị thì rất nhiều. Nguyên nhân làm cho giá cả hàng hóa tăng cao cũng có nhiều.
Vì nền kinh tế VN là ba rọi, nửa nạc nửa mỡ gọi là “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó kinh tế quốc doanh làm chủ đạo”. Do đó, lạm phát cũng mang tính đặc thù của VN.
Cái khuyết điểm của nền kinh tế nhà nước là không có hiệu quả, dựa trên tinh thần vô trách nhiệm của cán bộ quản lý, gọi là “mồ cha chung không ai khóc”. Đồng thời, do khả năng quản lý kém và tham nhũng. Đa số các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, nhưng cán bộ quản lý thì “thu hoạch” thành công. Nhà nước cứ bơm tiền vào nhiều mà giá trị sản xuất kém.
VN đã nhờ trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ làm cố vấn kinh tế, khi lạm phát hồi năm 2008, (28.3%) thì Harvard khuyến cáo, hãy cải tổ kinh tế quốc doanh, tư nhân hoá bằng cách cổ phần hoá các công ty. CSVN cũng tư nhân hoá, nhưng thay vì bán cổ phiếu cho tư nhân thuần túy, thì trái lại, nhà nước ưu đãi cổ phần cho cán bộ với giá rẻ. Thành phần cán bộ nầy lợi dụng quyền thế và địa vị để ưu tiên vay vốn ngân hàng. Kết quả, công ty xí nghiệp vẫn thua lỗ, vì tiền chùa, tiền của nhà nước. Trái lại, cán bộ thì giàu to.
Khi Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ, ông đến xin ý kiến, thì ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed), trả lời ngắn gọn, là cải tổ, thanh lọc các công ty quốc doanh và tư nhân hoá, có nghĩa là nên xoá bỏ các công ty nhà nước.
Những góp ý trên không sai chút nào, cụ thể trước mắt là vụ Vinashin bị vở nợ và thiếu ngoại quốc 4.4 tỷ USD đã đáo hạn kỳ mà không có tiền trả.
Các nhà kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính gây ra lạm phát VN là chính sách tài khóa, trong đó có tham nhũng.
5*. Chính sách tài khóa là gì?
Tài khóa là một quyết định, dùng ngân sách quốc gia, cung cấp các khoản tiền chi tiêu và xử dụng cho các cơ quan nhà nước trong thời gian một năm, thường gọi là năm tài chánh (Fiscal year), thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 10 năm sau.
Ngay từ đầu năm, ngân sách của các cơ quan, trong đó có các công ty quốc doanh, được quy định một ngân khỏan là bao nhiêu, rồi từ đó, cứ từng ba tháng, giải ngân mà xử dụng. Số tiền không thay đổi.
Đến giữa năm, lạm phát xảy ra, nhà nước đưa ra những biện pháp siết chặt tín dụng, hạn chế việc tiêu xài công và cho vay, nhưng các công ty quốc doanh không bị ảnh hưởng gì cả, cứ ra ngân hàng mà lấy tiền như đã quy định. Phần lớn là thực hiện để đạt các chỉ tiêu đã được nêu ra.
Tài khóa không xét đến việc làm ăn lời, lỗ của công ty, mà chỉ cung cấp theo nhu cầu, kể cả việc trả nợ cho những công ty làm ăn thua lỗ. Vì thế, các giám đốc công ty vẫn bình bình, an an, tiêu tiền và tham nhũng.
Chế độ tài khóa tạo ra mâu thuẩn giữa Bộ Tài chánh và Ngân hàng nhà nước. Ngân hàng siết chặt cho vay, thì Bộ Tài chánh bung tiền ra sản xuất, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà đảng đề ra, như chỉ tiêu năm 2011 là 6.5%.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế tuyên bố, lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng lạm phát VN là chính sách tài khóa.
- Mở rộng chi tiêu như thế
- Mở rộng đầu tư như thế
- Và đầu tư kém hiệu quả
- Lại còn tham nhũng nữa. Đó là chính sách tài khóa, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của đảng.
Tóm lại, mọi thứ đều do sự kém hiệu quả của các công ty nhà nước và tham nhũng.
Ngày 29-4-2011, báo cáo quý 1 năm 2011, công ty mẹ Thăng Long đã lỗ 581.74 triệu VNĐ.
6*. Tham nhũng góp phần làm gia tăng lạm phát
Ngày 7-3-2005, tờ Vietnam Investment Rewiev, số 699 đã tổng kết, tham nhũng làm thiệt hại ngân sách quốc gia 30% của đầu tư hạ tầng. Lê Khả Phiêu tuyên bố, tham nhũng là do cơ chế và con người. Về cơ chế, thì 10 cơ quan đứng đầu tham nhũng là: Nhà đất, Hải quan, Quản lý xuất nhập khẩu, Cảnh sát giao thông, Thuế vụ, Quản lý xây dựng, Cấp giấy xây dựng, Y tế, Cảnh sát kinh tế…
Những vụ tham nhũng” ấn tượng”: Vụ PMU-18, PCI của Huỳnh Ngọc Sỹ, Đề án 112, Nexus Technologies, Hối lộ tiền Polymer, Chia đất công ở Hải Phòng, và Vinashin.
Tham nhũng là làm tăng chi phí sản xuất mà không tăng giá trị sản phẩm.
7*. Phá giá tiền đồng Việt Nam
Phá giá tiền đồng VN, là làm cho giá trị tiền trong nước giảm giá trị so với tiền ngoại quốc. Hạ giá tiền đồng làm cho hàng nhập khẩu, tức là hàng mua vào đắt hơn, và hàng xuất khẩu, tức là hàng bán, ra rẻ hơn.
Chính hành động phá giá làm làm mất giá trị đồng tiền, gây ra lạm phát.
Các tổ chức tài chánh Barclays Capital, City Group, J.P Morgan cho rằng việc phá giá tiền đồng làm cho lạm phát trầm trọng thêm. Đồng tiền đã mất giá, lại càng mất giá hơn.
Trước kia, 1USD=20,730 VNĐ
Ngày 11-2-2011, 1USD=21,750 VNĐ.
Tóm lại, theo các nhà kinh tế, thì nguyên nhân lạm phát ở VN là do chính sách tài khóa, tham nhũng, phá giá tiền đồng VN và tăng lãi suất ngân hàng.
8*. Các biện pháp kềm chế lạm phát của Việt Nam
8.1. Tăng lãi suất.
Tín dụng là việc ngân hàng cho vay.
Để giữ giá trị tiền đồng VN, nhà nước hạn chế việc cho vay để làm giảm khối lượng tiền lưu hành trên thị trường. Trước kia cho khách vay trên 23%, nay cho vay tối đa là 20%. Đồng thời, tăng lãi suất, tức là tăng số phân lời. Hiện nay, lãi suất là 17.5%, nghĩa là vay 100$ của ngân hàng, thì phải trả tiền lời là 17.5$.
Từ ngày 7-2-2011 đến 18-4-2011, ngân hàng nhà nước tăng lãi suất 3 lần. Tuy nhiên, lạm phát không có dấu hiệu nào bị khống chế cả, mà còn tiếp tục tăng cao ở tháng 5 năm 2011. Việc tăng lãi suất không có hiệu quả chống lạm phát.
Trái lại, việc tăng lãi suất chính là việc làm giảm giá trị đồng tiền. Cầm 100$ của ngân hàng trong tay, nhưng chỉ có giá trị xử dụng là 82.5$. vì phải trả tiền lời 17.5$.
8.2. Siết chặt tín dụng là bóp chết doanh nghiệp nhỏ
Doanh nghiệp tư nhân đa số là doanh nghiệp nhỏ, phần lớn dựa vào tiền vay của ngân hàng, như các trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi heo, bò, các nhà nông, vay tiền theo thời vụ, đến mùa thu hoạch thì trả tiền ngân hàng, rồi lại vay món nợ khác cho mùa tới. Biện pháp hạn chế cho vay làm cho các cơ sở nầy phải đóng của, và một số không trả được nợ thì bị mất đất đai cầm cố. Một số người xin vào ở tù để trừ nợ.
Vì cạn vốn, sắt thép, xi măng và vật liệu xây dựng lên giá cho nên nhiều công trình phải ngừng lại. Các chủ doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, cười ra nước mắt.
Tóm lại, việc thắt chặt tín dụng đã giết chết các doanh nghiệp nhỏ, làm tổn hại đến kinh tế quốc gia.
Giới đầu tư thường nói, chính phủ CSVN có thành tích đáng kể, là ban hành các Nghị định mà hiệu quả thực hiện rất kém cỏi. Một người dân nói, vay nợ chính phủ, nặng lãi bằng xã hội đen, thì cần cóc gì các chuyên gia với bằng cấp giấy tiến sĩ nầy, tiến sĩ nọ cho phí tiền thuế của nhân dân.
8.3. Chống lạm phát tào lao
Chống lạm phát là cố ghìm cho giá cả hạ xuống, thế nhưng nhà nước làm trái lại, tức làm cho giá cả tăng lên, cho nên gọi là “chống tào lao”
Tăng giá điện
Chính phủ cho phép công ty điện lực quốc doanh, được quyền “điều chỉnh” giá cả thường xuyên cứ 3 tháng một lần, nói đơn giản, là cứ 3 tháng thì tăng giá điện một lần. Giá điện hiện nay đã tăng 15%.
Tăng giá xăng
Ngày 24-2-2011, Bộ Tài chánh quyết định cho tăng giá xăng từ 16,400$/lít lên 19,300$/l, tức tăng mỗi lít là 2,900$. Và tuyên bố, sẽ còn tăng nữa.
Xăng dầu và điện tăng giá, kéo theo sự tăng giá của các hàng hoá liên hệ.
Vì giá xăng dầu lên cao, một số ghe tàu đánh cá, bỏ neo nằm ụ tại bến, như thế sản xuất giảm.
Lãi suất ngân hàng tăng, nguyên vật liệu tăng, hàng hoá sản xuất giá thành cao, thì không cạnh tranh nổi với hàng hoá TQ và Thái Lan trong việc xuất khẩu.
Một số nơi, các trạm xăng đóng cửa chờ giá mới, nhà nước cho đó là diện đầu cơ tích trữ và cảnh cáo, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cây xăng đóng cửa, hay bán nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, bình luận với đài BBC, là nhiều cây xăng thuộc công ty quốc doanh Petrolimex đã ghìm hàng, với lý do trở ngại kỹ thuật nên nhân viên kiểm soát phải chào thua.
Việc nhà nước tăng giá điện và xăng dầu trong khi thực hiện các biện pháp chống lạm phát, đúng là làm chuyện “chống tào lao”.
Nhà nước biết được điều đó, nhưng bắt buộc phải thực hiện, vì nền kinh tế sắp nát bét ra rồi.
9*. Tác hại của lạm phát
9.1. Thị trường chứng khoán chao đảo
Thị trường chứng khoán là chợ mua bán tiền bạc, mà tiền bạc mất giá từng ngày đưa đến đồng tiền giống như một đống giấy lộn, cho nên chả ai muốn bỏ tiền ra để ôm vào đống giấy lộn nầy vào cả.
Ngày 24-5-2011, giới đầu tư đã bán tống, bán tháo cổ phiếu liên tục đến ngày thứ 9.
Ngày 20-5-2011, chỉ số VN-Index khi đóng cửa, giảm 3.6% ở mức 402.59$VN, tức là sụt 10.4% kể từ thứ tư tuần trước, ngày 11-5-2011.
Ông Fiachra MacCana, Giám đốc Nghiên cứu tại Công ty môi giới Chứng khoán TP Sài Gòn nói với tờ Financial Times là, giới đầu tư đã tới ngưỡng cửa “buông tay cổ phiếu”. Thị trường đang rơi tự do và chúng ta đang ở mức cuối cùng của giai đoạn tuột dốc (bear market), khi tất cả mọi người phủi tay và quăng mọi thứ qua cửa sổ.” Bi đát thật.
Vốn của công ty được tính bằng tiền trên cổ phiếu, cổ phiếu mất giá thì vốn cũng không còn. Hết tiền mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân, thì phải đóng cửa. Sập tiệm.
Đó là tác hại do thị trường chứng khoáng mà ra.
Tóm lại, lạm phát cao, các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu, tiền lương công nhân chạy theo không kịp vật giá leo thang, kéo theo công nhân đình công, các doanh nghiệp lo âu, nợ nước ngoài chồng chất, thật đúng là nền kinh tế VN đang lâm vào một tình trạng vô cùng ảm đạm.
Bi đác của người mua cổ phiếu
Một người dân phát biểu, một số công ty vốn 10 tỷ đồng thì phô trương là 1,000 tỷ rồi sau đó, bán cổ phiếu ra ngoài thu tiền, chỉ chết cho người “ngu dại”, bị các công ty, nhất là các tập đoàn nhà nước lừa gạt. Đề nghị nhà nước nâng cấp các cây cầu lên cao hơn cầu Bình Lợi, để hạn chế việc nhảy sông tự tử.
Một ý kiến khác đầy ấn tượng.
“Nếu lạm phát tăng tới 30%, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ sụp đổ. Nếu TTCK sụp, thì kinh tế VN sẽ sụp. Nếu kinh tế sụp, thì đảng CSVN sẽ sụp theo. Nếu đảng CSVN sụp, thì đất nước VN sẽ giàu lên như Nhật, hay ít ra cũng bằng Nam Hàn trong 15 năm.”
9.2. Đình công
Ngày 18-5-2011, hãng tin DPA (Đức) cho hay, các cuộc đình công ở VN tăng mạnh vì lạm phát và các điều kiện làm việc tồi tệ. Theo thống kê của Liên Đoàn Lao Động VN, thì từ đầu năm đến năm 2011 đã có 220 vụ đình công, so với 210 vụ hồi năm trước, 2010.
Lạm phát phi mã, quyền lợi bị chà đạp, mức lương thấp đưa đến đình công. Giá cả gia tăng nên bữa ăn kém chất lượng, bị bóc lột sức lao động là làm thêm giờ mà không trả tiền. Lương trung bình công nhân là 65 USD/tháng.
Chủ nhân ngoại quốc bốc lột là do tham nhũng của VN.
Trong một cuộc hợp mới đây, 50% công ty ngoại quốc cho biết họ phải “bôi trơn” khi xin đầu tư. 100%, tức là toàn thể các nhà đầu tư ngoại quốc, phải “bồi dưỡng” cho cán bộ khi họ liên hệ xin giấy tờ cần thiết.
Cho dù luật lao động VN có tốt nhất thế giới đi nữa, mà cán bộ thi hành luật đòi bồi dưỡng, bôi trơn, đòi hối lộ thì chuyện mưu lợi và khai thác sức lao động cũng có thể hiểu được. Đó là để bù đấp vào các khỏan hối lộ, nhất là các nhà đầu tư Tàu Đài Loan, Nam Hàn.
Chỉ có 6 trên 10 công ty tuân thủ luật lao động VN, cũng là chuyện dễ hiểu thôi.
Lạm phát, đình công, giá điện tăng, làm cho các nhà đầu tư nản chí, cuốn gói ra đi không hẹn ngày trở lại. Các nhà dự định nhảy vào hùn hạp làm ăn, thấy có nhiều rủi ro, tham nhũng, mất tin tưởng ở vụ Vinashin, cũng thay đổi ý kiến. Chữ thành tín rất cần thiết trong việc hợp tác làm ăn, nhưng VN không có, cụ thể là vụ xù 4.4 tỷ USD nợ nước ngoài của Vinashin. Các chủ nợ cảm thấy bị VN lừa gạt.
Quỵt nợ nước ngoài
Vụ Vinashin vở nợ năm 2010, chính phủ CSVN từ chối trả các khoản nợ lên tới 4.4 tỷ USD. Nhiều chủ nợ cảm thấy mình bị CSVN lừa gạt. Đã có hàng chục tổ chức tài chánh cho Vinashin vay như: Standard Chartered Plc, Credit Suisse AG, Depfa Bank Plc, Elliott Advisers Ltd…
Năm 2007, chính phủ VN viết thơ bảo lãnh cho Tập đoàn Vinashin để họ có thể vay 600 triệu USD bổ sung.
Đối với các công ty tài chánh, sự bảo lãnh của chính phủ là lý do duy nhất để họ cảm thấy an toàn cho Tập đoàn Vinashin vay tiền.
Ngày 16-5-2011, tờ Wall Street Journal nêu nhận định, vụ Vinashin cho thấy sự rủi ro trong đầu tư vào một thị trường mà trước đây được xem là hấp dẫn trong các nước đang phát triển.
Việc xù nợ Vinashin làm mất niềm tin của các nhà đầu tư vào VN.
Việt Nam đang bị áp lực vì thiếu ngoại tệ
Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, và một số công nhân xuất khẩu lao động đã ồ ạt chạy về nước, là nguyên nhân đưa đến kiều hối bị giảm.
Trong năm 2010, số lượng kiều hối là 8 tỷ USD. Báo Đầu Tư VN trích số liệu của Ngân hàng nhà nước, cho biết, kiều hối tháng 4 năm 2011 là 367.6 triệu USD, giảm 19% so với tháng 3.
10*. Chính sách kinh tế sai
10.1. Lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo là sai
Hồi cuối tháng 11 năm 2010, một giáo sư kinh tế trường Đại học Harvard, ông Michael Porter, sau chuyến thăm VN, đã cảnh báo:
Khu vực tư nhân phải dẫn đầu nền kinh tế
Trong khi đó, Đại hội Đảng XI hồi tháng 1 năm 2011, vẫn coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo.
VN bị phê là, đầu tư vì mục đích tăng trưởng chớ không phải vì bền vững của nền kinh tế, vì thế mới xảy ra nhiều vấn đề làm cho nhân dân không thoát ra khỏi cảnh nghèo đói.
Trả lời phỏng vấn BBC, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết “Lãnh đạo bị mắc cái bịnh vĩ cuồng, nghĩ đến những chuyện rất to lớn, trong khi chưa ra khỏi nền kinh tế nông nghiệp. Lấy khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn quốc doanh làm vai trò chủ đạo, là điều hoàn toàn sai lầm. Hệ thống kinh tế vĩ mô đã lỏng lẻo yếu kém, trong lúc tập trung các phương tiện quốc gia để giao cho một tập đoàn kiểm soát kém và không ai chịu trách nhiệm cả. Cái nầy là cái bế tắc lớn.
Những lãnh đạo tập đoàn là đảng viên. Điều xảy ra là mỗi phe được ưu đãi kinh doanh một lãnh vực, mỗi phe trong đảng có cơ sở kinh doanh khai thác tài nguyên quốc gia cho mục đích riêng. Thành ra, có rất nhiều đại gia thuộc tư bản đỏ, tỷ phú đô la mà người dân vẫn nghèo đói.”
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở VN trả lời phỏng vấn BBC ngày 3-12-2010, cho biết, trong cuộc họp Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 2-12-2010 tại Hà Nội, ông nêu hai vấn đề cần thiết phải thực hiện:
- Chính phủ nên nổ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. (Nghĩa là chống lạm phát)
- Đẩy mạnh việc cải cách các công ty quốc doanh. Các khoản nợ Vinashin cần phải được giải quyết minh bạch.
Ông Adam Sitkoff nhấn mạnh “Hành động thường xuyên bôm tiền vào các công ty quốc doanh đang ngập nợ nần, không phải là cách xử dụng tiền đóng thuế của nhân dân một cách có hiệu quả và đúng đắn”.
Nói chung, dùng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo là sai lầm.
Thế nhưng vì lý do gì mà CSVN vẫn ôm khư khư cái đuôi tệ hại đó mãi vậy?
11*. Kết luận
Lạm phát rồi cũng sẽ qua, nhưng hậu quả tai hại của nó thì người lao động lãnh đủ, nghèo đói tiếp tục dài dài. Đảng CSVN đã bỏ quên giai cấp mà đảng hãnh diện làm đại diện trung thành, như thế là phản bội và lừa bịp.
Nhiều người hy vọng rằng, trong cơn nguy cấp kinh tế nầy của đất nước, sẽ có một Gorbachev Việt Nam, nghĩa là sẽ có một đảng viên đứng lên lật đổ, chính cái đảng của mình. Hy vọng nào cũng tốt, nhưng điều nầy chỉ là một ảo vọng.
Tại sao?
Bởi vì, Gorbachev không tham nhũng, trái lại, những người có thế lực, có binh quyền trong tay trong đảng CSVN, thì không có ai là không tham nhũng cả.
Gorbachev khi hết quyền lực, phải ra ở mướn trong Apartment 2-bedroom. Xe hơi nhà nước, bị đòi lại. Ông phải đóng phim quảng cáo cho hảng Pizza Hut để lấy 35,000 đô la mà sinh sống. Trái lại, tham nhũng ở VN đoàn kết lại, bảo vệ cho nhau và bảo vệ đảng để được an toàn tánh mạng và tài sản.
Nguyễn Minh Triết đã thú nhận điều đó. “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Kẻ gây tội ác tày trời, khi bỏ đồ đao xuống thì lập địa thành Phật. Trái lại, đảng viên CSVN, khi bỏ mã tấu và AK xuống, thì về chầu địa ngục. Thử hỏi trong Bộ chính trị đảng có ai muốn bỏ mã tấu, AK xuống để tự sát không?
Lương tháng 260 đô là, thế mà bây giờ là tỷ phú đô la, thì tiền ở đâu ra nhiều thế?
Cũng có ý kiến cho rằng Trương Tấn Sang có ý định cải thiện chính trị, đi theo cải thiện kinh tế. Chuyển hướng chính trị. Ông Trương Tấn Sang bây giờ là tỷ phú đô la, khác với Gorbachev, ông cũng không có quyền lực trong tay như Phùng Quang Thanh hay Lê Hồng Anh, là 2 bộ trưởng Quốc phòng và Công An, và có lẻ ông cũng không muốn tự sát khi bỏ điều 4 HP.
Còn việc tuyên bố, một con sâu, nhiều con sâu làm rầu nồi canh, làn tan tành đất nước, cũng không có gì mới lạ, vì quần chúng nhân dân đã từng nói như thế, và ai ai cũng biết như thế.
Nhìn sâu hơn nữa, thì đó chỉ là một màn lừa bịp trước làn sóng cách mạng dân chủ thế giới, mục đích làm cho dân hy vọng, và nghĩ rằng có thể sẽ có thay đổi chiều hướng chính trị. Màn kịch lừa bịp nầy đã được diễn ra trước đây, khi VN xin vào Tổ chức Thương Mại Thế giới, (WTO) và WTO buộc CSVN phải thực hiện hệ thống luật pháp và cơ chế thượng tầng kiến trúc cho phù hợp với hạ tầng cơ sở kinh tế thị trường tự do. WTO cho VN thời gian 12 năm để hoàn thành yêu cầu đó. Trong thời gian 12 năm, VN vẫn bị xem là một nước “Phi thi trường kinh tế tự do”, phải chịu cảnh bất công, là có thể bị phạt về tội bán phá giá, nếu hàng hoá rẻ hơn thị trường. WTO là sân chơi của kinh tế tư bản.
Thế là CSVN thực hiện một màn kịch lừa thế giới. Đó là cử những phái đoàn do Tôn Nữ Thị Ninh hướng dẫn đến Quốc Hội HK, nghiên cứu về việc làm luật, sau HK thì đến Anh quốc và kế đó, nhờ Pháp giúp về mặt thực hiện luật pháp. Trong nước thì tổ chức hội thảo vể luật pháp. Sau cùng, dẹp bỏ tất cả. Luôn luôn ôm khư khư điều 4 HP. Và “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo”. Chả có gì thay đổi cả. Luật rừng vẫn tiếp tục.
Muốn tìm hiểu Cộng sản thì phải nhìn sâu vào bản chất, chớ không nên tin vào hiện tượng. Như thế, mới biết rằng thật sự không có phe cấp tiến và phe bảo thủ trong đảng CSVN. Thực chất là việc phân công nhau làm việc để bảo vệ đảng và kiếm tiền nuôi đảng. Nếu Nguyễn Tấn Dũng được chỉ định làm Bộ trưởng Công An, thì cũng sẽ làm việc như Lê Hồng Anh mà thôi. Còn việc kiếm tiền trong thế giới tư bản, thì phải theo một số quy luật của sân chơi tư bản. Tóm lại, tất cả chỉ vì đảng, vì quyền lực để cai trị, chớ không phải vì tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân dân.
Nhìn vào bản chất, Võ Văn Kiệt đã 70 năm cầm mã tấu giết hại đồng bào miền Nam, trước khi xuống lổ, tuyên bố vung vít năm ba câu, thế mà đã có nhiều người nạn nhân của CS ca ngợi.
Một điều cần nhớ là câu nói của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn kỹ những gì CS làm”.
Trúc Giang MN
Recent Comments