Đầu năm mới, tôi muốn tặng cho những người trẻ có ý hướng muốn làm chính trị một câu chuyện nho nhỏ. Câu chuyện này tôi được nghe từ những lời tâm sự của một người thân nay đã mất. Đây là những lời người này để lại cho con cháu và tôi xin chia sẻ cùng các bạn trẻ sinh sau đẻ muộn có ý muốn biết đến chế độ VNCH.
Tôi cũng xin nói trước là tôi chỉ đưa ra một khía cạnh trong muôn vàn khía cạnh. Và để biết sâu rộng hơn thì các bạn trẻ nên lắng nghe tìm hiểu thêm từ mọi phía và tự mình suy xét.
Cách đây hơn hai mươi năm tôi có dịp ngồi nói chuyện hàn huyên trong không khí thân mật, lúc đó tôi hỏi một người thân mà tôi biết đã từng phục vụ ở cương vị là một viên chức hành chánh xuyên suốt hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa rằng ông ta nghĩ sao về ông Ngô đình Diệm.
Thay vì trả lời ông ta kể lại những gì ông ta phải đương đầu sau vụ ám sát hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sau biến cố đó, vị tỉnh trưởng ông ta từng phục vụ dưới quyền đã bị bắt ngay lập tức. Và lẽ dĩ nhiên văn phòng nơi ông ta làm việc giấy tờ bị lục tung soi xét từng li từng tí. Khi không tìm thấy được bằng chứng khả dĩ có thể buộc tội vị tỉnh trưởng cũng như chính bản thân ông này, người được giao nhiệm vụ truy xét, nói xa nói gần rằng bằng chứng đã bị thủ tiêu, tỏ ý nghi ngờ ông này là người của phe ông Diệm, cuối cùng dọa dẫm một câu bằng tiếng Pháp rằng: “je suis sanguinaire= tôi là người khát máu”
Khi nghe câu nói đó, ông này bực quá nhìn thẳng vị sĩ quan nói bằng tiếng Việt. “Tôi không sợ chết. Tôi không là người của ai cả, tôi chỉ phục vụ cho quốc gia dân tộc. “
Viên sĩ quan biết mình lỡ lời vội xin lỗi.
Không có bằng chứng buộc tội, ông tỉnh trưởng được ra khỏi tù, sau đó có tâm sự rằng nhờ có một thư ký chuyên nghiệp phục vụ dưới quyền, ông ấy đã không phạm phải những sai lầm và đã thoát vòng lao lý.
Vị này chắc cũng không ngờ ông ta may mắn có được một người dưới quyền đã từng có kinh nghiệm làm việc hành chánh dưới thời Pháp, làm cái gì cũng giấy tờ rõ ràng, công khai minh bạch thì sợ gì ai?.
Cũng theo lời kể, ông này tiếp tục được làm việc dưới thời dề nhị cộng hòa và nghỉ hưu trước biến cố 75 vài năm. Khi ông ta rồi chức vụ vị thế này bị thay đổi liên tục, ông được mời ra làm lại nhưng ông ta không nhận lời nữa. Làm một viên chức hành chánh đúng nghĩa cũng đâu có dễ.
Thời gian trôi, giờ trên mạng thông tin gì cũng có nhưng để đi tìm sự thật tuyệt đối không phải dễ. Nếu tôi đứng tại một nơi tôi không thể nhìn biết những gì khuất mắt, tôi cần người có thể ở vị trí không giống tôi nếu muốn có cái nhìn toàn diện. Họ có thể không hiểu cảm nhận của tôi vì không đứng ở vị trí của tôi nhưng vì đứng ở vị trí khác không khuất tầm nhìn như tôi nên họ nhận ra mối nguy nào đó….có một cái hố, vực…
Tôi thấy mình may mắn khi nghe kể câu chuyện này. Động cơ của người kể không phải để in sách mà là để truyền cho con cháu những lời khuyên chân thành. Là thế hệ sau, khi chế độ VNCH sụp đổ tôi là một học sinh trung học. Khi nghe, tôi cũng có cảm nhận của riêng tôi. Chế độ này đã đi đúng hướng nhưng con đường tự do dân chủ thật sự là rất chông gai và dân tộc phải trả giá quá đắt, vì lúc đó chiến tranh lạnh, chiến tranh ý thức hệ đang ở cao trào. Chuyên quyền hay không đều nguy hiểm. Ý hướng thì tự do dân chủ nhưng chỉ hiệu quả ở nền hành chánh thừa hưởng thời Pháp phía dưới, còn phía trên lại bè phái chuyên quyền vẫn giải quyết bằng bạo lực, không có tinh thần tập thể.
Chế độ VNCH không hoàn hảo ở phía trên chóp bu nhưng ít ra chế độ này còn tuân thủ pháp luật, Không tìm thấy bằng chứng thì dù có tư thù cũng dành chịu. Viên sĩ quan ấy dù sao cũng còn có tư cách, khi biết lỡ lời còn xin lỗi. Có thể vì sống trong môi trường quân đội tính võ biền hơi cao lại không rành về nền hành chánh nên mới xảy ra những chuyện như vậy. Chế độ VNCH vẫn trọng dụng người của chế độ cũ nếu người đó làm việc tốt.
Khác với một chế độ độc tài thật sự là một chế độ bất chấp pháp luật nó không cho ai nói gì, cãi gì, nó không cần bằng chứng nó tống người ta vào tù trong câm lặng, gán cho người cái tội tày trời phản quốc chỉ vì không theo lệnh của nó, vậy thôi!
Nền hành chánh dưới thời đệ nhất cộng hòa và đệ nhị cộng hòa là một nền hành Chánh chuyên nghiệp. Những giấy tờ thủ tục công khai minh bạch nên dù chiến tranh, chính trị chóp bu rối ren thì kinh tế giáo dục văn hóa vẫn phát triển vượt bực. Nó tạo cho người dân bình thường một cảm giác tự tin không vồ vập vọng ngoại quá mức khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác như Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan, Nhật bản kể cả văn hóa Mỹ, Pháp.
Một nhân viên hành chánh VNCH chuyên nghiệp có khả năng bảo vệ của công rất hữu hiệu. Họ sử dụng những thủ tục giấy tờ công vụ, kiềm chế, ngăn không cho một tập đoàn kinh tế hay những tổ chức Đảng phái có thế lực được quyền thao túng đất đai, tài sản công. Tất cả để bảo vệ nhũng lợi ích thiết thực của người dân như y tế, giáo dục….
Và nó cũng giúp cho một số những vị tỉnh, thị trưởng xuất thân là quân nhân không hiểu gì lắm về dân sự thiếu kinh nghiệm về hành chánh nhưng lại nắm quyền không bị đi tù oan…
Thế thì chế độ nhất, đệ nhị cộng hòa có tham nhũng không?. Không thể nói là không nhưng không đáng kể so với một chế độ độc tài toàn trị. Cách đây một năm có một người khi đi làm ăn giao tiếp tâm sự với tôi rằng chế độ bây giờ tham nhũng gấp trăm ngàn lần mấy ông VNCH ngày xưa!
Một cơ chế hành chánh không chuyên nghiệp mang tính Đảng nhiều quá thì vô tình làm hại nhiều người, tạo điều kiện cho người ta tham nhũng và khi ra trước vành móng ngựa cứ ngơ ngơ ngác ngác không hiểu tại sao lại ra đến nông nỗi này?.
Ngành hành chánh VNCH không phải là dành cho con ông cháu cha. Phải đi từ dưới lên. Phải có khả năng và kinh nghiệm.
Đầu tiên là =thư ký hạng…rồi tử từ lên hạng 1
Rồi đến = thư ký thượng hạng…từ từ lên hạng 1
Tiếp theo= thư ký thượng hạng ngoại hạng
Tiếp nữa = tham ngạch tham sự hành Chánh trung ương
Cuối cùng là tham sự thượng hạng …
Qua đây chúng ta thấy Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đầu không có ý thâu tóm quyền, ông muốn hướng toàn dân đến một nền dân chủ như cách của Đài Loan, Singapore hay Nam Hàn. Thế nhưng dân miền nam lúc bấy giờ tôi nghĩ tinh thần tự do cao hơn nhiều các nước á châu xung quanh mặc dù về vật chất chưa chắc đã hơn ai. Vì sao? Bởi vì sau bao năm bị Pháp đô hộ, trí thức VN vô tình thừa hưởng nền văn minh của Pháp lúc nào không hay.
Điều này gây khó cho tổng thống Ngô Đình Diệm và ngay cả người em là ông Ngô Đình Nhu, ông này thay vì là một học giả thuần túy đã tham gia chính trị. Bị giương đông kích tây, kẻ thù ngay bên, họ không thể nào kiểm soát tình hình lúc bấy giờ và từ từ đi vào con đường gia đình trị lúc nào không hay. Tại sao tôi cho đó là gia đình trị? Xung quanh ông Ngô đình Diệm là ai? Là em trai, là em dâu, là anh trai…Nguòi miền nam lúc đó đâu có ngoan như dân VN hôm nay? Họ không phải đàn cừu để chăn dắt. Họ có tự do ngôn luận. Đệ nhất và đệ nhị cộng hòa không đàn áp tư tưởng người dân.
Người dân đặt nghi vấn ngay cả những việc tưởng như chả ăn nhập gì, ví dụ khi công chức theo lệnh phải may bộ đồ vét trắng tinh : “Bộ nhà sản xuất vải ka ki trắng bán ế rồi thông đồng với quan lớn giải quyết ăn chia hoa hồng hay sao đây?” v…v…
Vì xuất thân từ một dòng họ theo Thiên chúạ giáo tổng thống Diệm không bao giờ chấp nhận cộng sản vi ông thừa biết bao nhiêu người theo đạo ki tô đã bị tiêu diệt dưới thời Stalin.
Không thể phủ nhận công ơn của ông khi ra tay cứu vớt người bắc di cư vào nam, chỉ điều đó thôi tôi cũng thông cảm cho ông rồi. Chỉ tiếc rằng dân miền nam lúc đó không phải là dân Thái, dân Nam Hàn, Singapore….và Việt Cộng không đứng yên một chỗ như Bắc Triều Tiên mà trà trộn vào những người di cư hòa vào các tổ chức phong trào tôn giáo,sinh viên quấy nhiễu.
Đó có thể là lý do ông Diệm không chấp nhận đối lập?.
Rồi thì có những người từng xây biệt diện cho gia đình họ Ngô bỗng dưng tự vẫn, và một số tên tuổi khác đã tìm cách quyên sinh tự xử trong đó có nhà văn Nhất Linh…
Một người với những dòng văn in vào tâm khảm người đọc mà ngay lúc này đây nó tự tuôn ra trong đầu tôi như thế này đây “Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt. Núi màu lam buổi sáng buổi chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một làng nhỏ ở ven đồi, vẻ đặc sắc là rất tĩnh. Có con sông con, sắc nước trong xanh, chảy từ từ trong lòng cát trắng,tuy không phải là nơi danh thắng, non không cao, nước không sâu nhưng nó có vẻ đậm đà điều độ ân ái dễ xiêu lòng người. Tôi không úy phục, tôi không say đắm nhưng tôi dễ nhận dễ yêu như một nơi quê hương xứ sở…”
Một người với một khí chất như vậy sao phải tự vẫn?. Những ẩn ức không được giải quyết, cứ ngấm ngầm rồi dần dần dậy sóng…
Đối lập thật sự không nguy hiểm trái lại nếu chấp nhận được sẽ giúp cho người cầm quyền sáng suốt hơn, nhìn ra được những gì mà ở vị trí mình đang đứng không thể thấy hết.
Đó là cái giá phải trả khi không chấp nhận đổi lập. Những mối quan hệ thân quen bao quanh làm tổng thống không thể nhìn thấy gì xa hơn sâu hơn mặc dù có thể bản thân ông luôn vì dân.
Cái chết của anh em Ngô đình Diệm thật là đau lòng. Ngoài những yếu tố bên ngoài thì biến cố này cho thấy người dân miền nam lúc bấy giò tinh thần tự do dân chủ cao hơn bất kỳ thời đại nào! Tính đối lập đã chớm hỉnh thành. Chế độ này vẫn còn có tự do. Con người trong chế độ VNCH vẫn có phản kháng, tinh thần hướng lên không cúi đầu nô lệ.
Bây giờ, mỗi năm vào dịp đầu Xuân, thiên hạ ùn ùn kéo nhau tới đền Trần để xin khai ấn đầu năm. Nhiều người đi rất sớm, đứng đợi, hầu có thể sở hữu một mảnh giấy được cho như là “ Quốc ấn” tượng trưng cho quyền lực tối cao. Mặt mày cứ hí hửng miệng cười toe toét chắc nghĩ rằng Đức Thánh Trần hẳn đã ban phát cho mình ân sủng, thế nào rồi cũng được phong chức ban quyền, được tặng huy chương lên trật lên chức, phát quý phát quan, đắc thời đắc khoa….
Thâm tâm hẳn có kẻ muốn có bằng cấp, có quyền hành đùng con “dấu” ấn vào các loại giấy tờ để đe nẹt, vòi tiền, hành dân là chính. Móc túi dân được chút nào là móc ngay.
Còn người dân thì an phận, chính quyền nói sao biết vậy, thậm chí chỉ biết tuân phục chứ không có ý hướng phản bác. Như câm như điếc như mù cho yên cái thân. Ai rục rịch nói ngược lại thì còn bị hiểu lầm là phản động. Bây giờ ai bất đồng chính kiến mà bị bắt, dân còn dè bỉu hùa theo chính quyền kết tội thêm. Trình độ ý thức tự do dân chủ giữa hai chế độ xưa và nay khác xa nhau quá!
Một hôm, đang đi bỗng tôi nghe một người nói chuyện qua điện thoại như thế này: “A lô, tôi đây, nhà báo đây, tiếng nói của Đảng đây! “
Trời đất! Nếu là một ai đó thì không nói làm gì, chứ một nhà báo một trí thức, mà ăn nói kiểu đó thì tội cho dân mình quá! Làm báo sao lại không có một chút ý thức gì?. Nhà báo đâu phải là công cụ đâu phải là cái loa của Đảng. Chỉ cần nghe vậy cũng thấy thân phận dân Việt chúng ta. Bị vi phạm nhân quyền bị nô lệ trong tư tưởng mà vẫn không biết gì!
Đôi khi, tôi nghĩ cái tổ chức nhân quyền quốc tế muốn tìm gì trong nhà tù của một đất nước bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền?. Ủa sao kỳ quá ta? Chả lẽ phải đột nhập vào xà lim tìm người bất đồng chính kiến? Nực cười!
Một nước mà không có bất đồng chính kiến phải vào trại giam để tìm mới lạ đó nha! Vi phạm nhân quyền rành rành ra đó rồi! Không bóng dáng phóng viên nào khác ngoài phóng viên nhà nước. Không một tờ báo đối lập. Không một kênh truyền thông truyền hình tư nhân độc lập khác biệt nào ngoài truyền thông của nhà nước là vi phạm nhân quyền rồi còn vào tù mà tìm cái gì? Cái nhà tù chà bá đó mù sao mà không thấy?. VN có câu “Trăm voi không được bát nước xáo.”Chỉ được cái dẻo miệng ba hoa. Chả lẽ cứ ngồi nghe nói mà mắt không nhìn xem ra sao ư?
Những ngày đẩu năm quý Mão những lòi khấn cầu ắt sẽ râm ran khắp các đình đền chùa miếu mạo. Hai tay chắp lại có người lim dim môi không ngớt mấp máy, dồn hết tâm tưởng mình vào lời khấn nguyện. Có người mở to mắt ngước nhìn những pho tượng, tượng trưng cho các đấng thần lính cầu xin ơn trên ban ơn lành cho bản thân, cho gia đình. Có người thành thực nhận những lỗi lầm sai phạm trong năm qua, và thì thầm thủ thi xin các vị năm mới bỏ qua cho và tiếp tục phù hộ độ trì cho sự nghiệp cứ lên vù vù, tiền vào như nước, tiền ra ri rỉ như cà phê phin. Lẫn trong đám dân thường lẽ dĩ nhiên cũng có các quan to. Lời khấn cầu không còn bó hẹp trong gia đình bạn bè xung quanh mà mở rộng cầu mong quốc thái dân an. Câu quốc thái dân an nói ra thì dễ nhưng quả thật không phải là chuyện nhỏ nếu không nói là to tát.
Nhiều khi tưởng rằng đang nghĩ đến dân nhưng quả thật chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Quan to trong đầu lúc đó khấn nguyện sao cho mình có đủ uy lực bản lĩnh, thông minh sáng suốt để diệt mấy tên mà mình ghét, còn mình mà đưa ra lệnh nào là người dân nghe răm rắp. Nghĩ rằng mình là thiên tài, cái gì cũng đúng, sai làm sao được. Chỉ có mình hay Đảng của mình mới đủ tài thao lược sáng suốt để trị dân. Tâm không ngay mà mong các đấng thần linh độ cho. Ở trong một đất nước không có tiếng nói dối lập, không có Đảng đối lập người ta thường có tư tưởng có quyền là có tất cả. Bởi vậy ý Đảng mà đưa ra là dân gật đầu cái rụp, ý Đảng lòng dân mà lị!. Bởi vậy, quan lớn mà thắp cây nhang to cắm vào lư hương nơi chốn tôn nghiêm thì cứ nghĩ các đấng tối cao nhất định sẽ phù hộ lưu ý tới mình. Ai dè, đầu năm cắm nhang cuối năm rớt cái bịch….
Các đấng tối cao không thể hiện nguyên hình như là một đấng cứu thế ban phép màu giúp cho một cá nhân hay một nhóm người để đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Ý niệm về trăm mắt ngàn tay của người phương đông chúng ta là gì đây?. Chúng ta không làm gì cứ mãi mơ mộng Quan âm sẽ hiện ra sao?. Như vậy thì bất công quá! Đừng vội bắt tội tôi, coi thường Trời Đất. Không! tôi không dám như vậy đâu! Nhưng tôi tin sự lính thiêng chỉ ứng vào điều gì vì dân vì nước mà thôi! Có thể đó là một khái niệm được hiện thực hóa thành một chính sách, một quy chế, một điều luật…Cái chính sách ấy khi đưa ra toàn dân cùng hưởng lợi ích như nhau. Là sự góp sức cộng hưởng của mọi người từ trên xuống, từ dưới lên.
Nó không thể là đề cương văn hóa chung chung của đảng cầm quyền. Không phải cứ nói mục tiêu của Đảng là “dân tộc, khoa học, đại chúng” là xong đâu! Nói phải đi đôi với làm! Không Đảng phái nào được quyền áp đặt chủ nghĩa chủ thuyết làm kim chỉ nam cho toàn dân, tự cho là khai phóng, mở lối, cứu quốc, dân tộc hóa đại chúng hóa, khoa học hoá chi chi đó…
Để toàn dân kiểm soát, toàn dân hành động, để có trăm tay ngàn mắt thì phải có một nền báo chí tự do hay tự do ngôn luận. Đó là điều không thể thiếu được trong việc hình thành một nhà nước tự do dân chủ. Tự do báo chí, tự do in ấn, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, truyền hình, truyền thanh, mạng viễn thông…
Trong thời đại hiện nay tự do ngôn luận tự do báo chí là một trong những điều tiên quyết tiến đến việc xây dựng một thể chế công bằng bác ái cho toàn dân. Tự do báo chí phải được coi như một giám sát viên, một cánh tay đắc lực thứ tư giúp điều phối ba ngành lập pháp, hành pháp tư pháp hoạt động hữu hiệu hơn. Nói đến dân chủ là nói đến tự do báo chí, tự do ngôn luận. Truyền thống báo chí không thuộc quyền sở hữu của đảng phái nào. Không có nó, đồng nghĩa là không có dân quyền, không có nhân quyền! Vậy thôi!
Đã xem 178 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments