Nóng li bì gần ba ngày đêm, không ăn uống được gì, mặt nó lúc nào cũng đỏ ké và nhễ nhại mồ hôi. Thỉnh thoảng lại la hét và mím môi như muốn nói gì đó. Thằng Tư đã còi giờ càng trông giống như một bộ xương khô. Cách đây mấy ngày nó vẫn còn là thằng bé lanh lợi, gan góc và khỏe mạnh.
***
Thằng Tư còi lớn lên trong một xóm nghèo với vài trăm nóc nhà, một thị xã heo hút cách biên giới Việt Miên khoảng năm bảy cây số. Vào những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ trước, nơi đây còn là một vùng rừng núi hoang vu hiểm hóc, có rất nhiều thú dữ. Ngay cả Chúa Nguyễn khi đem quân mở cõi về phía nam bao đời nay vẫn tránh nơi này. Dân đi rừng dù lão luyện tới đâu cũng thường phải đi từng nhóm, súng ống dao rựa đầy đủ, ngay cả ngựa, người ta cũng phải che mắt chúng lại, và người ta thường đập dập một loại lá cây rừng hay nhai nát rồi thoa lên mũi để chúng không đánh hơi được mùi thú dữ rồi lồng lên chạy.
Chung quanh vực sâu, lòng suối hiểm trở có rất nhiều cây gió bầu, những gốc gió bầu cổ thụ hàng trăm năm mục rữa lòi cả trầm ra ngoài. Khi những ông chủ đồn điền người Pháp, phú hộ, nhà giàu họ đánh hơi được mùi trầm hương quí giá, và nhu cầu về gỗ trầm hương ngày cảng tăng lên, thì nơi này đã xuất hiện những đám thợ săn trầm, lục lâm thảo khấu, thổ phỉ, anh hùng tứ chiến lang bạt đổ về đây.
Trong đám cướp rừng thổ phỉ có một nhóm khoảng hơn hai chục tên, chúng người Miên, thường xuyên vượt cỏ phân mao qua biên giới Việt để cướp bóc và đánh phá với đám thợ săn người bản xứ. Chúng rất hung dữ, thường dùng những cây rựa, mã tấu bén ngót để chặt đầu hay cắt cổ những người mà chúng bắt được. Tên tướng cướp người Miên với cặp mắt hung ác, đầu chít khăn rằn, nó bắn pạc hoọc rất giỏi, bắn cả hai tay đều như nhau, nó cùng đám bộ hạ làm mưa làm gió suốt dải biên thuỳ. Rất nhiều thợ săn trầm người Việt đã bỏ mạng dưới tay của chúng. Sau một thời gian ngắn, một phần bị cướp, một phần thú dữ, rồi tranh giành chém giết lẫn nhau, số người chết càng nhiều lên, những ngôi mả sơ sài được dựng lên vội vã.
Cô Ba cũng đã theo gia đình mười mấy năm lang bạt kỳ hồ khắp dải biên giới miền Trung từ hồi còn nhỏ xíu. Cha mẹ cô Ba cũng là những tay đi rừng lão luyện, họ đi chung với nhau thành một nhóm nhỏ khoảng mươi tay súng, chuyên nghề săn trầm, trao đổi và mua bán. Họ đều là những tay súng sừng sỏ thiện chiến, sống ngang dọc, ngoài vòng pháp luật.
Một hôm khi vượt ngang qua một cánh rừng rậm hiểm trở, đoàn người đi thật chậm vì ngựa phải thồ hàng nặng. Cha cô Ba và hai người đàn ông khác đi đầu dẫn đường, đoàn ngựa thồ đi giữa và phía sau ba bốn tay súng đi bọc hậu. Bất chợt vài tiếng hú lanh lảnh vọng tới và tiếng pạc hoọc bắn rất rát của hai đám quân đánh bọc sườn, và cắt đứt đầu đuôi đoàn người ngựa, đạn bay sát rạt qua đầu, biết bị phục kích bất ngờ nhưng vốn là một tay đi rừng lão luyện, cha của Cô Ba ra hiệu đổi tiền thành hậu rồi bao quanh đám xe ngựa thồ lại, họ co cụm lại thành hình tròn hơn chục tay súng đâu lưng lại vừa bắn vừa chầm chậm rút sang gần hẻm núi. Thằng tướng cướp người Miên xông xáo đi đầu, miệng la hét nhưng hai tay của nó đánh lên xuống như chày máy vẩy lia lịa pạc hoọc về phía đoàn người làm mấy người trúng đạn bị thương và bị chết. Họ rút được vô hẻm núi thì trời cũng vừa tối, cha của Cô Ba sai bốn người chia làm hai hướng vừa luồn rừng ngược lại vừa vãi đạn tứ phía làm thằng tướng cướp tưởng có đám quân nào cứu viện nên nó cũng không dám đuổi rát, chỉ bao vây chờ trời sáng.
Sáng sớm hôm sau, cha Cô Ba cho một người biết nói tiếng Miên ra điều đình sẽ để lại toàn bộ số hàng hóa cho bọn cướp còn người thì sẽ rút đi, chúng không chịu, đòi để lại tất cả hàng hóa và phụ nữ, đồng thời chúng ra điều kiện thách đấu súng giữa hai người đứng đầu.
Vì không còn đường lựa chọn, họ đành phải đồng ý nhưng cũng ngầm tính kế. Cô Ba và mẹ cùng hai người phụ nữ khác nai nịch gọn ghẽ, áo chẽn quần bó, dắt dao quắm đi rừng, dấu súng trong người, súng trường treo dọc theo bụng ngựa, choàng khăn rộng che lại, đợi lúc cấp bách nhất sẽ mở đường máu thoát đi.
Giữa trận bây giờ hai người đàn ông ngồi lừng lững trên lưng ngựa cách nhau khoảng hai chục thước tây, ánh mắt xếch lên gườm nhau muốn rách toác ra, hai bên sườn tên tướng cướp hai khẩu pạc hoọc cưa nòng nằm gọn trong bao nhưng đã mở nắp, vai nó vắt chéo một băng đạn, sau lưng một con dao quắm to bản, đầu chít khăn rằn ra dáng một tên cướp khét tiếng lừng lẫy khắp vùng biên thuỳ Việt Miên, nó chưa bao giờ rút súng thua ai. Người đàn ông Việt bên hông cũng đánh một khẩu pạc hoọc lớn, hai bên sườn ngựa treo hai khẩu súng nòng dài bắn xa, khuôn mặt cương nghị, cặp mắt hơi nhíu lại, hai tay buông thõng, ngón tay trỏ hơi động. Bốn bề im phăng phắc, không gian như nghẹt thở.
Bỗng nhiên hai cánh tay đánh vút như máy vào hai cạnh sườn, hai tiếng súng chát chúa nhưng ngay lập tức lại có tiếng súng thứ ba vang lên, Bàn tay phải cầm súng của tên tướng cướp bị bắn nát, tay kia vẫn cầm khẩu súng nòng còn bốc khói nhưng đầu súng chúc xuống đất, không hổ danh là tên tướng trận khét tiếng, tay trái nó vẫn kịp rút súng vẩy một phát, viên đạn găm trúng vai người đàn ông Việt làm ông ta loạng choạng. Gương mặt tên tướng cướp thất thần. Nó không tin là có người lại rút súng nhanh hơn nó chỉ một sát na. Bọn cướp thấy chủ tướng bị thương thì bất chấp luật lệ đồng loạt nổ súng, người đàn ông Việt và mấy tay súng còn lại chống trả quyết liệt nhưng thân cô thế kiệt lần lần gục xuống, bóng của năm bảy tên cướp cũng ngã theo.
Bên này Cô Ba và ba người phụ nữ đồng loạt nổ súng đánh thốc vào chỗ mấy tên cướp vừa ngã xuống mở đường máu thoát đi, bọn chúng hơn chục tay súng lập tức đuổi theo. Đạn bay chíu chíu sướt qua, bóng một người và ngựa đổ xuống. Ra được cánh rừng đó thì họ chạy ngược lên núi đá trước mặt, hết đạn thì dao rừng và mã tấu vung lên, trận đánh xáp lá cà còn quyết liệt hơn, những thế võ cận chiến hiểm hóc của dân đi rừng, bóng dao và mã tấu vung loang loáng, vài cái đầu lăn lông lốc xuống triền núi. Thêm một người phụ nữ gục xuống, mẹ cô Ba vì bị thương quá nặng hét lên một tiếng con ơi… rồi rút dao trụy thủ đâm lút cán vào bụng tự sát. Cô Ba hạ sát hai tên nữa, ra được sát bờ vực thì không còn đường, tên tướng cướp và đồng bọn dụ dỗ nàng, vài giọt nước mắt trào ra uất hận, nàng nhìn chầm chậm ra xa rồi hét lên một tiếng lao mình xuống vực.
Đúng một năm sau ngay tại chỗ này khi bọn cướp đi ngang qua, tự nhiên có một đám mây trắng toát, sương mù dày đặc giăng khắp mọi nơi, rồi xuất hiện một bóng mờ trắng lúc ẩn lúc hiện lên xuống như dẫn đường và cả đám cướp như hụt hẫng bước đi rồi cả người lẫn ngựa rơi thẳng xuống vực sâu.
Những người thợ săn trầm sau này vì tưởng nhớ công lao của nàng nên đã làm một ngôi mả trong hẻm núi sâu để khi có người đi qua thắp hương cúng vái. Nhưng lạ một điều là không ai đến gần sát ngôi mả được, người nào đến càng gần thì trước sau gì cũng bị hoa mắt chóng mặt rồi ngất xỉu. Lâu rồi cũng không ai dám tới gần, chỉ đứng xa xa khấn vái, họ đồn rằng khi cô Ba chết vẫn còn là con gái nên không muốn bất cứ ai tới gần đụng chạm. Những cây gió bầu cũng it đi rồi không còn, vì bị đào bới khai thác hết. Khu vực này cũng không còn những người đi đào trầm nữa, thời gian đã trả lại nơi này một sự yên tĩnh, trầm lắng, chỉ còn lại những ngôi mả hoang lạnh lẽo đứng sừng sững thi gan với gió bụi.
***
Đám thằng Tư còi nghe ông Bảy kể đến đây thì chúng có vẻ khiếp sợ, kính phục và kinh ngạc, trong đầu chúng xuất hiện những hình ảnh rùng rợn ma quái xung quanh ngôi mộ. Riêng thằng Tư còi có vẻ không tin, nó vốn lì lợm và cứng đầu. Chín mười tuổi nó đã lang thang ngoài nghĩa địa xem cải táng và bốc mộ. Người ta còn nhờ nó nhặt nhạnh những mảnh xương cốt xắp xếp lại với nhau theo từng loại. Có khi nó theo người thân ra thị xã đến lò thiêu để thiêu xác rồi lựa xương, nó còn biết phân biệt được cái nào là xương người và cái nào là những mảnh than củi vụn.
Trí tò mò của nó nổi lên, ai sợ thì sợ chớ nó dứt khoát là không sợ, làm gì có ma quỉ thần thánh. Những người sợ ma đa số đều là những người yếu bóng vía, giàu trí tưởng tượng. Nó còn chắc chắn một điều là người lớn thường thường hù dọa trẻ con để không dám nghịch phá những nơi thờ tự trang nghiêm. Mười lăm mười sáu tuổi đầu như nó thì không có lý do gì để sợ những câu chuyện hoang đường ma quái. Nó thách với cả đám là một mình sẽ đi tới mả cô Ba vào mười hai giờ đêm và sẽ cắm một cành cây xuống trước cái mả để đánh dấu.
Chiều hôm đó tụi nhỏ kiếm một cành cây lớn rồi lấy dao vuốt nhọn một đầu cho dễ cắm xuống đất. Có đứa còn lấy dây cột một cành nhỏ ngang qua như là cây thánh giá. Chúng nó nói là dù sao ma quỉ oan hồn người chết nếu có hiện về thì cũng sợ cây thánh giá.
Trời dần tối lại có mưa rỉ rả cả mấy tiếng đồng hồ không chịu tạnh. Gần mười hai giờ đêm thằng Tư Còi phải mặc một cái áo mưa dài thụng màu xám trùm kín hết cả chân, phần nón của áo mưa thì nó cột dây ở dưới cổ, bên trong nó chỉ mặc xà lỏn và cái áo mỏng, một mình vác khúc cây lầm lũi đi vào khu nghĩa địa. Đám nhỏ năm bảy đứa thì chờ ở ngoài nhưng vì trời mưa nên tụi nó ngồi đợi trong một cái chòi lá nhỏ ven đường đất đỏ lối dẫn vào bãi tha ma.
Chầm chậm đi qua những cái mả hoang vắng không xa lạ với nó, thỉnh thoảng ngó về phía sau một thoáng. Trời tối nhưng nó không bị lạc. Qua cái gò đất cao cao cuối cùng là cái Mả Cô Ba nằm một mình vắng lặng. Càng tới gần nó có cảm giác hơi rùng mình, rờn rợn một tí nhưng nó vẫn bặm môi mò mẫm đi tới. Quái lạ thật, nó có cảm giác như là cái mả này hôm nay có vẻ to và lạ hơn bình thường, một luồng điện chạy dọc theo sống lưng, nó lấy tay dụi dụi vì những hạt mưa quất vào mặt làm mắt nó cay xè. Nó đến sát tấm bia và hơi giật mình một cái vì hình như có cặp mắt đang nhìn chòng chọc vào nó, nó vội lùi lại một bước nhưng trấn tĩnh lại ngay, chỉ là khuôn mặt của Cô Ba trên tấm bia. Nó bặm môi, mắt nhắm nghiền lấy hết sức mình cầm cái cây cắm phập một cái lút sâu xuống đất ngay trước tấm bia và quay đầu chạy, chưa được một bước thì bất thình lình có cái gì đó kéo nó giật ngược làm nó đứng khựng lại, nó sợ điếng hồn, nổi hết gai ốc, trống ngực đánh thình thịch và không dám quay đầu lại, nó nhấc chân định chạy nữa nhưng chưa được một bước thì cái cổ như bị níu và siết chặt lại… nó la lớn lên rồi ngất xỉu.
***
Ngày thứ tư thì nó đã tỉnh tỉnh, ăn được ít cháo loãng, trí nhớ đã dần dần hồi phục lại nhưng nó vẫn thật sự chưa biết là tại sao bị ngất xỉu, mấy bữa sau mới có người kể lại là khi đó vì hơi run sợ, thần hồn nát thần tính nên nó đã cắm mạnh cái cây xuyên qua cái áo mưa dính chặt xuống đất làm cho nó quay đầu chạy không được.
***
Đã xem 136 lần, 2 lần xem hôm nay.
Recent Comments