Nhất Nghệ Tinh Nhất Thân Vinh, thằng Đậu Chín cứ lẩm nhẩm đọc đi đọc lại, ra vẻ tâm đắc lắm, thỉnh thoảng quẳng dăm hạt lạc rang vào mồm rồi làm một tợp rượu nghe cái ót, mắt nhìn lên tường nhà. Đó là câu nói bất hủ luôn xuất phát từ cái cửa mồm của dòng họ nhà nó. Nghề hoạn lợn, truyền tới nó là đời thứ ba.
Còn tên nó là Đậu, thứ chín ở trong nhà, cũng có khi nghe hàng xóm kể rằng lúc u nó sắp đẻ nó thì thầy nó vì mải uống rượu mà quên trông nồi đậu nấu cám lợn làm cháy đen thui, thế là ông nội nó đạp một phát đổ nồi cám lợn và rầy cho là cái thằng rách việc, thằng phải gió. Vì thế mà thầy nó đặt tên nó là Đậu Chín.
Tướng thằng Đậu Chín thì săm sấp lùn lùn, da đen sạm nhờn nhợt như cái đít chõ, cặp mắt hơi nhỏ nhưng cũng lanh đáo để lắm. Cái môi thì dày đủ chỗ trồng một hai hàng khoai ngứa. Nó được cái tay chân hoạt bát khỏe mạnh, lầm lì ít nói nhưng khi mà nó xắn tay áo lên để hành nghề thì rất qui củ và chính xác, không trật một ly, cứ y như rằng ông bà mụ đã dạy cho nó nghề hoạn lợn này khi nó còn nằm trong bụng của u nó. Con lợn nào may mắn rơi vào tay nó thì chỉ kịp ét lên một tiếng là xong chứ không kịp ét tiếng thứ hai. Trông nó tẩm ngẩm tầm ngầm vậy mà đánh chết voi đó, u nó tự hào lắm khi nói về nó.
Anh em nó thì lang bạt kỳ hồ mỗi đứa một phương. Đứa lập nghiệp nơi xa, đứa làm rẫy, đứa thì buôn bán… Hình như chỉ mình nó là còn kiên định giữ cái nghề truyền thống này. Cả chục năm nay nó chưa về quê và nó cũng chỉ nhớ mang máng là nó đẻ ở xã Đông Mỹ huyện Thanh Trì hay gì gì đó.
Chỉ với một cái hòm nhỏ đựng vài thứ đồ nghề như dao cắt lá liễu, dao bút rất sắt, vài cây kim cong để khâu da, ít cuộn chỉ, mấy cái kiềm kẹp nhỏ đã hoen rỉ và một cái lọ đựng ít thuốc bột trắng trắng để sát trùng và vài thứ linh tinh khác. Nó đã đi khắp nơi làng trên xóm dưới tỉnh này xã nọ, ai cần hoạn lợn là có nó, bất kể giờ giấc, mưa gió.
Bây giờ ngoài ba mươi rồi, thầy u nó cũng lần lượt đi bán muối hết, nó cũng chỉ kịp nhìn mặt u nó lần cuối khi nó trở về quê. Tuy một chữ bổ đôi cũng không biết, nhưng nhờ chịu khó làm ăn nên sau bao năm tích cóp dành dụm cũng có được một cơ ngơi khá khá với năm bảy nhân công, thuê cả một người tạp vụ nữa. Gọi là một xưởng thiến heo nhưng bò ngựa, dê, con nào cần là nó cũng thiến tất tần tật hết. Nó đặt tên là XƯỞNG THIẾN HEO ĐẬU CHÍN. Nó đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều rồi nên không thích dùng cái chữ hoạn lợn, nó nói cứ như là mấy ông hoạn quan thời xưa.
Mấy u mấy thầy trong xóm thấy nó chưa có vợ thì cũng uớm thử môi giới mối mai, khi thì cái Lan nhà bác nó xinh lắm, khi thì cái Lượm nó siêng năng tần tảo lắm, lúc cái Hồng nó giỏi dang, nhời nhẽ nhẹ nhàng lễ phép lắm, nhưng nó luôn khéo léo từ chối. Lâu lâu cũng có một vài cô gái trên tỉnh về ăn mặc cũng thời thượng, đầm Tây tóc búi tó làm dáng nhưng nó cũng không chịu. Nó nói gái quê thì răng đen không thích, còn gái tỉnh thì nó cho rằng điêu. Nó không muốn và chưa muốn lập gia đình, nó có một lý tưởng cao siêu hơn, vĩ mô hơn mà không ai có thể hiểu được.
Nó lại làm một tợp rượu rồi ngó đăm đăm lên tường nhà, mắt nó sáng lên, nơi chính giữa có treo trang trọng một bức vẽ truyền thần, mà nó đã nhờ một hoạ sĩ có tiếng ở dưới tỉnh vẽ với một cái giá khá đắt. Một khuôn mặt của một người đàn ông tóc hoa râm có tuổi. Cái lạ là đó không phải là ông nội hay thầy u nó, cũng không phải là dòng họ tổ tiên mà là một người đàn ông xa lạ.
Một người mà nó coi là thần tượng, là lý tưởng, chân lý cuộc sống của nó. Là kim chỉ nam dẫn dắt nó được ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Một người mà nó rất kính trọng và vinh dự được biết, hạnh phúc hơn là người này cùng quê với nó, đặc biệt là cũng xuất thân từ cái nghề như nó, và bây giờ đang làm thủ tướng, và sau kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII này sẽ được bầu lên làm tổng bí thơ.
***
Đã xem 105 lần, 1 lần xem hôm nay.
Recent Comments