Trời vừa sập tối, vầng trăng tròn vành vạnh lơ lửng trên không tỏa ánh sáng bàng bạc khắp sơn hà. Không biết đã tự bao đời, cứ mỗi độ trăng tròn là mọi người laị tụ về bên tháp Bạc. Không luận là người của thị tộc Dừa hay Cau, không kể là quý tộc hay hạng bình dân…Đêm trăng tròn là lúc tuyệt vời nhất của dòng thời gian bất tận vô thuỷ vô chung. Đêm nay tháp Bạc trang hoàng rực rỡ, nào cờ xí, phan, lọng…hàng ngàn ngọn đuốc cháy rực rỡ quanh tháp. Tháp Bạc sừng sững trên ngọn đồi đất đỏ, dưới chân là một khúc quanh của dòng sông Côn luôn đầy ắp nước, kể cả những lúc khô hạn.
Bọn ca nhi bắt đầu muá hát véo von, những dải lụa tung lên như những làn mây, những đôi ta ngà ngọc cong cớn cùng sự uốn éo của tấm thân kiều diễm. Bọn đồng nam cũng lăng xăng lo dâng lễ vật để tế thần Shiva. Sau khi tế lễ xong thì mọi người sẽ nhập tiệc hoan ca cho đến tàn canh.
Vị phó vương Vinarachandara ngồi trên tấm thảm Ba Tư lắc lư theo tiếng kèn của thầy tư tế. Cung nữ hầu quạt và lắc những cái lồng xông khói đàn hương, mùi hương và khói trầm lan toả cả ngọn đồi; thức ăn, hoa quả liên tục được dâng lên. Cảnh tượng cứ như hỷ tiệc hoan ca ở cung trời phạm thiên Brahma.
Xa xa dưới chân đồi bọn thường dân và nô lệ cũng muốn lên đồi nhưng đám lính canh và hộ vệ sừng sộ la hét chặn laị:
– Lũ chúng mày không được phép lên đồi, đừng làm ô uế đến các bậc cao qúy!
Tuy vậy vẫn có một số len lỏi lên được, bọn cấm vệ quân lập tức xông ra đánh đuổi túi buị. Vị phó vương nghe ồn ào hỏi chuyện gì xảy ra, người hầu cận thưa:
– Bọn thường dân và nô lệ cũng muốn lên đồi.
Ông đứng dậy đi xuống gần với đám cấm vệ quân bảo:
– Đêm nay trăng tròn, mừng mùa màng bội thu, hãy để cho bọn họ lên đồi, đừng làm hỏng tiệc hoan ca!
Tay trưỏng cấm vệ quân tâu:
– Thưa phó vương, bọn thấp hèn ấy sao có thể lẫn lộn với bậc cao qúi được?
Phó vương Vinarachandara cười:
– Họ cũng là người, cũng có tánh giác như ta nhưng vì kém phước nên mới sanh ra vậy thôi!
Y laị trình bày:
– Thưa phó vương, bọn thường dân và nô lệ sanh ra từ bàn chân của thần Brahma sao có thể bằng với bậc cao quý sanh ra từ miệng và đầu của thần được?
Phó vương nhìn vào mắt y và từ tốn:
– Nhưng đấng thiên nhân sư Sakyamuni dạy: Tất cả chúng sanh vốn đồng một thể! năm xưa ngài vốn là thái tử cao quý nhưng đã từ bỏ tất cả để tu đạo, sống hành khất…Khi ngài đắc đạo thì độ cho tất cả mọi người, không phân biệt sang-hèn, trí- ngu, cao- thấp…Ngài bảo tất cả đều giống nhau nhưng vì mê – ngộ mà sanh ra sai biệt!
Trưởng cấm vệ quân không dám cưỡng mệnh nên để cho mọi người lên đồi nhưng y hậm hực mách nhỏ với mấy thầy tư tế. Bọn đạo sĩ Bà La Môn bèn kéo đến cật vấn:
– Thưa phó vương, sao ngài laị cho đám người hạ tiện lên đồi? chúng làm ô uế thần Brahma, làm nhơ bẩn đến người tôn qúy!
Phó vương ôn tồn:
– Bọn họ cũng là người, ta lấy lòng từ bi đối đãi với họ. Bọn họ đã phục dịch, đã thu hoạch mùa màng xong…cũng nên cho bọn họ chút niềm vui.
Mấy đạo sĩ Bà La Môn vẫn khăng khăng:
– Thưa phó vương, ngài quên lời thần Brama rồi sao? ngài muốn theo ngoaị đạo? chúng tôi e rằng thần Shiva sẽ giận dữ và giáng họa đó!
Phó vương bảo:
– Sao là ngoaị đạo? các thầy tư tế quên rằng từ đời vương Indravaman đã tin Phật Sakyamuni. Vương đã cho xây tháp và tạc tượng Sakyamuni thờ ở Đồng Dương, Trà Kiệu. Rồi các đời vương sau cũng thế, nay vương Harivaman cũng cho thờ tượng Sakyamuni Phật ở trong tháp này, sao bảo là ngoại đạo được! Ta vẫn tôn thờ thần Shiva, ta không nghĩ thần sẽ giáng hoạ. Tượng Phật Sakyamuni thờ ở đây đã lâu mà thần có giận hay trừng phạt chi đâu. Các thầy chớ có quá lo lắng, việc ta làm thì ta chịu!
Các thầy tư tế kkhông vui nhưng không biết làm sao bèn lui đi, tiệc hoan ca laị tiếp tục, ánh trăng càng về khuya dường như càng đậm đặc hơn, sắc vàng lấn đi màu bàng bạc lúc đầu hôm. Bọn ca nữ dường như lâng lâng cả, không biết vì men rượu hay vì nhập thần mà khúc hát càng réo rắt hơn. Vị phó vương cho gọi cô Nimphondara laị ngồi bên. Cô ta là ca nữ trẻ nhất trong bọn, nhan sắc bá mị thiên kiều, giọng hát trong vắt và cao vút làm bao nhiêu người mến mộ. Phó vương rất yêu mến cô, đêm càng về khuya ánh trăng lung linh huyền hoặc như chảy trên tháp và cả sơn hà dần dần lạnh trong sương. Ngài lấy áo bào choàng cho Nimphondara , đâu đó tiếng cú rúc nghe rờn rợn cả đất trời.
Hôm sau, phó vương nhận được lệnh gọi vào chầu. Vua Harivaman hỏi:
– Ta nghe khanh cho bọn hạ tiện lên tháp Bạc làm ô uế thần linh, trong đêm trăng tròn bọn thấp hèn lên đồi làm lỡ tiệc hoan ca của các bậc cao quý.
Phó vương biết là bọn tư tế xàm tấu lên vương, ngài quỳ tâu:
– Bẩm bệ hạ, thần rất mực cung kính thần Brama , thần Shiva, thần Visnu…không hề xúc phạm đến phạm thiên. Sở dĩ thần cho bọn thường dân và nô lệ lên đồi là vì bọn họ đã phục dịch, mùa màng đã bội thu, quốc gia cường thịnh…đêm trăng tròn mở tiệc hoan ca cũng nên cho bọn chúng chút niềm vui. Vả laị Phật Sakyamuni cũng đã bảo:” Chúng sanh vốn đồng một thể tánh” kia mà!
Vương laị nói:
– Thần Brama cấm bọn hạ tiện, bọn Thủ Đà La không được đến gần người cao qúy.
Phó vương thưa:
– Phật sakyamuni vốn là thái tử , tu đắc đạo đã không từ bỏ một ai, dù là người hạ tiện nhất. Ngài tuyên bố: không có giai cấp khi mà nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ!
Vương Harivaman giọng nghi ngờ:
– Vậy phó vương đã bỏ Brama để theo Sakyamuni Phật rồi à?
Phó vương giải thích:
– Muôn tâu bệ hạ, thần vẫn một mực cung kính phạm thiên brama nhưng bệ hạ thấy đấy! các tiên vương đã thờ tôn tượng Sakyamuni từ Đồng Dương, Trà Kiệu. Thành Indrapuka là cả kinh đô phụng thờ Sakyamuni Phật. Nay tại thành Vijaya này cũng thờ tượng Sakyamuni, giữa thành này có cả ngôi tháp Đồng tôn trí tượng của ngài Sakyamuni…Thần chỉ vâng theo chứ đâu dám tự tiện!
Vương nói:
– Việc tôn trí các tôn tượng Sakyamuni Phật vốn có từ nhiều đời, các tiên vương cũng sùng Phật, ta cũng tin Phật. Ta đã đọc qua giáo lý của ngài và chấp nhận đời là vô thường, là khổ … Ta cũng ban rải tình thương bằng cách giảm thuế khoá, bớt phu phen tạp dịch, tha bổng hình ngục….Ta cũng cho tạc tượng Sakyamuni Phật thờ ở tháp Đồng nhưng ta vẫn không quên mình là con thần Brama. Ta vẫn sợ thần Shiva nổi giận, khanh cần cẩn trọng kẻo không thần sẽ giáng tai họa diệt vong xuống thành Vijaya này!
Phó vương dập đầu:
– Thần vâng mệnh!
Năm ấy việc thờ Phật Sakyamuni lan rộng toàn cõi Champa, thành Vijaya nối tiếp thành Indrapuka xây tháp thờ Sakyamuni tuy nhiên không hưng thịnh bằng, việc chiêm bái ngày càng sâu rộng trong hoàng gia nhưng ngoài dân chúng laị chưa được là bao. Thiền sư Thảo Đường từ Bắc Tống sang giảng pháp cho vương và hoàng thân quốc thích. Sứ giả Đaị Việt mang tặng vật của vua Trần gởi mấy bộ kinh và tôn tượng Sakyamuni Phật bằng đồng đen. cả thành Vijaya và hoàng gia hoan hỷ mến mộ Phật đạo cho dù vẫn còn tôn thờ phạm thiên. Cũng năm ấy, vua Chân Lạp biếu tặng một viên ngọc xá lợi, vua Tiêm La tặng bộ kinh tiểu bộ. Ngày rằm tháng trăng tròn Vesak. Vương dẫn bá quan và cả các thầy tư tế lên đồi đem ngọc xá lợi an trí trên ngôi tháp cao nhất của thành Vijaya.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất lăng thành, 6/2019
Recent Comments