Tôi đưa ông về thăm lại Cồn Cỏ vào một ngày trời nắng rát. Khi chuyến tàu đưa đoàn công tác vừa cập bến tại đảo tôi đã vội xun xoe hết che dù lại lấy mũ đội cho ông nhưng bị ông gạt phắt:
- Bao nắng non này nhằm nhò gì, ngày xưa bom đạn còn “rát” hơn bây giờ ông mày vẫn còn chịu được.
Tôi bật cười khi nghe ông kể, quay trở lại chiến trường xưa ông luôn đầy cảm xúc tự hào
Và giọng nói trở nên run run hơn khi chính thức đặt chân lên đảo. Ông đã đứng yên một lúc lâu khiến tôi nghĩ ông thấm mệt sau cả ngày ngồi tàu với gió dập sóng dồi, ngay cả người trẻ như tôi còn đừ, nhưng không, ông bất động vì nơi đây như làm ông ùa về biết bao kỉ niệm và cả sự can trường của ông và đồng đội ghi dấu. Tất cả cứ như một thước phim quay chậm đang chiếu lại trong đầu người lính già, “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm không để đảo rơi vào tay địch.
Bước chân của ông chậm rãi hơn khi nhìn khung cảnh xung quanh dần trở nên thay đổi, mọi thứ dường như rất khác khi hòa bình đã về trên đảo.
- Đồng chí Tấn đấy phải không? Phải đồng chí không?
Khi chúng tôi quay lại, họ là những người cũng trạc tuổi ông, mái tóc đều đã ngả màu
Điểm bạc, tất cả đều vận quân phục và trên ngực xanh áo lính đầy những huân chương. Đột nhiên tôi thấy khóe mắt ông rung rung và cả họ cũng vậy, ông chỉ kịp quay sang nói với tôi :
- Đồng đội của ông…
Rồi ngay lập tức chạy lại tay bắt mặt mừng. Mọi thứ dường như không được thời gian
Buông tha, những thanh niên trai tráng ngày xưa quên mình công hiến tất cả thanh xuân cho Tổ Quốc nay đã bắt đầu luống tuổi chậm chạp. Có những người đã bắt đầu mắc chứng quên của tuổi già, không nhớ được nhiều về những lần vất vả kháng chiến cùng nhau nhưng khi nhìn thấy nhau vẫn xúc động mạnh, cứ như một vết kim châm vào lòng, đau nhói rồi thức tỉnh. Lại có người nhớ như in mọi sự thao thao bất tuyệt cứ như mọi thứ vừa xảy ra mới chỉ hôm qua. Họ là những người đã cùng ông chiến đấu quên mình tại Cồn Cỏ – vọng gác tiền tiêu của miền Bắc.
Tôi nhớ có lần đoàn sinh viên tình nguyện của chúng tôi đã đến thăm Cồn Cỏ, tôi đã dậy từ rất sớm để đi “săn mây” trên ngọn hải đăng với ánh đèn chỉ dẫn khi trời vẫn còn nhập nhoạng để soi sáng cho tàu thuyền qua đảo. Đây là một trong hai cao điểm trên đảo. Tôi nhớ khi ấy đảo rất khác trong tôi, vì hòa quyện với mùi gió biển mặn chát là khung cảnh thiên nhiên hãy còn sớm và đường biển khơi tít tắp phía chân trời. Thế nhưng khi quay lại nơi đây cùng ông, Cồn Cỏ trong tôi lại như một bức tranh ai đó vừa tô lên một lớp màu nước mới: vùng đất của anh hùng.
Cao điểm còn lại của đảo là nơi xây dựng Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công, nếu cao điểm kia là hải đăng chỉ dẫn đường đi, thì Đài tưởng niệm cũng là ánh sáng để bao thế hệ mai sau mãi nhớ về những người đã nằm xuống để mang lại hòa bình cho dân tộc. Bao giờ đây cũng là nơi ông tôi và những đồng đội tới thắp nhang đầu tiên, họ sẽ nhớ về những người đã hi sinh đã từng cùng mình chiến đấu kề vai sát cánh, trải qua những phút giây hồi tưởng cùng mặc niệm.
Bây giờ đô thị hóa đã về với Cồn Cỏ, những trận địa rát mưa bom bão đạn ngày xưa chỉ còn là kí ức. Khi ông tôi cùng đồng đội cũ đi thăm từng nơi trên đảo đều hết thảy vui mừng, phố phường cảng thị mọc lên như nấm, kéo dài cả tới âu thuyền… Tôi cũng không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những bức ảnh đen trắng được phóng to ra treo trang trọng trong phòng truyền thống, quá khứ hào hùng là nền tảng cho thế hệ tương lai phấn đấu xây dựng huyện đảo thêm bền đẹp.
- Ngày xưa, khi địch tìm mọi cách chặn đường tiếp tế trên đảo, ông cùng đồng đội đã tự tìm kiếm nguồn lương thực trên đảo như lũ cua đá này.
Men theo đường biển những chú cua đá bò lổm ngổm mang một kí ức như những ngày
Gian khổ. Bác Hùng, lúc đó cười tươi hớn hở:
- Cháu đừng vội nghĩ chúng không ngon rồi thấy thương cảm, cuộc sống là phải lạc quan lên mới được. Bọn ông cũng nghĩ ra đủ mọi món ngon trên đảo, hồi đó còn vào rừng tìm rau rừng mà ăn, có cây gì nhỉ, à cây bàu đất, nấu với ốc biển và cua đá là thôi rồi bổ dưỡng.
Những giọng cười hào sảng vang lên, dường như các ông luôn muốn nhắc về quá
Khứ với những gì lạc quan và tươi vui nhất. Chúng tôi dừng lại để mua ít gốc bàng vuông được bán trên đảo do những người dân bán cho khách tới thăm về làm kỉ niệm. Ông kể nhiều đêm canh phòng buồn ngủ, miệng khô, thế là cứ quấn lá bàng lại đốt lên như hút điếu thuốc, khói lên the the, cay xè, thơm thơm…
Chúng tôi tạm biệt Cồn Cỏ với nỗi bịn rịn những đồng đội lâu ngày gặp lại của ông. Những câu hẹn không hồi kết và những câu chuyện tưởng chừng như dang dở được các ông hẹn ngày quay lại. Tất cả cứ như là một lời hứa, như lời hứa năm xưa các chiến sĩ đã nguyện thề quên mình bảo vệ Tổ Quốc quê hương.
Lê Hứa Huyền Trân
Recent Comments